Cuộc Sống Bí Mật Của Các Nhà Văn

Cô gái mang câu chuyện


8 tháng

trướctiếp

Không đau đớn nào lớn bằng việc phải mang trong mình một câu chuyện không được kể ra.

Zora Neale HURSTON

2000

Câu chuyện bắt đầu ở châu Đại Dương vào đầu những năm 2000.

Một cặp vợ chồng trẻ người Paris, Apolline Chapuis và Karim Amrani, đặt chân tới Hawaii sau mười lăm giờ bay, để nghỉ hè tại đó một tuần. Vừa tới nơi, họ liền vét sạch chiếc tủ lạnh nhỏ trong phòng khách sạn rồi chìm vào một giấc ngủ sâu. Ngày hôm sau rồi ngày kế tiếp, họ tận hưởng trọn vẹn vẻ quyến rũ của hòn đảo thuộc núi lửa Maui. Họ thực hiện những chuyến viễn du trong khung cảnh thiên nhiên được bảo tồn, chiêm ngưỡng những con thác nhỏ và những khoảng không gian phủ đầy hoa trong lúc hút cần. Họ làm tình trên những bãi biển cát mịn rồi thuê một chiếc tàu tư nhân để quan sát lũ cá voi ngoài khơi Lahaina. Ngày thứ ba, họ đang mải miết theo học một khóa lặn dưới đáy biển thì chiếc máy ảnh của họ rớt xuống đại dương.

Hai thợ lặn dày dạn kinh nghiệm kèm cặp họ đã cố gắng tìm lại chiếc máy ảnh mà không được. Apolline và Karim đành cam chịu: họ đã mất toàn bộ ảnh chụp trong kỳ nghỉ. Tối ngày hôm ấy, sau hơn chục ly cocktail tại một trong vô số quán bar bãi biển, họ đã quên khuấy chuyện đó.

2015

Nhưng cuộc đời luôn ẩn chứa vô số bất ngờ.

Nhiều năm sau, trong lúc chạy thể dục dọc bờ biển Vịnh Cát Trắng thuộc vùng Khẩn Đinh phía Nam Đài Loan, nghĩa là cách đó chín nghìn cây số, Eleanor Farago, một nữ doanh nhân người Mỹ, chợt nhìn thấy một vật mắc kẹt trong rặng đá ngầm.

Bấy giờ đang là mùa xuân năm 2015. Lúc bảy giờ sáng. Bà Farago, vốn làm việc cho một chuỗi khách sạn quốc tế, đang dạo một vòng châu Á để thăm vài cơ sở của tập đoàn. Buổi sáng cuối cùng trong quãng thời gian lưu lại đó, trước khi lên máy bay về New York, bà đã đi chạy ở “Cát Trắng”, một dạng Côte d’Azur của địa phương. Bao quanh là đồi núi, bãi biển có cát mịn vàng óng, làn nước trong veo, nhưng cũng có vài rặng đá ngầm chìm sâu dưới biển. Eleanor phát hiện ra đồ vật bí hiểm kia chính tại đó. Bà chạy tới tận nơi, leo qua hai tảng đá, cúi xuống để gỡ nó ra. Đó là chiếc túi chống thấm đựng một chiếc máy ảnh hiệu PowerShot của hãng Canon.

Bấy giờ bà còn chưa biết - mà nói đúng ra, bà sẽ không bao giờ biết được điều này -, nhưng chiếc máy ảnh của hai thanh niên người Pháp đã trôi dạt suốt mười lăm năm, theo những chướng ngại vật và dòng chảy, qua quãng đường gần mười ngàn cây số. Người phụ nữ Mỹ tò mò cầm món đồ đó lên rồi khi về đến khách sạn, bà cát nó vào một túi vải trong hành lý xách tay. Vài giờ sau, bà lên máy bay tại sân bay Đài Bắc. Cất cánh lúc 12h35, chuyến bay Delta Airlines của bà quá cảnh tại San Francisco rồi hạ cánh xuống New York, sân bay JFK, lúc 23h08, nghĩa là trễ ba tiếng so với dự kiến. Mệt nhoài và vội về nhà, Eleanor Farago để quên nhiều đồ trong khoang chứa hành lý đối diện ghế bà ngồi, trong số đó có chiếc máy ảnh kia.

E kíp phụ trách dọn dẹp máy bay thu hồi cái túi rồi giao nộp cho bộ phận phụ trách đồ tìm thấy tại sân bay JFK. Ba tuần sau, một nam nhân viên của bộ phận này phát hiện trong đó có vé máy bay của bà Farago. Sau khi đối chiếu dữ liệu, anh ta để lại cho bà một tin nhắn trên hộp thư thoại cũng như mộc bức thư điện tử mà Eleanor Farago không bao giờ hồi âm.

Theo trình tự quy chuẩn, bộ phận tiếp nhận đồ tìm thấy giữ chiếc máy ảnh trong chín mươi ngày. Sau thời hạn này, nó được bán lại cùng với hàng nghìn đồ vật khác cho một công ty ở Alabama vốn chuyên mua lại hành lý vô thừa nhận của các công ty Mỹ từ nhiều thập kỷ nay.

*

Đầu thu năm 2015, chiếc máy ảnh được bày trên kệ của Unclaimed Baggage Center: trung tâm của những hành lý vô thừa nhận. Nơi này không giống bất kỳ nơi nào khác. Mọi chuyện bắt đầu tự thập niên 1970, tại Scottsboro, một thành phố nhỏ thuộc hạt Jackson, cách Atlanta hai trăm cây số vế phía Bắc. Một công ty gia đình khiêm tốn đã nảy ra ý tưởng ký hợp đồng với các hãng hàng không để bán lại các hành lý thất lạc mà chủ nhân không xuất hiện. Thương vụ thành công đến nỗi theo năm tháng, việc kinh doanh đã trở thành một thiết chế thực sự.

Năm 2015, các kho của Unclaimed Baggage Center mở rộng trên gần bốn nghìn mét vuông. Hơn bảy nghìn đồ vật mới được chuyển tới mỗi ngày bằng đầu kéo xe moóc từ các sân bay khác nhau trên đất Mỹ tới tận thị trấn nhỏ hẻo lánh giữa nơi gầm trời này. Những kẻ hiếu kỳ đổ về từ khắp chốn và thậm chí còn vượt qua cả biên giới nước Mỹ: kể từ đó, mỗi năm có cả triệu khách tham quan tìm tới nơi đây, nơi vừa: giống một siêu thị giảm giá lại vừa giống một bảo tàng những món đồ hiếm. Cả bốn tầng nhà ngồn ngộn những quần áo, máy vi tính, máy tính bảng, tai nghe, nhạc cụ, đồng hồ đeo tay. Một bảo tàng nhỏ thậm chí đã được lập nên ngay trong cửa hàng này để trưng bày những món đồ lạ lùng nhất lượm lặt được theo năm tháng: một cây vĩ cầm Ý có từ thế kỷ XVIII, một chiếc mặt nạ người chết Ai Cập, một viên kim cương 5,8 carat, thậm chí cả một bình đựng tro cốt người quá cố…

Vậy là chiếc Canon PowerShot của chúng ta đã hạ cánh trên kệ trưng bày của cửa hàng kỳ lạ này. Nó ở lại đó, bên trong túi chống nước, nằm chất đống cùng những chiếc máy ảnh khác, từ tháng Chín 2015 đến tháng Mười hai 2017.

2017

Trong kỳ nghỉ Giáng sinh năm đó, Scottie Malone, bốn mươi tư tuổi, cùng con gái là Billie, mười một tuổi, hai cư dân của Scottsboro, lang thang trên những lối đi của Unclaimed Baggage Center. Mức giá được áp dụng trong cửa hàng đôi khi chỉ bằng một phần năm giá đồ mới, còn Scottie thì chẳng giàu có gì cho cam. Anh quản lý một ga ra trên con đường dẫn tới hồ Guntersville và nhận sửa chữa cả ô tô lẫn tàu thuyền.

Từ khi vợ anh bỏ đi, anh cố gắng nuôi dạy con gái tốt nhất có thể. Ba năm trước, Julia đã một đi không trở lại vào một ngày mùa đông. Tối hôm ấy, khi về tới nhà, anh tìm thấy trên bàn bếp một mẩu giấy nhắn lạnh lùng thông báo cho anh biết tin. Chuyện này khiến anh đau lòng, dĩ nhiên - và nỗi đau vẫn còn dai dẳng tới tận hôm nay -, nhưng anh không hề bất ngờ. Nói đúng ra, anh vẫn luôn biết rằng một ngày nào đó vợ mình sẽ bỏ đi. Đâu đó trên một trong những trang của cuốn sách định mệnh có viết rằng những đóa hồng quá đẹp luôn sống cùng nỗi ám ảnh mình sắp héo tàn. Và đôi khi nỗi e sợ này khiến chúng phạm phải những hành động không thể vãn hồi.

- Con muốn quà Giáng sinh là một hộp màu được không bố, Billie hỏi.

Scottie gật đầu thay vì nói đồng ý. Hai bố con lên tầng trên cùng nới có gian hàng sách cũng như mọi thứ liên quan đến văn phòng phẩm. Họ lục lọi hơn mười lăm phút và tìm được một hộp mầu bột xinh xắn, những cây phấn màu dầu cùng hai bức toan trắng cỡ nhỏ. Niềm vui của con gái khiến Scottie thấy ấm lòng. Anh tự cho phép mình tiêu một khoản: một bản Thi sĩ của Michael Connelly hạ giá còn 0,99 đô. Chính Julia đã từng tiết lộ với anh quyền năng thần diệu của việc đọc. Chính cô là người suốt quãng thời gian dài đã khuyên anh đọc những đầu sách có khả năng khiến anh thích thú: truyện trinh thám, tiểu thuyết lịch sử và phiêu lưu. Dĩ nhiên không phải lúc nào ta cũng nhập tâm được vào câu chuyện, nhưng khi ta tìm thấy cuốn sách phù hợp, cuốn sách được tạo ra cho ta, cuốn sách mà ta tận hưởng từng chi tiết, từng mẩu đối thoại, từng suy nghĩ của các nhân vật, thì đó chính là cuộc đào thoát vĩ đại. Đúng thế, điều đó thực sự tốt hơn mọi thứ. Hơn Netflix, hơn những trận đấu bóng rổ của đội Hawks, và hơn tất cả những video ngu ngốc đang lưu hành trên mạng và biến bạn thành xác sống.

Hai bố con đang xếp hàng ở quầy thu ngân thì Scottie bỗng phát hiện ra một cái giỏ trong đó dồn đống những món hàng thanh lý. Anh lục tung chiếc giỏ lớn có mắt lưới to đùng đó rồi moi ra được một bao vải căng phồng giữa vô số những món đồ thập cẩm. Bên trong bao vải là một chiếc máy ảnh compact kiểu cổ có giá 4,99 đô. Ngẫm nghĩ một lát, Scottie buông xuôi trước cám dỗ. Anh thích sửa chữa lặt vặt và vá víu tất cả những gì có trong tay. Mỗi lần như thế là một thử thách mà anh gán cho mình nghĩa vụ phải vượt qua. Bởi lẽ, mỗi khi phục hồi hoạt động cho các đồ vật cũ kỹ hỏng hóc, anh lại có cảm giác đang sửa chữa phần nào cuộc đời mình.

*

Về đến nhà, Scottie và Billie quyết định thỏa thuận rằng, mặc dù hôm đó mới là thứ Bảy ngày 23 tháng Mười hai, họ vẫn sẽ tặng quà cho nhau mà không cần chờ đến ngày Giáng sinh. Như vậy, họ sẽ có trọn vẹn dịp cuối tuần để tận hưởng món quà, vì thứ Hai Scottie còn phải tới ga ra làm việc. Năm đó trời lạnh. Scottie pha cho con gái một tách sô cô la nóng với những viên kẹo dẻo mini bồng bềnh như đám rêu trên bề mặt. Billie bật nhạc rồi dành cả buổi chiều để vẽ trong khi bố cô bé vừa đọc cuốn tiểu thuyết trinh thám mới mua vừa nhấm từng ngụm nhỏ bia tươi.

Chỉ tối đến - khi Billie bắt tay vào chuẩn bị món mì ống phô mai - thì Scottie mới mở bao vải đựng chiếc máy ảnh. Nhìn tình trạng lớp vỏ chống thấm, anh đoán chừng chiếc máy ảnh đã bị ngâm trong nước nhiều năm ròng. Anh cần một con dao có răng cưa để rạch lớp bảo vệ. Chiếc máy ảnh không còn hoạt động nữa, nhưng sau nhiêu nỗ lực, anh đã lấy được thẻ nhớ ra, có vẻ như chiếc thẻ không bị hư hại. Anh kết nối thẻ nhớ với máy tính cá nhân và sao chép được những bức ảnh lưu trong đó.

Scottie săm soi loạt ảnh với đôi chút hưng phấn. Cảm giác được thâm nhập chốn riêng tư của những cá nhân mà anh không quen biết vừa khiến anh thấy mất tự nhiên lại vừa khơi gợi sự tò mò trong anh. Có khoảng bốn mươi bức ảnh. Những bức cuối cùng cho thấy một cặp đôi trẻ tuổi hư đốn trong một khung cảnh tựa thiên đường: bãi biển, làn nước màu lam ngọc, thiên nhiên um tùm tươi tốt, những bức ảnh chụp đủ loại cá rực rỡ sắc màu dưới nước. Có một bức ảnh chụp cặp đôi tạo dáng trước một khách sạn. Bức ảnh được chụp nhanh và cẩu thả, máy ảnh giơ cao phía trên đầu, một bức selfie đi trước thời đại với hậu cảnh là Aumakua Hotel. Sau vài cú nhấp chuột, Scottie đã tìm ra khách sạn này trên Internet: một khách sạn hạng sang ở Hawaii.

Chắc hẳn chiếc máy ảnh này đã bị thất lạc, có lẽ nó bị rơi xuống biển.

Scottie gãi đầu. Trong thẻ nhớ còn lưu những bức ảnh khác. Nhãn thời gian chỉ ra rằng chúng được chụp vài tuần trước những bức chụp tại Hawaii, nhưng lại không khớp với những bức ảnh đầu tiên. Trên đó là những con người khác, chắc chắn là tại một đất nước khác và trong một bối cảnh khác. Chiếc máy ảnh này từng thuộc về ai nhỉ? Thắc mắc đến đây, Scottie rời màn hình máy tính để ra ăn tối.

Như anh đã hứa với con gái, hai cha con dành trọn buổi tối để xem “những bộ phim Giáng sinh nhát ma” - hôm đó là Lũ yêu quái Gremlins Ác mộng trước Giáng sinh.

Ngồi trước màn hình ti vi, Scottie tiếp tục suy nghĩ những gì anh vừa phát hiện ra. Anh uống thêm một chai bia, rồi một chai nữa, và thiếp đi trên trường kỷ.

*

Ngày hôm sau khi anh tỉnh dậy thì đã gần 10 giờ. Hơi ngượng vì đã ngủ lâu đến thế, anh phát hiện con gái đang chuyên tâm “làm việc” trước màn hình máy tính.

- Bố có muốn con pha cho bố một tách cà phê không ạ?

- Con biết mình không được phép tự ý dùng Internet mà! anh mắng con.

Bất bình, Billie nhún vai rồi dằn dỗi đi sang bếp.

Scottie nhìn thấy trên bàn làm việc, cạnh máy tính, một tờ giấy cũ gấp lại, giống một chiếc vé máy bay điện tử.

- Con tìm thấy thứ này ở đâu vậy?

- Trong cái túi vải nhỏ ạ, Billie nghếch mũi lên đáp.

Scottie nheo mắt đọc thông tin ghi trên tấm vé. Đó là chuyến bay của hãng Delta Airlines xuất phát từ Đài Bắc ngày 12 tháng Năm 2015 tới New York. Nữ hành khách có tên Eleanor Farago. Scottie gãi đầu gãi tai, càng lúc anh càng không hiểu vấn đề là gì.

- Con thì biết thừa đã xảy ra chuyện gì rồi nhé, con đã kịp suy nghĩ về chuyện đó trong khi bố ngủ khi như một con sóc chuột! Billie khẳng định vẻ đắc thắng.

Cô bé ngồi vào trước máy tính, mở bản đồ địa cầu vừa tải xuống từ Internet. Rồi cô bé dùng một cây bút chỉ một vùng đất nhỏ giữa Thái Bình Dương.

- Chiếc máy ảnh đã bị một cặp đôi lặn biển làm mất tại Hawaii vào năm 2000, cô bé vừa bắt đầu vừa cho lướt qua màn hình những bức ảnh chụp gần thời điểm hiện tại nhất.

- Đến đây thì bố con ta cùng quan điểm, bố cô bé vừa tán thành vừa đeo kính vào.

Image

Billie chỉ tấm vé máy bay đoạn vạch một mũi tên dài xuyên qua đại dương, từ Hawaii đến Đài Loan.

- Rồi chiếc máy ảnh bị cuốn theo các dòng chảy, trôi dạt tới tận bờ biển Đài Loan, nơi nó được người phụ nữ này, bà Fagaro, tìm thấy vào năm 2015.

- Sau đó, người này đã bỏ quên nó trên chuyến bay quay trở lại Mỹ chăng?

- Vâng, Billie gật đầu đáp. Vì chính vì thế mà nó lọt vào tay bố con ta.

Cô bé chăm chú hoàn thành tấm giản đồ của mình bằng một mũi tên khác kéo dài tới New York, rồi bằng một dài gạch nối kéo dài đến tận thành phố nhỏ nơi họ sống.

Scottie ấn tượng mạnh với khả năng suy diễn của con gái. Billie đã tái lập một phiên bản gần như đầy đủ của tấm hình ghép. Mặc dù một phần bí ẩn vẫn còn đó:

- Theo con thì những người xuất hiện trên những bức ảnh đầu tiên là ai?

- Con không biết, nhưng con nghĩ họ là người Pháp.

- Sao lại thế?

- Quạ các khung cửa sổ, ta có thể thấy những mái nhà Paris, Billie đáp ngay. Và đằng kia, chính là tháp Eiffel.

- Bố cứ nghĩ tháp Eiffel ở Las Vegas chứ nhỉ.

- Bố này nữa!

- Bố đùa thôi, Scottie gật đấu đáp, cùng lúc nhớ lại có lần anh từng hứa với Julia là sẽ đưa cô tới Paris, và lời hứa này đã mai một dần theo những ngày, những tuần, những tháng, những năm khiến cuộc sống thường nhật cùn mòn đi.

Anh vẫn săm soi hết ảnh Paris lại tới ảnh ở Hawaii. Dù không biết tại sao, nhưng anh như bị thôi miên bởi loạt hình ảnh liên tiếp này. Như thể ẩn giấu đằng sau hai lớp cảnh ấy là một thảm kịch âm ỉ. Như thể trong đó có một bí ẩn cần khám phá, xứng tầm những tình tiết có trong đống sách trinh thám mà anh vẫn thường ngấu nghiến.

Anh có thể làm gì với những bức ảnh này đây? chẳng có bất kỳ lý do nào để anh giao chúng cho cảnh sát, tuy thế, một giọng nói nội tâm khe khẽ vẫn nhắn nhủ rằng anh cần phải cho ai đó xem chúng. Có lẽ là cho một phóng viên chăng? Và ưu tiên một phóng viên Pháp. Nhưng Scottie lại không nói được từ tiếng Pháp nào.

Anh cảm ơn con gái vừa đưa anh một tách cà phê đen. Rồi cả hai bố con ngồi vào trước màn hình máy tính. Trong giờ tiếp theo, sau khi ra sức mò mẫm và gõ các từ khóa vào công cụ tìm kiếm, họ đã tìm ra đối tượng phù hợp với hồ sơ được xác định từ trước: một nữ nhà báo người Pháp từng học tập tại New York và lấy bằng Thạc sĩ Khoa học của đại học Columbia. Sau đó cô quay trở lại châu Âu và hiện đang làm việc cho một tờ nhật báo Thụy Sĩ.

Billie tìm ra địa chỉ mail của cô trên trang web của tờ báo kia, rồi ông bố và cô con gái cùng thảo một bức thư điện tử để giải thích khám phá cùng cảm tưởng của họ khi đối diện một bí ẩn. Để củng cố cho lời lẽ trong thư, họ gửi kèm một số bức ảnh chọn lọc. Rồi họ gửi thông điệp của mình đi như thả một lá thư trong chai xuống biển.

Nữ phóng viên đó tên là Mathilde Monney.

THIÊN THẦN TÓC VÀNG

Trích đoạn chương trình Nước xuýt văn hóa

Phát sóng trên kênh France 2 ngày 20 tháng Mười một năm 1998

(Một bối cảnh sang trọng và tối giản: rèm màu kem xếp nếp, những cây cột kiểu cổ, kệ sách ảo trông như được tạc vào đá cẩm thạch. Khách mời ngồi trên những chiếc ghế bành da màu đen quây quanh một chiếc bàn thấp. Bernard Pivot mặc áo vest vải tweed, đeo cặp kính hình bán nguyệt, mỗi lần đặt câu hỏi lại liếc qua những tờ phiếu giấy Bristol.)

Bernard Pivot: Chúng ta đã trễ giờ quá rồi Nathan Fawles ạ, nhưng trước khi trả sóng, tôi vẫn muốn anh trả lời bảng câu hỏi truyền thống của chương trình. Câu hỏi đầu tiên: từ ưa thích của anh là gì?

Nathan Fawles: Ánh sáng!

Pivot: Từ anh ghét?

Fawles: Thói nhìn trộm, xấu cả về ý nghĩa lẫn âm điệu.

Pivot: Chất gây nghiện ưa thích của anh?

Fawles: Whisky Nhật Bản. Đặc biệt là loại Bara No Niwa mà nhà máy sản xuất đã bị phá hủy trong thập niên 1980 và…

Pivot: Thôi nào! Thôi nào! Chúng ta không thể quảng cáo một nhãn rượu trên sóng truyền hình đại chúng được! Câu hỏi tiếp theo: âm thanh, tiếng động mà anh thích?

Fawles: Sự im lặng.

Pivot: Âm thanh, tiếng động mà anh ghét?

Fawles: Sự im lặng.

Pivot: A ha! Câu chửi thề, rủa xả hoặc báng bổ anh thích nhất?

Fawles: Lũ ngu đần.

Pivot: Câu đó không được văn vẻ cho lắm nhỉ!

Fawles: Tôi chẳng bao giờ biết cái gì là ‘văn vẻ” và cái gì không. Raymond Queneau chẳng hạn, đã sử dụng từ này trọng cuốn Những bài tập phong cách. “Sau một quãng thời gian chờ đời ngột ngạt dưới cái nắng khốn kiếp, rốt cuộc tôi cũng leo lên một chiếc xe khách bẩn thỉu nơi một lũ ngu đần đang ngồi sát vào nhau.”

Pivot: Đàn ông hay phụ nữ để minh họa cho một tờ tiền mới?

Fawles: Alexandre Dumas, người đã kiếm được nhiều trước khi mất tất cả, và người nhắc nhở một cách thích đáng rằng tiền là tên đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ tồi.

Pivot: Anh thích được tái sinh thành cây thân cỏ, cây thân gỗ hay động vật?

Fawles: Một chú chó, bởi chúng thường nhiều tính người hơn cả con người. Anh biết câu chuyện về chú chó của Levinas chứ?

Pivot: Không, nhưng anh sẽ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đó vào một lần khác. Câu hỏi sau cùng, nếu Chúa Trời tồn tại, anh muốn nghe thấy Ngài nói gì với chính anh sau khi anh chết hả Nathan Fawles?

Fawles: “Con đã không hoàn hảo, Fawles ạ… Nhưng ta cũng không nốt!”

Pivot: Cảm ơn anh vì đã tới, chúc tất cả quý vị buổi tối tốt lành và hẹn gặp lại vào tuần sau.

(Nhạc nền phần giới thiệu, cuối chương trình: Đêm có ngàn mắt, Sonny Rollins diễn tấu bằng kèn saxophone.)


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp