Nữ Phụ Độc Ác Giác Ngộ Rồi

Chương 4: Về thăm


2 tháng

trướctiếp

Sáng sớm, Minh Tuệ thức dậy trong tiếng chuông điện thoại. Cô cố chống lại cơn buồn ngủ, mò mẫm điện thoại nghe máy. Đầu dây bên kia là giọng nói của nhân viên giao hàng, một vài đơn cô đặt trước đây đã giao đến rồi. Minh Tuệ dụi mắt, vò vò mớ tóc rối bù, tìm lược chải gọn rồi đeo khẩu trang ra mở cửa.

Cô ngồi nhìn đống kiện hàng to bự trong phòng khách, băng keo dán khá chặt, không xé bằng tay được. Cô mò tìm chìa khóa nhà, một tay kéo căng túi ni lông, một tay cầm chìa khóa đâm mạnh để xé túi. Lần này giao về hai chiếc chiếu, hai cái gối, hai cái mền, một bộ dao bếp và một đống đồ trang trí nhà cửa.

Minh Tuệ ôm đồ lên lầu, trải một chiếc chiếu lên giường, bỏ gối và mền gọn gàng, chiếc chiếu và mền gối còn lại xếp vào tủ. Sau đó cô đem bộ dao vào nhà bếp rồi mới bắt đầu tính toán trang trí nhà cửa.

Cô treo một chiếc chuông gió lên cửa trước, đặt chiếc đồng hồ cát lên quầy bar mini cùng một chậu sen đá, trên kệ ti vi là một khung ảnh, trong ảnh là bé gái khoảng mười tuổi, ôm cây chổi còn cao hơn người, đứng ngẩng đầu nhìn lên cây bồ đề xanh tươi. Tấm ảnh này là một du khách đến thăm chùa chụp được, cảm thấy đáng yêu nên tặng lại cho cô. Minh Tuệ mười tuổi lần đầu nhận được một món quà từ người lạ, vô cùng yêu thích, vẫn giữ gìn thật kỹ cho đến tận bây giờ.

Cô ngẩn ngơ nhìn bức ảnh, lòng bồi hồi nhớ lại những ngày tháng rất xưa ấy. Những ngày vô lo vô nghĩ, bình yên thanh thản, từ từ lớn lên trong tình thương bao la. Xa cách nhiều năm, cô chưa từng có một lần về thăm quê. Lúc nhỏ không thể tự đi, lớn rồi thì công việc bề bộn, thỉnh thoảng đi công tác ngang qua, chỉ có thể dừng lại vài giây rồi lại phải đi tiếp.

Minh Tuệ thay một bộ quần áo kín đáo lịch sự, dắt xe ra ngoài, lôi trong cốp xe ra một cái váy chống nắng quấn quanh eo rồi mới nổ máy chạy đi. Xe men theo tỉnh lộ, đổ dốc năm phút, rẽ vào quốc lộ mười lăm phút rồi dừng lại trước một ngôi chùa nhỏ. Minh Tuệ gửi xe, soi vào gương chiếu hậu chỉnh trang cẩn thận rồi mới bước vào chùa.

Chùa rất vắng, trên sân có hai chú tiểu đang quét lá bồ đề, thấy có người đến thì cúi chào rồi lại tiếp tục công việc. Minh Tuệ dựa theo ký ức, đi vào điện thờ thắp nhang. Trong không khí thoang thoảng mùi khói thơm nhè nhẹ, từ đâu có tiếng mõ đều đều, rất ấm cúng và bình yên.

“Minh Tuệ? Có phải Minh Tuệ về không?”

Một giọng nói quen thuộc vang lên sau lưng, Minh Tuệ quay đầu lại, nhìn thấy một vị sư cô lớn tuổi. Bà bước vào từ phía sau điện thờ, trên nét mặt không dấu được vẻ vui mừng và thấp thỏm. Lúc Minh Tuệ rời đi vẫn còn rất nhỏ, có những người những vật đã trở nên mơ hồ, mà người thì sẽ già đi, dáng vẻ sau mười ba năm đôi khi lại là khác biệt rất lớn. Minh Tuệ nhìn bà, cố gắng từ những vết chân chim bên khóe mắt bà để khơi dậy một mảnh hồi ức đã phủ bụi.

“Sư cô Hòa?”

Sư cô Hòa mừng lắm, bước đến nắm lấy tay Minh Tuệ. Cảm nhận được độ ấm dịu dàng bao lấy đôi bàn tay, khoé mắt Minh Tuệ chợt ướt.

“Đúng là Minh Tuệ rồi. Mười ba năm, mọi người ai cũng nhớ con. Con ở nhà mới sống có tốt không?”

Minh Tuệ cố nén giọt lệ vui mừng, cười đáp: “Tốt lắm ạ. Con gặp được rất nhiều người tốt bụng, cũng rất quan tâm con. Cuộc sống cũng thuận lợi lắm ạ.”

Sư cô Hòa vỗ vai cô: “Sống tốt là được rồi. Mau vào đây, mọi người nghe tin con về thăm sẽ vui lắm.”

Minh Tuệ đi theo bà ra phía sau, nhìn cảnh vật chưa từng thay đổi mà thấy lòng bồi hồi đến lạ. Cô hỏi: “Mọi người vẫn khỏe chứ ạ?”

“Khỏe. Sư với mọi người đều khỏe. Ai cũng nói nhớ con. Mấy chú tiểu trạc tuổi con bây giờ có người đã hoàn tục, có người vẫn còn ở trong chùa. Con về có gấp không? Ở lại ăn bữa cơm với mọi người rồi hẵng đi.”

Minh Tuệ gặp lại rất nhiều người. Mỗi lần gặp một người, một số kỷ niệm vốn đã mờ nhạt bỗng hiện lên sống động. Rõ ràng đã trải qua hơn một thập kỷ, nhưng tất cả dường như vẫn như thuở ban đầu, giống như đang chờ đợi một người tha hương tìm về.

“Thầy con có đang ở đây không? Con muốn chào thầy một tiếng.”

Thầy của Minh Tuệ là trụ trì của chùa. Năm đó khi tìm thấy đứa bé bị bỏ rơi trước cổng, thầy bế bé lên, bé lập tức nín khóc rồi bật cười, mấy ngón tay bé xíu níu lấy áo cà sa của thầy. Thầy bảo đứa bé này có duyên, đặt tên cho bé, tự tay chăm sóc bé lớn lên.

Sư cô Hòa nhìn thời gian rồi nói: “Bây giờ chắc thầy đang nghỉ ngơi. Con đi tìm thầy đi, sư vào bếp phụ mọi người.”

Minh Tuệ chia tay bà rồi men theo hành lang đi về phía trước. Cô vẫn nhớ như in đường đến phòng nghỉ của thầy. Dừng lại trước cánh cửa gỗ khép chặt, giọng nói già nua nhưng vẫn đều đều tụng kinh vang lên từ bên trong. Từng âm thanh xuyên qua màng tai, Minh Tuệ như nhìn thấy bóng người cao lớn gõ từng tiếng mõ, đứa bé nhỏ tuổi bập bẹ đọc theo thầy. Đã lâu lắm rồi không được nghe tiếng thầy tụng kinh, cô lưu luyến cái khoảnh khắc này, không dám gõ cửa, chỉ đứng yên ở đấy lắng nghe.

Chợt tiếng mõ bên trong dừng lại, cánh cửa gỗ từ từ mở ra.

“Bên ngoài nắng lắm, vào đi con.”

Minh Tuệ bước vào, chăm chú nhìn thầy. Thầy đã già lắm rồi, cũng gầy đi nhiều, nhưng vẫn từ bi và phúc hậu như trong trí nhớ. Lúc rời đi, Minh Tuệ chỉ mới cao đến eo thầy, túm lấy vạt áo thầy khóc nức nở. Giờ đây cô đã lớn, trở về lại, lòng khao khát mình bé đi, lại làm một đứa trẻ, sớm tinh mơ thức dậy cùng thầy ngồi thiền.

