Cuộc Sống Bí Mật Của Các Nhà Văn

Phỏng vấn một nhà văn


8 tháng

trướctiếp

1) Người phỏng vấn hỏi bạn những câu thú vị đối với anh ta, không thú vị với bạn.

2) Trong những câu trả lời của bạn, anh ta chỉ sử dụng những câu anh ta cho là phù hợp.

3) Anh ta diễn giải những câu trả lời đó bằng từ vựng của anh ta, theo lối suy nghĩ của anh ta.

Milan KUNDERA

Thứ Ba ngày 9 tháng Mười 2018

1.

Từ ngày sống ở Beaumont, tôi đã hình thành thói quen thức dậy cùng mặt trời. Sau một chầu tắm nhanh dưới vòi sen, tôi sẽ đi gặp Audibert, ông thường dùng bữa sáng trên quảng trường thành phố tại sân hiên Fort de Café hoặc Fleurs du Malt. Tính nết ông chủ hiệu sách khá thất thường. Khi thì lầm lì ít nói và khép kín, lúc lại hoạt ngôn và hay chuyện. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ là ông khá quý mến tôi. Dẫu sao cũng đủ để mời tôi ngồi cùng bàn với ông mỗi sáng và mời tôi một tách trà cùng những lát bánh mì nướng phết mứt quả vả. Được bán cho du khách với giá trên trời, các loại mứt quả của tiệm Mẹ Françoise, hữu cơ hơn cả hữu cơ, nấu bằng vạc rồi thì vân vân và vân vân, là một trong những bảo vật của đảo.

- Ngày mới tốt lành, ông Audibert.

Ông chủ hiệu sách rời mắt khỏi tờ báo rồi chào đón tôi bằng một tiếng lầu bầu lo lắng. Từ hôm qua, dân chúng trên đảo sống trong cảm giác bàng hoàng chấn động. Việc phát hiện ra cái xác phụ nữ bị đóng đinh trên cây bạch đàn lâu đời nhất đảo khiến dân chúng xáo trộn. Kể từ thời điểm đó, tôi biết thêm một thông tin: qua hàng thập kỷ, cái cây được đặt biệt danh là Bất Tử này đã trở thành biểu tượng cho sự thống nhất của đảo. Cảnh tượng kia không thể là kết quả của sự tình cờ và bối cảnh xung quanh cái chết của nạn nhân khiến mọi người ai nấy đều choáng váng. Nhưng điều khiến dân chúng bấn loạn hơn nữa, đó là tỉnh trưởng đã quyết định thiết lập lệnh phong tỏa đảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra. Tàu chở khách bị giữ lại cảng Saint-Julien- les-Roses, các tuần phòng bờ biển nhận lệnh tuần tra và chặn tàu tư nhân định vượt biển theo chiều này hoặc chiều kia. Cụ thể, không một ai có thể rời khỏi đảo hay đặt chân lên đảo. Biện pháp mà phía đất liền áp đặt này khiến mọi cư dân đảo Beaumont, trước nay vốn không chấp nhận mất quyền kiểm soát số phận tập thể của mình, vô cùng bực dọc.

- Tội ác này chính là một đòn chí mạng giáng xuống đảo, Audibert cáu tiết gấp tờ Var-Matin lại.

Đó là số ra ngày hôm trước, số buổi tối, tới trên chuyến phà cuối cùng được phép. Trong lúc ngồi xuống, tôi liếc qua trang nhất bị chắn ngang bởi dòng tít “Hòn đảo Đen tối”. Một cú nháy mắt kín đáo với Hergé(8) .

- Chúng ta hãy chờ xem cuộc điều tra sẽ đi tới đâu.

- Cậu muốn nó đi tới đâu kia chứ! ông chủ hiệu sách thốt lên. Một phụ nữ bị tra tấn đến chết rồi bị đóng đinh lên cây Bất Tử. Điều này có nghĩa là có một kẻ điên đang tự do trên đảo!

Toi nhăn mặt vì biết rằng dĩ nhiên Audibert không nhầm. Tôi ngấu nghiến lát bánh mì phết trong lúc đọc lướt qua bài báo nhưng không biết thêm được gì nhiều từ đó, rồi lấy điện thoại di động ra để tìm kiếm những tin tức mới mẻ hơn.

Hôm qua tôi đã phát hiện ra tài khoản Twitter của một người có tên Laurent Lafaury, một nhà báo ở Paris hiện đang có mặt tại Beaumont để thăm mẹ. Người này không phải một tay lão luyện trong nghề. Anh ta từng làm việc vài năm cho website của các báo L’Obs và Marianne trước khi trở thành community manager(9) cho một tập đoàn truyền thanh. Lịch sử tài khoản của anh ta là một thí dụ hoàn hảo về những gì tệ hại nhất mà cái được gọi là nghề báo 2.0 có thể sản xuất ra: những chủ đề tục tĩu, những nhan đề phóng đại, các xung đột, những lời kêu gọi xử hội đồng, mấy truyện cười ba xu, tweet đi tweet lại một cách có hệ thống những video đáng sợ và tất cả những gì có khả năng hạ thấp lý trí, ve vuốt những bản năng tệ hại nhất, dung dưỡng nỗi sợ hãi và ảo tưởng. Một kẻ nhỏ mọn chuyên truyền bá thông tin sai lệch và những luận đề sặc mùi thuyết âm mưu, nhưng luôn núp kỹ sau màn hình máy tính.

Sau lệnh phong tỏa, nay Lafaury có ưu thế là “phóng viên” duy nhất có mặt trên đảo. Và kể từ vài giờ nay, hắn đã lợi dụng tình huống đó: hắn xuất hiện như phóng viên tường thuật trực tiếp trên bản tin truyền hình của kênh France 2 và người ta nhìn thấy ảnh hắn trên tất cả các kênh tin tức.

- Thằng khốn hèn hạ!

Khi tiểu sử gã phóng viên hiển thị trên màn hình điện thoại của tôi, Audibert bắt đầu rủa xả hắn không tiếc lời. Hôm qua, trên kênh 20 Heures, Lafaury đã thành công trong việc cùng lúc bóng gió rằng toàn thể dân đảo đang che giấu những bí mật đáng hổ thẹn đằng sau “lớp tường cao của những ngôi biệt thự sang trọng”, và rằng luật im lặng sẽ không bao giờ bị vi phạm ở nơi đây bởi lẽ gia đình Gallinari, những bố già Corleone thứ thiệt, đang thống trị bằng đồng tiền và nỗi sợ hãi. Nếu tiếp tục theo cách này, Laurent Lafaury chẳng mấy chốc sẽ trở thành kẻ bị khinh ghét nhất Beaumont. Dân đảo khó mà tiếp nhận được việc hòn đảo xuất hiện trên truyền thông trong bối cảnh thảm thê như vậy, bởi nhu cầu về một cuộc sống kín đáo đã ăn sâu bám rễ trong gen họ suốt nhiều năm qua. Trên Twitter, gã kia còn khiến tình hình tồi tệ thêm bằng cách công bố những thông tin riêng - có vẻ đáng tin cậy - mà hẳn là phía cảnh sát hay các luật gia đã mách cho hắn. Tôi phản đối cái nguyên tắc núp dưới vỏ bọc thông tin để làm vẩn đục tính bảo mật của các cuộc điều tra, nhưng tôi cũng khá tò mò để tạm dẹp sự phẫn nộ của mình sang một bên.

Đoạn tweet gần nhất của Lafaury cách đây chưa đầy nửa giờ. Đó là một đường link dẫn sang blog của hắn. Tôi nhấp chuột để truy cập một bài viết có mục đích tổng hợp các diễn tiến mới nhất của cuộc điều tra. Theo thông tin của tay phóng viên, nạn nhân vẫn đang trong quá trình chờ nhận dạng. Dù là tin vịt hay không thì bài viết vẫn kết thúc bằng một tin riêng sốt dẻo: vào thời điểm người phụ nữ bất hạnh bị đóng đinh vào thân cây bạch đàn cổ thụ đó, xác cô ta đã bị đông lạnh! Quả nhiên, vậy thì rất có thể cô ta đã chết từ nhiều tuần trước.

Tôi phải đọc câu này đến lần thứ hai để chắc chắn hiểu đúng ý nghĩa của nó. Audibert, trước đó đã đứng dậy để đọc lướt bài báo qua vai tôi, bèn buông phịch người xuống ghế, buồn bã.

Trong khi thức dậy, đảo Beaumont vừa ngã vào một thực tại khác.

2.

Nathan Fawles thức giấc trong tâm trạng vui vẻ, đã lâu ông không có được tâm trạng này. Đêm qua ông đi ngủ muộn còn giờ thì thong thả dùng bữa sáng. Sau đó, ông ở lại sân hiên hơn một giờ đồng hồ để vừa hút thuốc vừa nghe những đĩa than cổ của Glenn Gould(10) . Đến bản thứ năm, ông thắc mắc hầu như thành tiếng là tâm trạng vui sướng này từ đâu mà ra. Ông kháng cự một lúc trước khi thừa nhận rằng điều duy nhất có thể giải thích được tâm trạng này là ký ức về Mathilde Monney. Phảng phất trong không trung là đôi chút sự hiện diện của cô. Một nét rạng ngời, một chất thơ tươi sáng, một hương thơm điểm xuyết. Cái gì đó thoáng qua và khó lòng nắm bắt chẳng bao lâu nữa sẽ tan biến, ông biết điều ấy, nhưng vẫn muốn thưởng thức đến tận giọt cuối cùng.

Khoảng 11 giờ, tâm trạng ông bắt đầu thay đổi. Nối tiếp tâm thái nhẹ nhàng khi tỉnh giấc là việc ý thức được rằng chắc hẳn ông sẽ không bao giờ gặp lại Mathilde. Ý thức được rằng, dù có nói gì chăng nữa, đôi khi ông vẫn bị nỗi cô đơn đè nặng. Rồi vào khoảng giữa trưa, ông quyết định chấm dứt mấy cái trò trẻ con này, sự hăng tiết tuổi mới lớn này, mà thay vào đó là lấy làm mừng vì tránh xa được cô gái ấy. Ông không nên suy sụp. Ông không có quyền làm vậy. Tuy nhiên, ông cho phép mình tua lại trong tâm thức cuốn phim về cuộc gặp gỡ giữa họ. Một điểm khiến ông tò mò. Một chi tiết không hẳn là một chi tiết và ông cần phải xác minh.

Ông gọi tới Manhattan để gặp Jasper Van Wyck. Sau nhiều hồi chuông, người đại diện văn học trả lời ông bằng một giọng ngái ngủ. Ở New York lúc này mới là 6 giờ sáng và Jasper vẫn đang vùi mình trên giường. Trước tiên, Fawles nhờ ông ta tìm giúp các bài báo mà Mathilde Monney đã viết cho tờ Thời đại trong những năm gần đây.

- Chính xác thì anh đang tìm kiếm điều gì vậy?

- Tôi không biết. Tất cả những gì anh thấy có thể có mối liên hệ xa gần nào đó với tôi hoặc các tác phẩm của tôi.

- Nhất trí, nhưng chuyện này sẽ mất chút thời gian đấy. Còn gì khác nữa không?

- Tôi muốn anh lần lại dấu vết người phụ nữ quản lý thư viện số của Nhà thiếu niên năm 1998.

- Đó là gì vậy?

- Một cơ sở y tế dành cho thiếu niên thuộc bệnh viện Cochin.

- Anh biết bà ta tên gì không, người thủ thư anh bảo ấy?

- Không, tôi không nhớ nữa. Anh có thể bắt đầu ngay bây giờ không?

- Nhất trí. Tôi sẽ gọi lại cho anh ngay khi tìm ra thứ gì đó.

Fawles gác máy rồi sang bếp để pha cho mình một tách cà phê. Trong lúc nhấm nháp tách expresso, ông cố gắng triệu hồi ký ức. Nằm gần Port-Royal, Nhà thiếu niên chuyên chăm sóc các bệnh nhân đặc biệt mắc các chứng rối loạn dinh dưỡng, trầm cảm, sợ trường học, lo âu. Một số thiếu niên nằm viện toàn thời gian, số khác nằm viện ban ngày. Fawles từng tới đó vài ba lần để diễn thuyết trước các bệnh nhân, phần lớn là nữ. Một hội thảo, một trò chơi hỏi-đáp cũng như dẫn dắt một trại sáng tác nhỏ. Ông không còn nhớ những cái tên cũng như những khuôn mặt, nhưng vẫn giữ một ấn tượng tổng thể hết sức tích cực. Các nữ độc giả chăm chú, một cuộc thảo luận bổ ích và những câu hỏi thường khá chuẩn xác. Ông đang uống nốt tách cà phê thì điện thoại đổ chuông. Jasper đã hết sức khẩn trương.

- Nhờ có LinkedIn, tôi đã dễ dàng tìm lại được người phụ nữ quản lý thư viện số. Bà ta tên là Sabina Benoit.

- Đúng thế, giờ thì tôi nhớ ra rồi.

- Bà ta ở lại Nhà thiếu niên tới tận năm 2012. Sau đó, bà ta làm việc ở tỉnh trong hệ thống Thư viện cho đại chúng. Theo những thông tin mới nhất sẵn có trên mạng, hiện bà ta đang ở Dordogne, thành phố Trélissac. Anh có muốn số điện thoại không?

Fawles ghi lại thông tin liên hệ rồi gọi luôn cho Sabina Benoit. Bà thủ thư vừa kinh ngạc vừa vui mừng khi nghe thấy giọng ông trên điện thoại. Fawles nhớ dáng người bà hơn là khuôn mặt. Một phụ nữ tóc ngắn màu nâu cao lớn năng động và có sự thân tình dễ lây. Ông đã gặp bà tại Hội sách Paris và bị thuyết phục trước để xuất tới nói chuyên viết lách với các nữ bệnh nhân của bà.

- Tôi đang viết hồi ký, ông mở lời. Nên có lẽ tôi cần một…

- Hồi ký của ông ư? Ông thực sự nghĩ là tôi sẽ tin ông sao, Nathan? bà ngắt lời ông rồi cười vang.

Nói cho cùng, thẳng thắn vẫn cứ là tốt nhất.

- Tôi đang tìm kiếm thông tin về một bệnh nhân nữ của Nhà thiếu niên. Một cô gái có lẽ đã từng tham dự một trong những cuộc hội thảo do tôi chủ trì. Một cô Mathilde Monney nào đó.

- Cái tên này không gợi nhắc tôi điều gì cả, Sabina đáp sau một giây suy nghĩ. Nhưng vì già rồi nên trí nhớ tôi ngày càng kém.

- Tất cả chúng ta đều có phần như vậy mà. Tôi đang tìm hiểu xem Mathilde Monney phải nhập viện vì lý do gì.

- Tôi không còn tiếp cận được dạng thông tin kiểu này nữa, và cho dù…

- Thôi nào, Sabina, dĩ nhiên bà vẫn còn giữ những mối liên hệ. Hãy làm điều này vì tôi, làm ơn giúp tôi. Việc hệ trọng đấy.

- Toi sẽ cố gắng, nhưng tôi không hứa trước điều gì đâu nhé.

Fawles gác máy rồi đi lục lọi trong thư phòng. Mất hồi lâu ông mới tìm ra một cuốn Loreleï Strange. Đó là một ấn bản đặc biệt. Ấn bản đầu tiên được bày bán tại hiệu sách vào mùa thu năm 1993. Ông dùng lòng bàn tay lau bụi trên bìa sách. Bìa sách là bức tranh ông yêu thích, Nghệ sĩ nhào lộn đứng trên quả bóng, một bức họa tuyệt đẹp của Picasso thời kỳ Hồng. Bản thân Fawles vào thời đó đã pha gian bìa sách này khi chế ra một bức tranh cắt dán rồi trình lên nhà xuất bản. Vì không mấy tin tưởng vào cuốn sách nên ông ta để mặc cho ông làm vậy. Số lượng phát hành lần đầu của Loreleï không vượt quá năm nghìn bản. Cuốn sách ít được báo chí nhắc đến và không thể nói rằng các chủ hiệu sách đã đặc biệt bênh vực nó, dẫu rốt cuộc họ cũng đi theo trào lưu. Cuốn sách chỉ được cứu vớt nhờ độc giả nhiệt tình truyền miệng nhau. Thường là những cô bé thời ấy như Mathilde Monney, họ nhận ra mình trong nhân vật chính. Cần phải nói rằng câu chuyện trong cuốn sách rất thích hợp. Nó kể lại những cuộc gặp gỡ của Loreleï, một nữ bệnh nhân trẻ điều trị nội trú tại bệnh viện tâm thần, trong khoảng thời gian một dịp cuối tuần. Bối cảnh này là cái cớ để đặc tả một loạt các nhân vật sống trong bệnh viện. Dần dà, cuốn tiểu thuyết leo lên các bảng xếp hạng sách bán chạy, đạt tới vị trí “hiện tượng văn chương” đáng thèm muốn. Những người ban đầu vốn xem thường ông liền vội vàng bắt kịp chuyến tàu đông. Cuốn sách thu hút cả thanh niên, người cao tuổi, trí thức, giáo viên, học sinh, những người đọc nhiều, những người không đọc. Tất cả mọi người bắt đầu đưa ra một quan điểm về Loreleï Strange và người ta gán cho cuốn sách những thứ mà nó không hề nói. Vậy đấy, sự hiểu lầm vĩ đại. Theo năm tháng, phong trào mở rộng và Loreleï đã trở thành một dạng kinh điển của văn học đại chúng. Người ta viết luận văn về nó, người ta thấy nó trong các hiệu sách và sân bay cũng nhiều như trong các books corners của siêu thị. Thậm chí đôi khi ở cả quầy dành cho thể loại phát triển cá nhân, điều này khiến tác giả cuốn sách phẫn nộ. Vì điều gì phải đến đã đến: thậm chí trước cả khi ngừng viết, Fawles đã bắt đầu ghét bỏ cuốn tiểu thuyết của mình và không thế chịu nổi mỗi khi nghe nhắc đến Loreleï Strange, bởi ông có cảm giác mình đã trở thành tù nhân của nó.

Tiếng chuông cổng kéo nhà văn ra khỏi dòng hồi ức. Ông cất cuốn sách vào chỗ cũ rồi nhìn lên màn hình hệ thống camera giám sát. Bác sĩ Sicard rốt cuộc cũng tới để tháo bột cho ông. Suýt thì ông quên! Sắp được giải thoát rồi.

3.

Vụ án mạng ở bãi biển Tristana.

Các khách hàng của hiệu sách, các du khách, các cư dân đảo đang ngang qua quảng trưởng: tất cả chỉ bàn về việc đó. Từ đầu giờ chiều đến giờ, tôi đã trông thấy nhiều kẻ hiếu kỳ tại La Rose Ecarlate. Không mấy người là khách hàng thực sự, ai bước vào hiệu sách cũng đều chuyện phiếm với nhau một chút, vài người muốn xua đi cảm giác kinh hãi, số khác muốn thỏa mãn bản tính tò mò bệnh hoạn.

Tôi đã mở chiếc MacBook của mình trên quầy tiếp đón. Kết nối Internet của hiệu sách khá nhanh nhưng thường xuyên lag, mỗi lần như vậy tôi lại phải chạy lên gác để khởi động lại modem. Trình duyệt web mở sẵn tài khoản twitter của Laurent Lafaury, người vừa mới đây đã cập nhật blog riêng.

Theo những thông tin hắn đưa ra; cảnh sát đã nhận dạng được nạn nhân. Đó là một phụ nữ ba mươi tám tuổi tên là Apolline Chapuis, kinh doanh rượu vang, sống tại khu phố Charttons ở Bordeaux. Những lời chứng đầu tiên xác nhận sự hiện diện của cô ta tại bến tàu Saint-Julien-les-Roses ngày 20 tháng Tám vừa qua. Một số hành khách đã gặp cô ta trên chuyến phà ngày hôm đó, nhưng các điều tra viên vẫn đang tìm hiểu xem cô ta tới đảo nhằm mục đích gì. Một trong những giả thiết của họ là ai đó đã dụ Apolline Chapuis tới Beaumont, rồi giam cầm cô ta trước khi sát hại và bảo quản xác cô ta trong một phòng lạnh hoặc một tủ đông. Bài viết của tay nhà báo kết thúc bằng một lời đồn đại điên rồ: khám xét trên quy mô lớn tất cả các ngôi nhà trên đảo để tìm ra nơi giam giữ nạn nhân.

Tôi tra tờ lịch bưu chính - với minh họa là chân dung Arthur Rimbaud của Carjat - mà Audibert treo đằng sau màn hình máy tính để bàn.

Nếu các nguồn tin của tay nhà báo là đáng tin cây, thì Apolline Chapuis đã đặt chân lên đảo trước tôi ba tuần. Thời điểm cuối tháng Tám, khi một cơn mưa như đại hồng thủy trút xuống Địa Trung Hải.

Tôi máy móc gõ tên cô trên công cụ tìm kiếm.

Sau vài cú nhấp chuột, tôi tìm ra website công ty của Apolline Chapuis. Chính xác thì người phụ nữ trẻ không phải “thương gia rượu vang” như Lafaury đã viết. Chapuis quả có làm việc trong lĩnh vực rượu vang, nhưng chuyên ngành của cô đúng ra là thương mại và marketing. Hết sức năng nổ trên thị trường quốc tế, công ty nhỏ của cô chuyên bán các loại vang nổi tiếng cho nhà hàng khách sạn cũng như thiết kế các hầm rượu kiểu chìa khóa trao tay cho các cá nhân giàu có. Mục Chúng tôi là ai? trên website có nêu lý lịch vắn tắt của nữ thành viên sáng lập này và ghi lại những chặng lớn của hành trình của cô. Sinh trưởng tại Paris trong một gia đình sở hữu cổ phiếu của nhiều đồng nho ở Bordeaux, thạc sĩ “Luật về cây nho và rượu vang” tại đại học Bordeaux-IV, rồi một tấm bằng cấp quốc gia về chuyên gia khoa rượu vang (DNO) do Viện nghiên cứu cao cấp về nông học quốc gia của Montpellier cấp. Tiếp đó, Apolline từng làm việc tại London và Hongkong trước khi lập ra công ty tư vấn nhỏ của riêng mình. Bức ảnh đen trắng chụp cô cho thấy một hình thể duyên dáng - đối với ai thích những cô gái tóc vàng hoe cao to có gương mặt phảng phất buồn.

Apolline tới đảo này làm gì nhỉ? Vì công việc chăng? Có thế như vậy lắm. Cây nho được du nhập vào Beaumont đã lâu lắm rồi. Giống như ở Porquerolles, mục đích ban đầu của việc trồng nho là để loại cây này đóng vai trò chắn lửa trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Ngày nay, nhiều khu vực trồng nho trên đảo trông giống hệt những bờ biển xứ Provence. Cơ sở khai thác lớn nhất - cơ sở làm nên niềm tự hào và danh tiếng của Beaumont - là Gallinari. Đầu những năm 2000, chi nhánh tại Corse của dòng họ này đã trồng những giống nho hiếm trên một vùng đất sét và đá vôi. Nếu ban đầu tất cả mọi người đều cho họ là điên, thì từ đó trở đi loại vang trắng của họ - Terra dei Pini trứ danh, với hai mươi nghìn chai sản xuất mỗi năm - đã tạo dựng được danh tiếng lẫy lừng và xuất hiện trên thực đơn của những nhà hàng lớn nhất thế giới. Từ khi tới đây, tôi đã có nhiều dịp nếm rượu nectar. Đó là thứ vang trắng ngọt dịu, thanh và còn đượm mùi quả, rồi đọng lại ở vị hoa và cam bergamot. Toàn bộ quy trình sản xuất tuân thủ chuẩn hữu cơ và tận dụng khí hậu ôn hòa của đảo.

Tôi dán mắt vào màn hình máy tính để đọc lại bài viết của Lafaury. Lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm giác mình là nhà điều tra ở bên trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám đúng nghĩa. Và, giống như mỗi lần trải nghiệm điều gì đó thú vị, tôi lại muốn kết tinh trải nghiệm đó qua việc viết một cuốn tiểu thuyết. Chưa gì, những hình ảnh đáng lo ngại và bí hiểm đã bắt đầu thành hình trong đầu tôi: một hòn đảo ngoài khơi Địa Trung Hải bị tê liệt bởi lệnh phong tỏa, xác chết bị đông lạnh của một phụ nữ trẻ, một nhà văn nổi tiếng giam mình trong nhà riêng từ hai chục năm nay…

Tôi mở một file văn bản mới trên máy tính rồi bắt đầu gõ những dòng đầu tiên:

Chương 1.

Thứ Ba ngày 11 tháng Chín 2018

Gió thổi khiến những cánh buồm đập phành phạch dưới vòm trời chói chang.

Quá một giờ chiều đôi chút, chiếc thuyền buồm đã rời bờ biển xứ Var và lúc này đang lướt với tốc độ năm hải lý trên giờ nhằm hướng đảo Beaumont. Tôi ngồi cạnh người lái, gần phòng điều khiển, ngây ngất với bầu không khí ngoài khơi đầy hứa hẹn, mải miết ngắm làn bụi vàng rực lấp lánh trên Địa Trung Hải.

4.

Mặt trời lặn sau đường chân trời, rạch bầu trời bằng những vệt màu cam. Fawles khó nhọc lê bước suốt quãng đường về sau buổi đi dạo cùng chú chó. Ông những muốn khoe mẽ bằng cách lờ đi những lời khuyên răn của bác sĩ. Ngay khi Sicard giải thoát ông khỏi chỗ bó bột, ông vội vàng ra ngoài cùng Bronco, không mang theo gậy chống cũng chẳng hề cần trọng chút nào. Và lúc này, ông đang phải trả một cái giá đầy cay đắng : ông thở hồng hộc, mắt cá chân cứng đờ và toàn bộ cơ bắp đau nhức.

Vừa về đến phòng khách, Fawles liền thả phịch người xuống trường kỷ kê nhìn ra biến rồi nuốt chửng một viên thuốc chống viêm. Ông nhắm mắt một lát để hồi sức trong khi chú chó giống golden retriever liếm hai bàn tay ông. Ông gần như thiếp ngủ thì tiếng chuông cổng chính vang lên khiến ông nhỏm dậy.

Nhà văn vịn vào thành trường kỷ để đứng lên rồi tập tễnh bước ra tận hệ thống video giám sát. Gương mặt rạng rỡ của Mathilde Monney xuất hiện trên màn hình.

Nathan đờ người. Người phụ nữ này làm gì ở đây nhỉ? Trong tâm trí ông, chuyến thăm mới này cùng lúc vang lên như một tia hy vọng và một lời đe dọa. Mathilde Monney hẳn phải có mưu đồ gì đó khi quay trở lại gặp ông. Làm gì đây? Không trả lời chăng? Đó là giải pháp tránh xa nguy hiểm trong ngắn hạn, nhưng không cho phép xác định bản chất của nguy hiểm.

Fawles mở khóa cổng chính mà thậm chí không nói qua điện thoại nội bộ. Tim ông đã thôi đập dồn, và khi nỗi kinh ngạc qua đi, ông quyết tâm tháo gỡ tình huống. Ông đủ tầm để đối đầu Mathilde. Ông phải thuyết phục cô từ bỏ ý định chõ mũi vào chuyện của người khác, và đó là điều ông sẽ làm. Nhưng theo cách mềm dẻo.

Giống như hôm trước, ông ra ngoài chờ cô trên ngưỡng cửa. Tựa người vào khung cửa, Bronco đứng bên chân, ông nhìn chiếc xe bán tải làm bốc tung những đám bụi trong lúc tiến lại gần. Cô gái dừng xe trước thềm nhà rồi kéo phanh tay.

Cô đóng sập cửa xe rồi đứng đối diện ông một lát. Cô mặc váy liền ngắn tay in hoa, bên trong là áo cổ lọ dệt kim. Những tia nắng cuối ngày sáng lên trên lớp da của đôi bốt cao gót màu mù tạt.

Trông ánh mắt cô đang nhìn ông, Fawles có hai điều tin chắc. Điều thứ nhất: Mathilde Monney không tình cờ, có mặt trên đảo. Cô đến Beaumont chỉ nhằm khám phá bí mật của ông. Điều thứ hai: Mathilde không hề có chút ý niệm nào về bí mật ấy.

- Tôi thấy là ông đã được tháo bột! Ông có thể tới giúp tôi chứ? cô lên tiếng rồi bắt đầu đỡ đống túi giấy chất chồng sau xe xuống.

- Cái gì vậy?

- Tôi đã đi mua đồ cho ông. Tủ bếp của ông rỗng tuếch, hôm qua ông chẳng nói với tôi thế còn gì.

Fawles không nhúc nhích.

- Tôi không cần người giúp việc nhà. Tôi hoàn toàn có thể tự mình mua sắm.

Từ chỗ ông đang đứng, Fawles ngửi thấy mùi nước hoa của Mathilde. Những làn hương kết tinh từ bạc hà, cam quýt và vải sạch, trộn lẫn với hương rừng.

- Ồ! Ông đừng nghĩ đây là sự phục vụ miễn phí. Tôi chỉ muốn làm sáng tỏ câu chuyện này thôi. Thôi được rồi, ông giúp tôi hay là không nào?

- Câu chuyện nào? Fawles vừa hỏi vừa uể oải tóm lấy những chiếc túi còn lại.

- Câu chuyện về món ragu thịt bê ấy.

Fawles ngỡ mình nghe nhầm, nhưng Mathilde nói rõ thêm:

- Trong lần trả lời phỏng vấn sau cùng, ông khoe mình biết nấu món ragu đó tuyệt ngon. Thật trùng khớp, tôi mê món đó lắm!

- Tôi cứ nghĩ cô là người ăn chay.

- Không hề. Tôi đã mua cho ông tất cả nguyên liệu rồi đây. Ông chẳng còn bất cứ lý do nào để không mời tôi ăn tối nữa.

Fawles hiểu là cô không đùa. Ông không dự trù tình huống này, nhưng ông tự thuyết phục rằng mình sẽ kiểm soát được trò chơi và ra hiệu cho Mathilde vào nhà.

Tự nhiên như thể đang ở nhà mình, người phụ nữ trẻ để đống túi lên bàn phòng khách, treo áo khoác lên móc rồi khui một chai Corona đoạn lặng lẽ bước ra sân hiên, vừa nhấm nháp bia vừa ngắm cảnh hoàng hôn.

Còn lại một mình trong bếp, Fawles xếp sắp thực phẩm và bắt đầu bận rộn bếp núc với một vẻ uể oải giả tạo.

Câu chuyện về món ragu ấy thật là một điều dại dột. Một câu dí dỏm mà ông tuôn ra để trả lời câu hỏi của phóng viên. Khi bị hỏi về cuộc sống riêng tư, ông thưởng áp dụng châm ngôn của Italo Calvino: không trả lời hoặc bịa. Nhưng ông không né tránh. Ông chọn ra các nguyên liệu mình cần rồi cất những nguyên liệu khác đi, càng ít dồn trọng tâm vào bên cẳng chân bị đau càng tốt. Ông tìm thấy trong ngăn tủ bếp một chiếc nồi đa năng với lớp đáy tráng men mà đã nhiều năm ông không còn dùng đến rồi cho dầu ô liu vào đun nóng.

Rồi ông lấy ra một cái thớt và bắt đầu chặt nhỏ phần sau đùi và chân giò bê, thái hành và mùi rồi trộn với thịt đang chuyển màu vàng ruộm. Ông thêm một thìa bột và một cốc to vang trắng trước khi giội nước dùng nóng lên toàn bộ nguyên liệu. Giờ thì phải ninh nhỏ lửa hỗn hợp này trong vòng hơn một giờ đồng hồ, ông nhớ là vậy.

Ông liếc qua các phòng khác. Ngày đã tàn và Mathilde đã quay vào bên trong nhà để sưởi ấm. Cô đặt một chiếc đĩa than cũ của nhóm Yardbirds lên mâm quay rồi lục lọi trong thư phòng. Fawles chọn một chai Saint-Julien dưới hầm rượu vang tiếp sau tủ lạnh, thong thả rót rượu vào bình chuyên dụng trước khi quay trở ra phòng khách gặp Mathilde.

- Nhà ông không ấm lắm nhỉ, cô nhận xét. Tôi sẽ không phản đối một ngọn lửa nhỏ đâu.

- Tùy cô thôi.

Fawles tiến về phía giá treo kim loại dùng làm giá đựng củi. Ông gom những cành nhỏ và mấy khúc củi lại rồi nhóm một ngọn lửa trong lò sưởi treo lơ lửng ở vị trí trung tâm căn phòng.

Tiếp tục đi thơ thẩn, Mathilde mở hé chiếc rương treo cố định trên tường cạnh giá trữ củi sưởi và phát hiện ra khẩu súng săn kiểu bơm mà ông cất trong đó.

- Vậy ra đây không phải một truyền thuyết: đúng là ông bắn vào những người đến quấy rầy ông sao?

- Đúng, và cô hãy thấy là mình may mắn vì đã thoát được vụ đó.

Cô chăm chú quan sát khẩu súng. Phần báng và thân súng làm bằng gỗ hồ đào đánh xi, nòng súng bằng thép nhẵn bóng. Giữa những tia phản chiếu phơn phớt xanh của thân súng, giữa những đường lượn trang trí, là một dạng mặt quỷ Lucifer đang nhìn cô với vẻ dọa nạt.

- Đây là quỷ sứ sao? cô hỏi.

- Không, đấy là Kuçedra: một con rồng cái có sừng trong văn hóa dân gian Albani.

- Thú vị thật.

Ông lướt tay trên vai cô để đẩy cô xa khỏi những giá treo rồi kéo cô lại gần lò sưởi và rót mời cô một ly vang. Họ cụng ly rồi lặng lẽ thưởng thức rượu Saint-Julien.

- Một chai Gruaud Larose 1982, ông tiếp đãi tôi trọng thị đấy, cô tán thưởng.

Cô ngồi trên ghế bành da gần trường kỷ, châm một điếu thuốc rồi chơi đùa cùng Bronco. Fawles quay vào bếp, kiểm tra món ragu thịt trắng rồi cho thêm vào đó nấm và những quả ô liu bỏ hạt. Ông nấu cơm, bày hai chiếc đĩa cùng thìa dĩa trong phòng ăn. Đến công đoạn nấu sau cùng, ông thêm nước ép một quả chanh trộn với một lòng đỏ trứng vào món thịt.

- Vào bàn thôi! ông hô đoạn bê món ăn ra.

Trước khi đến chỗ ông, cô đặt lên mâm quay một chiếc đĩa than khác: nhạc phim Khẩu súng cổ. Fawles nhìn cô búng ngón tay theo nhịp giai điệu của François de Roubaix trong khi Bronco xoắn xuýt lấy cô. Cảnh tượng thật đẹp. Mathilde thật đẹp. Buông thả theo khoảnh khắc hẳn cũng dễ thôi nhưng ông biết rằng toàn bộ chuyện này chỉ là một trò thao túng giữa hai người, kẻ này đinh ninh mình thao túng được kẻ kia. Fawles e rằng trò chơi sẽ để lại hậu quả khôn lường. Ông đã liều lĩnh dẫn sói vào chuồng cừu. Chưa ai từng ở gần đến thế cái bí mật mà ông che giấu từ hai chục năm nay.

Món ragu thành công mỹ mãn. Nói gì thì nói, họ cũng đã ăn rất ngon miệng. Fawles đã đánh mất thói quen trò chuyện nhiều, nhưng bữa tối vẫn vui nhờ sự hóm hỉnh và hào hứng của Mathilde, cô luôn có những giả thiết về mọi việc. Rồi, đến một thời điểm, điều gì đó chợt thay đổi trong ánh mắt cô. Ánh lấp lánh vẫn luôn ở đó, nhưng nó trang nghiêm hơn, ít tươi cười hơn.

- Vì đúng dịp sinh nhật ông nên tôi có mang tới tặng ông một món quà.

- Tôi sinh tháng Sáu mà, hôm nay không hẳn là sinh nhật tôi.

- Tôi tặng hơi sớm một chút, hoặc muộn, có gì nghiêm trọng đâu. Thứ này sẽ khiến ông hài lòng với tư cách tiểu thuyết gia.

- Tôi đâu còn là tiểu thuyết gia nữa.

- Tôi thấy dường như tiểu thuyết gia cũng giống như tổng thống vậy. Đó là một danh hiệu mà người ta giữ lại, ngay cả khi chẳng còn tại vị nữa.

- Vấn đề đó còn phải bàn nhiều, nhưng tại sao lại không nhỉ.

Cô tấn công ông trên một mặt trận khác.

- Các tiểu thuyết gia là những kẻ dối trá vĩ đại nhất trong lịch sử, không phải sao?

- Không phải, đó là các chính trị gia. Và các sử gia. Và các phóng viên. Nhưng không phải các tiểu thuyết gia.

- Thế mà có đấy! Khi mạo nhận đang kể lại cuộc sống trong tiểu thuyết của các người, các người đã dối trá. Cuộc sống quá phức tạp nên không thể đưa vào phương trình hay giam cầm nó trong những trang sách. Nó mạnh mẽ hơn Toán hay hư cấu. Tiểu thuyết là hư cấu. Còn hư cấu, về mặt kỹ thuật mà nói đó là dối trá.

- Hoàn toàn ngược lại chứ. Philip Roth đã tìm ra công thức chính xác: “Tiểu thuyết cung cấp cho người sáng tạo ra nó một lời nói dối để thông qua đó anh ta diễn đạt sự thật khó nói của bản thân.”

- Đúng thế, nhưng…

Bỗng nhiên, Fawles cảm thấy chán ngấy.

- Tối nay chúng ta sẽ không giải quyết vấn đề đó. Quà cho tôi là gì vậy?

- Tôi cứ nghĩ ông không muốn nhận quà.

- Cô đúng là một kẻ cực kỳ phiền phức!

- Món quà của tôi, đó là một câu chuyện.

- Câu chuyện nào?

Ly rượu vang trên tay, Mathilde đứng dậy, rời khỏi bàn ăn để quay lại ngồi vào ghế bành.

- Tôi sẽ kể cho ông nghe một câu chuyện. Và khi tôi kể xong, ông sẽ không thể làm gì khác ngoài việc ngồi vào sau chiếc máy chữ kia và bắt đầu viết văn trở lại.

Fawles lắc đầu.

- Thậm chí cả trong mơ cũng không.

- Chúng ta cá cược nhé?

- Chúng ta không cá cược gì hết.

- Ông sợ sao?

- Dẫu sao cũng không phải sợ cô. Không có bất kỳ lý do nào buộc tôi viết văn trở lại và tôi không nghĩ câu chuyện cô kể sẽ thay đổi vấn đề đó.

- Bởi vì câu chuyện này liên quan đến ông. Và bởi vì đó là một câu chuyện phải biết đoạn kết của nó.

- Tôi không chắc là mình muốn nghe nó đâu.

- Dẫu sao tôi cũng sẽ kể cho ông nghe.

Không nhúc nhích khỏi ghế bành, cô chìa chiếc ly rỗng về phía Fawles. Ông cầm chai Saint-Julien, đứng dậy để rót đầy ly của Mathilde rồi buông mình xuống trường kỷ. Ông hiểu rằng những chuyện nghiêm túc đang bắt đầu và toàn bộ chuyện còn lại chỉ là những lời ba hoa phù phiếm. Một khúc dạo đầu cho cuộc chạm trán thực sự giữa họ.

- Câu chuyện bắt đầu ở châu Đại Dương vào đầu những năm 2000, Mathilde cất giọng. Một cặp đôi trẻ người gốc Paris, Apolline Chapuis và Karim Amrani, vừa đặt chân tới Hawaii, sau mười lăm giờ bay, để nghỉ hè tại đó.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp