BÌNH THƯỜNG THÌ VÀO NGÀY THỨ TƯ sau lễ cưới tôi phải quay trở lại nhà mình ở Phủ Vĩ, nhưng tôi đã có kế hoạch từ khá lâu là sẽ đến thẳng nhà Tuyết Hoa để tham dự tháng Ngồi và Hát của cô. Bây giờ, khi sắp được gặp lại cô rồi, tôi lại thấy lo lắng hơn bao giờ hết. Tôi mặc một bộ quần áo đẹp dùng để mặc hàng ngày, một cái áo khoác ngoài bằng lụa màu xanh lá mạ và chiếc quần thêu hình cây trúc. Tôi muốn tạo ấn tượng tốt không chỉ với bất kỳ ai tôi gặp ở Thông Khẩu mà còn là người trong gia đình Tuyết Hoa, những người tôi đã nghe kể rất nhiều trong bao năm qua. Dũng Cảm, cô hầu gái của tôi, dẫn tôi đi qua những ngõ hẻm ở Thông Khẩu. Cô bé mang theo quần áo, chỉ thêu, vải vóc của tôi và cuốn sách về ngày thứ ba sau lễ cưới mà tôi đã chuẩn bị cho Tuyết Hoa trong một cái giỏ. Tôi thấy vui thích vì được Dũng Cảm dẫn đi và không hề thấy bất tiện khi cô bé đi cùng. Việc luôn có cô bé ở bên là một trong những điều tôi phải quen dần.
Thông Khẩu lớn và thịnh vượng hơn rất nhiều so với Phủ Vĩ. Đường đi lối lại sạch sẽ, không hề có gà, vịt, hay lợn chạy lung tung. Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà trông hệt như những gì Tuyết Hoa đã miêu tả - hai tầng, yên ả và tao nhã. Tôi ở đây chưa lâu nên không rõ các tập quán của thôn này, nhưng có một điều giống y như ở Phủ Vĩ. Chúng tôi không gọi to hay gõ cửa để báo mình đã đến. Dũng Cảm chỉ cần đẩy cánh cửa chính nhà Tuyết Hoa và bước vào trong.
Tôi theo sau cô bé và lập tức một mùi lạ xộc vào mũi tôi, một mùi kết hợp giữa mùi phân với mùi thịt thiu và bao trùm lên là mùi ngọt lợm. Tôi không biết cái mùi ấy từ đâu ra, chỉ ngờ ngợ là từ con người. Dạ dày tôi quặn lên, nhưng mắt tôi còn nổi loạn hơn nữa, từ chối chấp nhận những gì tôi đang nhìn thấy.
Căn phòng chính lớn hơn nhiều so với căn phòng chính ở nhà tôi, nhưng đồ đạc thì chẳng có mấy. Tôi thấy bàn nhưng không hề có ghế. Tôi thấy một cái lan can chạm khắc dẫn lên căn buồng phụ nữ, nhưng ngoài vài thứ đồ ít ỏi đó ra - những đồ vật có chất lượng cao hơn rất nhiều so với bất cứ thứ đồ đạc gì trong nhà của bố mẹ tôi - ở đây không còn gì khác nữa. Ngay cả lửa cũng không có. Bây giờ đã là cuối thu, trời lạnh. Căn phòng cũng quá bẩn thỉu, những mẩu thức ăn còn vương vãi trên sàn nhà. Tôi nhìn thấy mấy cánh cửa nữa, có lẽ là dẫn đến các phòng ngủ.
Cảnh tượng này không chỉ hoàn toàn khác với những gì một người khách qua đường nghĩ tới khi nhìn từ bên ngoài, mà nó còn khác khủng khiếp so với những gì Tuyết Hoa đã mô tả. Chắc tôi vào nhầm nhà.
Sát trần nhà có vài cái cửa sổ, tất cả trừ một cái đều đóng kín mít. Tia sáng duy nhất từ cái cửa sổ đó xuyên qua bóng tối. Trong bóng tối u ám đó, tôi nhận thấy một người đàn bà ngồi xổm bên chiếc chậu rửa. Bà ta mặc quần áo độn bông rách rưới và bẩn thỉu trông như một người nông dân nghèo hèn. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau và bà ta lập tức nhìn đi chỗ khác. Đầu hơi cúi, bà ta đứng dậy khỏi chỗ ánh sáng rọi vào. Da bà ta thật đẹp, trắng mịn như sứ. Bà ta đan các ngón tay vào với nhau rồi cúi chào.
“Cô Bách Huệ, xin mời vào, mời vào.” Bà ta cố nói nhỏ, không phải vì kính nể địa vị cao sang tôi mới giành được mà là với một giọng dằn nén xuống vì sợ. “Cô đợi ở đây nhé. Tôi sẽ đi gọi Tuyết Hoa.”
Giờ thì tôi choáng váng tột độ. Đây chính là nhà của Tuyết Hoa. Nhưng sao lại có thể như thế được? Khi người phụ nữ đó đi qua gian phòng đến cầu thang tôi thấy bà cũng có một đôi “gót sen ba tấc”, nhỏ gần bằng chân tôi, trước con mắt ngu dốt của tôi lại có vẻ quá nổi bật đối với một người ở tầng lớp tôi đòi.
Tôi nghe loáng thoáng khi người đàn bà ấy gọi ai đó trên gác. Rồi chính tai tôi nghe thấy một điều không thể tin nổi - giọng nói của Tuyết Hoa nghe có vẻ rất ương bướng và gay gắt. Choáng váng, đó là cảm giác của tôi lúc này, cực kỳ choáng váng. Nhưng ngoài thanh âm quen thuộc đó, cả ngôi nhà im ắng kỳ lạ. Và trong sự im ắng ấy tôi linh cảm có cái gì đó ẩn nấp tựa như ma quỷ từ cõi âm. Toàn thân tôi phản ứng với cảm giác đó. Tôi sởn gai ốc bởi sợ hãi. Tôi rùng mình trong chiếc áo lụa xanh lá mạ tôi mặc để gây ấn tượng với bố mẹ Tuyết Hoa nhưng không đủ để giúp tôi chống lại cơn gió ẩm thấp đang thổi qua cửa sổ hay nỗi sợ hãi mà tôi cảm thấy khi lọt vào cái nơi xa lạ, tối tăm, hôi hám và rùng rợn này.
Tuyết Hoa xuất hiện ở bậc cao nhất của chiếc cầu thang. “Lên đây,” cô gọi tôi.
Tôi đứng đờ người ra, gắng liều lĩnh chăm chú nhìn những gì tôi đang thấy. Có cái gì đó chạm vào tay áo của tôi làm tôi giật mình sực tỉnh.
“Con không nghĩ là ông chủ muốn con để mợ ở lại đây đâu,” Dũng Cảm nói, nét mặt nó lộ rõ vẻ lo lắng.
“Ông chủ biết ta ở đâu mà,” tôi đáp lại không suy nghĩ.
“Bách Huệ.” Giọng của Tuyết Hoa chất chứa nỗi buồn bã thất vọng mà tôi chưa từng nghe thấy bao giờ.
Rồi, bất chợt một hồi ức của mấy ngày trước vụt lóe lên trong tâm trí tôi. Mẹ tôi từng căn dặn là đàn bà tôi không thể tránh những điều chướng tai gai mắt và tôi phải can đảm lên. “Bạn đã hứa là sẽ gắn bó suốt đời,” cô nói. “Hãy là một bậc phu nhân như bạn đã định.” Cô nói không phải về chuyện chăn gối với chồng tôi. Mà cô đang nói về điều này. Tuyết Hoa là lão đồng của tôi cho đến hết đời. Tình yêu với cô còn bao la và sâu đậm hơn cả với người đàn ông là chồng của tôi. Đó là ý nghĩa thật sự của mối quan hệ lão đồng.
Tôi bước lên một bước và nghe thấy tiếng gì đó nghe như tiếng rên rỉ của Dũng Cảm. Tôi không biết phải làm gì. Tôi đã bao giờ có hầu gái đâu. Tôi ngập ngừng vỗ nhẹ lên vai con bé. “Đi đi.” Tôi cố nói sao cho nghe giống bà chủ, tuy nhiên điều đó đâm ra nghe như là, “Ta sẽ ổn thôi.”
