Đông Triều cặm cụi mài mực, viết một bản danh sách dài. Xảo Tuệ đứng hầu bên cạnh thấy hơi chán ngán, toan đưa tay lên che miệng. Đông Triều đặt bút xuống cái cạch :
-Xảo Tuệ, ta có việc muốn nhờ em.
Xảo Tuệ tỉnh như sáo ngay lập tức, nha đầu đứng thẳng người, nghiêm chỉnh lắng nghe lời chủ. Đông Triều mở hộc bàn, lấy bạc Dận Chân thưởng cho vì đã vẽ bức tranh hoa cúc tặng cho Đức phi hôm qua. Đông Triều đưa Xảo Tuệ tờ giấy cùng số bạc :
-Em ra chợ, mua mấy thứ này cho ta.
Xảo Tuệ ban đầu không thạo mấy chuyện này cho lắm nhưng hầu hạ người chủ lúc nào cũng viết lách, đọc sách, vẽ tranh thì mưa dầm thấm lâu, giờ Xảo Tuệ đã chịu khó ngồi nghe Đông Triều kể chuyện thiền. Xảo Tuệ đọc sơ qua danh sách, thấy có đậu, nếp và hoa, nha đầu thắc mắc :
-Phu nhân mua những thứ này làm gì ?
Đông Triều nói :
-Tháng này là tháng báo hiếu nên ta định làm ít bánh phù dung tặng cho A mã.
Xảo Tuệ ứa nước mắt :
-Phu nhân… Nô tỳ đi ngay ạ ! – Rồi chạy bay ra chợ.
Đông Triều đến mệt với nha đầu này. Nàng đến trình bày với Dận Chân và Tiểu Uyển, nhờ Cao Vô Dung chuyển hộ giỏ bánh cho Nữu Hỗ Lộc Lăng Trụ. Tiểu Uyển tán thành, còn đi dặn gia nhân giúp đỡ. Đông Triều nhân lúc Tiểu Uyển đi rồi khẽ khàng đến hỏi Dận Chân :
-Tứ ca, muội muốn viết thư hỏi thăm Lăng Trụ đại nhân.
Dận Chân bình thản nhấp ngụm trà :
-Thì cứ viết đi.
-Muội không biết viết ra sao cả.
Dận Chân nói :
-Nha đầu, sao hôm nay muội kém thông minh thế ? Thì muội viết thư hỏi Phong Di, rồi kêu Hắc Hổ giao cho hắn là xong, ta chắc hắn đang ở chỗ Huệ Đạt.
-Tối hôm qua muội viết thư rồi nhưng sáng ra Hắc Hổ giao cho muội bức thư hắn viết. Hắn viết rất ngắn gọn : Đừng hòng.
Dận Chân nói :
-Chờ ta nửa ngày.
Dận Chân bỏ đi. Đông Triều thở dài :
-Oái oăm thật.
Lát sau, Xảo Tuệ từ chợ trở về. Đông Triều kiểm tra mặt hàng. Tất cả những nguyên liệu Đông Triều cần dùng, Xảo Tuệ đều mua đủ. Đông Triều gửi lời cảm ơn đến cô hầu rồi bắt tay vào công việc. Đông Triều học làm bánh phù dung từ ông đầu bếp ở Phúc phủ, bánh nàng tự làm ngon không kém bánh của thầy. Bánh chín, Đông Triều cho vào giỏ, phủ khăn lụa bên trên. Đông Triều hy vọng giỏ bánh này sẽ đền bù phần nào tội lỗi nàng đã vô tình gây ra cho Nữu Hỗ Lộc Liên Nhi. Đông Triều biết một khi nàng rời khỏi nơi này, Liên Nhi trở về, nàng ấy sẽ gặp rắc rối.
-Đây, tham khảo đi. – Dận Chân vào bếp, đưa cho Đông Triều một xấp giấy.
-Gì đây ạ ? – Đông Triều hỏi.
Dận Chân nói :
-Ta đã giúp muội điều tra chuyện của Liên Nhi.
Đông Triều thở phào :
-Cảm ơn huynh, muội cứ nơm nớp lo sợ.
Xấp giấy ấy ghi rõ tính tình, thói quen, phong thái của Liên Nhi khi xưng hô với cha mẹ. Đông Triều mang về phòng nghiên cứu thật kỹ. Liên Nhi có tính cách hoàn toàn trái ngược với nàng. Liên Nhi yếu đuối hơn, hay mau nước mắt, lại mềm lòng, thân mật với gia nhân và các bậc trưởng bối nhưng lại nhút nhát, không dám đưa ra chính kiến của mình trước đám đông. Liên Nhi thích thêu thùa hơn đọc sách, không biết cưỡi ngựa, không biết võ, kém nhạy bén với cuộc sống bên ngoài. Thảo nào Dận Chân biết ngay là Đông Triều ngay ngày đầu gặp gỡ.
-Sống trong thời này, mang thân phận cao quý thế mà Nữu Hỗ Lộc tiểu thư không biết tận dụng. – Đông Triều thầm tiếc.
Đông Triều nắm chắc hết mới cầm viết, viết thư cho Nữu Hỗ Lộc Lăng Trụ. Trong thư, nàng dùng phong thái của Liên Nhi nhưng có kể thêm một số chuyện để đề phòng trường hợp Lăng Trụ quá nhớ thương con gái mà đột ngột kêu về, ông sẽ không bỡ ngỡ bởi tính cách trái ngược của Đông Triều. Đông Triều bỏ thư vào giỏ bánh, nhờ Cao Vô Dung mang đến Nữu Hỗ Lộc phủ.
Ba ngày sau, Đông Triều nhận được một giỏ nho được gửi từ Nữu Hỗ Lộc phủ, gửi kèm theo một bức thư. Đông Triều mở thư đọc. Lời trong thư chất chứa tình cảm của người cha dành cho con. Đông Triều rất cảm động, đọc cho cả Dận Chân nghe. Lần đầu tiên Đông Triều đọc thư mà khóc. Dận Chân lau nước mắt cho nàng, dỗ dành :
-Nha đầu ngoan, nha đầu ngoan.
Đông Triều gạt lệ, tươi tỉnh lên. Nàng nâng giỏ nho :
-Món khoái khẩu của huynh mà, ăn không ?
-Công ta điều tra cho muội, lẽ nào lại không ?
Đông Triều chấm mực đỏ, tô bờ môi của người phụ nữ nàng vẽ trong tranh :
-Xong rồi đấy Thu Nguyệt tỷ.
Thu Nguyệt ngắm nghía bức tranh :
-Giống, giống thật đấy.
Tháng bảy là tháng báo hiếu, Thu Nguyệt có nhờ Đông Triều họa lại bức tranh người mẹ đã mất của Thu Nguyệt. Ban đầu Thu Nguyệt rất lo lắng vì mình chỉ miêu tả mơ hồ, sợ Đông Triều không hình dung ra mà vẽ được. Nhưng sở trường của Đông Triều là họa hình tội phạm thông qua lời miêu tả, chỉ cần vài lời miêu tả là Đông Triều đã hình dung được hình dáng người đó trong đầu rồi vẽ ra giấy.
-Thu Nguyệt tỷ, tỷ có gì muốn nhờ muội nữa không ? – Đông Triều hỏi.
Thu Nguyệt lắc đầu :
-Không đâu.
-Muội không đòi công đâu mà.
Thu Nguyệt mỉm cười :
-Thật sự là không có mà. À, vừa hay Đại huynh có gửi cho tỷ một giỏ bánh, chúng mình cùng ăn đi.
Đông Triều nói :
-Muội cũng vừa làm nước nho, để muội mang ra luôn.
Thu Nguyệt mỉm cười :
-Vậy gặp nhau ở tiểu đình nhé.
Đông Triều cuộn tranh lại, buộc bằng lụa đỏ, đưa cho Thu Nguyệt. Thu Nguyệt nhận lấy, nói lời tạm biệt với Đông Triều rồi trở về phòng lấy bánh. Đông Triều sửa lại khớp tay, vươn vai. Xảo Tuệ mang khăn lạnh đến. Đông Triều lau mặt, lau tay :
-Xảo Tuệ, nước nho hôm bữa ta làm, mang ra tiểu đình đi.
Xảo Tuệ hỏi :
-Phu nhân có... – rồi im bặt.
Đông Triều sửa lại tóc tai :
-Thu Nguyệt tỷ có định tặng ta ít bánh, ta muốn đáp lễ bằng nước nho.
Quà Nữu Hỗ Lộc Lăng Trụ tặng cho Đông Triều, Đông Triều dành ra một phần tặng Dận Chân, còn lại thì Đông Triều mang đi làm nước ép nho. Đông Triều đến tiểu đình trước, sai Xảo Tuệ mang nước nho đi sau. Thu Nguyệt cũng mang bánh đến.
-Tiếc là Uyển tỷ đã đi với gia vào cung rồi. – Đông Triều ngồi xuống ghế.
Thu Nguyệt mỉm cười :
-Yên tâm đi, tỷ có để phần cho Uyển tỷ.
-Vậy chúng ta dùng thôi.
Niên Canh Nghiêu tặng cho Thu Nguyệt bánh bột nhân nho. Nguyên liệu làm bánh mộc mạc, bình dị. Hình dáng bánh tròn tròn, ngộ nghĩnh. Mùi vị bánh khá ngon. Thu Nguyệt tự hào khoe :
-Bánh này Đại ca của tỷ làm đấy. Không phải của bất cứ đầu bếp nào đâu.
-Tay nghề của Niên tướng quân khá thật.
Thu Nguyệt mỉm cười :
-Là rèn luyện cả. Họ Niên xuất thân không cao quý cho lắm, gia cảnh họ Niên được vinh hiển thế này một tay Đại huynh gầy dựng nên cả.
-Tướng quân quả thật rất đáng khâm phục.
Thu Nguyệt ứa nước mắt :
-Ừ, tỷ rất vui, vui nhất là bây giờ gia tộc đã thay da đổi thịt, Đại huynh vẫn nhớ về thời xưa.
Đông Triều an ủi Thu Nguyệt, khuyên nàng ta đừng khóc nữa. Cả hai cùng dùng nước nho. Thu Nguyệt khen Đông Triều nức nở. Đông Triều nói :
-Nếu có băng ở đây thì sẽ ngon hơn.
-Tỷ cũng nghĩ vậy.
Đông Triều thấy có cái bánh ngồ ngộ, cầm lên ăn. Chợt, Đông Triều đứng dậy, xin phép đi vệ sinh một lát. Thu Nguyệt mỉm cười, hứa chờ. Đông Triều tìm một góc vắng, trốn thật kỹ rồi nhả tờ giấy trong miệng mình ra.
-Giấy gì đây ?
Đông Triều từ từ mở tờ giấy :
-Tìm cách gạt bỏ ảnh hưởng của Nữu Hỗ Lộc thị.
Đông Triều xé tờ giấy ấy, vứt đi. Nàng tựa người vào tường. Gần gũi, kết nghĩa tỷ muội với Thu Nguyệt mấy tháng nay, Đông Triều hoàn toàn quên mất thân phận của Nữu Hỗ Lộc Liên Nhi, quên mất Niên phi, Niên Thu Nguyệt sau này, cũng là một mối nguy hiểm không kém gì Bát phúc tấn đối với mẹ đẻ vua Càn Long.
-Thu Nguyệt tỷ không để ý, chứng tỏ tỷ ấy chưa hề có ý hại mình.
Đông Triều biết mối nguy hiểm kia không xuất phát từ Thu Nguyệt mà là từ anh trai nàng ta. Niên Canh Nghiêu, theo lời kể của Dận Tường, là một người có chí cầu tiến, luôn muốn gia tộc vinh hiển. Để đạt được điều đó, Niên Canh Nghiêu phải cho Dận Chân thấy rằng mình là người có công lớn nhất trong việc đưa Dận Chân lên ngôi. Nếu Dận Chân lôi kéo được sự ủng hộ của Nữu Hỗ Lộc gia thông qua cuộc hôn nhân với con gái họ thì công lao của Niên Canh Nghiêu sẽ giảm xuống.
-Tại sao lại giáng xuống chúng tôi chứ ?
Câu hỏi ấy cứ vang vọng trong đầu Đông Triều mãi. Đến nỗi tối đến Đông Triều đã lên giường rồi vẫn không ngủ được. Và vẫn là cách giải quyết Đông Triều thường dùng. Đông Triều khoác áo choàng, buộc bím tóc, ra sân đi dạo. Trên đường, Đông Triều gặp Dận Chân. Đông Triều bấm đốt tay, tính là hôm nay tới phiên Thu Nguyệt hầu Dận Chân. Đông Triều toan hỏi nhưng Dận Chân đưa mắt xuống chân nàng :
-Nha đầu, giày đâu ?
Đông Triều giờ mới để ý mình quên mang giày. Đông Triều cười :
-Muội quên mất. Có điều sỏi lát đường nhà huynh cũng bóng lắm, không làm bẩn chân muội đâu.
Dận Chân lắc đầu. Dận Chân kéo Đông Triều lại rồi vác nàng lên vai như vác chiếc chăn :
-Thân này là của Liên Nhi, nên cẩn thận.
Đông Triều chỉ biết chịu trận, để Dận Chân vác đến tiểu đình. Tiểu đình vẫn còn sáng đèn, tức là nãy giờ Dận Chân chỉ ngồi ở đây. Dận Chân đặt Đông Triều xuống ghế rồi búng trán nàng một cái. Hành động thân mật này, ngày đầu tiên đến đây Đông Triều có nằm mơ cũng không nghĩ Dận Chân sẽ nói chuyện thân mật với mình. Đông Triều chợt hỏi :
-Huynh... đã từng... làm thế này với Liên Nhi tiểu thư chưa ?
Dận Chân đáp ngay :
-Không hề, lúc ta và nàng ấy gặp nhau, cả hai đều giữ khoảng cách.
Đông Triều khẽ khàng :
-Vậy... tại sao huynh lại muốn cưới cô ấy ? Có phải...
Dận Chân lắc đầu :
-Không hề. Hoàng tộc có rất nhiều người kết thân với Nữu Hỗ Lộc gia bằng hôn nhân, thậm chí là với quan nhất phẩm. Nhân duyên giữa ta và Liên Nhi là do Phúc tấn đứng ra xin với Hoàng A mã.
-Dạ ?
Dận Chân nói :
-Lúc các quan ở Bát kỳ dâng tranh vẽ ái nữ của mình nộp cho Lý Đức Toàn để chuẩn bị cho cuộc tuyển tú, Lý Đức Toàn dâng lên cho Hoàng A mã xem, ta và Tiểu Uyển có xem qua. Tiểu Uyển đã xin với Hoàng A mã được chọn nàng ấy làm Trắc phúc tấn cho ta.
-Vậy Phúc tấn đã từng quen qua với tiểu thư sao ?
-Không có.
Đông Triều ngạc nhiên :
-Vậy thì tại sao ?
Dận Chân không trả lời. Đông Triều suy bụng mình ra bụng Dận Chân. Có lẽ Dận Chân có sẵn câu trả lời nhưng không muốn cho nàng biết. Đông Triều cũng không hỏi nữa. Nàng đổi sang chủ đề khác :
-Theo muội biết thì đêm nay tới phiên Thu Nguyệt tỷ hầu huynh. Tại sao lại ra đây ?
Dận Chân nói :
-Ta không muốn đến đó.
-Tại sao ? Thu Nguyệt tỷ rất mong huynh đến.
Dận Chân đập bàn :
-Muội đừng quá tốt với họ. Đừng quá tốt với các Trắc phúc tấn khác.
-Muội... đã gây chú ý lắm sao ?
Dận Chân gật đầu. Đông Triều cúi gằm mặt. Dận Chân xoa đầu nàng :
-Ta biết, sở dĩ muội có thể tốt đến thế vì muội xem ta như đại huynh, hiển nhiên thê tử của ta là tẩu tẩu của muội. Nhưng Liên Nhi không phải là muội tử của ta.
-Muội biết, trong mắt họ, muội chỉ ra vẻ rộng lượng để gây sự chú ý của huynh. – Đông Triều nói. – Nhưng muội phải giả vờ ghen tuông sao ? Nếu phải như vậy, thà muội tự nhốt mình trong phòng như Cảnh tỷ thì hơn.
-Nha đầu, ta hiểu muội vì tính tình của muội giống hệt ta. Nhưng để bảo đảm sự an toàn cho muội và gia đình muội, có khi ta sẽ đối xử với muội như thê tử thật sự. – Dận Chân nhíu mày. – Nếu Liên Nhi được mười lăm tuổi mà vẫn chưa về, ta sẽ phải « ban hạnh » cho muội như bất cứ Phúc tấn nào. Ta phải báo trước cho muội biết.
-Dạ ?