HÔM SAU, MỸ NGUYỆT TRỞ VỀ NHÀ, chúng _tôi lại trở lại làm việc. Mấy tháng trước, nhà chồng tương lai của chúng tôi đã Chọn Ngày cho đám cưới của chúng tôi, cùng với những món quà đầu tiên trong lễ vật xin cưới chính thức - thịt lợn và bánh kẹo nhiều hơn, cùng những chiếc thùng gỗ rỗng để đựng của hồi môn chúng tôi tự tay làm lấy. Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, họ gửi vải đến.

Tôi đã kể với bạn rằng mẹ và thím tôi may quần áo cho cả nhà, và giờ đây Mỹ Nguyệt và tôi đều thông thạo việc dệt vải. Nhưng khi tôi nghĩ về những gì chúng tôi làm ra thì cụm từ cây nhà lá vườn xuất hiện trong đầu tôi. Bông là do bố và chú trồng, việc thu hoạch là do những người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm, sáp ong dùng để tạo kiểu và thuốc nhuộm để nhuộm vải thành màu chàm mà chúng tôi dùng rất dè sẻn vì chúng tôi phải tiết kiệm.

Khác với thứ vải chúng tôi tự dệt lấy, tôi có thể so sánh đồ cưới của mình với vải may áo khoác, quần dài và khăn trùm đầu của Tuyết Hoa, vốn thường được may từ những loại vải đẹp và thêu hoa văn công phu lên bộ quần áo kiểu cách tân thời. Một trong những bộ quần áo Tuyết Hoa mặc hồi đó mà tôi thích nhất may bằng vải màu chàm. Kiểu trang trí phức tạp của mảnh vải chàm và kiểu cắt may của chiếc áo khoác đẹp hơn bất cứ bộ quần áo nào những người đàn bà có chồng ở Phủ Vĩ có thể có hay làm ra được. Tuy vậy, Tuyết Hoa mặc nó thoải mái cho đến khi nó bắt đầu phai màu và sờn rách. Điều tôi muốn nói là loại vải và kiểu cắt của nó khiến tôi nảy ra một ý định. Tôi muốn may cho mình những bộ quần áo phù hợp để mặc hàng ngày ở Thông Khẩu.

Nhưng xấp vải bông gia đình nhà chồng gửi cho tôi như một phần của đồ thách cưới đã thay đổi tất cả những dự định của tôi. Nó thật mềm mại, trơn tru, kiểu mẫu phức tạp và nhuộm màu chàm đậm được người Dao xem là loại đắt giá. Với món quà này, tôi nhận ra rằng tôi còn có nhiều điều phải học hỏi và vươn tới, nhưng ngay cả loại vải bông này cũng không thể so sánh được với lụa. Loại lụa mang đến cho tôi không chỉ rất tốt mà còn có màu sắc hoàn hảo. Màu đỏ không chỉ dành cho ngày cưới, mà còn dành cho các dịp lễ lạt, lễ mừng Năm Mới, và những dịp lễ hội khác. Màu tía và màu xanh lục, cả hai thường dành cho người vợ trẻ. Màu xanh xám của bầu trời trước cơn bão và xanh lục ngả xám của chiếc ao ở thôn mùa hạ dành cho khi tôi đã trở thành một mệnh phụ, và sau đó là một góa phụ. Màu đen và xanh đen dành cho những người đàn ông trong gia đình chồng. Một vài tấm là lụa trơn, còn những tấm khác được dệt với họa tiết hình song hỷ, hoa mẫu đơn, hay những đám mây.

Những súc vải lụa và vải bông gia đình chồng tôi gửi sang không được đưa cho tôi để tôi làm gì tùy thích. Chúng được dùng để chuẩn bị của hồi môn cho tôi, cũng như Mỹ Nguyệt và Tuyết Hoa dùng những món quà của họ để chuẩn bị của hồi môn cho mình. Chúng tôi phải làm các bộ chăn mền, bao gối, giày và quần áo đủ dùng cho cả đời, vì đàn bà người Dao tin rằng họ sẽ không nên nhận thêm bất cứ thứ gì của nhà chồng. Chăn mền! Để tôi kể cho các bạn nghe về những thứ này! Công việc làm chăn quả là chán ngắt và nóng nực. Tuy nhiên, vì mọi người tin rằng mình càng mang được nhiều chăn về nhà chồng thì sẽ càng có nhiều con, nên chúng tôi cố làm càng nhiều càng tốt.

Việc bọn tôi thích làm là khâu giày. Chúng tôi khâu giày cho chồng, cho mẹ chồng, bố chồng và tất thảy mọi người trong gia đình chồng, bao gồm cả anh, chị, em chồng và những đứa con của họ. (Thật may mắn, chồng tôi lại là con trưởng. Anh ấy chỉ có ba người em trai. Giày của đàn ông thì không quá cầu kỳ, vì thế tôi có thể may chúng nhanh chóng. Gánh nặng của Mỹ Nguyệt lớn hơn. Gia đình mới của cô chỉ có một người con trai, ngoài ra là bố mẹ chồng, năm chị em gái, chú thím và ba đứa con của họ). Bọn con gái chúng tôi cũng phải may mười sáu đôi giày cho mình, bốn đôi dành cho bốn mùa. So với những thứ khác thì đây là những thứ mà chúng tôi phải chăm chút tới từng đường kim mũi chỉ, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy sung sướng với kiến thức đó, vì chúng tôi có thể dành hết tâm sức cho từng đôi. Việc khâu giày cho phép thể hiện kỹ năng cũng như thẩm mỹ của chúng tôi, nhưng nó cũng gửi đi một thông điệp vui vẻ và lạc quan. Theo thổ âm xứ tôi, từ hài (giày) phát âm giống với từ nhi (con). Cũng giống với việc may chăn, người ta quan niệm rằng càng khâu được nhiều giày thì càng sinh được nhiều con. Sự khác biệt chỉ là việc khâu giày đòi hỏi phải cầu kỳ tỉ mỉ, còn may chăn thì lại là công việc nặng nhọc. Vì ba đứa chúng tôi làm việc cạnh nhau, nên chúng tôi thi với nhau theo một cách thân thiện nhất xem ai tạo ra được những kiểu mẫu đẹp nhất cho lớp ngoài của mỗi đôi giày, đồng thời phải làm được lớp lót bên trong chắc chắn và nâng đỡ đôi chân tốt nhất.

Gia đình tương lai của chúng tôi đã gửi cho chúng tôi cỡ chân của những người bên nhà họ. Chúng tôi chưa gặp chồng mình nên không biết họ có cao lớn hay rỗ mặt không, nhưng chúng tôi biết cỡ chân của họ. Chúng tôi là những cô gái trẻ - lãng mạn như bất cứ người con nào ở độ tuổi ấy - và chúng tôi tưởng tượng ra tất cả mọi điều về chồng mình từ những cỡ chân đó. Một số điểm hóa ra lại đúng. Nhưng hầu hết là không.

Chúng tôi dùng những cỡ chân đó để cắt những mảnh vải bông, rồi dán ba lớp vải vào cùng với nhau. Chúng tôi làm vài bộ như vậy và đặt chúng lên bệ cửa sổ để phơi khô. Suốt hội Nghênh Phong, chúng khô rất nhanh. Khi đã khô hết, chúng tôi chụm ba chiếc vào với nhau, và khâu thành một cái đế giày dày dặn và chắc chắn. Hầu hết mọi người đều lặp lại những mẫu đơn giản trông giống như những hạt thóc, nhưng chúng tôi muốn gây ấn tượng với gia đình mới của mình, vì thế chúng tôi thêu nhiều kiểu khác hẳn: hình cánh bướm trải rộng ra cho đôi giày của chồng tôi, hình hoa cúc rực rỡ cho mẹ chồng, hình con dế trên cành cho bố chồng. Thêu thùa cầu kỳ như vậy trong khi đó chỉ là những chiếc đế giày, nhưng chúng tôi lại xem đó là lời nhắn nhủ với những người chúng tôi hy vọng sẽ được họ thương yêu khi chúng tôi về làm dâu.

Như tôi đã kể, năm đó trời nóng như thiêu như đốt suốt hội Nghênh Phong. Ở căn buồng trên gác chúng tôi nóng vã mồ hôi. Dưới nhà cũng chỉ mát mẻ hơn chút xíu. Chúng tôi uống trà, hy vọng nó sẽ giúp làm cơ thể dễ chịu hơn, nhưng thậm chí ngay cả khi chỉ mặc những chiếc áo ngoài và quần dài mùa hè mỏng nhẹ nhất chúng tôi vẫn thấy nóng ngột ngạt. Vì thế, chúng tôi thường nói chuyện về những ngày mát mẻ khi còn thơ bé. Tôi nói về chuyện mình đã nhúng chân xuống dòng sông ra sao. Mỹ Nguyệt nhớ lại mình đã chạy băng qua cánh đồng vào độ cuối thu khi không khí khô và lạnh lướt trên má cô. Tuyết Hoa từng đi lên mạn phía Bắc với bố cô và nếm trải gió lạnh buốt thổi từ Mông Cổ sang. Tất cả những thứ đó cũng không làm dịu bớt được cảm giác nồng nực của chúng tôi. Chúng còn khiến chúng tôi thấy bứt rứt nữa kia.

Bố và chú cảm thấy tội nghiệp cho bọn tôi. Họ hiểu về sự khắc nghiệt của thời tiết hơn chúng tôi nhiều. Hàng ngày họ phải làm việc dưới cái nắng như thiêu như đốt. Nhưng chúng tôi nghèo. Chúng tôi không có được khoảng sân nhỏ trong nhà để đi dạo mát, hay một mảnh đất nơi chúng tôi được những người khiêng kiệu đưa đến ngồi dưới những bóng cây mát mẻ, hay bất kỳ nơi nào chúng tôi không còn bị săm soi bởi những người xa lạ. Thay vào đó, bố lấy mấy mảnh vải của mẹ, và cùng với chú giăng thành một cái lán cho chúng tôi ở mạn phía Bắc ngôi nhà. Sau đó, họ trải một vài chiếc chăn bông mùa đông lên mặt đất để chúng tôi có được chỗ ngồi êm ái.

“Đàn ông ở ngoài đồng suốt ngày,” bố nói. “Họ không nhìn thấy bọn con đâu. Trong khi chờ cho đến lúc thời tiết thay đổi, các con có thể làm việc ở đây. Đừng nói với mẹ các con về việc này.”

Mỹ Nguyệt đã quen đi đến nhà các chị em kết nghĩa trong những buổi thêu thùa hay đại loại như thế, nhưng tôi chưa hề ra loanh quanh Phủ Vĩ như vậy từ tuổi thơ sữa. Chắc chắn là tôi đã bước ra khỏi ngưỡng cửa để leo lên kiệu của bà Vương và đi hái rau trong vườn nhà. Nhưng ngoại trừ những việc đó ra, tôi chỉ được phép đứng bên song cửa sổ mắt cáo nhìn xuống con ngõ chạy qua nhà tôi. Đã lâu lắm tôi không còn được cảm nhận nhịp điệu cuộc sống của thôn mình.

Chúng tôi thấy khoái chí tuyệt vời - vẫn nóng, nhưng sung sướng. Khi chúng tôi ngồi trong bóng râm, thực sự ngóng chờ cơn gió mát mẻ như cái lễ hội này hứa hẹn, chúng tôi thêu mũi giày hay hoàn thành đường khâu cuối cùng. Những đường thêu của Mỹ Nguyệt tập trung vào đôi dép ngủ bằng lụa đỏ dành cho ngày cưới của cô, thứ quý giá nhất trong tất cả các đôi giày. Những bông sen hồng và trắng nở rực rỡ, tượng trưng cho sự tinh khiết và sinh nở mau mắn của cô. Tuyết Hoa cũng vừa hoàn thành một đôi hài bằng lụa xanh thanh thiên thêu những đám mây cho mẹ chồng của cô, chúng nằm gần chỗ chúng tôi trên tấm chăn bông, trông thật xinh xắn và thanh tú, một vật tao nhã gợi nhắc đến cái công việc đòi hỏi chúng tôi phải nhuần nhị và tinh tế đối với tất cả những sản phẩm của mình. Đôi giày ấy khiến tôi thấy thích thú, gợi tôi nhớ về chiếc áo khoác Tuyết Hoa đã mặc trong ngày đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Nhưng những ý nghĩ hoài cổ có vẻ không khiến Tuyết Hoa bận tâm mấy; cô đã chuyển sang khâu đôi giày cho chính mình, cô dùng lụa tím điểm xuyết trắng. Khi những chữ bằng chỉ tím và chỉ trắng được viết cùng nhau, chúng có nghĩa là nhiều con. Luôn luôn là vậy, những hình thêu trang trí của Tuyết Hoa thường lấy bầu trời làm cảm hứng. Lần này là những chú chim và những sinh vật biết bay khác quấn quít với nhau và bay vút lên trời. Trong lúc ấy, tôi cũng đã khâu xong một đôi giày cho mẹ chồng mình. Cỡ giày của bà ấy lớn hơn tôi một chút, và khi biết được điều đó tôi cảm thấy tự hào, chỉ cần dựa vào đôi chân của tôi thôi, bà ấy hẳn phải công nhận là tôi xứng với con trai bà. Tôi chưa hề gặp mẹ chồng tôi, vì thế tôi không biết bà ấy thích hay không thích gì, nhưng trong suốt những ngày nóng bức ấy tôi chẳng nghĩ đến gì khác ngoài sự mát mẻ. Những hình thêu bao quanh chiếc giày, khắc họa phong cảnh những người phụ nữ đang thảnh thơi dạo chơi dưới rặng liễu bên dòng suối. Đó cũng là tưởng tượng, nhưng không bằng những đôi chim trong huyền thoại trang trí trên đôi giày của Tuyết Hoa.

Ba chúng tôi làm nên một bức tranh đẹp, ngồi trên những tấm chăn với đôi chân thu vào bên dưới như thế: ba thiếu nữ, tất cả đều đã có hôn ước với những gia đình tốt, đang phấn khởi ngồi làm những món hồi môn cho chính mình, bất kỳ ai ghé vào cũng đều thấy được công việc tốt đẹp của chúng tôi. Những cậu bé dừng lại trò chuyện với chúng tôi khi đang đi nhặt củi hay đưa con trâu của nhà mình ra bờ sông. Những cô bé đang phải bế em đã đưa những đứa em trai hay em gái cho chúng tôi bế hộ. Chúng tôi hình dung xem sẽ như thế nào khi phải chăm sóc những đứa con của chính mình. Những bà góa già, với vị thế đã ổn định và cách ứng xử đã thành nếp, lắc lư đi đến chỗ chúng tôi để tán gẫu, xem xét những món đồ thêu, và nhận xét về nước da trắng của chúng tôi.

Vào ngày thứ năm, bà Cao lại đến. Bà ta vừa quay trở về từ thôn Cát Đàm, bà ta đến đó để thương lượng cho một cuộc hôn nhân. Khi tới đó, bà ta đã nhận chuyển một đống thư của chúng tôi cho chị tôi và đem về cho chúng tôi một lá thư của chị. Không ai trong chúng tôi thích bà Cao cả, nhưng chúng tôi được dạy dỗ là phải kính trọng người lớn. Chúng tôi mời bà ta dùng trà, nhưng bà ta từ chối. Vì chẳng thể moi tiền ở chúng tôi được, nên bà ta đưa lá thư cho tôi và quay trở lại kiệu. Chúng tôi nhìn theo cho đến khi chiếc kiệu khuất dạng chỗ góc ngoặt; rồi tôi dùng kim thêu để rọc mép bì thư được dán bằng hồ. Vì những gì sẽ xảy ra sau đó trong ngày hôm ấy, và bởi chị tôi dùng nhiều cụm nữ thư chuẩn mực, nên tôi nghĩ tôi có thể viết lại lá thư của chị như sau:

Cả nhà,

Hôm nay con cầm lấy cây bút, và tâm hồn con bay ra khỏi ngôi nhà này.

Để viết thư cho gia đình mình - thưa bố mẹ, chú và thím kính yêu.

Khi nghĩ về những ngày đã qua, nước mắt con không ngừng tuôn rơi.

Con vẫn thấy buồn vì phải xa gia đình mình.

Đứa bé nặng trĩu trong bụng con và con cảm thấy thật ngột ngạt trong cái thời tiết này.

Gia đình chồng con lúc nào cũng hằn học khó chịu.

Con phải làm tất tật việc nhà cửa.

Trong cái nóng này, làm việc như vậy thật không dễ chịu chút nào.

Em gái, Mỹ Nguyệt, nhớ chăm sóc bố mẹ và chú thím nhé.

Đàn bà con gái chúng ta chỉ có thể hy vọng bố mẹ mình sẽ sống thật lâu.

Chỉ có như vậy chúng ta mới mong có được một chỗ để quay về vào những ngày lễ hội.

Ở quê nhà, luôn có những người biết trân trọng chúng ta.

Hãy hiếu thảo với bố mẹ.

Con gái của bố mẹ, chị gái của các em,

cháu của chú thím.

Tôi đọc xong lá thư và nhắm mắt lại. Tôi suy nghĩ, trong khi chị thì khóc rất nhiều, còn tôi lại quá vui vẻ. Tôi thầm cảm ơn phong tục của xứ tôi không bắt chúng tôi phải về hẳn nhà chồng cho đến khi chuẩn bị sinh con đầu lòng. Tôi vẫn còn hai năm nữa mới phải đi lấy chồng và có thể là ba năm sau khi cưới mới phải về ở nhà chồng mãi mãi.

Chợt có tiếng gì đó nghe như tiếng nức nở cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi mở mắt ra và nhìn Tuyết Hoa. Vẻ bối rối hiện rõ trên nét mặt khi cô đang nhìn chằm chằm vào một vật gì đó ở bên phải. Tôi nhìn theo cô sang phía Mỹ Nguyệt, đang vuốt vuốt cổ và cố hít một hơi.

“Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi.

Ngực Mỹ Nguyệt căng lên, gắng sức hít mạnh vào - uuuu, uuuu, uuuu - những âm thanh tôi không bao giờ quên được.

Mỹ Nguyệt nhìn tôi với đôi mắt đáng yêu của cô. Tay cô ngừng vuốt mà chuyển sang siết chặt hai bên cổ. Cô không cố chịu đựng nữa. Cô ngồi đó, đôi chân thu vào phía dưới thân, trông vẫn như một cô gái trẻ ngồi dưới bóng râm trong một buổi chiều nóng nực, các dụng cụ thêu thùa của cô vẫn nằm yên trong lòng, nhưng tôi có thể nhìn thấy dưới bàn tay cô, cổ bắt đầu sưng lên.

“Tuyết Hoa, gọi người giúp nhanh,” tôi cuống cuồng kêu lên. “Tìm bố, tìm chú. Nhanh lên!”

Từ khóe mắt, tôi liếc thấy Tuyết Hoa đang cố gắng hết sức chạy trên đôi chân nhỏ bé của mình. Giọng cô - không mấy khi phải nói to - thốt ra đứt quãng và nghe the thé. “Cứu với! Cứu với!”

Tôi bò qua tấm chăn tới chỗ Mỹ Nguyệt. Tôi nhìn thấy một con ong đang giãy chết trên đồ thêu của Mỹ Nguyệt. Nọc ong hẳn nằm trên cổ của cô em họ tôi. Tôi cầm lấy bàn tay kia của cô và nắm chặt lấy nó. Miệng cô há ra. Trong đó, lưỡi cô sưng phồng lên, ứ máu.

“Em cần gì?” tôi khẽ bảo. “Em có muốn chị lấy nọc ong ra không?”

Cả hai chúng tôi đều biết việc đó đã quá trễ.

“Em có muốn uống nước không?” tôi hỏi.

Mỹ Nguyệt không thể trả lời. Bây giờ cô chỉ còn thở qua hai lỗ mũi, và mỗi lần thở cô phải gắng sức lắm.

Từ nơi nào đó trong thôn, tôi nghe thấy tiếng Tuyết Hoa gọi. “Bố ơi! Chú ơi! Anh ơi! Bớ người ta! Giúp chúng tôi với!”

Những đứa trẻ đến chơi với chúng tôi vài ngày trước xúm xít quanh tấm chăn, há hốc miệng khi nhìn thấy cổ, lưỡi, mí mắt và bàn tay Mỹ Nguyệt sưng vù lên. Da cô chuyển từ màu trắng ngần của trăng, giống như cái tên của cô, sang màu hồng, đỏ, tím tái, rồi xanh lét. Trông cô giống như một sinh vật trong truyện ma. Mấy bà góa ở Phủ Vĩ cũng đến. Họ lắc đầu đầy thông cảm.

Đôi mắt của Mỹ Nguyệt khép lại. Tay cô sưng phồng lên đến mức những ngón tay trông như những quả chuối mắn đặt trong lòng bàn tay tôi, da căng bóng trông như sắp nứt ra đến nơi. Tôi nâng bàn tay dị dạng đó lên.

“Mỹ Nguyệt, hãy nghe chị nói,” tôi van nài. “Bố em đang tới. Đợi chút thôi mà. Ông ấy yêu em nhiều lắm. Mọi người đều yêu quý em, Mỹ Nguyệt. Em có nghe chị nói gì không?”

Mấy bà góa già bắt đầu khóc. Những đứa trẻ đứng nép vào nhau. Cuộc sống ở thôn quê thật khó khăn. Ai trong số chúng tôi chưa từng nhìn thấy người chết? Nhưng hiếm khi thấy sự dũng cảm, sự điềm tĩnh, và vẻ đẹp của mục đích trong những khoảnh khắc cuối cùng.

“Em là người em tốt của chị,” tôi nói. “Chị luôn yêu quý em. Chị sẽ trân trọng em mãi mãi.”

Mỹ Nguyệt hít một hơi nữa. Lần này nghe như tiếng bản lề cửa rít lên. Nó chậm chạp. Nhưng hầu như không có chút không khí nào lọt được vào cơ thể cô.

“Mỹ Nguyệt, Mỹ Nguyệt…”

Tiếng rít khủng khiếp chấm dứt. Đôi mắt cô chỉ còn là những kẽ nứt trên khuôn mặt biến dạng kinh khủng, nhưng cô nhìn tôi, hiểu hết những gì tôi nói. Cô đã nghe được từng lời tôi nói. Trong khoảnh khắc cuối cùng của đời mình - khi không còn chút hơi nào thở ra hay hít vào cơ thể cô nữa - tôi cảm nhận được bao lời nhắn nhủ mà cô chuyển tới tôi. Hãy nói với mẹ em rằng em rất yêu mẹ. Hãy nói với bố em là em rất yêu bố. Hãy nói với hai bác rằng em rất biết ơn những gì họ đã làm cho em. Đừng để bác, bố em và anh trai phải khổ sở vì em. Rồi đầu cô gục xuống ngực.

Không ai nhúc nhích. Mọi thứ tĩnh lặng như bức tranh tôi đã thêu lên đôi giày của mình. Chỉ có tiếng khóc và tiếng thút thít cho thấy có điều gì đó không ổn.

Chú tôi chạy vào ngõ và chen qua mọi người để vào chỗ tôi và Mỹ Nguyệt đang ngồi trên tấm chăn bông. Cô điềm tĩnh chịu đựng đau đớn, điều này giúp chú tôi vớt vát chút hy vọng. Nhưng vẻ mặt của tôi và mọi người xung quanh lại nói với chú một điều khác hẳn. Chú sụm xuống gối, bật ra một tiếng thét xé lòng. Khi chú nhìn thấy tình trạng khuôn mặt của Mỹ Nguyệt, lại một tiếng thét kinh hãi nữa. Mấy đứa nhóc bé hơn chạy mất. Chú tôi mình mẩy mồ hôi đầm đìa vì vừa làm việc ngoài đồng rồi lại phải chạy vội về nên tôi có thể ngửi mùi người chú. Nước mắt chú trào ra, rơi xuống sống mũi, xuống gò má, quai hàm, và biến mất trên chiếc áo ướt đẫm mồ hôi.

Bố tôi cũng vừa tới và quỳ xuống cạnh tôi. Giây lát sau, anh trai tôi cũng chen qua đám đông, miệng vẫn còn thở hổn hển, Tuyết Hoa đi sau anh.

Chú tôi tiếp tục nói với Mỹ Nguyệt. “Hãy tỉnh lại, con gái bé bỏng. Hãy tỉnh lại. Bố sẽ gọi mẹ cho con. Mẹ con cần con mà. Tỉnh lại đi. Dậy đi con ơi!”

Anh trai của chú, bố tôi, siết chặt cánh tay chú. “Vô vọng rồi.”

Chú cũng làm một điệu bộ kỳ quặc như Mỹ Nguyệt, gục đầu xuống, quỳ trên chân, tay thu vào lòng - y như vậy, ngoại trừ những giọt nước mắt đang tuôn rơi từ đôi mắt chú và nỗi đau đớn không thể kiềm chế được khiến người chú rung lên.

Bố tôi hỏi, “chú muốn bế cháu vào hay là để tôi?”

Chú lắc đầu. Câm lặng, chú nhấc một chân lên, chống lên mặt đất để trụ cho vững; rồi chú bồng Mỹ Nguyệt lên và bế cô vào nhà. Không ai biết rõ cần phải làm việc gì. Chỉ có Tuyết Hoa là nhanh nhẹn chạy ngay đến chỗ chiếc bàn trong gian chính và dọn dẹp đống ấm chén nhà tôi thường để đó cho bố, chú và anh dùng khi họ đi làm đồng về. Chú đặt Mỹ Nguyệt nằm xuống. Giờ những người khác có thể thấy nọc của con ong đã tàn phá khuôn mặt và cơ thể Mỹ Nguyệt như thế nào. Trong thâm tâm, tôi vẫn thắc mắc: chỉ có năm phút thôi mà, không hơn.

Tuyết Hoa lại chỉ bảo tôi. “Cháu xin lỗi, nhưng còn phải gọi cả những người khác nữa.”

Nhận thấy điều này có nghĩa là sẽ phải nói cho thím tôi biết rằng Mỹ Nguyệt đã chết, chú tôi càng nức nở dữ hơn. Tôi hầu như chưa kịp nghĩ đến thím. Mỹ Nguyệt là niềm hạnh phúc đích thực duy nhất của thím. Tôi thật sự thấy sốc trước những gì xảy ra với cô em họ của mình đến mức chẳng còn nghĩ được điều gì nữa. Giờ đây, đôi chân tôi gần như tê liệt và nước mắt tôi dâng lên bởi nỗi đau đớn khi nghĩ đến cô em họ yêu quý và nỗi xót xa cho chú thím tôi. Tuyết Hoa vòng một cánh tay qua người tôi và đưa tôi đến chỗ chiếc ghế, chỉ dẫn mọi người trong lúc bối rối đó.

“Anh cả, chạy ngay sang thôn bên ngoại của thím,” cô bảo. “Em có một ít tiền. Dùng nó để thuê kiệu cho thím ấy. Rồi chạy nhanh sang thôn bên ngoại của mẹ anh. Hãy đưa bác về đây. Anh sẽ phải cõng bác như từng làm với em ấy. Em trai có thể sẽ giúp được anh một tay. Nhưng phải nhanh lên. Thím sẽ cần bác ấy.”

Rồi chúng tôi ngồi đó chờ đợi. Chú ngồi trên chiếc ghế đẩu đặt bên cạnh chiếc bàn và khóc thảm thiết trên chiếc áo khoác ngoài của Mỹ Nguyệt đến mức những vệt nước mắt loang ra trên mặt vải trông như những đám mây trong cơn mưa. Bố tôi cố gắng an ủi chú, nhưng giờ thì ích gì nữa? Không gì có thể an ủi chú được. Bất kỳ ai nói với bạn rằng người Dao không đếm xỉa đến những đứa con gái đều là nói dối. Có thể chúng tôi không có giá trị gì. Có thể chúng tôi được nuôi dưỡng chỉ để gả cho một gia đình khác. Nhưng chúng tôi vẫn được thương yêu và nâng niu, bất chấp nhà bố mẹ đẻ của chúng tôi cố hết sức để không có tình cảm với chúng tôi. Tại sao bạn lại thấy trong bức thư viết bằng chữ bí mật của chúng tôi những câu như thế này: “Tôi là viên ngọc trong bàn tay của cha” thường xuyên xuất hiện? Có thể, khi đã là bố mẹ chúng tôi cũng sẽ cố gắng không quan tâm. Tôi đã cố gắng không quan tâm đến con gái tôi, nhưng tôi có thể làm gì đây? Nó cũng bú sữa tôi như những đứa con trai tôi, nó khóc trong lòng tôi, và nó thể hiện lòng kính trọng với tôi bằng cách trở thành đứa con gái ngoan ngoãn đảm đang và thành thục nữ thư. Viên ngọc của chú tôi đã bỏ chú mãi mãi.

Tôi nhìn đăm đăm vào khuôn mặt của Mỹ Nguyệt, nhớ lại chúng tôi đã gần gũi nhau biết bao. Chúng tôi được bó chân cùng lúc với nhau. Chúng tôi được Nhận Thân về cùng một thôn. Cuộc sống của chúng tôi gắn bó với nhau chưa bao giờ thay đổi, thế mà bây giờ chúng tôi phải vĩnh viễn xa lìa nhau.

Tuyết Hoa đang bận bịu chạy đi chạy lại quanh chúng tôi. Cô pha trà, dù không ai uống cả. Cô chạy khắp nhà, tìm những bộ quần áo tang màu trắng rồi đưa cho chúng tôi. Cô đứng ở cửa, chào hỏi mọi người nghe tin đến viếng thăm. Bà Vương đi kiệu đến và Tuyết Hoa mời bà vào nhà. Tôi cứ nghĩ bà Vương sẽ than phiền về việc mất đi món thù lao lẽ ra bà sẽ nhận được cho vụ mai mối của Mỹ Nguyệt. Nhưng thay vì vậy, bà lại hỏi bà có thể giúp được gì cho chúng tôi. Tương lai của Mỹ Nguyệt là do bà định đoạt và bà nghĩ rằng bà phải đến tiễn cô trong chuyến đi cuối cùng này. Nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của Mỹ Nguyệt và những ngón tay khủng khiếp của cô, bà hốt hoảng đưa tay lên miệng. Trời thì quá nóng. Chúng tôi lại không có nơi nào mát mẻ một chút để đặt thi thể cô. Mọi thứ sẽ xảy ra nhanh chóng với Mỹ Nguyệt.

“Còn bao lâu nữa thì mẹ cô ấy về?” bà Vương hỏi.

Chúng tôi không biết.

“Tuyết Hoa, phủ lên mặt cô ấy một tấm vải mút xơ lin, rồi mặc quần áo liệm cho cô ấy. Làm luôn đi. Không người mẹ nào muốn nhìn thấy con gái họ thế này cả.” Tuyết Hoa trở lên căn buồng trên gác, nhưng bà Vương túm lấy tay áo cô. “Dì sẽ quay về Thông Khẩu để mang quần áo tang của con đến đây. Đừng ra khỏi đây trước khi dì bảo con đi, nghe chưa.” Bà buông áo Tuyết Hoa, rồi nhìn Mỹ Nguyệt một lần cuối, và bước vội ra cửa.

Khi thím về đến nhà, bố, chú, hai anh em trai của tôi và tôi đã mặc xong quần áo tang. Thi thể của Mỹ Nguyệt được liệm toàn bằng vải mút xơ lin, rồi mặc vào bộ quần áo cho chuyến đi của cô sang thế giới bên kia. Hôm đó mọi người có mặt trong nhà tôi đã khóc biết bao nhiêu, nhưng thím tôi thì không hề khóc. Bà lảo đảo trên đôi chân bó bước đến bên thi thể con gái. Bà vuốt vuốt bộ quần áo rồi đặt bàn tay mình lên trên trái tim của cô. Bà đứng yên như vậy hàng giờ liền.

Thím làm tất cả mọi việc đúng theo thủ tục của một đám tang. Bà lê gối đến nơi chôn cất. Bà đốt tiền giấy và quần áo bên mộ của Mỹ Nguyệt để cô dùng khi sang thế giới bên kia. Bà gom tất cả những gì Mỹ Nguyệt viết bằng nữ thư và đốt đi hết. Sau đó, thím lập một bàn thờ nhỏ trong nhà và ngày ngày đặt lễ cho con. Thím không hề khóc trước mặt mọi người, nhưng tôi không bao giờ quên được những tiếng nức nở mỗi đêm khi thím lên giường đi ngủ. Thím khóc từ trong sâu thẳm tâm hồn. Không ai có thể ngủ được. Không ai có thể khuây khỏa được. Thật sự, mấy anh em tôi cố hết sức giữ im lặng - như thể không hiện hữu - vì biết rằng tiếng nói và khuôn mặt của chúng tôi sẽ chỉ khiến thím nghĩ tới nỗi mất mát của mình. Vào buổi sáng, sau khi những người đàn ông đi ra đồng hết, thím rút vào buồng mình và không bước ra ngoài. Thím nằm nghiêng trên giường, quay mặt vào tường, không chịu ăn bất kỳ thứ gì ngoài bát cơm mẹ tôi mang đến cho thím, câm lặng cả ngày cho đến khi màn đêm buông xuống, lúc đó những tiếng than khóc đáng sợ lại tiếp tục cất lên.

Ai cũng biết rằng một phần của linh hồn sẽ sang thế giới bên kia, còn một phần thì ở lại với gia đình, nhưng chúng tôi lại có niềm tin đặc biệt là linh hồn của những cô gái trẻ chết trước khi lấy chồng sẽ làm ngược lại. Cô ta sẽ trở lại và ám những cô gái chưa chồng khác - không phải để dọa họ mà là để dẫn họ sang thế giới bên kia cùng với cô để cô có bầu có bạn. Nỗi bất hạnh của Mỹ Nguyệt vọng đến tai chúng tôi hàng đêm qua những tiếng than khóc như từ thế giới bên kia vẳng lại của thím khiến Tuyết Hoa và tôi biết rằng mình đang gặp nguy hiểm.

Tuyết Hoa nảy ra một ý tưởng. Một buổi sáng cô bảo tôi, “Phải làm một tòa tháp hoa.” Một tháp hoa chính xác là cái điều cần thiết để làm linh hồn của Mỹ Nguyệt được khuây khỏa. Nếu chúng tôi cúng cho cô một tháp hoa đẹp, cô sẽ có một nơi để trú chân và tìm niềm vui cho mình. Nếu cô vui vẻ, Tuyết Hoa và tôi sẽ được an toàn.

Một số người - những người có nhiều tiền hơn - sẽ tìm người chuyên xây dựng tháp hoa, nhưng Tuyết Hoa và tôi quyết định tự làm lấy. Chúng tôi hình dung ra một cái tháp nhiều tầng, giống như ngôi chùa bảy tầng. Chúng tôi sẽ đặt hai con thạch sư ở lối vào. Bên trong, chúng tôi sẽ viết những bài thơ bằng nữ thư của chúng tôi lên tường. Một tầng dành làm nơi múa hát, một tầng khác dành cho bay lượn. Chúng tôi vẽ sao và trăng lên trần căn buồng ngủ. Ở một tầng khác, chúng tôi làm một căn phòng dành cho phụ nữ, với những chiếc cửa sổ mắt cáo làm bằng những mảnh giấy cắt cầu kỳ giúp nhìn thấy phong cảnh mọi phía. Chúng tôi còn làm một cái bàn, trên đó có mấy cuộn chỉ ưa thích của chúng tôi, ít mực, giấy và bút lông, để Mỹ Nguyệt có thể thêu thùa hay viết thư bằng nữ thư với những người bạn mới ở cõi âm. Chúng tôi làm cả những người hầu và những người mua vui bằng giấy màu xoắn vào nhau và đặt chúng khắp tòa tháp sao cho mỗi tầng đều có những người để bầu bạn, giúp cô tiêu khiển và vui vẻ. Khi chúng tôi không làm việc ở tháp hoa, chúng tôi viết những lời ai điếu mà chúng tôi sẽ cùng nhau hát lên để xoa dịu cô em họ của tôi. Ngôi đền hoa là nơi dành cho Mỹ Nguyệt vui vẻ dưới chín suối, còn những câu thơ của chúng tôi là lời từ biệt cuối cùng của cõi dương.

Vào một ngày trời chuyển mùa, Tuyết Hoa và tôi xin phép và được đồng ý ra thăm mộ của Mỹ Nguyệt. Quãng đường từ nhà ra mộ không xa lắm, còn ngắn hơn quãng đường Tuyết Hoa phải chạy ra đồng để gọi bố và chú hôm Mỹ Nguyệt qua đời. Chúng tôi ngồi bên ngôi mộ ít phút. Rồi Tuyết Hoa đốt ngôi đền hoa. Chúng tôi nhìn nó cháy, tưởng tượng nó đang được đưa đến cõi âm và Mỹ Nguyệt sẽ đi khắp các phòng vô cùng thích thú. Rồi tôi lấy tờ giấy có bài thơ bằng nữ thư chúng tôi đã viết cho Mỹ Nguyệt và cất tiếng hát.

“Mỹ Nguyệt ơi, chúng tôi mong chiếc tháp hoa này sẽ mang đến cho em bình yên.

Chúng tôi mong em quên chúng tôi đi, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ quên em.

Chúng tôi luôn trân trọng em. Chúng tôi sẽ tảo mộ cho em vào mỗi dịp Thanh minh.

Đừng để những suy nghĩ của em lang thang nữa.

Hãy sống trong tòa tháp hoa này và vui vẻ em nhé.”

Tuyết Hoa và tôi đi về nhà và lên căn buồng phụ nữ. Ngồi bên nhau, chúng tôi thay phiên viết những lời tiếc thương lên những nếp gấp của chiếc quạt đặc biệt. Khi viết xong, tôi gắn lên vòng lá ở mép quạt hình vầng trăng lưỡi liềm, mỏng manh và khiêm tốn như Mỹ Nguyệt.

Tòa tháp hoa đã bảo vệ Tuyết Hoa và tôi, và xoa dịu vong hồn chưa chịu yên nghỉ của Mỹ Nguyệt, nhưng nó chẳng ích gì với chú thím tôi, không gì có thể xoa dịu được nỗi đau của họ. Cuộc sống là vậy. Chúng tôi đành phó mặc cho sự sắp đặt của những lực lượng tự nhiên và chẳng thể làm gì ngoài việc tuân theo số mệnh. Điều này chỉ có thể giải thích bởi quy luật âm-dương: có đàn ông thì phải có đàn bà, có bóng tối thì phải có ánh sáng, có đau khổ thì phải có hạnh phúc. Tất cả những thứ đó tạo ra sự cân bằng. Bạn đem đến những khoảnh khắc hạnh phúc tột đỉnh như tôi và Tuyết Hoa cảm thấy hồi đầu hội Nghênh Phong, rồi tước mất chúng theo một cách tàn nhẫn nhất bằng cái chết của Mỹ Nguyệt. Bạn đưa hai con người như chú thím tôi đến với hạnh phúc, rồi ngay tức khắc lại đẩy họ vào đường cùng, không còn biết phải sống vì cái gì nữa, và khi bố tôi mất đi họ chỉ còn biết trông vào anh trai tôi may ra sẽ tử tế mà chăm sóc họ chứ không đuổi họ ra đường. Bạn tóm lấy một gia đình như gia đình tôi, vốn chẳng mấy dư dả, rồi chất lên đó quá nhiều đám cưới cho một hộ gia đình… Tất cả những điều này đã phá vỡ sự cân bằng của vũ trụ, nên thần thánh đã sắp xếp lại trật tự bằng cách mang đi người con gái hiền lành đó. Có sinh ắt có tử. Đấy là ý nghĩa đích thực của âm và dương.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play