Thầy Khải cúi đầu xuống chép lại mấy ca bệnh vớ vẩn của đám nữ sinh vào sổ, lâu lâu đẩy cặp mắt kính cận của mình lên, trông bộ dạng như đang chuyên tâm lắm. Hàng chục lần giả bệnh để trốn tiết, tôi chỉ nằm ở phòng y tế trong tư thế nghiêm trang của một nhân vật chính trong màn tang lễ của chính mình, hai bàn tay xếp lên nhau trước ngực, chân duỗi thẳng, mắt nhắm điềm nhiên, đình chỉ não bộ. Đó là cách mà tôi lười, lười hoa mỹ, lười nghệ thuật, lười như thể mình là công chúa Hoa hồng, lựa tư thế nằm đẹp nhất, trang nhã nhất chờ hoàng tử Johaa đến nấu cháo lưỡi.
Tôi nhớ mình đặt cược một canh bạc lớn nhất đời vào năm mười bốn tuổi. Giống như chuyện đầu tư cổ phiếu, kẻ liều lĩnh đặt hết tiền mình để chỉ mua một loại cổ phiếu duy nhất và suốt ngày anh ta dính đít trên hàng ghế ở sở giao dịch chứng khoán, chờ...chờ tới thời điểm cuối cùng giá cổ phiếu được đưa ra. Một là thắng lớn, hai là thua lớn. Mà kẻ liều lĩnh đó coi ra còn may hơn tôi, vì anh ta còn biết khi giá đưa ra một là lời hay là lỗ. Còn canh bạc của tôi thì không, tôi đặt cược nhưng không phải cược tiền, mà tôi cược tình, nhưng tôi còn không biết chính xác khi mình thua và khi nào mình thắng.
Tôi lười, tôi thờ ơ, tôi cà lơ phất phơ. Tôi như thế, nhưng lạ đời thay mọi người xung quanh ai cũng nghĩ tôi dư cửa để vào được đại học, phi thường như việc nhắm mắt viết đại cũng đủ điểm vớ được một cái trường nào đó ngon cơm trong nước, dễ dàng như chuyện mấy chục năm trước mẹ tôi từng làm được. Tôi là con bà nhưng than ôi, tôi không có gene siêu dị nhân đó của bà.
Tôi nằm trên giường mở mắt, không biết mình ngủ đã lâu chưa, toàn mơ tới cục xúc xắc lúc còn nhỏ mình chơi tài xỉu với con em gái.
Lúc đó nghe thấy tiếng của thầy Khải:
- Nó học cũng ổn, nhưng lười lắm, không chịu học bài môn ngữ văn nên bị cô chủ nhiệm phạt hoài.
Giọng anh trầm, hoàn toàn đối lập với chất giọng dịu thanh của thầy Khải nên tôi nghe thấy rõ, anh nói:
- Ừ, để tôi về nhắc nhở nó.
Thầy Khải lại hỏi:
- Anh tìm nó có chuyện gì hả? Hay để em lên lớp kêu nó xuống?
- Thôi khỏi đi, tôi tới hỏi xem hôm nay hai tiết đầu nó có học không thôi. Bây giờ phải qua bệnh viện liền, trễ giờ làm rồi, không phiền cậu làm việc nữa.
- À...tưởng anh có việc gấp gì cần gặp nó, chắc nó vẫn ở trên lớp học mà!
- Ừ...
- Chị hai dạo này khỏe không?
- Khỏe.
Tôi nghĩ sao anh không thể giống như kẻ trong câu ca dao mà người đời thường nói: "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng". Anh là cha dượng, nhưng anh luôn làm cho tôi có cảm giác mình là thứ gì đó quan trọng với anh lắm. Cái cách mà anh trút hơi thở dài vì mừng rằng tôi không có nói láo nó khiến cổ họng tôi nghèn nghẹn.
Anh đi rồi, tôi vẫn nằm im trên giường trong tư thế trang nghiêm của một nhân vật trong cái màn tang lễ bi ai của chính mình. Thầy Khải vừa ghi xong cái gì đó vào sổ, đóng nắp bút lại rồi đi ra phía sau tấm màn che nơi tôi đang nằm, hỏi:
- Con cãi nhau với chú Tiệp hả?
- ...Thầy kệ con đi.
- Cái thằng quỷ ngang bướng này, hồi nhỏ thấy thương bao nhiêu, lớn lên thấy ghét bấy nhiêu.
- Ai mượn thầy thương đâu!
Thầy Khải gõ bút lên đầu tôi mắng yêu:
- Đừng tưởng là cháu đích tôn, ỷ cậu cưng con mà con lên mặt nga!
Tôi nhắm mắt hông thèm nói gì.
Tính ra thầy Khải cũng không hơn tôi bao nhiêu tuổi. Vừa tốt nghiệp Cao đẳng Bạch Mai ra thì về trường này dạy, nhẩm tới nhẩm lui chắc chỉ mới hơn một năm. Bình thường hai cậu cháu nói chuyện rất tự nhiên, vì không cách tuổi nhau nhiều nên không giống như đối với cậu ba gia trưởng, tôi không sợ thầy ấy, cũng chẳng đối với thầy ấy thường câu nệ vai vế, mà có khi còn nói chuyện trổng không. Thầy Khải cũng như bà ngoại đều rất cưng chiều đứa cháu trai duy nhất trong nhà là tôi, dung túng tới mức nhiều khi khiến tôi thấy bất an.
Bảy năm trước, lúc mẹ đòi tái hôn với Bách Tiệp, nhà tôi ai cũng phản đối, nhất là thầy Khải vì không ai nghĩ rằng anh – một chàng trai trẻ tuổi, đẹp trai, lại còn là bác sĩ giỏi ở một bệnh viện thuộc top đầu của Sài Gòn lại yêu và chịu lấy một người phụ nữ hơn mình tận mười tuổi, dưới nách còn có thêm cục nợ là tôi. Người trong nhà không ai tin được giữa mẹ và anh có cái gọi là tình yêu, mẹ thì đã qua một đời hôn nhân lạnh nhạt, còn anh chỉ là một người đàn ông vì công việc quá bận bịu mà không có thời gian hò hẹn với bất kì phụ nữ nào. Họ tới với nhau như một định luật bù khuyết, chở che nhau, bỏ ngoài tai những dè bỉu và thành kiến. Người yêu thầm anh vo ve với nhau mắng mẹ tôi trâu già, bà ngoại, cậu ba tôi thì chê mặt anh búng ra sữa. Nhưng đã qua bảy năm trời, bây giờ không ai còn nhớ tới lúc đó họ đã phê bình mẹ và anh không xứng thế nào. Mẹ tôi không già, tuổi tác đã có nhưng bà vẫn còn trẻ đẹp và anh, mặt không còn búng ra sữa, đã ba mươi lăm tuổi, chỉ cần thở thôi cũng toát ra loại hương vị đàn ông khiến phụ nữ mê chết ngất. Không những vậy, anh còn là một người cha hết lòng vì con cái...
...Con cái?
...
...
Là con riêng của vợ...
Hồi mới sống chung một nhà, bà ngoại với thầy Khải cứ sợ bi kịch muôn thuở của gia đình chấp vá là...con anh, con em, họ sợ rằng khi anh và mẹ có con riêng thì sẽ hất hủi tôi. Nhưng may thay, hai người không có con chung và anh cũng không phải loại đàn ông nhỏ nhặt như thế, mà chính bởi vì anh không phải là người như thế nên mới khiến tôi càng yêu sâu, càng hận nhiều. Những suy nghĩ nhơ nhuốc về thứ tình yêu không những trái tạo hóa, trái tự nhiên trái trời đất và còn trái luôn luân lý lúc nào cũng dồn tôi tới chân tường, có lúc tôi cáu, tôi quá đáng với anh vì chỉ muốn anh đối xử tệ với tôi một chút để cho tôi có cớ chỉ vào tim, cười nhạo vạch trần anh: "Đấy, chú cũng đâu phải tốt đẹp lắm đâu mà để cho...người ta...yêu tới vậy!".
Nhưng anh luôn làm tôi thất vọng, anh luôn luôn hoàn hảo, anh chứng minh cho người xung quanh thấy con của vợ thì cũng giống như con ruột.
Khi xưa ngoại gặp tôi thì hỏi: "Chú Tiệp có hay rầy la con hông?"
Thầy Khải hỏi: "Chú Tiệp có lần nào đánh con hông?"
Còn bây giờ họ gặp tôi thì hỏi: "Thằng quỷ, dạo này có cãi lời chú Tiệp hông?"
...
Chỉ có bác sĩ Vinh là khác bọn họ, ông không bao giờ nói với tôi rằng tôi có người cha dượng tốt lắm đấy. Đơn giản vì ông ganh tỵ với anh, tính cách ông thật thà, ông hơi trẻ con và ông ganh tỵ rằng bảy năm qua, anh lo cho tôi còn nhiều hơn phần của ông và mẹ tôi cộng lại.