Buổi trưa hôm ấy, tớ bắt đầu thi hành trách nhiệm đi kiểm tra các ngôi mộ do mình quản lý. Ngước đầu nhìn vầng mặt trời trắng toát đang chuyển dần về phía tây, bên tai tớ nghe rất rõ tiếng người huyên náo ở phía biên giới. Tớ biết thị trường buôn bán của dân hai bên biên giới đã được khôi phục trở lại sau một thời gian dài bị gián đoạn. Đúng như lời của một bài ca nào đó: "Thân thể anh chưa kịp lạnh, thế sự đã đổi thay".

Trong nghĩa địa cây cối um tùm, tiếng chim kêu râm ran, phân chùn màu trắng như những viên băng rơi xuống phần mộ của chúng tớ. Tớ ngửi mùi tanh tanh đầy sức sống của thân thể những con chim ẩn sau những bộ lông rậm rịt, bước từ phần mộ này sang phần mộ khác. Tất cả các phần mộ đều tối om, duy chỉ có phần mộ của Linh Hồn Chết là ánh sáng đom đóm vẫn sáng rực một màu xanh lục. Sự cần cù của cậu ta khiến tớ cảm động, nhưng đã có quy định là ban ngày phải tắt lửa đom đóm. Tớ bước đến gần phần mộ của cậu ta, giơ tay định gõ cửa, bỗng nghe tiếng khóc từ trong vọng ra. Chiến sĩ mà khóc, rõ ràng là có vấn đề về mặt tư tưởng. Tớ gõ mạnh vào cửa, gọi to:

- Hoa Trung Quang! Cậu đang làm trò gì vậy?

Cậu ta chẳng trả lời, tiếng khóc lại to hơn, còn có cả tiếng đấm bình bịch vào vách phần mộ.

Một con quạ từ đâu bay tới, bộ dạng rõ ràng muốn đậu xuống phần mộ của Hoa Trung Quang. Tớ giơ bàn tay lên phất mạnh, con quạ nghiêng người né tránh. Cậu biết không, chúng tớ kỵ nhất là quạ đậu trên phần mộ bởi những uế khí trên người chúng có thể xuyên thấu qua vách mộ khiến không khí chỗ ở của chúng tớ bị ô nhiễm. Trực ban của tiểu đoàn năm đang đi đi lại lại giữa những phần mộ của tiểu đoàn mình, từ xa đã vẫy tay chào tớ. Tớ đã nhận ra anh ta - chính là tay được mệnh danh là vua sáo của sư đoàn, có biệt danh là Thiết Địch Tiên. Ỷ vào tài thổi sáo, tay này coi trời bằng vung khi còn ở tiểu đoàn tân binh, chúng ta đã từng gây gổ với hắn, cậu quên rồi à? Tớ bắt chước tiếng dế kêu lên hai tiếng để đáp lễ, hắn đưa ống sáo lên miệng thổi một tràng dài nhại tiếng chim vàng anh rồi lẫn vào sau hàng cây to rậm.

Tiếng khóc của Hoa Trung Quang càng ngày càng to. Tớ đấm mạnh vào cửa, quát:

- Hoa Trung Quang! Mở cửa! Mở cửa! Giữa ban ngày ban mặt, cậu kêu gào cái quái quỷ gì thế?

Chẳng quan tâm đến tiếng quát của tớ, Hoa Trung Quang tiếp tục khóc gào. Tiếng khóc của cậu ta chẳng khác gì so với người sống, đến nỗi toàn thân tớ nổi da gà. Đúng là "chính ngọ nghe người khóc, người chết cũng lạnh run". Làm thế nào đây? Cậu buộc tôi phải phá cửa mà vào à? Phá không nổi đâu. Cửa mộ bằng bê tông cốt thép, phá không nổi. Tớ chạy đến phần mộ của La Nhi Hổ, gõ cửa:

- Tiểu đoàn trưởng, mở cửa nhanh lên!

Hắn chỉ mở hé một cánh cửa, hỏi:

- Ai? Ban ngày ban mặt, làm trò quỷ gì thế?

- Tôi! Chính trị viên! Triệu tập họp ngay! Hoa Trung Quang đóng cửa khóc ầm lên kia kìa, chắc chắn có chuyện gì đó.

- Thằng oắt con này, tôi trông thấy nó đã ngứa mắt. Văn thơ bút mực là chuyện của người sống, nó vương vào làm gì? Muốn khóc cứ để cho nó khóc. Người sống có thể khóc mà chết, người chết khóc chẳng đời nào có thể sống lại được - La Nhi Hổ làu bàu.

Tớ tức giận quát to:

- La Nhi Hổ! Như ông mà xứng đáng là một tiểu đoàn trưởng à? Khi còn sống đã giả vờ tích cực, chết rồi ông vẫn cứ là một kẻ lạc hậu.

La Nhi Hổ thấy tớ tức giận nên đấu dịu một cách xảo quyệt:

- Chẳng qua là tôi thuận miệng nói thôi mà. Làm lính lâu ngày như vậy, nhất định cũng có ít nhiều giác ngộ. Nếu chẳng có trách nhiệm gì với cậu ta thì cũng phải có trách nhiệm với người sống, nhất định không để cho cậu ta làm điều gì khiến người sống cảm thấy phiền phức. Liên lạc đâu! Mau triệu tập hội nghị toàn thể cán bộ.

Đại đội trưởng các đại đội đều có mặt, các trợ lý cũng đã đến. Tớ báo cáo tóm tắt tình hình, mọi người mồm năm miệng mười đua nhau đề xuẩt giải pháp. Một là cứ đứng ngoài cửa để khuyên giải bằng tình cảm, cả bằng lý lẽ. Hai là phong tỏa mọi thông tin, không để cho tiểu đoàn bên cạnh biết chuyện. Một viên đại đội trưởng có kinh nghiệm trong việc xử lý những chuyện hồn ma phá phách người sống ở Việt Nam nói, anh ta đã từng biết thế nào là hợp xướng của những hồn ma. Nếu tất cả chiến sĩ ở đây đồng loạt khóc lên như vậy đòi về nhà, đòi sống lại thì sẽ gây ra phiền phức kinh hoàng.

Chúng tớ lặng lẽ bao vây phần mộ của Hoa Trung Quang, nhón chân bước khẽ, còn đặt người đứng gác đề phòng người sống tò mò đến xem, bố trí đại đội trưởng đại đội hai vốn là người đồng hương của Hoa Trung Quang đến để khuyên anh ta. Tay này thân thể thấp lùn, đôi mắt màu xanh lam tròn xoe, cái mũi cũng ngắn và tròn, cái mồm nhỏ có cặp môi đỏ mọng và một mái tóc hoe vàng mềm mại. Lời nói của cậu này nhẹ nhàng như gió thoảng, chầm chậm du dương, ngọt ngào như một dòng sữa. Đúng là một chất giọng ngọt ngào trời cho. Miệng cậu ta kề sát khe cửa, cái lưỡi chỉ cần dao động là trong không gian đã dậy lên một mùi ngọt thoang thoảng như mật ong:

- Trung Quang ơi! Bạn tốt của tôi ơi! Tôi là Khương Bảo Châu đây. Bạn đừng khóc nữa để nghe mình nói mấy lời. Những tiếng khóc của bạn giống như những mũi dao đâm nát trái tim mình. Đừng khóc nữa để nghe mình nói đây. Mình biết cậu nhớ nhà, muốn về nhà, nhưng trong tất cả bọn mình, ai không muốn về nào? Nhưng chúng mình lúc sống đã từng oanh oanh liệt liệt, chết đi cũng phải làm sao cho xứng đáng với lúc sống phải không? Được rồi, mình chẳng nói lý lẽ nữa, về chuyện lý lẽ bạn hiểu hơn mình nhiều. Mình chỉ nói những điều mình nghĩ trong lòng. Bạn ơi! Bạn muốn về nhà, lẽ nào mình lại không muốn về sao? Bố mẹ mình vẫn còn đang sống ở quê. Bố mình mắc bệnh lao, chỉ cần cử động mạnh là thở không ra hơi, chẳng biết làm gì để có cái ăn, chính quyền đã có chính sách hỗ trợ nhưng chỉ dựa vào khoản trợ cấp này thì liệu có sống được không? Do vậy mà vẫn phải cắm cúi ngoài đồng. Ai làm những công việc nặng nhọc nhất? Chỉ dựa vào mẹ mình thôi. Trước khi chiến tranh nổ ra, bạn được phép về thăm nhà và đã từng ghé thăm nhà mình. Lúc ấy vợ mình vẫn còn sống, việc đồng áng vẫn do vợ mình lo liệu. Bạn nói rằng vợ mình quá khổ, một mình trồng và chăm sóc đến hàng mẫu bông, mang gùi trên lưng cả ngày ngoài đồng hái lá thuốc, bỏ đứa con chỉ mới đầy tháng ở nhà. Bạn nói, toàn thân cô ấy nực nồng mùi lá thuốc, cặp vú cô ấy đầy sữa chảy ướt đầm cả vạt áo trước ngực. Con mình ở nhà do mẹ mình chăm sóc. Nhà mình quá nghèo, làm sao mua được sữa bột và bột dinh dưỡng cao cấp cho con. Con bé đói quá rồi, mẹ mình nhai mấy mẩu bánh khô mớm vào mồm cho nó. Ngay cả nước sôi cũng chẳng có; mẹ mình vét mấy hạt cơm còn đọng dưới đáy nồi bỏ vào phích nước đã hỏng không còn giữ được độ nóng, lát sau mở ra đã ngửi thấy một thứ mùi quái dị xông lên. Con mình uống cái thứ nước ấy... Bạn ơi! Bạn chưa hề quên phải không? Khi bạn kể cho mình nghe những chuyện gia đình mình, mình đã khóc ngất như thế nào... Lúc ấy mình chỉ nghĩ, sao mình lại tồi tệ, sao mình lại vô dụng đến như thế? Sao lại có thể để cho bố mẹ, vợ con mình khổ đến như vậy? Khóc xong thì lại hận mình, lúc ấy mình đã nói với cậu là: Trung Quang, người như mình đây chẳng xứng đáng có vợ, chẳng nên kết hôn, càng không xứng đáng là một người bố. Là trẻ con cả, tại sao có đứa lại được sinh ra trong gia đình giàu có, uống sữa, ăn bánh bao, mặc quần áo đẹp; còn sinh ra trong gia đình của mình thì ăn cái gì, mặc cái gì? Trời ơi!

Bạn trở về đơn vị thì mình được phép về thăm nhà. Tình hình gia đình mình thực tế còn bi đát hơn lời kể của mình nhiều lần. Bố mẹ mình trông già đi rất nhiều, còn con bé thì đen và gầy hơn cả một con mèo hoang. Nhà cửa tan hoang, khắp nơi phân gà vương vãi, mấy chiếc bát sứt mẻ nằm chỏng chơ trong nồi, trên bếp lò chỉ có vài củ khoai mốc thếch. Bố mình vừa ho vừa đi chăn trâu, mẹ cõng con bé trên lưng và đi lại trong vườn trên đôi chân khẳng khiu. Con bé đang khóc ằng ặc, xem ra nó chẳng có chút sức lực nào. Bước vào cửa, mình chỉ kịp kêu lên một tiếng "Mẹ" thì nước mắt đã tuôn trào. Mẹ thấy mình thì phấn khởi đến độ tay chân run lẩy bẩy, suýt chút nữa làm con bé rơi xuống đất. Đưa đứa bé từ sau lưng về phía trước ngực, mẹ nói với nó: Phân Phân! Xem ai về kia kìa? Là bố cháu đấy, gọi bố đi, mau đi! Con bé mặt mày đầy ghét bẩn, nước mũi thò lò, một ngón tay đang nhét vào miệng mút chùn chụt; nước miếng chảy ra nhem nhuốc và những vệt ghét bẩn đóng quanh mép. Mẹ nói: Con bé không nhận ra con. Đúng rồi! Kể từ ngày nó được sinh ra nào đã thấy mặt bố mình, sao có thể nhận bố? Mẹ nói: Phân Phân! Để bố bồng cháu! Mình vứt hành lý xuống đất, đưa tay đỡ con bé. Nó vẫn mút tay và nhóp nhép nói câu gì đó mà mình nghe không ra. Nó không hề khóc. Mẹ mình than: Bố con mà chẳng hề nhận ra nhau! Đây chính là con gái mình sao? Ôm lấy nó mà trong lòng mình cảm thấy tuyệt vọng và đau xót vô cùng. Đã là mùa thu, lá trong vườn đã ngả màu vàng và đang rụng, gió se sắt, thi thoảng lại nghe tiếng nhạn trên trời cao. Con bé nửa tuổi của mình chỉ mặc một chiếc áo ngắn che đến rốn, còn thân dưới thì hoàn toàn trần truồng, sờ tay vào mông nó mình thấy lạnh căm căm. Trên mông và đùi con bé có mấy bớt màu xanh, mình hỏi mẹ: Tại sao lại thế này? Mẹ nói, sinh ra đã có; có lẽ kiếp trước nó mắc tội gì đó nên Diêm Vương đã sai bọn đầu trâu mặt ngựa dùng thước đánh. Mình nói: Phải mặc quần cho nó chứ! Mẹ nói, vừa đái vừa ỉa lưng tung, cứ để được ngày nào hay ngày ấy. Mình nói, không mặc quần thì nó lạnh chết còn gì. Mẹ nói: Lạnh không chết đâu mà sợ. Con bé đột nhiên khóc ằng ặc, mẹ nói: Nó khát nước rồi, cho chút nước. Mẹ đổ ra nửa bát nước đùng đục từ phích, thổi phù phù rồi kề bát vào miệng con bé, nói: Phân Phân! Uống chút nước đi, uống đi! Con bé kề miệng vào bát, uống vài ngụm rồi tiếp tục khóc. Mình hỏi: Không có nước sôi à? Mẹ nói: Chiếc phích bị hỏng rồi.

Trung Quang! Bạn nói xem, lúc ấy lòng tớ nghĩ gì? Chúng mình trong bộ đội được ăn cơm trắng bánh mì thơm, con cái ở nhà một ngụm nước sôi cũng không có. Bạn đã biết rồi đó, nguồn nước vùng mình vừa có phèn, vừa mặn, mùi vị còn khó uống hơn cả mùi thuốc bắc, con bé làm sao có thể uống được. Nó khóc. Mẹ mình nói: Con bé này chắc là đói rồi. Bồng nó vào nhà đi để mẹ cho nó ăn chút gì đó. Mẹ lấy từ chạn ra một miếng bánh bột ngô bỏ vào miệng nhai cho bã ra rồi chấm vào đĩa muối bột, đưa lên miệng con bé. Mình đau xót quá, van nài: Mẹ, đừng cho nó ăn kiểu thế...! Không ăn thế này thì ăn thế nào? Con bé này lúc nào cũng khóc, giống hệt anh ngày xưa. Mẹ tiếp tục nhai một miếng nữa và nhét vào mồm con bé. Lần này thì nó không nuốt nữa mà như một bà già, nó ho lên sặc sụa, mặt mày tái xám, lâu lắm mới bình thường trở lại. Mẹ nói: Được rồi, được rồi! Chờ mẹ mày về mà bú nhé! Mình hỏi: Mẹ nó lúc nào mới về? Mẹ ngước mắt nhìn về phía mặt trời đang lặn, nói: Còn lâu lắm, bông đang nở trắng ruộng, chỉ cần một trận gió mạnh là rụng hết. Ban đêm lại có bọn ăn trộm. Bố anh đêm nào cũng phải ra canh gác, gác cả đêm mà vẫn bị hái trộm. Ôi dào! Cuộc sống lúc này sao mà khó khăn quá. Mẹ dụi dụi mắt nói tiếp - Chi mong anh rời khỏi nhà để có thể kiếm một chức tước gì đấy, chuyện kiếm tiền ít nhiều gì không kể; chỉ muốn anh làm cho bố mẹ được mở mặt mở mày với mọi người. Chớp mắt đó mà đã hai năm rồi, xem ra chẳng có chút hy vọng nào cả. Nếu cảm thấy không ra gì thì về đây, nếu không thì vợ anh sẽ kiệt sức mất, bố mẹ cũng không còn sống mấy năm nữa đâu, chỉ muốn thấy được vợ chồng anh ăn ở với nhau là có chết cũng mãn nguyện rồi. về đơn vị mà báo cáo mọi chuyện với lãnh đạo đi, không phải là bố mẹ lạc hậu. Ngày xưa bố anh tham gia Bát Lộ quân, mẹ đã từng thức suốt đêm để giã gạo làm bánh cho bộ đội mà một lời oán trách cũng không hề thốt ra. Nhưng bây giờ thì không được nữa rồi... Ngừng một lát, mẹ tiếp tục - Anh bồng con bé đi dạo một chút đi, mẹ đi thổi cơm đây - Bố anh đang chăn trâu ngoài bờ đê, anh ra gặp bố đi...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play