Cảnh Nào Là Cảnh Chẳng Canh Tân

Ngoại truyện: Thẩm Thính Lan


5 tháng


1.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Hướng Noãn là vào năm mười tuổi.

Tôi theo anh họ chạy đến một cổ trấn(*) chơi, trời vẫn còn tối, trên đường về nhà bắt gặp một bóng người nhỏ bé cầm đèn pin đi bộ.

(*) Là các thị trấn thương mại với các tòa nhà dân cư cổ có quy mô lớn và bề dày lịch sử hơn một trăm năm được bảo tồn tốt cho đến hiện tại.

Trong tiết trời lạnh giá của tháng 12 âm lịch, mỗi khi em nói chuyện phả ra từng đợt khí trắng, quần áo bông trên người to tướng đã ngả màu, không biết đã qua tay bao nhiêu người.

Anh họ là một người nhiệt tình, sau khi trò chuyện với em liền đưa em đến thị trấn, tiện thể mời em ăn sáng.

Lần thứ hai gặp em, là khi gia đình tôi làm từ thiện, muốn tài trợ cho mấy trường học.

Tôi theo anh họ trở lại thị trấn nhỏ nơi đã từng đặt chân đến trong một thời gian ngắn.

Anh họ tôi đang nói chuyện với hiệu trưởng về việc tài trợ, tôi thấy chán nên lang thang quanh trường. 

Trùng hợp đây là giờ nghỉ trưa của học sinh, tôi thấy có người đang âm thầm làm chuyện xấu trong lớp học. 

“Này! Bị tôi bắt gặp rồi nhé.”

Sau hai năm, em ấy không nhớ tôi.

Nhưng tôi nhận ra em ấy, vẻ ngoài của em không thay đổi, dường như cơ thể chỉ được phóng to theo cùng một tỷ lệ.

Em nhìn tôi chằm chằm và đe dọa: “Đừng khai ra tôi, nếu không tôi thả rắn cắn anh!”

Tôi đang định nói rắn ở đâu ra cơ chứ, liền thấy em lôi từ trong cặp sách ra một con rắn thật, cơ thể còn đang uốn éo.

Biểu cảm tôi đóng băng, theo bản năng lùi lại hai bước.

Em nở một nụ cười “ôn hòa” nhìn tôi.

Tôi lặng người nhìn em gấp con rắn lại làm đôi rồi dùng một cây lau nhà ướt sũng ấn xuống, rồi phủ một chiếc chổi lên trên.

Toàn bộ quá trình biểu hiện của em lãnh đạm và lí trí, không giống học sinh tiểu học một chút nào.

Em bảo với tôi, rắn không có độc, nhưng em dọa người mà không mang theo chút áp lực nào.

Những người bạn cùng lớp đó đã đặt rắn chết, chuột chết vào trong ngăn bàn để dọa em, tẩy chay và cô lập em.

Nếu bọn nó đã thích rắn như thế, em ấy liền đặt một con rắn còn sống và tặng bọn nó xem như một món quà.

Tôi nổi da gà khi nhớ lại hình dạng của con rắn quấn quanh tay em ấy.

“Em không sợ à?”

Em bình tĩnh gật đầu: “Tôi sợ chứ.”

Quả thật, lần đầu tiên em đã sợ hãi, gào khóc thảm thiết ở trong lớp.

Lúc đầu, cô giáo mắng đứa trẻ đã trêu em và đòi mời phụ huynh của đứa bé, nhưng em nói thôi bỏ đi.

Tôi không hiểu được: “Tại sao?”

“Mời phụ huynh thì sẽ mời cả cha mẹ tôi nữa, bọn họ sẽ không đến đâu, tôi còn bị đánh nữa.”

Em đáng thương cúi đầu, nước mắt lã chã rơi. 

Giây trước còn đang dửng dưng, giây sau liền òa khóc khiến tôi hơi bối rối.

Thấy phần lộ ra trên cánh tay còn có những vết bầm tím, bên hông cánh tay còn có vết rắn cắn, cơn giận của tôi bùng lên, căm phẫn trào dâng mà nói: “Em, em đừng khóc. Anh nói em này, đánh người là sai, em có thể báo cảnh sát để tống mấy người đó vào tù.”

Em ngẩng đầu nhìn tôi, nước mắt vẫn chưa vơi bớt nhưng trong ánh mắt em dường như lóe lên một tia sáng, em nhìn tôi đầy mong đợi.

Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy bản thân trở nên to lớn vĩ đại có một không hai, tựa như người hùng ánh sáng.

“Thật ạ?” 

Tôi gật đầu thật mạnh: “Thật.”

Sau này tôi mới biết được, em có báo cảnh sát, nhưng chẳng ăn thua gì.

Em ấy tên Hướng Noãn, học rất giỏi, tính cách lầm lì, cả trường đều biết gia đình em trọng nam khinh nữ.

Những đứa trẻ không có cha mẹ làm chỗ dựa sẽ luôn dễ bị mấy đứa trẻ khác bắt nạt hơn.

Trong giờ học buổi chiều, tiếng la hét của học sinh ở phía lớp học của em vang vọng khắp khuôn viên trường.

Chính là vì con rắn đó.

Ngày hè nóng nực, hơi nước trong đám lau bốc hơi nhanh, con rắn bị đè bên dưới cứ vùng vẫy liên tục.

Cây chổi em phủ trên cây lau nhà rơi xuống đất do động tĩnh của con rắn.

Tên nhóc ngồi cạnh đống chổi hàng cuối trong lớp chán nản, cúi xuống đỡ chổi lên thì thấy đầu rắn chui ra từ dưới đuôi cây lau nhà.

Trong chốc lát, tiếng la hét vang vọng, học sinh hốt hoảng bỏ chỗ chạy tán loạn, lớp học lập tức trở nên nhốn nháo hỗn loạn.

Tôi đi theo cô giáo để kiểm tra, em đứng giữa đám đông, dửng dưng nhìn nhóm học sinh gục xuống, có đứa khóc lớn, có đứa la hét. 

Như cảm nhận được ánh mắt của tôi, em quay đầu đối mặt với tôi, đột nhiên mỉm cười. 

Nụ cười có chút tự mãn, không có vẻ lưu manh đáng thương, thậm chí còn có chút... biến thái.

Tôi chợt nhận ra hình như mình bị em ấy lừa.

Không khỏi lo lắng. 

Nếu một người như vậy tiếp tục lớn lên trong tình cảnh này, tương lai khả năng cao sẽ gây hại và trả thù xã hội, đúng không?

Chiều hôm sau tan học, tôi chặn em lại.

Em nhìn tôi với vẻ mặt không mấy thiện cảm: “Làm cái gì?”

“Anh đưa em về nhà, Noãn Noãn.”

Em im lặng nhìn tôi: “Chúng ta không quen biết, đừng gọi tôi thân mật như vậy.”

Tôi thử khoác vai cô ấy, cười nịnh nọt: “Dù gì chúng ta cũng là chiến hữu cùng có một bí mật nho nhỏ mà, đừng ngại.”

Em liên tục lảng tránh và nhìn tôi chằm chằm.

“Đừng chê phiền. Em thực sự định đi bộ về nhà à?”

“Về sớm thì chỉ có ôm thêm việc vào người thôi.”

Vả lại, bị bắt gặp ngồi xe trở về nhà, em sẽ sống không được yên.

Tôi đến gần em và thì thầm: “Anh sẽ đưa em đến một nơi. Sắp đến giờ về thì anh sẽ đưa em đến một chỗ gần cửa nhà. Em thấy thế nào?”

“Không thấy thế nào cả.”

“Cam đoan em sẽ hài lòng.”

Em vừa định nói, tôi liền đe dọa: “Nếu không thì anh sẽ mách chuyện em thả rắn đó.”

Thấy em còn muốn phản bác, tôi đắc thắng cười nói: “Em biết không, nhà anh vừa giàu vừa có quyền thế, lời anh nói ra thì hiệu trưởng sẽ tin tưởng trăm phần trăm.”

Tôi đã thành công thuyết phục được em.

Tôi đưa em vào một con hẻm, giấu em vào một góc rồi nói: “Ở đây xem anh làm gì này.”

Em chỉ im lặng nhìn tôi chăm chú, ánh mắt lướt qua một tia khó hiểu.

Tôi vô thức quay đầu lại, ánh mắt đó chẳng mang ý tốt lành gì.

Đeo chiếc mặt nạ mới mua hôm nay và cầm một cây gậy trong tay, tôi chuẩn bị sẵn sàng.

Khi đợi được người mình muốn đợi, tôi lao ra đè người đó xuống đất.

Tôi đã cố ý điều tra, tên này là đứa đã đặt rắn chết trong bàn của em ấy.

Tên nhóc này là học sinh có nhà trong thị trấn, tôi nghe ngóng được đoạn đường cậu ta đi về nhà.

Anh bạn nhỏ bị dọa sợ rồi, không cầm được nước mắt mà hét lên.

Tôi hung hăng gầm lên: “Khóc khóc khóc, con trai mà khóc cái gì? Lúc bắt nạt bạn học sao không thấy nhóc khóc?”

Vừa nói, tôi vừa cầm cây gậy và dùng lực đánh vào mông thằng nhỏ hai cái.

Thằng nhóc bị đánh đến mức gào khóc, nghe thấy liền vội vàng lắc đầu: “Chừa, em chừa rồi ạ! Về sau em sẽ không bắt nạt bạn học nữa đâu!”

Bắt nạt trẻ nhỏ là không tốt, nhưng tôi đang giáo dục, vì tương lai tươi sáng của mầm non đất nước.

Tôi thật tuyệt vời.

Thả thằng nhóc đi, em ấy bước ra khỏi góc đường, tôi vội vàng kéo tay em bỏ chạy.

"Đi thôi, lỡ như tên nhóc đó tìm cha mẹ giúp thì sao!" 

Đợi đến khi đã an toàn, tôi cười với em một tiếng: “Thế nào? Sướng không?”

“Đánh một trận thì nhớ đó, nhưng chưa chắc gì chịu làm theo, nhàm chán.”

Em đang định rời đi. 

Tôi vác gậy đặt trên vai: “Em không muốn anh đưa em về à?”

Em dừng bước.

Trên đường về, em quay đầu nhìn ra bên ngoài.

Tôi thủ thỉ với em: “Em có muốn thoát khỏi đây không? Muốn thì cứ nói, nếu em giành được vị trí đứng đầu huyện trong kỳ thi trung học cơ sở, anh dẫn em đi.”

Em không đáp lại, nhưng tôi biết đề nghị này khiến em lung lay.

Thật lâu sau, em cuối cùng cũng mở miệng: “Kiểu người lòng tốt bao la như anh, coi chừng bị người ta hốt hết tiền trong nhà.”

Tôi trả lời em: “Anh không có lòng tốt bao la.”

3.

Em ấy thực sự không chịu thua kém, thi đậu được vị trí đứng đầu toàn huyện. 

Trùng hợp ngay lúc ông bà tôi về thị trấn quê hương để dưỡng già, tôi giúp em ấy thương lượng xong xuôi, tiến hành các thủ tục nhập học trong. Lúc đi học, em sẽ ở lại nhà cũ của của Thẩm gia cùng ông bà tôi.

Em từ chối, không muốn ở nhà người ta mà ăn không ngồi rồi, nên tôi nhờ ông bà sắp xếp cho em nhiệm vụ rửa bát. Khi cuối tuần rảnh rỗi, em sẽ chạy đến mấy cửa tiệm trong thị trấn, nhận phát tờ rơi hoặc làm mấy việc lặt vặt.

Tôi tin em sẽ nhất định không bị “hắc hóa” đâu, khó lắm mới có dịp ông đây thể hiện lòng tốt muốn giúp ích cho xã hội mà.

Để xác nhận tình hình của em ấy, tới kỳ nghỉ là tôi sẽ chạy đến đó chơi, ngày nào cũng đi làm phiền em.

Không biết từ lúc nào, mỗi khi bắt gặp đôi mắt sáng ngời của em ấy, tim tôi bỗng đập nhanh đến lạ.

Tình yêu thuở thiếu thời ngày một khắc sâu theo thời gian.

Em không chịu nhận quà đắt tiền, nên tôi tìm video trên mạng học làm một chiếc vòng tay, đem tặng cho em vào lần sinh nhật đầu tiên của em tính từ lúc bắt đầu ở cùng nhau.

Vào năm em thi lên cấp Ba, theo yêu cầu của tôi, em tự tay đan cho tôi một chiếc khăn như quà đáp lễ, tôi đeo nó vào và vui vẻ cả ngày trời.

Cuộc sống lúc trước của em rất khổ cực, cho dù em đã chạy trốn lên thị trấn, thì vợ chồng Hướng gia cũng sẽ lợi dụng thân phận người giám hộ hợp pháp để nắm thóp em.

Nếu không phải có lần tôi thấy em khập khiễng đi cà nhắc thì tôi cũng không biết được, em bị Hướng gia dọa dẫm bắt quay về nhà.

Tôi nổi cơn tam bành, nhưng em nhanh chóng ngăn lại, không để tôi tống vợ chồng Hướng gia vào tù.

Ít nhất thì cũng phải đợi em ấy thoát khỏi Hướng gia đã.

“Em hận người nhà họ Hướng, nên em không thể để cái nhà đó hủy hoại cuộc sống của mình.” 

Em kể rằng khi còn nhỏ, em cứ tưởng bản thân nghe lời và hiếu thảo sẽ thay đổi được sự chán ghét của vợ chồng họ Hướng đối với em, nhưng đổi lại, cái em nhận được là giây phút suýt chết vì bị siết cổ vào năm năm tuổi.

Sau đó em học cách chống chọi lại, thì sẽ nhận về những trận đòn roi và mắng mỏ thậm tệ.

Cuối cùng em cũng hiểu được làm sao để nắm bắt tâm tư và điểm yếu của một người.

Em biết cách mềm nắn rắn buông, biết cho người ta lợi ích vào đúng lúc, tất cả chỉ để được sống tốt hơn.

Về phần Hướng gia, đặc điểm lớn nhất chính là yêu tiền, sợ nhất chính là gặp phải người mạnh hơn mình.

Tôi không nhịn được hỏi em ấy: “Vậy em đối với anh là gì? Chẳng lẽ chỉ để lợi dụng anh, giúp cho cuộc sống của em tốt hơn thôi sao?”

“Là tự anh đến tìm em.” Em quay mặt đi.

Em chỉ đang nói sự thật. Nhưng tôi đã tức điên lên!

Em quay mặt đi là có ý gì!

Tôi quyết định sẽ không nói chuyện với em trong một ngày!

Đêm đó, tôi dặn dò đầu bếp cố ý thêm hành tây mà em ghét nhất vào tất cả các món ăn.

Tôi nhìn em bình tĩnh gắp thức ăn cho vào miệng, càng tức giận hơn!

Đồ ngốc, rõ ràng không thích còn ép buộc mình ăn!

“Con không có khẩu vị, không ăn nữa.”

Trước ánh mắt hóng hớt của ông bà, tôi đặt bát xuống rồi bỏ lên lầu. 

Khoảng chín giờ, tôi hơi đói và đang định ra ngoài kiếm gì đó ăn thì có tiếng gõ cửa.

Tôi mở cửa, em ấy bưng vào một bát mì.

Đối mặt với bát mì, tôi không giận nổi.

Em ấy ngồi bên cạnh và nhìn tôi ăn khiến tôi thấy xấu hổ.

Em đột nhiên nói: “Thẩm Thính Lan, anh khác với những người khác.”

Tôi vừa cho một ngụm mì lớn vào miệng, cố nhai nhai nuốt nuốt, vội vàng hỏi em: “Noãn Noãn, em có thích anh không?”

“Anh bị bệnh à?”

Tôi: ?

Tôi nhớ tiểu thuyết nói rằng những đứa trẻ lớn lên trong điều kiện gia đình như vậy luôn không biết tình yêu là gì. 

Thế là tôi tìm một đống tiểu thuyết, tiểu thuyết vườn trường, tiểu thuyết tổng tài bá đạo, chọn qua chọn lại đều không thấy ưng bụng nên quyết định tự mình viết.

Sau hai ngày đấu tranh, tôi đã đưa cho em ấy cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, bảo em đọc kỹ vào.

Ngày hôm sau, em ấy trả lại cho tôi và bảo tôi hãy chăm chỉ và cố gắng, nhất định sẽ thành công.

Tôi đang phấn khởi vì em ấy đã thông suốt chỉ sau vài ngày, cho đến khi tôi nhìn thấy những lỗi chính tả và vài câu được đánh dấu bằng bút đỏ, còn ghi chú chỗ nào nên có tiết tấu chậm, đoạn nào nên xóa bớt.

Cứ tưởng là tình cảm học đường lãng mạn.

Thực tế là: biên kịch gà x biên tập tài năng. 

4.

Em đi cùng tôi lên đỉnh núi để ngắm ngắm bình minh, bầu trời phương đông dần đỏ lửa, người chung quanh ngẩn ngơ ngắm nhìn.

"Em đang nghĩ gì thế?" Tôi vươn tay, vung qua vung lại trước mặt em.

Em hoàn hồn và mỉm cười với tôi: “Chỉ là chưa từng nghĩ tới cũng có ngày mình được nhàn rỗi ngắm bình minh thế này.”

Vài tiếng chim hót vang vọng khắp ngọn núi vào buổi sớm, tôi vỗ vào vai em.

“Này thì có là gì đâu! Sau này, anh sẽ còn dẫn em đi ngắm biển, xem thảo nguyên, nhìn sa mạc."

Thật không may, trong lúc chờ mặt trời mọc, Noãn Noãn bị ốm và lên cơn sốt vì gió lạnh. 

Em cười bất lực: “Sao cái thân tàn tạ thế này, khi cuộc sống càng khấm khá lại càng dễ ốm đau.”

Tôi nhìn em mà lòng tự trách, nghĩ lần sau đưa em đi chơi nhất định phải chuẩn bị nhiều biện pháp bảo vệ.

Đang dựa vào trên giường, em ấy đột nhiên hỏi: “Thẩm Thính Lan, em có nói với anh chưa, là em có bệnh?”

Tôi dừng động tác, dở khóc dở người nhìn em: “Em thành ra cái dạng này rồi, không cần nói anh cũng biết em bị bệnh.”

“Không phải bệnh này.”

“Ngoan, có bệnh thì mình uống thuốc nhé.”

Tôi ngắt lời, đưa thuốc sang cho em.

Tôi biết em đang định nói với tôi điều gì, em có bệnh tâm lí.

Có khi tự dưng lại hưng phấn tột độ, còn muốn đập phá đồ đạc. Có khi lại hờ hững, chống đối lại tất cả mọi người, không muốn nhìn người khác vui vẻ.

Chỉ là em quá lý trí, luôn kìm nén bản thân và biết cách che đậy rất tốt. 

Trong lúc mơ mơ màng màng, em ấy hỏi tôi: “Thẩm Thính Lan, tại sao những đứa trẻ khác đều có cha mẹ yêu thương, còn em lại không có? Có phải do em xấu xa không?"

Đó là lần đầu tiên tôi thấy em ấy mong manh đến vậy, tôi chạm nhẹ lên đầu em, trấn an: “Sao có thể? Noãn Noãn là đứa trẻ tốt nhất trên thế gian này.”

“Phải không?”

Em ngẩn ra, ngoan ngoãn nhắm mắt lại, thôi không khóc nữa.

Tôi nhìn thấy đôi mày em nhíu lại, nghĩ rồi lại bảo: “Khi còn nhỏ, lúc không ngủ được thì cha mẹ thường đọc truyện ru anh ngủ. Noãn Noãn, để anh đọc cho em nghe nhé.”

“Được.”

Em đáp, nhỏ đến mức tôi gần như không nghe thấy.

Ngay khi tôi nghĩ rằng em đã ngủ, em đột nhiên mở miệng: “Thẩm Thính Lan, anh thật tốt.”

Tôi mỉm cười chạm nhẹ vào trán em để dán miếng hạ sốt lên. 

Sau đó, em ấy đón Lai Lai về sống cùng trong một căn nhà thuê, em bảo cuối cùng em cũng có được một căn nhà của riêng mình.

Cũng không biết vì sao, em vô cùng muốn có tiền.

Trong đầu tôi chợt lóe lên một cảm hứng, tôi nói: “Anh nghe nói, khi ông trời mang đến đau khổ cho một người, thì cũng sẽ bù đắp bằng một cách khác. Sao em không đi mua vé số thử?”

Em vẫn đang vùi đầu làm bài tập hè, bảo: “Em không tin thần Phật, em còn chưa đủ tuổi thì đi mua vé số làm gì.”

“Thì nhờ người khác mua giúp.”

Em kì kèo không lại tôi, cuối cùng vẫn làm theo.

Em ấy trúng thưởng và nhận được số tiền sau thuế là 33,44 triệu.

Tôi bảo em ấy mời cơm tôi, em mím môi nhìn tôi, một hồi mới nói bằng giọng ghét bỏ: “Thẩm Thính Lan, hình như anh đầu óc anh không sáng dạ lắm.”

Tôi thò tay đè đầu em: “Nói vớ vẩn cái gì đấy hả?”

“Ê ê, thả tay nào. Bị đè xuống là không cao lên được!”

5. 

Em ấy trở về nhà họ Lục, nhưng tôi không ngờ em ấy bị sốt tới mức phải nhập viện.

Hai vợ chồng bên Lục gia tuy mỗi ngày đều đến, nhưng thường thì em toàn ở trong phòng bệnh một mình.

"Làm sao lại bị sốt?" Tôi hơi tức giận.

Em thấy tôi tức giận liền dỗ dành nịnh nọt, bảo: “Ngoài ý muốn mà.”

Đêm đầu tiên em về nhà họ Lục quậy đục nước, tôi đặc biệt lái con xe điện nhỏ được thiết kế riêng đi đón em.

Vừa vặn có dịp để cho em trải nghiệm cảm giác nữ chính phim thần tượng ngồi sau xe đạp cho gió đêm thổi qua má.

Hừm… thôi thì xe điện cũng không khác xe đạp là mấy.

Còn tôi chính là nam chính trong định mệnh của em ấy, thật là vui.

Người nhà họ Lục chạy tới hỏi tôi sở thích của em.

Tôi biết trong lòng Noãn Noãn thật ra cũng có chút chờ mong.

Ngay cả khi chút xíu kia rất nhỏ bé, tôi cũng không muốn em thất vọng chút xíu nào.

Nên tôi đã nói hết với người nhà họ Lục.

Noãn Noãn thích uống sữa dừa, trái cây yêu thích là nho, màu sắc yêu thích là đen trắng.

Em thích ăn thịt, thích ăn thịt dai một chút. Ghét hành tây, củ cải đường, bông hẹ, mướp đắng, ngửi thấy mùi tanh cá sẽ muốn nôn.

Đây là những kinh nghiệm tôi tích góp được, không dễ gì mới chia sẻ.

Suy cho cùng, ngay cả khi em không thích đồ ăn thì em vẫn bình tĩnh ép mình ăn.

Em thích xem phim hoạt hình, đặc biệt là Doraemon.

Thích Doraemon là vì ghen tị với Nobita.

Thích Optimus Prime Iron Man vì em ấy muốn mình trở nên mạnh mẽ.

Noãn Noãn phàn nàn với tôi về việc đi mua sắm với bà Lục rất mệt, nhưng tôi biết em rất vui.

Em ấy trở về Lục gia, điều duy nhất tôi không ngờ tới là Lục Minh Vũ như có bệnh trong người, tự nhiên ngày nào cũng tìm tôi, hai thằng già đầu ngồi tâm sự tuổi hồng, có lúc còn gọi video cho tôi! Thật hoang đường!

Tôi còn nhận thấy anh ta đang quan sát tôi nữa, thôi bỏ đi, cứ để anh ta làm.

Chỉ cần Lục gia có thể đối xử tốt với cô ấy, thì tôi sẽ để họ muốn làm gì thì làm.

Nhưng Lục gia đã làm tôi thất vọng. 

Một đêm nọ, một cú điện thoại đánh thức tôi dậy.

Tôi xem qua, đó là Lục Minh Vũ. 

Anh ta nói rằng Lục Minh Châu muốn lái xe tông Noãn Noãn, nhưng cuối cùng vẫn bừng tỉnh và bẻ lái.

Bà Lục muốn giúp Lục Minh Châu trong vụ kiện này mà anh ta không thể làm trái ý mẹ mình.

“Lục Minh Vũ con mẹ nó anh có bệnh hả? Không, cả nhà họ Lục các anh con mẹ nó đều có bệnh! Lúc trước bảo anh đến bệnh viện nhà họ Thẩm chúng tôi chữa não quả là đ.éo có sai, *****.”

Tôi không thể kìm được mà chửi tục, nghĩ lại trong lòng vẫn thấy sợ hãi. 

Người mà tôi nâng niu bảo vệ lâu như vậy, Lục gia vậy mà khiến em chịu đựng nhiều như thế.

Tôi gọi điện cho Noãn Noãn, em hỏi tôi tại sao ở chỗ tôi đã khuya rồi mà tôi vẫn chưa ngủ.

Nghe em giả vờ ung dung, tôi biết em đang cố giấu tôi. 

Tôi gọi cho cha mẹ mình. 

Lục Minh Vũ yêu cầu tôi không được nói với Noãn Noãn rằng anh ta đã tìm đến tôi.

Tôi chế giễu anh ta, nói hay không có gì khác biệt hả?

Tôi cầm điện thoại cả một đêm không ngủ, đợi thời gian trong nước trôi đến sáng hôm sau, nghĩ chắc em ấy đã thức, liền gọi điện thoại để hỏi chuyện.

Tôi muốn trở về nước, em không cho. Sau cùng, còn vô cùng nghiêm túc nhấn mạnh: “Thẩm Thính Lan, hãy tin em có thể giải quyết được. Từ lúc mới gặp nhau anh đã bắt đầu giúp em, cho tới tận thời điểm hiện tại, chuyện của em đều có anh đứng phía sau chống lưng. Anh có việc của riêng anh, không cần luôn vì em mà bỏ dở việc giữa chừng, em muốn của cải và quyền thế của Lục gia là để được tiến đến gần anh hơn, để không còn làm vướng chân anh nữa.”

Hiếm có được dịp tỉnh táo mà em ấy chịu bày tỏ tình cảm của mình dành cho tôi một cách trực tiếp như vậy, tôi rất vui, nhưng cũng rất đau lòng.

6.

Lúc tôi và Noãn Noãn kết hôn, người bên nhà họ Lục chỉ có mỗi Lục Minh Vũ tham gia.

Lục Minh Vũ nói ông bà Lục và Lục Minh Thành vướng việc ở nước ngoài, nhưng thực chất là do Noãn Noãn không có mời bọn họ.

Anh ta được mời không phải với thân phận anh trai, mà là thân phận tổng giám đốc Lục thị

Tuy rằng, hiện tại Noãn Noãn nắm tỉ lệ cổ phần lớn nhất trong Lục thị, nhưng em không nhúng tay vào mà để cho người Lục thị kiếm tiền về cho mình.

Video chúc phúc của ông bà Lục được ghi hình trước đó và phát sóng trong đám cưới.

Noãn Noãn nói, nếu không sợ hôn lễ này không bị người ngoài dòm ngó, cái video này em cũng không muốn chiếu.

Tôi vỗ nhẹ bàn tay của em.

Trong đám cưới, mẹ tôi rất vui vẻ, thậm chí nhìn thấy một vị phu nhân thường ngày bà cực ghét cũng vẫn cười rất tươi. 

Ông bà tôi cũng vui vẻ đến mức không thèm giấu giếm, lúc nào cũng nhe miệng khoe bộ răng giả mới toanh.

Tối đến, tôi chuyển cho Noãn Noãn 520 vạn.

Em nghi hoặc nhìn tôi.

Tôi ôm lấy em và hỏi: “Em có nhớ số tiền trên tờ vé số hồi đó không?"

“33,44 triệu.” Tôi vừa định nói đã bị em cướp lời: “3344520. Lục Hướng Noãn đời đời kiếp kiếp yêu Thẩm Thính Lan.”

“Cầm tiền của anh rồi, thì ý nghĩa phải là Thẩm Thính Lan đời đời kiếp kiếp yêu Lục Hướng Noãn.”

“Thẩm Thính Lan, anh lớn bằng này tuổi rồi, mà còn học mấy bộ số của tụi nhỏ cấp Hai để tỏ tình. Hơn nữa, ở đâu ra tiền của anh?” Em cười dịu dàng nhìn tôi: “Là tiền em trúng số.”

Cuộc sống sau khi kết hôn an ổn hạnh phúc, thi thoảng cũng có thêm chút gia vị lãng mạn.

Có điều, tôi và cha tôi nhìn nhau có hơi không vừa mắt.

Ông nói, vợ mày đi trốn với vợ cha rồi, tôi nói, vợ cha mới cướp vợ yêu của con.

Sau này, tôi và Noãn Noãn sinh con gái, con nhóc trông rất giống mẹ, cũng cực kỳ dính mẹ.

Tôi chụp ảnh hai mẹ con, đăng lên vòng bạn bè.

“Chào buổi sáng buổi trưa buổi chiều, tuổi tuổi bình an.”


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play