“Nếu mợ muốn đi khỏi đây vì bất cứ lý do gì, hãy ra ngoài và gọi mọi người giúp đỡ nhé.” Dũng Cảm đề nghị, vẫn còn lo lắng. “Mọi người ở đây đều biết ông bà Lữ. Mọi người sẽ đưa mợ quay về nhà chồng,”
Tôi đưa tay ra lấy chiếc giỏ từ tay con bé. Thấy con bé vẫn chưa chịu nhúc nhích, tôi gật đầu ra hiệu bảo nó đi đi. Nó thở dài đầu hàng, cúi chào rất nhanh, lùi ra cửa, quay lưng và đi.
Nắm chặt chiếc giỏ trong tay, tôi leo lên cầu thang. Khi tôi đến gần Tuyết Hoa, tôi thấy má cô hoen ướt. Cũng giống bà người ở lúc nãy, cô mặc một bộ quần áo chần bông xám xỉn, rộng thùng thình, và sửa sang lại rất tệ. Tôi đứng lại cách sàn gác một bậc.
“Không có gì thay đổi cả,” tôi nói. “Chúng ta vẫn là lão đồng.”
Cô nắm tay tôi, giúp tôi bước lên bậc thang cuối cùng, và dẫn tôi vào căn buồng phụ nữ. Tôi nhận thấy đã có thời đây từng là một nơi đẹp đẽ. Nó rộng gấp ba lần căn buồng phụ nữ ở nhà bố mẹ tôi. Thay cho những chấn song cửa sổ là những tấm chắn bằng gỗ được chạm trổ công phu. Còn lại, căn phòng quá trống trải, chỉ còn một chiếc máy se sợi và một chiếc giường ngủ. Người đàn bà đẹp tôi gặp ở dưới nhà lúc nãy, tay xếp gọn trong lòng, nhẹ nhàng ngồi xuống chỗ đầu giường. Bộ quần áo nông dân không che đậy được vẻ thanh lịch của bà.
“Bách Huệ,” Tuyết Hoa nói, “đây là mẹ mình.”
Tôi đi qua căn buồng, chắp hai tay lại, rồi cúi đầu chào người đàn bà đã đưa lão đồng của tôi vào thế giới này.
“Cô bỏ quá cho tình cảnh nhà tôi nhé,” mẹ của Tuyết Hoa nói. “Tôi chỉ có trà suông để mời cô thôi.” Bà đứng dậy. “Hai cô hẳn có nhiều chuyện hàn huyên.” Dứt lời, bà uyển chuyển bước đi với dáng điệu thanh nhã bậc nhất do đôi chân bó hoàn hảo mang lại.
Khi rời nhà bốn ngày trước, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt tôi. Tôi thấy vừa buồn, vừa vui, vừa sợ hãi. Nhưng giờ đây, khi ngồi bên Tuyết Hoa trên giường cô, tôi thấy những giọt nước mắt nuối tiếc, mặc cảm, hổ thẹn và ngượng ngùng. Tôi ước ao đượt hét lên với cô, Hãy nói với mình! Nhưng tôi lại chỉ ngồi chờ được nghe sự thật, biết rằng mỗi lời thốt ra từ miệng Tuyết Hoa sẽ làm mất dần chút thể diện còn lại của cô.
“Từ trước khi chúng ta gặp nhau khá lâu,” cuối cùng Tuyết Hoa lên tiếng, “gia đình mình là một trong những gia đình giàu có nhất huyện này. Bạn có thể thấy” - cô chỉ ra xung quanh một cách tuyệt vọng - “nơi này xưa rất tráng lệ. Nhà mình rất sung túc. Ông cố nội mình là một vị quan được vua ban cho rất nhiều đất đai.”
Tôi lắng nghe, đầu óc quay cuồng.
“Khi nhà vua mất, cố nội mình bị thất sủng, vì vậy ông cáo quan về quê. Cuộc sống vẫn tốt đẹp. Khi ông qua đời, con trai ông, tức ông nội mình, nối nghiệp. Ông nội mình có rất nhiều người làm thuê và kẻ hầu người hạ. Ông có ba người vợ bé, nhưng họ chỉ sinh được cho ông những đứa con gái. Bà nội mình cuối cùng cũng sinh cho ông một người con trai và nhờ thế giữ vững được địa vị của bà. Họ cưới mẹ mình về cho con trai. Mọi người nói mẹ mình giống Hồ Ngọc Tú, nhờ tài năng và vẻ duyên dáng mà khiến nhà vua say mê. Cha mình không phải là một ông quan, nhưng ông cũng được học hành đầy đủ theo các kinh điển Tứ Thư, Ngũ Kinh. Mọi người nói rằng một ngày nào đó ông ấy sẽ trở thành trưởng thôn Thông Khẩu. Mẹ mình cũng tin tưởng thế. Một số người lại nhìn thấy một tương lai khác. Ông bà nội mình nhận thấy cha mình là người yếu đuối bạc nhược vì được nuôi dạy như là cậu ấm duy nhất trong một gia đình có quá nhiều chị em gái và thê thiếp, còn thím mình thì ngờ rằng ông không có bản lĩnh và dễ bị nhiễm thói hư tật xấu.”
Đôi mắt của Tuyết Hoa nhìn xa xăm khi nhớ lại quá khứ không mấy xa xôi. “Hai năm sau khi mình sinh ra, ông nội mình qua đời,” cô tiếp tục. “Gia đình mình có mọi thứ - áo quần lộng lẫy, thực phẩm dồi dào, đầy rẫy kẻ hầu người hạ. Cha mình dẫn mình đi du ngoạn nhiều lần; mẹ mình cũng hay dẫn mình đến Miếu Cô Bà. Mình chứng kiến và học hỏi được nhiều thứ từ khi còn bé. Nhưng cha mình phải chăm sóc cho ba người vợ bé của ông nội và lo liệu việc cưới xin cho bốn chị em gái cùng mẹ và năm chị em gái cùng cha khác mẹ, con của những người vợ bé đó. Cha mình cũng phải tạo ra công ăn việc làm, cung cấp lương thực, và nơi ăn chốn ở cho nông phu và đám người hầu của gia đình. Đám cưới của các chị em gái đều đã được thu xếp. Cha mình muốn thể hiện cho mọi người thấy ông là người giàu sang đến cỡ nào. Đám cưới sau phung phí hơn đám cưới trước. Ông bắt đầu bán ruộng cho một đại địa chủ ở phía Tây huyện này để có thể mua nhiều lụa hay giết thịt lợn cho các đám cưới hơn. Mẹ mình - bạn thấy bà ấy rồi đấy - mẹ mình có vẻ ngoài rất đẹp nhưng bên trong mẹ cũng giống như mình trước khi gặp bạn: được nuông chiều, bảo bọc, và không biết gì về công việc của người đàn bà ngoài việc thêu thùa và viết nữ thư. Còn cha mình…” Tuyết Hoa ngập ngừng, rồi thốt lên, “cha mình suốt ngày đắm chìm bên chiếc tẩu.”
Tôi nhớ lại cái ngày bà Cao tự chuốc lấy phiền toái khi buột mồm nói về chuyện nhà Tuyết Hoa. Bà ta đã đề cập đến chuyện cờ bạc, chuyện thê thiếp, và cả chuyện bố của Tuyết Hoa nghiện ngập. Khi ấy tôi mới chín tuổi. Tôi chỉ nghĩ ông ấy hút quá nhiều thuốc lá. Giờ tôi không chỉ biết ông ta đã nghiện thuốc phiện mà còn nhận ra rằng tất cả mọi người trong căn buồng nhà tôi hồi đó, trừ tôi, đều hiểu bà Cao nói gì. Mẹ tôi biết, thím biết, bà Vương biết. Tất cả mọi người đều biết, nhưng họ đều thống nhất là không nên để tôi biết cái chuyện ai cũng biết cả đó.
“Bố bạn vẫn còn sống chứ?” Tôi ngập ngừng hỏi. Chắc chắn là cô sẽ nói với tôi nếu ông ta chết rồi, nhưng - vì trước đây cô cũng nói dối về tất cả những chuyện khác - nên có thể cô sẽ không nói.
Cô gật đầu nhưng không nói gì thêm.
“Ông ấy ở dưới nhà à?” Tôi hỏi, nhớ tới cái mùi kỳ lạ và kinh tởm nồng nặc khắp gian phòng chính.
Vẻ mặt cô trở nên trầm lặng; rồi cô nhướn cặp lông mày. Tôi nghĩ như vậy nghĩa là xác nhận.
“Bước ngoặt xảy đến từ nạn đói năm đó,” Tuyết Hoa lại tiếp tục. “Bạn nhớ chứ? Lúc đó chúng ta chưa gặp nhau, nhưng có một năm mùa màng gần như mất trắng, sau đó lại đến một mùa đông cực kỳ khắc nghiệt.”
Làm sao tôi có thể quên được? Thứ tốt nhất mà chúng tôi được ăn là cháo có vị củ cải. Mẹ tôi phải căn cơ tằn tiện, bố và chú tôi chỉ ăn rất ít, thế rồi chúng tôi cũng sống sót được qua đận đó.
“Cha mình không phải là người biết lo xa,” Tuyết Hoa thú thực. “Ông hút thuốc phiện suốt và quên mất gia đình. Một ngày kia, những người thiếp của ông mình bỏ đi. Có thể họ quay về nhà bố mẹ đẻ. Có thể họ đã chết vùi trong tuyết. Không ai biết. Khi mùa xuân đến, chỉ còn cha mẹ, hai anh em trai, hai chị em gái của mình và mình sống trong ngôi nhà này. Bề ngoài, gia đình mình vẫn ra vẻ thanh lịch tao nhã, nhưng thật ra các chủ nợ đã bắt đầu kéo đến nhà mình thường xuyên. Bố mình bán thêm nhiều ruộng. Cuối cùng, gia đình mình chỉ còn lại độc căn nhà này. Kể từ đó, ông ấy chỉ chăm chăm hút thuốc chứ chẳng mấy quan tâm đến vợ con. Trước khi ông cầm cố những vật dụng trong nhà - ôi, Bách Huệ, bạn sẽ không tưởng tượng được mọi thứ đẹp đến mức nào đâu - ông thậm chí còn định bán mình.”
“Không phải để làm con ở chứ!”
“Tệ hơn thế. Mà là làm đồng dưỡng tức.”
Đây luôn là điều khủng khiếp nhất mà tôi có thể hình dung ra: bạn không được bó chân nữa, được nuôi ăn bởi những người xa lạ không có đạo đức đến mức không muốn có một cô con dâu đúng nghĩa, bị đối xử còn tệ hơn kẻ hầu người hạ. Và giờ đây, khi đã lấy chồng tôi mới hiểu được khía cạnh khủng khiếp của một cuộc đời như vậy. Có thể bạn sẽ chẳng là gì cả ngoài thứ đồ vật phục vụ chuyện chăn gối cho bất kỳ người đàn ông nào trong gia đình đó.
“Nhà mình được em gái của mẹ mình cứu,” Tuyết Hoa nói. “Sau khi chúng ta trở thành lão đồng, bà cũng thu xếp được một cuộc hôn nhân tàm tạm cho chị mình. Bà không còn đến đây nữa. Sau này, dì mình phải gửi anh trai mình đi học nghề ở Thượng Giang Hư. Hôm nay, em trai mình phải đi làm đồng cho nhà chồng bạn. Em gái mình đã mất, như bạn biết đấy…”
Nhưng tôi không quan tâm đến những người tôi chưa gặp bao giờ, vả lại trước kia tôi chỉ toàn nghe được những lời nói dối thôi. “Điều gì đã xảy ra với bạn?”
“Dì mình đã thay đổi tương lai của mình với chiếc kéo, vải và phèn chua. Bố mình phản đối, nhưng bạn biết dì Vương rồi đấy. Ai dám nói không với bà một khi bà đã quyết định?”
“Dì Vương ư?” Đầu tôi quay cuồng. “Bạn muốn nói dì Vương của chúng ta, cái bà mối đó ư?”
“Bà ấy là em gái của mẹ mình.”
Tôi đưa mấy ngón tay ấn lên thái dương. Ngay từ ngày đầu tiên gặp Tuyết Hoa và khi chúng tôi đến Miếu Cô Bà, cô đã gọi bà mối là dì. Tôi nghĩ cô làm thế là vì lịch sự và kính trọng, và kể từ đó tôi cũng dùng lời xưng hô kính cẩn này mỗi khi nói với bà Vương. Tôi thấy mình thật ngu ngốc và đần độn.
“Bạn chẳng nói gì với mình cả,” tôi nói.
“Về dì Vương ư? Mình cứ nghĩ bạn biết điều đó.”
Mình cứ nghĩ bạn biết điều đó. Tôi cố nuốt trôi những từ đó.
“Dì Vương nhìn thấu bố mình,” Tuyết Hoa tiếp tục kể. “Dì biết ông ấy bạc nhược. Dì cũng để mắt đến mình. Nhìn mặt mình, dì nhận thấy mình không hề thích vâng lời chút nào, mình không tập trung, mình thật chẳng có chút hy vọng nào làm tốt công việc tề gia nội trợ, nhưng dì biết mẹ có thể dạy mình cách thêu thùa, ăn mặc, cư xử trước mặt đàn ông, cách viết nữ thư. Dì mình chỉ là một người đàn bà, nhưng vì là một bà mối nên dì cũng có đầu óc tính toán. Dì nhìn thấy trước gia đình mình và mình rồi sẽ đi đến đâu. Dì bắt đầu tìm kiếm cho mình một mối quan hệ lão đồng, hy vọng rằng mối quan hệ đó sẽ khiến khắp huyện biết rằng mình được giáo dục tử tế, chung thủy, ngoan ngoãn…”
“Và có thể cưới làm vợ được,” tôi kết luận. Điều đó cũng đúng đối với cả tôi nữa.
“Dì tìm khắp huyện, đi ra cả bên ngoài địa phận mai mối thông thường của dì cho đến khi nghe ông thầy tướng kể về bạn. Khi gặp bạn, dì quyết định gắn kết số phận mình và bạn với nhau.”
“Mình không hiểu điều này.”
Tuyết Hoa mỉm cười rầu rĩ. “Bạn đang tiến lên cao còn mình tụt xuống đáy. Khi mình gặp bạn lần đầu tiên, mình không biết gì cả. Dì mong mình sẽ học hỏi được từ bạn.”
“Nhưng bạn mới chính là người đã dạy mình đấy chứ. Bạn luôn thêu đẹp hơn mình. Và bạn thông thạo nữ thư. Bạn đã dạy mình cách sống trong một gia đình nhà cao cửa rộng…”
“Còn bạn thì dạy mình cách đi lấy nước, giặt giũ quần áo, nấu nướng và lau chùi nhà cửa thế nào. Mình đã cố chỉ dẫn cho mẹ mình, nhưng bà ấy cứ luôn nhìn mọi thứ như trước.”
Lúc nãy tôi có cảm giác là mẹ Tuyết Hoa vẫn còn bám lấy quá khứ vàng son đã không còn hiện hữu, nhưng sau khi nghe Tuyết Hoa kể chuyện gia đình mình, tôi nghĩ lão đồng của mình cũng nhìn mọi sự qua bức màn hồi ức hạnh phúc. Quen cô đã nhiều năm nay, tôi biết cô luôn nghĩ rằng không gian sống của người phụ nữ phải đẹp đẽ và không âu lo. Có lẽ cô nghĩ mọi sự rồi cũng sẽ trở lại như xưa.
“Từ bạn, mình học được những gì cần thiết cho cuộc sống mới của mình,” Tuyết Hoa nói, “trừ việc mình không bao giờ có thể giặt giũ lau chùi sạch sẽ như bạn được.”
Đúng là cô chưa bao giờ giỏi trong việc đó cả. Trước kia tôi luôn nghĩ đó là cách cô làm ngơ trước sự bừa bãi bẩn thỉu trong nhà tôi. Giờ thì tôi hiểu ra rằng với cô thả hồn lên khoảng trời cao bên trên những đám mây dễ dàng hơn so với việc phải nhìn nhận những điều khó chịu trước mắt.
“Nhưng nhà của bạn lại quá lớn và khó dọn dẹp hơn nhà mình, mặt khác bạn mới chỉ là cô gái còn ở tuổi mới búi tóc,” tôi tranh luận một cách ngu ngốc, cố làm cô thấy dễ chịu hơn. “Bạn có…”
“Một người mẹ chẳng thể giúp gì mình, một người cha nghiện ngập, các anh chị em cứ lần lượt ra đi.”
“Nhưng bạn sắp lấy…”
Đột nhiên, tôi nhớ lại cái ngày cuối cùng khi bà Cao đến căn buồng phụ nữ của nhà tôi và tôi được chứng kiến cuộc cãi vã cuối cùng giữa bà ta và bà Vương. Bà ta đã nói gì về chuyện hôn ước của Tuyết Hoa nhỉ? Tôi cố nhớ lại những gì tôi biết về việc sắp đặt đó, nhưng Tuyết Hoa rất hiếm khi nhắc đến người chồng tương lai của cô; cô hiếm khi cho chúng tôi thấy bất kỳ món quà sính lễ nào. Đúng là chúng tôi cũng thấy những mảnh vải bông và lụa mà cô dùng để thêu thùa khâu vá, nhưng cô luôn nói đó là những thứ để làm các vật dụng hàng ngày như giày cho chính cô. Không có điều gì khác thường cả.
Chợt một ý nghĩ đáng sợ bắt đầu hình thành trong tâm trí tôi. Tuyết Hoa sẽ phải làm dâu một gia đình thấp kém. Câu hỏi đặt ra là, thấp kém đến mức nào?
Dường như Tuyết Hoa đọc được ý nghĩ của tôi. “Dì đã làm những gì tốt nhất có thể cho mình. Mình sẽ không lấy nông dân.”
Nghe hơi đụng chạm, vì bố tôi cũng là nông dân.
“Anh ta là dân buôn bán à?” Buôn bán là nghề thấp kém, nhưng anh ta có thể bù đắp lại một số điều kiện mà Tuyết Hoa đã mất.
“Mình sẽ lấy chồng ở gần thôn Cẩm Điền, như dì Vương đã nói, nhưng gia đình chồng mình” - cô lại ngập ngừng - “họ làm nghề đồ tể.”
Trời ơi! Đó là một cuộc hôn nhân tệ nhất! Chồng của Tuyết Hoa sẽ có chút của nả, nhưng công việc anh ta làm không sạch sẽ mà rất kinh tởm. Tôi rà soát lại mọi chuyện xảy ra từ tháng trước, khi chúng tôi chuẩn bị cho lễ cưới của tôi. Đặc biệt, tôi nhớ ra lúc bà Vương ngồi cạnh Tuyết Hoa, vừa an ủi, vừa dỗ dành như thế nào. Sau đó, tôi nhớ bà mối đã kể “Câu chuyện về Người vợ họ Vương”. Hết sức hổ thẹn, tôi nhận ra rằng câu chuyện đó không phải là để dành cho tôi mà là dành cho Tuyết Hoa.
Tôi không biết phải nói gì. Tôi đã nghe được những mẩu nhỏ của sự thật từ khi tôi lên chín, nhưng lại không chịu tin hay cũng không hề nhận ra nó. Lúc này tôi nghĩ, chẳng phải nhiệm vụ của tôi là làm lão đồng hạnh phúc hay sao? Làm cô quên đi hoàn cảnh khó khăn này? Làm cô tin tưởng rằng “khổ tận cam lai”?
Tôi vòng tay ôm lấy cô. “Ít ra thì bạn cũng sẽ không bao giờ lo bị đói,” tôi nói, mặc dù hóa ra tôi lại sai trong nhận định này. “Còn có những điều tồi tệ hơn nữa cơ có thể xảy ra với một người phụ nữ,” tôi nói, nhưng chẳng nghĩ ra đó là điều gì.
Cô gục vào bờ vai tôi và nức nở. Giây lát sau, cô đẩy tôi ra một cách thô bạo. Đôi mắt cô đẫm lệ, nhưng tôi không thấy vẻ buồn bã trong đó mà là hung dữ.
“Đừng thương hại tôi! Tôi không cần điều đó!”
Tôi đâu nghĩ đến chuyện thương hại cô. Tôi cảm thấy lòng rối như tơ vò và buồn bã. Lá thư cô viết cho tôi đã phá tan niềm vui sướng của tôi trong ngày cưới. Việc cô không xuất hiện lúc cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới của tôi được đọc lên đã làm tôi tổn thương sâu sắc. Và giờ là chuyện này. Trong mớ cảm xúc hỗn độn, tôi thấy giận sôi lên vì Tuyết Hoa đã lừa dối tôi. Chúng tôi đã ở cùng nhau bao đêm, vậy tại sao cô không nói với tôi sự thật? Phải chăng cô không thành thực tin số phận của mình là như thế? Phải chăng đó là bởi cô luôn để tâm hồn mình mơ mộng, và nghĩ rằng mộng rồi sẽ thành thực? Hay cô tin rằng đôi chân bó của chúng tôi sẽ rời khỏi mặt đất và trái tim của chúng tôi sẽ thực sự chắp cánh bay lên cùng loài chim? Hay cô chỉ cố gắng giữ thể diện bằng cách giữ kín những điều bí mật của mình, tin rằng ngày hôm nay sẽ không bao giờ đến?
Lẽ ra tôi phải giận Tuyết Hoa vì cô đã nói dối tôi, nhưng lúc đó tôi lại không thấy giận. Tôi tin rằng mình đã bị lôi đến một tương lai đặc biệt, khiến tôi chỉ nghĩ đến mình khi nhìn thấy những điều sờ sờ trước mắt. Có phải đó là thiếu sót của tôi khi là một người bạn - một lão đồng - cái điều đã ngăn cản tôi không hỏi Tuyết Hoa những câu thích hợp về quá khứ và và tương lai của cô ấy.
Tôi vừa mới mười bảy tuổi. Tôi chỉ quanh quẩn trong căn buồng toàn những người phụ nữ chỉ nhìn thấy tương lai của mình tôi suốt mười năm qua. Cả những người đàn ông ở dưới nhà cũng vậy. Nhưng khi tôi nghĩ về tất cả - mẹ, thím, bố, chú, bà Cao, bà Vương và cả Tuyết Hoa nữa - thì người duy nhất tôi thực sự đổ lỗi được là mẹ tôi. Có thể bà Vương đã lừa bịp ngay từ đầu, nhưng cuối cùng bà ta cũng hiểu ra được sự thực và quyết định không nói với tôi. Suy nghĩ của tôi về mẹ méo mó đi khi tôi nhận thức được rằng những biểu hiện tình cảm thỉnh thoảng mẹ mới bộc lộ, những điều giờ đây tôi biết là một phần của những lời giả dối của mẹ mà tôi đã không nhận ra, chỉ là cách giữ tôi đi theo đúng hướng để tiến tới một cuộc hôn nhân tốt đẹp mang lại lợi ích cho gia đình tôi mà thôi.
Lúc này tôi bối rối tột độ, và tôi tin là nó đã chuẩn bị cho những gì xảy ra sau đó. Tôi không biết mình nghĩ gì nữa. Tôi không nhận biết hay hiểu ra điều gì mới là quan trọng. Tôi chỉ là một con bé ngốc nghếch, cứ tưởng rằng mình cũng biết được chút ít vì đã lấy chồng. Tôi không biết giải quyết bất kỳ việc gì trong mớ lộn xộn này như thế nào, vì thế tôi chôn vùi chúng vào sâu, thật sâu trong lòng tôi. Nhưng những cảm xúc của tôi thì không - không thể - biến mất. Như thể tôi nuốt một miếng thịt lợn bệnh và nó từ từ làm thối rữa bên trong cơ thể tôi.
LÚC ấY TÔI CHƯA trở thành bà Lữ được kính trọng bởi lòng nhân từ, trắc ẩn và sự mạnh mẽ như ngày hôm nay. Tuy nhiên, ngay từ khoảnh khắc bước chân vào nhà Tuyết Hoa, tôi đã cảm thấy có điều gì mới mẻ nảy sinh trong tôi. Hãy nghĩ về miếng thịt lợn bệnh đó, và bạn sẽ hiểu tôi muốn nói điều gì. Tôi phải giả vờ là mình không bị ốm hay nhiễm bệnh, thế nên tôi dùng ý chí của mình cho một mục đích tốt đẹp. Tôi muốn đem lại danh tiếng cho gia đình chồng tôi bằng cách đối xử từ tâm với những con người lâm vào hoàn cảnh bần cùng nhất. Tất nhiên, tôi không biết làm việc đó như thế nào, vì tất cả những điều đó không phải là bản tính của tôi.
