Mộ Đom Đóm

Tảo nâu của Mỹ (2)


1 năm

trướctiếp

Hồi anh đang học làm ma cô ở Nakanoshima, một người bạn cùng lớp thời đi học, vốn là con nhà bán thịt ở Shinsaibashi, đến hỏi, “Mày biết nhiều người Mỹ, có thể mời ai dẫn gia đình đến nhà tao chơi không? Bố mẹ tao muốn chiêu đãi họ một bữa.”

Toshio hỏi lý do thì cậu ta bảo bố bán thịt kiếm được bộn tiền, đến nỗi căn nhà mới xây cũng phải gắn khóa điện ở cửa ra vào cho đỡ lo. Ông không biết dùng tiền để làm gì, lại thích bầu không khí huyên náo nên hay tổ chức tiệc tùng giao lưu, muốn mời người Mỹ đến chơi nhà một lần.

“Bố tao muốn cảm ơn họ vì đã đến tận Nhật Bản làm việc vất vả.”

Nếu giới thiệu cho cậu ta, biết đâu lại được chia phần gần bốn cân thịt, nên Toshio hăng hái nhận lời.

Người Toshio giới thiệu là một anh chàng bang Texas tên Kenis, 21 tuổi. Toshio dốc sức giải thích, đưa Kenis đến căn biệt thự lộng lẫy nhà cậu bạn ở Korien, anh ta được mời ngồi trên tấm da hổ trải trước góc toko*.

Không gian lùi sâu vào so với tường phòng trong nhà Nhật, nơi để bày thư pháp, thư họa, thưởng trà hoặc đặt đồ trang trí.

Chủ nhà đặt nhà hàng hai suất cơm kiểu Nhật được bày biện trên khay gỗ. Kenis loay hoay mãi mới ngồi khoanh dược với đôi chân dài của mình, món cá chép kho tương miso và cá tráp sống có vẻ không hợp khẩu vị nên anh ta chỉ uống bia dán nhãn Bakushu*.

Bia Nhật nói chung.

Một lúc sau, cậu con trai chủ nhà nhảy điệu nhảy yakuza* theo bài Cúi bóng, nhành liễu, hay Kantaro.

Một kiểu nhảy của Nhật Bản sau Thế chiến thứ Hai, các động tác diễn tả ý nghĩa lời bài hát, thường được thể hiện bởi vai diễn yakuza (xã hội đen) trong các vở kịch. Kiểu nhảy này đặc biệt thịnh hành trong thế hệ thanh thiếu niên thời hậu chiến trở nên bất kham vì đất nước sụp đổ, muốn giãi bày cảm xúc được giải thoát cũng như nỗi niềm mất mát của bản thân.

Toshio xấu hổ không để đâu cho hết, nhưng ông chủ hàng thịt lại có vẻ rất đắc ý, vừa rít rít cái tẩu thuốc vừa nhắc đi nhắc lại một từ, có lẽ là từ duy nhất ông ta nhớ, “Japan pipe, Japan pipe*.”

Tẩu Nhật, tẩu Nhật.

Chắc việc nhảy múa đó sẽ không diễn ra lần thứ hai đâu, nhưng ngộ nhỡ ông bà Higgins nhăn mặt từ chối thức ăn Kyoko nấu, liệu cô có bối rối rồi dụ dỗ Keiichi, “Nào, con hát cho ông bà nghe đi, let’s sing” không nhỉ, thằng bé gần đây nhớ rất nhanh và hay bắt chước mấy bài hát trên tivi. Toshio chỉ tưởng tượng thôi cũng thấy máu dồn lên não.

“Anh thấy cái này được không?” Kyoko xé tờ giấy gói hàng, lôi ra chiếc áo choàng tắm màu đỏ đồng, “Đây là cỡ to đặc biệt, papa thử choàng vào xem nào.”

Toshio chưa kịp ừ hử gì đã bị khoác vào người, kích cỡ vừa vặn. Anh cao 1,75 mét, so với người Nhật Bản đã thuộc hàng cao lớn.

“Ông ấy chắc cao hơn papa từng này.” Kyoko lấy ngón tay áng mức chênh lệch chiều cao giữa chồng với ông Higgins, nói rằng chỉ từng này thì đành bảo ông ấy chịu khó một chút, còn bà Higgins sẽ mặc yukata*.

Kimono mỏng để mặc mùa hè.

“Chiều cao trung bình của người Mỹ là 1,8 mét, của người Nhật là 1,6 mét, chênh nhau đến hai mươi phân. Mọi vấn đề đều do sự chênh lệch này mà ra, tôi cho rằng đây cũng là nguyên nhân khiến Nhật Bản bại trận. Chênh lệch về thế lực căn bản phản ánh sức mạnh của quốc gia.” Thầy giáo môn Xã hội, trước đây là môn Lịch sử, dạy họ như thế. Thầy rất hay nói lung tung, bất cần, làm sinh viên không biết những lời thầy nói thật đến đâu. Có thể đây là cách thầy che giấu sự lúng túng của mình khi phải giải thích việc nước Nhật đang từ “đất nước của Thần”* bỗng chốc trở thành “quốc gia dân chủ” như trong cuốn sách bị thầy bôi đen khắp chỗ.

Cách gọi cũ ám chỉ Nhật Bản, mang nhiều ý nghĩa: Đất nước do “thần” thiên hoàng trị vì, đất nước được các vị thần bảo hộ, đất nước nơi các vị thần trú ngụ. Sau chiến tranh, hiến pháp Nhật Bản được ban hành, phân chia rạch ròi tôn giáo và chính trị, tư tưởng “đất nước của Thần” dần thoái trào.

Khi Mỹ thử bom nguyên tử lần đầu tiên ở Đảo san hô vòng Enewetak* sau Thế chiến, thầy dọa, “Nếu phản ứng dây chuyền không kết thúc, trái đất sẽ vỡ vụn trong nháy mắt.”

Đảo san hô vòng (rạn san hô hình dạng vòng đai bao quanh đầm nước lặng) bao gồm 40 đảo nhỏ, thuộc quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương.

“Quân Mỹ ép buộc chúng ta phải giao ra ống nước bằng chì của những nơi đổ nát, đó là chất liệu có khả năng ngăn chặn chất phóng xạ, chúng sẽ được chuyển về nước họ. Nghĩa là sắp có Thế chiến thứ Ba, chắc chắn Xô-Mỹ sẽ đánh nhau,” thầy nói như một nhà tiên tri.

Tuy nhiên không cần thầy phải nói, khoảng cách về chiều cao phản ánh khoảng cách sức mạnh quốc gia thì tự Toshio cũng rất hiểu.

Chiều ngày 25 tháng Chín năm 1945, một ngày đẹp trời, tưởng như từ hè sang thu không ngày nào có mây, trời lúc nào cũng chói chang, nhưng tất nhiên không phải vậy. Năm đó bão đến sớm, lúa trên cánh đồng ngả rạp theo gió, bị cuốn vào xoáy nước gãy giập, dự cảm sẽ mất mùa, Toshio hẵng còn nhớ cảm giác chán nản đó.

Tóm lại, hôm ấy là 15 tháng Tám hay 25 tháng Chín thì thời tiết cũng đều đẹp, đến mức có thể nói tựa như bầu trời đất Mỹ. Nghe đâu quân Mỹ cuối cùng cũng đến. Hôm đó trường nghỉ học, dẫu sao cũng không có mấy tiết học, học sinh chỉ toàn đi thu dọn tàn tích.

Toshio tò mò không biết quân Mỹ đến bằng máy bay hay tàu thủy, liền chui ra khỏi hầm tránh bom chỗ đống đổ nát ở Shinzaike, tỉnh Kobe nơi anh sống hồi đó, đi về mạn bờ biển.

Toshio thấy một chiếc mô tô gắn thêm thùng xe chạy phành phạch trên đường quốc lộ, viên cảnh sát đội mũ ngồi trên mô tô vè mặt căng thẳng.

Đằng sau khoảng một trăm mét là những chiếc xe jeep, xe tải phủ bạt kín thùng xe. Khác với mô tô, chúng im lìm nối đuôi nhau.

Toshio ngẩn ngơ đứng nhìn, đội ngũ vùn vụt lao qua mặt anh với tốc độ kinh người. Sáu năm trước đó, vào một buổi tối, anh từng thấy đoàn xe tải giống thế, chở binh lính Nhật chạy trên đường quốc lộ.

Những người lính phải đợi thuyền ở cảng Kobe gần hai mươi ngày nên thường đến ở nhờ nhà dân. Nhà Toshio cũng có hai người đến, họ chơi với anh rất vui. Ngày họ bất ngờ xuất phát, lúc gần 9 giờ tối, Toshio và mẹ ra tiễn, thấy họ lặng lẽ trèo lên đoàn xe tải đỗ hàng loạt cạnh vỉa hè, thỉnh thoảng nghe hiệu lệnh vang lên như tiếng quái thú.

Bóng dáng hai người lính đến ở nhà anh hòa vào màn đêm làm anh không nhận ra. Không lâu sau, anh như nghe thấy tiếng hát ở đâu vang lên, “Dũng cảm chiến đấu, chiến thắng trở về!” Nhưng có lẽ đó là ảo giác. Không hiểu sao nước mắt anh rơi lã chã. Đoàn xe men theo quốc lộ tiến về phía Tây. Trên bầu trời đêm, hai ánh đèn pha không chút lay động chiếu rọi những đám mây.

Đội quân Mỹ cũng tiến về hướng Tây trên đường quốc lộ, ban đầu Toshio nhìn theo để đếm số toa tàu chở hàng, nhưng đếm mãi không hết.

Không biết từ lúc nào, một toán người chân còn đi giày ghệt, đầu đội mũ lưỡi trai quân đội đổ ra đầy đường. Một cậu bé đầu cá trê ló ra kêu to, “Kìa, người Mỹ mang cần câu đến đấy!”

Nghe thấy thế mọi người mới nhận ra phía sau xe jeep là những cây gậy mềm dẻo trông như cần câu, đang lắc lư theo nhịp chạy của xe.

“Bọn Tàu mang ô đến đánh nhau còn bọn Mỹ mang cần câu đến, đúng là khác biệt nhỉ,” một cụ già nói.

Toshio chẳng hiểu khác chỗ nào, nhưng cứ tưởng tượng lính Mỹ mà đi câu cá bằng chài hay cá đàn lia ở bờ biển Tomyo như người Nhật thì anh thấy quá lạ lùng.

Một người trẻ tuổi có vẻ là lính phục viên bảo, “Đó chắc là ăng ten của đài đấy.” Sao cơ? Mang đài ra chiến trường à? Lần này Toshio thực sự tò mò.

Đột nhiên đội quân đồng loạt dừng lại mà chẳng thấy hiệu lệnh hay hô hào gì, một tên lính Mỹ cầm súng nhảy xuống đường. Hắn ta mặc quần áo giống màu chiếc xe làm mọi người trước đó lại tưởng là một phần của xe. Hắn tựa vào xe vẻ rất thoải mái và nhìn bọn họ, má đỏ như mặt quỷ.

“Ai bảo là người da trắng, phải gọi là quỷ đỏ mới đúng,” như chung suy nghĩ, Toshio và một đứa bạn cùng lớp run rẩy đồng thanh.      

Cách đó 200 mét về phía Đông, đám đông bỗng ầm ĩ, không biết là tiếng hò reo hay kêu rên. Toshio thử ngó sang thì thấy một cái đầu, đúng hơn là thấy từ vai trở lên, hai tên lính Mỹ bị mọi người vây lại.

Toshio đang định ra gần đường hơn để xem chuyện gì xảy ra thì có ba gã đàn ông cao lớn không biết từ lúc nào đã tiến lại gần. Chúng dừng cách đó 2 mét, miệng nhóp nhép, tay tách từng thanh kẹo cao su ném phăng xuống đất. Mọi người còn đang ngạc nhiên trước thái độ khinh khỉnh ấy thì chúng ra hiệu bảo nhặt mấy thanh kẹo cao su dưới đất lên.

Người đầu tiên rụt rè nhặt kẹo là một người đàn ông mặc sơ mi nhăn nhúm, quần lửng, tất cố định bằng dây nịt, đi giày cổ thấp màu nâu. Có lẽ ông chú nhặt lên không phải vì muốn ăn mà vì sợ nếu không nhặt sẽ bị trách phạt, nên cũng không có vẻ vui mừng gì khi nhận được kẹo. Sau đó mọi người xúm lại nhặt như đàn chim câu tranh nhau mổ đậu.

Trước đó Toshio không hề có ý định này, nhưng khi đến gần lính Mỹ thì nhớ ra những lời hào hứng mà huấn luyện viên Judo từng kể như kể sự tích với lớp, “Đối với lũ Tây lông, các em chỉ cần nắm lấy hông ném xuống, móc chân quật ngã.”

Toshio không tính làm thật nhưng cứ nhìn hắn để hình dung xem sẽ thực hiện thế nào, và ngay lập tức anh thấy thất vọng tràn trề.

Chắc tên tướng Percival là ngoại lệ, chứ những tên lính Mỹ anh gặp bây giờ đều có cánh tay như khúc gỗ, eo như cái cối giã bánh giầy, mông rắn chắc trong cái quần sáng bóng, không biết làm bằng gì nhưng hơn đứt trang phục Quốc dân ở Nhật.

Toshio chỉ đạt trình độ sơ đẳng trong hội quán Võ Đức, có thể dùng một chân để đối phó với một gã to xác, nhưng với tên lính Mỹ này thì không thể, thậm chí anh còn thấy ngưỡng mộ, nhìn chằm chằm vào vóc dáng cao lớn đó, bỗng thấy tâm phục khi Nhật Bản thua trận.

Rốt cuộc tại sao nước Nhật lại đi đối chọi với một kẻ địch lớn mạnh như vậy? Dù có gắn lưỡi lê vào súng và đâm có khi cây súng gỗ còn gãy trước.

Một lúc sau, như đã chán thả mồi, mấy tên lính quay về xe, hai hay ba người dân có vẻ còn luyến tiếc nên nhằng nhẵng đi theo.

Mấy tên lính liền lách cách giương súng, nhắm vào đám người đuổi theo, làm bọn họ sợ hãi đờ người ra. Mấy tên lính cười vang, đám đông đứng phía sau cũng cười khinh khỉnh.

Hôm sau Toshio đến lao động công ích ở Hải quan, vút hết giấy tờ trong trụ sở Hải quan ra ngoài cửa sổ. Mang tiếng tổng vệ sinh chứ thật ra là thiêu hủy. Đây đúng là hành động điên rồ của mấy tên thỏ đế, bởi rõ ràng những thứ sẽ gây bất lợi nếu rơi vào tay quân chiếm đóng đều đã bị xử lý từ lâu rồi.

Cuốn sổ một mặt có dòng kẻ còn mặt kia để trắng này mà dùng làm vở thì tốt quá, vì trước giờ Toshio chỉ được tận dụng mặt sau cuốn sổ thu chi của cửa hàng văn phòng phẩm, đẳng nào cũng đốt thì mang về dùng còn hơn, anh bèn nhét vào quanh bụng.

Nhưng đúng là Hải quan, hành động giấu giếm của Toshio nhanh chóng lộ tẩy. Hải quan lấy lại đem đốt sạch thành tro.

Ba tháng trước đó, lớp Toshio tập trung trước trụ sở Hải quan này rồi đi xuyên qua dãy nhà kho xây sát nhau của hai công ty Mitsui và Mitsubishi để ra bờ biển Onohama xây tường bảo hộ pháo cao xạ 125 milimét tân tiến nhất Nhật Bản, có thể xuyên thủng thép tấm chống đạn ở độ cao 15.000 mét.

Tiểu đội trưởng giảng giải, “Khẩu pháo này dùng ra đa thám sát, có thể bắn theo ba kiểu vòng cung, thẳng đứng và chúc xuống.” Vậy là Kobe được bảo vệ bởi bức tường thép, thật ra chỉ là sáu khẩu pháo cao xạ. Ông ta còn cho đám sinh viên ngó thử vào ống nhòm, rõ ràng là ban ngày mà Toshio thấy rõ cả sao Mộc.

Mùng 1 tháng Sáu, những chiếc máy bay B29 vượt qua vịnh Osaka tiến thẳng vào Osaka, khẩu pháo 125 milimét đó phun lửa dữ dội nhưng chẳng bắn rơi chiếc nào. Vậy mà đội pháo binh vẫn thản nhiên như không.

Toshio xuýt xoa, “Oách thật đấy, lúc pháo bắn còn phun ra lửa.”

“Thế mới gọi là hỏa pháo,” họ trả lời tỉnh bơ.

Ba tháng trước đó nhóm Toshio đến hỗ trợ nghênh chiến với quân Mỹ, còn lần này là đến dọn dẹp sạch sẽ để tiếp đón chúng.

Khác nữa là hồi xây dựng trận địa, mỗi người được phát một cái bánh mì, nhưng từ khi thua trận, những lần lao động công ích đều được nhận tiền, mỗi ngày 1 yên 50 sen.

Nhân giờ nghỉ trưa ở Hải quan, Toshio ra bãi biển Onohama gần đấy, những khẩu pháo cao xạ và đài ra đa thám sát trông như vỉ nướng cá đều đã biến mất tăm, trên bờ biển chỉ còn hai hay ba mươi ống bê tông. Ngoài khơi, các chiến thuyền nhỏ của quân Mỹ nối đuôi nhau đi dọn dẹp thủy lôi chúng thả trước đó.

“Ông Higgins bao nhiêu tuổi rồi?” Tự dưng nghĩ ra, Toshio hỏi.

Kyoko ngập ngừng, “62 hay 63 gì đó, sao thế?”

“Ông ấy có nói đã từng ra trận không?”

“Em không thấy nhắc, đến Hawaii chơi thì đả động mấy chuyện không vui làm gì.” Kyoko đế thêm một câu, “ông ấy đâu có như anh.” Rồi lại vội vã bổ sung, “Không được đâu đấy, họ đến mà anh nói chuyện chiến tranh, rồi lôi chuyện bố anh hi sinh ra, họ sẽ không thoải mái lắm đâu.”

Mỗi khi mời bạn đồng niên đến nhà chơi, Toshio thường uống say rồi kiểu gì cũng hát bài ca ra trận hay ôn lại chuyện đi tổng động viên.

Kyoko khó chịu vì toàn bị gạt ra khỏi câu chuyện, nên bất mãn nói, “Như dở hơi, có thế mà lần nào cũng nhai đi nhai lại.” Chắc vì vậy mà cô nhắc nhở anh.

Nhưng lần này cô lo bò trắng răng rồi, vì Toshio không đủ vốn từ để trò chuyện về chiến tranh với người Mỹ.

“Tốt nhất đừng nên đả động những kí ức không vui. Hè nào anh cũng ôn lại thời chiến hay những kỉ niệm hậu chiến, em không thích đâu. Cảnh đó em cũng trải qua cả rồi, em vẫn nhớ lúc được mẹ cõng chạy vào hầm tránh bom, rồi phải ăn bánh canh bột mì thay cơm, nhưng em ghét đào lại chuyện chiến tranh hay kí ức ngày 15 tháng Tám. Cứ như tự mãn vì mình từng sống khổ ấy.” Kyoko tự dưng thẳng thắn, gay gắt nói.

Toshio chỉ biết im lặng. Ở công ty, mỗi lần anh buột miệng kể cho đám nhân viên trẻ về những trận không kích hay chợ đen là họ lại tủm tỉm cười như muốn bảo “Bắt đầu bổn cũ soạn lại đấy”.

Toshio thấy mình như Okubo Hikozaemon* kế về chiến tích đầu tiên trên núi Tobinosu Monju* vậy. Anh lập tức cảm thấy bất an, những khi anh lỡ miệng thổi phồng điều gì, có lẽ mọi người đã nhìn thấu hết cũng nên.

(1560-1639), võ tướng Nhật sống từ thời Chiến quốc (1467-1590) đến giai đoạn đầu thời Edo.

Một diễn biến trong trận Nagashino năm 1575 giữa quân Takeda Katsuyori với liên quân Oda Nobunaga-Tokugawa Ieyasu.

Toshio rối rắm, im bặt.

Ngày 15 tháng Tám này đã là năm thứ hai mươi hai rồi, có thể coi như mấy chuyện tầm phào người già lẩm cẩm cứ nhai đi nhai lại mà.

Ngày 15 tháng Tám, Toshio ôm mẹ và em gái ngồi trong hầm tránh bom dưới đống đổ nát ở Shinzaike.

Một đứa trẻ 14 tuổi lại đi bảo bọc người khác kể cũng hơi buồn cười, nhưng ở Nhật thời đó đàn ông con trai 14 tuổi đã có thể là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Toshio hết phải tát nước mưa ngập đầy hầm trú ẩn lại đi gánh nước từ giếng về mỗi khi mất nước, vì mẹ bị đau dây thần kinh và còn bị hen nên gần như người ốm.

Giờ nghĩ lại, anh cũng không nhớ tin tức trọng đại ấy truyền tới từ hôm trước, hay sáng hôm đó mới tới, và ai là người báo. Là từ ủy ban xã vẫn tồn tại dù khắp nơi cháy nổ, hay từ những người sống trong nhà tạm được quây bằng tôn, trần nhà cao tầm một mét bên trên hầm trú ẩn, ngay cạnh bức tường gạch sót lại sau trận cháy?

Khoảng ba mươi người tụ tập trước tòa nhà chưa bị cháy của đoàn thanh niên, rôm rả nói chuyện.

“Lệnh giới nghiêm đấy!”

“Có phải bệ hạ đích thân chỉ huy quân đội không?”

Ngày 14, Osaka bị ném bom quy mô lớn, cả Kobe cũng bị máy bay chiến đấu trang bị súng máy từ tàu sân bay tới oanh tạc, không ai ngờ ngày hôm sau chiến tranh kết thúc.

Mọi người hoang mang lắng nghe thiên hoàng đọc chiếu thư bằng giọng nói xa vời*, “Đau đớn khôn xiết,” “Không thể nhẫn cũng phải nhẫn, không chịu được cũng phải chịu.”

Phát thanh giọng thiên hoàng: 12 giờ ngày 15 tháng Tám, chiếu chỉ của thiên hoàng Showa được phát qua đài, thông báo kết thúc chiến tranh. Người dân bấy giờ coi thiên hoàng như “thần”, và đó là lần đầu tiên họ được nghe thấy giọng thiên hoàng.

Rồi cái đài tắt phụt đúng lúc phát thanh viên đang lặp lại chiếu thư.

Ai cũng ngẩn ngơ, có lẽ mọi người đều hiểu chiến tranh đã kết thúc, nhưng không ai dám nói ra miệng trước tiên vì sợ gặp họa.

“Vậy là làm hòa rồi nhỉ,” lời ông xã trưởng có cái đầu trọc mọc lún phún tóc bạc.

Từ “làm hòa” của ông khiến Toshio liên tưởng tới sự kiện quân Hạ và quân Đông của Ieyasu và Hideyori làm hòa ở thành Osaka.

Chưa thực sự cảm|nhận được chuyện thua trận, Toshio đứng đờ ra giữa trời nắng chang chang một lúc lâu. Có lẽ phấn khích quá, anh không nhận ra mồ hôi đã chảy ròng ròng, cứ thế về hầm.

“Mẹ ơi, có vẻ chiến tranh chấm dứt rồi!”

“Thật sao, bố có về không?” Em gái lập tức hỏi. Con bé đang dùng lược chải đám chấy bám từng mảng trên tóc xuống.

Mẹ im lặng, xoa bóp đầu gối bằng phấn chiết xuất từ qua lâu*.

Một loại dưa.

“Vẫn phải cẩn thận đấy,” hồi lâu sau bà mới nói một câu.

“Anh ơi có cái gì rơi xuống kìa, từ máy bay B29?” Em gái kêu lên.

Lại bom sao? Toshio đang thở phì phò trong căn hầm nóng nực, cố tìm kiếm chút hơi mát, “Mày điên à, chui vào trong ngay!”

“Không phải, là dù.”

Toshio rụt rè ló đâu ra khỏi hầm. Trời đã xế chiều, phía núi Rokko nhuốm màu hoàng hôn. Trái ngược với cảnh tượng đó, vùng trời ngoài khơi vẫn xanh thăm thẳm, ba chiếc B29 đã bay rất xa như mất hút trên bầu trời.

Toshio ngẩng mặt lên, thấy trên khoảng trời từ đây về phía Tây có vô số dù bung mở, chồng chéo lên nhau, như tự điều khiển, cùng bay chênh chếch theo một hướng.

Có lẽ vẫn còn sợ, em gái bám chặt lấy Toshio, anh ghì em vào người. Đề phòng bất trắc, anh rùn thấp người, nói giọng run run, “Không biết họ ném cái gì xuống nhỉ?”

Ở Hiroshima, thứ bom kiểu mới quân Mỹ thả xuống là bom nguyên tử, ở đây có thả dù thì cũng không cần phải thả nhiều như thế chứ. Trong tầm mắt, anh chỉ thấy toàn cảnh tan hoang đổ nát, những chiếc dù càng xuống gần càng chậm lại rồi trượt ra đất. Vùng này lặng gió nên đám dù nằm yên, không chút lay động.

Một người đàn ông cầm xẻng như cầm súng, một bà lão đầu quấn khăn vải tránh đạn mặc dù trời nóng như thiêu đi ra đi vào căn nhà tạm bằng tôn, chỉ trỏ đống dù.

Trong khoảnh khắc yên lặng chết người ấy, người đầu tiên chạy ra là một đứa cởi trần tuổi tầm lớp Bảy, Toshio tò mò muốn xem nên cũng tiến lại gần.

Chiếc đầu tiên rơi ở ruộng khoai trước đây là sân tennis. Phần giữa vải dù trắng toát cộm lên, có phải bom không đây, mọi người đều thấy hình dáng của nó nhưng không ai dám lại gần.

“Không được lại gần, tránh xa ra!” Một viên cảnh sát đi xe đạp đến, bắc loa kêu to.

Toshio trèo lên một cành cây ngô đồng còn sót lại sau đám cháy để nhìn cho rõ hơn. Dọc đường quốc lộ về phía Tây, đống dù trắng trông nhễ nhại như vũng nước đọng trong hố bom.

“Khiếp sao họ thả nhiều thế!” Anh lập tức thông báo cho mọi người những gì trông thấy.

Có chỗ trắng bu đông bu đỏ toàn người là người, nhưng cũng có những cái rơi gần bờ biển không ai để ý đến.

“Có một cái rơi cạnh hầm nhà tôi,” một bà lão chạy đến kêu cứu.

“Cái gì rơi vậy nhỉ?” Tất cả mọi người đều nhìn theo chiếc dù đến khi nó chạm đất, nhưng không ai thấy hình thù màu sắc thế nào.

“Nhìn như cái chum bốn đấu*, tôi có ít trứng trong hầm, đi lấy liệu có nguy hiểm không nhỉ?”

Chum rượu kiểu Nhật, có thể đựng tối đa 72 lít dung dịch.

Mọi người luôn thường trực nỗi sợ hãi về bom chưa nổ hay bom hẹn giờ nên không ai dám đảm bảo điều gì với bà. Thỉnh thoảng có cơn gió nhẹ thổi qua, chiếc dù lại phồng lên như con ma sống dậy làm mọi người giật mình kinh sợ chỉ biết đứng nhìn.

Rập, rập, rập, một toán lính nện giày chạy đến, mọi người mừng rỡ tưởng là đội công binh xử lý bom nổ chậm. Nhưng khi nhìn ra thì chỉ thấy mười người cởi trần, không súng cũng không dao. Họ tản ra rồi chẳng chút do dự cầm lấy vải dù, mọi người thấy vậy liền ùa đến vây quanh.

Toán lính lật vải dù trắng lên, ở đó có một chiếc thùng phuy màu xanh rêu. Thùng phuy bị cháy thì Toshio hay thấy, nhưng đây là một chiếc mới toanh sáng bóng, trên mặt có ghi chữ tiếng Anh và số gì đó. Một nhóm ba người lính đẩy ngã chiếc thùng, không thèm để ý mà lăn nó đi trên luống khoai rậm rạp lá.

“Cái gì thế, không phải bom à?” Một người mạnh dạn hỏi.

“Đồ này dành cho tù binh, chăm sóc tốt ghê cơ!”

Ở Wakihama có một trại tù chiến tranh, các tù binh thường khuân vác hàng hóa ở bờ đê ngoài cảng, nhưng những thứ này là cho họ thật sao?

“Từ giờ chúng ta trở thành tù nhân của họ.” Một người nói đùa, rút thuốc lá ra mời ông chú dân phòng một điếu, “Ngon lắm đấy, Roosevelt*, à không, Truman* phát cho đấy.”

Franklin Delano Roosevelt (1882-1945), tổng thống thứ 32 của Mỹ.

Harry s. Truman (1884-1972), tổng thống thứ 33 của Mỹ.

“Trong này cái gì cũng có.”

Cuối cùng họ đưa được chiếc thùng phuy lên lề đường, dùng chân đá bay nó, chất lên xe kéo kéo đi lọc cọc.

Đám đông mau chóng giải tán.

Toshio chạy về đám dù trắng phía bờ biển đường quốc lộ, nếu những thùng phuy bảo bối có tất cả mọi thứ đó là dành cho tù binh chiến tranh, thì thà để mình lấy còn hơn. Lòng tham trong anh trỗi dậy mạnh mẽ hơn cả lòng căm thù giặc.

Mặt trời đã lặn, vùng đổ nát sắp chìm vào bóng tối, tăm tối như bị khói đen bao phủ, không khác gì trận không kích ngày 5 tháng Sáu khi anh chạy quanh tìm hầm tránh bom. Chỉ khác là cho đến hôm qua, anh cố gắng chạy trốn, còn hôm nay anh lại truy đuổi những thứ rơi từ trên trời xuống.

Nhưng thùng phuy nào cũng đầy người lớn bu quanh như bầy kiến, Toshio chỉ đứng từ xa trông họ mang búa với xà beng hùng hục nạy thùng thôi đã bị quát nạt. Trên đường quay về hầm, anh nghe tiếng bà lão đã lo lắng về những quả trứng trong hầm kêu lên the thé, “Rơi ở chỗ nhà tôi thì là của tôi, nói gì tôi cũng không trả đâu, đi chỗ khác đi, đi chỗ khác đi!”

Quân đội phải can thiệp, tuy là đồ dành cho tù binh chiến tranh nhưng số lượng rất nhiều, các ủy ban xã được phép đứng ra chủ trì chia đều cho tất cả mọi người. Hơn nữa không biết lúc nào quân Mỹ sẽ đến nên cần phải xử lý sớm, nếu trong thùng phuy có gì ngoài đồ ăn phải báo cáo ngay, bị phát hiện tàng trữ sẽ xử tử lập tức.

Quân đội cảnh cáo xong thì chia cho mỗi ủy ban xã hai thùng, tất nhiên các thùng đã mở trước đó có thể giữ lại.

Hôm sau, ở khoảng sân trước đoàn thanh niên, mọi thứ trong thùng phuy biến thành hàng phân phối, đều bọc giấy xanh cả nên không ai biết có những gì.

“Có ai biết tiếng Anh không?” Ông xã trưởng mỉm cười hỏi. Nhưng mấy thành phần trí thức đã sớm sơ tán hết, những người ở lại vì quyến luyến mảnh đất này toàn thợ thiếc, thợ mộc, thợ may, rồi người bán thuốc lá, bán đồ khô, cha xứ Kim Quang giáo*, giáo viên tiểu học. Toshio là trưởng nhóm huấn luyện phòng không, cũng quen ra vẻ trước mặt người lớn, nhưng tiếng Anh thì chịu.

Tôn giáo mới của Nhật Bản. Trước chiến tranh là một trong mười ba phái thuộc Thần giáo.

“Để cho công bằng, chúng ta mở từng thùng một nhé.” Ông xã trưởng bắt đầu mở một hộp nhỏ dài, trong đó đầy phô mai, đậu đóng hộp, giấy vệ sinh màu xanh lá, ba điếu thuốc lá, kẹo cao su, sô cô la, bánh quy, bánh xà phòng, diêm, mứt, mứt cam, ba viên thuốc trắng xếp như cơm hộp các bà mẹ làm cho con.

Mỗi hộ gia đình được hai hộp như vậy.

Rồi đến hộp hình tròn, xếp kín những miếng phô mai, thịt hun khói, giăm bông, rồi đậu, đường.

Toshio muốn độc chiếm mọi thứ dù phải giết sạch những ai đang có mặt. Có lẽ mấy người xung quanh đều nghĩ như vậy, khi đường bị rơi vãi vì lỡ mở hộp mạnh tay, nhiều tiếng thở dài tiếc nuối vang lên. Mỗi lần thấy những khẩu hiệu như “Xa xỉ là kẻ thù”, “Chúng ta không cần gì cho đến khi thắng trận”, Toshio lại nghĩ họ muốn nói đến đường, đường là thứ xa xỉ, khi nào thắng trận sẽ được liếm đường thoải mái.

Thế mà vào cái ngày bại trận thì nó lại từ trên trời rơi xuống, ngoài ra còn được nhận thêm bao nhiêu thứ quý giá, trong số đó có một nắm trông như những sợi chỉ vụn màu đen sun lại, thứ này thì Toshio không biết, nhưng lúc đó chẳng ai có thời gian đi tìm hiểu cụ thể.

Đã là thứ trong cái thùng màu xanh, thì dù là cát, có lẽ ai cũng sẽ nhìn nhau so sánh khẩu phần mỗi người được chia rồi cất đi một cách cẩn thận. Thậm chí có cả vải bông thấm nước, khi bà cô đeo kính bảo chia cho cánh phụ nữ thì một anh dân phòng nghiêm mặt từ chối, “Không thể thiên vị.”

Toshio lờ mờ hiểu được tại sao phụ nữ lại cần vải bông thấm nước. Sau khi nhà bị cháy ít lâu, mẹ anh có đến hiệu thuốc hỏi, “Kinh nguyệt của tôi bị chậm lâu rồi...”

“Tôi cũng vậy.” Một người khách cùng tuổi mẹ cũng bảo.

Họ thì thào trao đổi với chủ hiệu thuốc, cuối cùng người chủ kết luận, “Nếu có vải bông sẽ đỡ hơn.” Nghe nói sau chiến tranh, số phụ nữ bị chững kinh nguyệt đã tăng lên.

“Chưa biết khi nào quân Mỹ đến, hàng phân phối đặc biệt này chúng ta lén lấy của tù binh nên phải xử lý sớm phòng chuyện bất trắc.” Ông xã trưởng nhắc nhở.

Toshio trở về hầm, việc đầu tiên là nhắc lại những lời đó thật rõ ràng. Cả nhà đã có thói quen ăn dè để dành, mỗi khi mẹ bảo hôm nay chỉ có đậu thôi nhé là anh thường nhìn mãi số thức ăn được phân phối, bất mãn bật khóc. Dù vậy giữa chừng anh cũng không ăn vụng đường, có lẽ do quá phấn khích, chỉ chăm chăm chạy về hầm thật nhanh để khoe với mọi người như khoe chiến tích.

Theo lời Toshio, mẹ đặt bánh quy và thuốc lá trước tấm ảnh của bố trong góc hầm.

Sau khi nếm thử mọi thứ được phát, Toshio chợt tự hỏi nếu bố hiện hồn về, không biết ông sẽ nghĩ gì khi cả nhà đem cúng những thứ trộm của bọn súc sinh Anh Mỹ đã giết bố.

“Thứ gì đây nhỉ?” Anh thắc mắc khi đã qua cơn phấn khích. Cái thứ trông như chỉ vụn màu đen đó có vẻ phải nấu lên mới ăn được, nhưng chẳng thể ngửi hay nếm ra được là gì. “Để con đi hỏi!” Bấy giờ anh chỉ nghĩ đến chuyện ăn, liền chạy ra hỏi bà cô ở cửa hàng giặt gần đó, bà ấy cũng lắc đầu, “Bỏ vào nước nấu thử xem, chắc giống tảo nâu khô của mình đấy.”

Ra vậy, thế thì Toshio từng nghe nói có món tảo nâu chiên dầu, là món khoái khẩu của dân học việc chỗ các thương nhân ở Osaka. Ngay lập tức anh lấy cái bếp lò đã vỡ được gia cố bằng cách quấn dây đồng, nhóm bếp và bắc chiếc nồi còn sót lại sau trận cháy lên, thử luộc như được mách. Nước trong nồi chuyển sang màu đỏ gạch.

“Tảo nâu là thế này sao?” Toshio hỏi.

Mẹ lê cái chân thương tật đến bên cạnh, “Chắc nó tiết ra váng đấy, tảo của Mỹ nhiều váng thế nhỉ?”

Toshio nhẹ nhàng chắt nước đi, cho nước mới vào nhưng vẫn không hết được cái màu đỏ quạch đó. Đến lần thứ tư nước mới tương đối trong, anh bỏ muối hạt vào nêm, ninh đến khi cạn nước rồi nếm thử. Dai nhách, chán òm. Cái món mì kaiho* trông như udon đen ăn chán chết, và thứ này còn nhạt nhẽo hơn món đó, nhai trong miệng thì dính lằng nhằng với nhau không nuốt được. “Cái này lạ ghê, có phải do ninh lâu quá không nhỉ?”

Loại mì phổ biến trong một thời gian sau Thế chiến thứ Hai, sợi mì làm bằng cỏ biển trộn một ít tinh bột.

Em gái và mẹ ăn thử cũng đều nhăn mặt.

“Ở Mỹ mà có món kinh thế!” Mẹ lẩm bẩm.

Dù vậy cũng không được vứt đi, Toshio để nguyên cả nồi đấy vì nghĩ đã nấu lên rồi có thế giữ được ít lâu, anh lấy kẹo cao su ra nhai để rửa miệng.

Thứ tảo nâu của Mỹ này cuối cùng chẳng ai biết nên nấu thế nào.

Ba ngày sau, xã trưởng bảo “Đó là black tea, hồng trà của Mỹ”, hình như ông nghe từ đội dân phòng.

Nhưng lúc đó trong bất cứ cái hầm nào cũng không còn trà nữa, dù chỉ một mảnh.

Giấy bạc gói kẹo cao su vứt đầy trên con đường hẹp giữa những căn nhà đổ nát. Trong thùng phuy thó từ trước chứa toàn kẹo cao su. Đám người lớn nhai mãi không hết, nhỡ bọn Mỹ đến thì tiêu, mà quai hàm cũng mỏi nhừ rồi nên phát cho lũ trẻ con. Chúng nhai như nhai vỏ quế, chỉ nhóp nhép vài ba cái hết ngọt là vứt đi. Ban đầu chúng còn vuốt thẳng những mảnh giấy bạc bọc kẹo, giữ cẩn thận để làm giấy gấp chơi, nhưng khi có nhiều quá thì không cần nữa vứt ra đầy đường, những mảnh giấy ánh lên lấp lánh dưới nắng hè trông như băng tuyết.

Đúng là giấu đầu hở đuôi, quân Mỹ mà trông thấy chắc chắn sẽ lộ chuyện dân làng đã lấy cắp của chúng, nhưng có vẻ chẳng ai lo lắng cả.

Không bao lâu sau họ đã ăn hết phần thực phẩm được phân phối đặc biệt đó, chỉ có đường là họ liếm từng chút một nên vẫn còn, cuối cùng trở lại ăn cháo và bánh canh bột mì.

Chỉ những mảnh giấy bạc gói kẹo cao su tựa như món đồ trang trí đầy màu sắc trong đền thờ sau lễ hội là còn đó, lưu lại giấc mơ về khẩu phần phân phối đặc biệt trên nền đất đỏ.

Đối với Toshio, nói đến Mỹ là nói đến món tảo nâu của Mỹ, băng tuyết mùa hè trên nền đổ nát, cặp mông tròn căng trong quần vải gabađin trơn bóng, cái siết chặt bởi bàn tay to dày, phần phân phối bảy ngày ăn toàn kẹo cao su, “Have a good time”, tướng MacArthur* đứng cạnh thiên hoàng thấp đến vai mình, Kiu-Kiu và tình hữu nghị Mỹ-Nhật, những lon cà phê MJB 225 gam, chất DDT* lính da đen rải ở nhà ga, chiếc xe ủi đơn độc dọn dẹp đống đổ nát, xe jeep chở đầy cần câu, cây thông Noel treo đèn nhấp nháy đứng im lìm trong nhà người Mỹ.

Douglas MacArthur (1880-1964), một trong năm người được phong quân hàm Thống tướng của Hoa Kỳ, đã chiến đấu trong ba cuộc chiến lớn là Thế chiến thứ Nhất, thứ Hai và chiến tranh Triều Tiên.

Dichloro diphenyl trichloroethane. Chất diệt côn trùng loại mạnh, Trước đây quân chiếm đóng bôi trực tiếp lên người dân để sát trùng, nhưng hiện nay Nhật Bản đã cấm dùng chất này.

Để đón ông bà Higgins, theo lời Kyoko, Toshio điều xe công ty đến Haneda.

“Bố nó cũng cùng đi chứ?” Kyoko nói như nhắc nhở.

Nếu lấy cớ bận để từ chối thì lộ liễu quá. Đúng hơn là Toshio lo ngại cô sẽ nhìn ra và hỏi sao anh lại sợ người Mỹ đến vậy nên cũng cùng đi.

Kyoko chậm rãi bước ở khu vực dành cho chuyến bay quốc tế trong sân bay nhộn nhịp, vẻ tự hào mình từng có kinh nghiệm du lịch nước ngoài. “Bé Kei này, chúng ta đã đi lên máy bay ở đằng kia nhớ không, phía đối diện là nơi làm thủ tục nhập cảnh nhỉ!”

“Anh vào quán bar chút nhé.” Vẫn còn thời gian trước khi máy bay hạ cánh nên Toshio đi thang cuốn lên tầng hai.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp