Thư phòng của Teabing chẳng glống với bất kì phòng làm việc nào mà Sophie từng thấy trước đó. Lớn gấp sáu - bảy lần những văn phòng thuộc loại sang trọng nhất, cabinet de travail (1) của ngài hiệp sĩ giống như một thứ lai tạp vụng về giữa phòng thí nghiệm khoa học, thư viện lưu trữ và chợ trời trong nhà vậy. Dưới ánh sáng của ba chiếc đèn chùm, sàn nhà lát đá rộng mênh mông như mặt biển lác đác từng cụm đảo là những bàn làm việc lấp dưới những đống nào sách, nào tác phẩm nghệ thuật, nào đồ tạo tác, và la liệt máy móc thiết bị điện tử nhiều đến kinh ngạc - máy vi tính, máy chiếu, kính hiển vi, máy photo copy và máy quét.

"Tôi đã cải biến phòng khiêu vũ thành thế này", Teabing giới thiệu, có vẻ ngượng khi lệt xệt bước vào phòng. "Vì tôi ít có dịp khiêu vũ mà".

Sophie có cảm giác như thể toàn bộ bóng đêm đã biến thành một vùng tranh sáng tranh tối trong đó không một thứ gì giống như cô chờ đợi. "Tất cả những thứ này là để phục vụ cho công việc của ông?".

"Khám phá sự thực đã trở thành mối tình của đời tôi", Teabing nói. "Và Chén Thánh chính là người tình cưng nhất của tôi".

Chén Thánh là một người phụ nữ. Sophie nghĩ thầm, đầu óc cô như một mớ hỗn độn những ý tưởng đan bện vào nhau dường như chẳng có nghĩa gì cả. "Ông nói có một bức hoạ vẽ người phụ nữ mà ông khẳng định người đó là Chén Thánh?".

"Đúng vậy, nhưng không phải tôi là người khắng định bà ấy là Chén Thánh. Đích thân Christ đã khẳng định điều đó".

"Thế đó là bức nào vậy?" Sophie hỏi, đáo mắt tìm khắp bốn bức tường.

"À, Teabing giả bộ như đã quên béng mất điều đó. "Chén Thánh. Sangreal. Chiếc ly", ông đột ngột quay phắt người, chỉ vào bức tường cuối phòng trên đó có treo một phiên bản in dài khoảng hai mét rưỡi của bức tranh Bữa ăn tối cuối cùng giống hệt hình ảnh Sophie vừa xem lúc nãy. "Bà ấy đó!".

Sophie chắc chắn đã bỏ sót một chi tiết nào đó: "Nó giống hệt với bức tranh mà ông vừa cho tôi xem".

Ông nháy mắt: "Tôi biết, nhưng bản phóng to li kì hơn nhiều.

Cô không nghĩ thế sao?".

Sophie quay sang Langdong cầu cứu: "Tôi rất hoang mang".

Langdon mỉm cười: "Như đã vỡ lẽ ra, Chén Thánh quả đã xuất hiện trong bức hoạ Bữa ăn tối cuối cùng. Leonardo đã thể hiện bà ấy thật nổi bật".

"Khoan", Sophie nói, "Ông bảo tôi Chén Thánh là một phụ nữ. Nhưng Bữa ăn tối cuối cùng là một bức tranh gồm mười ba người đàn ông".

"Thật sao?", Teabing nhíu mày. "Cô hãy nhìn kỹ hơn nữa đi".

Phân vân, Sophie tiến đến gần bức tranh hơn, nhìn kỹ vào mười ba người - Jesus Christ ngồi ở giữa, sáu tông đồ ngồi bên trái và sáu người nữa ngồi bên phải. "Tất cả bọn họ đều là đàn ông", Sophie khắng định.

"Thế à?". Teabing nói. "Thế còn người ngồi ở vị trí danh dự phía tay phải của Chúa thì sao?".

Sophie xem kĩ lại người ngồi ngay bên phải Jesus tập trung vào đó. Khi cô quan sát khuôn mặt và thân hình người đó, một nỗi ngạc nhiên cuộn lên trong cô. Người này có mái tóc đỏ lượn sóng, hai tay chắp lại nhỏ nhắn, và thoáng nét vồng lên của bộ ngực. Không còn nghi ngờ gì đó là… một người đàn bà.

"Đó là một người đàn bà?". Sophie thốt lên.

Teabing cười vang: "Ngạc nhiên, ngạc nhiên hả. Tin tôi đi, không có sai sót gì đâu. Leonardo rất điêu luyện trong việc thể hiện sự khác biệt về giới tính đấy".

Sophie không sao rời mắt khỏi người đàn bà ngồi bên cạnh Christ. Bữa ăn tối cuối cùng đúng ra phải thể hiện mười ba người đàn ông. Người đàn bà này là ai? Mặc dù Sophie đã nhiều lần xem bức hoạ kinh điển này, nhưng chưa một lần nào cô để ý thấy sự trật lấc rành rành này.

"Mọi người đều bỏ sót đỉều này", Teabing nói. "Tiên kiến hình thành sẵn trong ta về cảnh này mạnh đến mức trí óc ta loại trừ điều lạc lõng đó và bất chấp con mắt ta".

"Người ta gọi đó là ám thị", Langdon bổ sung. "Bộ óc đôi khi lấn át thị giác đối với cả những biểu tượng rất rõ".

"Một lí do khác khiến cô bỏ qua người đàn bà này", Teabing nói tiếp, "đó là rất nhiều ảnh trong các cuốn sách nghệ thuật được chụp trước năm 1954, khi đó những chi tiết còn bị lấp dưới những lớp bụi bẩn và một số lần phục chế lại do những đôi tay vụng về ở thế kỉ thứ XVIII. Giờ đây, rốt cuộc thì bức bích hoạ này cũng đã được làm sạch tới lớp vẽ ban đầu của Da Vinci".

Ông đi về phía bức tranh. "Và đây!".

Sophie tiến lại gần hình ảnh đó hơn nữa. Người đàn bà phía tay phải Jesus còn trẻ, vẻ sùng đạo, khuôn mặt e lệ, mái tóc đẹp màu đỏ, và tay chắp lại nhẹ nhàng. Đây là người đàn bà có thể một mình làm sụp đổ cả Giáo hội sao?

"Người đàn bà này là ai vậy?" Sophie hỏi.

"Bạn thân mến ơi, đó chính là", Teabing đáp lại, "Mary Magdalene".

Sophie quay ngoắt người: "Là ả điếm đó sao?".

Teabing hít một hơi, cứ như thể cái từ ấy làm tổn thương chính ông ta vậy: "Magdalene không phải là thế đâu. Quan niệm sai lầm đáng tiếc ấy chính là hậu quả của chiến dịch bôi nhọ thanh danh Magdalene được Giáo hội trước đây phát động.

Giáo hội cần phải phỉ báng Mary Magdalene để che giấu bí mật nguy hiểm của bà - vai trò của bà với tư cách là Chén Thánh".

"Vai trò của bà ấy?".

"Như tôi đã đề cập ở trên", Teabing nói rõ hơn, "Giáo hội cần thuyết phục cả thế giới tin rằng nhà tiên tri trần tục Jesus là người thuộc thiên giới. Vì vậy, mọi phúc âm mô tả những khía cạnh trần tục trong cuộc đời của Jesus đều bị loại bỏ khỏi Kinh Thánh. Không may cho các nhà biên tập thời xưa, một chủ đề trần tục đặc biệt rắc rối cứ trở đi trở lại trong các bản phúc âm. Đó chính là Mary Magdalene", ông dừng lại. "Cụ thể hơn, đó là cuộc hôn nhân của bà với Jesus Christ".

"Xin ông làm ơn nhắc lại?" Mắt Sophie lia sang Langdon rồi quay trở lại Teabing.

"Đây là một vấn đề ghi chép lịch sử", Teabing nói tiếp. "Chắc chắn Da Vinci đã biết sự việc này. Bữa ăn tối cuối cùng gần như chỉ cho người xem thấy Jesus và Magdalene là một cặp".

Sophie quay lại nhìn bức hoạ.

"Hãy chú ý rằng Jesus và Magdalene mặc đồ như thể người này là hình ảnh của người kia trong gương vậy". Teabing chỉ tay vào hai người ở vị trí trung tâm của bức tranh.

Sophie như bị hút hồn. Chắc chắn là quần áo của họ có màu đảo nghịch nhau. Jesus mặc áo thụng dài màu đỏ và khoác áo choàng màu xanh trong khi Mary Magdalene mặc áo thụng dài màu xanh và khoác áo choàng màu đỏ. Dương và âm.

"Đi sâu vào một điều kì quặc hơn", Teabing nói, "hãy chú ý là Jesus cùng cùng vị hôn thê của mình tựa như hông gắn vào nhau và mỗi người ngả sang một phía như thể để tạo ra cái khoảng tiêu cực được vạch ra rõ ràng giữa họ".

Trước cả khi Teabing vạch nét đó cho cô thấy, Sophie đã kịp nhận ra hình không thể chối cãi được ở chính tâm điểm của bức tranh. Đó chính là kí tượng mà Langdon đã vẽ lúc nãy biểu trưng cho Chén Thánh, chiếc ly và cả tử cung của người đàn bà.

"Cuối cùng", Teabing nói, "nếu cô nhìn Jesus và Magdalene như là những yếu tố bố cục chứ không phải như những con người, cô sẽ thấy một hình khác rất hiển nhiên đập vào mắt cô". Ông ta dừng lại. "Một chữ trong bảng chữ cái".

Sophie nhìn thấy nó ngay tức thì. Nói rằng chữ cái ấy đập vào mắt Sophie còn chưa đủ. Chữ cái đó bỗng nhiên là tất cả những gì Sophie nhìn thấy. Lồ lộ ở chính giữa bức tranh là nét vạch rành rành một chữ M to tướng, tạo hình thật hoàn hảo.

"Quá hoàn hảo đối với một sự trùng hợp, chẳng phải cô định nói như vậy sao?". Teabing hỏi Sophie.

Sophie rất đỗi ngạc nhiên: "Tại sao lại có chứ M ở đấy?".

Teabing nhún vai: "Những nhà lý thuyết về âm mưu sẽ nói với cô rằng chữ M thay cho Matrimonio hay Mary Magdalene. Thành thực mà nói, chả ai dám chắc cả. Điều duy nhất chúng ta dám chắc là: chữ M ẩn giấu đó không phải là một lỗi. Vô số các tác phẩm liên quan đến Chén Thánh đều chứa chữ M ẩn tàng - hoặc dưới dạng hoa văn chìm, hoặc nằm ở lớp sơn lót, hoặc như là thành phần bố cục. Và rõ rành nhất đương nhiên là chữ M được dùng để trang trí bàn thờ trong nhà thờ Đức Bà Paris ở Luân Đôn, do một cựu Đại Sư của Tu viện Sion, Jean Cocteau, thiết kế".

Sophie cân nhắc kỹ lưỡng những thông tin này: "Tôi thừa nhận rằng chữ M giấu rất gợi tò mò, mặc dù tôi đồ rằng không ai dám thẳng định nó là bằng chứng về cuộc hôn nhân của Jesus với Magdalene".

"Không, không", Teabing nói, đi tới chiếc bàn đầy sách cạnh đó, "như tôi đã nói lúc nãy, cuộc hôn nhân của Jesus và Magdalene là một phần trong những ghi chép lịch sử". Ông bắt đầu lục lọi trong bộ sưu tập sách của mình. "Hơn nữa, Jesus với tư cách là một người có vợ hắn sẽ hợp lý hơn nhiều so với quan điểm chuẩn mực trong Kinh thánh của chúng ta về một Jesus độc thân".

"Tại sao?". Sophie hỏi.

"Bởi vì Jesus là một người Do Thái", Langdon giảng giải, trong khi Teabing tìm kiếm cuốn sách của ông, "Và chuẩn mực xã hội vào thời đó thực tế không cho phép đàn ông Do Thái sống độc thân. Theo phong tục của người Do Thái, việc sống độc thân bị lên án, và bổn phận của mỗi ông bố người Do Thái là phải tìm bằng được một cô vợ thích hợp cho con trai mình. Nếu Jesus không kết hôn, thì chí ít phải có một trong những phúc âm của Kinh thánh đề cập đến điều này và đưa ra lời giải thích về tình trạng độc thân trái tự nhiên của Người".

Teabing tìm thấy một cuốn sách to tướng và kéo nó về phía mình. Cuốn sách đóng bìa da khổ bằng một tấm áp phích, giống như một bộ bản đồ Atlas lớn. Dòng chữ tít trên bìa: Tuyển tập phúc âm ngộ đạo. Teabing mở sách ra, Langdon và Sophie xán lại Sophie có thể thấy nó bao gồm những ảnh chụp những đoạn được phóng to trong các tài liệu cổ - văn bản viết tay trên giấy papyrut đã rách tả tơi. Cô không hiểu được thứ ngôn ngữ cổ đó, nhưng những trang đối diện có in lời dịch.

Đây là những bản photocopy từ những ống giấy được tìm thấy ở vùng Biển Chết và Nag Hammadi mà tôi đã nhắc đến lúc nãy", Teabing nói, "Những bản ghi chép cổ nhất của đạo Thiên Chúa. Rắc rối là ở chỗ: chúng lại không khớp với những phúc âm trong Kinh Thánh". Lật tới gỉữa cuốn sách, Teabing chỉ tay vào một đoạn văn. "Phúc âm của Philip bao giờ cũng là điểm khởi đầu tốt".

Sophie đọc to đoạn văn lên:

"Và người bạn đồng hành của Chúa Cứu thế chính là Mary Magdalene. Christ yêu nàng hơn tất cả những tông đổ của mình, và thường hôn lên miệng nàng. Những tông đồ khác lấy thế làm điều xúc thạm và bày tỏ sự phản đối. Họ nói với Chúa: "Tại sao Ngài lại yêu cô ta hơn cả chúng con".

Lời chữ ấy khiến Sophie ngạc nhiên, nhưng xem ra hầu như không khắng định gì. "Đoạn này chẳng nói gì đến hôn nhân".

"Au contrare"(2), Teabing mỉm cười rồi chỉ tay vào dòng đầu tiên, "bất kỳ nhà nghiên cứu ngôn ngữ Aram nào cũng sẽ nói cho cô biết, thời đó, từ bạn đồng hành nghĩa đen là vợ hoặc chồng".

Langdon gật đầu đồng tình.

Sophie đọc lại dòng đầu tiên. Và người bạn đồng hành của Chúa Cứu thế chính là Mary Magdalene.

Teabing lật tiếp sang trang và chỉ ra một vài đoạn văn khác ngụ ý rõ ràng, trước sự ngạc nhiên của Sophie, rằng Magdalene và Jesus có một mối quan hệ lãng mạn. Khi cô đọc những đoạn văn này, Sophie chợt nhớ đến một tu sĩ phẫn nộ đã đập cửa nhà ông ngoại khi cô còn là một nữ sinh.

"Đây có phải là nhà ông Jacques Saunère không?" Người tu sĩ hỏi, chằm chằm nhìn xuống bé Sophie khi cô mở cửa. "Ta phải nói chuyện với ông ấy về cái bài xã luận mà ông ấy đã viết", Người tu sĩ giơ một tờ báo lên.

Sophie mời ông ngoại ra, và hai người đàn ông biến vào trong phòng làm việc rồi đóng cửa lại. Ông mình viết điều gì trên báo nhỉ? Sophie lập tức chạy tới nhà bếp và lật tờ báo sáng. Cô bé tìm thấy tên của ông ngoại ờ một bài báo trong trang hai.

Cô bé đọc bài báo. Sophie không hiểu tất cả, nhưng có vẻ như, dưới áp lực của các tu sĩ, chính phủ Pháp đã đồng ý cấm một bộ phim Mỹ được gọi là Cám dỗ cuối cùng của Christ nói về chuyện Jesus có quan hệ với một cô gái tên là Mary Magdalene Bài báo của ông cô nói rằng Giáo hội quá ngạo mạn và sai lầm khi đòi cấm bộ phim ấy.

Thảo nào ông cha cô phát khùng, Sophie nghĩ bụng.

"Đó là phim con heo? Tội phạm thánh!" Người tu sĩ gào lên, ra khỏi phòng làm việc của ông cô rồi lao ra cửa chính. "Làm sao ông có thể chấp nhận điều đó được! Tay người Mỹ Martin Scorsese là một kẻ báng bổ, và Giáo hội sẽ không cho phép hắn chầu lễ tại Pháp đâu!" Người tu sĩ đóng sầm cửa lại trên đường ra khỏi nhà.

Khi ông ngoại vào nhà bếp và thấy Sophie đang cầm tờ báo, ông cau mày. "Cháu cũng khá nhanh đấy".

Sophie trả lời: "Ông nghĩ Jesus Christ có một người tình?".

"Không, cháu yêu, ông chỉ nói: không nên để Nhà Thờ được phép bảo chúng ta những ý tưởng nào là có thể ấp ủ hay cấm kị".

"Jesus có một người tình hay không?".

Ông cô im lặng hồi lâu rồi bất chợt hỏi: "Nếu có thì có là xấu không?".

Sophie nghĩ một lúc rồi nhún vai trả lời: "Cháu sẽ không phản đối".

Ngài Leigh Teabing vẫn tiếp tục nói: "Tôi sẽ không làm cô chán ngấy với vô số những tham chiếu về cuộc hợp nhất của Jesus và Magdalene. Điều đó đã được các sử gia hiện đại khảo sát đến phát buồn nôn. Tuy nhiên, tôi muốn vạch ra điều sau đây". Ông chỉ tay vào một đoạn khác. "Đoạn này trích từ Phúc âm của Mary Magdalene".

Sophie chưa bao giờ biết là có một bản phúc âm bằng lời chữ của Mary trên cõi đời này. Cô đọc đoạn văn ấy:

Và Peter nói: "Liệu rằng Chúa Cứu thế có thực sự đã nói chuyện với một người đàn bà mà chúng ta không hề hay biết.

Liệu chúng ta có phải quay lại và cùng lắng nghe cô ta nói không? Ngài yêu mến cô ta hơn chúng ta thật sao?".

Và Levi trả lời: "Này, Peter, anh bao giờ cũng nóng nảy.

Giờ đây tôi thấy anh đang đối phó với người đàn bà đó như kẻ thù vậy. Nếu Chúa Cứu thế thấy người đàn bà xứng đáng để chọn thì anh thực sự là cái thá gì mà bác bỏ cô ta? Chắc chắn Chúa Cứu thế biết rất rõ về người đàn bà này. Đó là lý do Người yêu mến cô ấy hơn chúng ta".

"Người đàn bà mà họ nhắc đến", Teabing giải thích, "là Mary Magdalene. Peter ghen tị với bà ấy".

"Bởi vì Jesus yêu mến Mary hơn à?".

"Không chỉ có thể. Cái được-mất ở đây còn lớn tình yêu đơn thuần, lớn hơn nhiều. Tới điểm này trong các Phúc âm, Jesus đã ngờ ngợ rằng chẳng bao lâu nữa Người sẽ bị bắt và đóng đinh câu rút. Vậy nên Người mới dặn dò Magdalene phải duy trì Giáo hội của Người như thế nào sau khi Người qua đời. Và kết quả là, Peter tỏ ra rất bất mãn vì phải phụ tá cho một người đàn bà. Tôi dám nói rằng Peter có chút phân biệt giới tính".

Sophie cố gắng theo cho kịp: "Đây chính là Thánh Peter. Hòn đá tảng mà Jesus đã xây dựng Giáo hội của Người trên đó".

"Chính ông ta, ngoại trừ một điểm khúc mắc. Theo những phúc âm không bị chỉnh sửa này, người được Christ chỉ đạo để tạo lập Giáo hội Thiên Chúa giáo không phải là Peter mà chính là Mary Magdalene".

Sophie nhìn Teabing: "Ông nói rằng Giáo hội Thiên chúa giáo đã có thể được giao lại cho một người đàn bà?".

Đó chỉ là theo dự kiến. Jesus là người đầu tiên bảo vệ nữ quyền. Người chủ định đặt tương lai Giáo hội vào tay Mary Magdalene".

"Và Peter đã rất bực bội về điều này", Langdon vừa nói vừa chỉ tay vào bức hoạ Bữa ăn tối cuối cùng. "Kia chính là Peter. Cô có thể thấy Da Vinci biết rất rõ Peter có ác cảm với Mary Magdalene".

Một lần nữa Sophie lại không thốt nên lời. Trong bức tranh, Peter ngả người đầy vẻ đe doạ về phía Mary Magdalene và dứ bàn tay như lưỡi dao ngang cổ bà. Cử chỉ đe doạ này cũng giống như trong tác phẩm Madonna of the Rocks!

"Và đây nữa", Langdon vừa nói vừa chỉ tay vào đám tông đồ ngồi gần Peter, "không phải là một điềm gở hay sao?".

Sophie nheo mắt và nhận thấy một bàn tay giơ lên từ trong đám tông đồ: "Có phải bàn tay đó đang vung một con dao găm không?".

"Đúng vậy. Kì lạ hơn nữa, nếu cô đếm những cánh tay, cô sẽ nhận ra rằng, bàn tay này không thuộc về…bất kỳ ai có mặt trong bức tranh. Nó tách rời cơ thể. Khuyết danh".

Sophie bắt đầu cảm thấy ngợp: "Xin lỗi, tôi vẫn chưa hiểu làm sao tất cả những chuyện này lại dẫn đến chỗ khiến Mary Magdalene trở thành Chén Thánh".

"Aha!" Teabing một lần nữa lại thốt lên. "Cái khó là ở chỗ đó! Ông ta một lần nữa quay lại chiếc bàn và lôi ra một sơ đồ khá rộng rồi trải nó ra trước mặt Sophie. Đó chính là một sơ đồ phả hệ rất tỉ mỉ. "Ít người nhận chân được rằng Mary Magdalene, ngoài việc là cánh tay phải của Jesus, còn là một người phụ nữ đầy quyền lực".

Sophie có thể thấy tiêu đề của cây phả hệ đó.

BỘ LẠC BENJAMIN

"Mary Magdalene ở đây", Teabing nói, chỉ tay gần vào đỉnh cây phả hệ.

Sophie ngạc nhiên: "Bà ấy là người của dòng họ Benjamin sao?".

"Quả vậy", Teabing nói tiếp, "Mary Magdalene có dòng dõi hoàng gia".

"Nhưng tôi lại có cảm giác rằng Magdalene là người nghèo".

Teabing lắc đầu: "Người ta đã biến Magdalenen thành một con điếm để xóa bỏ bằng chứng về những mối quan hệ huyết thống đầy quyền lực của bà".

Sophie thấy mình một lần nữa lại liếc sang Langdon, và Langdon lại gật đầu. Cô quay lại Teabing: "Nhưng tại sao Giáo hội ban đầu lại quan ngại nếu như Magdalene thuộc dòng máu hoàng gia?".

Teabing mỉm cười: "Ôi con gáỉ của ta, huyết thống hoàng gia của bà không làm cho Giáo hội lo sợ bằng vỉệc bà chung sống với Jesus, mà Jesus cũng có dòng máu hoàng gia. Như cô biết, Sách Phúc âm của Matthew cho chúng ta hay Jesus là người của dòng họ David. Một hậu duệ của đức vua Solomon - vua của người Do Thái. Bằng việc kết hôn với người thuộc dòng họ Benjamin đầy quyền lực, Jesus đã kết nối hai dòng họ hoàng gia lại với nhau, tạo ra một liên minh chính trị hùng mạnh với khả năng đưa ra yêu sách chính đáng đòi quyền kế vị ngôi báu và khôi phục dòng vua truyền nối như dưới thời Solamon".

Sophie cảm thấy cuối cùng Teabing cũng đi đến điểm chính.

Lúc này, trông Teabing có vẻ rất phấn khích: "Truyền thuyết về Chén Thánh là một truyền thuyết về dòng máu hoàng gia.

Khi truyền thuyết về Chén Thánh nói đến "chiếc ly hứng máu của Christ"… thực ra là nói về Magdalene - cái tử cung mang dòng máu hoàng gia của Jesus".

Những lời đó dường như vang khắp phòng khiêu vũ và dội trở lại trước khi đầu óc Sophie kịp ghi nhận. Mary Magdalene đã mang trong người dòng máu hoàng gia của Jesus Christ? "Nhưng bằng cách nào Christ có được dòng máu ấy trừ phi…?", Cô dừng lại và nhìn Langdon.

Langdon mỉm cười dịu dàng: "Trừ phi họ có con với nhau".

Sophie đứng sững sờ.

"Nhìn đây", Teabing tuyên bố, "bí mật lớn nhất trong lịch sử loài người. Jesus không chỉ kết hôn mà Người còn là một người cha. Bạn thân mến, Mary Magdalene là Chén Thánh linh thiêng.

Bà là chiếc ly mang trong mình dòng máu của Jesus Christ. Bà là chiếc tử cung mang dòng dõi của Jesus, và cây nho từ đó nẩy sinh những trái quả thiêng!".

Sophie cảm thấy sởn da gà: "Nhưng làm sao một bí mật lớn như thế lại có thể giữ im ỉm trong suốt chừng ấy năm?".

"Ôi trời?" Teabing nói. "Nó tuyệt nhiên khong hề im ỉm. Dòng dõi hoàng gia của Jesus Christ là nguồn gốc của truyền thuyết lâu bền nhất của mọi thời đại - Chén Thánh. Trong nhiều thế kỉ, câu chuyện về Magdalene đã vang vọng tới khắp hang cùng ngõ hẻm thể hiện trong mọi loại ẩn dụ và ngôn ngữ. Câu chuyện về bà hiện diện ở khắp mọi nơi, một khi cô mở to mắt mà nhìn!".

"Thế còn những tài liệu Sangreal?" Sophie nói. "Người ta bảo chúng chứa đựng bằng chứng rằng Jesus có dòng máu hoàng gia phải không?".

"Đúng thế".

"Vậy là toàn bộ truyền thuyết Chén Thánh là về dòng máu hoàng gia?".

"Hoàn toàn chính xác", Teabing nói, "Từ Sangreal phát sinh từ San Greal - tức là Chén thánh. Nhưng ở trong dạng cổ xưa nhất, từ Sangreal lại phân chia ở một điểm khác". Teabing viết lên một mảnh giấy lộn rồi đưa cho Sophie.

Sophie đọc dòng chữ Teabing vừa mới viết.

Sang Real

Cuối cùng, Sophie cũng nhận ra được sự chuyển dịch ấy.

Sang Real nghĩa đen là Dòng máu hoàng gia.

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: phòng làm việc.

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Trái lại.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play