Sóng Ở Đáy Sông

Chương 12


11 tháng

trướctiếp

Mười một ngày bố con hắn nằm trong bệnh viện. Ngoài ba đứa em đưa cơm nước, các bà trong tổ nước sôi, bà con cùng ngõ lần lượt đến thăm. Người cho sữa, cho đường, người cho gạo, cho tiền... Nhìn thấy ai hắn cũng rơm rớm nước mắt cám ơn các ông , các bà. Ai cũng khuyên hắn ra viện tu tỉnh làm ăn mà nuôi con. Hắn đều hứa hẹn sẽ làm như thế. Nhưng rồi hắn vẫn ăn cắp tình thương yêu đùm bọc, ăn cắp lòng tin của mọi người. Hắn biết, hắn tiếp tục đi trộm cắp là phụ lòng bà con, nhưng hắn làm được gì khi không có việc gì để làm. Bốc vác hay đi gánh nước, bổ củi, nắm than thuê? Để con đang phải tiếp tục điều trị "tại gia" cho ai. Đi làm có đủ tiền thuê người trông con? Đạp xích lô hay đi buôn bán? Tiền lấy ở đâu ra? Còn gần một trăm đồng em gái mượn hộ để chi tiêu những ngày hai bố con ôm nhau nằm viện chưa trả được! Rồi lại phải mua xương ống về ninh với gạo, cà rốt, khoai tây, bắp cải, đỗ xanh vắt lấy nước hòa với sữa bồi dưỡng cho con, mỗi ngày tiêu hết hàng chục đồng. Lấy ở đâu? Bà con bán hàng ai cũng nguyền rủa con vợ hắn, thương cảnh hắn "gà trống nuôi con" mà lại là đứa con quặt quẹo. Ai cũng cho hắn chịu. Mỗi sang ra, chờ có người mở hàng xong là hắn đi "nhặt" bắp cải, cà rốt, xương ống, sữa, gạo... ở các bà bán hàng một cách tự nhiên. Rồi cả hắn và người bán đều nhẩm món nợ mỗi ngày cộng them nhiều lên. Giao hẹn với nhau xong, hắn xách các thứ ở tay, bế con ở vai về nhà nấu nướng, pha chế thức ăn cho con. Khoảng mười, mười một giờ trưa hắn bế con đi. Dưới con mắt của bà tổ trưởng và các cán bộ phường thì hắn đi ăn xin. Nhưng các bà bán hàng thì biết chắc là hắn đi ăn cắp. Chỉ có đi ăn cắp mới có tiền trả các món nợ của các bà. Biết vậy mà không ai ghét bỏ, không ai mách bảo với công an, chính quyền để ngăn chặn. Đơn giản là hắn đi ăn cắp của người khác chứ không ăn cắp của mình. Hắn lại có tiền để trả nợ và lại mua tiếp hàng để nuôi con. Tố cáo làm gì, ghét bỏ hắn làm gì! Các bà bảo: hắn phải trộm cắp nuôi con thế cũng là cực lắm. Nhưng hắn lại thấy nhờ có đứa con hắn, hắn ăn cắp được dễ dàng từ chợ Sắt đến bến Bính, từ chợ Cố Đạo, cửa ga đến chợ Lạc Viên, từ các cửa hàng bách hóa, hàng gạo, hàng thịt đến các xó xỉnh ở phía Cầu Rào. Chỗ nào gặp người quen hắn ngửa cái mũ mềm bộ đội vẫn đội trên đầu ra xin. Nếu không, hắn bế con bằng cánh tay chen vào chỗ đông, còn bàn tay thì một giơ chiếc làn đầy tã lót, chai lọ, vú sữa lên, bàn tay dưới móc túi hoặc dùng dao lam rạch túi khoác. Ngày nào cũng gần trưa đi, tám chin giờ tối về. Có hôm sớm hơn, thậm chí chỉ cần lấy được dăm bảy chục "đủ chi tiêu" trong một ngày là hắn bế con về. Thấy hắn hiền lành, lại không ai gặp hắn trộm cắp, cho nên nhiều bà con trong tổ nước sôi bảo độ này hắn tiến bộ hẳn lên. Nhưng đã có lần ở chợ Lạc Viên người ta đã túm chặt lấy cái tay rạch túi của hắn, hô hoán lên, xung quanh xô lại đánh hắn gãy một chiếc răng hàm nhưng hắn vẫn cố gục xuống lấy đầu che một bên, chiếc làn che một bên cho con hắn được an toàn. Một lần khác, ở cửa hàng ăn Hồng Bàng hắn đặt con vào làn trên một cái bàn ở góc nhà, rồi chen mua bia. Hắn móc túi. Người ta phát hiện, túm lấy hắn nhưng hắn giật tay chạy vọt được ra ngoài và "mất tích". Khi khách đang còn nháo nhác, hắn lại quay vào. Hắn sợ con hắn khóc hoặc ai bế mất nên hắn không thể bỏ đi được. Người ta nhận ra hắn. Đáng nhẽ phải chạy, thì hắn lại vội vàng nhảy vào góc nhà ôm lấy con để người ta xô lại đấm, đạp làm hắn ngã sấp mặt xuống sàn nhà mà con hắn thì vẫn được giữ trên tay. Có một người kêu thốt lên:
- Thôi thôi, bẹp đứa bé con bây giờ.
Đến khi con hắn lẫm chẫm biết đi thì bà tổ trưởng nước sôi buồn hẳn. Bà đã biết hắn đi ăn cắp. Không nỡ phê phán mà cũng không muốn gặp mặt. Cũng như những người bán hàng ở chợ Sắt, chợ Ga đều làm ngơ mỗi khi hắn bế con đến. Anh công an ở chợ Sắt cũng ngoảnh mặt đi "không trông thấy" hắn như trọng tài trong một trận bóng "không trông thấy" cầu thủ phạm lỗi phạt đền. Một hôm anh công an khu vực cùng công an chợ Sắt đến nhà hắn vào buổi tối. Anh công an chợ Sắt hỏi:
- Hôm qua mày lấy tiền của bà bán cá khô phải không?
- Vâng.
- Bao nhiêu
- Bẩy trăm năm mươi đồng.

........(Còn tiếp ...)

Vui lòng đọc tiếp đầy đủ trên ứng dụng truyện TYT (iOS, Android).
Trải nghiệm nghe truyện audio, tải truyện đọc offline, đặc biệt hoàn toàn miễn phí.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp