Đỉnh
Linh Thứu đối với tôi gần như hoang đường, tôi không bao giờ dám nghĩ đời mình
sẽ có ngày đến Linh Thứu. Hôm nay tôi chỉ còn cách Linh Thứu vài cây số, đã
thấy đỉnh núi huyền thoại này từ xa, từ điện của Tần-bà sa la.
Trong số
du khách đến Ấn Độ mà nếu có ai đến Vương Xá là chỉ để thăm Linh Thứu. Người Ấn
gọi Linh Thứu là Griddhaguta, nó là một đỉnh đồi nằm phía đông kinh thành Vương
Xá. Do Linh Thứu thu hút khách nước ngoài nên tại thị trấn Vương Xá mới xây sau
này cũng có một vài khách sạn hiện đại, đón khách hành hương từ Nhật hay Aâu Mỹ
quen tiện nghi. Chúng tôi vào ăn trưa ở một khách sạn mang tên Lotus (Hoa sen)
và mới hay nơi thị trấn hẻo lánh này mà cũng có khách sạn trang bị đầy đủ máy
lạnh nước nóng. Vào sảnh đường khách sạn tôi thấy ngay một bức tranh lớn vẽ
đỉnh Linh Thứu. Lòng tôi toát ra lòng biết ơn cuộc đời và cảm nhận một niềm rộn
rã vô hạn. Khách sạn này chỉ mở cửa sáu tháng mùa đông, còn mùa hè thì du khách
không có ai đến vì quá nóng.
Sau bữa
ăn trưa, nhân viên khách sạn chỉ đường cho chúng tôi đi Linh Thứu, họ nói với
anh tài xế bằng tiếng Hindu cách đi đường thế nào thuận tiện nhất. Và khi đến
nơi, chúng tôi mới hay Linh Thứu không hề là một vùng hoang vu như Vương Xá mà
là một nơi được nhiều người đến chiêm bái.
Theo
dòng khách hành hương chúng tôi đến một trạm đi xe cáp, đó là phương tiện di
chuyển thông thường trong các vùng núi non. Từ dưới thấp nhìn lên chúng tôi
thấy một bảo tháp trắng toát. Thế nhưng đỉnh Linh Thứu đâu?
Xe cáp
dần dần đưa chúng tôi lên núi, thì ra đó là núi Bảo sơn [35], nằm phía tây bắc
của Linh Thứu. Trên đỉnh núi này, năm 1969 người Nhật xây một bảo tháp cực lớn
mang tên Shanti Stupa (tháp hòa bình thế giới). Khi đến nơi tôi mới thấy quả
thật đây là một bảo tháp tuyệt đẹp với bốn tượng Phật hoàn hảo nhìn ra bốn
phía. Thông thường thì tôi có thể bỏ cả nửa buổi để nhìn ngắm tháp này nhưng
tôi đến đây vì Linh Thứu, đỉnh núi thiêng liêng này đang chiếm lấy tâm tôi. Tôi
chạy ra sân của công trình bảo tháp nhìn xuống, thì dưới kia là Linh Thứu! Linh
Thứu là đó sao, một đỉnh đồi với một chiếc sân nhỏ bằng đá hình vuông vuông, đó
thật là nơi cách đây 25 thế kỷ Phật đã giảng những bộ kinh quan trọng hay sao?
[35] Ratna mountain
Thì ra
xe cáp đã kéo chúng tôi lên rất cao, tới đỉnh Bảo sơn nơi xây bảo tháp. Cách đi
là khách thăm Bảo sơn trước, sau đó đi bộ xuống núi để đến Linh Thứu. Lòng tôi
có chút vướng bận một điều gì đó chưa rõ nhưng tôi háo hức theo đoàn người
xuống núi, đi trước là một viên lính Ấn Độ dẫn đường. Càng đi, Linh Thứu càng
gần dần và rõ dần. Buổi chiều đã bớt nắng, gió hơi mạnh.
Và đây
rồi, len lỏi qua vài mô đá lớn, chúng tôi tới đỉnh Linh Thứu! Xúc động thay,
đời mình đến được nơi này.
Đây là
một sân vuông nhỏ, dài khoảng hai mươi mét, rộng mười mét. Đây là nơi diễn ra
Hội Linh Sơn cách đây hai ngàn năm trăm năm mà hồi nhỏ tôi đã nghe ông tôi tụng
“Linh Sơn hội thượng Phật”, pháp hội mà nhiều người hiện nay cho rằng nó vẫn
còn tiếp diễn.
Linh
Thứu được xem là chỗ đức Phật giảng pháp thậm thâm, dành cho các bậc thượng
thừa, được mệnh danh là chỗ Ngài chuyển pháp lần thứ hai. Trong một bài giảng
tại đại học Harvard (Mỹ) [36], vị Đại-lai lạt-ma thứ 14 hiện nay nói: “Nội dung
của những bài thuyết pháp này là những bài kinh thuộc hệ Bát-nhã ba-la-mật-đa
và trong những bài kinh này, người ta thường kể rằng, rất nhiều môn đệ của Ngài
(Phật) – người, chư thiên, a-tu-la và những loài khác đã tham dự pháp hội này.
Nhưng nếu đã từng đến núi Linh Thứu thì người ta sẽ nhận ra ngay là cái đỉnh
của ngọn núi này chỉ có thể chứa được mười, cao nhất là mười lăm người. Vậy thì
chỗ Phật thuyết pháp phải là một nơi, một hiện tượng mà chỉ những môn đệ với
những thiện nghiệp hi hữu, con mắt thanh tịnh, mới có thể nhìn thấy được”.
[36]
The Dalai Lama at Harvard, Jeffrey Hopkins, University of Virginia
Đỉnh Linh Thứu chính là nơi Phật
giảng bộ kinh Diệu pháp liên hoa, trong đó Ngài không còn là một con người lịch
sử có sống có chết nữa, mà Phật xuất hiện trong dạng Báo thân, trong dạng của
một vị Phật đã thành tựu Phật quả từ muôn ngàn kiếp trước. Trong kinh này Ngài
trình bày rõ các phương pháp khác nhau của tam thừa đều chỉ là phương tiện của “người
cha muốn cứu các con đang vui chơi trong một ngôi nhà đang cháy”.
Phẩm thứ 16 (Thọ mạng Như Lai) trình
bày rõ việc Ngài đắc đạo bốn mươi năm trước đó tại Bồ-đề đạo trường hay sẽ nhập
Niết bàn chỉ là dạng Ứng thân của Ngài cho người đời dễ tin dễ hiểu chứ Ngài
thành đạo không phải trong đời này và cũng sẽ mãi mãi thường trụ tại đời này.
Và đáng chiêm ngưỡng thay, đỉnh Linh Thứu chính là trú xứ, là tịnh độ của Ngài.
Vì thế mà “hội Linh Sơn” mãi mãi vẫn còn tiếp diễn với hàng vạn bồ-tát và thiên
nhân. Người bình thường, còn bị vô minh vây phủ, thấy thế giới này còn vô
thường và khổ đau, thì cũng thế, thấy Linh Thứu chỉ là một cái sân nhỏ tráng
xi-măng chỉ có chỗ cho vài chục người.
Tôi chỉ là người trần mắt thịt nên
chiều hôm đó chỉ nghe tiếng gió chiều và cảm nhận một cách trừu tượng rằng mình
đang đứng một chỗ thiêng liêng. Từ đỉnh núi Linh Thứu này, lòng đầy u hoài tôi
nhìn xuống Vương Xá ngày nay chỉ là một con đường chạy giữa hai triền núi. Tôi
nhớ lại một tác phẩm của Schumann để hiểu tại sao ngày xưa Phật lại cư trú trên
này. Theo Schumann [37] thì Vương Xá ngày xưa là một đô thị nằm trong lòng
chảo, xung quanh toàn là núi không có chút gió nên mùa hè hẳn phải nóng khủng
khiếp. Đức Phật và đoàn tùy tùng có lẽ cũng không chịu nổi cái nóng và phải rút
lên núi, thế nhưng không lên quá cao để môn đệ, trong đó có nhà vua
Tần-bà-sa-la tiện việc thăm Ngài. Dễ thương thay, cách giải thích logic của một
người phương tây. Thì ra Ứng thân của Ngài cũng sợ nóng, cũng chịu mọi cảnh
sinh lão bệnh tử của cuộc đời.
[37]
Sách đã dẫn
Về sau trên đường đi xuống núi, quả
nhiên tôi thấy có bảng đề: “Đây là chỗ nhà vua cho tùy tùng rút lui để một mình
lên diện kiến Phật”. Đi tiếp xuống một đoạn lại thấy: “Đây là chỗ nhà vua xuống
xe ngựa, đi bộ lên núi thăm Phật”.
Trước khi xuống núi khách có thể
thăm viếng các động thiền định của A-nan, Đại Ca-diếp, Xá lợi-phất,
Mục-kiền-liên. Bao nhiêu thế hệ của khách hành hương đã đến chỗ này, bao nhiêu
lòng thành kính đã tỏa lan nơi đây mà ngày nay còn lại là những cửa động bằng
đá dát vàng lấp lánh. Ôi, những điều tưởng là huyền thoại không ngờ lại có thật
cả.
Trên đường xuống núi, người lính Ấn
Độ dẫn đường đã chỉ cho tôi thấy một tảng đá rất giống hình chim ưng, một trong
những lý do mà người ta đặt cho đỉnh núi này biệt danh “đỉnh kên kên”. Tôi chụp
được hình ảnh độc đáo này, không dễ gì bắt gặp nó trong một ngày trời xanh nắng
sáng như hôm nay (xem hình 9].
Tôi đi xuống chân núi, lòng ân hận.
Bây giờ tôi mới biết lòng mình vướng bận điều gì. Lẽ ra tôi phải đi bộ lên núi,
như hàng đoàn người đi ngược từ dưới lên, trong đó có cả ông già bà cả. Những
người trong khách sạn tưởng tôi thích tiện nghi đã chỉ một con đường bất xứng,
đi xe cáp lên cao rồi từ trên đi xuống cho khỏe. Từ phía dưới tôi ăn năn nhìn
lên, chỉ còn thấy xa xa hình của một ông già người Ấn đứng bơ vơ trên đỉnh, ông
là người thu những số tiền mà khách cúng dường nơi chốn thiêng liêng này.
Lần sau đời tôi nếu có cho tôi đến
Linh Thứu lại, tôi sẽ dành một ngày đi bộ từ Vương Xá lên đỉnh, đi lại bước
chân của đức Phật lúc Ngài còn tại thế. Nhiều năm về sau, tôi được đi tham bái
nhiều thánh địa của đức Thích-ca ở Ấn Độ, nhiều đạo trường của các vị Bồ-tát mà
Diệu pháp liên hoa kinh đã nhắc tới như Văn-thù, Quán Thế Âm, Phổ Hiền…ở Trung
Quốc, nhiều tu viện rất cổ tại Tây Tạng. Đó là những chốn rất thiêng liêng được
mệnh danh là “tứ động tâm” của Ấn Độ, “tứ đại danh sơn” của Trung Quốc, “thành
phố của chư thiên” tại Tây Tạng. Thế nhưng không có nơi nào để lại trong tôi
lòng xúc động và biết ơn cuộc đời như Linh Thứu. Phải chăng Linh Thứu quá nhỏ
bé để tôi thấy đâu đây còn có hơi ấm và ánh sáng của vị đạo sư trong lúc các
chốn kia quá to lớn mênh mông? Nhưng đó là tâm tư thật của tôi. Nếu có một ngày
hỏi lại đời mình đâu là chỗ đáng quí nhất đã từng đi tới thì đó là núi Linh
Thứu.
TỪ LINH SƠN NHