Cuộc Sống Bí Mật Của Các Nhà Văn

Phẩm chất hàng đầu của một nhà văn


8 tháng

trướctiếp

Phẩm chất hàng đầu của một nhà văn,

đó là sở hữu một cặp mông rắn chắc.

Dany LAFERRIERE

Thứ Ba ngày 11 tháng chín năm 2018

1.

Gió thổi khiến những cánh buồm đập phành phạch dưới vòm trời chói chang. Quá một giờ chiều đôi chút, chiếc thuyền buồm đã rời bờ biển xứ Var và lúc này đang lướt với vận tốc năm hải lý trên giờ nhằm hướng đảo Beaumont. Tôi ngồi cạnh người lái, gần phòng điều khiển, ngây ngất với bầu không khí ngoài khơi đầy hứa hẹn, mải miết ngắm làn bụi vàng rực lấp lánh trên Địa Trung Hải.

Vừa sáng nay thôi, tôi bỏ lại căn hộ một phòng của mình ở Paris để bắt chuyến tàu TGV lúc 6 giờ tới Avignon. Tại thành phố của các Giáo hoàng, tôi bắt xe buýt tới tận Hyères, rồi bắt taxi đến bến cảng nhỏ thuộc Saint-Julien-les- Roses, bến cảng duy nhất có phà tới đảo Beaumont. Vì một lần muộn tàu không biết lần thứ bao nhiêu của hãng Đường Sắt Quốc gia Pháp, tôi đã tới muộn năm phút và trễ chuyến phà duy nhất lúc giữa ngày. Trong lúc tôi kéo va li lang thang trên bến cảng, thuyền trưởng của một chiếc thuyền buồm kiểu Hà Lan đang chuẩn bị lên đường ra đảo đón khách đã rộng lòng hảo tâm mời tôi cùng đi.

Tôi vừa tròn hai mươi tư tuổi và cuộc sống riêng đang ở vào một thời điểm phức tạp. Hai năm trước, tuy tốt nghiệp một trường thương mại tại Paris nhưng tôi không tìm công việc liên quan đến chuyên ngành mình được đào tạo. Tôi chỉ theo học chuyên ngành đó để cha mẹ yên tâm chứ bản thân không muốn một cuộc sống suốt ngày dính đến quản trị, marketing hay tài chính. Hai năm trở lại đây, tuy phải loay hoay xoay xở bằng những công việc lặt vặt để trang trải tiền thuê nhà nhưng tôi vẫn dốc toàn bộ năng lượng sáng tạo cho việc hoàn thành cuốn tiểu thuyết Sự rụt rè của những đỉnh cao, vừa bị chừng chục nhà xuất bản từ chối. Tôi đã ghim tất cả những thư từ chối đó lên tấm bảng treo bên trên bàn viết. Mỗi lần găm một cây ghim lên bề mặt gỗ bàn, tôi lại có cảm giác đang cắm nó vào tim mình, bởi đam mê dành cho viết văn lớn bao nhiêu thì nỗi muộn phiền trong tôi cũng chồng chất bấy nhiêu.

May mắn thay, tâm trạng buồn bã ấy không bao giờ kéo dài quá lâu. Cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn luôn thuyết phục được bản thân rằng những thất bại này chỉ là một trạm chờ dẫn tới thành công. Để vững tin, tôi bám víu vào những tấm gương lừng lấy. Stephen King vẫn thường nhắc đi nhắc lại rằng ba mươi nhà xuất bản đã từ chối Carrie. Phân nửa các nhà xuất bản tại London từng thấy tập đầu tiên của Harry Potter “lê thê dài dòng đối với trẻ em”. Trước khi trở thành cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng bán chạy nhất thế giới. Xứ cát của Frank Herbert đã bị loại khoảng hai chục lần. Về phần Francis Scott Fitzgerald, hình như ông đã dùng một trăm hai mươi hai lá thư từ chối các truyện ngắn mà ông gửi đăng tạp chí để giăng khắp bốn mặt tường thư phòng riêng.

2.

Nhưng phương pháp Coué(1) này bắt đầu bộc lộ giới hạn. Bất chấp toàn bộ ý chí cá nhân, tôi vẫn khó lòng viết lách trở lại. Không phải hội chứng trang giấy trắng hay việc thiếu ý tưởng khiến tôi tê liệt. Mà chính là cái cảm giác hết sức nguy hại rằng mình không còn tiến bộ được trong viết lách. Cảm giác không rõ mình đang đi tới đâu. Có lẽ tôi cần một cách nhìn nhận mới mẻ về công việc của mình. Một sự hiện diện vừa bao dung vừa không khoan nhượng. Hồi đầu năm, tôi đã đăng ký một khóa Creative Writing do một nhà xuất bản uy tín tổ chức. Tuy nuôi nhiều hy vọng với trại sáng tác này, tôi vẫn nhanh chóng vỡ mộng. Nhà văn dẫn dắt trại sáng tác - Bernard Dufy, một tiểu thuyết gia từng có thời hoàng kim hồi thập niên 1990 - tự giới thiệu về bản thân như một thợ kim hoàn về văn phong - theo đúng câu từ của ông ta. “Toàn bộ tác phẩm của các bạn phải dựa trên ngôn ngữ chứ không phải dựa trên câu chuyện, ông ta lúc nào cũng lải nhải như vậy. Câu chuyện ở đó chỉ nhằm phục vụ ngôn ngữ. Một cuốn sách không thể có mục đích nào khác ngoài nghiên cứu về hình thức, nhịp điệu, sự hài hòa. Tính độc đáo khả dĩ duy nhất nằm chính ở đó, bởi lẽ, kể từ Shakespeare, mọi câu chuyện đều đã được viết ra rồi.”

Khoản tiền 1.000 euro mà tôi tiêu tốn cho bài học viết lách này - trong ba buổi mỗi buổi bốn giờ đồng hồ - đã khiến tôi phát cáu và nhẵn túi. Có lẽ Dufy nói đúng, nhưng cá nhân tôi nghĩ chính xác điều ngược lại: văn phong không phải một mục đích tự thân. Phẩm chất hàng đầu của một nhà văn là biết lôi cuốn độc giả bằng một câu chuyện hay. Một câu chuyện có khả năng bứt độc giả khỏi cuộc sống riêng để phóng chiếu họ vào giữa sự riêng tư và sự thật về các nhân vật. Văn phong chỉ là phương tiện phân bổ câu chuyện và giúp câu chuyện trở nên cuốn hút. Thực ra, tôi hoàn toàn không quan tâm đến lời khuyên của một nhà văn thuộc trường phái kinh viện như Dufy. Có lẽ lời khuyên duy nhất tôi muốn tiếp nhận, lời khuyên duy nhất đủ tầm quan trọng đối với tôi là lời khuyên từ thần tượng bấy lâu của tôi: Nathan Fawles, nhà văn tôi ưa thích nhất.

Tôi khám phá ra những cuốn sách của ông vào cuối thời niên thiếu, khi Fawles đã gác bút từ lâu. Những kẻ bị sét đánh, cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông, là do Diane Laborie, cô bạn gái năm cuối trung học, tặng cho tôi làm quà chia tay. Cuốn tiểu thuyết ấy đã khiến tôi rúng động nhiều hơn việc mất đi một tình yêu chưa hẳn đúng nghĩa tình yêu. Tôi đã đọc luôn cả hai cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông: Loreleï StrangeMột thành phố nhỏ ở Mỹ. Kể từ đó, tôi không còn đọc được gì gây kích thích như thế nữa.

Tôi thấy dường như bằng lối viết độc đáo của riêng ông, Fawles đang trực tiếp nói chuyện với tôi. Những cuốn tiểu thuyết của ông linh hoạt, sống động, mãnh liệt. Vốn chưa từng coi ai là thần tượng, ấy thế mà tôi đã đọc đi đọc lại những cuốn sách ông viết, bởi chúng nói cho tối nghe về chính tôi, về mối quan hệ với những người khác, về những gian truân khi lèo lái đời mình, vì tính dễ tổn thương của con người và cuộc sống bấp bênh của chúng ta. Chúng tiếp thêm cho tôi sức mạnh và nhân khao khát viết trong tôi lên gấp bội.

Những năm tiếp theo sau khi Nathan Fawles gác bút, các tác giả khác đã cố gắng lựa theo phong cách của ông, mô phỏng thế giới của ông, bê nguyên xi cách ông xây dựng một câu chuyện hay bắt chước năng lực cảm giác ở ông. Nhưng đối với tôi, không ai có thế bén gót ông. Chỉ có một Nathan Fawles duy nhất. Dù mến mộ ông hay không, người ta vẫn buộc phải thừa nhận rằng Fawles là một tác giả đặc biệt. Dù tình cờ đọc khi không biết tên các giả, cũng chỉ cần lướt qua một trang trong số các cuốn sách của ông là đủ để biết rằng chính ông đã viết nên trang sách ấy. Và tôi vẫn luôn nghĩ dấu hiệu đích thực của tài năng nằm ở đó.

Tôi cũng vậy, tôi phân tích kỹ lưỡng các tiểu thuyết của ông để thử tìm ra những bí mật, rồi tôi nuôi tham vọng được tiếp xúc với ông. Mặc dù không chút hy vọng về cơ may nhận được hồi âm dẫu chỉ một lần, tôi vẫn nhiều bận viết cho ông thông qua nhà xuất bản của ông tại Pháp cũng như người đại diện của ông tại Mỹ. Tôi cũng đã gửi cho ông bản thảo của tôi.

Thế rồi, cách đây mười ngày, trên bản tin gửi đi từ trang web chính thức của đảo Beaumont, tôi phát hiện ra một thông báo tuyển dụng. La Rose Écarlate(2) hiệu sách nhỏ trên đảo, cần tuyển một nhân viên. Tôi đã trực tiếp ứng tuyển bằng cách gửi mail cho chủ hiệu sách, và ngay ngày hôm ấy, Grégoire Audibert, chủ hiệu sách, đã gọi Facetime cho tôi để thông báo rằng ông chấp nhận hồ sơ ứng tuyển của tôi. Đây chỉ là vị trí làm tạm trong ba tháng. Mức lương không cao, nhưng Audibert đảm bảo cho tôi chỗ ở và hai bữa ăn mỗi ngày tại Fort de Café, một trong những nhà hàng gần quảng trường làng.

Tôi mừng vì có được công việc này, theo những gì tôi ngỡ hiểu được qua lời ông chủ hiệu sách, tôi sẽ có thời gian viết lách trong một khung cảnh gợi nhiều cảm hứng. Và điều này thì tôi dám chắc, công việc mới sẽ mang đến cho tôi cơ hội gặp gỡ Nathan Fawles.

3.

Một thao tác của người lái khiến chiếc thuyền buồm giảm tốc độ.

- Đất liền, thẳng phía trước! ông ta hét lên, đoạn hất cằm về phía hòn đảo nổi bật phía chân trời.

Nằm cách bờ biển xứ Var bốn mươi lăm phút đi tàu, đảo Beaumont trông giống một mảnh trăng lưỡi liềm. Một cung tròn chừng mười lăm cây số bề dài và sáu cây số bề rộng. Hòn đảo luôn được giới thiệu như một hộp nữ trang hoang dã và được bảo tồn. Một trong những viên ngọc của Địa Trung Hải, nơi xen kẽ nào những vũng vịnh nhỏ nước màu lam ngọc, nào những vũng bờ đá, rừng thông và bãi biển cát mịn. Côte d’Azur vĩnh cửu, không khách du lịch, không bê tông hay ô nhiễm.

Mười ngày trở lại đây, tôi dành toàn bộ thời gian tra cứu tài liệu thu thập được về hòn đảo. Kể từ 1955, Beaumont thuộc về một gia đình bí ẩn gồm các nhà công nghiệp người Ý, gia đình Gallinari, bước sang đầu thập niên 1960, họ đã đầu tư những khoản tiền khổng lổ vào việc quy hoạch hòn đảo, tiến hành những công trình dẫn nước và đào đắp đất quy mô lớn, đồng thời gây dựng từ con số 0 một trong những bến cảng du thuyền đầu tiên trên bờ biển này.

Theo năm tháng, hòn đảo vẫn tiếp tục phát triển theo một đường lối rõ ràng: không bao giờ hy sinh hạnh phúc của dân đảo vì một tính hiện đại mạo xưng. Và đối với dân đảo, mối đe dọa có hai khuôn mặt được xác định rõ: bọn đầu cơ và du khách.

Để hạn chế việc xây cất, Hội đồng đảo đã thông qua một quy tắc đơn giản: cố định tổng số công tơ nước. Một chiến lược sao chép những gì thành phố nhỏ Bolinas thuộc bang California đã làm từ lâu. Kết quả, từ ba mươi năm nay, dân số luôn xấp xỉ một ngàn năm trăm người. Ở Beaumont không có văn phòng môi giới bất động sản: một phần tài sản được chuyển giao trong nội bộ gia đình, và phần còn lại qua chỉ định bổ sung; Du lịch trên đảo được kìm hãm nhờ chế độ kiểm soát đầy cảnh giác việc kết nối với lục địa. Giữa mùa cao điểm cũng như giữa mùa đông, một con tàu duy nhất - con tàu Táo Bạo trứ danh, mà người ta tạm gọi là “phà” - thực hiện mỗi ngày ba chuyến khứ hồi, lúc 8 giờ, 12h30 và 19 giờ từ bến Beaumont về bến Saint-Julien-les-Roses, chỉ vậy thôi chứ không hơn. Mọi thứ được tiến hành theo kiểu cũ: không giữ chỗ trước và luôn ưu tiên cư dân.

Nói cho chính xác, Beaumont không thù nghịch với việc du khách tìm đến, nhưng ở đó không có gì được dự kiến dành cho họ. Hòn đảo có cả thảy ba quán cà phê, hai nhà hàng và một quán rượu. Không có khách sạn và phòng trọ trong nhà dân cũng rất hiếm. Nhưng càng khuyên can mọi người đừng đến thì nơi chốn này càng nhuốm thêm màu huyền bí và trở thành một địa điểm nổi tiếng. Bên cạnh dân địa phương sinh sống quanh năm trên đảo còn có các cư dân giàu sụ sở hữu tại đây những nhà nghỉ cuối tuần. Qua nhiều thập kỷ, các nhà công nghiệp và một số nghệ sĩ vẫn mê mẩn khung cảnh hấp dẫn điền viên và thanh bình này. Một chủ doanh nghiệp công nghệ cao và đôi ba nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghiệp rượu vang đã thành công trong việc mua lại các biệt thự. Nhưng, bất kể nổi tiếng ra sao hay giàu có đến mức nào, mọi người đều tỏ ra kín đáo. Cộng đồng dân đảo không hẹp hòi trong việc dung nạp các thành viên mới, với điều kiện các thành viên này chấp nhận những giá trị từ cổ chí kim đã tạo nên hồn phách Beaumont. Và chàng, những người mới đến này thường tỏ ra quyết liệt hơn cả trong việc bảo vệ hòn đảo đã tiếp nhận họ.

Cái cộng đồng khép kín ấy dù sao cũng gây ra nhiều chỉ trích - thậm chí gây phẫn nộ cho những ai bị loại trừ khỏi đó. Đầu thập niên 1980, chính phủ xã hội chủ nghĩa đã chớm có ý định chuộc lại Beaumont - chính thức là để xếp hạng địa điểm, nhưng trên thực tế là để chấm dứt tình trạng bất tuân thủ của đảo. Tiếp theo đó, một làn sóng phản đối ồ ạt đã buộc chính phủ phải rút lui. Kể từ thời kỳ đó, chính quyền đành chấp nhận một điều: đảo Beaumont là một nơi đặc biệt. Và đúng là nó tồn tại, cách bờ biển xứ Var vài sải cáp, một thiên đường nhỏ được tắm đẫm bởi những làn nước trong vắt như pha lê. Một mảnh Pháp không hẳn là Pháp.

4.

Đặt chân lên đất liền, tôi kéo va li trên bến tàu lát gạch. Cảng du thuyền không lớn lắm, nhưng được quy hoạch hợp lý, náo nhiệt và đầy quyến rũ. Thành phố nhỏ trải rộng xung quanh vịnh, có phần giống một giảng đường bậc thang: các tầng nhà rực rỡ màu sắc lấp lánh dưới vòm trời ánh thép. Ánh sáng chói lóa và cách bố trí của chúng nhắc tôi nhớ tới hòn đảo Hydra ở Hy Lạp mà thời niên thiếu tôi đã cùng cha mẹ tham quan, nhưng lát sau, trong lúc lang thang tản bộ qua các ngõ hẻm hẹp và dốc, tôi lại thấy như mình đang ở nước Ý của thập niên 1960. Sau nữa, khi đã lên cao, lần đầu tiên tôi nhìn thấy bãi biển cùng những cồn cát trắng, và tôi nghĩ đến những khoảng cát mênh mông ở Massachusetts. Trong lần tiếp xúc đầu tiên với hòn đảo - trong khi bánh vali kêu vang lên trên nền đá lát của những trục đường lớn dẫn tới trung tâm thành phố tôi hiểu rằng tính chất đặc biệt và ma lực của Beaumont nằm ngay trong tập hợp khó nắm bắt này. Beaumont là một chốn muôn hình vạn trạng như tắc kè hoa, một địa điểm độc nhất vô nhị và không thể xếp hạng mà muốn phân tích hay giải thích cũng đành vô vọng.

Tôi nhanh chóng tới được quảng trường trung tâm. Lần này, với dáng dấp một ngôi làng xứ Provence, nơi đây dường như bước ra từ một cuốn tiểu thuyết của Giono. Quảng trường Martyrs là trung tâm đầu não của Beaumont. Một bãi đất rộng rợp bóng cây, viền quanh là một tháp đồng hồ, một đài tưởng niệm vong linh những người đã khuất, một đài phun nước róc rách và một sân chơi bi sắt.

Nép dưới những lùm nho, hai nhà hàng của đảo nằm sát vách nhau: Un Saint Jean Hiver(3)Fort de Café(4) . Nơi sân hiên quán thứ hai, tôi nhận ra vóc dáng gầy đét cửa Grégoire Audibert đang ăn nốt món atisô xốt tiêu. Nom ông giống một thầy giáo tiểu học trường phái cũ: chòm râu cằm muối tiêu, áo gi lê ngắn, áo vest dài bằng vải lanh nhàu nhĩ.

Ông chủ hiệu sách cũng đã nhận ra tôi, liền trang trọng mời tôi ngồi cùng bàn, gọi cho tôi một ly nước chanh như thể tôi mới mười hai tuổi.

- Tôi chẳng thà báo cho cậu biết ngay: đến cuối năm tôi sẽ đóng cửa hiệu sách, ông thông báo cho tôi không hề rào trước đón sau.

- Thế là thế nào?

- Chính vì lý do này mà tôi tìm một nhân viên đấy: để sắp xếp sách vở, đôi chút về kế toán và một cuộc kiểm kê vĩ đại sau cùng.

- Ông xác định đóng hẳn cửa hiệu sao?

Ông gật đầu đoạn dùng miếng bánh mì vét nốt chút dầu ô liu còn sót lại.

- Nhưng tại sao chứ?

- Không cầm cự được nữa chứ sao. Hoạt động chỗ tôi sụt giảm liên tục theo năm tháng và sẽ không ổn thỏa hơn được. Rốt cuộc, cậu thừa biết tình hình rồi đấy: chính quyền công lặng lẽ để những gã khổng lổ Mạng, vốn không trả thuế má gì cho nước Pháp, mặc sức phát triển hưng thịnh.

Ông chủ hiệu sách thở dài, trầm ngâm tư lự vài giây rồi nói thêm, nửa cam chịu số phận nửa, khiêu khích:

- Với lại, chúng ta hãy thực tế lên: tại sao phải tự chuốc khổ vào thân để tới một hiệu sách trong khi cậu có thể đặt giao một cuốn sách tới tận nhà mình chỉ bằng ba nhát bấm trên iPhone kia chứ!

- Có đầy lý do mà! Ông đã thử tìm người mua lại hiệu sách chưa?

Audibert nhún vai.

- Chẳng ai buồn quan tâm đến chuyện đó đâu. Ngày nay, chẳng gì sinh lời kém như sách vở. Tiệm của tôi không phải hiệu sách đầu tiên đóng cửa, càng không phải hiệu sách cuối cùng.

Ông dốc phần rượu vang còn lại trong chiếc bình nhỏ vào ly rồi uống một hơi cạn sạch.

- Để tôi dẫn cậu đi thăm La Rose Écarlate, ông nói đoạn gấp khăn ăn lại rồi đứng dậy.

Tôi theo bước ông băng qua quảng trường đến tận hiệu sách. Quầy kính trông thảm đạm muốn chết, trên đó bày những cuốn sách hẳn đã phủ bụi từ nhiều tháng nay. Audibert đẩy cửa rồi tránh sang một bên để nhường lối cho tôi.

Khung cảnh bên trong hiệu sách cũng thảm thê không kém. Màn trướng giăng mắc khiến nơi đây không còn chút ánh sáng. Các tầng giá bằng gỗ hồ đào dĩ nhiên trông rất đẹp, nhưng trên đó chỉ trưng những cuốn sách tham khảo vô cùng kinh điển, sắc sảo, thậm chí là bày cho oai. Văn hóa với những gì kinh viện nhất của nó. Giống như đang bắt đầu xác định tính cách nhân vật, trong một thoáng, tôi hình dung Audibert sẽ lên cơn trụy tim nếu người ta buộc ông phải bán sách khoa học giả tưởng, kỳ ảo hay manga.

- Tôi sẽ cho cậu xem phòng riêng của cậu, ông nói rồi chỉ một cầu thang gỗ ở cuối tiệm.

Ông chủ hiệu sách có căn hộ riêng trên tầng hai. Chỗ của tôi là ở tầng ba: căn hộ một phòng áp mái trải hết chiều dài. Khi mở những ô cửa lửng kêu kẽo kẹt, tôi vừa ngạc nhiên vừa vui sướng vì phát hiện thấy một ban công sân thượng trông ra quảng trường. Tầm nhìn ra biển đẹp đến ngoạn mục vực dậy tinh thần tôi đôi chút. Một mê cung những ngõ hẻm uốn lượn giữa những công trình màu hoàng thổ xây bằng đá đã phủ đầy rêu mốc trước khi dẫn ra đến bờ biển.

Xếp dọn đồ đạc xong, tôi xuống hiệu sách gặp Audibert để biết ông thực sự chờ đợi gì ở tôi.

- Wifi hoạt động không ổn lắm, ông vừa cảnh báo vừa bật chiếc máy tính để bàn cũ kỹ. Phải thường xuyên khởi động lại modem để trên gác.

Trong lúc chờ chiếc máy tính thức dậy, ông chủ hiệu sách cắm một bếp điện nhỏ rồi đổ đầy bình chứa của chiếc ấm pha cà phê moka.

- Một tách cà phê nhé?

- Rất sẵn lòng ạ.

Trong khi ông pha cho chúng tôi hai tách cà phê, tôi tha thẩn đi khắp hiệu sách. Trên tấm bảng gỗ bẩn đằng sau bàn viết có ghim những trang nhất cũ kỹ của tờ Livres Hebdo ra từ thời Romain Gary vẫn còn viết (tôi chỉ nói hơi quá một chút thôi…). Tôi những muốn mở toang mấy tấm rèm, gỡ những tấm thảm màu tía sờn mòn, cải tổ lại toàn bộ các kệ giá và bàn trưng bày sách.

Như thể đọc được suy nghĩ của tôi, Audibert lên tiếng:

- La Rose Ecarlate có từ năm 1967. Bây giờ hiệu sách trông vớ vẩn thế thôi chứ ngày xưa, đây là một tổ chức đúng nghĩa. Nhiều tác giả, cả người Pháp lẫn ngoại quốc, từng tới đây giao lưu hoặc ký tặng sách.

Ông lấy từ ngăn kéo ra một cuốn sổ mạ vàng bìa da rồi đưa cho tôi như muốn giục tôi lật xem. Nhìn những bức ảnh chụp, quả nhiên tôi nhận ra Michel Tournier, J.M.G. Le Clézio, Françoise Sagan, Jean d’Ormesson, John Irving, John Le Carré và… Nathan Fawles.

- Ông sẽ đóng cửa hiệu sách thật ư?

- Không luyến tiếc, ông khẳng định. Mọi người không còn đọc sách nữa, là vậy đấy.

Tôi chỉnh lại:

- Có lẽ mọi người đọc kiểu khác chăng, nhưng họ vẫn đọc mà.

Audibert vặn nút tắt bếp để ngắt tiếng rít của chiếc ấm pha cà phê kiểu Ý.

- Rốt cuộc, cậu hiểu ý tôi muốn nói gì rồi đấy. Tôi không nói với cậu về giải trí mà về văn học đích thực.

Dĩ nhiên rồi, cái thứ “văn học đích thực” trứ danh ấy… Với những người như Audibert, luôn có một thời điểm để cụm từ này - hoặc cụm “nhà văn đích thực” - lại được mang ra tranh luận. Thế mà tôi chưa từng cho bất cứ ai cái quyền bảo tôi nên đọc cái gì hay không. Vì tôi thấy dường như cái cung cách tự phong cho mình chức thẩm phán để quyết định cái gì là văn học và cái gì không này thật tự phụ vô chừng.

- Cậu có biết nhiều độc giả đúng nghĩa xung quanh mình không? ông chủ hiệu sách bỗng hăng lên. Tôi đang nói với cậu về những độc giả thông tuệ dành một khoảng thời gian đáng kể cho việc đọc những cuốn sách nghiêm túc ấy.

Không đợi tôi trả lời, ông tiếp tục bốc hỏa:

- Nói thẳng giữa chúng ta với nhau nhé, ở Pháp còn lại bao nhiêu độc giả đúng nghĩa đây? Mười nghìn? Năm nghìn? Có lẽ ít hơn đấy.

- Tôi thấy ông hơi bi quan.

- Không đâu, không hề! Cần phải thừa nhận chuyện này: chúng ta đang bước vào một hoang mạc văn học. Ngày nay, tất cả mọi người đều muốn trở thành nhà văn và không còn ai đọc sách nữa.

Để thoát khỏi cuộc trò chuyện, tôi chỉ cho ông thấy bức ảnh chụp Fawles dán trong album.

- Nathan Fawles này, ông quen ông ấy sao?

Audibert nhíu mày, môi bĩu ra vẻ nghi hoặc.

- Đôi chút. Rốt cuộc, nếu chỉ chừng ấy thôi đã là quen biết Nathan Fawles…

Ông rót cho tôi một tách cà phê đậm đặc như mực viết.

- Fawles tới đây vào năm 1995 hay 1996 gì đó để ký tặng sách, đó là lần đầu tiên ông ấy đặt chân lên đảo. Ông ấy đã lập tức phải lòng nó. Thậm chí chính tôi đã giúp ông ấy mua nhà, căn biệt thự Nam Thập Tự. Nhưng sau đó, mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên gần như không tồn tại.

- Thi thoảng ông ấy vẫn tới hiệu sách chứ ạ?

- Không, không bao giờ.

- Nếu tôi tới gặp Fawles, ông có nghĩ ông ấy sẽ đồng ý ký tặng tôi một cuốn sách không?

Audibert lắc đầu thở dài:

- Tôi thực lòng khuyên cậu quên cái ý tưởng đó đi: đấy là cách tốt nhất để cậu lãnh một phát súng.

PHỎNG VẤN NATHAN FAWLES DO HÃNG THÔNG TẤN AFP THỰC HIỆN

AFP - ngày 12 tháng Sáu năm 1999 (trích đoạn)

Anh khẳng định với chúng tôi rằng ở tuổi ba mươi lăm, đang tột đỉnh vinh quang, thì anh đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp tiểu thuyết gia của mình sao?

Đúng thế, tôi đã hoàn toàn kết thúc sự nghiệp ấy rồi. Tôi viết văn nghiêm túc từ mười năm nay. Suốt mười năm đó sáng nào tôi cũng ngồi rịt trên ghế, mắt dán vào bàn phím. Tôi không muốn cuộc sống đó nữa.

Anh đã quyết định dứt khoát?

Đúng vậy. Nghệ thuật thì dài mà cuộc đời thì ngắn.

Thế mà vừa năm ngoái, anh vẫn thông báo mình đang viết một cuốn tiểu thuyết mới có nhan đề tạm là Một mùa hè hất khả chiến bại

Dự án đó không vượt qua được giai đoạn phác thảo và tôi đã từ bỏ luôn rồi.

Anh nhắn nhủ điều gì đến đông đảo độc giả đang chờ đợi tác phẩm tiếp theo của anh?

Nhắn rằng họ hãy thôi chờ đợi. Tôi sẽ không viết sách nữa. Họ hãy đọc các tác giả khác. Có thiếu gì đâu.

Viết văn có khó không?

Có, nhưng chắc chắn không khó bằng nhiều công việc khác. Điểm phức tạp và cội nguồn âu lo nằm ở phương diện phi lý của việc viết: không phải vì bạn đã viết ba cuốn tiểu thuyết thì bạn sẽ biết viết cuốn thứ tư. Không có phương pháp, quy tắc, lộ trình có định hướng. Mỗi lần bạn bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết mới, luôn là một cú nhảy vào nơi chưa biết.

Chính xác thì anh biết làm gì ngoài viết văn?

Có vẻ như tôi nấu món ragu bê rất ngon.

Anh có nghĩ những cuốn tiểu thuyết của mình sẽ được truyền lại cho đời sau không?

Tôi rất hy vọng là không.

Văn học có thể đóng vai trò gì trong xã hội đương đại?

Tôi chưa bao giờ tự đặt ra cho mình câu hỏi này và hôm nay tôi cũng không có ý định bắt đầu làm vậy.

Anh cũng đã quyết định sẽ không trả lời phỏng vấn nữa?

Tôi đã trả lời phỏng vấn quá nhiều rồi… Đây là một sự trui rèn xuyên tạc không có ý nghĩa gì nhiều, ngoại trừ việc quảng bá. Thường xuyên nhất - nếu không muốn nói là lúc nào cũng vậy -, những lời lẽ của bạn được thuật lại một cách thiếu chính xác, bị cắt xén, lệch hẳn khỏi ngữ cảnh. Tôi đã tìm kiếm trong vô vọng mà không vừa lòng chút nào với việc “giải thích” các tiểu thuyết mình viết, và càng không hài lòng với việc trả lời những câu hỏi liên quan đến ưu tiên chính trị hay cuộc sống riêng tư của bản thân.

Thế nhưng biết về tiểu sử của các nhà văn mà ta ngưỡng mộ lại cho phép hiểu đúng hơn những gì họ viết…

Đồng quan điểm với Margaret Atwood, tôi nghĩ rằng muốn gặp gỡ một nhà văn vì ta yêu thích cuốn sách anh ta viết cũng giống như muốn gặp một con ngỗng vì ta yêu thích món gan ngỗng.

Nhưng không phải chính đáng sao nếu muốn hỏi một nhà văn về ý nghĩa công việc của anh ta?

Không, việc này không chính đáng. Mối quan hệ duy nhất với nhà văn có thể chấp nhận được, đó là đọc anh ta.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp