Bị anh ta dặn dò như thế, Kiều Vi chột dạ xách giỏ đi thẳng, nắm tay Nghiêm Tương, bước nhanh gấp gáp trở về nhà.
Sau khi đóng cửa sân lại kỹ càng, trở về phòng mới dám lấy bốn cái lọ đóng hộp ra đặt trên bàn bát tiên ở nhà chính. Bốn lọ thủy tinh sáng lấp lánh, nghiễm nhiên có cảm giác như chiến lợi phẩm.
Nghiêm Tương kiễng chân vịn lấy mép bàn, vẫn không ngừng: "Oa~, oa~, oa~"
Kiều Vi vỗ vỗ đỉnh đầu cậu: "Đã từng ăn chưa?"
"Đã ăn rồi!" Âm thanh của Nghiêm Tương trong trẻo, “Nhưng chưa từng được ăn nhiều như thế."
Thời đại vật tư thiếu thốn, có ai mua đồ hộp một lần đến bốn bình thế này đâu. Mà trên trấn còn không thể nhập hàng hóa số lượng nhiều như ở thành thị. Thị trấn lớn như thế, Cung Tiêu Xã nhập hàng về, mỗi nhà chỉ được mua một phần, các cửa hàng thì nhập về một hai rương.
Trùng hợp là hôm nay cô đi ngang đúng lúc hàng vừa mới lên kệ. Người bán hàng cũng nói với cô, đây là bởi vì mọi người còn chưa biết, đợi mọi người biết rồi sẽ chạy tới mua, có thể qua một hai tiếng là bán hết sạch.
Trước kia Kiều Vi không cách nào lý giải được thói quen trữ hàng hóa, rốt cục bây giờ cô đã cảm nhận được chút niềm vui của việc tích trữ đồ.
Hôm qua lúc quét dọn vệ sinh nhà cửa, cô kiểm kê sơ qua các tài sản vật phẩm trong nhà. Cơ bản là trừ gạo, bột mì, ngũ cốc, dầu và than đá ra, các đồ khác đều không có dư.
Thứ duy nhất có dư chính là thuốc lá. Cũng không phải Nghiêm Lỗi nghiện thuốc lá nặng, thực ra hồi ức nói cho Kiều Vi biết bình thường Nghiêm Lỗi chỉ hút thuốc khi tâm tình không tốt hay cần xã giao.
Nhưng thuốc lá có thể xem như một đồng tiền mạnh giữa cánh đàn ông. Phàm là đàn ông, có lẽ đều sẽ nghĩ cách trữ sẵn một ít thuốc trong nhà, lúc cần nhờ người làm việc thì lấy ra dùng, rất hiệu quả.
Những vật dụng cơ bản khác đều là lấy đúng số lượng.
Kiều Vi tính toán trong nhà xong, bởi vì Nghiêm Lỗi có tiền lương cao, phiếu công nghiệp cũng được cấp nhiều.
Như bên nhà đoàn trưởng Triệu, tiền lương và các loại phiếu đều không khác mấy với bên Nghiêm Lỗi, nhưng cũng không chịu nổi nhà đông người, tiêu xài nhiều. Trực quan nhất chính là nhìn vào quần áo, tiêu tốn cực kỳ nhiều. Cho nên đường đường là gia đình cán bộ nhưng quần áo của mấy đứa nhỏ có nhiều chỗ vá, giày cũng là mang lại đồ cũ của anh chị.
Không phải là không có tiền, mà là vì phiếu không đủ dùng.
Tiền lương đãi ngộ nhà đoàn trưởng Triệu nhất định là đủ nuôi sống năm đứa bé. Vấn đề ở chỗ tuy tiền lương cao nhưng định lượng mỗi người chỉ có một phiếu.
Nghiêm Lỗi tan tầm cũng là ngồi xe Jeep về nhà, Nghiêm Lỗi tách khỏi mấy người đoàn trưởng Triệu ở ngã tư rồi đi bộ về nhà mình.
Về đến nhà, Nghiêm Tương lại xông lên: "Ba, ba, ba!"
Nghiêm Lỗi ôm Nghiêm Tương bế lên một phen: "Con trai!"
Nghiêm Tương bám lấy bả vai Nghiêm Lỗi, mắt lóe sáng, nói cho ba biết tin vui: "Chúng ta mua được đồ hộp, là đào vàng đóng hộp đó!"
Đồ hộp không phải là thứ muốn mua lúc nào cũng được, phải gặp may mới có. Nghiêm Lỗi nghe xong thì đôi mắt cũng sáng lên: "Trên Cung Tiêu Xã có đồ hộp?"
Nghiêm Tương xích lại gần lỗ tai Nghiêm Lỗi, dùng tay che lấy miệng: "Chúng ta mua bốn lọ. Mẹ nói, không được nói cho người khác biết. Bằng không sau này sẽ không mua được nữa."
Nghiêm Lỗi rất kinh ngạc.
Chuyện này, nếu như là anh đi mua thì nhất định làm được. Nhưng Kiều Vi... Kiều Vi chính là thế hệ sau của giai cấp công nhân căn chính miêu hồng* gốc gác thành thị, cô bị đưa đến cái trấn nhỏ này nên xem thường tất cả mọi người ở đây. Bảo cô đi làm loại chuyện lõi đời như thế, cô sẽ trưng mặt lạnh ba ngày.
(*): Căn chính miêu hồng để chỉ những người có xuất thân gia đình tốt, có liên quan đến Cách mạng hoặc những người tử tế, giỏi giang, vững vàng.
Nghiêm Lỗi vỗ vỗ Nghiêm Tương: "Ăn chưa? Có ngon không?"
"Vẫn chưa đâu!" Ánh mắt Nghiêm Tương đầy chờ mong, "Mẹ nói không thể ăn lúc ấm, ăn lạnh mới ngon. Đợi buổi tối rồi ăn."
Thời đại này không có tủ lạnh, chỉ có thể dùng nước lạnh. Kiều Vi ngâm đồ hộp ở trong thùng nước, nước bơm từ dưới giếng lên chính là nước ngầm, lạnh buốt.
Nghiêm Tương lôi kéo Nghiêm Lỗi đi xem đồ hộp được ngâm trong thùng, lại kéo anh đi xem ba cái lọ khác được đặt trong ngăn tủ. Đối với trẻ con thì đồ hộp chính là thời khắc của hạnh phúc.
Nhà cậu nhóc có ba lọ đào vàng ngâm, hạnh phúc x 4.
Nghiêm Lỗi cười xoa đầu Nghiêm Tương, để đứa nhỏ đi chơi. Anh vào trong phòng cởi đồng phục, lúc trở ra nhìn thấy đôi giày cao su đang được phơi dưới mái hiên cho bớt mùi.
Anh đi về hướng phòng bếp, quả nhiên Kiều Vi đang xào rau.
Tay anh bỏ trong túi quần, tựa vào cạnh cửa nhìn cô.
Kiều Vi đang đảo đồ trong chảo, quay đầu trông thấy anh, cười cười với anh: "Anh về rồi."
Thế này khá tốt, mấy cán bộ như bọn họ có xe thống nhất đưa đón, thời gian đi làm cực kỳ chuẩn, thật sự không có chuyện tăng ca gì cả.
Nghiêm Lỗi hỏi cô: "Sao em mua được bốn lọ đồ hộp thế?"
"Mua ở Cung Tiêu Xã mà, chiều hôm qua bọn họ nhập vào hai rương đồ hộp, sáng hôm nay mới trưng lên kệ. Vừa hay em đi ngang qua thấy được, người khác còn chưa biết đâu." Kiều Vi khoa tay quơ cái sạn, "Em liền vào tư thế sét đánh không kịp bịt tai, cấp tốc xách đi bốn lọ." ( truyện đăng trên app TᎽT )
Nghiêm Lỗi không tin: "Sao người ta chịu bán cho em?"
Kiều Vi nói: "Trẻ con trong nhà đồng chí kia muốn mua đôi giày cao su, không có phiếu công nghiệp, em cho anh ta một phiếu, có sao không?"
Cô quay đầu nhìn anh. Dù sao phiếu công nghiệp ở nơi này xem như tương đối hiếm, nếu như anh nói không được, sau này cô sẽ không làm như thế nữa.
Nhưng Nghiêm Lỗi không phủ định cách làm của cô, ngược lại còn dùng ánh mắt khác thường dò xét cô: "Được, có tiến bộ."
Kiều Vi hỏi: "Vậy em dùng phiếu công nghiệp không có vấn đề gì đúng không?"
"Dùng đi. Nhà chúng ta không thiếu." Nghiêm Lỗi khẳng định, còn dừng một chút, bổ sung, "Nếu thiếu, em cứ nói với anh."
Trong mắt Kiều Vi hiện lên ý cười.
Dường như Nghiêm Lỗi đặc biệt thích nói "nếu thiếu, em nói với anh”. Nói ra cũng không thể nói anh là con công xòe đuôi, nhưng quả thực, xét ở thời đại này, tính chất cũng không khác gì tổng tài bá đạo nói “mua, mua, mua” trong ngôn tình ở hậu thế.
"Hôm nay em lại mua cho mình một đôi giày cao su, tốn một phiếu công nghiệp." Cô nói, "Một ngày xài hai phiếu."
Đôi mắt tròn xoe của cô nhìn anh chằm chằm, giống như bởi vì dùng hai phiếu công nghiệp một ngày mà thấy bất an.
Nghiêm Lỗi ưỡn thẳng lưng: "Thứ đó chính là để tiêu xài, còn có thể để lại cho con trai mang không phải sao? Cần cái gì em cứ mua đi."
Người đàn ông này thật dễ dỗ.
Kiều Vi nhịn cười: "Được."
Nghiêm Lỗi nhớ tới lại hỏi: "Sao lại mua giày cao su? Không chờ đi vào thành phố rồi mua giày da mới. Chẳng phải đôi giày da kia của em đã cũ rồi sao?"
Giày da xem như là đồ có giá trị, đôi giày da kia của Kiều Vi Vi đã vá hai lần. Cô ấy vốn muốn mua đôi mới, nhưng giày da phải lên thành phố mới mua được, mà đi thành phố lại không dễ dàng, một lần đi cũng phải tốn thời gian một ngày, cô không muốn tự mở miệng yêu cầu Nghiêm Lỗi.
Có một lần Nghiêm Lỗi chủ động hỏi cô có muốn vào thành phố hay không, lúc ấy cô đang đọc sách kỹ thuật viên gửi, chê anh quấy rầy, mất kiên nhẫn nói một câu "không đi", sau đó thì không để ý tới Nghiêm Lỗi nữa.
Nghiêm Lỗi mặt nóng dán mông lạnh, cũng sẽ không mở miệng lần thứ hai.
Hôm nay lại chủ động nhắc lại với Kiều Vi.
Kiều Vi tuyệt đối không muốn mang đôi giày da kia.
Cũ chỉ là phụ, mấu chốt là... rất khó nhìn.
Ở thời đại này, mặc dù đồ đạc nhìn chung đương nhiên là quê mùa, nhưng trong mắt Kiều Vi vẫn có sự khác biệt. Một vài thứ, ví dụ như áo khoác có vạt chéo bằng vải dệt màu lam và giày vải thủ công của bà lão trên trấn, trong mắt dân địa phương nhất định là kém hơn giày da. Nhưng thật ra trong mắt của Kiều Vi, loại đồ vật đặc biệt truyền thống này có mang theo bối cảnh văn hóa, ngược lại giày da "phong cách tây" ở trong mắt cô lại xấu muốn chết.
"Em cảm thấy mình hơi ít vận động, mỗi sáng sớm nên chạy bộ. Vậy nên mới mua một đôi giày cao su."
Giày cao su hay còn gọi là giày giải phóng có đế nhựa màu xanh quân đội, mặt giày bằng vải bố. Bộ đội mang chính là giày giải phóng.
Kiều Vi vốn đã muốn mua, song trước kia mẹ mua cho cô đôi giày đá bóng màu trắng.
Mẹ cô nói khi còn bé các bà các mẹ không có giày thể thao gì cả, giày vải gì cũng là đồ sau này mới có. Trước đó, tất cả học sinh trong trường đều mang giày đá bóng. Xem như là sự kết hợp của giày thể thao và giày trắng. Kiều Vi muốn mua một đôi giày chạy bộ để mang, đầu tiên cô nghĩ đến cái này.
Ở thời đại này, cô những tưởng giày thể thao đã là tiêu chuẩn thấp nhất. Nào biết mình đã lầm niên đại, lúc này còn sớm hơn so với thời "khi còn bé" của mẹ cô. Người bán hàng ở Cung Tiêu Xã kia nói, giày thể thao có phong cách tây như vậy chỉ trong thành phố lớn mới có bán. Thị trấn chỉ có giày giải phóng.
Cô lập tức mua một đôi giày giải phóng.
Hiện giờ giày giải phóng đã thịnh hành, tương lai sẽ còn thịnh hành hơn.
Trong tương lai, đường phố sẽ tràn ngập màu xanh.
Cứ tạm coi như cô đã có được một đôi giày vải thời trang.
"Đồ ăn còn phải chờ một lát nữa, anh đi đọc sách trước đi." Cô đuổi anh.
Nghiêm Lỗi không biết thế nào, có hơi không nỡ đi.
Nhìn cô bận rộn trong phòng bếp, ở bên cô bình yên như vậy, trò chuyện như vậy càng khiến nội tâm anh dễ chịu.
Anh kiếm chuyện khác để nói: "Sao thơm thế? Đang nấu gì vậy?"
Trong sân nhà, Nghiêm Tương ngẩng đầu lên, mắt sáng ngời: "Là bã dầu! Ba ơi, bã dầu thơm! Nhanh nói mẹ cho ba ăn đi! Ngon lắm đó!"
Kiều Vi vui vẻ, buông cái sạn xuống, dùng đũa gắp một miếng chấm chút muối, một tay giơ đũa một tay hứng bên dưới, bước nhanh đến trước mặt Nghiêm Lỗi: "Há miệng!"
Nghiêm Lỗi theo lời há miệng, được đút cho một miếng tóp mỡ. Lúc Kiều Vi gắp đã cố ý lựa một miếng có mỡ có nạc, nhai vào giòn giòn, miệng đầy hương vị.
Nghiêm Lỗi nuốt xuống: "Một miếng nữa đi."
Kiều Vi lại đút anh một miếng.
Là ảo giác à? Sao lại có cảm giác đường nét trên khuôn mặt của người đàn ông này đã nhu hòa hơn rồi?
Cái loại "lạnh thấu xương", "lạnh lùng", "lãnh đạm" lúc mới gặp cũng biến mất. Miệng anh nhai nuốt, mắt lại quan sát cô.
Nhiệt độ trong phòng bếp dường như tăng cao.
Kiều Vi "A —" một tiếng kêu lên, phá vỡ bầu không khí!
Cô quay người vứt đũa, lại nhặt cái sạn tiếp tục đảo đồ ăn: "Suýt nữa là khét rồi! Mau đi ra, mau đi ra! Đừng làm em rối!"
Nghiêm Lỗi cười cười đi ra ngoài.
Anh đi lấy quyển sách kia, ngồi trên chiếc ghế tre nhỏ dưới mái hiên mà đọc, ngẩng đầu có thể thấy con trai đang chơi trong sân, nghiêng tai có thể nghe vợ đang bận rộn trong nhà bếp.
Anh lật trang sách, chỉ cảm thấy thật thư thái.
Đợi đến khi Kiều Vi hô "ăn cơm thôi", anh nhanh chóng kẹp thẻ đánh dấu sách, đi qua hỗ trợ.
Trên bàn cơm, anh nói với Kiều Vi: "Đồ kia của em anh đã tìm người hỏi, làm được. Nhưng đầu gỗ cần phải sơn lại."
"Chống phân hủy đúng không? "Kiều Vi tiếp lời.
Nghiêm Lỗi nhìn cô một cái: "Chuyện gì em cũng biết."
Thật ra đây là thường thức. Nhưng không nên coi nhẹ việc truyền bá thông tin. Với những người đã được tiếp xúc một lượng lớn tin tức, bọn họ sẽ biết rất nhiều thường thức. Mà người ít tiếp xúc với tin tức thì có khi rất nhiều thường thức còn chưa từng nghe qua.
Cho dù là ở hậu thế bùng nổ thông tin cũng có thể gặp được rất nhiều người không có thường thức trên internet. Càng khỏi nói đến cái niên đại chỉ dựa vào thông tin truyền miệng này.
Nhưng đương nhiên, Nghiêm Lỗi đã quy kết thành cô có "trình độ văn hóa cao", "quả nhiên là người làm công tác văn hoá”.
"Còn khen em, nói em thực sự rất biết nghĩ cách." Anh và cơm vào miệng, khen ngợi cô.
Kiều Vi phát hiện tính cách Nghiêm Lỗi rất tốt, có thể làm cán bộ, nguyên nhân là dưới tay mang binh, hiển nhiên anh không tiếc lời khen ngợi người khác, khẳng định bọn họ.
Điều này nói rõ thật ra anh là một người có năng lực giao tiếp tốt.
"Không có gì, chính là nguyên lý đòn bẩy, tiết kiệm một chút sức mà thôi." Kiều Vi khiêm tốn nói.
"Nguyên lý đòn bẩy" cũng đủ làm Nghiêm Lỗi sinh ra lòng kính sợ tri thức. Ánh mắt anh nhìn cô lộ ra sự khao khát và kính nể đối với tri thức.
Không thể nào? Chắc không phải đâu nhỉ?
Kiều Vi nhớ tới dáng vẻ người đàn ông này cố gắng biểu hiện ở trước mặt cô: "Tiền và phiếu, em tùy ý mà tiêu".
Đường đường là nam chính, đừng nói thực chất bên trong anh lại tự ti đấy nhé?!