Tuyết Hoa sẽ lấy chồng trong vòng một tháng nữa, vì thế tôi phụ cô và mẹ cô lau dọn nhà cửa. Tôi muốn nó phải trông cho ra hồn một chút trước đoàn người bên nhà chú rể, nhưng không làm sao có thể xử lý được cái mùi hôi thối tràn ngập khắp phòng. Mùi ngòn ngọt phát lợm của khói thuốc phiện bố Tuyết Hoa hút. Và một mùi khác, mà chắc bạn đã đoán ra, từ những đống phân chồng chất lên nhau của ông ta. Không thứ hương trầm nào, không thứ giấm nào, cả việc mở cửa sổ ngay giữa những tháng lạnh lẽo này có thể che giấu sự bẩn thỉu và những thói quen của người đàn ông đó.
Tôi nhận ra nếp sống trong ngôi nhà này, nơi hai người phụ nữ sống trong nỗi sợ hãi và một người đàn ông đang nằm một góc trên sàn nhà. Tôi đã nghe thấy giọng nói nín khẽ của họ và nhìn thấy họ co rúm người lại mỗi khi ông ta gọi họ. Và tôi cũng nhìn thấy người đàn ông đó, nằm ườn trên đống phân hôi thối. Ngay cả khi đã lâm vào túng bấn, ông ta vẫn nóng nảy và dễ nổi giận như một đứa trẻ hư hỏng. Hẳn đã có lúc ông ta đánh đập vợ và con gái, nhưng giờ thì chỉ còn là một sinh vật mê lú vì thuốc phiện, tốt hơn hết là cứ để mặc xác ông ta với cái thú trụy lạc ấy.
Tôi cố không để lộ cảm xúc. Đã quá đủ nước mắt trong căn nhà này rồi, không cần thêm phần của tôi nữa. Tôi bảo Tuyết Hoa cho tôi xem sính lễ của cô. Tôi nghĩ trong đầu: gia đình đồ tể này chắc cũng không tệ lắm. Tôi đã từng thấy những mảnh lụa mà Tuyết Hoa dùng để thêu thùa. Gia đình này hẳn phải khá sung túc, mặc dù tâm hồn họ có ô uế thật.
Tuyết Hoa mở chiếc rương gỗ và cẩn thận đặt những thứ cô làm lên giường. Tôi nhìn thấy đôi giày lụa màu xanh da trời thêu hình những đám mây mà cô đã khâu đúng hôm Mỹ Nguyệt mất. Tôi nhìn thấy chiếc áo cánh trang trí bằng một mảnh lụa y như vậy ở phía trước; rồi Tuyết Hoa xếp năm đôi giày có kích cỡ khác nhau bằng một loại sợi như nhau nhưng được thêu thêm các hình khác. Tôi trông chúng đều rất quen, và đột nhiên tôi hiểu ra tại sao. Tất cả những thứ này đều cùng một khuôn với chiếc áo cánh Tuyết Hoa đã mặc trong lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
Tôi chạm vào những đồ vật khác trên đống hồi môn của cô. Đây là vải màu hoa oải hương pha lẫn màu trắng may thành bộ quần áo đi đường Tuyết Hoa mặc khi cô lên chín, giờ được cắt lại thành áo lót trong và giày. Đây là tấm vải bông màu chàm pha lẫn màu trắng tôi rất thích đã bị cắt thành các vuông vải và mảnh vải để khâu vào những chiếc áo cánh, khăn trùm đầu, dây thắt lưng và những họa tiết trang trí trên mấy chiếc chăn bông. Sính lễ thực sự của Tuyết Hoa thật ít ỏi, nhưng cô đã phải cắt những mảnh vải từ quần áo của mình để tạo ra một món hồi môn độc nhất vô nhị.
“Bạn sẽ là một người vợ tuyệt vời,” tôi nói, thật sự nể phục những gì cô đã làm được.
Lần đầu tiên, Tuyết Hoa bật cười. Tôi luôn thích cái âm thanh đó, nghe thật sang, thật quyến rũ. Tôi cũng cười theo, vì tất cả những thứ này… đều nằm ngoài - nằm ngoài những điều tôi có thể tưởng tượng, nằm ngoài những gì công bằng hay tốt đẹp trong vũ trụ này. Tình cảnh của Tuyết Hoa và cái cách cô xoay xở với nó cùng lúc vừa khủng khiếp, vừa bi thảm, vừa khôi hài và đáng kinh ngạc.
“Những đồ đạc của bạn…”
“Thậm chí ngay từ đầu đã không phải là của mình,” Tuyết Hoa trả lời, hít một hơi. “Mẹ mình cắt những bộ quần áo hồi môn của bà để may quần áo cho mình khi mình đến thăm bạn. Bây giờ, những bộ quần áo ấy lại được cắt lại thành những món đồ cho chồng mình và gia đình anh ta.”
Ôi đúng rồi! Vì lúc này tôi nhớ ra khi ấy tôi đã nghĩ rằng họa tiết có vẻ quá cầu kỳ đối với một cô bé, hay những sợi chỉ lùng bùng từ ống tay áo của Tuyết Hoa khi cô không để ý. Tôi còn ngốc nghếch hơn cả một con gà trong cơn dông. Máu chạy đổ dồn lên mặt tôi. Tôi ôm chặt lấy hai má và cười to hơn.
“Bạn có nghĩ mẹ chồng mình sẽ nhận ra không?” Tuyết Hoa hỏi.
“Nếu mình mù đến nỗi không nhận thấy, thì…” nhưng tôi không thể nói hết câu, vì nó quá tức cười.
Có lẽ đó là câu đùa mà chỉ có đám đàn bà con gái mới hiểu được. Chúng tôi bị xem là hoàn toàn vô dụng. Ngay cả nếu gia đình ruột thịt có yêu thương chúng tôi đi nữa, thì chúng tôi vẫn là gánh nặng đối với họ. Chúng tôi đi lấy chồng, bước vào một gia đình mới, đến với người chồng chưa từng biết mặt, ăn nằm với anh ta - một người hoàn toàn xa lạ, và phục tùng mọi yêu cầu của mẹ chồng. Nếu may mắn, chúng tôi sẽ sinh được con trai và giữ vững được địa vị của mình trong gia đình chồng. Nếu không, chúng tôi sẽ bị mẹ chồng khinh rẻ, bị các vợ bé của chồng nhạo báng, và làm xấu mặt các con gái của chúng tôi. Chúng tôi phải dùng đến những mánh khóe của người đàn bà, mà ở cái tuổi mười bảy chúng tôi hầu như chưa biết chút gì, nhưng ngoài những thứ đó ra chúng tôi chẳng làm được gì nhiều để thay đổi số phận của mình. Cuộc sống của chúng tôi dựa trên những ý định bất chợt và sự hài lòng của người khác, đó là lý do tại sao những gì Tuyết Hoa và mẹ cô làm lại nằm ngoài sức tưởng tượng. Họ lấy vải vóc trước đây nhà nội của Tuyết Hoa đã gửi cho mẹ cô làm sính lễ để cắt may thành của hồi môn cho một thiếu nữ duyên dáng, rồi lại tái chế chúng thành quần áo cho cô con gái xinh đẹp của bà, và giờ lại tiếp tục tái tạo một lần nữa để thông báo về những phẩm chất của một cô gái trẻ sắp về làm vợ một anh chàng đồ tể ô uế. Tất cả những thứ đó đều là công việc của người đàn bà - chính cái công việc mà đàn ông chỉ xem là trang trí đơn thuần - ở đây nó đang được dùng đến để làm thay đổi cuộc đời của chính những người đàn bà.
Nhưng cần có thật nhiều vải hơn nữa. Tuyết Hoa phải về nhà chồng với số quần áo đủ để mặc trong suốt cuộc đời của cô. Ngay lúc này thì cô có quá ít. Tâm trí tôi hối hả lướt qua những công việc mà chúng tôi có thể làm trong tháng trước.
Khi bà Vương đến dự lễ Ngồi và Hát ở căn buồng phụ nữ, tôi kéo bà ta ra một bên và nhờ bà đến nhà tôi. “Đây là những thứ tôi cần…”
Người đàn bà này đã chê bai tôi suốt bao lâu nay. Bà ta còn nói dối - không chỉ với gia đình tôi mà cả với tôi. Tôi chưa bao giờ quan tâm đến bà ta và lúc này tôi thậm chí còn ác cảm hơn nữa vì cái trò lá mặt lá trái của bà, nhưng bà ta làm đúng như tôi dặn. (Cuối cùng thì giờ tôi cũng đã có địa vị cao quý hơn bà ta). Mấy tiếng sau, bà ta trở lại từ nhà tôi xách theo một giỏ bánh bao ngày cưới của tôi, vài miếng thịt lợn nhà chồng tôi gửi sang, rau mới hái từ vườn nhà tôi, và một giỏ khác đựng đầy vải vóc mà tôi định cắt tiếp khi trở lại nhà. Nhìn thấy mẹ Tuyết Hoa ăn những miếng thịt đó quả là một điều tôi không bao giờ quên được. Bà từng được nuôi nấng để trở thành một bậc phu nhân, và dù bị đói như lúc này, bà ấy cũng không xông vào đĩa thức ăn như những người trong gia đình tôi sẽ làm. Bà dùng đũa để gắp những miếng thịt lợn và nhẹ nhàng đưa lên miệng. Khả năng kiềm chế và chủ động của bà đã dạy cho tôi một bài học mà đến tận bây giờ tôi vẫn không quên. Có thể bạn đang tuyệt vọng, nhưng đừng bao giờ để bất kỳ ai thấy bạn là một người đàn bà không được rèn giũa.
Tôi vẫn còn có việc với bà Vương. “Chúng ta cần các cô gái trong lễ Ngồi và Hát,” tôi nói. “Bà có thể đưa chị Tuyết Hoa về không?”
“Gia đình chồng con bé sẽ không để nó quay lại nhà này nữa đâu.”
Tôi cố nuốt trôi việc này. Tôi chưa từng nghe ai nói rằng chuyện như vậy lại có thể xảy ra.
“Chúng ta vẫn cần có những cô gái,” tôi khăng khăng.
“Không ai đến đâu, cô Bách Huệ ạ,” bà Vương giãi bày. “Tiếng xấu về anh rể tôi lan khắp nơi rồi. Không gia đình nào lại cho phép những cô gái chưa chồng bước qua ngưỡng cửa nhà này đâu. Thế mẹ và thím cô thì sao? Họ đều đã biết chuyện cả…”
“Không!” Tôi chưa muốn nghĩ đến họ, và Tuyết Hoa cũng không cần sự thương hại của họ. Những người mà lão đồng của tôi cần là những người xa lạ.
Tôi nhận được một ít tiền mặt từ đám cưới của tôi. Tôi dúi một ít vào tay bà Vương. “Đừng bao giờ quay lại đây nếu bà không tìm được ba cô gái. Hãy trả cho bố của họ khoản tiền bà cho là hợp lý. Nói với họ tôi sẽ chịu trách nhiệm cho con gái của họ.”
Tôi chắc rằng địa vị mới của tôi sau khi về làm dâu một gia đình quyền quý nhất Thông Khẩu này sẽ thuyết phục được họ, nhưng tôi chỉ có thể khoác lác dễ dàng như vậy bởi chắc chắn rằng nhà chồng tôi không hề biết tôi đang dùng địa vị của họ cho việc này. Tuy nhiên, tôi có thể thấy bà Vương coi trọng điều đó. Bà ta muốn tiếp tục làm mai mối ở Thông Khẩu và nhắm nhe gặt hái những món lợi lâu dài từ việc đưa tôi vào nhà họ Lữ. Bà ta không muốn làm tổn hại đến địa vị của mình, nhưng bà ta đã phải bẻ cong nhiều nguyên tắc để mang lại lợi ích cho cháu gái mình. Cuối cùng, bà Vương cũng nhẩm tính thiệt hơn xong xuôi, bà ta bèn gật đầu một cái, rồi đi.
Một ngày sau, bà ta quay lại với ba cô con gái của một người nông dân làm việc cho gia đình chồng tôi. Nói cách khác, họ cũng là những cô gái giống tôi, trừ việc họ không có được hoàn cảnh thuận lợi đặc biệt như tôi.
Tôi quyết định tháng đó. Tôi hướng dẫn ba cô gái ca hát. Tôi giúp họ tìm những từ tốt đẹp để viết về Tuyết Hoa - một người mà họ chẳng biết gì cả - trong cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới. Nếu họ không biết chữ nào, tôi tự tay viết cho họ. Nếu họ xao nhãng việc khâu chăn, tôi sẽ kéo họ ra một chỗ và thì thầm rằng cha họ sẽ bị trừng phạt nếu họ không làm việc xứng đáng với tiền công họ nhận được.
Hãy nhớ lại xem mọi việc đã diễn ra với chị gái tôi thế nào? Chị buồn bã khi phải rời xa quê nhà, nhưng ai cũng tin rằng cuộc hôn nhân của chị sẽ suôn sẻ. Những bài hát của chị không quá bi ai cũng không quá hạnh phúc, báo trước tương lai của chị sẽ ra sao. Còn cảm xúc của tôi về hôn nhân thì lại phức tạp. Tôi cũng buồn khi phải rời xa gia đình mình, nhưng tôi cũng vui vì cuộc đời của mình sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Tôi hát nhiều bài hát để ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục của bố mẹ và cảm ơn họ đã vất vả vì tôi. Tương lai của Tuyết Hoa, mặt khác, xem ra lại ảm đạm. Không ai có thể phủ nhận hay thay đổi tương lai đó, thế nên bài hát của chúng tôi đầy muộn phiền.
Một hôm Tuyết Hoa hát, “Mẹ, bố không thể nuôi con trên ngọn đồi đầy nắng. Con vĩnh viễn phải sống trong bóng râm.”
Mẹ cô đáp lại, “thật vậy con ơi, khác nào bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu.”
Ba cô gái kia và tôi chỉ có thể hòa theo, đồng thanh hát lại cả hai câu hát đó. Mọi việc diễn ra như vậy: nặng trĩu muộn phiền, nhưng cử hành theo đúng phong tục.
TRỜI MỖI NGÀY MỘT lạnh thêm. Một hôm em trai của Tuyết Hoa đến thăm và dán giấy bịt kín chiếc cửa sổ mắt cáo. Tuy vậy, không khí ẩm thấp vẫn luồn vào được. Những ngón tay của chúng tôi cứng đờ lại và đỏ ửng bởi cái lạnh buốt xương. Ba cô gái không dám nói nhiều về bất cứ chuyện gì. Không thể cứ tiếp tục làm lễ trong điều kiện đó được, vì thế tôi đề nghị chuyển xuống nhà bếp nơi chúng tôi có thể sưởi ấm bên lò than. Bà Vương và mẹ của Tuyết Hoa làm theo ý tôi, điều đó thêm một lần nữa chứng tỏ giờ đây tôi đã có quyền lực thật sự.
Tôi đã làm cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới cho Tuyết Hoa từ lâu lắm rồi. Cuốn sổ đó tràn đầy những lời dự đoán đẹp đẽ về Tuyết Hoa và tương lai của cô, nhưng những điều đó đã không còn phù hợp nữa. Tôi lại phải viết lại từ đầu. Tôi cắt một mảnh vải màu chàm để làm lớp bọc bên ngoài, cuộn nó quanh mấy mảnh giấy thông thảo, và khâu chỉ trắng ở bên lề và gáy. Trên tờ đầu tiên, tôi dán những mẩu giấy cắt màu đỏ lên các góc. Những trang đầu tiên là dành để tôi viết bài hát tạm biệt Tuyết Hoa, trang tiếp theo là để tôi viết lời giới thiệu cô với gia đình mới, và trang còn lại để trống để cô có thể tự mình viết và lưu trữ những hình thêu của chính mình. Tôi mài mực và chấm bút để viết bằng nữ thư. Tôi cố hết sức nắn nót từng nét chữ sao cho hoàn hảo nhất. Tôi không thể để tay mình - những ngày này cứ run lẩy bẩy vì xúc động - làm hỏng những tình cảm của tôi.
Ba mươi ngày trôi qua, Ngày Đau buồn và Lo lắng bắt đầu. Tuyết Hoa ở trên gác. Mẹ cô ngồi ở bậc thang thứ tư dẫn lên căn buồng phụ nữ. Những bài hát được xướng lên và cứ tiếp nối nhau. Mặc những lời dậm dọa giận dữ đáng sợ của bố Tuyết Hoa trước bất kỳ tiếng ồn nào, tôi vẫn hát lên bày tỏ những cảm xúc của mình và những lời tiến cử như thế này.
“Người đàn bà tốt thì không chán ghét hoàn cảnh thấp kém của chồng mình.” Tôi hát, nhớ lại “Câu chuyện về người vợ họ Vương”. “Hãy giúp gia đình bạn vươn lên vị thế tốt đẹp hơn. Hãy phục vụ và vâng lời chồng.”
Mẹ và dì của Tuyết Hoa lặp lại những ý nghĩ này. “Là những cô con gái ngoan, chúng ta phải biết vâng lời,” họ cùng nhau hát lên. Nghe giọng hát của họ hòa quyện vào nhau, không ai có thể nghi ngờ sự hy sinh và tình cảm thân thiết giữa họ. “Chúng ta phải ở trong căn buồng phụ nữ, giữ gìn tiết hạnh, dịu dàng thùy mị, và chăm lo chu đáo việc nội trợ của người đàn bà. Để trọn đạo hiếu, chúng ta phải rời khỏi nhà. Đó là số phận của chúng ta. Khi về nhà chồng, một thế giới mới sẽ mở ra - có khi tốt đẹp hơn, có khi lại tồi tệ hơn.”
“Chúng ta có những tháng ngày vui vẻ bên nhau thuở còn con gái.” Tôi nhắc Tuyết Hoa. “Năm này qua năm khác, chúng ta chưa rời nhau nửa bước. Giờ đây chúng ta vẫn sẽ như vậy.” Tôi nhắc lại những gì chúng tôi viết cho nhau lần đầu tiên trên chiếc quạt và trong thỏa ước lão đồng. “Chúng ta vẫn sẽ thì thầm trò chuyện với nhau. Chúng ta sẽ vẫn cũng nhau chọn chỉ màu, cùng nhau xâu kim, và cùng nhau thêu thùa.”
Tuyết Hoa xuất hiện ở đầu cầu thang. Giọng cô vọng xuống chỗ tôi. “Mình cứ ngỡ chúng ta sẽ được cùng nhau bay lên bầu trời - được làm loan phượng chắp cánh bên nhau - mãi mãi. Giờ mình như một vật đã chết đang chìm xuống đáy ao. Bạn nói rằng chúng ta vẫn sẽ ở bên nhau như trước. Mình tin bạn. Nhưng ngưỡng cửa nhà mình sao sánh nổi nhà bạn đây.”
Cô chậm chạp đi xuống, dừng lại ngồi cạnh mẹ mình. Chúng tôi cứ ngỡ sẽ nhìn thấy những giọt nước mắt cay đắng, nhưng không hề. Cô khoác tay mẹ mình và lễ phép lắng nghe khi những cô gái trong thôn than vãn. Nhìn Tuyết Hoa, tôi không khỏi tự hỏi trước vẻ thản nhiên không mấy xúc cảm của cô, trong khi tôi - mặc dù phấn khởi vì đã lấy được chồng tốt - vẫn khóc suốt buổi lễ này. Liệu Tuyết Hoa có thấy rối bời như tôi lúc ấy không? Chắc chắn là cô sẽ nhớ mẹ, nhưng liệu cô có nhớ người cha đê tiện của mình hay nhớ những buổi sáng thức giấc trong ngôi nhà trống huơ trống hoác lúc nào cũng gợi nhắc về mọi điều tồi tệ đã xảy ra với gia đình cô hay không? Thật khủng khiếp khi về làm dâu trong một gia đình đồ tể, nhưng trên thực tế thì còn chuyện gì tồi tệ hơn cảnh sống này? Mà Tuyết Hoa lại cầm tinh con ngựa. Bản tính rong ruổi khao khát phiêu lưu trong cô cũng mạnh mẽ như trong tôi. Tuy nhiên, dù chúng tôi là lão đồng, cả hai chúng tôi cùng sinh nhằm tuổi ngọ, nhưng chân thì vẫn luôn để trên mặt đất - thực tế, trung thành, và chịu tuân phục - trong khi bản tính loài ngựa ở cô, mặc dù luôn kiếm tìm cái đẹp và sự tinh tế, lại có đôi cánh muốn bay vút lên cao và chống trả lại bất cứ thứ gì trói buộc cô.
Hai ngày sau kiệu hoa của Tuyết Hoa đến. Lần này nữa cô cũng không khóc lóc hay chống cự lại cái điều không tránh khỏi đó. Cô nấn ná một chút giữa đám người vỏn vẹn vây quanh tỏ lòng thương xót cho cô, rồi bước lên chiếc kiệu trang trí sơ sài. Ba cô gái tôi đã thuê thậm chí không buồn đợi đến lúc kiệu hoa đi khuất khỏi ngõ đã lên đường về nhà. Mẹ của Tuyết Hoa trở vào nhà, còn lại tôi một mình với bà Vương.
“Chắc cô cho tôi là một mụ già xấu xa,” bà mối nói. “Nhưng cô nên biết là tôi chưa bao giờ nói dối mẹ cô hay thím cô. Trong cuộc đời này, có quá ít việc một người đàn bà nhỏ bé có thể làm để thay đổi số phận của chính mình, huống chi là số phận của ai khác, nhưng…”
Tôi đưa tay lên ngăn bà ta ngừng lòng vòng biện minh cho mình, vì tôi cần biết một chuyện khác. “Ngần ấy năm trước khi bà đến nhà tôi và nhìn thấy chân tôi…”
“Cô muốn hỏi liệu cô có thật sự đặc biệt không chứ gì?”
Khi tôi nói đúng, bà ta nhìn tôi không chớp mắt.
“Không dễ gì tìm được một lão đồng có tiềm năng,” bà ta thừa nhận. “Tôi đã nhờ nhiều ông thầy tướng đi khắp cả vùng quê này để tìm cho được ai đó có thể kết giao lão đồng với cháu gái tôi. Thật ra, tôi muốn tìm được một người trong một gia đình cao sang hơn nhà cô, nhưng thầy Hồ lại tìm được cô. Tám đặc điểm của cô khớp hoàn toàn với tám đặc điểm của cháu gái tôi. Nhưng dù sao thì ông ta đến chỗ tôi cũng vì, đúng vậy, cô có đôi chân thật sự đặc biệt. Số phận của cô thay đổi là do trời định, dù có kết giao lão đồng với cháu gái tôi hay không. Và bây giờ thì tôi lại hy vọng số phận của con bé sẽ thay đổi nhờ mối quan hệ với cô. Tôi đã nói dối nhiều điều, để con bé có được một cơ hội trong cuộc đời này. Tôi sẽ không bao giờ xin lỗi cô vì điều đó.”
Tôi nhìn chằm chằm vào bộ mặt xù xì thô ráp của bà Vương, ngẫm nghĩ. Tôi muốn ghét bà ta, nhưng ghét sao nổi đây? Bà ta đã gắng làm điều tốt nhất có thể cho một người có ý nghĩa với tôi hơn bất kỳ ai trong cuộc đời này.
VÌ CHỊ CỦA Tuyết Hoa không thể mang cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới đến, nên tôi phải tự mình đi đến chỗ Tuyết Hoa. Gia đình tôi gửi đến một chiếc kiệu, và chỉ trong chốc lát tôi đã đến được Cẩm Điền. Nhà cửa không trang hoàng, cũng không thấy tiếng ban nhạc đám cưới ồn ào huyên náo báo hiệu một dịp đặc biệt đang diễn ra trong thôn ngày hôm đó. Tôi bước xuống kiệu vào đúng một con đường bẩn thỉu ngay trước cửa một ngôi nhà lụp xụp và một đống gỗ xếp cạnh chân tường. Bên phải cánh cửa ra vào là một thứ gì đó giống như cái chảo khổng lồ gắn vào nền gạch.
Lẽ ra họ phải chuẩn bị cơm nước khoản đãi vì tôi đã ghé thăm. Nhưng không. Lẽ ra những người đàn bà đứng đầu thôn này phải tới chào hỏi tôi. Họ có làm thế, nhưng cách ăn nói tục tĩu của họ, trong khi thôn này chỉ cách Thông Khẩu vài dặm, cho tôi thấy khá nhiều về đời sống thấp kém của những người ở đây.
Đến lúc đọc Tam triều thư, tôi được dẫn vào gian nhà chính. Bề ngoài, căn nhà cũng giống với nhà bố mẹ tôi. Những chùm ớt phơi khô rủ xuống trên xà chính. Những bức tường xây bằng gạch thô không trát vữa hay quét vôi. Tôi hy vọng những tương đồng giữa chốn này và nhà bố mẹ tôi cũng sẽ được phản chiếu trong những con người nơi đây. Tôi không gặp được chồng của Tuyết Hoa trong dịp này, nhưng tôi gặp mẹ anh ta, và bà ta quả là một sinh vật khủng khiếp. Đôi mắt bà ta sát với nhau còn đôi môi thì mỏng dính, tướng tá ấy cho thấy con người này tâm địa hẹp hòi và lòng dạ khe khắt.
Tuyết Hoa bước vào phòng, ngồi lên chiếc ghế đẩu cạnh nơi để cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới của cô, và lặng lẽ chờ đợi. Mặc dù tôi có cảm giác sau khi lấy chồng mình đã thay đổi, nhưng trong con mắt tôi Tuyết Hoa vẫn y nguyên như cũ. Những người đàn bà ở Cẩm Điền túm tụm lại quanh Tam triều thư, đưa những ngón tay cáu bẩn sờ vào nó. Họ bàn luận với nhau về đường khâu trên mép và những hình giấy cắt, nhưng không ai nói một lời nào về chất lượng của chữ viết hay những suy nghĩ được viết trong đó. Vài phút sau, mấy người đàn bà đều ngồi vào vị trí của họ quanh căn phòng.
Mẹ chồng của Tuyết Hoa bước đến chiếc ghế dài. Chân của bà ta không bị bó xấu xí như chân mẹ tôi, nhưng cái dáng đi kỳ lạ cho thấy xuất thân của bà ta còn rõ rệt hơn cả cái giọng nghèn nghẹt phun ra từ cái miệng của bà ta. Bà ta ngồi xuống, liếc nhìn cô con dâu mới với vẻ không ưa, rồi nhìn tôi chằm chằm bằng cặp mắt vô cảm. “Tôi biết cô đã được cưới về nhà họ Lữ. Cô thật may mắn.” Lời nói thì lịch sự, nhưng cái cách bà ta nói nghe như muốn bảo tôi được lôi từ bùn lên vậy. “Người ta bảo rằng cô và con dâu tôi rất giỏi nữ thư. Đàn bà con gái trong thôn này không coi trọng thứ trò giải trí đó. Chúng tôi có thể đọc, nhưng tôi nghĩ nghe đọc thì hay hơn.”
Tôi lại nghĩ khác. Người đàn bà này cũng giống như mẹ tôi, mù tịt về nữ thư. Tôi liếc quanh phòng, nhìn những người đàn bà khác. Họ không bình luận gì về chữ viết vì chắc chắn là họ biết rất ít chữ trong đó.
“Chúng tôi không cần phải che giấu suy nghĩ của mình trong cái thứ chữ ngệch ngoạc trên trang giấy đó,” mẹ chồng Tuyết Hoa tiếp tục. “Mọi người trong phòng này đều biết những gì tôi nghĩ.” Khi một ai đó buông tiếng cười tỏ ý đồng tình với điều bà ta nói, bà ta lại đưa ba ngón tay ra hiệu cho bà bạn im lặng. “Được nghe cô đọc Tam triều thư của con dâu tôi sẽ làm chúng tôi thấy rất vui. Những lời nhận xét về phẩm giá của con dâu tôi được một cô gái từ một gia đình lớn ở Thông Khẩu mang đến sẽ là điều hết sức đáng trân trọng.”
Mỗi lời của người đàn bà đó nói là một lời nhạo báng. Tôi đáp lễ lại như một cô gái mười bảy tuổi sẽ làm. Tôi cầm lấy cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới mà mẹ Tuyết Hoa đã chuẩn bị và mở nó ra. Tôi mường tượng lại chất giọng tao nhã của bà và cố tái tạo lại nó trong khi hát.
“Mẹ gửi lá thư này đến gia đình cao quý của con vào ngày thứ ba sau lễ cưới của con. Mẹ là mẹ của con, và giờ đây chúng ta phải tạm xa cách nhau trong ba ngày. Vận rủi đã đổ xuống gia đình ta, và giờ con phải đi làm dâu ở một thôn khó khăn.” Theo tục lệ đối với cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới, đến đây chủ đề thay đổi, và mẹ Tuyết Hoa hướng tới gia đình mới của cô. “Tôi hy vọng ông bà bên nhà thông cảm cho món hồi môn nghèo nàn của con gái tôi. Thậm chí lớp trên cùng cũng chỉ đơn sơ. Xin ông bà lượng xá.” Thủ tục là như vậy, phải nói về vận rủi của gia đình Tuyết Hoa, việc họ đã mất địa vị xã hội, và cảnh túng quẫn của gia đình họ hiện nay, nhưng tôi chỉ liếc qua những chữ viết đó giả như chúng không hề tồn tại. Thay vào đó, tôi bịa ra những câu khác. “Một người phụ nữ tốt như Tuyết Hoa của chúng tôi lẽ ra phải được vào một nơi chốn tốt hơn. Con bé xứng đáng với một gia đình khá giả.”
Tôi đặt cuốn sách xuống. Cả phòng im phăng phắc. Tôi cầm cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới mà tôi viết cho Tuyết Hoa và mở ra. Tôi liếc nhìn mẹ chồng Tuyết Hoa. Tôi muốn cho bà ta biết lão đồng của tôi sẽ luôn có tôi bảo vệ.
“Mọi người có thể nói về chúng ta như những cô gái đã đi lấy chồng,” tôi hát lên, hướng đến Tuyết Hoa, “nhưng trong trái tim, chúng tôi sẽ không bao giờ xa cách nhau. Bạn sa sút, mình vươn lên. Gia đình bạn giết mổ súc vật. Gia đình mình quyền thế nhất vùng. Bạn gần gũi với mình như con tim mình vậy. Tương lai của chúng ta đã gắn chặt với nhau. Chúng ta giống như cây cầu bắc qua con sông. Suốt đời này, ta sẽ song hành bên nhau.” Tôi muốn mẹ chồng Tuyết Hoa nghe tôi. Nhưng đôi mắt bà ta nhìn lại tôi vẻ nghi hoặc, đôi môi mỏng dính của bà ta mím lại thành một đường chỉ cau có.
Khi kết thúc, tôi lại thêm thắt vào một chút tình cảm mới. “Đừng biểu lộ nỗi đau khổ nơi người khác có thể nhìn thấy. Đừng để cơn nức nở trào lên. Đừng để những kẻ thô lỗ có được một cớ nào để giễu cợt bạn và gia đình bạn hòng mua vui. Hãy tuân theo các quy tắc. Hãy xoa dịu vầng trán lo âu của bạn. Chúng ta sẽ mãi mãi là lão đồng.”
Tuyết Hoa và tôi không có được một cơ hội nào để nói chuyện riêng với nhau. Tôi bị đưa ra kiệu để trở về nhà bố mẹ đẻ. Khi còn lại một mình, tôi lấy chiếc quạt mở ra xem. Nếp gấp thứ ba đã ghi lại khoảnh khắc kỷ niệm đặc biệt đối với chúng tôi. Điều này có vẻ như là đúng, vì chúng tôi đã sống được hơn một phần ba quãng đời được xem là dài của những người đàn bà xứ này. Tôi nhìn lại mọi chuyện đã diễn ra trong cuộc sống của chúng tôi cho đến thời điểm đó. Thật nhiều niềm vui. Cũng không ít nỗi buồn. Quá nhiều thân tình.
Tôi lướt nhìn đến đoạn mới nhất mà Tuyết Hoa viết về chuyện tôi về làm dâu nhà họ Lữ. Nó kéo dài độ nửa nếp gấp của chiếc quạt. Tôi pha mực và lấy cây bút lông mịn nhất. Ngay dưới những lời chúc tốt lành của cô, tôi nắn nót vẽ từng nét chữ: Chim phượng liệng bay bên trên chú gà tầm thường. Nó cảm thấy gió vờn quanh mình. Sẽ không có gì trói buộc nó vào mặt đất. Chỉ tới lúc này, khi tôi ngồi một mình với những câu chữ đã được viết ra kia, tôi mới thực sự nghĩ tới sự thật về số phận của Tuyết Hoa. Trên vòng lá chỗ mép quạt, tôi vẽ một bông hoa úa tàn đang nhỏ xuống những giọt lệ. Tôi đợi đến khi ráo mực.
Rồi tôi gấp chiếc quạt lại.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT