Cuộc Sống Bí Mật Của Các Nhà Văn

LỜI MỞ ĐẦU


8 tháng

trướctiếp

Bí ẩn Nathan Fawles

(báo Le Soir - ngày 4 tháng Ba 2017)

Vắng bóng trên văn đàn suốt gần hai chục năm qua, tác giả cuốn Loreleï Strange huyền thoại vẫn thực sự mê hoặc độc giả ở mọi lứa tuổi. Sau khi lui về ở ẩn trên một hòn đảo thuộc Địa Trung Hải, nhà văn nhất quyết từ chối mọi lời mời mọc của giới truyền thông. Sau đây là cuộc điều tra về kẻ ẩn cư trên đảo Beaumont.

Người ta gọi đó là hiệu ứng Streisand: càng tìm cách che giấu bao nhiêu, bạn càng thu hút sự tò mò bấy nhiêu. Kể từ khi đột ngột rút khỏi thế giới văn chương vào năm ba mươi lăm tuổi, Nathan Fawles là nạn nhân của cơ chế tai ác này. Cuộc sống của nhà văn người Mỹ lai Pháp này như được một vầng hào quang huyền ảo bao quanh và làm nảy sinh hàng loạt chuyện ngồi lê đôi mách cùng những lời đồn thổi suốt hai thập kỷ qua.

Fawles sinh năm 1964 tai New York, cha là người Mỹ, mẹ là người Pháp, tuổi thơ của ông diễn ra trọn vẹn tại Paris và ông chỉ quay trở lại Mỹ để hoàn thành việc học, trước tiên là tại Học viện Phillips, sau đó là tại Đại học Yale. Tốt nghiệp chuyên ngành Luật và Khoa học Chính trị nhưng sau đó ông lại dốc hết sức mình cho sự nghiệp nhân đạo, với vài năm làm việc trên thực địa cho tổ chức Hành động chống lại nạn đói và Bác sĩ không biên giới, nhất là tại Salvador, Armenia và Kurdistan.

Văn sĩ thành công

Năm 1993, Nathan Fawles quay trở lại New York và xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Loreleï Strange, hành trình đầu đời của một nữ thiếu niên bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần. Thành công không đến ngay tức khắc, nhưng chỉ sau vài tháng, nhờ những thông tin truyền miệng - đặc biệt trong giới độc giả trẻ - cuốn tiểu thuyết đã vươn lên đứng đầu danh sách sách bán chạy. Hai năm sau, với cuốn sách thứ hai nhan đề Một thành phố nhỏ ở Mỹ, cuốn tiểu thuyết hợp xướng uyên bác dày ngót ngàn trang, Nathan Fawles đã đoạt giải Pulitzer và nổi lên như một trong những giọng văn độc đáo nhất của văn đàn Mỹ. Cuối năm 1997, lần đầu tiên tiểu thuyết gia khiến giới văn chương sửng sốt. Sau khi định cư ở Paris, ông xuất bản cuốn sách mới của mình trực tiếp bằng tiếng Pháp. Những kẻ bị sét đánh là một câu chuyện tình đau thương đến xé lòng, nhưng cũng là một suy tưởng về nỗi đau trước cái chết, cuộc sống nội tâm và quyền năng của viết lách. Chính vào dịp này, công chúng Pháp đã thực sự khám phá ra ông, đặc biệt khi ông tham gia một ấn bản đặc biệt của Nồi hầm văn hóa cùng Salman Rushdie, Umberto Eco và Mario Vargas Llosa. Chương trình hồi tháng Mười một năm 1998 này chính là hoạt động truyền thông áp chót của ông. Quả nhiên, bảy tháng sau, khi vừa bước sang tuổi ba mươi lăm, Fawles đã thông báo việc mình quyết định ngừng viết hẳn trong cuộc trả lời phỏng vấn đầy sắc bén với hãng thông tấn AFP.

Kẻ ẩn cư trên đảo Beaumont

Kể từ ngày đó, nhà văn vẫn giữ vững quan điểm của mình. Sống trong căn nhà riêng tại đảo Beaumont, Fawles không còn công bố bất kỳ bản thảo nào dù ngắn nhất, cũng không đồng ý trả lời phỏng vấn bất cứ phóng viên nào. Ông còn từ chối mọi đề xuất chuyển thể các tiểu thuyết của mình sang lĩnh vực điện ảnh hoặc truyền hình (mới đây Netflix và Amazon tiếp tục thất bại trong phi vụ này, bất chấp những đề xuất tài chính vô cùng hấp dẫn, theo như lời họ).

Chẳng mấy chốc là tròn hai chục năm, sự im lặng chát chúa của “kẻ ẩn cư trên đảo Beaumont” không ngừng nuôi dưỡng những ảo tưởng. Tại sao Nathan Fawles lại chọn cách tự nguyện rời xa thế giới như vậy khi mới ba mươi lăm tuổi, lại đang ở tột đỉnh vinh quang?

“Làm gì có bí ẩn Nathan Fawles, Jasper Van Wyck, người bấy lâu vẫn là đại diện của nhà văn cam đoan. Chẳng có bí mật nào để khám phá đâu. Đơn giản là Nathan đã chuyển sang làm việc khác. Anh ấy đã ngừng hẳn việc viết lách và đoạn tuyệt với giới xuất bản.” Khi được hỏi về cuộc sống thường nhật của nhà văn, Van Wyck vẫn tỏ ra mập mờ: “Theo như tôi được biết, Nathan đang chuyên chú vào những mối quan tâm riêng.”

Để sống hạnh phúc, hãy sống ẩn mình

Để chận đứng mọi trông mong của độc giả, người đại diện này nói rõ rằng tác giả “không còn viết một dòng nào nữa từ hai chục năm nay” và tỏ ra dứt khoát: “Nếu Loreleï Strange thường xuyên được so sánh với Bắt trẻ đồng xanh, thì Fawles lại không như Salinger: trong nhà anh ấy không có két sắt chứa đầy bản thảo. Cũng sẽ không bao giờ có cuốn tiểu thuyết mới nào ký tên Nathan Fawles. Ngay cả sau khi anh ấy qua đời. Đó là điều chắc chắn.”

Một lời cảnh báo chẳng đời nào làm nản lòng những kẻ tò mò tìm hiểu thêm. Năm tháng trôi qua, nhiều độc giả lẫn phóng viên đã lên đường tìm tới tận đảo Beaumont để lảng vảng rình mò quanh nhà Fawles. Họ luôn thấy cửa nhà im ỉm đóng. Dân trên đảo dường như cũng sinh nghi. Không có gì đáng ngạc nhiên tại một nơi mà thậm chí từ trước khi nhà văn chuyển tới sinh sống, câu châm ngôn Để sống hạnh phúc, hãy sống ẩn mình đã được nâng tầm thành khẩu hiệu. “Tòa thị chính không chia sẻ danh tính cư dân, bất kể nổi tiếng hay không,” viên trợ giúp thị trưởng chỉ nhấn mạnh như vậy. Hiếm người dân đảo nào đồng ý nói về nhà văn. Những người chấp nhận trả lời chúng tôi coi sự hiện diện của tác giả cuốn Loreleï Strange trên đất của họ là chuyện rất đỗi bình thường. “Nathan Fawles không ở ru rú trong nhà mà cũng chẳng co rúm người, Yvonne Sicard, vợ của bác sĩ duy nhất trên đảo, cam đoan. Chúng tôi thường xuyên gặp ông ấy ngồi sau vô lăng chiếc Mini Moke khi tới Ed’s Corner, siêu thị duy nhất của thành phố, để mua sắm.” Nhà văn cũng thường xuyên tới quán rượu trên đảo, “nhất là khi có buổi tiếp phát các trận đấu của đội Olympique Marseille,” chủ quán rượu nói rõ. Một trong những khách quen của quán nhận xét “Nathan không phải kiểu người cục cằn thô lỗ như báo chí đôi khi miêu tả. Đó đúng ra là một tay đáng mến thông thạo bộ môn túc cầu và chuộng rượu whisky Nhật.” Chủ đề trò chuyện duy nhất có thể khiến nhà văn nổi cáu: “Nếu anh cố gắng mắc nối tới những cuốn sách Fawles viết hoặc tới văn chương, rốt cuộc ông ấy sẽ rời khỏi phòng.”

Một khoảng trống trong văn chương

Về phần các đồng nghiệp của Fawles, ta thấy nhiều người phục tùng ông vô điều kiện. Thí dụ như Tom Boyd, vốn luôn dành cho ông lòng ngưỡng mộ vô bờ bến. “Tôi nợ Fawles một vài trong số cảm xúc đẹp nhất có được từ việc đọc nên hiển nhiên, ông ấy thuộc số những nhà văn mà tôi mắc nợ.” tác giả Bộ ba thiên sứ cả quyết. Lại thêm ý kiến của Thomas Degalais cho rằng Fawles đang xây dựng ba cuốn sách hết sức khác biệt thành một tác phẩm độc đáo sẽ làm nên lịch sử. “Dĩ nhiên, tôi cũng như tất cả mọi người đều tiếc nuối khi ông ấy rút khỏi văn đàn, tiểu thuyết gia người Pháp bày tỏ. Thời đại chúng ta thấy nhớ giọng văn ông ấy. Tôi mong Nathan quay lại đấu trường bằng cách viết một cuốn tiểu thuyết mới, nhưng tôi nghĩ chuyện đó sẽ không đời nào xảy ra.”

Quả nhiên, có thể là vậy, nhưng đừng quên rằng Fawles đã chọn câu nói sau trong Vua Lear làm tiểu dẫn cho cuốn tiểu thuyết sau cùng của mình: “Chính những ngôi sao, những ngôi sao trên cao vời vợi kia, đang chi phối cuộc sống của chúng ta.”

Jean-Michel Dubois

NHÀ VĂN KHÔNG VIẾT NỮA

Nhà xuất bản Calmann-Lévy

Số 21 phố Montparnasse

75006 Paris

Số định danh: 379529

Ông Raphaël Bataille

Số 75 đại lộ Aristide-Briand

92120 Montrouge

Paris, ngày 28 tháng Năm năm 2018

Thưa ông,

Chúng tôi đã nhận được bản thảo Sự rụt rè của những đỉnh cao của ông, và xin cảm ơn ông vì đã tin tưởng Nhà xuất bản chúng tôi.

Bản thảo của ông đã được ban thẩm định của chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng thật đáng tiếc, bản thảo không phù hợp với dạng tác phẩm mà chúng tôi hiện đang tìm kiếm.

Chúng tôi chúc ông sớm tìm ra một nhà xuất bản cho bản thảo này.

Trân trọng,

Ban thư ký văn học

TB: bản thảo của ông vẫn được lưu tại chỗ chúng tôi trong vòng một tháng nữa. Vậy trong trường hợp muốn nhận lại bản thảo này qua đường bưu điện, làm ơn gửi cho chúng tôi một phong bì dán sẵn tem.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp