Sóng Ở Đáy Sông

Chương 13


11 tháng

trướctiếp

Nếu nhìn từ góc độ tình cảm của những người hay xúc động thì cha hắn là kẻ độc ác. Nhưng xét về mặt pháp lý thì ông luôn luôn là người có lý. Ở ông có hai đặc điểm nổi bật: Một là, cái gì ông cũng biết trước, "biết mà". "Tôi đã biết trước nó sẽ như thế". "Tôi đã nói trước rồi, có sai đâu". "Bao giờ tôi cũng biết trước chuyện này rồi sẽ đi đến đâu". Và vân vân. Nét nổi bật thứ hai là, việc to hay việc nhỏ, nói gì, làm gì ông luôn luôn là người có lý. Mà cái lý của ông thì chỉ có đúng trở lên. Chẳng hạn: Sau khi mẹ hắn chết, (cũng không ai rõ là "sau hay trước nữa") ông đi lại ăn ở với một người đàn bà góa đẻ mấy đứa con với ông. Người ta thì thào chê cười. Đến tai ông, ông thản nhiên nói: "Ơ hay nhỉ? Con người đâu phải là cây cột điện bằng xi măng. Có luật nào quy định tôi với bà ta không được quan hệ với nhau? Xin các vị cứ đưa ra. Mà nói về lý nhá, hiện nay tôi là "giai chưa vợ", bà ta là "gái chưa chồng" có gì sai phạm nào". Đến khi ông không có nhu cầu tình cảm với bà kia nữa ông cũng lại có cái lý của ông: "Tôi không đến nữa. Bà có lý gì để bắt vạ tôi". Khi bà bảo ông phải đóng góp nuôi con. Ông lại thản nhiên nói: "Khai sinh của nó có đứng tên tôi không? Bà không có lý gì bắt tôi phải có trách nhiệm với nó nhá". Thế là ông cứ thản nhiên như bao nhiêu việc ông đều có lý và mọi người ớ người ra, thấy mình vô lý thật. Ngay đến việc ầm ã cả khu phố vừa xảy ra tháng trước, ông cũng đã "biết trước". Vì cái lý nó phải như thế. Hôm ấy ông đi nhà bang nhận tiền của anh con trai thứ hai từ Mỹ gửi về. Giấy tờ, thủ tục lằng nhằng hết cả buổi sáng. Tàu anh Ý cập bến Sài Gòn rồi bay ra không báo trước. Về nhà thấy vợ đang nằm với giai. Khi ông về thì cả phường, cả phố đã đổ đến đông như kiến không còn chỗ chen chân, để vào nhà. Ông đứng ở vỉa hè ngoài đầu ngõ. Xung quanh ông bao nhiêu người thầm thầm thì thì vẻ quan trọng. Ông thản nhiên nói: "Chưa bảo anh Ý nhưng tôi đã biết trước là anh cứ đi biền biệt như thế, vợ con anh ở nhà tránh sao khỏi chuyện khuất tất". Hay là: "Thấy còn tình nghĩa thì ở với nhau. Không còn thì làm đơn ra tòa mà giải quyết. Việc gì phải ầm ĩ lên. Có khác nào vạch áo cho người xem lưng. Cái lý nó đơn giản như thế mà cũng không biết đường". Hay: "Tưởng có chuyện gì. Bao nhiêu người mất thì giờ vào cái chuyện vô nghĩa lý, không đâu vào đâu. Thôi, bà con giải tán đi, có lý gì mà cứ đứng mãi ở đây".
Cái giọng cứ đều đều nhàn nhạt của ông làm mất đi cái hứng thú của người xem. Do sự xô xát của ba người, công an đã mời cả ba lên đồn lập biên bản. Cái "hiện trường" trong nhà không có gì, ngoài hai đứa bé từ đâu chạy về kêu khóc nhưng cứ người nọ mách bảo người kia, nghe thấy tin đồn ai cũng xô đến đứng ngoài thì thào cứ như sự việc đang còn diễn ra quyết liệt ở trong nhà. Khi nghe ông bố của chủ nhân nói, mọi người mới ớ ra: "Ừ mình vô lý thật. Đứng đây làm gì cho ê mặt".
Thế cho nên, bất cứ việc gì nóng bỏng bao nhiêu, đến ông nó cũng phải nguội lạnh. Nguội lạnh, tê buốt bao nhiêu, đến ông nói nó cũng trở lại bình thường. Cái gì nó cũng có lý của nó. Nói đúng hơn, cái lý gì lợi cho ông, theo đúng ý ông thì không thể ai bẻ được. Cho nên, cái lý của ông lúc nào cũng đúng. Việc gì cũng biết trước, việc gì cũng có lý nên ông không làm phó lý, hương lý ở nhà quê thời Pháp thuộc, tên ông cũng không phải là. Trước mà có thời người ta gọi ông là "Lý Trước". Có lẽ nó là thế.
Ông Lý Trước – ta cứ tạm gọi đùa như thế – biết trước sự hư hỏng của thằng con cả người vợ thứ hai. Không bao giờ nó có thể thành người, nên trước sau ông cũng từ bỏ nó. Ông rất sợ mỗi khi nó quanh quẩn ở thành phố này. Nó đã quanh quẩn ở đây thì nó tha gì chỗ ông ở. Mà nó đã xuất hiện ở chỗ ông, thế nào ông cũng mất. Không mất tiền, thì cũng mất uy tín, danh dự. Đã mất tăm tích nó hàng năm nay, đang được yên ổn lại nghe tin nó về. Nhưng lại rất may, con em nó cho ông biết nó đã bị bắt và chờ sự xem xét của Viện kiểm sát, cơ quan ông có sự quen biết. Vậy nên, ông làm đơn có đoạn viết rằng: "Là người cha đẻ của hắn, một mình tôi "gà trống" phải nuôi năm mặt con. Tôi đã sớm hôm đầu tắt mặt tối, buộc bụng nuôi cho các con ăn học. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh tôi phải bám sát cơ quan vừa chiến đấu vừa sản xuất, các con tôi phải đi sơ tán thiếu bề dạy dỗ của gia đình. Thằng con tôi nó đã đua đòi bạn bè, ăn chơi trác táng, sa đọa, trộm cắp, ngày càng dấn sâu vào con đường tội lỗi đầy nguy hiểm. Đã nhiều lần hắn lĩnh án tù nhưng vẫn chứng nào tật ấy, ngựa vẫn quen đường cũ, hắn không từ bất cứ thủ đoạn bẩn thỉu và thô bỉ nào kể cả với người thân như cha đẻ của hắn.
Kính thưa các quý cơ quan hành pháp và chấp pháp. Phạm Quang Núi là một con sâu mọt sẽ đục ruỗng xã hội tươi đẹp của chúng ta. Nếu không chặn đứng những hành vi tội lỗi của hắn và đồng bọn, lòng dân thành phố không thể nào yên, xã hội ta không thể nào tiến lên được. Vì danh dự của một gia đình vốn có nề nếp, gia giáo, có truyền thống trên dưới đoàn tụ ấm êm. Vì trách nhiệm xây dựng còn người mới cho một xã hội văn minh tươi đẹp. Với những tội phạm đã thành hệ thống, đã có rất nhiều tiền án, tiền sự của hắn, tôi thiết tha đề nghị các quý cơ quan pháp luật Nhà nước trừng trị tên Phạm Quang Núi mức án tù chung thân để hắn không có điều kiện tái phạm ngày càng nghiêm trọng và gây nguy hại lớn cho nhân dân. Có như vậy, bản thân gia đình chúng tôi cũng như bà con dân phố nói riêng và toàn thành phố nói chung mới yên tâm lao động sản xuất, không ngừng đưa thành phố ta tiến lên ngày càng trong sạch, văn minh hiện đại, xứng danh là Hải Phòng ta..."
Người cha của ông Viện trưởng Viện kiểm sát quận là bạn uống bia với cha hắn từ dưới gốc cây phượng vĩ ở Vườn hoa sông Lấp từ những năm 60. Hàng chục năm gặp nhau, mối quan hệ qua lại chỉ là xếp hàng hộ nhau và "xí" chỗ ngồi cùng nhau, mỗi người một hoặc hai cốc bia, một hoặc hai gói lạc rang ngọt gói trong giấy báo quân hình phễu. Bia của ai người ấy uống, lạc của ai người nấy ăn. Họ vừa uống bia vừa bàn nhau chuyện Kennơđi bị ám sát, Níchxơn là tên tổng thống xảo quyệt và nguy hiểm nhất, trên bàn hội nghị ở Pari ta thắng lớn. Rồi đến chuyện chuyến tàu mới về chở toàn bột mì đen, phiếu dầu bị thiếu một nửa, thay thế vào đấy là phiếu than và củi, ở Hà Nội đã bắt đầu bán bia kèm giò mỡ và thịt lợn quay với củ kiệu vân vân. Không ai hỏi ai về chuyện gia đình, vợ con và những lo lắng riêng tư. Gần đây tình cờ có một người bạn của bố hắn nói, ông Viện trưởng Viện kiểm sát quận lại chính là con trai của ông bạn uống bia với ông. Nhưng rồi chuyện đó cũng không để làm gì nếu con gái ông không nghe phong thanh chuyện quen của ông và nhờ ông xin cho anh nó, thằng con mất dậy của ông.
Người cha của ông Viện trưởng kiểm sát sau khi đọc lá đơn cũng mới biết tình cảm và nhân tâm của ông bạn uống bia với mình. Đọc đi, đọc lại lá đơn ông trầm ngâm nói:

........(Còn tiếp ...)

Vui lòng đọc tiếp đầy đủ trên ứng dụng truyện TYT (iOS, Android).
Trải nghiệm nghe truyện audio, tải truyện đọc offline, đặc biệt hoàn toàn miễn phí.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp