HAI NĂM SAU KHI MỸ NGUYỆT MấT, MÁI TÓC của tôi - vốn đã được búi lên từ khi mười lăm - giờ lại bới theo kiểu rồng phượng dành cho các cô gái chuẩn bị lấy chồng. Gia đình chồng tôi gửi thêm nhiều vải nữa, cả tiền để tôi có chút vốn riêng, và đồ trang sức - bông tai, nhẫn, dây chuyền - tất cả đều bằng bạc và ngọc bích. Họ cũng gửi cho bố mẹ tôi ba mươi bó lúa nếp - đủ để thết đãi cả nhà và khách khứa ghé thăm trong những ngày sắp tới - và một phần con lợn, bố tôi sẽ chia ra cho anh trai mang tới bà con chòm xóm ở Phủ Vĩ để họ biết rằng lễ cưới dài một tháng chính thức bắt đầu. Nhưng điều khiến bố tôi ngạc nhiên và hài lòng nhất - và cũng là điều chứng tỏ rằng công sức gia đình tôi vất vả chuẩn bị cho tôi một tương lai đặc biệt nay đã đến ngày gặt hái - là một con trâu mới được đưa đến. Riêng với món quà này, bố tôi đã trở thành một trong ba người giàu có nhất thôn.

Tuyết Hoa đến ở nhà tôi suốt tháng lễ Ngồi và Hát trong căn buồng phụ nữ. Suốt bốn tuần cuối cùng đó, khi tôi làm nốt số của hồi môn của mình, cô giúp tôi nhiều việc và chúng tôi thậm chí còn thân thiết hơn cả lúc bình thường. Cả hai đứa đều có những ý nghĩ ngớ ngẩn về hôn nhân, nhưng cả tôi và Tuyết Hoa đều tin rằng không có gì sánh được với sự dễ chịu mà chúng tôi cảm nhận được trong vòng tay nhau - sự ấm áp của thân thể, sự mềm mại của da thịt, những mùi hương tao nhã. Không có gì có thể thay đổi tình yêu của chúng tôi, và khi nhìn về tương lai, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi chỉ có nhiều hơn để chia sẻ.

Đối với chúng tôi, lễ Ngồi và Hát trong căn buồng phụ nữ khởi đầu cho sự gắn bó sâu sắc hơn giữa hai đứa. Sau mười năm làm bạn với nhau, mối quan hệ của chúng tôi đang tiến lên những cấp độ mới sâu đậm. Hai hay ba năm tới đây, khi tôi về ở hẳn nhà chồng và Tuyết Hoa cũng về nhà chồng cô ở Cẩm Điền, chúng tôi sẽ thường xuyên đến thăm nhau. Chắc chắn chồng chúng tôi - vốn đều giàu có và được nể trọng - sẽ thuê kiệu cho những chuyến thăm viếng này.

Vì tôi không có các chị em kết nghĩa để chung vui trong những lễ mừng này nên mẹ, thím, chị dâu và chị gái tôi - dịp này cũng được về nhà, và lại đang có mang - cùng những cô gái chưa chồng trong thôn Phủ Vĩ đều đến để chúc mừng hạnh vận của tôi. Bà Vương thỉnh thoảng cũng tới tham gia với chúng tôi. Đôi lúc chúng tôi kể lại những câu chuyện ưa thích, hay một người nào đó sẽ xướng lên một câu hát để chúng tôi hát theo. Những lúc khác, chúng tôi hát về cuộc đời của mình. Mẹ tôi - hài lòng với số phận của mình - kể lại “Truyện cô gái hoa”, trong khi thím, vẫn để tang con, hát khúc ca ai oán khiến tất thảy chúng tôi rơi nước mắt.

Vào một buổi chiều, khi tôi đang thêu chiếc dây lưng để thắt cho chiếc áo cưới, bà Vương lại đến góp vui với chúng tôi bằng “Câu chuyện của người vợ họ Vương”. Bà ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh Tuyết Hoa đang mải suy nghĩ để viết cuốn sách ngày thứ ba sau lễ cưới cho tôi và cố tìm những từ chuẩn xác nhất để giới thiệu về tôi với gia đình nhà chồng. Hai người trò chuyện nhỏ nhẹ với nhau. Thỉnh thoảng, tôi nghe tiếng Tuyết Hoa nói, “Vâng, thưa dì” hay “Không, thưa dì.” Tuyết Hoa luôn thể hiện tấm lòng quý mến với bà Vương. Tôi cố gắng - nhưng cũng chỉ đạt được ở mức vừa vừa - ganh đua với cô về chuyện này.

Khi nhận thấy tất cả chúng tôi đang chờ, bà ngọ nguậy trên chiếc ghế đẩu để tìm được tư thế dễ chịu và bắt đầu kể chuyện. “Xưa có một người phụ nữ mộ đạo song chẳng có mấy triển vọng.” Mấy năm gần đây bà ta có vẻ nặng nề hơn, chậm chạp hơn và thong thả hơn cả khi kể chuyện lẫn khi làm việc. “Cha mẹ gả bà cho một người đồ tể - cuộc hôn nhân tệ nhất đối với một người theo Đạo Phật. Dù rất mộ đạo, nhưng sinh ra vốn là phận nữ nhi, nên sau đó bà vẫn phải sinh con, được cả trai lẫn gái. Tuy nhiên, người vợ họ Vương không ăn cá hay thịt. Bà tụng kinh niệm Phật nhiều giờ mỗi ngày, nhất là Kinh Kim Cương. Khi không tụng kinh, bà nài nỉ chồng mình đừng sát sinh. Bà cảnh báo chồng mình rằng nghiệp chướng sẽ xảy đến với ông ta trong kiếp sau nếu ông ta tiếp tục nghề này.”

Bà ta đặt tay lên đùi Tuyết Hoa vỗ về. Nếu là tôi thì hẳn tôi sẽ thấy bàn tay của bà già ấy thật nặng nề, nhưng Tuyết Hoa không hề đẩy ra.

“Nhưng chồng bà Vương nói với bà - và có một số điều khá chính đáng - rằng gia đình ông ta đã làm nghề đồ tể từ bao đời nay đến mức không nhớ nổi,” bà Vương tiếp tục. “‘Bà cứ việc đọc Kinh Kim Cương,’ ông ta nói. ‘Bà sẽ được tưởng thưởng ở kiếp sau. Còn tôi vẫn tiếp tục giết mổ súc vật. Tôi sẽ mua đất đai trong kiếp này và bị trừng phạt trong kiếp sau’.”

“Bà vợ họ Vương biết rằng bà sẽ gặp tai họa vì đã ngủ với chồng mình, nhưng khi ông ta kiểm tra bà về Kinh Kim Cương và thấy bà thuộc nằm lòng, ông ta đồng ý cho bà ở phòng riêng để bà có thể sống của mình trong suốt quãng đời vợ chồng còn lại của họ.”

“Trong lúc ấy,” bà Vương tiếp tục, và một lần nữa tay bà lại quờ sang phía Tuyết Hoa, rồi nhẹ nhàng đặt xuống gáy cô, “Diêm Vương phái ma quỷ đi tìm những linh hồn có đức hạnh. Bọn ma quỷ đó bí mật theo dõi bà vợ họ Vương. Khi đã bị chinh phục bởi tâm hồn trong sạch của bà, họ dụ dỗ bà sang thế giới bên kia để tụng Kinh Kim Cương. Bà biết rằng điều ấy có nghĩa là họ bảo bà phải chết. Bà xin họ đừng bắt bà phải rời xa con cái mình, nhưng ma quỷ từ chối lời cầu xin của bà. Bà bảo chồng mình hãy tìm một người vợ khác. Bà dặn dò các con phải ngoan ngoãn và nghe lời mẹ kế. Vừa nói dứt những lời cuối cùng đó, bà ngã xuống sàn và chết.”

“Người vợ họ Vương phải trải qua bao thử thách, cuối cùng mới gặp được Diêm Vương. Diêm Vương đã chứng kiến tất thảy khổ đau mà bà phải trải qua, nhận thấy đức hạnh và lòng mộ đạo ở bà. Cũng như chồng bà, Diêm Vương bảo bà phải đọc thuộc Kinh Kim Cương. Mặc dù bà đọc sai chín từ nhưng Diêm Vương vẫn hài lòng với những nỗ lực của bà - cả khi còn trên dương thế cũng như khi đã xuống cõi âm - đến mức Ngài đã cho bà được quay trở lại dương gian đầu thai vào một đứa bé trai. Lần này, bà sinh ra trong một gia đình quan lại có học thức, nhưng tên thật của bà vẫn được khắc ngay dưới lòng bàn chân bà.”

“Người vợ họ Vương đã sống rất mẫu mực, nhưng bà ấy chỉ là một người đàn bà,” bà mối nhắc nhở chúng tôi. “Giờ đây, khi đã là một đấng nam nhi, bà luôn xuất sắc trong mọi việc làm. Bà đỗ đạt ở thứ hạng cao nhất. Bà có được cả vinh hoa phú quý, thanh thế lẫy lừng, nhưng bất chấp những thứ đó, bà vẫn thấy nhớ gia đình và thiết tha mong trở lại là một người đàn bà. Cuối cùng, bà được tiến cử với hoàng đế. Bà kể cho hoàng đế nghe câu chuyện của mình và xin ngài gia ân cho bà được trở lại thôn nơi chồng con mình sinh sống. Cũng như đối với Diêm Vương, lòng can đảm và đức hạnh của người phụ nữ đó khiến hoàng đế cảm động, nhưng ông còn nhận thấy một điều khác nữa - đó là lòng hiếu thảo. Ông bổ nhiệm bà về làm quan ở quê cũ. Bà mặc quan phục trở về làng. Khi mọi người đến khấu đầu trước bà, bà khiến họ kinh ngạc khi bà cởi giày ra để tiết lộ tên thật của mình. Bà nói với người chồng - giờ đã trở thành một ông lão già nua - rằng bà muốn trở lại làm vợ của ông. Chồng bà vợ họ Vương và các con đến mộ bà và mở ra. Ngọc Hoàng bước ra và tuyên bố rằng toàn thể gia đình họ Vương đều được lên cõi Niết Bàn, và họ đã làm như vậy.”

Tôi tin rằng bà Vương kể câu chuyện này để nói với tôi về tương lai của tôi. Người chồng họ Lữ của tôi và gia đình anh, dù được người dân trong huyện trọng vọng và tôn kính, rất có thể sẽ làm những việc bị xem là phản cảm hay thậm chí nhơ bẩn. Đồng thời, đó cũng là bản tính của một người tuổi hổ: rất nóng nảy, mạnh mẽ và bốc đồng. Chồng tôi có thể gây chuyện xô xát ở bên ngoài hay phỉ báng tục lệ bó chân. (Thế thì không đến mức tệ như làm nghề đồ tể, quả vậy, song tính cách đó cũng phương hại không kém). Tôi, đứa con gái sinh nhằm tuổi ngựa, sẽ có thể giúp chồng mình khắc phục những hạn chế đó. Một người đàn bà tuổi ngựa sẽ không e ngại dẫn chồng mình vượt qua chông gai. Theo tôi đó chính là ý nghĩa thật sự của Câu chuyện về người vợ họ Vương. Có thể người vợ kia không khiến chồng mình làm theo ý bà muốn được, song với tấm lòng mộ đạo và những việc làm tốt đẹp của mình, bà không chỉ cứu ông ta thoát khỏi tội sát sinh mà còn giúp cả gia đình mình được lên cõi Niết Bàn. Đó là một trong số ít truyện mang tính giáo dục dành cho chúng tôi mà lại kết thúc có hậu, và vào cái ngày cuối thu tháng trước lễ cưới của tôi, câu chuyện đó khiến tôi thấy hạnh phúc.

Nhưng mặt khác, những cảm xúc của tôi cứ lẫn lộn vào nhau trong suốt lễ Ngồi và Hát. Tôi buồn vì phải rời gia đình mình, nhưng cũng như khi bị bó chân, tôi cố gắng hướng tới một điều gì đó lớn lao hơn - không chỉ là mảnh đời nhỏ xíu mà tôi nhìn thấy qua chiếc cửa sổ mắt cáo mà là bức tranh toàn cảnh như những gì tôi và Tuyết Hoa đã thấy qua khung cửa sổ chiếc kiệu của bà Vương. Mọi người thuyết phục tôi rằng tương lai mới mẻ và tốt đẹp hơn đang ở phía trước. Có lẽ, đó là một điều gì đó thuộc về bản tính tự nhiên của tôi; một con ngựa sẽ lang thang khắp thế giới nếu nó được tháo cũi sổ lồng. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được đến một nơi mới. Lẽ tự nhiên, tôi muốn nói là Tuyết Hoa và tôi tuân theo bản tính tự nhiên của loài ngựa chính xác như những gì lá số tử vi phán định, nhưng loài ngựa - và cả loài người nữa - không phải lúc nào cũng tuân phục. Chúng ta thường nói một đằng làm một nẻo. Chúng ta cùng tri nhận một điều, nhưng trái tim của chúng ta lại mở ra một hướng khác. Chúng ta nhìn thấy cùng một vật nhưng chúng ta không hề hiểu rằng những miếng vải che mắt đã cản trở tầm nhìn của chúng ta. Chúng ta lê bước trên con đường yêu thích để rồi nhìn thấy một con đường, một ngõ hẻm, một dòng sông cám dỗ chúng ta.

Tôi cảm thấy như vậy, và tôi đồ rằng Tuyết Hoa, lão đồng của tôi cũng nghĩ giống như tôi, nhưng cô là một điều bí ẩn đối với tôi. Đám cưới của Tuyết Hoa sau tôi một tháng, nhưng cô không hề tỏ ra phấn khởi hay buồn bã. Thay vì đó, cô thờ ơ một cách bất thường, ngay cả khi hát những bài theo quy tắc trong lễ hát của chúng tôi và cần mẫn viết cuốn sách ngày thứ ba sau lễ cưới mà cô đang làm cho tôi. Tôi nghĩ rằng có lẽ cô hồi hộp về đêm tân hôn hơn tôi.

“Mình không sợ gì chuyện đó,” chua chát cô nói khi chúng tôi gấp và bọc mấy tấm chăn của tôi.

“Mình cũng vậy,” tôi nói, nhưng tôi nghĩ không đứa nào tin chắc vào điều mình nói. Thuở còn bé, khi tôi vẫn được phép chơi đùa bên ngoài, tôi từng nhìn thấy những con vật “ân ái” với nhau. Tôi biết mình cũng sắp phải làm tương tự như vậy, nhưng tôi không biết điều đó diễn ra như thế nào hay tôi phải làm gì. Và Tuyết Hoa, vốn am hiểu hơn tôi rất nhiều, lại chẳng giúp gì cho tôi được. Chúng tôi đều chờ mẹ, chị, hoặc thím hay thậm chí là bà mối chỉ bảo cách làm việc đó thế nào, cũng như khi họ dạy chúng tôi làm việc nhà vậy.

Vì cả hai chúng tôi đều cảm thấy không thoải mái với chủ đề đó, nên tôi cố gắng hướng cuộc nói chuyện của chúng tôi vào kế hoạch cho mấy tuần sắp tới. Thay vì quay về nhà ngay sau lễ cưới, tôi sẽ đến thẳng nhà Tuyết Hoa trong tháng lễ Ngồi và Hát của cô. Tôi giúp cô chuẩn bị cho lễ cưới cũng như cô đang giúp tôi. Tôi chờ ngày được đến nhà cô suốt mười năm nay rồi, và ở khía cạnh nào đó, việc này còn khiến tôi thấy phấn khích hơn cả việc gặp chồng mình, vì tôi đã được nghe kể về nhà cửa và gia đình Tuyết Hoa từ lâu lắm rồi, trong khi tôi lại chẳng biết gì nhiều về người đàn ông mà tôi sẽ lấy làm chồng. Tuy vậy, mặc dù tôi rất hồi hộp - cuối cùng thì tôi cũng được đến nhà Tuyết Hoa! - nhưng cô có vẻ như lơ đãng.

“Một người nào đó ở nhà chồng bạn sẽ đưa bạn đến nhà mình,” Tuyết Hoa nói.

“Bạn có nghĩ mẹ chồng mình sẽ tham dự lễ Ngồi và Hát của bạn cùng với bọn mình không?” tôi hỏi. Điều đó sẽ khiến tôi hãnh diện, vì bà ấy sẽ nhìn thấy tôi bên lão đồng của mình.

“Bà Lữ rất bận. Bà ấy rất nhiều việc, một ngày nào đó bạn cũng vậy.”

“Nhưng mình sẽ mời mẹ bạn, chị gái bạn và… mời thêm ai khác đến tham dự nữa nhỉ?”

Tôi mong mẹ và thím tôi cũng sẽ được góp mặt trong những nghi thức đám cưới của Tuyết Hoa. Cô chẳng khác nào một thành viên trong gia đình tôi và tôi nghĩ cô cũng muốn họ tham dự.

“Dì Vương nữa,” cô nói.

Bà mối chắc chắn là thỉnh thoảng sẽ đến dự lễ Ngồi và Hát của Tuyết Hoa, cũng như trong những ngày lễ đó của tôi. Với bà Vương, lễ cưới của chúng tôi là thời điểm hoàn tất những năm lo liệu vất vả của bà, nghĩa là bà sẽ được trả món tiền công cuối cùng. Bà sẽ không để lỡ một dịp nào để khoe với những người đàn bà khác - những bà mẹ là khách hàng tiềm năng - thành quả mỹ mãn của bà.

“Ngoài sự hiện diện của dì Vương, mình cũng không biết mẹ mình định mời những ai nữa,” Tuyết Hoa tiếp tục. “Sẽ có nhiều bất ngờ đấy.”

Cả hai cùng im lặng khi mỗi đứa gấp một tấm chăn khác. Tôi liếc nhìn cô, nét mặt cô có vẻ căng thẳng. Lần đầu tiên trong bao năm qua, sự thiếu tự tin của tôi lại nổi lên. Phải chăng Tuyết Hoa vẫn thấy tôi không xứng với cô ấy? Cô có thấy ngượng khi để những người đàn bà ở Thông Khẩu gặp mẹ và thím tôi không? Rồi tôi nhớ ra rằng chúng tôi đang nói chuyện về lễ Ngồi và Hát của cô. Đó chính xác là ý của mẹ Tuyết Hoa.

Tôi cầm lấy một lọn tóc của Tuyết Hoa và vén nó ra sau tai cô. “Mình rất nóng lòng được gặp gia đình bạn. Đó sẽ là khoảng thời gian hạnh phúc.”

Cô có vẻ buồn buồn khi nói, “Mình lo là bạn sẽ thấy thất vọng. Mình đã nói rất nhiều về bố mẹ mình…”

“Cả về Thông Khẩu và ngôi nhà của bạn nữa…”

“Làm sao những điều đó có thể tốt đẹp như những gì bạn tưởng tượng được?”

Tôi bật cười. “Bạn chỉ khéo lo. Mọi điều mình hình dung về gia đình bạn đều y như những bức tranh bằng lời tả đẹp đẽ của bạn.”

BA NGÀY TRƯỚC lễ cưới của tôi, tôi bắt đầu những nghi lễ gắn liền với Ngày Lo lắng và Đau buồn. Mẹ tôi ngồi trên bậc cầu thang thứ tư dẫn đến căn buồng phụ nữ, những người phụ nữ trong thôn đến để chứng kiến cho những lời than khóc của mẹ, và tất cả mọi người đều kêu lên ku ku ku, và xung quanh vang lên tiếng nức nở. Sau khi mẹ tôi và tôi ngừng khóc rồi hát với nhau, tôi lại lặp lại việc đó với bố, chú, thím và các anh em trai của tôi. Lẽ ra lúc đó tôi phải can đảm và hướng tới cuộc sống tương lai, nhưng cả thân xác lẫn tâm hồn tôi đều trở nên yếu ớt bởi tôi đang đói ngấu, cô dâu thì không được phép ăn trong suốt mười ngày cuối cùng của lễ cưới. Có phải dân xứ tôi tuân theo tập tục này để làm chúng tôi buồn hơn khi rời khỏi gia đình, làm chúng tôi lả lướt hơn khi bước về nhà chồng, hay là khiến chúng tôi trở nên tinh khiết hơn đối với chồng mình? Làm sao tôi biết được câu trả lời đây? Tất cả những gì tôi biết là mẹ - giống như hầu hết những người mẹ khác - giấu cho tôi vài quả trứng luộc kỹ ở buồng phụ nữ, nhưng chẳng thấm tháp mấy chút để giúp tôi khỏe khoắn cả, và tình cảm của tôi cứ giảm dần đi theo từng sự kiện mới.

Sáng hôm sau, sự hồi hộp khiến tôi choàng tỉnh, nhưng Tuyết Hoa vẫn nằm ngay cạnh tôi, những ngón tay mềm mại của cô vẫn đặt trên má tôi, cố vỗ về tôi. Hôm nay tôi sẽ được giới thiệu với gia đình chồng tôi, và tôi sợ đến mức không thể ăn kể cả khi được phép ăn. Tuyết Hoa giúp tôi mặc bộ áo cưới mà tôi đã tự tay may lấy - áo choàng ngoài không cổ có thắt đai lưng buông trùm lên chiếc quần dài. Cô đeo vào cổ tay tôi những chiếc vòng gia đình chồng tôi gửi, rồi lại giúp tôi đeo vào những tặng phẩm khác - bông tai, chuỗi hạt, kẹp tóc. Vòng xuyến trên người tôi cứ xủng xoẻng, còn những chiếc bùa nhỏ bằng bạc tôi khâu vào áo cưới của mình thì kêu leng keng nhịp nhàng. Chân tôi xỏ vào đôi giày cưới màu đỏ và đầu tôi trùm chiếc khăn trang trí cầu kỳ tinh xảo với những hạt tròn giả ngọc trai và những món đồ nữ trang nhỏ bằng bạc - tất cả cứ rung lên mỗi khi tôi bước đi, xoay lắc cái đầu, hay khi những cảm xúc của tôi bộc phát ra ngoài. Những chiếc tua đỏ cứ rủ xuống phía trước chiếc khăn trùm đầu, tạo thành một cái mạng che mặt. Cách duy nhất để tôi có thể nhìn thấy mà vẫn giữ được sự đoan trang là nhìn thẳng xuống dưới.

Tuyết Hoa dẫn tôi xuống cầu thang. Tôi không nhìn thấy không có nghĩa là tôi không có những cảm xúc rộn rạo trong mình. Tôi nghe tiếng bước chân khập khiễng của mẹ, nghe thấy chú thím nói chuyện với nhau bằng giọng nói dịu dàng, và tiếng kẽo kẹt từ ghế của bố khi ông đứng dậy. Chúng tôi cùng nhau đi đến miếu thờ họ của Phủ Vĩ, nơi tôi tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho cuộc đời tôi. Từ đầu đến cuối, Tuyết Hoa luôn ở sát bên tôi, dẫn tôi đi qua các con ngõ, thầm thì khích lệ tôi và nhắc tôi phải khẩn trương hết mức vì gia đình chồng tôi sắp đến rồi.

Khi chúng tôi đến nhà, Tuyết Hoa và tôi lại lên gác. Để giúp tôi bình tĩnh, cô nắm tay tôi và cố gắng miêu tả gia đình mới của tôi đang làm gì.

“Hãy nhắm mắt lại và hình dung điều này.” Cô ghé sát lại gần, và tấm mạng che mặt của tôi cứ lay động sau mỗi từ cô nói. “Ông chủ Lữ và bà Lữ chắc chắn phải ăn mặc rất đẹp. Họ, cùng với nhiều bạn hữu và họ hàng, đã lên đường sang Phủ Vĩ. Có một ban nhạc đi cùng, tuyên bố với những người đi đường rằng ngày hôm nay họ sở hữu cả con đường.” Cô hạ giọng. “Còn chú rể ở đâu? Anh ta đang đợi bạn ở Thông Khẩu. Chỉ hai ngày nữa thôi bạn sẽ được gặp anh ta!”

Đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng nhạc. Nghe như ngay ngoài cửa rồi. Tuyết Hoa và tôi đến bên song cửa. Tôi vén tấm khăn che mặt và nhìn ra ngoài. Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy ban nhạc đi cùng hay đám rước, nhưng cả hai đứa đều nhìn thấy một người được phái đi trước đang đi vào ngõ nhà tôi, dừng lại ở ngưỡng cửa nhà, và đưa cho bố tôi một lá thư màu đỏ thông báo rằng gia đình mới của tôi đang đến đón tôi.

Sau đó ban nhạc rẽ vào ngõ, theo sau là một đám đông những người lạ. Khi họ bước tới nhà tôi, sự ồn ào huyên náo bắt đầu. Ở bên dưới, người ta té nước và rắc lá tre vào ban nhạc, kèm theo những tiếng cười và lời trêu đùa theo phong tục. Tôi được gọi xuống nhà. Tuyết Hoa lại nắm tay tôi và dẫn tôi đi. Tôi nghe thấy giọng hát của những người phụ nữ vang lên: “Nuôi nấng một đứa con gái và gả nó đi giống như đắp một con đường đẹp đẽ cho người khác đi lại.”

Chúng tôi bước ra, bà Vương giới thiệu bố mẹ hai bên. Tôi phải tỏ ra hết sức nghiêm trang vào lúc đó khi gia đình chồng lần đầu tiên thoáng nhìn thấy tôi, vì thế tôi còn chẳng dám thì thầm bảo Tuyết Hoa miêu tả cho tôi xem họ trông như thế nào hay liệu cô có thể đoán ra họ đang nghĩ gì về tôi không. Sau đó bố mẹ tôi dẫn đường ra miếu thờ họ, nơi gia đình tôi đặt lên những món ăn cúng tổ tiên đầu tiên trong lễ cưới của tôi. Tuyết Hoa và nhiều cô gái trong thôn ngồi xung quanh tôi. Những món ăn đặc biệt được mang xuống. Rượu rót ra. Những khuôn mặt đều đỏ tưng bừng. Tôi trở thành đối tượng chính bị đám đàn ông và các bà già trêu chọc. Suốt buổi tiệc, tôi hát những lời bi ai và đám đàn bà con gái đáp lại. Tính đến thời điểm này, tôi đã không ăn một bữa thật sự hẳn hoi nào trong vòng bảy ngày, và mùi của thức ăn khiến tôi hoa cả mắt.

Ngày tiếp theo - Ngày Ca hát trong Sảnh đường - chú trọng bữa ăn trưa theo nghi thức. Những món đồ tôi tự tay làm lấy và cuốn sổ dành cho ngày thứ ba sau lễ cưới được trưng ra, cùng với tiếng hát của Tuyết Hoa, đám đàn bà con gái, và tôi. Mẹ và thím dắt tôi đến chiếc bàn ở chính giữa. Ngay khi tôi ngồi xuống ghế, mẹ chồng tôi bèn đặt trước tôi một bát canh bà ấy đã nấu sẵn tượng trưng cho lòng tốt của gia đình chồng tôi. Tôi có thể đánh đổi bất cứ thứ gì để có thể được nếm vài thìa canh ấy.

Tôi không thể nhìn thấy khuôn mặt của mẹ chồng tôi qua tấm khăn che mặt, nhưng khi tôi nhìn xuống dưới thì thấy một đôi “gót sen ba tấc” có vẻ cũng nhỏ nhắn như đôi chân của tôi, tôi thấy choáng váng. Bà không hề đi đôi giày đặc biệt tôi làm tặng bà. Tôi có thể hiểu tại sao. Những hoa văn thêu trên đôi giày này đẹp hơn tất cả những đôi giày tôi từng khâu rất nhiều. Tôi cảm thấy hổ thẹn. Chắc chắn bố mẹ tôi cũng sượng sùng, còn bố mẹ chồng tôi thì thất vọng.

Vào khoảnh khắc kinh khủng đó, Tuyết Hoa lại đến bên tôi và nắm lấy tay tôi. Theo tục lệ, tôi phải rời khỏi buổi tiệc, vì thế cô đưa tôi rời khỏi miếu thờ họ trở về nhà. Cô giúp tôi lên gác, rồi nhấc khăn trùm đầu ra, cởi bỏ bộ áo cưới, mặc bộ váy ngủ và đi giày ngủ cho tôi. Tôi im lặng. Đôi giày hoàn hảo của mẹ chồng tôi khiến tôi bứt rứt, nhưng tôi sợ phải nói ra bất cứ điều gì, kể cả với Tuyết Hoa. Tôi không muốn cô cũng thấy thất vọng về tôi.

Rất khuya đêm hôm đó mọi người trong nhà tôi mới về. Nếu cần phải căn dặn tôi về chuyện chăn gối, thì giờ là lúc phải làm việc đó. Mẹ tôi lên buồng của tôi và Tuyết Hoa ra khỏi đó. Trông mẹ có vẻ lo lắng, và trong giây lát tôi cứ nghĩ bà tới hẳn là để nói với tôi rằng bố mẹ chồng tôi muốn rút lại hôn ước. Mẹ dựa cây gậy vào thành giường và ngồi xuống cạnh tôi.

“Mẹ đã luôn luôn dặn con rằng, bậc phu nhân sẽ không bao giờ để bất cứ thứ gì xấu xí lọt vào cuộc sống của mình,” mẹ nói, “và rằng chỉ qua đau đớn con mới có được cái đẹp.”

Tôi gật đầu vẻ nhũn nhặn, nhưng bên trong thực sự tôi đang gào thét vì kinh hãi. Mẹ đã nói đi nói lại những lời đó suốt thời kỳ bó chân của tôi. Có lẽ nào chuyện chăn gối lại cũng tồi tệ như vậy?

“Mẹ hy vọng con sẽ nhớ, Bách Huệ, rằng đôi khi chúng ta không tránh khỏi sự khó chịu. Con phải can đảm lên. Con đã hứa là sẽ sống hòa hợp. Là bậc phu nhân con phải làm như vậy.”

Rồi mẹ đứng dậy, dựa vào cây gậy và tập tễnh rời khỏi phòng. Những gì mẹ nói chẳng xoa dịu tôi được mấy! Sự quyết tâm, tính mạo hiểm, và sự mạnh mẽ của tôi đã xỉu đi hết cả. Tôi thấy mình thật giống một cô dâu - lo lắng, buồn phiền, và rất hoảng sợ khi phải rời khỏi gia đình.

Khi Tuyết Hoa quay trở lại và nhìn thấy tôi trắng bệch vì sợ hãi, cô ngồi lên chỗ mẹ vừa ngồi ban nãy trên giường và cố an ủi tôi.

“Bạn đã rèn luyện suốt mười năm qua cho giây phút này,” cô dịu dàng đoan chắc với tôi. “Bạn tuân thủ những quy tắc ghi trong Nữ Kinh. Bạn ăn nói dịu dàng nhưng tâm hồn thì mạnh mẽ. Bạn chải tóc với dáng điệu đoan trang. Bạn không tô son điểm phấn. Bạn biết cách xe sợi bông và len, biết dệt vải, khâu vá, thêu thùa. Bạn biết nấu nướng, lau chùi nhà cửa, giặt giũ, giữ trà luôn ấm nóng và uống được, đốt lửa trong lò sưởi. Bạn biết chăm sóc đôi chân thật tốt và đúng cách. Bạn biết gỡ lớp vải bó chân mỗi tối trước khi đi ngủ. Bạn biết rửa chân kỹ càng và dùng đúng lượng dầu thơm trước khi quấn lớp vải bó chân sạch sẽ vào.”

“Thế còn... chuyện chăn gối?”

“Về chuyện đó á? Chú thím của bạn đã rất sung sướng khi làm chuyện này. Bố mẹ bạn đã làm chuyện đó vừa đủ để sinh được nhiều con. Nó còn chẳng nặng nhọc bằng thêu thùa hay lau dọn cơ.”

Tôi đã thấy dễ chịu hơn một chút, nhưng Tuyết Hoa vẫn chưa thôi. Cô giúp tôi leo lên giường, nằm ôm lấy tôi, tiếp tục ca ngợi tôi.

“Bạn sẽ là người mẹ tốt, vì bạn rất chu đáo,” cô thầm thì vào tai tôi. “Mà bạn cũng sẽ là người thầy giỏi nữa. Tại sao mình biết điều đó ư? Hãy nhìn vào những gì bạn đã dạy mình mà xem.” Cô ngừng lại giây lát, để chắc rằng cả cơ thể và tâm hồn của tôi đều đã thu nhận những gì cô nói, trước khi đề cập đến vấn đề thực tế hơn nhiều. “Và hơn nữa, mình đã quan sát cách nhà họ Lữ nhìn bạn hôm qua và hôm nay.”

Tôi xoay người ra khỏi vòng tay cô và quay mặt lại phía cô. “Kể đi. Kể mọi thứ cho mình nghe với.”

“Có nhớ khi bà Lữ mang đến cho bạn bát canh không?”

Tất nhiên là tôi nhớ. Đó chính là sự khởi đầu cho chuỗi tưởng tượng về cuộc sống ê chề của tôi trong tương lai.

“Cả người bạn run lên,” Tuyết Hoa tiếp tục. “Bạn đã làm thế nào vậy? Mọi ánh mắt trong phòng đều đổ dồn vào bạn. Mọi người bàn tán về sự mỏng manh và căng thẳng của bạn. Khi bạn ngồi đó, mái đầu hơi cúi xuống, điều đó cho thấy bạn quả là một cô gái hoàn hảo, bà Lữ nhìn sang phía ông chủ Lữ. Bà ấy mỉm cười vẻ hài lòng và ông ấy cũng mỉm cười đáp lại. Rồi bạn sẽ thấy, bà Lữ là người nghiêm khắc, nhưng lại có trái tim nhân hậu.”

“Nhưng...”

“Và cái cách cả đám rước dâu nhà họ Lữ xem xét đôi chân của bạn! Ôi! Bách Huệ! Mình tin chắc tất cả mọi người trong thôn sẽ rất vui khi biết rằng một ngày nào đó bạn cũng sẽ trở thành một bà Lữ mới. Nào, giờ thì cố ngủ đi. Bạn còn có nhiều ngày dài ở phía trước nữa.”

Chúng tôi nằm đối diện nhau. Tuyết Hoa đặt bàn tay cô lên má tôi như cô vẫn hay làm. “Nhắm mắt lại đi.” Cô nhẹ nhàng bảo tôi. Tôi làm theo lời cô.

NGÀY TIẾP THEO, gia đình chồng tôi đến Phủ Vĩ đủ sớm để đón tôi và đưa tôi về Thông Khẩu vào cuối buổi chiều hôm đó. Khi tôi nghe thấy tiếng ban nhạc từ ngoài thôn, tim tôi bắt đầu đập nhanh. Tôi không thể khiến nó đập chậm lại được, nhưng nước mắt lại ứa ra. Mẹ, thím, chị gái và Tuyết Hoa đều bật khóc khi đưa tôi xuống nhà. Những người được nhà chồng tôi phái đi trước bước đến ngưỡng cửa. Anh trai và em trai tôi giúp đưa của hồi môn của tôi lên chiếc kiệu đang đợi sẵn. Tôi đội khăn trùm đầu, thế nên tôi lại chẳng nhìn thấy gì nữa cả, nhưng tôi vẫn nghe thấy giọng nói của mọi người trong gia đình khi đến lễ Gọi và Đáp theo truyền thống cuối cùng.

“Một người đàn bà sẽ không có chút giá trị nào nếu cô ta không rời khỏi thôn mình.” Mẹ tôi kêu lên.

“Tạm biệt mẹ,” tôi hát đáp lại với mẹ. “Cảm ơn mẹ đã nuôi dưỡng đứa con gái vô dụng này.”

“Tạm biệt con gái,” bố tôi nói dịu dàng.

Khi nghe tiếng bố tôi, hai dòng nước mắt tôi tuôn rơi. Tôi vịn vào lan can cầu thang dẫn lên căn buồng trên gác. Đột nhiên tôi không muốn rời khỏi nhà chút nào nữa.

“Là đàn bà, chúng ta được sinh ra để rồi rời khỏi quê nhà,” thím tôi hát lên. “Con giống như chú chim bay vào bầu trời và không bao giờ trở lại.”

“Cảm ơn thím, vì luôn làm con cười. Cảm ơn thím đã giúp con hiểu được ý nghĩa thật sự của khổ đau. Cảm ơn thím đã chia sẻ những tài năng đặc biệt với con.”

Những tiếng nức nở của thím vọng đến tai tôi. Tôi không thể để thím than khóc một mình. Nước mắt tôi rớt xuống cùng thím.

Nhìn xuống, tôi thấy đôi bàn tay rám nắng của chú trên tay tôi, nhấc những ngón tay tôi ra khỏi lan can.

“Kiệu hoa đang đợi con ở ngoài kia,” chú nói, giọng chú như vỡ ra vì xúc động.

“Chú…”

Rồi tôi nghe thấy giọng các anh, chị, em, mọi người đều gửi đến tôi những lời từ biệt. Tôi muốn chính mắt mình nhìn thấy họ thay vì bị cái mạng che mặt màu đỏ này bịt mắt.

“Anh cả, cảm ơn anh vì đã đối tốt với em,” tôi hát lên. “Em trai, cảm ơn em vì đã để chị chăm sóc em khi em còn quấn tã. Chị gái, cảm ơn vì lòng kiên trì của chị.”

Bên ngoài, ban nhạc càng chơi to hơn. Tôi đưa tay ra. Bố mẹ tôi nắm lấy và dìu tôi qua ngưỡng cửa. Khi tôi bước ra khỏi cửa, khăn che mặt tôi chợt đung đưa. Qua mấy kẽ hở nhỏ, tôi nhìn thấy chiếc kiệu được phủ toàn bằng hoa và lụa đỏ. Kiệu Hoa của tôi rất đẹp.

Tất cả mọi điều tôi đã kể từ khi hôn ước của tôi được định đoạt sáu năm trước đây ào về choán lấy tâm trí tôi. Tôi sẽ lấy “một con hổ”, mối duyên tốt lành nhất dành cho tôi, theo như lá số tử vi của tôi đoán định. Chồng tôi khỏe mạnh, thông minh, và có học thức. Gia đình anh ta được trọng vọng, giàu có và hào phóng. Tôi đã liếc thấy tất cả những điều này qua chất lượng và số lượng của món quà thách cưới, và bây giờ những điều đó lại được phô bày qua chiếc kiệu hoa. Tôi buông tay bố mẹ ra và họ để cho tôi đi.

Tôi dò dẫm tiến hai bước về phía trước rồi dừng lại. Tôi không biết mình đang đi về phía nào. Tôi giơ tay ra, mong Tuyết Hoa sẽ nắm lấy. Như mọi khi, cô đến bên tôi. Những ngón tay của cô nắm lấy tay tôi, rồi cô đưa tôi lên kiệu. Cô mở cửa. Tôi nghe thấy tiếng khóc dậy lên xung quanh. Mẹ và thím tôi hát lên giai điệu buồn bã - những lời thường dành để tạm biệt con gái. Tuyết Hoa ghé lại sát gần tôi và thì thầm để chỉ mình tôi nghe thấy.

“Nhớ rằng, mình và bạn mãi mãi là lão đồng nhé.” Sau đó, cô rút từ trong tay áo ra một vật gì đó và nhét vào trong áo choàng của tôi. “Mình đã làm nó cho bạn,” cô nói. “Hãy đọc trên đường đến Thông Khẩu. Mình sẽ gặp bạn ở đó.”

Tôi bước lên kiệu. Những người khiêng kiệu nhấc bổng tôi lên và khởi kiệu lên đường. Mẹ, thím, bố, Tuyết Hoa và những người bạn của tôi ở Phủ Vĩ đi theo đám rước dâu đến tận đầu thôn, nói với theo những lời chúc tốt lành cuối cùng. Tôi ngồi một mình trong kiệu, bật khóc.

Tại sao tôi lại sướt mướt như thế trong khi tôi sẽ được về nhà sau ba ngày nữa? Tôi không thể giải thích được điều này: chúng tôi thường gọi việc đi lấy chồng là bất lạc phu gia, chưa về ở hẳn gia đình chồng ngay lập tức. Lạc nghĩa là rơi rụng, giống như những chiếc lá phải lìa cành vào mùa thu hay sự chết đi. Và theo thổ âm của xứ tôi từ thê (vợ) nghe giống với từ khách (khách khứa). Suốt quãng đời còn lại của mình, tôi sẽ chỉ là người khách trong gia đình chồng mà thôi - không phải là loại khách được mời những bữa ăn đặc biệt, được tặng quà, được yêu quý, hay được ngủ trên những chiếc giường êm ái, mà là kiểu khách sẽ mãi mãi bị xem như người ngoài, xa lạ và đáng ngờ vực.

Tôi thò tay vào bên trong chiếc áo choàng và lấy ra món đồ của Tuyết Hoa. Đó là chiếc quạt của chúng tôi, bọc trong miếng vải. Tôi mở nó ra, đoán trước những lời lẽ hạnh phúc cô viết cho tôi. Mắt tôi lướt qua từng nếp gấp cho đến khi tôi nhìn thấy lời nhắn của cô: Đôi chim đang bay - hai trái tim hòa chung nhịp đập. Mặt trời rọi chiếu trên những đôi cánh, ấp lấy chúng trong hơi ấm trị thương. Mặt đất bát ngát dưới kia - tất cả đều là của chúng. Trên vòng lá ở mép quạt có đôi chim nhỏ chắp cánh liệng bay: chồng tôi và tôi. Tôi thích lắm khi Tuyết Hoa đã đặt chồng tôi vào bảo vật quý giá nhất của chúng tôi.

Sau đó, tôi trải chiếc khăn tay dùng bọc chiếc quạt lên đùi. Khi tôi nhìn xuống, chiếc khăn che mặt đung đưa theo chuyển động của những người khiêng kiệu, tôi nhận thấy cô đã thêu một lá thư bằng thứ ngôn ngữ bí mật để chúc mừng khoảnh khắc đặc biệt nhất này.

Lá thư mở đầu bằng cách viết truyền thống dành cho cô dâu:

Mình cảm thấy như có bao mũi dao đâm vào tim mình khi viết cho bạn những dòng này. Chúng ta đã thề nguyền sẽ không bao giờ rời xa nhau nửa bước, rằng sẽ không bao giờ có một lời bất nhẫn giữa hai chúng ta.

Những từ này ghi trong thỏa ước của hai đứa tôi, và tôi mỉm cười khi nhớ lại.

Mình cứ nghĩ chúng ta sẽ được sống bên nhau trọn đời. Chưa bao giờ mình tin rằng ngày này sẽ đến. Thật đáng buồn là kiếp này chúng ta đã đầu thai nhầm - làm thân con gái - nhưng đó là số mệnh của chúng ta. Bách Huệ, chúng ta giống như đôi uyên ương. Giờ mọi thứ đã thay đổi. Những ngày tới đây bạn sẽ được biết nhiều điều về mình. Mình luôn áy náy không yên và sợ hãi. Mình đã khóc, cả tiếng khóc vỡ òa và sự thổn thức trong tim, mình sợ bạn sẽ không còn yêu quý mình nữa. Nhưng xin bạn nhớ rằng dù bạn có nghĩ gì về mình thì tấm lòng của mình đối với bạn sẽ không bao giờ thay đổi.

Tuyết Hoa

Bạn có thể tưởng tượng lúc đó tôi cảm thấy thế nào không? Tuyết Hoa im lặng trong suốt mấy tuần lễ vừa qua, vì cô lo tôi sẽ không còn yêu quý cô nữa. Nhưng sao có thể như vậy được? Ngồi trên kiệu hoa về nhà chồng, tôi biết không gì có thể thay đổi tình cảm của tôi dành cho Tuyết Hoa. Tôi có cảm giác khủng khiếp về một điềm báo gì đó và muốn hét lên bảo những người khiêng kiệu cho tôi quay về nhà để tôi có thể xoa dịu những nỗi sợ hãi của lão đồng.

Nhưng rồi chúng tôi đã đến cổng chính của thôn Thông Khẩu. Pháo nổ tưng bừng; tiếng kèn trống vang lên rổn rảng. Người ta gỡ của hồi môn của tôi xuống. Tất cả những món đồ đó phải đưa thẳng đến nhà mới của tôi ngay lập tức để chồng tôi có thể thay bộ đồ cưới mà tôi may cho anh. Rồi tôi nghe thấy một âm thanh khủng khiếp nhưng quen thuộc. Đó là tiếng kêu của những con gà bị cắt tiết. Bên ngoài kiệu hoa của tôi, ai đó đã vẩy máu gà lên mặt đất để xua đuổi lũ tà ma có thể đã đến cùng với tôi.

Sau cùng cửa kiệu được mở ra, và người đàn bà đứng đầu trong thôn giúp đưa tôi xuống kiệu. Thực ra, người phụ nữ đứng đầu trong thôn chính là mẹ chồng tôi, nhưng trong dịp này, đó lại phải là người đàn bà có nhiều con trai nhất ở Thông Khẩu. Bà dẫn tôi vào nhà mới, tôi bước qua ngưỡng cửa và ra mắt bố mẹ chồng. Tôi quỳ xuống trước mặt họ, khấu đầu chạm đất ba lần. “Con sẽ nghe theo lời bố mẹ chỉ bảo,” tôi nói. “Con sẽ làm những việc bố mẹ sai bảo.” Sau đó, tôi rót trà cho họ. Rồi tôi được đưa vào động phòng, ngồi lại một mình, cánh cửa phòng mở toang. Chỉ giây lát nữa là tôi sẽ được gặp mặt chồng tôi. Tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này từ cái lần đầu tiên bà Vương đến nhà để xem bàn chân của tôi, nhưng tôi vẫn thấy bối rối, khích động, không biết phải làm gì. Người đàn ông này hoàn toàn xa lạ, vì thế, tự nhiên tôi thấy tò mò về anh. Anh sẽ là cha của các con tôi, vì vậy tôi rất lo lắng không biết chuyện đó sẽ diễn ra như thế nào. Và tôi lại vừa mới nhận được lá thư bí mật của lão đồng nên tôi đang rầu cả ruột vì lo lắng cho cô.

Tôi nghe thấy người ta kéo chiếc bàn ra để chặn cửa. Tôi hơi nghiêng đầu đi một chút, chiếc mạng che mặt nghiêng theo, và tôi thấy bố mẹ chồng tôi đang xếp những chiếc chăn cưới của tôi lên bàn và đặt hai chén rượu - một chén buộc sợi chỉ xanh, một chén buộc sợi chỉ đỏ, rồi cả hai chiếc chén được buộc lại với nhau - lên trên đống chăn đó.

Chồng tôi bước vào phòng chờ. Mọi người đều chúc tụng anh. Lúc này, tôi không cố để nhìn trộm. Tôi muốn nhất nhất tuân theo phong tục trong lần gặp gỡ đầu tiên này. Từ chỗ anh phía bên kia chiếc bàn, anh cầm lấy sợi chỉ xanh. Từ chỗ tôi bên này, tôi cầm lấy sợi chỉ đỏ. Sau đó, anh bước qua đống chăn trèo qua bàn và nhanh chóng nhảy vào phòng. Với hành động này, chúng tôi chính thức thành vợ chồng.

Tôi có thể nói gì về chồng mình vào giây phút đầu tiên chúng tôi đứng bên nhau đây? Tôi có thể ngửi thấy anh đã tắm rửa thân thể sạch sẽ thơm tho. Khi nhìn xuống, tôi thấy đôi giày mà chính tay tôi đã may vừa khít đẹp đẽ trên đôi chân anh và chiều dài chiếc quần cưới màu đỏ rất vừa vặn. Nhưng khoảnh khắc ấy trôi qua rất mau, và chúng tôi phải tiếp tục màn Chọc ghẹo và Hò hét trong Động Phòng. Những người bạn của chồng tôi xông vào, bước đi lảo đảo và nói năng lè nhè vì uống quá nhiều rượu. Họ cho chúng tôi những hạt lạc và quả chà là để chúc chúng tôi sinh được nhiều con. Họ tặng chúng tôi kẹo để cuộc sống của chúng tôi sẽ luôn ngọt ngào. Nhưng họ không đưa cho tôi chiếc bánh bao mà chỉ đưa cho chồng tôi. Không! Họ buộc chiếc bánh bao bằng một sợi dây và lắc lư trước miệng tôi. Họ bắt tôi phải nhảy lên để cắn được, và chắc mẩm rằng tôi sẽ không bao giờ với tới. Lúc đó, họ bày ra đủ trò. Bạn biết những trò đùa kiểu đó rồi đấy. Chồng tôi tối nay sẽ khỏe như bò mộng, còn tôi sẽ ngoan ngoãn như một chú cừu non, hay cặp vú tôi như hai trái đào tơ sẵn sàng dứt tung lớp vải của chiếc áo cưới, hay hạt giống của chồng tôi sẽ sai như hạt lựu, hay nếu chúng tôi làm được tư thế đặc biệt bảo đảm sẽ sinh được con trai đầu lòng. Những trò này đâu đâu cũng giống nhau - được phép nói những lời thô tục cấm kỵ vào đêm động phòng của bất kỳ đám cưới nào ở bất cứ nơi đâu. Và tôi vờ hùa theo, nhưng thực ra tôi phát điên lên được.

Tôi đã ở Thông Khẩu được một lúc lâu rồi. Giờ đã là quá nửa đêm. Ngoài phố, hàng xóm láng giềng vẫn đang ăn uống, nhảy múa, chúc tụng. Một băng pháo mới lại nổ ran, báo hiệu mọi người đang ra về. Một lúc lâu sau, bà Vương đóng cửa động phòng, giờ chỉ còn lại riêng chồng tôi và tôi.

Anh nói, “chào nương tử.”

Tôi đáp, “chào phu quân.”

“Nàng đã ăn gì chưa?”

“Thiếp không được phép ăn bất cứ thứ gì trong hai ngày nữa.”

“Có đậu phụng và quả chà là đó,” anh nói, “nếu nàng muốn ăn ta sẽ không nói với ai đâu.”

Tôi lắc đầu và những hạt tròn tròn nho nhỏ trên khăn trùm đầu lúc lắc và những mẩu bạc rung lên trông thật đáng yêu. Tấm mạng che mặt nghiêng đi và tôi thấy anh đang liếc xuống. Anh nhìn đôi bàn chân tôi. Tôi đỏ mặt. Tôi nín thở, hy vọng rằng tấm mạng che mặt cứ nằm im thế để anh không thể thấy những cảm xúc đang lồ lộ trên má tôi. Tôi không di chuyển và anh cũng vậy. Tôi chắc rằng anh vẫn đang ngắm nghía tôi. Tôi chỉ có thể chờ đợi mà thôi.

Sau cùng, chồng tôi nói, “Mọi người nói với ta rằng nàng rất xinh đẹp. Có đúng vậy không?”

“Hãy giúp thiếp nhấc tấm khăn trùm đầu ra và chàng sẽ thấy.”

Nghe có vẻ điệu đà hơn so với dự định của tôi, nhưng chồng tôi chỉ bật cười. Giây lát sau, anh nhấc tấm khăn che mặt ra và đặt nó lên chiếc bàn bên cạnh. Anh quay lại đối diện với tôi. Chúng tôi đứng cách nhau chừng một mét. Anh chạm vào khuôn mặt tôi và tôi cũng mạnh dạn chạm vào khuôn mặt anh. Mọi điều bà Vương và Tuyết Hoa kể với tôi về anh đều là sự thật. Khuôn mặt anh không hề có bất kỳ vết rỗ hay vết sẹo nào. Da anh không đen như da bố và chú tôi, điều đó cho thấy anh không mấy khi phải làm việc ngoài đồng. Anh có đôi gò má cao và một cái cằm trông khá tự tin nhưng không vênh váo. Mớ tóc xù xì rủ xuống trán, khiến ánh mắt anh có vẻ vô tư lự. Đôi mắt anh ánh lên vẻ hài hước.

Anh bước tới nắm lấy bàn tay tôi, và nói, “ta nghĩ chúng mình sẽ hạnh phúc bên nhau, nàng và ta.”

Một cô gái Dao mười bảy tuổi còn có thể mong đợi lời nói nào tuyệt vời hơn thế? Cũng như chồng mình, tôi nhìn thấy một tương lai huy hoàng ở phía trước. Đêm đó, chồng tôi tuân theo những thủ tục truyền thống, kể cả việc tháo đôi giày cô dâu ra và đi đôi dép ngủ màu đỏ vào cho tôi nữa. Tôi đã quen với cách đụng chạm nhẹ nhàng của Tuyết Hoa đến mức tôi không biết phải diễn tả cảm giác của tôi như thế nào khi bàn tay chồng tôi chạm vào đôi chân tôi, ngoại trừ việc sự đụng chạm đó còn xa mới thầm kín bằng những gì diễn ra sau đó. Tôi không hề biết mình đang làm gì, nhưng anh cũng không biết nốt. Tôi chỉ cố tưởng tượng xem Tuyết Hoa sẽ làm gì nếu cô nằm dưới người đàn ông xa lạ này thay vì tôi.

VÀO NGÀY THỨ HAI sau lễ cưới, tôi dậy sớm. Tôi để chồng mình nằm ngủ và đi ra gian đại sảnh. Bạn có biết cái cảm giác phát ốm vì lo lắng không? Đó là điều tôi cảm thấy kể từ giây phút đọc lá thư của Tuyết Hoa, nhưng tôi chẳng thể làm được gì cả - trong suốt lễ cưới của đêm hôm qua, và thậm chí bây giờ cũng vậy. Tôi phải gắng tuân theo nghi thức bắt buộc cho đến khi tôi được gặp lại cô. Nhưng điều này quả là khó khăn, vì tôi quá đói, kiệt sức và ê ẩm toàn thân. Hai bàn chân tôi nhức mỏi vì phải đi bộ quá nhiều suốt mấy ngày nay. Tôi còn bị lạ nhà nữa, nhưng tôi cố xóa đi những dấu vết mệt mỏi đó khi tôi đi vào nhà bếp, nơi một cô hầu gái chừng mười tuổi ngồi xổm, rõ ràng là đang chờ tôi. Người hầu riêng của tôi - chưa ai nói với tôi về điều này cả. Không ai ở Phủ Vĩ có người hầu, nhưng tôi nhận ra cô bé là người hầu vì chân nó không được bó. Tên cô bé là Dũng Cảm, có nghĩa là gan dạ và rắn rỏi như gang thép. (Về sau, điều này được chứng tỏ là đúng). Cô bé bắt đầu nhóm lò và xách nước vào trong bếp. Tất cả những gì tôi phải làm là đun nước nóng để mang vào cho bố mẹ chồng tôi rửa mặt. Tôi cũng pha trà cho mọi người trong nhà, và khi họ bước vào bếp, tôi rót trà mà không để rớt ra ngoài giọt nào.

Trong ngày hôm đó, gia đình chồng tôi gửi thêm một khúc thịt lợn và bánh ngọt nữa cho gia đình tôi. Nhà họ Lữ tổ chức một bữa tiệc lớn ở miếu thờ họ, nhưng lại là một bữa tiệc nữa tôi không được phép ăn. Trước mặt mọi người, chồng tôi và tôi vái trời, đất, bố mẹ chồng và tổ tiên nhà họ Lữ. Sau đó chúng tôi đi vào trong miếu thờ họ, cúi đầu chào những người lớn tuổi hơn chúng tôi. Đến lượt mình, họ lại tặng chúng tôi những món tiền được bỏ trong phong bao đỏ. Sau đó chúng tôi quay về động phòng.

Ngày tiếp theo, ngày thứ ba của lễ cưới, là ngày mà tất cả các cô dâu đều mong chờ, vì cuốn sổ ngày thứ ba sau lễ cưới do gia đình và bạn bè của cô dâu viết sẽ được mang ra đọc. Nhưng lúc này tôi chỉ nghĩ đến Tuyết Hoa và tôi sẽ gặp lại cô trong nghi lễ này.

Chị gái và chị dâu tôi đến, mang theo cuốn sổ và đồ ăn mà cuối cùng tôi cũng được phép ăn. Nhiều phụ nữ ở Thông Khẩu cũng tham gia vào nhóm đàn bà con gái trong gia đình chồng tôi để đọc cuốn sổ đó, nhưng không hề thấy Tuyết Hoa hay mẹ cô đến. Tôi không thể hiểu nổi tại sao. Tôi thấy đau đớn lắm… và sợ hãi vì sự vắng mặt của Tuyết Hoa. Tôi đang ở cái thời khắc sung sướng nhất trong mọi nghi thức của lễ cưới, vậy mà tôi không sao vui nổi.

Tam triều thư của tôi có cả những dòng theo thông lệ viết về sự nghèo khổ của gia đình tôi mà từ đây tôi sẽ không còn phải chịu đựng nữa. Đồng thời, cuốn sổ cũng ca tụng những phẩm chất của tôi và lặp đi lặp lại những lời kiểu như Giá mà chúng ta có thể thuyết phục được gia đình bên ấy đợi thêm vài năm nữa mới đón con đi, hay Buồn biết bao khi giờ đây chúng ta phải xa lìa, và khẩn khoản mong gia đình chồng tôi khoan dung độ lượng kiên nhẫn dạy bảo tôi các tập tục của gia đình. Phần Tam triều thư do Tuyết Hoa viết đúng như tôi dự đoán, gắn với tình yêu loài chim của cô. Nó mở đầu thế này, Phượng hoàng sánh với kim kê, mối nhân duyên thiên định. Lại chỉ là kiểu bày tỏ tình cảm thông thường, dù là xuất phát từ lão đồng của tôi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play