Bao nhiêu uất ức trong lòng lúc này không tài nào đè nén nổi nữa, vỡ òa ra, cô khóc òa lên: “Thầy ơi! Con nhớ thầy, nhớ mọi người lắm! Ở nhà mới con sống không tốt chút nào. Nhiều lúc con nghĩ hay là bỏ hết đi, chạy trốn đi. Nhưng con không làm được! Con mệt lắm thầy ơi!”

Sư trụ trì rót một tách trà ấm đưa cho cô: “Thầy biết. Đời người có những chuyện không thể tránh khỏi. Con đã rất cố gắng rồi.”

Giọng nói của thầy tựa như tiếng mõ vọng về trong buổi sớm mai, làm dịu đi nỗi uất ức suốt mười ba năm, Minh Tuệ bình tĩnh lại.

Thầy lại nói: “Khi con đi, thầy đã tính cho con một quẻ. Sắp tới có thể con sẽ gặp một kiếp nạn lớn. Nếu vượt qua được, con sẽ tìm thấy câu trả lời mình muốn. Nếu không, e là khó mà giữ được bản thân.”

“Kiếp nạn như thế nào ạ?”

Sư trụ trì lắc đầu. Minh Tuệ cũng hiểu, có những thứ không phải cứ muốn biết là sẽ biết. Cô cũng không vì chuyện này mà lo lắng. Từ nhỏ cô đã theo thầy học tập, dù không tinh thông nhưng ít nhất tâm trí vẫn vững vàng, không dễ bị lung lay bởi tạp niệm, cũng nhờ vậy mà cô mới có thể sống mười ba năm ở cái gia đình khắc nghiệt đó mà vẫn giữ được bản tâm.

Thầy lấy ra một chuỗi hạt, đưa cho Minh Tuệ: “Con hãy cầm lấy thứ này, lúc nguy cấp, nó có thể giúp ích cho con phần nào.”

Minh Tuệ nhận lấy chuỗi hạt, đeo vào cổ tay phải. Hạt gỗ trơn nhẵn mát lạnh chạm vào da, khiến người ta cảm thấy yên tâm.

Trưa hôm ấy, Minh Tuệ ở lại chùa ăn cơm. Bữa cơm chay đạm bạc, có rau canh và đậu hũ, là mùi vị đơn giản mà ngon miệng, ăn bao nhiêu cũng không no.

Thật ra là nói quá lên thôi, qua ba chén cơm thì Minh Tuệ đã no căng rồi.

Mọi người còn muốn trò chuyện tiếp nhưng Minh Tuệ vẫn còn nhiều việc trong nhà, cô chào tạm biệt rồi rời đi. Từ nay về sau cô sẽ sống ở nhà mình, cách có hai mươi phút chạy xe, sau này cũng sẽ thường xuyên quay về thăm. Cô không chạy thẳng về nhà mà ghé vào chợ. Dạo một vòng hai tiếng đồng hồ, yên sau xe đã chất đầy đồ đạc lỉnh kỉnh. Nào là nồi chảo, rau thịt, gia vị mắm muối, một cái ấm đun siêu tốc và hai thùng mì gói.

Minh Tuệ về đến nhà đã là bốn giờ chiều. Nhật đang tưới mấy chậu hoa trên bệ, vừa ngẩng đầu đã nhìn thấy Minh Tuệ chở một xe đồ đạc vào cổng, đống đồ phía sau chất cao che khuất luôn cả người phía trước. Anh cất tiếng gọi: “Mua nhiều đồ thế em? Có cần anh phụ gì không?”

Minh Tuệ lách người xuống xe, vẫy tay đáp lại: “Dạ thôi anh em tự làm được. Chuẩn bị nhiều một chút, tân gia đãi anh một bữa ngon.”

Nhật bật cười thành tiếng, khóa vòi nước lại rồi sang đường. Nhà Minh Tuệ được bao quanh bằng một hàng rào hoa râm bụt, cổng được làm từ ván cao su, chỉ cao đến nửa người. Minh Tuệ thấy anh sang thì chạy ra mở cổng. Anh bước vào, quả nhiên nhìn thấy mấy nút buộc túi ni lông đã thành nút chết, bị người nào đó kéo suýt thì rách toạc. Minh Tuệ cũng thấy thành phẩm của mình, hơi xấu hổ, đang kiếm cớ giải thích thì thấy anh hàng xóm cúi người xuống, loay hoay một lúc đã gỡ được mấy cái nút cứng đầu ra.

Minh Tuệ cảm ơn anh rồi xách đồ vào nhà, đi một bước là mấy cái nồi nhôm lại va vào nhau lạch cạch, cứ như một người máy hậu đậu bước vào nhà.

Treo nồi chảo lên giá, xếp mấy chai lọ gia vị lên kệ, rau thì sơ chế rồi quấn màng bọc thực phẩm cho vào tủ mát, thịt thì rửa sạch rồi bọc lại cất vào tủ đông. Hai thùng mì tôm, một thùng để nguyên gác lên tủ bếp cao, thùng còn lại thì khui ra xếp xuống tủ dưới. Hôm nay mua nhiều đồ quá nên không còn chỗ để chở gạo, ngày mai đành ăn tạm mì gói vậy.

Xong xuôi, Minh Tuệ lại nhận được điện thoại của nhân viên giao hàng, mấy đơn quần áo cô đặt đã giao đến rồi. Lần này số lượng đơn hàng còn nhiều hơn trước, túi lớn túi nhỏ chất kín bàn sô pha. Mất bốn vòng mới gom hết đống đơn hàng lên phòng, cô bắt đầu khui đơn.

Hơn một nửa số đơn là các kiểu váy lolita, tùng phồng và phụ kiện, số còn lại nào là váy dài phong cách nữ tính, áo thun dùng được cho cả hai giới, quần ống rộng và mấy đôi dép xốp. Giày chỉ có hai đôi, một cao gót và một lolita, màu trắng đơn giản dễ phối đồ. Treo hết vào tủ xong, Minh Tuệ mới lôi một cái áo thun màu be và một cái quần đùi đen, chỉnh điều hòa xuống mười sáu độ rồi mới đi vào nhà tắm.

Miền Nam do gần xích đạo, nhiệt độ trung bình năm cao, Minh Tuệ có thói quen tắm nước lạnh. Cô cảm thấy sau cả ngày nắng oi bức thế này mà còn dội thêm nước nóng thì thật là muốn ngất xỉu. Dù trong nhà có máy nóng lạnh, cô cũng chỉnh hết sang chế độ nước lạnh, vừa mát vừa giúp cơ thể khỏe mạnh. Thật ra đối với người tắm nước nóng quen mà đổi sang nước lạnh sẽ dễ bị bệnh, nhưng Minh Tuệ đã rèn luyện từ bé nên sức đề kháng của cô rất tốt, quanh năm cũng ít khi bệnh vặt.

Tắm xong tinh thần khoan khoái, cái bụng bắt đầu kiến nghị. Minh Tuệ vào bếp nấu hai gói mì, kèm thêm ít rau trụng và thịt luộc, giải quyết tạm cho bữa tối.

Nếu là lúc trước, giờ này Minh Tuệ vẫn phải tăng ca ở công ty, ôm cái bụng đói mà đọc từng con chữ lí nhí trong hợp đồng. Bây giờ rảnh rỗi rồi, cô bỗng dưng không biết nên làm gì. Suy nghĩ một lát, hai mắt có dấu hiệu muốn đánh nhau. Cô nghĩ, dù sao cũng không có việc gì, chẳng bằng ngủ sớm chút, bù lại cho bao nhiêu năm thức khuya dậy sớm.

Nghĩ là làm, cô đi thẳng lên lầu. Nhiệt độ trong phòng điều hòa mát lạnh, chiếu cũng mát nhưng cô vẫn có thói quen phải bật quạt mới ngủ được. Thế là cô chỉnh điều hòa lên mười tám độ, bật quạt phả thẳng vào giường. Tám giờ mười hai phút tối, cô chìm vào giấc ngủ sâu.

Lần này không còn áp lực, cũng không có muộn phiền, giấc ngủ đến nhẹ nhàng, ru linh hồn ta vào cõi mộng.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp