Chủ quản người Trung gật đầu, không quên động viên Vân:
- - Cố gắng lên nhé, đừng phụ công cậu Việt giới thiệu.
Vân vẫn chưa hiểu gì, thấy Việt cúi đầu chào chủ quản, Vân cũng chào rồi đi theo Việt ra ngoài, lúc này Vân mới hỏi:
- - Là sao hả anh Việt...? Em chẳng hiểu gì cả..?
Việt cười:
- - Ở trên kho đang thiếu một chân thu phát, anh mới xin cho em làm. Công việc trên kho đó nhàn hơn đứng dây chuyền. Em chỉ cần nhận hàng, kiểm hàng rồi xuất hàng theo số lượng đơn là được. Kho còn có 2 người nữa nên không vất vả đâu. Lương cũng ổn hơn, có tiền trách nhiệm nữa, em chỉ cần đi làm đầy đủ là cũng được thêm một khoản nhỏ rồi. Giờ đi theo anh lên kho nhận việc, xong anh dẫn xuống hành chính làm thẻ của kho. Có gì anh sẽ chỉ cho em cặn kẽ.
Vân tròn mắt, Vân không tin được là mình lại may mắn đến vậy, Vân nói:
- - Nhưng em sợ em không làm được.
Việt đáp:
- - Gớm thôi đi, ngày xưa đi học có mấy ai được học đến lớp 8 ( nghe bảo lớp 7-8 ngày đấy tương đương cấp 3 bây giờ) như em đâu, lại còn được cô giáo khen nức nở nữa. Em quên mẹ anh là giáo viên à. Chuyện tính toàn cộng trừ này chắc chắn em làm được. Mà chân này không dễ xin đâu nhé, nhiều người nhăm nhe lắm. May mà anh thân với ông chủ quản nên được ưu tiên. Thế nên em phải cố gắng làm cẩn thận đừng để anh mất mặt đấy nghe chưa.
Vân cúi đầu cảm ơn anh Việt, nhà Vân và nhà anh Việt cũng chung 1 con xóm, Vân xin được vào đây cũng là nhờ bác Dung có lời với anh Việt giúp đỡ. Ngày bé mấy anh em trong xóm cũng chẳng lạ gì nhau, anh Việt lớn hơn Vân 3 tuổi. Nghe bác Dung kể về hoàn cảnh của Vân, anh Việt thấy thương nên tận tình giúp đỡ. Nhận công việc mới, đeo thẻ mới như cán bộ, Vân chính thức trở thành thu phát kho.
Đang từ công nhân quèn, lại vừa mới vào làm việc chưa được bao lâu, bỗng dưng nhảy một bước vào chỗ ngon. Bỗng nhiên Vân trở thành cái gai bị ganh ghét trong mắt một số người trong công ty, vốn là những kẻ đấu đá vào chỗ của Vân nhưng không được. Vân cũng biết điều đó, nhưng có được một công việc tốt không phải dễ, vậy nên Vân bỏ qua những lời đàm tiếu mà cố gắng hết sức mình trong công việc. Quả đúng như anh Việt nói, Vân tính toán kiểm kê, nhận, xuất rất chi li, tỉ mỉ. Kể từ khi có Vân vào kho làm việc, mọi thống kê từng mã đơn hàng đều chính xác gần như tuyệt đối, có sai sót thì vẫn ít hơn trong khoảng sai số được phép mà công ty đề ra. Ngay cả chủ quản còn phải xuống tận nơi để tuyên dương Vân.
Chỉ 1 tháng sau, trong ba người thì Vân chính thức được bổ nhiệm lên làm thu phát chính, 2 người còn lại làm trước Vân nhưng cũng chỉ là phụ, Thăng chức đồng nghĩa với việc lương được tăng, tiền trách nhiệm cũng tăng. Vân sung sướng về kể với bố mẹ, vợ chồng ông Quý nghe con nói vậy thì cũng mừng cho con. Mẹ Vân còn đi sang bên nhà anh Việt để cảm ơn anh đã giúp đỡ con gái mình.
Về phần Tuấn, Tuấn vẫn bê tha đi suốt ngày, nhiều hôm Tuấn đi đến 2-3 ngày sau mới về. Được cái mỗi lần về, Tuấn đều đưa tiền cho vợ, còn tiền ở đâu thì không ai biết. Do Vân làm công việc ở kho nên giờ giấc không trùng với bác Dung nữa, thành thử ra nhiều ngày hai chị em không đi về cùng nhau được. Mà ở chỗ làm, Vân chỉ còn quen mỗi anh Việt. Ngày đó anh Việt đã có con xe máy tàu, Vân thì không dám đi nhờ anh Việt. Nhưng bác Dung đã nhờ hộ Vân trước, hôm ấy đang làm thì Việt đến nói với Vân:
- - Lát tan làm đợi anh ở cổng công ty, anh lấy xe xong anh chở về. Dung có nhờ anh rồi, anh cũng đi có một mình, nhà lại cùng xóm. Để anh chở về cho tiện.
Vân xua tay:
- - Dạ thôi, em không dám làm phiền anh đâu ạ. Để em đi nhờ chị ở tổ đóng gói cũng được.
Việt thở dài:
- - Chị Nhuận phải không..? Nhà chị ấy chỉ đến ngã ba đi vào chỗ mình, em đi nhờ chị ấy xong còn phải đi bộ 2km nữa. Thế không bất tiện à, hay là em sợ người ta nói nọ kia. Anh em mình người làng, người xóm, có làm gì sai đâu mà phải sợ. Vậy nhé, lát tan làm anh đợi.
Miệng đời như lưỡi dao găm, dù không nói trước mặt nhưng khi nhìn thấy Việt với Vân chở nhau về trên cùng 1 con xe máy, những lời bịa đặt, đàm tếu bắt đầu xảy ra trong công ty. Nhưng nhờ có bác Dung nên đám người khốn nạn kia chỉ dám nói sau lưng, bởi bác Dung là người không dễ bắt nạt. Vân cũng không thể nhờ anh Việt mãi, ở công ty đa phần là người lạ không sao, nhưng nếu cứ đi nhờ nhiều, khi về đến xóm làng, sợ mọi người dị nghị, bởi Vân là gái đã có chồng, còn anh Việt thì lại chưa lấy vợ. Đi nhờ xe được khoảng 3 lần thì Vân tính lần lương tới sẽ trích ra một khoản để mua lấy con xe đạp cũ, như vậy cô cũng không phải nhờ bác Dung, cũng không phiền đến anh Việt nữa.
- - Đại ca, đại ca....Em vừa thấy thằng nào đèo chị nhà đi ngang qua đây.
Tuấn ban đầu không tin vì nghĩ vợ vẫn đi làm với bác Dung hàng ngày, Tuấn cười:
- - Con mẹ mày, lại nhìn nhầm chứ gì..? Vợ tao đi làm với chị gái, chứ đi với thằng nào. Đấm chết mẹ mày giờ.
Thằng kia một mực khẳng định:
- - Em thề, em nói sai đại ca giết cả nhà em cũng được. Anh em ở đây ai cũng biết mặt chị dâu. Mà cái thằng đèo chị dâu đi con xe máy Tàu, nó cũng ở cùng chỗ với đại ca thì phải. Không nhầm được đâu.
- - Để tao về tao hỏi, mày mà nói sai thì cẩn thận cái mồm của mày.
Thằng đàn em bày kế:
- - Đại ca ơi là đại ca, anh đúng là có bản lĩnh nhưng lại chẳng chịu suy nghĩ tẹo nào. Giờ anh về nhà hỏi, em dám cá chị dâu không bao giờ dám nói là đi với thằng kia. Bây giờ như này, anh cứ coi như không biết chuyện gì, ngày mai tầm giờ chị dâu đi làm về, anh đợi xem đi qua có đúng là thằng đó không là biết em nói thật hay giả. Vì xin lỗi đại ca, hôm nay em thấy là lần thứ 2 rồi. Chính vì sợ nhầm nên hôm qua em mới không dám nói đấy đại ca ạ.
Không nói không rằng, Tuấn bỏ về, nhưng trên đường đi Tuấn nghĩ cách mà thằng đàn em bày ra là hợp lý. Về nhà thấy vợ đang ru con ngủ, Tuấn không nói năng gì mà nằm luôn xuống cái chiếu dưới đất.
Vân thấy vậy hỏi:
- - Anh ăn gì chưa...? Bố mẹ có phần cơm em, nhưng em ăn ở chỗ làm rồi, em dọn cho anh nhé.
Tuấn đáp:
- - Không cần, tôi uống rượu no rồi.
Vân thở dài:
- - Anh uống ít rượu thôi, dạo này em thấy anh gầy hơn trước đó.