Cả đêm mẹ không về. Sáng sớm, tôi thay đồ đi học, xách cặp da ra khỏi phòng mới chợt nhớ hôm nay là thứ năm, mình được trống hai tiết học đầu. Chán nản muốn về phòng ngủ tiếp nhưng nhìn thấy anh bấy giờ đã dọn đồ ăn sáng lên bàn, anh cởi tạp dề ra khỏi thắt lưng rồi vắt trên lưng ghế, ngồi xuống xới cơm, những động tác lặp lại đã quá quen thuộc nhưng hôm nay nhìn, tôi tự nhiên thấy cảm động. Nhiều lần tôi tự hỏi, công việc của mẹ và của anh đều giống nhau, bọn họ đều là bác sĩ nhưng vì sao anh lúc nào cũng dành cho tôi nhiều thời gian đến vậy còn mẹ thì không bao giờ.
Tôi đi tới, ngồi xuống ghế.
Anh đẩy chiếc điện thoại trên bàn cho tôi, nói:
- Từ nay lo học một chút, đừng có lên mạng tìm mấy thứ thông tin vớ vẩn đó nữa.
Tôi đáp:
- Chú là phụ huynh không tinh tế.
Anh nhìn lên tôi.
- Tinh tế với con thì được gì?
- ...
Tôi cúi đầu ăn cơm. Tay trái cầm điện thoại chọc chọc.
- Ăn thì lo ăn đi, mở điện thoại ra làm gì nữa?
- ...Chú...chú xóa hết hình trong máy con rồi hả?
Anh vừa ăn vừa thờ ơ đáp:
- Chú chỉ xóa mỗi hình của mình.
- Chú...quá đáng...con...con lên Facebook tải lại!
Anh dằn đôi đũa xuống bàn, ném cho tôi một ánh mắt không thể nghiêm túc hơn, gọi:
- Đỗ Vân Đình!
Tôi đáp:
- Đinh Bách Tiệp!
...
Đinh Bách Tiệp, không biết ba mẹ anh là người như thế nào mới đặt cho anh được cái tên kiêu như vậy. Cái tên nói lên cả con người anh, "con bọ Hercules nhã nhặn" kiên định, bất khuất, thông tuệ mà khó hiểu. Còn tôi, tôi đơn giản hệt cái tên của chính mình, Đỗ Vân Đình, trên mái đình có mây.
Trên mái đình có mây thì sao mà không có mây thì sao? Vì tôi đơn giản nên tôi không giả trá, không dòng do, không lọc lừa ai bao giờ. Tôi yêu được hận được, nhẫn nhịn được và cũng bùng phát được.
Anh nhìn tôi bằng ánh mắt sẽ không bao giờ hỏi vì sao trong điện thoại của tôi toàn là hình chụp của anh, ánh mắt của anh chỉ là đang cố tình cảnh cáo. Tôi cũng nhìn anh, thẳng thắn, không do dự, không hổ thẹn, không có bi kịch.
- Chú đừng có quá đáng. Điện thoại của tôi từ nay cấm chú động vào! Mách với mẹ hay không là tùy chú, nhưng từ nay cấm xen vào chuyện riêng của tôi!
Tôi ném muỗng ăn ra bàn, một chén cơm trắng đầy vung nhưng chưa ăn được phân nửa. Tôi ôm lấy cặp da đi ra cửa. Ở bậc tam cấp là đôi giày thể thao ngay ngắn sạch đẹp và còn có cả vớ đã được giặc sạch, sấy khô bằng cách nào đó mà tôi không được chứng kiến. Tôi không đắn đo mà mang vào, cũng không có tâm trạng sẽ hỏi đây là giày của ai mà mới mà đẹp đến thế! Tôi đi qua cánh cổng, bực dọc đập tay lên giàn hoa giấy làm chúng dập nát rơi tứ tung. Anh chạy chân trần đuổi theo tôi ra tới tận ngõ, ánh mắt anh pha lẫn giữa một chút thương tâm và hụt hẫng vì thằng con trai ngoan của anh giở chứng nổi loạn, anh giật tôi từ đằng sau lại rồi quát:
- Thái độ đó, con nghĩ mình đang nói chuyện với ai hả?
- Tôi nói với hoa giấy, được chưa?
- Vân Đình! Xưng hô lại đàng hoàng cho chú!
Anh ỷ mình cao hơn tôi nửa cái đầu, nhìn xuống tôi như một người cha đang khiển trách đứa con nhỏ hư đốn. Tay anh siết lấy cánh tay tôi phát đau, nếu làm theo một vở kịch cãi nhau giữa người cha và đứa con trai đang trong độ tuổi nổi loạn, chỉ bằng một lần nói chuyện mà xưng "tôi" thôi cũng đủ khiến anh vớt cho tôi cái bạt tai.Nhưng mà không. Anh chưa bao giờ đánh tôi, chỉ nhìn tôi, nhưng cái ánh mắt của anh nhìn tôi so với đánh còn đau hơn. Đó là cách "dạy dỗ" riêng biệt không giống bất kì phụ huynh nào, anh sẽ nhìn đến khi nào tôi tự thấy tự hổ thẹn vì giây phút bồng bột của mình. Anh có thể kiên trì tới lúc chân tôi mỏi nhừ ra, nhưng anh sẽ không buông tay tôi, vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm túc như thế cho tới khi tôi nhận lỗi.
- Con trễ giờ học rồi! – Tôi nặng nhẹ nói.
- Hôm nay hai tiết đầu trống, con đừng có nói láo!
- Hôm nay giáo viên dạy bù để hai tiết cuối họp hội đồng!
- Thật không?
- Thật!
- Vậy bây giờ nói gì?
Anh nhìn tôi, con bọ nhã nhặn nhưng cánh thì cứng lắm, nên tôi xin lỗi.
Tôi vùng khỏi bàn tay anh, xốc chiếc cặp da trong nách rồi quay đầu dậm chân chạy nhanh về trạm xe buýt. Từ đằng xa, tôi nghe anh còn cảnh cáo nói:
- Lát nữa chú tới trường tìm con, tốt nhất là đừng có nói láo chú.
Tôi tự hỏi anh là bác sĩ kiểu gì mà dư dả thì giờ tới vậy.
Nhưng hôm đó anh làm tôi kinh ngạc thật khi chạy xe tới trường cốt chỉ để xác nhận tôi có nói láo hay không.
Mà dĩ nhiên là tôi đã nói láo. Theo thời khóa biểu, hai tiết đầu ngày thứ năm lớp tôi luôn được nghỉ, cũng chẳng có chuyện bù tiết hay họp hội quái gì hết. Đám bạn vô sớm toàn ra căn tin ăn uống, tôi thì vào phòng y tế. Người trực phòng hôm đó là thầy Khải cán bộ y tế chính của trường. Trông giống như luật bất thành văn, thầy giáo chỉ cần đẹp trai, càng khó tính, càng lạnh lùng thì càng thu hút được nhiều nữ sinh hâm mộ. Mỗi lần tới ngày trực của thầy ấy là hầu như đám nữ sinh trong trường đều trở thành liễu yếu đào tơ, bị ngòi bút bi đâm vào tay cũng hụ hụ lao xuống phòng y tế đòi băng keo cá nhân, giường bệnh thì lúc nào cũng chật nức người nằm vạ, lăn qua lăn lại đòi thầy ơi khám dùm, em đau quá.
Đám con gái giả bệnh, làm màu thì hay mà cứ mỗi lần nhìn thầy ấy nghiêm mặt lại là tự động cuống lại như con thỏ nhút nhát đứng trước nanh cọp. Thầy Khải vừa đuổi một tốp nữ sinh giả bệnh về lớp, mặt đứa nào đứa nấy yểu xìu như cái bánh bao chiều. Gặp tôi đang từ cửa phòng y tế đi vào, có người nhìn tôi bẽn lẽn cười hì, một cô tóc ngắn mặt mày lạ hoắc quay qua hỏi:
- Ế Vân Đình kìa! Bạn bệnh hả?
Tôi không quen cô, không buồn thắc mắc vì sao bọn họ biết mình, như bình thường theo thói lịch sự ậm ừ qua chuyện rồi lách người đi vào trong. Bọn con gái lôi kéo nhau chạy ra bên ngoài sân trường hi hi hi ha ha ha.
Thật khó hiểu!
Thầy Khải hỏi:
- Chuyện gì nữa đây?
- Cho con nằm đây xíu.
- Hôm nay nghỉ hai tiết đầu mà tội gì vô sớm dữ?
- Không muốn ở nhà.
- Sao vậy?
Tôi nằm xuống giường, kéo tấm màn che lại rồi lười lười nói:
- Thì kệ thây con đi!
Thầy Khải đẩy gọng kính lên lườm tôi, nghiến răng mắng:
- Thằng quỷ nhỏ!!!!