Tới khi tôi tỉnh lại, tôi tưởng mình bị đưa đến bệnh viện tâm thần, hơn nữa cái bệnh viện tâm thần này còn đang mở vũ hội hoá trang. Bạn mà nhìn thấy tấm rèm hoa đẹp đẽ tinh xảo, và đám phụ nữ mặc đồ cổ trang vây trước giường thì thầm nhỏ to không rõ đang bàn tán vụ gì, tôi nghĩ bạn cũng sẽ có cảm giác giống tôi thôi.

Nguyên nhân tôi không hỏi ngay bác sĩ ở đâu chính là… chân của tôi có cảm giác. Tuy rằng đau, nhưng đúng thật là có cảm giác.

Tôi xốc phắt cái chăn bông lên, trừng mắt nhìn chân mình… rồi lại hoang mang bối rối. Chẳng lẽ… Tôi bệnh lâu quá rồi, bệnh liệt lan lên hỏng cả não rồi sao? Tôi không tin tố chất tâm lý lạc quan kiên cường như thế của tôi sẽ sụp đổ đến độ phát điên. Về mặt tinh thần cũng không có khả năng, ắt phải là biến chứng sinh lý của bệnh.

Bởi vì kia căn bản không thể nào là chân của tôi. Đôi chân này như hai que diêm, thon thon gầy gầy. Tôi lại trừng mắt nhìn tay mình… Gầy như chân gà, đã thế lại còn nhỏ… Nhỏ giống như tay của thiếu nữ, chứ không phải là tay của người trưởng thành.

Đám các bà các cô còn đang vây quanh tôi thì thầm to nhỏ. Tuy rằng nghe không hiểu, nhưng ít nhất tôi biết là đang mắng tôi. Mấy từ mắng chửi của nước Trung ấy mà, ý tứ đều rất dễ hiểu. Không tin thì bạn lên Sơn Đông tìm một anh người đại lục hỏi thăm má ảnh bằng tiếng Đài thử coi, xem thử có bị đánh không.

“Đây là chỗ nào?” Tôi mở miệng thật cẩn thận, “Các người… là ai?”

Nháy mắt lặng ngắt như tờ, đám người này lại còn câm miệng toàn bộ, trợn mắt nhìn tôi như gặp ma.

Một người phụ nữ ăn mặc đẹp đẽ quý giá nhất (cắm bảy tám cây trâm vàng trên đầu lận, không nặng sao?) rẽ đám đông đi ra, nói bằng thứ tiếng quốc ngữ không chuẩn xác tẹo nào nhưng vẫn miễn cưỡng nghe hiểu được, “Man Cô Nhi biết nói tiếng phổ thông từ bao giờ?”

Nếu như bà ta đang nói với tôi, thì Man Cô Nhi chắc hẳn là tôi… Vậy tôi đã đi đâu rồi?

Đây quả là một câu hỏi thuộc về phạm trù triết học, đáng để suy ngẫm sâu xa.

“Ờ ờm,” tôi khụ một tiếng, “Tôi không phải là Man Cô Nhi. Máy quay phim ở đâu?” Tôi bắt đầu quay đầu, đây không phải là chương trình đùa dai đấy chứ?

Vị phu nhân (ăn mặc rất xa hoa…) kia trợn mắt nhìn tôi trong chốc lát, giận tím mặt, “Man Cô Nhi, mày đừng tưởng rằng mày thắt cổ một lần là có thể không gả. Đây là hôn sự mà lão gia đã đính ước, mày muốn gả thì gả, mà không muốn gả thì vẫn phải gả…” Tiếp theo là một tràng tiếng địa phương rất dài mà tôi không hiểu.

“Nhưng tôi không phải là Man Cô Nhi gì gì đó mà các người nói đến mà.” Đầu tôi đặc sệt, “Tôi tên là Ngô An Bình…” Rồi mới thấy buồn bã một hồi. Họ gì thì họ, nhưng họ Mai với họ Ngô quả thật khiến người ta cạn cả lời. An Bình bình an, nghe hay ho biết bao. Tự dưng thêm họ Ngô vào… Ôi, đắng lòng quá.

(Ngô đồng âm với Vô, nghĩa cả tên là không bình an.)

Phu nhân nhếch miệng, hỏi một hồi như súng liên thanh bằng thứ tiếng quốc ngữ đã không chuẩn lại còn phải đoán mới nghe ra. Tôi bị hỏi nhiều tới mức ngơ ra, quả thật là biết gì thì đáp nấy hết. Đôi tay bà ta đỡ má, trông cực kì giống bức tranh “Tiếng Thét” của Munch. Bà ta lập tức lôi theo đám phụ nữ bỏ đi, chỉ chừa lại một cô gái nhỏ mặt mày trông như muốn khóc, cả người run rẩy nhìn tôi.

Thế này là thế nào?

Tôi thử nhảy xuống giường… Tôi còn nhảy thành công được này, tôi lập tức rưng rưng nước mắt. Tôi thử đi tới đi lui, trời ơi, cảm giác có thể đi lại lần nữa thực sự quá tuyệt! Tôi hoàn toàn tha thứ cho tất cả những chuyện không thể hiểu nổi, cũng tha thứ luôn cho đôi nam nữ (*beep*) yêu hận tình thù đã vạ lây đến tôi kia nữa.

Nếu không phải trong phòng còn có người khác, thì quả thật tôi có thể nhảy lên, múa một bài gì đó.

Tôi vội vàng tìm một tấm gương… Gương đồng nên để trong viện bảo tàng chứ, sao lại ở đây… Còn thiếu nữ trợn mắt há hốc mồm trong gương kia, thật ra phải cùng vào ở luôn trong viện bảo tàng với gương đồng mới đúng.

Thiếu nữ cổ trang xa lạ trong gương kia là ai?

Lúc chứng minh được đây là “tôi”, tôi lại lâm vào một vấn đề triết học sâu sắc nữa.

Điều đầu tiên tôi nghĩ đến chính là, trong Tây Du Ký (hết cách, tiểu thuyết cổ điển dễ đọc mà, một quyển có thể đọc ngược đọc xuôi ba năm liền), có chuyện nàng công chúa em vua Đường ngã chết lúc ngắm hoa, vợ của Lưu Toàn mượn xác hoàn hồn.

Nhưng chuyện này chưa cần nói đến không gian, thời gian hình như… rất không hợp ấy…

Tôi quay đầu hỏi cô gái nhỏ đang run rẩy bên cạnh, “Bây giờ là triều đại nào?”

Cô gái nhỏ kia hét lên một tiếng, bò đến cạnh cửa, “Đừng, đừng ăn em!”

… Tên của triều đại này độc đáo quá nhỉ. Đương nhiên, tôi đang mua vui giữa cảnh khổ thôi.

“Không đói.” Tôi tức giận, “Triều đại gì?”

Cô bé không còn run lẩy bẩy như nãy nữa, vẫn trả lời tôi, “Triều Đại, Đại Minh ạ.”

… Tuy rằng tôi không học xong đại học, nhưng cũng biết về lý thì chuyện này không thể xảy ra. Tuy rằng Yuuri trong Dòng sông Huyền bí cũng xuyên tới đế quốc Hittite… nhưng tốt xấu gì người ta cũng trúng phải phép thuật phù thuỷ ác độc. Tôi chỉ xúi quẩy động phải một đôi nam nữ (*beep*) thôi mà.

Đám phụ nữ kia đi rồi lại về, vị phu nhân (trang sức rất xa hoa) lại oanh tạc tôi bằng thứ tiếng quốc ngữ không chuẩn của bà ta, vừa uy hiếp vừa dụ khị. Bởi vì tôi còn đang rối rắm trong vấn đề không có khả năng về cả mặt triết học và khoa học, nên chỉ ngơ ngác nhìn bà ta.

Cuối cùng các bà các mẹ kiên quyết dạy tôi tiếng địa phương, nói cho tôi thân thế của Man Cô Nhi, uy hiếp tôi không được nói bậy nói bạ, bằng không họ sẽ gọi đạo sĩ tới rải máu chó linh tinh…

Tôi đần độn học cách nói chuyện, ghi nhớ thân thế của Man Cô Nhi. Mãi đến một đêm trước ngày xuất giá, tôi mới đột nhiên bừng tỉnh…

Thế này là tôi đã… Vượt. Thời. Gian con bà nó rồi!

… Xuyên cái đầu cmn ấy!! Đều tại hai kẻ khốn nạn kia! Bây giờ tôi thật sự phải gả chồng rồi!

Sau cơn khủng hoảng mãnh liệt, tôi dần dần bình tĩnh lại. Nhìn hai chân đứng vững vàng trên sàn nhà… tôi cảm thấy mình có thể chịu đựng được tất cả. Chỉ là gả chồng thôi mà, chỉ là gả cho người xưa thôi mà… Có gì ghê gớm? Khi tôi nằm trên giường bệnh nhìn ra ngoài cửa sổ ngày ấy, không phải chỉ có nguyện vọng này thôi sao? Còn nói là gì cũng chịu đựng được mà.

Tuy rằng tôi không có kinh nghiệm, nhưng ai mà chẳng có lần đầu tiên. Lại nói, đám phụ nữ ở nhà này đều chán ghét tôi, chẳng bằng chuyển qua hoàn cảnh mới, có một bắt đầu mới tốt hơn, chưa gì đã coi như thành công một nửa rồi.

Còn chuyện nhỡ gặp phải khởi đầu xấu thì… Tôi nghĩ đâu còn có đó, vẫn còn cơ hội, tình hình sẽ không tệ hơn việc nằm trên giường bệnh nhìn ra ngoài cửa sổ được đâu.

Tôi quả là một thanh niên tốt lạc quan hướng về phía trước.

[HẾT CHƯƠNG 2]

Chuyện Đường ngự muội chết, vợ của Lưu Toàn mượn xác hoàn hồn.

Lưu Toàn và vợ là Lý Thúy Liên cãi nhau mấy câu, Lý Thúy Liên trong lúc tức giận nhất thời, tìm dây thừng treo cổ tự vẫn. Đến khi Diêm Vương tra ra vợ chồng Lưu Toàn đều sống thọ đăng sơn thì thi thể của Lý Thúy Liên đã hỏng không còn ra hình ra dạng nữa. Đúng lúc ấy, ngự muội của Đường Thái Tông là Lý Ngọc Anh phải chết vào ngày đó, Diêm Vương bèn ra lệnh cho quỷ sai mượn thi thể của Lý Ngọc Anh, để cho Thúy Liên hoàn hồn. Quỷ sai đó tuân mệnh, lập tức mang linh hồn của Thúy Liên vào trong hoàng cung nội viện. Chỉ thấy Ngọc Anh công chúa đang tản bộ ngắm trăng ngắm hoa, bị quỷ sai nhảy bổ vào lòng, đẩy ngã xuống đất, bắt sống linh hồn, đồng thời đưa linh hồn của Thúy Liên nhét vào trong cơ thể của Ngọc Anh. Vợ của một thường dân trong chớp mắt trở thành công chúa ngự muội.

(Trích sách “Tắt đèn kể chuyện ma” – Chương 39)

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play