Ngoại truyện nhỏ thứ nhất: Thủy vân tùy bút (*)

(*) Thủy vân tùy bút: (Tùy bút nước mây) gồm 2 quyển, do Trần Anh Tông sáng tác, trong đó vẽ nhiều bức họa và dưới mỗi bức hoạ đều có thơ đề. Tuy nhiên, Anh Tông đã sai đốt tập tùy bút này và những tác phẩm khác trước khi mất.

Tác giả: Thiên Địa Linh Linh

***

Tên húy của trẫm là Trần Thuyên.

Trẫm ra đời đúng vào lúc Đại Việt đang trong bầu không khí sôi sục của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Đại Nguyên.

Thái Thượng hoàng (*) vui mừng khôn xiết, cho rằng điều này là điềm lành, chẳng hề do dự mà lập trẫm làm Hoàng Thái tôn (**).

(*) Thái Thượng hoàng: tức vua Trần Thánh Tông, ông nội của Trần Thuyên.

(**) Hoàng Thái tôn: Người cháu nội mà Hoàng đế chọn để truyền ngôi vua.

Lúc ấy cha vẫn còn làm Thái tử, vậy mà trẫm đã được định sẵn sẽ trở thành Hoàng đế rồi. Đây thực chất là một bước dẹp yên những thế lực đang rục rịch muốn tạo phản bên trong Hoàng cung.

Hoàng thái tôn, chẳng qua cũng chỉ đóng vai trò như con tốt nhỏ bé trên bàn cờ chính trị mà thôi.

Tin tức truyền ra, có người hoan hỉ, có người gièm pha, có người ghen tị. Bọn họ đều rỉ tai nhau rằng trẫm sinh ra đã nằm trên núi vàng, chẳng cần phấn đấu cũng được hưởng biết bao phú quý vinh hoa.

Nhưng nào ai hỏi trẫm, cái ngôi vị này, trẫm có muốn hay không?

Cha là một người lạnh nhạt xa cách, bởi vì đất nước gặp binh biến mà trẫm rất hiếm khi được thấy bóng dáng người.

Mẹ trái lại vô cùng dịu dàng. Người được ca tụng bởi sự thông minh sáng suốt, đức tính nhân hậu, và hơn hết là lòng dũng cảm. Chuyện mẹ chắn hổ cản voi cho cha đã trở thành một giai thoại lưu truyền khắp dân gian. Cả hai lần trẫm đều không được tận mắt chứng kiến, chỉ nhớ sau đó cha đã vì điều này mà giận dữ rất lâu.

Thi thoảng vào những đêm đầy sao, mẹ sẽ ôm trẫm ngồi trên bậc thềm, đút trẫm ăn điểm tâm tự tay người làm, nói muốn cùng trẫm chờ đợi cha đánh trận trở về.

Sau đó thói quen khó bỏ của trẫm chính là ngồi trên bậc thềm. So với ngai vàng phủ lụa mềm mại, trẫm vẫn cảm thấy thoải mái hơn.

***

Ba tuổi, trẫm bắt đầu đi học. Một mình trẫm đối diện với phu tử (*), xung quanh không có lấy một đồng môn (**), những đứa trẻ cùng lứa chẳng ai đi học sớm như vậy.

(*) Phu tử: thầy giáo.

(**) Đồng môn: bạn học cùng trang lứa.

Tuổi thơ của trẫm là thư văn kinh sách, là cung kiếm đao thương.

Một lần học bắn cung, không cẩn thận làm dây cung bị đứt, bắn vào gò má phải của trẫm. Bởi vì da của trẻ con vốn mềm mỏng nên tạo thành vết rách rất sâu, còn bị chảy máu. Trẫm sợ mẹ phát hiện nên lúc ăn cơm cứ chống tay che gò má, nói là bị đau răng. Mẹ cũng chẳng phản ứng gì, đợi tới lúc trẫm mỏi tay quá, không chịu nổi mà buông xuống, người mới thở dài nâng mặt trẫm lên xem.

Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy là một chuyện trẻ con ngốc nghếch rất đáng cười, nhưng khi đó mẹ lại buồn bã xoa đầu trẫm: "Đã giơ tay suốt hai canh giờ rồi, nay mới thấy mỏi sao? Con hiểu chuyện quá sớm, mẹ rất đau lòng."

Thói quen tự mình giải quyết mọi việc tạo cho trẫm một tính cách hướng nội, nếu không có việc gì buộc phải giao tiếp, trẫm sẽ chẳng bao giờ bắt chuyện với ai.

***

Mười hai tuổi, quân Nguyên bại trận hoàn toàn, rút khỏi Đại Việt, cũng là lần đầu tiên trẫm được bước ra khỏi cánh cổng Hoàng cung cao lớn, nhìn ngắm thế giới bên ngoài.

Trong lòng trẫm vui vẻ vô cùng.

Bây giờ nghĩ lại quả thật quê mùa, hôm đó trẫm đón nhận rất nhiều điều chưa từng trải qua trong đời, hào hứng quay ngang quay dọc, hết ồ lên rồi đến ngẩn ra.

Hai thím bên đó vì một chút tiền thịt mà có thể đứng cãi nhau nửa ngày trời. Những đứa trẻ bên kia dường như không sợ bẩn, đi chân trần trên đất, mặt mũi lấm lem cùng nhau cười đùa. Trẫm lúc ấy rất kinh ngạc, đồng thời lồng ngực lại cảm thấy ấm áp.

Trẫm có thể cứ bình dị mà sống, giống như bọn họ chăng?

...Dường như đáp án là không.

Trẫm gặp phải thích khách, những người bên cạnh hôm ấy đều chết thảm vì bảo vệ trẫm. Đó là lần đầu tiên trẫm chứng kiến một sinh mạng mất đi ngay trước mặt, sợ hãi đến mức không thể hét lên.

Trẫm kinh hoàng chạy thục mạng vào rừng, cứ chạy mãi, tới khi hai chân rã rời. Nước mắt chẳng biết chảy từ bao giờ, cũng chẳng biết khô từ bao giờ.

Trong tình cảnh chật vật như vậy, trẫm gặp được người đó.

Cậu ta có điệu bộ vô cùng thong thả, mái tóc xoăn xoăn, áo quần trên người trông luộm thuộm tùy tiện, nhưng lại thoải mái dễ vận động. Cái giỏ tre lớn đựng vài cây củi khô đeo sau lưng càng làm nổi bật dáng vẻ nhỏ bé ấy. Cậu ta nhìn trẫm đầy chán ghét, nhưng lại bảo vệ trẫm một đường đến tận cổng nha môn.

Vào khoảng thời gian tăm tối nhất, sự xuất hiện của người đó càng rực rỡ như ánh mặt trời.

Trẫm vẫn luôn khắc ghi, tên tự của cậu ta là Thuấn Thần.

***

Mười sáu tuổi, trẫm được sắc phong Hoàng Thái tử. Còn cha của trẫm, đã lên làm Hoàng đế.

Từ sau lần gặp phải thích khách, trẫm càng ra sức rèn luyện võ nghệ. Kí ức năm ấy là bóng ma trong lòng, trẫm không muốn bất cứ ai phải vì mình mà chết nữa. Ngày qua ngày, những vết bầm tím xây xước này chưa kịp lành thì lại chồng chất thêm những vết bầm tím xây xước khác.

Trẫm sợ bọn họ e ngại thân phận Thái tử mà không đánh hết sức mình, bèn hạ lệnh nếu ai quật ngã được trẫm sẽ thưởng bạc, ai bị trẫm quật ngã sẽ phải chịu phạt mười roi. Sau đó, viên quan giám sát đánh đến mỏi rã tay, còn bạc thì vẫn nằm yên trên khay phủ lụa đỏ. Mẹ từng vì chuyện này mà giáo huấn trẫm một tràng rất dài.

Cũng từ lần đánh nhau đó, trẫm trở nên đặc biệt quý mến Sĩ Cố và Chu Bộ. Hai người họ lẫn trong đám tiểu đồng (*) được phân cho trẫm năm bảy tuổi, nhưng lúc đó ai cũng e ngại thân phận Thái tử này, không dám cùng trẫm chơi đùa.

(*) Tiểu đồng: đứa con trai nhỏ theo hầu những người quyền quý thời phong kiến.

Sĩ Cố và Chu Bộ học võ rất khá, thường xuyên theo trẫm lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Dần dần, ngoài những việc quan trọng, trẫm còn kể cho bọn họ nghe vài điều lặt vặt thú vị trong cuộc sống. Chu Bộ nhìn trẫm hồi lâu mới nói: "Thái tử kể chuyện vui thật, hóa ra người cũng có mặt hài hước như vậy. Thần quen biết người từ nhỏ, trước đó chỉ thấy người vô cùng ít nói."

Thực ra, trẫm vốn là thế. Nhưng mỗi lần gặp được cái gì hay ho, ngoài mẹ ra thì đâu có ai thật lòng lắng nghe trẫm nói? Những câu trẫm nghe được nhiều nhất là "Thái tử, thần không dám", "Thái tử, người cao quý như vậy, sao có thể chơi mấy thứ này cùng dã chúng hèn mọn?"...

Vậy nên, trẫm đặc biệt trân trọng hai người bạn hiếm hoi ấy.

Từ khi trưởng thành, trẫm thường xuyên cùng họ lén lút trốn ra ngoài thành chơi. Cha có phát hiện vài lần, nhưng cũng nhắm mắt cho qua.

Bởi dẫu sao, rời khỏi Hoàng cung, cũng chính là giấc mơ của người.

***

Trẫm từng về làng Hội Xuyên, dò tìm tung tích của vị thiếu niên kia. Ai nấy đều ngậm ngùi trả lời, gia đình đó gặp phải hỏa hoạn, tuy rằng đứa trẻ còn sống, nhưng đến nay không biết đã lưu lạc phương nào.

Ân nhân của trẫm, trôi qua nhiều năm như vậy, mà điều duy nhất trẫm biết về hắn vẫn chỉ có độc một cái tên tự Thuấn Thần.

Trên đường trở về, trẫm gặp một nhà sư đi hành khất. Trẫm cho ông toàn bộ hoa quả định mang tặng người đó. Ông giữ trẫm lại, đưa cho trẫm một cái bình, ôn hòa bảo: "Đây là rượu làm từ cỏ thạch xương bồ, có tác dụng an thần. Bần tăng đã xuất gia, không thể uống, chỉ dùng để xoa bóp. Nay xin tặng lại cho thí chủ."

Trời sắp tối rồi, nếu không nhanh về Hoàng cung thì cổng thành sẽ đóng, trẫm cũng chẳng muốn dây dưa, bèn gật đầu nhận lấy.

Sau đó, rượu xương bồ nhanh chóng trở thành đồ uống yêu thích nhất của trẫm. Nói cũng thật xấu hổ, nhưng hương vị của nó quả nhiên làm lòng người ngây ngất đắm say.

Mãi về sau, trong một thời khắc nào đó, trẫm mới giật mình nhận ra, ông lão đó chính là nhà sư trụ trì chùa Tư Phúc.

***

Cùng năm đó, trẫm thành thân với Trần Duệ.

Nàng xinh đẹp như hoa, thuần khiết như sương.

Là trưởng nữ của nhánh Vạn Kiếp, cũng giống trẫm, nàng không có quyền tự do lựa chọn cuộc đời cho riêng mình. Khi vừa chào đời, nàng đã được định sẵn sẽ trở thành Hoàng hậu Đại Việt. Mối hôn sự này là một biện pháp vụng về nhằm chắp vá những sai lầm của thế hệ trước trong hoàng thất.

Từ khi vị Hoàng hậu họ Lý ấy bị phế ngôi, từ khi An Sinh vương(*) dấy binh tạo phản, vạn sự rối ren vô hình chia cắt hoàng thất thành hai nhánh: Chiêu Lăng và Vạn Kiếp. Nếu luận về quốc, Chiêu Lăng là dòng dõi chính thống kế thừa hoàng vị, dòng dõi của trẫm. Còn luận về gia, Vạn Kiếp bắt đầu từ An Sinh vương - dòng trưởng trong họ nhà Trần, Chiêu Lăng chỉ là dòng thứ.

(*) An Sinh vương: Trần Liễu, anh trai vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Vợ Trần Liễu là Công chúa Thuận Thiên, sau bị ép gả cho Trần Cảnh khi đang mang thai con của Trần Liễu. Phẫn uất, Trần Liễu dấy binh định tạo phản nhưng không thành.

Trẫm không muốn nói nhiều về những chuyện đáng phải bị quên đi của các bậc tiền bối, bởi suy cho cùng, không ở trong hoàn cảnh của họ, sao dám chắc chắn kẻ đúng người sai.

Khi trẫm được sách phong Hoàng Thái tử, nàng cũng lên làm Hoàng Thái tử Phi.

Trước khi hiểu thế nào là yêu, trẫm vẫn luôn coi Trần Duệ như mối tình đầu của mình.

Trần Duệ thường hỏi trẫm: "Thái tử, chúng ta làm sao mới có thể yêu nhau?"

Nếu nàng mang binh thư ra hỏi thì tốt rồi, trẫm còn biết đường trả lời. Chứ vấn đề này, trẫm cũng chỉ được dạy, vợ chồng thì phải yêu thương nhau. Tuy nhiên, yêu thế nào, trẫm không hiểu được.

Nhưng trẫm vẫn luôn nói với Trần Duệ, nói, nàng đừng yêu trẫm.

***

Mười bảy tuổi, trẫm trở thành Hoàng đế.

Trẫm trẻ dại, vụng về, cho nên không thể lơi là khắc nào. Một ngày trẫm chỉ được ngủ hai canh giờ, thậm chí có hôm còn phải bật dậy giữa đêm tìm tấu chương giải quyết, sợ đến ngày mai sẽ quên mất.

Trần Duệ thường xuyên mang điểm tâm đến cho trẫm, thường xuyên thức khuya chờ trẫm, nhưng chẳng bao giờ chờ được trẫm xong việc.

Ngôi vị Hoàng hậu bị trẫm bỏ trống, chỉ phong Trần Duệ làm Văn Đức phu nhân. Cả triều đình đều thấp thỏm, nhưng cũng chẳng ai dám ho he gì, Trần Duệ lại càng không.

Trẫm lần nữa nói với nàng: "Đừng yêu trẫm."

Trần Duệ chỉ mỉm cười, hai mắt long lanh ánh nước: "Bệ hạ, phải làm sao đây, đã muộn rồi."

***

Hưng Đạo Vương biết rõ ý định của trẫm từ lâu. Ông vẫn luôn là người sáng suốt nhất trong vạn người, vậy nhưng cũng chỉ thấp giọng an ủi : "Bệ hạ, nếu người đã tự tin như thế, thì thử liều một lần đi."

Trẫm hỏi ông điều vẫn luôn làm bản thân do dự bấy lâu: "Còn Văn Đức phu nhân?"

Hưng Đạo Vương chỉ cười: "Thực ra đối với nó, cũng coi như là một sự giải thoát."

***

Một tháng sau, chiếu chỉ ban ra, Văn Đức phu nhân bị phế. Thứ nữ của dòng Vạn Kiếp, em gái nàng, được lập làm Thánh Tư phu nhân.

Trần Duệ đứng trước mặt trẫm, cuối cùng cũng rơi nước mắt.

Trẫm muốn tiến lên ôm nàng an ủi đôi câu, nhưng lại sợ sẽ tạo nên ảo vọng hão huyền cho nàng, chỉ đành đứng cách nàng một khoảng rất xa, dùng giọng điệu trẫm nghĩ là lạnh nhạt nhất mà nói: "Nàng tự do rồi, từ giờ hãy sống cho chính bản thân mình đi."

Trần Duệ nghẹn ngào: "Không phải Văn Đức phu nhân, không phải Hoàng hậu, chỉ với tư cách là Trần Duệ thôi, chỉ với tư cách này, thần thiếp cũng không thể ở bên người sao?"

Trần Duệ, đừng yêu trẫm.

Nếu cả đời nàng mãi mãi đuổi theo một kẻ không yêu mình, sẽ mệt mỏi và đau khổ biết bao.

***

Thánh Tư Phu nhân cũng chẳng được phong hậu, triều đình lại xôn xao. Từ trước đến nay, ngôi vị Hoàng hậu vốn là chiếc cầu nối liền vết rạn nứt trong nội bộ Hoàng tộc. Trẫm thẳng tay rút cây cầu ấy đi, mọi người liền bắt đầu lo sợ, đế chế này, sẽ tự tàn sát lẫn nhau.

Tại sao trẫm lại làm vậy ư?

Sau khi An Sinh Vương mất, Hưng Đạo Vương là người tiếp theo đứng đầu chi Vạn Kiếp.

Cả đời ông xông pha nơi chiến trường, hết lòng vì giang sơn xã tắc. Kết quả nhận lại, chỉ là những lời đàm tiếu. Cha của ông từng tạo phản, ông sẽ không bao giờ tránh khỏi gièm pha.

Bọn họ chẳng hề nghĩ đến, Hưng Đạo Vương thống lĩnh toàn quân, được lòng muôn dân. Nếu ông muốn tạo phản, vậy thì đã không im lặng chịu đựng đến tận ngày hôm nay.

Hưng Đạo Vương muốn dùng một đời để chứng minh, ông là trung thần.

Nhưng trẫm không muốn.

Vốn là người một nhà, tại sao phải luôn đề phòng lẫn nhau?

Vốn là thù oán của thế hệ trước, tại sao nhất quyết kéo theo tất cả thế hệ sau cùng chịu đựng?

Trẫm phế Trần Duệ, xóa bỏ quy ước ngầm gượng gạo giữa đôi bên.

Nhưng ngay sau đó, trẫm phong em gái nàng làm Thánh Tư phu nhân, lập lại một địa vị nhất định cho Vạn Kiếp.

Phế người Vạn Kiếp, chứng tỏ trẫm không tuân theo luật lệ vô lý gượng ép của người xưa.

Lại lập người Vạn Kiếp, lúc này, vai trò của họ đã thay đổi, chẳng còn là con tin hay con cờ được định sẵn nước đi nữa, thay vào đó trở về như vốn dĩ phải vậy, với thân phận người một nhà.

Bởi nếu không phải bị bắt buộc, lý do trẫm cưới một người, chỉ có thể vì tình cảm mà thôi.

Nghe thật nực cười biết bao.

Còn Hưng Đạo Vương, ngay cả chuyện cháu gái bị phế cũng không bày tỏ ý kiến gì, vậy thì sao có chuyện muốn tạo phản? Khi ban chiếu chỉ, văn võ bá quan liên tiếp phản đối, chắc hẳn đều mắng thầm trẫm là hôn quân. Nếu Hưng Đạo Vương thật sự muốn chiếm ngôi, chỉ cần lợi dụng thời cơ đó, đầu trẫm đã rơi xuống lâu rồi.

Từ đó về sau, chẳng ai dám bàn tán ông mang lòng phản trắc nữa.

Cái kế sách nát bét này của trẫm, cuối cùng vẫn hữu dụng.

Hoàng thất sát nhập trở lại, không ai tìm ra lí do để phản đối. Đem một phi tần, đổi lấy một gia tộc thống nhất toàn vẹn, và khẳng định được cả uy quyền nắm trọn trong tay. Hưng Đạo Vương nói thực ra trẫm rất có phong thái của Thái sư (*) năm đó.

(*) Thái sư: ở đây dùng ý chỉ Trần Thủ Độ.

Trẫm nghĩ không phải Hưng Đạo Vương đang khen mình. Thái sư chắc chắn là người tài, nhưng ông nào phải người hiền.

***

Thánh Tư hoàn toàn tự nguyện cùng trẫm thực hiện kế hoạch này. Nàng cũng đã vạch sẵn dự định cho chính mình.

Thánh Tư luôn gọi trẫm là anh họ, chẳng qua muốn nhắc nhở về thân phận giữa hai người, nhưng cũng có lúc hoàn toàn tin tưởng và dựa dẫm vào trẫm. Ví như vụ việc hai (*) Hoàng tử nàng sinh ra kia, đều do trẫm đích thân giúp nàng thu xếp.

(*) Thời điểm này Thánh Tư mới chỉ hạ sinh hai Hoàng tử.

Người ngoài nhìn vào, chỉ thấy một đôi uyên ương hòa thuận êm ấm.

À, đúng là hòa thuận êm ấm, nhưng chẳng phải uyên ương.

Ngày Trần Duệ đi, trẫm cảm thấy đôi chút cô đơn, dù sao nàng cũng từng bên cạnh trẫm đủ lâu để trở nên thân thuộc. Hơn nữa, ngoài nàng ra, những người phụ nữ khác đến với trẫm, đều có toan tính riêng tư.

Ngay cả Huy Tư, người đã sinh cho trẫm một đứa con cũng vậy. Nàng nhập cung, chỉ để thoát khỏi nơi mình chán ghét, nàng sinh Trần Mạnh, chỉ để củng cố địa vị, bảo vệ nhà mẹ đẻ (*).

(*) Huy Tư Hoàng phi là con gái của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng cùng vợ cũ, sau khi Bảo Nghĩa vương mất, bà được Thụy Bảo Công chúa (con gái Trần Thái Tông, vợ sau Bảo Nghĩa vương) nuôi dạy.

Tuy nhiên, cái cô đơn ấy chẳng ở lại được bao lâu trong lòng. Thời gian trôi qua, phủ lên nỗi hoài niệm một lớp bụi thật dày.

Trần Duệ, có câu này trẫm vẫn chưa đủ dũng khí để nói ra.

"Xin nàng tha thứ."

Trẫm là một kẻ xấu xa, không xứng đáng nhận được tình yêu.

(*) Nhà Trần có chế độ nội hôn, thực chất là sự liên kết giữa hai nhánh Chiêu Lăng và Vạn Kiếp, nhằm để bảo vệ ngai vàng không lọt vào tay người ngoài và giảng hòa sau vụ tai tiếng "Lí phế hậu".

Năm 16 tuổi, Trần Thuyên được sách phong làm Hoàng Thái tử, Trần thị được phong làm Hoàng Thái tử Phi.

Một năm sau, Trần Thuyên lên ngôi, nhưng Trần thị chỉ được phong làm Văn Đức Phu nhân, một thời gian sau thì bị phế bỏ. Kết cục không rõ.

Ngay sau đó, em gái ruột của bà tiến cung, và cũng chỉ được phong làm Thánh Tư Phu nhân, trong khi trước đó các vị Hoàng đế nhà Trần luôn lập con gái của nhánh Vạn Kiếp làm Hoàng hậu. Ba người con trai của Thánh Tư Phu nhân đều mất sớm, chỉ có một con gái là Thiên Chân Công chúa.

Trần Thuyên sủng hạnh Huy Tư Hoàng phi - con gái của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng cùng người vợ quá cố. Sau khi Bảo Nghĩa vương mất, bà được Thụy Bảo Công chúa (vợ kế của Bảo Nghĩa vương) nuôi dạy.

Thứ phi này hạ sinh con trai duy nhất của Anh Tông, Hoàng tử Trần Mạnh.

Năm 1309, Thánh Tư Phu nhân được phong làm Bảo Từ Hoàng hậu.

Từ sau sự kiện 2 chị em con gái Hưng Nhượng vương, thì dòng dõi Vạn Kiếp không còn ai được lập làm Hoàng hậu của triều Trần nữa.

(Đọc Theo dòng lịch sử phần 4 để biết thêm chi tiết).

***

Sau khi truyền ngôi cho trẫm, cha trở nên rảnh rỗi hơn. Người thường đưa mẹ ra ngoài thăm thú, bù đắp lại khoảng thời gian hai người phải xa cách trong thời chiến. Tưởng rằng có thể cứ thế an nhàn vui vẻ mà sống, nhưng năm tháng lại chẳng được dài lâu.

Ngày mẹ qua đời, trời xanh vạn dặm không mây, tinh khôi trong trẻo.

Quốc Chẩn đứng bất động ở một bên, cúi đầu thật sâu, lặng lẽ khóc. Nó là đứa con trai hiền lành hiểu chuyện, lại rất nghe lời. Huyền Trân thì còn nhỏ, cha không cho nó đến. Đứa nhỏ tìm mẹ khắp nơi, gào khóc chẳng ai dỗ nổi, mệt lả rồi ngủ thiếp đi.

Trẫm cùng cha bận rộn lo liệu đại tang. Mấy ngày không ngủ, hai mắt bắt đầu có cảm giác đau rát, cha không nhịn được nắm lấy vai trẫm, khàn giọng nói: "Đủ rồi. Nếu còn tiếp tục con sẽ ngã bệnh mất."

Trẫm bị ép trở về nằm nghỉ, nhưng đến tối lại không nhịn được mà chạy tới nơi đặt linh cữu.

Trong điện, chỉ có một mình cha đang quỳ. Ánh nến xung quanh tỏa ra sắc vàng êm dịu. Cha nghe thấy tiếng trẫm, lại bất chợt thở dài:

"Nàng xem, từ lúc sinh ra đến nay nó chẳng bao giờ chịu để cho chúng ta cơ hội ở riêng với nhau cả. Nàng còn trách ta ghen tuông mù quáng."

Thấy trẫm vẫn đứng tần ngần ở đó, cha lại gọi: "Đến cũng đã đến rồi, còn không mau vào đây."

Buổi tối hôm ấy, cha kể cho trẫm nghe một câu chuyện thật dài. Mỗi khi nhắc đến tên Mẫu hậu, ánh mắt mà trẫm vẫn luôn cho rằng xa cách lạnh lùng kia, lại trở nên rất đỗi dịu dàng.

Vội vã gác bút, chẳng kịp ngắm hoa rơi.

Người đi lần này, không hẹn ngày gặp lại.

***

Năm hai mươi tư tuổi, khi trẫm cho rằng cuộc đời sẽ vĩnh viễn bình bình đạm đạm trôi qua như vậy, thì đến một ngày nọ...

Vì sao hộ mệnh có đôi chút ngốc nghếch mang tên Thuấn Thần lại lần nữa rơi vào tay trẫm.

Khi ấy trẫm nghĩ, đã thế, trẫm sẽ nắm lấy cơ hội này thật chặt.

Nàng không tìm cách lợi dụng trẫm, thì trẫm đành chịu thiệt thòi chút, mặt dày bám lấy nàng chẳng buông vậy.

Từ đó về sau, một đời gắn bó.

- Hết Ngoại truyện 1 -

LỊCH ĐĂNG TRUYỆN LÀ THỨ TƯ HÀNG TUẦN. BÌNH CHỌN CHO BỌN MÌNH NHÉ. CHÚC CÁC BẠN ĐỌC TRUYỆN VUI VẺ ^^

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play