Cuộc Sống Bí Mật Của Các Nhà Văn

Danh sách đồ cần mua của các nhà văn


8 tháng

trướctiếp

Tôi không thuộc đám nhà văn tồi luôn khẳng định chỉ viết cho bản thán. Tất cả những gì một tác giả viết cho bản thân, đó là các danh sách đồ cần mua, mà họ có thể vứt đi khi đã mua xong. Những thứ còn lại (…) đều là thông điệp gửi tới ai đó khác.

Umberto ECO

Ba tuần sau

Thứ Hai ngày 8 tháng Mười năm 2018

1.

Nathan Fawles đang bồn chồn không yên.

Nửa nằm nửa ngồi trên ghế bành với bàn chân bó bột thẳng đuỗn đặt trên trường kỷ lót vải bông, ông cảm thấy bối rối. Con chó của ông, Bronco - sinh vật duy nhất quan trọng với ông trên đời -, đã biệt tăm từ hai ngày nay. Thi thoảng chú chó giống golden retriever vẫn biến mất, nhưng chỉ một đến hai giờ đồng hồ chứ chưa bao giờ hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa: chú ta đã gặp phải chuyện gì đó. Một vụ tai nạn, một vết thương, một vụ bắt cóc.

Đêm hôm trước, Nathan đã gọi điện cho Jasper Van Wyck, tay đại diện người New York - mối liên hệ chính của ông với thế giới và thứ gần giống với một người bạn nhất -, để xin một lời khuyên. Jasper đề xuất gọi cho tất cả những người bán hàng tại Beaumont. Ông ta cũng đã yêu cầu một trong các thành viên thuộc ê kíp của mình soạn một tờ bướm treo thưởng 1.000 euro cho ai tìm lại được chú chó, rồi gửi tờ bướm đó qua thư điện tử cho toàn ê kíp. Giờ thì chỉ còn phải chờ đợi và chắp tay cầu nguyện nữa thôi.

Nathan thở dài nhìn mắt cá chân bó bột. Ông thèm một ly whisky dẫu còn chưa đến 11 giờ trưa. Chỉ tại thằng nhóc Raphaël Bataille ngu ngốc đó mà ông phải ru rú trong nhà đã hai mươi ngày nay. Ban đầu, ông cứ nghĩ chỉ bị bong gân nhẹ và ông sẽ khỏi với một túi đá chườm trên khớp cùng vài viên paracetamol. Nhưng hôm sau ngày thằng nhóc đột nhập, khi thức dậy, ông đã hiểu rằng mọi việc sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Không chỉ mắt cá chân của ông chẳng hết sưng mà ông còn không lê nổi bước nào mà không rú lên vì đau.

Ông buộc phải quyết định gọi cho Jean-Louis Sicard, vị bác sĩ duy nhất ở Beaumont. Một kẻ kỳ quặc suốt ba mươi năm nay vẫn đi khắp hang cùng ngõ hẻm trên đảo bằng chiếc xe gắn máy cũ kỹ. Chẩn đoán của Sicard không mấy lạc quan. Các dây chằng ở mắt cá chân bị đứt, lớp bao khớp bị rách và một sợi gân bị tổn thương nặng.

Sicard lệnh cho ông nghỉ ngơi hoàn toàn. Nhất là bác sĩ đã bó bột chân ông lên tận đầu gối và từ ba tuần nay, chỗ bó ấy khiến ông hoàn toàn phát điên.

Fawles chống nạng đi vòng vòng như một con sư tử bị nhốt trong chuồng, và ông phải ngốn thuốc chống đông máu để phòng ngừa. May thay, chưa đầy hai mươi tư giờ nữa, ông sẽ được giải thoát. Sáng nay, từ tinh mơ, chính ông, người vốn hiếm khi dùng điện thoại, đã phải miễn cưỡng gọi cho vị bác sĩ già để chắc chắn rằng ông ta không quên cuộc hẹn giữa họ. Fawles thậm chí còn có gắng mời Sicard đến trong ngày, nhưng nỗ lực của ông đã thất bại.

2.

Tiếng chuông điện thoại gắn tường kéo Fawles ra khỏi cơn ngủ lịm. Nhà văn không có điện thoại di động hay địa chỉ mail, cả máy tính cá nhân cũng không, chỉ đúng một chiếc điện thoại có ống nghe cũ kỹ bằng nhựa bakelite gắn cố định vào một cột gỗ chịu lực phân tách không gian giữa phòng khách và phòng bếp. Fawles chỉ sử dụng chiếc điện thoại này để gọi đi, ông không bao giờ đích thân trả lời các cuộc gọi đến mà để hộp thư thoại ở tầng trên hoạt động. Tuy nhiên, hôm nay, việc chú chó mất tích đã khiến ông vi phạm những thói quen của mình. Ông đứng dậy rồi chống nạng lê ra tận chỗ treo điện thoại.

Là Jasper Van Wyck.

- Tôi có một tin tuyệt vời đây, Nathan: người ta tìm thấy Bronco rồi!

Fawles cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng tận.

- Nó ổn chứ?

- Rất ổn, người đại diện của ông cam đoan.

- Người ta tìm thấy nó ở đâu vây?

- Một cô gái đã nhìn thấy nó trên đường, về phía bán đảo Sainte-Sophie, và đưa nó về tiệm Ed’s Corner.

- Anh đã bảo Ed dẫn Bronco về cho tôi chưa?

- Cô gái nài nỉ muốn tự mình làm việc đó.

Nathan cảm thấy sộc lên mùi gài bẫy. Bán đảo nam tận đầu kia Beaumont, ở hướng ngược lại với mũi Safranier. Biết đâu người phụ nữ này bắt cóc con chó hòng tiếp cận ông thì sao nhỉ? Hồi đầu thập niên 1980, nữ phóng viên Betty Eppes đã đánh lừa Salinger bằng cách nói dối danh tính bản thân và biến cuộc trò chuyện tầm thường mà cô ta có được với ông thành một bài phỏng vấn rồi chào bán cho các tờ báo ở Mỹ.

- Người phụ nữ này chính xác là ai vậy?

- Mathilde Monney. Một người Thụy Sĩ, tôi nghĩ vậy, đang nghỉ hè trên đảo. Cô ta thuê bed & breakfast gần tu viện dòng thánh Benedict. Cô ta là phóng viên của tờ Thời đại tại Genève.

Fawles thở dài. Hẳn không thể là cô chủ tiệm hoa, bà chủ hàng thịt, không thể là một nữ y tá hay một cô nàng phi công thương mại… Mà cứ phải là một nữ phóng viên.

- Bỏ qua đi, Jasper, tôi có dự cảm chẳng lành với vụ này.

Ông nắm chặt tay rồi đấm vào cây cột gỗ. Ông cần con chó, và Bronco cần ông, nhưng ông không thể lái ô tô đi đón nó được. Đây không phải lý do để mắc bẫy. Nữ phóng viên của tờ Thời đại… Ông nhớ đến một nam phóng viên của tờ báo này xưa kia từng phỏng vấn ông tại New York. Một gã ra cái vẻ am hiểu nhưng thực tình chẳng biết chút gì về tiểu thuyết. Có lẽ đó là những kẻ tệ hại nhất: lũ phóng viên phê bình sách của bạn như đúng rồi trong khi chẳng hiểu gì về nó.

- Có lẽ việc cô ta là phóng viên chỉ đơn giản là một sự tình cờ, Jasper gợi ý.

- Một sự tình cờ ư? Anh ngốc thật hay anh coi thường tôi đấy?

- Nghe này, không có gì phải lo lắng cả, Nathan ạ. Anh chấp nhận cho cô ta đến Nam Tháp Tự, anh nhận lại con chó rồi lập tức đuổi cô ta ra ngoài.

Một tay cầm ống nghe, Fawles xoa mắt bằng tay kia để cho mình thêm vài giây suy nghĩ. Ông cảm thấy mình dễ bị tổn thương với cái mắt cá chân bó bột và ghét cái cảm giác phải trải qua một tình huống mà ông không làm chủ được.

- Thôi được, tuy thế ông vẫn nhượng bộ. Anh gọi lại cho cô ta đi, gọi lại cho cái cô Mathilde Monney đó. Nói cô ta hãy qua vào đầu giờ chiều rồi chỉ đường để cô ta tới đây.

3.

Buổi trưa. Tôi vừa bán được một cuốn manga Khu phố xa xăm, kiệt tác của Taniguchi, sau hai mươi phút hùng biện và tôi vẫn nở nụ cười trên môi. Trong vòng chưa đầy một tháng, tôi đã khiến hiệu sách thay đổi. Đây không phải sự lột xác hoàn toàn mà là một loạt thay đổi đáng kể: không gian sáng sủa và thoáng đãng hơn, sự đón tiếp niềm nở và bớt phần cau có. Thậm chí tôi còn moi được từ Audibert quyền đặt mua vài cuốn sách tham khảo khuyến khích trốn thoát nhiều hơn suy tưởng. Những dấu hiệu nhỏ đều đi theo cùng một hướng: chữ nghĩa cũng có thể là một thú vui.

Tôi phải thừa nhận ông chủ hiệu sách đã có công để tôi được tự do hành động. Ông để tôi được yên ổn tuyệt đối và không thường xuyên có mặt trong cửa tiệm, chỉ rời khỏi căn hộ riêng trên tầng hai để ra quảng trường uống vài ly. Trong lúc miệt mài tính toán, tôi nhận ra ông đã bôi đen bức tranh toàn cảnh. Tình cảnh của hiệu sách còn xa mới tới mức thảm họa. Audibert là chủ sở hữu ngôi nhà và giống như nhiều người buôn bán ở Beaumont, ông nhận một khoản trợ cấp hào phóng từ Công ty cổ phần Gallinari, chủ nhân hòn đảo. Với đôi chút thiện chí và không ít năng động, ta có thể trả lại cho hiệu sách toàn bộ sự hiển hách và thậm chí mời các tác giả quay trở lại đây, tôi đang mơ như vậy.

- Raphaël?

Peter McFarlane, chủ tiệm bánh trên quảng trường, vừa thò đầu vào hiệu sách. Đó là một người Scotland dễ mến hai mươi lăm năm về trước đã rời một hòn đảo này để tới một hòn đảo khác. Tiệm bánh của ông nổi tiếng nhờ món bánh hành và bánh hoa cam kem tươi. Nó mang tên Bread Pit(6) nhằm tôn vinh một truyền thống có phần tức cười và khác xa phương diện sang chảnh của Beaumont, một truyền thống mà dường như ai nấy đều hết sức gắn bó: đặt cho mỗi cửa hàng một cái tên dựa trên quy tắc chơi chữ. Chỉ duy có vài kẻ tẻ nhạt như Ed mới không chịu làm theo cách này.

- Cậu sang dùng rượu khai vị không? Peter rủ tôi.

Ngày nào cũng có ai đó mời tôi dự nghi lễ uống rượu khai vị. Chính ngọ là mọi người ngồi vào bàn trên các sân hiên để nhấm nháp rượu anis hay một ly Terra dei Pini, loại vang trắng làm nên niềm tự hào của đảo. Ban đầu, tôi thấy vụ này dân dã quá, nhưng rồi tôi nhập cuộc hết sức nhanh chóng. Mọi người ở Beaumont ai nấy đều quen biết nhau. Dù đi đâu, bạn cũng luôn gặp một gương mặt thân quen để chuyện trò dăm câu ba điều. Mọi người thong thả sống và trò chuyện cùng nhau, và đối với tôi, kẻ đã quen sống trong sự buồn tẻ vô vị, hung hăng và ô nhiễm của Paris, thì đây là thứ gì đó mới mẻ.

Tôi ngồi cùng bàn với Peter trên sân hiên quán Fleurs du Malt(7) Ra vẻ dửng dưng, tôi nhìn những gương mặt xung quanh mình để tìm một cô gái tóc vàng. Một khách hàng của hiệu sách mà tôi gặp hôm trước. Tên cô là Mathilde Monney. Cô đang nghỉ hè tại Beaumont, thuê phòng trong một ngôi nhà gần tu viện dòng thánh Benedict. Cô đã mua cả ba cuốn tiểu thuyết của Nathan Fawles trong hiệu sách của tôi, mặc dù cô khẳng định là đã đọc cả rồi. Thông minh, hài hước, rạng rỡ. Chúng tôi đã thảo luận hai mươi phút và tôi vẫn ngất ngây chưa hồi tỉnh được. Kể từ đó, ý nghĩ gặp lại cô cứ phi nước kiệu trong đầu tôi.

Điểm đen duy nhất của những tuần gần đây, đó là tôi viết ít. Dự án của tôi về bí ẩn Nathan Fawles- mà tôi đã đặt tên là Cuộc sống bí mật của các nhà văn - hầu như không tiến triển. Tôi thiếu chất liệu và đề tài vượt quá khả năng của tôi. Tôi đã gửi nhiều thư điện tử cho Jasper Van Wyck, người đại diện của Fawles, và dĩ nhiên không nhận được chút hồi âm nào, tôi cũng hỏi han dân đảo, nhưng không ai cung cấp thêm thông tin gì ngoài những điều tôi đã biết.

- Câu chuyện khùng điên này là gì vậy? Audibert hỏi khi đến chỗ chúng tôi, tay cầm một ly vang hồng.

Ông chủ hiệu sách có vẻ lo lắng. Từ mười phút nay, một tin đồn điên rồ lan truyền khắp quảng trường nơi càng lúc càng nhiều người đổ về. Hai người đi dạo dân Hà Lan vừa phát hiện một cái xác tại bãi biển Tristana, bãi biển độc nhất vô nhị của bờ biển phía Tây Nam hòn đảo. Nơi đó tuyệt đẹp, nhưng nguy hiểm. Năm 1990 đã có hai thiếu niên thiệt mạng trong lúc chơi gần các vách đá. Tai nạn ấy khiến dân đảo chấn thương tâm lý. Ngoài những nhóm nhỏ đang thảo luận sôi nổi, tôi nhận ra Ange Agostini, một trong những cảnh sát viên của thành phố, đang rời quảng trường. Theo bản năng, tôi đi theo ông qua những ngõ nhỏ và bắt kịp ông đúng lúc ông đến chỗ chiếc xe ba bánh đỗ gần bến cảng.

- Ông đến bãi biển Tristana phải không? Tôi đi cùng được chứ?

Agostini ngoái nhìn, hơi ngạc nhiên khi thấy tôi đi theo. Đó là một người đàn ông cao lớn, hói đầu. Một người dân đảo Corse dễ mến, fan cứng của tiểu thuyết trinh thám và anh em nhà Cohen, tôi đã giúp ông khám phá những tác phẩm của Simenon mà tôi thích nhất: Những kẻ tự sát, Người đàn ông nhìn những chuyến tàu qua, Căn phòng màu xanh

- Nếu cậu muốn thì lên xe đi, người đàn ông đảo Corse nhún vai đáp.

Với tốc độ chừng ba mươi đến bốn mươi cây số giờ, chiếc xe ba bánh hiệu Piaggio bò lết trên Strada Principale. Agostini có vẻ lo lắng. Những tin nhắn ông nhận được trên điện thoại di động rất đáng ngại và khiến người ta nghĩ rằng đây là án mạng thì đúng hơn là tai nạn.

- Thật không tưởng tượng nổi, ông lẩm bẩm, không thể có án mạng ở Beaumont được.

Tôi hiểu ý ông. Ở Beaumont không có tội phạm thực sự. Gần như không có vụ tấn công nào và cực ít trộm cắp. Cảm giác an toàn đến mức mọi người thường để chìa khóa cắm nguyên trên cửa ra vào hay để xe nôi cùng em bé bên ngoài các cửa hàng. Cảnh sát địa phương chỉ có chừng bốn năm người và phần chính trong công việc của họ là trò chuyện với dân chúng, đi tuần và thông báo về những chuông báo động bị hỏng.

4.

Con đường khó nhọc men theo bờ biển nơi địa hình hiểm trở. Phải mất hơn hai mươi phút, chiếc xe ba bánh mới tới được bãi biển Tristana. Ở một khúc quanh, đôi khi người ta đoán biết hơn là nhìn thấy những căn biệt thự rộng lớn màu trắng khuất sau hàng héc ta rừng thông.

Rồi cảnh vật bỗng nhiên thay đổi hẳn để nhường chỗ cho một bình nguyên hoang vắng nhô cao trên bãi cát đen. Ở chốn này, Beaumont giống Iceland hơn là Porquerolles.

- Cái quái gì vậy?

Chân tì chân ga - xuôi dốc và trên đường thẳng, chiếc mô tô ba bánh hẳn phải đạt tốc độ gần bốn mươi lăm cây sổ giờ -, Ange Agostini chỉ tay vào khoảng chục chiếc xe hơi đang án ngữ trên đường. Khi lại gần hơn, tình hình trở nên sáng rõ. Khu vực này đã bị lực lượng cảnh sát tới từ lục địa bao vây hoàn toàn. Agostini đỗ xe lại bên vệ đường rồi rảo bước ven khu vực có chăng dải băng nhựa. Tôi không hiểu gì hết. Vì sao chừng đó người, rõ ràng là người bên cảnh sát tư pháp Toulon, nhưng có cả xe của cảnh sát pháp y - có thể triển khai nhanh đến thế trên phần bờ biển hiểm trở này? Ba chiếc xe in đồ hình này ở đâu ra? Tại sao không ai nhìn thấy chúng đổ bộ vào bến cảng?

Tôi chen vào đám người hiếu kỳ và dỏng tai nghe mọi cuộc trò chuyện. Dần dà, tôi có thể lập lại sơ lược kịch bản buổi sáng. Vào khoảng 8 giờ sáng, một cặp sinh viên người Hà Lan cắm trại nơi hoang dã đã phát hiện xác một phụ nữ. Họ lập tức liên lạc với sở cảnh sát Toulon, sở đã xin được giấy phép sử dụng thủy phi cơ của hải quan để cử một hạm đội cảnh sát và ba chiếc xe hơi tới đảo. Để kín đáo hơn, cảnh sát đã trực tiếp hạ cánh xuống Phiến Saragota, cách đây chừng chục cây số.

Đi xa thêm một chút, tôi gặp lại Agostini trên một gò đất nhỏ ven đường. Ông có vẻ vừa chán ngán vừa hơi tủi nhục vì không thể tiếp cận hiện trường tội ác.

- Có biết nạn nhân là ai không ạ? tôi hỏi.

- Chưa, nhưng người ta nghĩ đó không phải dân trên đảo.

- Tại sao cảnh sát lại đến đông và nhanh vậy nhỉ? Tại sao họ không báo trước với ai hết?

Người đàn ông đảo Corse lơ đễnh nhìn điện thoại di động:

- Đó là vì tính chất của tội ác. Và những bức ảnh do hai thanh niên kia gửi.

- Hai người Hà Lan đó đã chụp ảnh sao?

Agostini gật đầu.

- Chúng được phát tán vài phút trên twitter trước khi bị thu hồi. Nhưng vẫn còn những bản chụp lại màn hình.

- Tôi xem được không?

- Thật lòng tôi khuyên cậu không nên xem, đó không phải cảnh tượng dành cho người bán sách đâu.

- Không sao! Rất có thể tôi cũng nhìn thấy chúng lướt qua trên giao diện Twitter cá nhân mà.

- Tùy cậu thôi.

Ông đưa điện thoại cho tôi và những gì thấy được trên đó khiến tôi buồn nôn. Là xác một phụ nữ. Khó lòng đoán tuổi người đó bởi lẽ khuôn mặt cô dường như đã biến dạng vì những vết thương. Tôi cố gắng nuốt nước bọt, nhưng cổ họng tôi như tê liệt trước hình ảnh ghê rợn này. Cái xác, khỏa thân, như bị đóng đinh vào thân một cây bạch đàn khổng lồ. Tôi zoom trên màn hình cảm ứng. Thứ ghim chặt người phụ nữ vào thân cây không phải đinh mà là những cái đục gỗ hoặc dụng cụ đẽo đá, chúng làm vỡ xương cổ và cắm sâu vào da thịt cô.

5.

Ngồi sau vô lăng chiếc bán tải mui trần, Mathilde Monney xuyên qua khu rừng trải dài tới tận mũi Safranier. Ở đằng sau xe, Bronco vừa ngắm nhìn cảnh vật vừa sủa ăng ẳng. Thời tiết đẹp. Mùi gió phơn vùng biển trộn lẫn với mùi bạch đàn và bạc hà Âu. Những ánh phản chiếu màu nâu ánh vàng của mặt trời mùa thu rọi xuyên qua những tán thông lọng và sồi lam.

Đến trước bức tường bao phiến thạch, Mathilde xuống xe rồi làm theo chỉ dẫn của Jasper Van Wyck. Gần cổng chính bằng nhôm, đằng sau một viên đá sẫm hơn những viên khác, có chiếc điện thoại nội bộ được ngụy trang. Mathilde bấm chuông để thông báo mình đã tới. Cánh cổng kêu lách tách rồi mở ra.

Cô đánh liều lái xe tiến vào bên trong khuôn viên hoang sơ rộng lớn. Một con đường đất chạy xuyên dưới gốc những cây thân gỗ. Cù tùng, dương mai và nguyệt quế mọc san sát nhau. Rồi con đường quanh co trên một con dốc đứng và biển đột nhiên xuất hiện cùng lúc với ngôi nhà của Fawles: một khối xây có dạng hình học, bằng đá hoàng thổ, kính và bê tông.

Cô vừa đỗ chiếc bán tải cạnh chiếc xe hẳn là của nhà văn - một chiếc Mini Moke màu rằn ri với vô lăng và bảng điều khiển bằng gỗ sơn - thì chú chó giống golden retriever đá nhảy khỏi xe để chạy ùa tới chỗ chủ nó đang chờ trước cửa nhà.

Nhà văn chống nạng, vui mừng khôn xiết khi gặp lại bạn đồng hành. Mathilde bước tới. Trước đó cô hình dung mình sẽ đối diện một kiểu người ăn lông ở lỗ: một lão già thô lỗ cục cằn, quần áo tả tơi với mái tóc dài và bộ râu quai nón hai chục phân. Nhưng người đàn ông đang đứng trước mặt cô râu cạo tinh tươm. Ông để tóc ngắn, mặc sơ mi thể thao vải lanh màu xanh da trời tiệp với màu mắt và quần dài vải toan.

- Mathilde Monney, cô tự giới thiệu đoạn chìa tay cho ông bắt.

- Cảm ơn vì đã đưa Bronco về với tôi.

Cô gãi đầu chú chó.

- Dẫu sao cũng rất vui khi chứng kiến màn hội ngộ của các vị.

Mathilde chỉ vào chiếc nạng và phần mắt cá chân bó bột.

- Tôi hy vọng chuyên này không quá nghiêm trọng.

Fawles lắc đầu.

- Ngày mai, nó sẽ chỉ còn là một kỷ niệm tệ hại.

Cô ngập ngừng, rồi:

- Chắc ông không còn nhớ nữa, nhưng chúng ta đã từng gặp nhau.

Ông lùi lại một bước, nghi hoặc.

- Tôi không nghĩ thế.

- Có đấy, cách đây lâu rồi.

- Vào dịp nào vậy?

- Tôi để ông đoán thử xem.

6.

Fawles biết ràng, sau này, ông hẳn sẽ tự nhủ lẽ ra mình nên dừng mọi chuyện lại ở chính khoảnh khắc đó. Đơn giản là nói cái câu như ông đã giao hẹn với Van Wyck, “cảm ơn và tạm biệt”, rồi lui vào bên trong nhà. Thay vì thế, ông im bặt. Ông đứng trân ra trước cửa nhà, gần như bị Mathilde Monney thôi miên. Cô mặc váy liền thân ngắn họa tiết lưới cải hoa, áo khoác da dáng ngắn và đi đôi xăng đan cao gót với phần dây mảnh lượn vòng quanh rồi thắt nút trên dây chằng ở mắt cá chân.

Ông sẽ không diễn lại đoạn đầu cuốn Giáo dục tình cảm - “Đây giống như một sự hiện hình” -, nhưng trong một khoảnh khắc dài ông để mình chuếnh choáng trước cái không-biết-gọi-là-gì của sự nhạy cảm, cương nghị và khí chất thái dương đang toát ra từ người phụ nữ trẻ.

Đó là một cơn say có kiểm soát, một cơn say cuồng đẹp đẽ mà ông đồng lòng, một liều nhỏ tóc vàng hoe, ánh sáng ấm nóng giống như một cánh đồng lúa mì. Ông không nghi ngờ lấy một giây là mình có thể kiểm soát diễn biến mọi việc hay chấm dứt chỉ bằng cách búng tay và khi nào thì ông thấy trò mê hoặc này nên kết thúc.

- Tờ bướm có hứa sẽ thưởng 1.000 euro, nhưng tôi tin mình chỉ cần một tách trà mát lạnh, Mathilde mỉm cười.

Fawles tránh đôi mắt màu xanh lục của người đối thoại, đoạn nhẹ nhàng giải thích rằng vì không thể tự di chuyển nên lâu nay ông không đi mua đồ được, thành thử tủ bếp nhà ông đang trống rỗng.

- Một cốc nước cũng được, cô nằn nì. Trời nóng quá.

Thường thì ông đủ khả năng xét đoán mọi người theo bản năng. Những ấn tượng ban đầu của ông thường chuẩn xác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông hơi lạc lối, đan xen những cảm xúc trái ngược. Một tín hiệu báo nguy đã phát ra trong đầu ông để nhắc ông nên cảnh giác với Mathilde. Nhưng làm thế nào để kháng cự lời hứa hẹn bí ẩn và khó nắm bắt mà cô mang trong mình đây? Một quầng sáng lan tỏa, dịu êm như mặt trời tháng Mười.

- Cô vào đi, rốt cuộc ông cũng nhượng bộ.

7.

Xanh rợn ngợp đến cuối chân trời.

Mathilde kinh ngạc với ánh sáng bao trùm bên trong căn nhà. Cửa ra vào dẫn thẳng đến phòng khách nối dài bởi phòng ăn và phòng bếp. Ba phòng này được lắp những ô cửa kính rộng mênh mông trông ra biển và đem lại cảm giác lênh đênh trên những con sóng. Trong khi Fawles sang phòng bếp rót nước cho cả hai người, Mathilde đắm mình vào không gian kỳ ảo. Ở đây cô cảm thấy dễ chịu, được ru theo tiếng sóng dồi. Các ô cửa bằng vách gạch xóa bỏ không gian giữa phần bên trong nhà và sân thượng, tạo ra cảm giác mất phương hướng dễ chịu, đến độ bạn không còn biết rõ liệu mình đang ở bên trong hay bên ngoài. Giữa phòng khách, một lò sưởi treo thu hút ánh nhìn, cầu thang mở bằng bê tông láng bóng dẫn lên tầng trên.

Mathilde đã hình dung nơi này giống như một căn nhà tồi tàn tăm tối, nhưng cả ở điểm này nữa, cô cũng đã sai hoàn toàn.

Fawles không tới đảo Beaumont để tự chôn mình, mà ngược lại, để đương đầu với trời, biển và gió.

- Tôi có thể ngó qua sân hiên được không? cô hỏi khi Fawles đưa cô cốc nước.

Nhà văn không đáp, chỉ đi cùng vị khách trên những tấm lát bằng đá phiến đem lại cảm giác đang tiến về phía khoảng không. Khi lại gần mép sân, Mathilde bị chóng mặt. Ở độ cao này, cô mới hiểu rõ hơn kiến trúc ngôi nhà. Tựa vào vách đá, ngôi nhà chia thành ba tầng, sân hiên cô đang đứng được bố trí ở tầng giữa. Những tấm lát bằng bê tông được đặt trên những thanh mút chìa đỡ bao lơn, luân phiên giữa nền và mái. Mathilde hơi cúi xuống để dõi theo cầu thang bằng đá dẫn tới tấm lát tầng dưới. Phía trước cô là một ụ nổi cho phép đi thẳng ra biển và dùng làm điểm neo đậu cho một chiếc thuyền Riva Aquarama tuyệt đẹp với khung gỗ bóng loáng cùng những bộ phận bằng thép crôm sáng chói dưới nắng.

- Người ta thực sự có cảm giác đang đứng trên boong tàu.

- Ừm, Fawles ôn tồn đáp, một con tàu chẳng đi tới đâu mà hầu như luôn ở lại bến cảng.

Trong vài phút, họ mặc sức nói chuyện trên trời dưới biển. Rồi Fawles cùng cô quay trở lại bên trong nhà, và Mathilde, dạo bước như trong viện bảo tàng, lại gần một tầng giá bên trên có bày chiếc máy chữ.

- Tôi cứ nghĩ ông không còn viết nữa, cô hỏi đoạn hất cằm chỉ về phía chiếc máy.

Fawles lướt nhẹ tay trên những đường cong của chiếc máy - một mẫu xinh xẻo màu xanh hạnh nhân chất liệu nhựa bakelite hiệu Olivetti.

- Nó ở đây chỉ để làm cảnh thôi. Vả lại, thậm chí không còn trục lăn mực nữa, ông nói rồi ấn lên các phím. Mà cô biết đấy, từ thời tôi đã có máy tính xách tay rồi mà.

- Vậy ra không phải ông đã dùng nó để viết những…

- Không.

Cô nhìn ông vẻ thách thức.

- Tôi chắc chắn là ông vẫn còn viết.

- Cô nhầm rồi. Tôi không còn viết một câu nào nữa, kể cả chú thích trong một cuốn sách hay một cái danh sách ngắn ngủn những đồ cần mua.

- Tôi chẳng tin. Người ta không đùng một cái hôm trước hôm sau ngưng luôn một hoạt động từng cấu thành nên cuộc sống của mình và…

Mệt mỏi, Fawles ngắt lời cô:

- Đã có lúc, tôi nghĩ cô không giống những người khác và sẽ không đề cập đến chủ đề này, nhưng tôi đã nhầm. Cô đang tiến hành một cuộc điều tra, có phải không? Cô là một phóng viên tới đây để viết bài về bí ẩn Nathan Fawles cho tờ báo tầm thường của cô chăng?

- Không, tôi hứa với ông là không.

Nhà văn chỉ cho cô thấy cửa ra vào.

- Giờ thì cô đi đi. Tôi không thể ngăn cản mọi người trù tính mọi chuyện, nhưng bí ẩn Fawles chính xác là chẳng có bí ẩn gì hết, cô hiểu chứ? Và cô có thể viết điều nay trên tờ báo của cô.

Mathilde không nhúc nhích một li. Fawles không thay đổi nhiều kể từ khi cô gặp ông trước đây. Ông vẫn như cô hằng nhớ: ân cần, dễ gần, nhưng thẳng thắn. Rồi cô nhận ra mình thực sự đã không dự kiến khả năng này: rằng Fawles vẫn luôn là Fawles.

- Nói riêng giữa chúng ta với nhau nhé, ông không nhớ công việc đó sao?

- Nhớ việc ngồi mười tiếng mỗi ngày trước màn hình máy tính ư? Không. Tôi thà dành mười tiếng đó để đi dạo cùng chó cưng trong rừng hoặc trên bãi biển.

- Tôi vẫn không tin.

Fawles lắc đầu thở dài.

- Hãy thôi đưa thói đa sầu đa cảm vào toàn bộ chuyện này đi. Đó chỉ là những cuốn sách thôi mà.

- Chỉ là những cuốn sách thôi sao? Ông mà cũng nói thế ư?

- Ừm, và nói riêng giữa chúng ta với nhau nhé, đó lại còn là những cuốn sách được đánh giá quá cao.

Mathilde tiếp tục hỏi:

- Còn bây giờ, ông làm gì để qua ngày?

- Tôi ngẫm nghĩ, uống rượu, nấu nướng, uống rượu, bơi, rồi lại uống rượu, đi dạo miên man, tôi…

- Ông có đọc sách không?

- Thi thoảng dăm ba cuốn trinh thám và sách về lịch sử hội hoa hoặc thiên văn. Tôi đọc lại vài cuốn kinh điển, nhưng toàn bộ chuyện này đâu có quan trọng.

- Tại sao lại không chứ?

- Hành tinh này đã trở thành một lò lửa lớn, nhiều phần quan trọng của thế giới đang tắm trong máu lửa, người ta bỏ phiếu bầu cho những kẻ điên cuồng hung hãn và u mê trước các mạng xã hội. Thế giới rệu rã từ khắp mọi nơi, vậy nên…

- Tôi không thấy mối liên quan.

- Vậy nên tôi nghĩ có những thứ quan trọng hơn là biết nguyên do tại sao Nathan Fawles ngừng viết từ hai chục năm nay.

- Các độc giả vẫn tiếp tục đọc ông.

- Cô muốn gì chứ, tôi không thể ngăn họ làm vậy. Vả lại, cô biết rất rõ rằng thành công này dựa trên một sự hiểu nhầm. Chính Duras đã nói vậy, không phải sao? Hoặc có lẽ là Malraux. Vượt quá ba mươi nghìn bản, đó là một sự hiểu lầm…

- Độc giả của ông cũng viết cho ông chứ?

- Có vẻ như vậy. Người đại diện của tôi bảo ông ấy nhận được nhiều thư từ gửi đích danh tôi.

- Ông có đọc những thư đó không?

- Cô đùa hay sao thế?

- Tại sao?

- Bởi vì chúng không khiến tôi quan tâm. Với tư cách độc giả, tôi sẽ không bao giờ này ra ý định viết cho một tác giả có tác phẩm mà tôi đánh giá cao. Thực lòng mà nói, cô có hình dung mình sẽ viết thư cho James Joyce vì thích cuốn Finnegans Wake không?

- Không. Trước hết vì tôi không bao giờ có thể đọc quá mười trang cuốn sách đó, sau nữa là vì James Joyce hẳn đã qua đời từ bốn mươi năm trước khi tôi sinh ra.

Fawles lắc đầu.

- Cô nghe này, cảm ơn vì đã trả con chó của tôi về đây, nhưng tốt hơn hết là cô đi ngay cho.

- Vâng, tôi cũng nghĩ vậy.

Ông đi ra cùng Mathilde rồi tiễn cô đến tận xe. Cô nói tạm biệt chú chó nhưng không nói gì với Fawles.

Ông nhìn Mathilde thao tác, vừa bị thôi miên bởi các cử chỉ duyên dáng của cô vừa hài lòng vì rũ bỏ được cô. Tuy nhiên, đúng lúc cô chuẩn bị tăng tốc, ông vẫn tranh thủ cửa cánh xe còn mở hòng cố gắng dập tắt tín hiệu báo động nho nhỏ vẫn đang vang dội trong đầu mình:

- Ban nãy cô có nói chúng ta đã từng gặp nhau cách đây lâu rồi. Là gặp ở đâu vậy?

Đôi mắt xanh lục của cô nhìn thẳng vào mắt ông.

- Mùa xuân năm 1998 tại Paris. Bấy giờ tôi mười bốn tuổi. Ông đã tới gặp gỡ các bệnh nhi của Nhà thiếu niên. Thậm chí ông còn ký tặng tôi một cuốn Loreleï Strange. Một ấn bản đặc biệt bằng tiếng Anh.

Fawles vẫn không chút phản ứng, như thể chuyện này không gợi ra bất cứ điều gì trong ông, hoặc giả chỉ gợi ra một ký ức vô cùng xa xăm.

- Tôi đã đọc Loreleï Strange, Mathilde nói tiếp. Nó đã giúp tôi rất nhiều. Và tôi chưa bao giờ có cảm giác đó là một cuốn sách được đánh giá quá cao, những gì tôi hiểu được thông qua việc đọc nó cũng không giống với bất kỳ sự hiểu nhầm nào cả.

Toulon, ngày 8 tháng Mươi 2018

SƯ ĐOÀN “HOẠT ĐỘNG QUỐC GIA TRÊN BIỂN”

Thông tư số 287/2018

Về việc thiết lập một khu vực cấm lưu thông tạm thời trên biển và các hoạt động hàng hải về phía và xung quanh đảo Beaumont (Var).

Phó Đô đốc hạm đội Édouard Lefébure

tỉnh trưởng đường biển Địa Trung Hải

Căn cứ các điều 131-13-1 và R610-5 của Luật Hình sự,

Căn cứ Luật Vận tải, đặc biệt là các điều L5242-1 và L5242-2,

Căn cứ sắc lệnh số 2007-1167 ra ngày 2 tháng Tám năm 2007 sửa đổi, liên quan đến giấy phép điều khiển và đào tạo lái du thuyền gắn động cơ,

Căn cứ sắc lệnh số 2004-112 ra ngày 6 tháng Hai năm 2004 liên quan đến tổ chức hoạt động Quốc gia trên biển.

Xem xét việc mở một cuộc điều tra hình sự sau khi phát hiện một xác chết trên đảo Beaumont, tại địa điểm có tên Bãi biển Tristana,

Xem xét sự cần thiết phải dành cho các lực lượng an ninh thời gian tiến hành điều tra trên đảo,

Xem xét sự cần thiết phải bảo toàn các yếu tố bằng chứng, qua đó cho phép tìm ra sự thật.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Thiết lập, ở ngoài khơi tỉnh Var, một khu vực cấm lưu thông và thực hiện tất cả các hoạt động hàng hải trong bán kính 500 mét xung quanh và vuông góc các bờ của đảo Beaumont, bao gồm các hoạt động chuyên chở người xuất phát từ đảo và tới đảo, kể từ khi công bố Thông tư này.

Điều 2: Các điều khoản của Thông tư này không áp dụng với tàu thủy và máy móc hàng hải hoạt động trong khuôn khổ công tác của dịch vụ công.

Điều 3: Mọi vi phạm liên quan đến Thông tư này, cũng như đến các quyết định được đưa ra nhằm áp dụng Thông tư này, đều khiến đối tượng vi phạm bị truy tố, chịu hình phạt và xử phạt hành chính theo quy định tại các điều từ L5242-1 đến L5242-6-1 của Luật Vận tải và điều R610-5 của Luật Hình sự.

Điều 4: Trưởng ban quản lý lãnh thổ và biển của tỉnh Var, các sĩ quan và viên chức có thẩm quyền trong lĩnh vực cảnh sát biển, tùy theo mức độ liên quan, có trách nhiệm chấp hành Thông tư này. Thông tư này sẽ được công bố trong tuyển tập các văn bản hành chính của tỉnh bờ biển Địa Trung Hải.

Tỉnh trưởng bờ biển Địa Trung Hải,

Édouard Lefébure


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp