Mộ Đom Đóm

Tảo nâu của Mỹ (1)


1 năm

trướctiếp

Trên bầu trời nắng chói chang nổi lên một đốm trắng, anh đang nhìn theo thì nó bỗng biến thành vòng tròn, giữa vòng tròn có một hạt nhân đung đưa nhè nhẹ tựa quả lắc đồng hồ đang nhắm thẳng xuống đầu anh.

Chắc chắn đó là một chiếc dù, nhưng không hiểu sao ở khoảng trời nó xuất hiện lại không thấy bóng dáng hay thanh âm của máy bay.

Anh chưa kịp lấy làm lạ, chiếc dù đã tao nhã lượn xuống sân vườn trồng nào nhót tây, bạch dương, hồng, sồi, tử vi, cẩm tú cầu nở lộn xộn, san sát nhau.

Chiếc dù nhẹ nhàng đáp đất, không vướng vào cành cây, cũng không làm rơi một chiếc lá. “Hello, how are you!” Một người nước ngoài, một thằng Tây lông lá gầy nhom nom hệt tướng Percival* cười rạng rỡ bắt chuyện. Chiếc dù trắng toát phủ lên vai hắn như áo choàng, rồi trượt xuống rơi trên sân trông như lớp tuyết trắng.

Arthur Percival (1887-1966), tướng lục quân của quân đội Anh trong Thế chiến thứ Hai.

Hắn đã chào thì mình cũng không thể không trả lời, hay chào “I am very glad to see you!”? Nói thế với một vị khách không mời mà đến, đúng hơn là một thằng Tây lông đáng ngờ chẳng biết có phải khách không, thì thật buồn cười. Còn “Who are you?” nghe như đang tra hỏi vậy. “Thằng kia mày là ai, là ai, là ai?” Hỏi ba lần không đáp thì “pằng” cho hắn một phát.

Mà mình đang nghĩ gì thế nhỉ, phải chào hỏi trước đã.

“How, how, how...” Thanh âm lồm cồm bò từ dưới bụng lên nhưng lại dính chặt trong miệng không phát ra thành tiếng. Anh nhớ trước đây đã từng cuống cà kê như vậy, đó là khi nào nhỉ, còn đang mải tìm kiếm câu trả lời thì Toshio choàng tỉnh khỏi giấc mộng.

Ở bên cạnh, Kyoko vợ anh đang co mình như một con tôm, mông cô đẩy anh ép chặt vào tường, không cựa quậy nổi. Anh xô thẳng vợ về phần giường của cô, bỗng nghe tiếng “cạch”.

Có gì đó rơi từ trên giường xuống sàn.

Ngay lập tức Toshio nhận ra đây là cuốn sách hội thoại tiếng Anh thường ngày mà Kyoko lẩm bẩm đọc từng đoạn trước khi đi ngủ. Và anh đã hiểu ra nguyên nhân cho giấc mơ kì lạ của mình.

Chiều tối nay, một cặp vợ chồng già người Mỹ Toshio chưa từng gặp mặt sẽ đến chơi nhà họ. Một tháng trước, Kyoko hưng phấn phe phẩy chiếc phong bì viền đỏ trắng xanh gửi qua đường hàng không, nói với anh, “Papa này, vợ chồng Higgins sẽ đến Nhật, cho họ ở nhà mình nhé!”

Cô ấy đã gặp vợ chồng ông Higgins vào mùa xuân năm đó ở Hawaii.

Toshio là chủ một studio sản xuất phim quảng cáo trên tivi, tuy quy mô nhỏ nhưng vẫn phải đi gặp nhà tài trợ, rồi giám sát quay phim này nọ nên giờ giấc thất thường. Anh có mối quan hệ với hãng hàng không có thể mua vé giá rẻ, muốn bù đắp cho vợ con nên đã gửi Kyoko và cậu con một Keiichi sắp ba tuổi đến Hawaii. Mặc dù anh cũng hơi hối hận vì vung tay quá trán, nhưng may nhờ cách tính toán sổ sách đại khái của doanh nghiệp nhỏ mà anh có thể dùng tiền của công ty để trang trải mọi chi phí cho hai mẹ con.

Kyoko chỉ có chút vốn tiếng Anh học ở trường đại học ngắn hạn nhưng chẳng chút lo lắng về việc dẫn một đứa trẻ đi du lịch, ngược lại, không biết đây có phải là biệt tài của phụ nữ không mà cô thoải mái làm bạn với rất nhiều người xứ lạ, trong đó có vợ chồng Higgins. Họ làm ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhưng đã nghỉ và sống bằng lương hưu, ba cô con gái đều đi lấy chồng. Không biết thời còn tại chức địa vị xã hội ở mức nào, nhưng giờ họ có thể thong thả cùng nhau đi du lịch vòng quanh thế giới.

“Người ở đó đúng là máu lạnh. Lập gia đình xong là bố mẹ con cái cứ như người ngoài.” Kyoko nhận xét mà không nghĩ đến cách cô đang đối xử với bố mẹ mình “Em nghĩ mình đối tốt với họ cũng không thiệt gì nên mới quan tâm một chút, không ngờ lại khiến họ cảm kích, còn bảo em đáng yêu hơn cả con đẻ.”

Vợ chồng Higgins đãi Kyoko một bữa ở khách sạn sang trọng, thuê máy bay riêng đưa đi vòng quanh đảo. Cô sẽ không bao giờ được hưởng thụ như vậy khi đi du lịch với kinh phí 500 đô la.

Sau khi cô về nước, nhà Higgins lại gửi sô cô la cho Keiichi nhân dịp tháng Bảy sinh nhật thằng bé. Để đáp lại, cô gửi cho họ tấm thảm cói nghệ thuật dệt cảnh tuyết rơi giữa trời xanh, tuần một lần trao đổi thư qua đường hàng không vượt Thái Bình Dương.

Cuối cùng, họ thông báo sẽ đến Nhật Bản.

“Họ đều rất tốt bụng, rồi một ngày thể nào papa cũng đến Mỹ, có người quen ở đó càng yên tâm hơn chứ sao? Cả Keiichi nữa, ông bà ấy nói nhất định sẽ cho nó vào trường đại học Mỹ đấy.”

Không biết Kyoko đã tính toán đến đâu, nhưng Keiichi mới ba tuổi, giả sử nó có vào đại học thì mười lăm năm sau, ai biết ông cán bộ nghỉ hưu đó có còn sống không.

Anh định châm chọc nhưng cũng hiểu mấy lời nói đầy mùi tính toán của Kyoko chẳng qua chỉ để thuyết phục anh chịu chi tiền đón tiếp vợ chồng họ. Cô thực sự choáng ngợp trước sự kiện trọng đại có người Mỹ đến làm khách nhà mình.

“Họ từng bảo muốn thấy nơi em sống, muốn gặp anh.” Cô quyết định đồng ý trước cả khi Toshio kịp ý kiến. “Bé Kei này, ông bà Higgins sẽ đến thăm chúng ta, con có nhớ họ không? Khi ông ấy nói ‘Hello’ với con, con đã vẫy tay chào ông ấy và nói ‘Bye’ đó.” Kyoko cười lanh lảnh.

Vậy ra bây giờ là tình hữu nghị Mỹ-Nhật Hello-Bye à. Vào thời điểm này hai mươi hai năm trước là tình hữu nghị Mỹ-Nhật Kiu-Kiu.

“Mỹ là đất nước của những quý ông, người ta hay nói ‘Lady first’, họ rất tôn trọng phụ nữ và để ý phép lịch sự. Tạm quên vụ ‘Lady first’, nhưng mấy phép lịch sự, tôi lo nhỡ các cậu làm gì vô lễ, mấy người Mỹ đó sẽ nghĩ Nhật Bản là một nước mọi rợ.” Thầy giáo tiếng Anh của Toshio trước đây, có lẽ muốn bù đắp cho cảm xúc tiêu cực khi bị ép dạy thứ ngôn ngữ của kẻ địch nên hơi tí lại đánh học sinh, chẳng khác nào loài chuột*. Mà ông thầy này lại nhát gan, hễ thấy ném bom là chui ngay xuống hầm, vừa lẩm nhẩm Bát nhã tâm kinh vừa run lẩy bẩy.

Hình ảnh so sánh theo quan niệm của người Nhật, thường để chỉ kiểu người hay thậm thụt làm chuyện xấu.

Trong buổi học đầu tiên sau ngày Nhật bại trận, thầy viết thật to chữ “THANK YOU” và “EXCUSE ME” lên bảng, nói vẻ khinh miệt, “Viết thì viết chứ chắc chẳng ai đọc được đâu nhỉ.”

Thầy nhìn quanh lớp rồi viết phiên âm lên trên, “San kiu, ếch xừ kiu dư mi, rõ chưa? Trọng âm đặt ở ‘kiu’, ‘kiu’ đấy.” Thầy ấn mạnh viên phấn, gạch trên đầu chữ “kiu”, viên phấn gãy đôi văng ra.

“Lại nữa rồi,” cả lớp cười nhạt. Cho đến hai tháng trước, thầy giáo Hán văn toàn quên phứt bài giảng để lao vào bình luận về trận quyết chiến trên lãnh thổ Nhật Bản.

Thầy bảo ông trời về phe chúng ta, rồi viết lên bảng “Súc sinh Anh-Mỹ” đầy uất hận, bảng kêu ken két, phấn cũng gãy nên bọn học sinh quen rồi.

“Trong trường hợp xấu nhất chỉ cần mỉm cười và nói ‘kiu’ là người Mỹ sẽ hiểu, nghe chưa?” Thầy dạy. Một tiết sáu mươi phút kết thúc với Kiu-Kiu, cả lớp ra lấp hầm tránh bom đào quanh sân trường. Ai đó bị trúng viên đá liền nói “Kiu”, ai đó nhờ giữ hộ một đầu cây cột lớn cũng nói “Kiu”, chẳng mấy chốc “Kiu” đã trở thành ngôn ngữ thịnh hành.

Cũng dễ hiểu khi thế hệ Toshio không nói được tiếng Anh. Năm lớp Chín, họ chỉ viết được “Black” và “Love”, từ đọc được nghe ná ná tiếng Anh nhất là “Umbrella”, không ai phân biệt được sự khác nhau giữa các đại từ “I”, “my” và “me”.

Năm 1943 Toshio vào đại học, ngay học kì một đã được dạy cách đọc chữ La tinh. Trở về nhà, anh đọc dòng chữ “Công ty Hưng nông Hokkaido” trên hộp bơ, đây là lần đầu tiên anh đọc chữ viết ngang*.

Tiếng Nhật thường viết theo hàng dọc.

Anh còn chưa quen đọc “This is a pen” thì các tiết tiếng Anh đã được thay bằng giờ huấn luyện. Chỉ những khi trời mưa thầy giáo tiếng Anh mới lên lớp, nhưng, “Đại học ở Mỹ, cứ cuối tuần sinh viên lại tụ tập tiệc tùng nhảy nhót, toàn chơi thôi, sinh viên Nhật mà đến đó thì...” Thầy ca ngợi chế độ sinh viên nhập ngũ ở Nhật. “Các em chỉ cần học ‘Yes’ và ‘No’ là đủ. Khi tấn công Singapore, tướng Yamashita* đã nói với tướng giặc Percival...” Nói đến đây thầy đập bàn rầm một cái, mặt giật giật, bạnh má, tròng mắt lồi ra ngoài, ‘“Yes hay No hả’!* Là tinh thần như vậy đấy.”

Yamashita Tomoyuki (1885-1946), tư lệnh quân đoàn lục quân 25 trong Chiến tranh Thái Bình Dương, nổi tiếng với chiến công đánh chiếm Singapore và thuộc địa Mã Lai của Đế quốc Anh, biệt danh “Con hổ Mã Lai”.

Câu nói và hành động nổi tiếng của tướng Yamashita khi ép quân Anh (bấy giờ đang chiếm đóng Singapore) đầu hàng vô điều kiện. Hàm ý: “Có ý định đầu hàng hay không, nói nhanh một lời đi!”

Sinh viên cũng có thi cử, nhưng trong bài dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh, Toshio dịch “nhà của cô ấy” thành “she’s house” mà vẫn được điểm.

Với anh, hình ảnh Percival nặng nề vác cả bó cờ gồm cờ Anh và cờ trắng, mặc quần cộc phơi hai cẳng chân gầy guộc ra ngoài đại diện cho bọn Tây lông*.

Hình ảnh tướng Percival khi đi diễu hành với cờ trắng chấp nhận đình chiến. Đây được cho là cuộc đầu hàng lớn nhất trong lịch sử quân đội Anh.

“Đám Tây lông người cao lớn nhưng hông rất yếu vì thường ngồi trên ghế. Còn người Nhật chúng ta sinh hoạt trên chiếu, ngồi quỳ nên hông rắn chắc.” Thầy giáo dạy Judo đứng dưới tấm bảng đề “Chú ý dưới chân”, hô lớn, “Vì vậy đối với những thằng Tây lông, các em chỉ cần nắm lấy hông ném xuống, hoặc móc chân quật ngã, một phát là hạ được. Hiểu chưa? Nào, đứng dậy!”

Khi tự luyện tập, đám sinh viên thường tưởng tượng kẻ địch là Percival, hô to “Ây”, quật mạnh lão già đang bất an cúi gằm đó*, nháy mắt ấn lão xuống sàn, khóa đầu, “Yes hay No, Yes hay No!”

Cũng là hình ảnh tướng Percival khi đi diễu hành với cờ trắng.

Sang năm thứ hai, lớp Toshio đến các thôn làng lao động công ích. Sau khi Nhật Bản thua ở đảo Saipan*, nhà cửa phải tháo dỡ, mấy đồ đạc như chiếu lát sàn, vách ngăn di động, cửa trượt, cửa chớp được chất lên xe kéo, chở đến trường Quốc dân gần đó.

Hòn đảo lớn nhất quần đảo Bắc Mariana, Mỹ.

Khi ngôi nhà chỉ còn lại cái vỏ, lính cứu hỏa quấn lưới quanh cột chính, kéo sập xuống. Người ta thấy dấu tích tháo chạy vội vã của những người từng sống trong nhà như bồn tắm vẫn đầy nước, bỉm bẩn nơi mái hiên nhà vệ sinh đã khô lại, bức tranh vẽ thần Hotei*, cây đinh ba giống của Kato Kiyomasa*, cái két rỗng không (chiến lợi phẩm mà đám sinh viên giấu ở bờ rào rồi mang về nhà) và một cuốn sách dày cộp viết toàn tiếng Anh.

Vị thần hiện thân của tài sản, một trong Thất Phúc Thần (bảy vị thần mang lại may mắn theo văn hóa dân gian Nhật Bản).

(1562-1611), võ tướng, lãnh chúa Nhật Bản thời kì Azuchi Momoyama thế kỉ 16 và thời kì Edo thế kỉ 17-19.

“Nhà này có gián điệp à?”

“Biết đâu lại là mật mã?”

Một người vừa nói vừa lật sách đọc lướt, cả bọn dán mắt vào xem có từ nào mình biết không, hệt như tìm kho báu.

Cuối cùng, cậu lớp trưởng tìm thấy từ “SILK HAT”. “Nghĩa là chiếc mũ bằng lụa,” cậu ta lẩm bẩm. Lập tức toàn bộ hình ảnh về sàn gỗ bị lật lên, quyển lịch cũ, hay cây cột nhà còn dấu lá bùa bị xé trong đầu họ đều biến mất, thay vào đó là buổi dạ hội với những người đội mũ lụa. Một đứa trân trối nhìn, “Thì ra silk hat là mũ lụa à.”

Đến tận bây giờ, hễ nghe thấy từ “silk hat”, Toshio lại vô thức hình dung ngay ra chiếc mũ lụa.

Kyoko vẫn phơi phới, cô đặt lá thư đầu tiên của ông bà Higgins trên chiếc bàn ăn chân ngắn. Toshio vẫn nhớ rõ cảm giác bất an vào lần đầu thấy lá thư viền sặc sỡ đó. Một phần vì anh không tự tin với tiếng Anh của mình, sợ nhỡ Kyoko nhờ đọc phải lắc đầu từ chối thì mất mặt, còn phần nhiều vì bối rối không biết phải làm sao khi nhận được thư của người Mỹ.

Nhưng Kyoko lại rất phấn khởi, có vẻ cô đọc hiểu nên kể cho anh nội dung.

“Em phải viết thư trả lời họ, công ty anh có ai dịch hộ em được không?”

“À chắc có.”

“Thế nhờ anh nhé, em đã viết rồi đây.”

Toshio nhận lấy đọc thử, lá thư viết bằng ngôn từ hoa mỹ như của một nữ sinh. Anh lập tức nhớ đến một hay hai nhân viên trong công ty đang cố gắng học tiếng Anh, dự định sau này sang Mỹ. Anh tính nhờ họ dịch, nhưng để chắc chắn không xảy ra rắc rối, anh đọc nội dung thư trả lời và thấy khó chịu với câu “Chồng tôi cũng rất biết ơn ý tốt của ông bà”. Anh xé bỏ lá thư.

Cứ như bị truy đuổi, lá thư thứ hai của ông bà Higgins lại đến, trong thư nói gần nhà có một người Nhật dịch giúp nên Kyoko có thể viết bằng tiếng mẹ đẻ, họ rất mong nhận được thư của cô.

Kyoko cảm động trước thành ý của họ nên lấy luôn giấy viết thư vẫn để dành từ khi Toshio mua làm quà cho cô ở Kyoto, và viết một bức thư dài.

Dù Toshio không hỏi nội dung của lá thư đó nhưng Kyoko chẳng giấu giếm gì, cô tự hào kể với anh, “Ông bà Higgins nói việc làm phim quảng cáo trên tivi ở Mỹ cũng rất triển vọng, công việc bận rộn nên anh hãy giữ gìn sức khỏe. Anh có nghe không? Họ nói với anh đấy!”

Làm phim cũng dăm bảy loại, có những nhà sản xuất phim truyền hình mua lại cả một hãng phim Hollywood, lại có những đơn vị nhỏ như công ty của Toshio chuyên sản xuất mấy đoạn quảng cáo vẻn vẹn năm đến mười lăm giây, lợi nhuận ít nên phải nhận nhiều việc về làm.

Toshio chẳng muốn giải thích về sự khác biệt đó. Kyoko như ở trên mây, ấm ức nói, “Papa chuyển sang Mỹ làm thì tốt hơn, bên Mỹ mới có tương lai.”

“Bây giờ thì muộn rồi. À không, tính ra, đến cả con mèo hay cái muôi cũng đi du lịch nước ngoài, thì người chưa đi lần nào có khi lại có giá hơn, vì chưa bị nhiễm độc bởi những thứ lai căng.”

“Có mà anh đang tiếc nuối, cảm thấy không bằng người ta ấy. Nếu là vì ngôn ngữ thì đừng lo, đâu sẽ vào đó.” Sau hôm quyết định đi Hawaii, Kyoko đã mua đĩa hội thoại tiếng Anh, luyện tập cách trả lời khi nhập cảnh hay những từ ngữ dùng khi mua sắm. Kết quả của những nỗ lực đó là cô đã dạy Keiichi, “Nghe nói bên Mỹ họ không dùng ‘papa’, ‘mama’ đâu, phải là ‘daddy’ và ‘mommy’ đấy. ‘Mama’ dùng để chỉ người đàn bà mất nết.”

Gần đây Toshio đã nhượng bộ, không bắt gọi “bố” mà cho gọi là “papa”, chẳng lẽ giờ lại đổi thành “daddy” nữa? Quá lắm rồi. Anh dứt khoát phản đối, “Không biết ở Hawaii thế nào nhưng ở đây thì phải gọi là papa!” Rất hiếm khi anh dứt khoát như vậy.

Trước khi nước Nhật bại trận, dù không được đào tạo bài bản nhưng Toshio cũng học tiếng Anh viết, sau khi bại trận thì học thêm tiếng Anh nói, tiêu biểu là giáo trình Come, come, everybody.

Khi anh lên lớp Mười, nhà trường thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh, tập trung nhiều học sinh xuất sắc. Có lần, dưới trời nắng chói chang, ngoài cửa câu lạc bộ đấu vật mà trước đây là nơi luyện tập Judo, một người học lớp trên hỏi anh, “Oat tsumara izu you?”

Anh còn đang đoán “tsumara” có lẽ là “tomorrow”, suy ra hắn muốn hỏi “Ngày mai làm gì?”, thì người kia cười khẩy, “Nói ‘What’s the matter with you’ thì mày cũng không hiểu đâu nhỉ, oat tsumara izu you*. Have a good time.” Dứt lời, hắn ta cười hô hố với đám bạn.

Cách phát âm tiếng Anh theo âm Nhật. Người này đang mỉa Toshio không biết tiếng Anh chính gốc.

Học hết lớp Mười, Toshio bỏ học.

Bố chết trận, mẹ đau ốm, em gái học lớp Tám đã phải quán xuyến việc nhà, bản thân anh hết làm ở nhà máy sản xuất bít tất, nhà máy pin khô lại đến quảng cáo cho nhật báo Keihan để kiếm cơm nuôi ba người.

Một lần, khi anh trốn việc đi lang thang ở công viên Nakanoshima...

“Cậu có phải học sinh không? Là học sinh thì cho tôi nhờ chút,” một cô gái hỏi anh.

Bấy giờ Toshio đang mặc đồng phục của trường dự bị đào tạo không quân tập sự* gồm áo bảy khuy (đứt hai cái cuối) và quần nài ngựa bằng vải bó sát từ cẳng chân xuống. Thời đấy thì ăn mặc như vậy đã là tử tế, có lẽ cô gái cảm thấy tin tưởng được.

Trường đào tạo học sinh thành lính điều khiển các phương tiện trên không thường sử dụng để tấn công, do thám.

“Tôi muốn bắt chuyện với lính Mỹ, cậu có thể làm trung gian không?” Cô gái nhìn một tên lính có vẻ rảnh rỗi, đang dõi theo những con thuyền nổi trên mặt sông. Ra vậy.

“Mai cậu đến đây nhé, tôi sẽ trả ơn.”

Nhưng Toshio chỉ biết câu “How are you” chào hỏi mà cũng chưa nói chuyện với bọn Tây lông bao giờ. Anh còn đang chần chừ thì tên lính như đã nhận thấy, tiến lại gần, giơ nắm tay to dày lên bảo, “Squeeze.” Thoạt đâu Toshio chẳng hiểu “squeeze” nghĩa là gì, nhưng chợt nhớ thầy giáo tiếng Anh kiêm huấn luyện viên câu lạc bộ bóng chày từng giải thích cho đám thành viên đang đờ người ra vì ngạc nhiên, “Squeeze nghĩa là vắt, là siết chặt. Các cậu đã được học squeeze tuyết sẽ thành quả bóng tuyết rồi còn gì.”

Toshio bèn rụt rè giơ tay ra siết lấy tay hắn, tên lính nhìn như muốn nói sức chỉ được thế thôi à, rồi nhẹ nhàng siết ngược lại chẳng khác nào vo tròn tờ giấy bỏ đi, làm Toshio đau muốn nhảy dựng. Có lẽ tên lính muốn thể hiện trước mặt cô gái, còn cô gái thấy Toshio nhăn mặt thì bật cười.

Tên lính không bỏ lỡ cơ hội liền gợi chuyện, cô gái bối rối nhìn Toshio. Anh nghe hiểu được vài từ rời rạc như tên, bạn, nhưng chẳng hiểu hắn nói gì.

Lớp Mười Toshio bắt đầu được học bài bản, nhưng vì thiếu giáo viên tiếng Anh nên trường thuê giáo viên tạm thời.

Thầy dạy lớp Toshio là một ông chú toàn giải thích về từ tượng thanh, “Ở Nhật tiếng chuông xe điện kêu ‘chin chin’ nhưng ở Mỹ kêu ‘đing đong’, tiếng mèo kêu ‘nheo’ ở Nhật thì là ‘meo’ ở Mỹ, tiếng gà kêu ‘kô kê cốc kô’ thì sang Mỹ lại là ‘cục ta cục tác’.”

Mấy thanh niên chăm chỉ còn tự làm thẻ học từ mới, mặt trước ghi “chin chin”, mặt sau ghi “ding đong”.

Có lần thầy còn dạy “He cannot be cornered”* nghĩa là anh ta không thể ở trong góc. Mặc dù không hiểu lắm nhưng Toshio hơi nghi ngờ thứ tiếng Anh này. Thầy nào trò nấy, Toshio nghe tên lính nói mà thấy chẳng khác mấy tiếng người Tàu ngái ngủ.

Anh ta sẽ không bị dồn vào đường cùng đâu.

Biết mình phải nói gì đó nên Toshio đành dùng tay hết chỉ tên lính lại trỏ cô gái, ngẫu nhiên hét lên “Double, double”, tên lính có vẻ mãn nguyện bảo “OK, OK” rồi cứ thế ôm lấy vai cô gái, ra lệnh cho anh, “Taxi!”

Những chiếc taxi trông như đang cõng cặp trên lưng nối đuôi nhau tằng tằng chạy qua, nhưng Toshio không biết phải làm sao để dừng chúng lại. Thấy Toshio lúng túng, tên lính xé tờ giấy trong cuốn sổ tay của hắn, dùng bút bi viết to chữ TAXI rồi khinh khinh giơ ra trước mũi anh thúc giục. Một lát, như biết không thể trông chờ gì ở thằng này, hắn kéo cô gái bước đi.

Toshio nhìn chữ TAXI được viết bằng tiếng Anh chính hiệu trên tờ giấy, cất cẩn thận vào túi áo ngực như thể cất chữ kí của một ngôi sao điện ảnh, thậm chỉ còn khe khẽ bắt chước phát âm của tên lính.

Hôm sau Toshio lại đến chỗ cũ, không hi vọng gì nhiều, nhưng cô gái đã ở đó, giơ ra lon cà phê MJB 225g và lon ca cao Hershey vẻ tự hào, “Những thứ này cậu có biết ai muốn mua không?”

Toshio chỉ cho cô quán giải khát trong công viên Nakanoshima, nơi tụ tập của những cô gái bán hoa phục vụ lính Mỹ, đến đó một dân thuộc địa* sẽ mua lại tất cả cà phê, sô cô la, phô mai, thuốc lá (những thứ tên lính trả cho các cô thay tiền).

Chỉ người dân các nước bị Nhật Bản chiếm đóng, cụ thể là Triều Tiên hoặc Đài Loan.

“Tôi sẽ trả công cho cậu, bán giúp tôi nhé,” cô gái chắp tay nhờ.

Toshio đến cửa hàng, ở đó có bán bánh thạch, bánh đậu đỏ, bánh cuộn nhân kem, mỗi chiếc 10 yên, cà phê 5 yên.

Dân thuộc địa nọ không ở đó, nhưng vừa nhìn thấy những thứ Toshio cầm đến, một phụ nữ béo tốt ra dáng dân buôn đã đon đả, “Tôi nhận cho.” Rồi bà ta rút từ cái ví màu đen to như ví của phụ xe buýt ra một tập tiền, nhanh nhẹn đưa Toshio 400 yên, “Cậu không có thuốc lá à, tôi mua một hộp giá 1200 yên đấy.”

Trong cửa hàng còn một người nữa, nhìn bề ngoài biết ngay là gái bán hoa.

“Only five minutes more, give me five minutes more*,” chất giọng cô ta thanh thoát lạ thường.

Chỉ năm phút nữa thôi, cho tôi thêm năm phút nữa. Lời bài hát Five minutes more, nhạc phim The Sweetheart of Sigma Chi (Người tình của Chí Ma).

Toshio cũng biết vài bài hát tiếng Anh. Thảo luận, biểu tình, chơi trong ban nhạc, bóng chày... chương trình giáo dục ở cấp hai xét ra cũng chỉ có vậy. Trong buổi thảo luận anh được chọn làm đại diện cho lớp lên thuyết trình chủ đề “Đồng phục, nên hay không”. Dù nên hay không thì anh cũng chẳng đủ được nửa cái điều kiện để mặc đồng phục.

Bấy giờ chiến tranh kết thúc đã được một năm. Hồi cuối năm, năm hay sáu nữ sinh mặc đồng phục thủy thủ rất xinh đi ngang bờ hào thành Osaka đổ nát, học sinh trường Otemae đột ngột hất tung váy họ ngay trước mặt Toshio, nó phất phơ như đang nhảy múa.

Toshio chỉ biết ngẩn ngơ nhìn. Khác với họ, em gái anh vẫn chỉ mặc quần thụng. Tại các trường cấp hai, học sinh vẫn mặc trang phục như thời chiến, kể cả nữ sinh.

Ban nhạc của trường mới đâu toàn học sinh khá giả mặc đồng phục, không có nhạc phổ nhưng lại đầy đủ các loại nhạc cụ, chơi nào Em là tia nắng của anh, Ánh đèn trong thung lũng, Khu vườn nước Ý, Ánh trăng Colorado. Rồi cả bản nhạc huyền thoại như La Cumparsita. Khi lên phát biểu, một học sinh lớp Mười một (con địa chủ ở gần phố đèn đỏ Hashimoto, nghe nói cũng từng chơi gái ở đó) đã giới thiệu đây là bản tango của Rodriguez, âm hưởng của Rodriguez vang lên thật trang nghiêm, thấm sâu vào lòng Toshio. Có tờ báo đưa tin ngay cả thái tử cũng hát bài Twinkle twinkle little star.

Chủ một cửa hiệu chụp ảnh kỉ niệm ở Nakanoshima học khoa tự chọn trường chuyên ngữ nên giao tiếp tiếng Anh rất giỏi, những lúc rảnh rỗi Toshio thường đến đó học nói tiếng Anh để dùng trong công việc làm ma cô cho mấy tên lính, đổi lại anh đưa anh ta đầu lọc thuốc lá. Nói là ma cô nhưng mỗi ngày anh chỉ dẫn được một, hai cô cho lính Mỹ. Các cô đều mang sắc mặt xanh xao, vai gầy guộc, muốn làm gái bán hoa, đến vì nghe nói có thể làm quen với lính Mỹ và xin được sô cô la.

Những tên lính Mỹ thì đều còn trẻ và cố vẻ mặt buồn bã, không biết do lạ lẫm với Nakanoshima, đặc biệt là những nơi săn gái, hay do nhớ nhà, mà thường đứng bần thần bên bờ sông. Vào thời điểm này, dòng Dojima chảy xiết, nước sông trong veo. Toshio giới thiệu họ với nhau.

Các cô đều không chuyên nên xong việc cũng không biết cách đổi những món đồ nhận được thành tiền. Tiền hoa hồng nhận được từ việc đổi những thứ đồ đó cho dân thuộc địa tính ra khoảng 100 yên, lời hơn hẳn những việc vặt làm lúc rảnh rỗi như bán tạp chí ảnh hay bán báo dạo, bên cạnh nghề chính là quảng cáo. Thế là Toshio cố hết sức cười nịnh bợ cho những tên lính đó vui vẻ, “I hope you have a good time!*” rồi thì “What kind of position do you like?*”.

Chơi vui nhé ông anh!

Anh thích tư thế nào?

Anh nói mà chẳng biết nghĩa. Đúng như Kyoko nhận xét, vấn đề ngôn ngữ có thể xoay xở nhanh thôi.

Một đứa bạn cũ tình cờ gặp Toshio, không để ý đến bộ dạng nhếch nhách mà ngạc nhiên khi thấy anh xì xồ nói chuyện với mấy tên lính.

“Cậu ta làm phiên dịch, tiếng Anh phải giỏi lắm đấy,” thằng bạn loan tin khắp trường nên nhiều đứa kéo đàn kéo đống đến xem Toshio dịch.

Khi ông bà Higgins ấn định ngày đến Nhật Bản, Kyoko lại chuyên tâm học tiếng Anh, cô còn dạy cả Keiichi, “Good morning, sáng dậy phải chào ‘Good morning’ đấy, con nói thử đi nào, papa cũng học nhé?” Cô nói khi nào ông bà Higgins đến còn phải dẫn họ đi xem kịch kabuki*, rồi thăm tháp Tokyo nữa, vì dù gì hồi cô đến Hawaii họ đã dẫn đi khắp nơi.

Một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản, kết hợp diễn kịch với âm nhạc và vũ đạo. Na ná tuồng của Việt Nam.

“Anh bận lắm, không đi được đâu.”

“Có hai, ba ngày thôi, kiểu gì chẳng sắp xếp được, ở Mỹ hai vợ chồng thường đi thành cặp, hồi em ở Hawaii họ cũng hỏi sao chồng không đi cùng, em phải nói dối là anh sẽ đến sau đấy.”

Nói hay thật, đây không đi làm thì cô được đi chơi chắc. Toshio thấy bực mình, nhưng việc khiến anh chán nản hơn cả là nếu họ đến, anh sẽ phải dẫn họ đi chơi Tokyo. Bên phải là tòa nhà cao nhất Nhật Bản. “Look at the right building, that’s the highest!” Sao tôi phải quay lại công việc ma cô ở Nakanoshima cơ chứ!

Kyoko đúng là dễ dàng làm bạn với người Mỹ, chẳng chút ngần ngại.

Khi đi bộ trên phố Ginza, Toshio trông thấy những người trẻ tuổi nói cười với người Mỹ rất vui vẻ, trong đó có người còn không hề ngại ngùng vừa đi vừa khoác tay con gái Mỹ trên đường lớn như thể đây là chuyện rất đỗi bình thường.

Thế hệ anh thật ra cũng hay nói chuyện với lính Mỹ. Trên tàu điện đông đúc, một sinh viên căng thẳng hỏi mấy tên lính bên cạnh, “What do you think of Japan?*”

Anh nghĩ thế nào về Nhật Bản?

Người nhún vai khinh khinh, người liếc nhìn từ trên xuống, “Half good, half bad.*”

Vừa tốt vừa xấu.

Sinh viên nghe câu trả lời thì nghiêm trang gật đầu như thể vừa được giảng giải một vấn đề triết học uyên thâm. Cậu ta nhận phong kẹo cao su của tên lính nhún vai, dùng ngón tay cuộn tròn thanh kẹo như người ta cuốn thuốc lá cho vào miệng. Tất cả mọi người trên tàu đều nhìn theo ghen tị.

Hồi đó, chẳng hiểu sao mấy tên lính động một cái là cho người Nhật kẹo cao su với thuốc lá, do e dè khi gửi thân ở đất nước mới trước đó còn là kẻ địch sao? Hay do thương hại những kẻ đang đói kém mặc dù kẹo cao su không làm người ta no bụng?

Mùa hè năm 1946, nhà Toshio ở phố Omiya, rất xa thành phố Osaka, có lẽ do gần đó có nhiều nông trang nên hoạt động phân phối thức ăn lúc chậm lúc bị cắt như có ai đó đã độc chiếm. Em gái Toshio một ngày mấy lần đến ngó chiếc bảng đen trước cửa hàng gạo, rồi lại trở về trong thất vọng vì không thấy thông báo cấp phát lương thực.

Lục lọi khắp nhà cũng chỉ tìm thấy muối hạt và bột nở, suy nghĩ hồi lâu liền hòa vào nước để uống, nhưng có đói đến mấy vẫn thấy thứ dung dịch đó thật kinh khủng.

“Phân phối đến rồi, họ phát cho bảy ngày ăn,” đúng lúc đó bà vợ chủ tiệm cắt tóc có bộ ngực ngồn ngộn như bò cái đến thông báo.

Toshio định mang theo cái vá sâu lòng, nhưng e không đựng vừa gạo cho bảy ngày, nên chuyển sang mang túi. Trước đây người ta thường chia nhỏ, mỗi đợt chỉ phân phối gạo cho hai, ba ngày ăn, nên lượng gạo phát cho gia đình ba người nhà Toshio chỉ được một nhúm. Đem theo cái túi to để đựng một nhúm gạo thì hơi xấu hổ, từ đó anh có thói quen mang vá đi.

Khi chạy đến cửa hàng gạo, Toshio thấy bên ngoài chất đầy những hộp các tông màu xanh lá mạ của quân Mỹ.

“Ông nhà tôi ấy mà, đi Mãn Châu về chẳng làm ăn được gì cả.”

“Thế còn tốt, chồng tôi cứ nhè lúc tôi tắm xong sạch sẽ là lại sắp đến, nóng thì chớ, thật phát phiền.”

Các bà vợ vừa đợi phát lương thực vừa cười cợt với nhau. Toshio hiểu họ nói gì nên bảo em gái, “Về nhà đợi đi.” Ngực con bé đã hơi nhú ra, trước đây không có áo đế mặc nên nó cứ cởi trần, một bà hàng xóm làm y tá nhìn thấy thì nói thẳng mặt, “Cái núm rất là dễ thương nhưng khi cởi trần trước mặt chồng sẽ hơi xấu hổ đấy.”

Mọi người đều biết trong thùng màu xanh lá mạ kia không có gạo, mà là phô mai hoặc mơ tây. Những đồ cấp phát này của Mỹ, mơ ngâm đường không đủ no bụng nhưng phô mai có vẻ bổ béo, trộn phô mai với xúp miso sẽ được một món ngon tuyệt. Tất cả đang chờ đợi thì ông chú cửa hàng gạo dùng dao rạch thùng, để lộ ra những hộp nhỏ bọc giấy màu đỏ và xanh lá cây đẹp đến lóa mắt.

Như để trấn an đám đông đang xôn xao không biết đó là gì, ông ta bảo, “Mấy hộp này là kẹo cao su, lương thực cho bảy ngày thay gạo,” rồi lôi cái hộp trông như hộp châu báu ấy ra, phần này dành cho ba ngày. Một hộp đựng 50 gói, mỗi gói có năm thanh kẹo cao su, nhà Toshio có ba người ăn trong bảy ngày nên ôm về chín hộp khá nặng, dù sao những chiếc kẹo này cũng mang lại cảm giác xa xỉ.

“Cái gì thế?” Em Toshio chạy ra hỏi, biết là kẹo cao su thì reo lên sung sướng.

Mẹ lấy một hộp để lên bàn thờ đặt di ảnh người chồng chết trận.

Bàn thờ rất đơn giản, chỉ là một phiến gỗ thô sơ do xưởng mộc gần đó làm, thù lao là một bộ lễ phục truyền thống của mẹ.

Mẹ gõ chuông coong một tiếng, xong rồi, bây giờ đến bữa tối vui vẻ của ba mẹ con. Cả ba bóc vỏ kẹo và yên lặng nhai nhóp nhép. Một bữa họ tính ăn 25 thanh, ăn từng thanh một thì quá ít, khi miếng kẹo cao su nhai trong miệng nhạt dần, họ bỏ một cái khác vào miệng để lại có được vị ngọt, rồi một cái nữa.

Cứ nhìn miệng với hai má phồng lên dễ mà tưởng họ đang ăn bánh mì hay bánh nếp nhân đậu đỏ.

“Cái này phải nhả ra đúng không?” Em gái hỏi, dùng đầu ngón tay chọt cục kẹo cao su màu nâu đã nhai bã.

“Đúng rồi,” Toshio đáp, đứt lời cũng nhận ra, họ sẽ phải chèo chống cho qua bảy ngày bằng thứ kẹo chẳng bõ dính răng này hả? Không phải dằn bụng bằng nước chè, mà bằng nước bọt?

Chỉ một lát sau lại đã bị cảm giác đói cồn cào tấn công, anh không khỏi rơi nước mắt vì tủi thân và bực mình.

Cuối cùng, Toshio đem kẹo cao su ra chợ đen bán trước khi có lệnh cấm, dùng tiền bán kẹo mua bột ngô, nhờ đó mà vượt qua cơn đói.

Anh không thấy tức nữa, và hiểu ra một điều, kẹo cao su không thể làm người ta no bụng.

“Give me a cigarette, chocolate, thank you.*” Toshio đã từng một lần năn nỉ xin lính Mỹ như vậy, nhưng không có nghĩa là nói chuyện thoải mái được với người Mỹ.

Cho tôi xin điếu thuốc lá, xin thanh kẹo sô cô la, cảm ơn.

Khác với bộ mặt như khỉ của người Nhật, người Mỹ có mũi cao, mắt sâu. Nên giờ ai đó ở Nhật nói rằng mặt người Nhật rất có duyên, nước da đẹp, Toshio cũng chẳng biết họ có nói thật hay không? Với anh, dù là tay lính thủy ngồi gần trong quán bi-da, hay một người nước ngoài trông nhếch nhác đi nữa, mặt mũi họ vẫn nhìn ra người văn minh. Anh từng có lần không rời mắt nổi khỏi khuôn mặt góc cạnh sắc nét đó, chẳng phải trông họ nổi bật hơn hẳn những người Nhật xung quanh sao? Thử nhìn vóc người cao lớn, cánh tay to dày, bộ ngực chắc nịch của họ xem, đứng cạnh họ không thấy xấu hổ sao?

“Ông Higgins là người gốc Anh đấy, ông ấy nuôi râu bạc trắng như mấy diễn viên sân khấu kịch nổi tiếng vậy.” Không cần Kyoko phải giải thích, chỉ cần nhìn những tấm ảnh màu họ chụp là hiểu. Hình chụp ông Higgins trên bãi biển cát đen hay Diamond Head*, tuy những thớ thịt trên ngực hơi võng xuống nhưng bụng dưới để trần thì rắn chắc, và bên cạnh ông, bà Higgins mặc bộ áo tắm hai mảnh bất chấp tuổi tác. “Da họ trắng nên gặp nắng lập tức thành đỏ au, lông rậm nhưng chất lông khác với người Nhật, mềm mại, vàng óng, rất đẹp!”

Một ngọn núi lửa ở Hawaii.

Kyoko nghĩ là do thức ăn khác nhau nên sau khi đi du lịch về, trong một thời gian dài cô bắt Keiichi ăn toàn thịt. Nhưng gần đây cô lại bảo, “Người Mỹ thích ăn bò bít tết, thịt ở Nhật rất ngon, nhất định họ sẽ thích cho xem.” Không biết có phải muốn tập dượt trước không mà cô mua về cả tảng thịt bò cho vào tủ lạnh đúng kiểu Mỹ, tối nào cũng nướng bít tết rồi giải thích thế nào là thịt tái, thế nào là chín tới, hệt như một bồi bàn nhiệt tình thái quá trong khách sạn.

Có lẽ do đã thấy ở Hawaii nên Kyoko cho là chuẩn mực, tự làm một tấm phủ từ khăn tắm màu hồng, bọc vào nắp đậy bệ ngồi nhà vệ sinh kiểu Tây, còn lo lắng vì bồn tắm của nhà không giống bồn kiểu Tây, lại tỉ mẩn giết rệp rồi nhường phòng ngủ cho khách, mua đệm trải giường. Trong căn phòng kiểu Tây, trang trí hoa giả thôi chưa đủ, có vẻ cô lấy ý tưởng từ một bộ phim truyền hình của Mỹ, lại phóng to ảnh mình chụp cùng Keiichi ở Hawaii và ảnh cưới rồi treo lên trang trí.

Ban đầu Toshio còn phàn nàn, nhưng sau đó lại nghĩ Kyoko quyết định mọi việc thì anh càng nhàn, nên bàng quan dõi theo phong cách trang trí nhà cửa thay đổi mỗi ngày với những đồ rẻ tiền.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp