5.
Mẹ chồng sắp xếp cho cô thiếp vào ở trong ngôi nhà cũ của thím Lưu.
Ông chủ Vu thực sự không thích nhỏ, người đi cả ngày rồi cũng không thấy ai đến tìm.
Ngày thứ hai nhỏ ở lại mẹ chồng mới hỏi tên nhỏ. Cô thiếp lắc đầu đáp, hồi ở nhà chỉ được gọi là nhóc này nhóc kia, về sau đến phủ Vu thì được gọi là Thập Cửu di nương, nhỏ không có tên.
Mẹ chồng nghe xong im lặng lúc lâu rồi nói:
- Hôm mày đến trăng vừa tròn, vậy thì cứ gọi là Nguyệt Muội đi.
Tôi sửa lại quần áo cũ cho Nguyệt Muội mặc, cuối cùng nhỏ đã được cởi bộ đồ rộng thùng thình kia ra.
Lúc mẹ chồng thu lại quần áo còn luôn miệng chửi thứ quần áo diêm dúa, quay lưng đã hăm hở ôm đống đồ đến nhà trưởng thôn hỏi giá. Tôi không biết bộ đồ đó bán được bao lâu, chỉ biết mẹ chồng cười toe toét về nhà. Mấy hôm sau tôi thấy vợ trưởng thôn có bộ đồ mới.
Chỉ là bộ đồ sặc sỡ làm bà ta có vẻ đen đi nhiều.
Nguyệt Muội bắt đầu học làm làm đậu hũ bằng cối đá trong nhà thím Lưu, làm xong sẽ mang đến mời mẹ chồng ăn.
Mẹ chồng miệng thì chê bôi, nhưng sáng nào cũng kê ghế ngồi trước sân chờ ăn đậu hũ nóng.
Dù sao Nguyệt Muội cũng còn nhỏ, tay nghề kém, làm mẹ chồng bị đau bụng mấy lần phải ba chân bốn cẳng chạy xuống ruộng để giải quyết. Nhưng hôm sau, bà ấy vẫn ngồi trước cửa chờ ăn đậu, bà ấy nói có đồ ngu mới thấy lộc không hưởng.
Tôi thì chẳng quan tâm. Bụng của tôi bắt đầu lộ rõ vẻ mang thai, cái thôn này không lớn lắm, chờ thêm mấy hôm nữa không tránh được có lời đồn nhảm.
Tôi không muốn giữ đứa bé này.
Mấy ngày nay, tôi vẫn luôn nghĩ cách để âm thầm phá thai mà không làm hại đến cơ thể.
Chuyện đồng áng trong nhà chỉ có mình tôi chăm lo, mẹ chồng lớn tuổi rồi, bảo bà ấy đi làm, bà ấy chỉ đứng cổ vũ được thôi.
Việc duy nhất bà ấy làm được là cuối thăm thu được chút rau dưa làm thành dưa muối, dưa muối ăn với cháo là món ngon tôi mới được ăn một lần duy nhất.
Tôi vừa nghĩ, vừa vác cuốc về nhà thì đột nhiên gặp Nguyệt Muội đang hốt hoảng chạy ra ngoài. Nhỏ vừa thấy tôi thì như gặp được cứu tinh.
Tôi thấy nhỏ có vẻ sốt ruột nên vội chạy theo nhỏ về nhà.
Vừa vào cửa, tôi nhìn thấy một cô gái gầy gò dắt theo một đứa trẻ. Chị ta đang trông chừng cái cối xay có giá nhất trong nhà, thấy tôi đến thì lập tức đứng dậy.
Ánh mắt của chị ta đảo qua tôi và Nguyệt Muội, cuối cùng mới quát lên:
- Sao lại có thêm một cô gái nữa đến? Anh Thạch Đầu đâu, gọi anh ấy ra gặp tôi!
Mẹ chồng thở than thím Lưu chết sớm quá.
Bà ấy bảo, nếu thím Lưu biết mình có đứa cháu lớn thế này, kiểu gì cũng phải gắng gượng sống tiếp để chăm sóc.
Lời này của bà ấy chủ yếu nói cho cô gái tên Hạnh Hoa kia nghe.
Biết được Thạch Đầu đã chết được nửa tháng, sắc mặt của chị ta trông rất khó coi. Chị ta nắm tay đứa bé nom mới ba, bốn tuổi thò lò nước mũi, ngồi xuống rồi lại đứng lên mấy bận. Cuối cùng, chị ta nhìn gia đình chắp vá này với cái cối đá ngoài sân, quyết định ở lại.
Tôi đoán có lẽ chị ta cũng chạy nạn đến đây, giọng của chị ta có lẫn khẩu âm vùng Lĩnh Nam.
Hạnh Hoa và Thạch Đầu gặp nhau trên đường chạy nạn.
Lúc trước trên đường bị bắt ra tiền tuyến, Thạch Đầu đã bỏ trốn một lần, chính lúc ấy cậu ta đã gặp được Hạnh Hoa gầy yếu bị cha mẹ vứt ở ven đường.
Dù sao cũng là một mạng người, Thạch Đầu không nhẫn tâm để Hạnh Hoa chết đói nên đã chia cho chị ta một nửa lương khô mình mang theo.
Hạnh Hoa nửa người còn đang nằm nhoài trong vũng bùn đã túm lấy lương khô ăn ngấu nghiến. Thạch Đầu đang vội chạy trốn, không có thời gian chăm sóc cho Hạnh Hoa, nhưng cậu ta vừa nhấc chân lên, mắt cá chân đã bị Hạnh Hoa ôm lấy.
Cậu ta cúi đầu, nhìn thẳng vào mắt cô gái mặt mũi lấm lem kia.
Thế là cả hai chạy trốn cùng nhau, hai người trốn đằng đông nấp đằng tây một thời gian, Thạch Đầu bị bắt lại.
Lúc gần đi, cậu ta nói địa chỉ thôn của mình cho Hạnh Hoa, để chị ta đến tìm mẹ mình. Thạch Đầu thích Hạnh Hoa, mẹ của cậu ta nhất định sẽ coi chị ta như con gái.
Thời cuộc hiện nay, một khi chia ly, chẳng biết được về sau đối phương sống hay chết.
Giống như khi Thạch Đầu về thôn không gặp được Hạnh Hoa nên ngầm coi như chị ta đã chết rồi.
Hạnh Hoa vốn không định tìm Thạch Đầu, kế hoạch ban đầu của chị ta là đến phương Bắc, tìm nơi chưa bị khói lửa chiến tranh chạm đến để mưu sinh. Nhưng chia tay được hai tháng, Hạnh Hoa phát hiện mình có con với Thạch Đầu.
Suy đi nghĩ lại, chị ta quyết định cho đứa bé này nhận tổ quy tông.
Hạnh Hoa lên đường đưa Tiểu Đậu Mễ về quê cha đất tổ. Một người phụ nữ và một đứa trẻ dắt díu nhau đi, khổ cực thế nào đoán bằng đầu gối cũng biết.
Chỉ là dù Hạnh Hoa chạy đến mòn đế giày vẫn đến chậm một bước.
Mẹ chồng chắp tay sau lưng, thở ngắn than dài:
- Cúc Hương là người có năng lực, tính thím ta mạnh mẽ. Nếu mày và Tiểu Đậu Mễ đến sớm một tháng, thím ta có thể ráng sống tiếp để chăm cho hai mẹ con, tiếc thay, tiếc thay…
Chúng tôi đều tiếc thương nhưng cũng mừng, chí ít Hạnh Hoa sống sót đến được thôn Xương Bình.
Thế đạo bây giờ, các nhân vật lớn đánh nhau giành quyền, các quý nhân vội lấy vợ với tăng giá thuê ruộng.
Thanh niên trai tráng lẫn lương thực trong thôn ngày một ít đi. Mấy người phụ nữ chúng tôi trong thời đại này, chỉ đành nương tựa vào nhau, cố gắng sống tiếp.
Hạnh Hoa là người miệng cứng lòng mềm. Lúc trước chị ta tưởng Nguyệt Muội muốn chiếm nhà của Thạch Đầu nên hay lườm nguýt nhỏ, về sau nghe được thân thế của Nguyệt Muội từ mẹ chồng thì hiền từ hơn nhiều.
- Đây là nhà của Thạch Đầu, về sau là nhà của Tiểu Đậu Mễ, em ở lại đây cũng được nhưng phải làm việc.
Lời nói của chị ta không dễ nghe mấy, nhưng lúc dạy Nguyệt Muội làm đậu hũ thì cẩn thận tỉ mỉ lắm.
Kể ra cũng trùng hợp, trước khi chạy nạn từ Lĩnh Nam đến đây, nhà Hạnh Hoa cũng mưu sinh bằng nghề bán đậu hũ.
Chị ta ăn miệng mồm thô kệch nhưng thạo việc, đậu hũ chị ta làm miếng nào cũng trơn nhẵn mềm mại. Nếu thím Lưu còn sống, không biết sẽ thích cô con dâu này đến thế nào.
Một ngày nọ, nhân lúc rảnh rỗi, mấy người phụ nữ chúng tôi kê ghế ra sân ngồi. Hạnh Hoa hỏi mẹ chồng trong cái túi cũ của bà ấy đựng bao nhiêu tiền mà mỗi ngày phải lôi ra đếm một lần đến mủn cả túi ra thế.
Mẹ chồng nghe xong thì nhảy dựng lên, cảnh cáo Hạnh Hoa đừng dòm ngó túi bạc của bà ấy, tiền đó bà ấy để dành cho Vân Sinh.
Hạnh Hoa nghe xong nhổ hai bãi nước bọt vào bà ấy, mắng bà ấy là thứ xui xẻo.
- Tôi đây có tay nghề để dựa vào, cần gì mấy đồng lẻ tiền quan tài của bà. Không hiểu cái người vắt cổ chày ra nước như bà sao lúc trước lại có lòng nhận Nguyệt Muội nữa.
Mẹ chồng nghe xong chỉ phẩy tay:
- Nhặt một đứa là nhặt, nhặt hai đứa cũng là nhặt thôi.
Dứt lời bà ấy bỏ vào phòng, để lại Hạnh Hoa và Nguyệt Muội đang kinh ngạc nhìn tôi.
6.
Phải rồi, tôi cũng được mẹ chồng nhặt về mà.
Năm xưa quê tôi gặp chiến loạn, cha mẹ dẫn cả nhà đi trốn, cuối cùng chết thảm dưới đao kiếm của giặc.
Mẹ chồng hồi đó vẫn chưa già, bà ấy vẫn tuổi tráng niên, là một quả phụ nổi tiếng siêng năng trong mười dặm tám hương.
Quan binh đến, bà ấy giao con trai cho người quen đưa tới phương Bắc, một mình ở lại chỗ này. Bà ấy đi nhặt đồ của người chết, thậm chí lột quần áo xác chết đem bán, xưa nay không sợ xui xẻo.
Bà ấy từng nói, chỉ có mấy quý nhân sống trong cung vàng điện ngọc về sau mới được đầu thai nhà tốt, chứ người như bà ấy chỉ có xuống địa ngục thôi nên chẳng ngại chuyện xấu gì cả.
Bà ấy đã tìm được tôi dưới thi thể cứng ngắc của chị gái.
Từ lúc nhìn thấy bà ấy, tôi run rẩy không ngừng.
Gương mặt bà ấy không thể gọi là hiền từ, nhìn thấy tôi thì mặt mũi cau lại.
Tôi cứ nghĩ bà già hung ác này sẽ lột da tôi để nấu canh thịt, nhưng bà ấy chỉ quay người lấy trong gùi cái áo dày nhất bà ấy lột được của người chết để ném cho tôi.
Bà ấy nói chỗ này đến đêm lạnh chết người, tôi sống được coi như bà ấy tích đức.
Sau đó bà ấy bỏ đi.
Tôi cuộn mình trong cái áo dày, run lập cập đuổi theo sau. Tôi theo bà ấy về nhà, giống như Nguyệt Muội từng đi theo tôi vậy.
Ban đầu bà ấy chê tôi tốn cơm, mắng mỏ xua đuổi tôi, muốn tôi tránh xa bà ấy ra. Tôi ngủ trong túp lều ở ngoài, bà ấy vừa ra khỏi cửa là tò tò đi theo.
Tôi học theo mẹ chồng, bà ấy lột quần áo người chết, tôi cũng lột.
Bà ấy nhặt được túi tiền của người chết, tôi ngồi xổm bên cạnh nhặt những mảnh bạc vụn lọt khỏi kẽ ngón tay bà ấy, dùng quần áo chùi sạch sẽ rồi đưa lại cho bà ấy.
Lâu dần, mẹ chồng cũng thấy tôi vừa mắt.
Có một ngày, trên đường bà ấy nhặt bạc về gặp phải tên lưu manh đầu thôn. Gã muốn cướp túi tiền của bà ấy, mẹ chồng sống chết không đưa, nói đây là tiền để dành cho Vân Sinh cưới vợ.
Gã lưu manh hạ quyết tâm, nhặt cục đá bên đường đập lên đầu mẹ chồng.
Gã đập lia lịa mấy cái, mãi đến khi bà ấy ngã xuống, máu chảy đỏ cả đất bùn, gã mới hung hăng giật túi tiền mẹ chồng vẫn nắm chặt trong tay.
Ngày đó, tôi dùng hết sức lực kéo mẹ chồng đang hôn mê về nhà, đỡ bà ấy lên giường, sắc thuốc cho bà ấy, tôi vừa làm vừa khóc không ngừng.
Tôi nhớ đến chị gái và em gái đã chết trước mặt, nhớ đến đôi mắt trợn trừng không thể khép lại của họ. Nghĩ tới khó khăn lắm tôi mới có bạn, vậy mà bây giờ bà ấy nằm ở đó, thở ra nhiều hít vào ít.
Tôi không ngủ không nghỉ chăm sóc ròng rã năm ngày liền, mẹ chồng mới dựa vào ý chí để tỉnh lại. Bà ấy vừa mở mắt ra liền nhìn thấy tôi nằm nhoài trên đầu giường, hai mắt sưng vù vì khóc.
Một khắc đó, trên mặt bà ấy hiện lên nét dịu dàng chưa từng có.
Tôi bị bà ấy kéo vào lòng, giống như trước đây chị gái từng ôm tôi.
Mẹ chồng nói:
- Kiếp này của tao cô độc góa bụa, người thân duy nhất chỉ có đứa con trai bị người ta đưa lên phương Bắc. Nếu mày không chê, về sau cứ gọi tao là mẹ, từ nay về sau mẹ con chúng ta nương tựa vào nhau.
Đúng rồi, trước khi gả cho Vân Sinh, tôi luôn gọi bà ấy là mẹ.
Bà ấy bỗ bã không kém Hạnh Hoa là bao.
Nhưng bà ấy thật lòng thương tôi.
Thời đại thế này, con gái nhà ai không phải chịu đói đến gầy ốm xanh xao, đi đường cũng loạng choạng. Nhưng mẹ chồng luôn kiếm đủ thức ăn cho tôi no bụng.
Bà ấy là người phụ nữ có năng lực, cũng dạy tôi thành một người nhanh tay hay làm.
Sau đó, tôi theo bà ấy sống trong thời loạn này mấy năm. Mãi đến một hôm, em gái ở phương Bắc của mẹ chồng gửi tin đến.
Cô ta nói:
- Vân Sinh lúc ra ngoài làm công bị bọn cướp bắt mất, đối phương muốn lấy một khoản tiền chuộc lớn, mong chị sớm gửi tiền đến.
Bà ấy nghe xong lảo đảo lùi về sau hai bước, cuối cùng ngã ngồi ra đất.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT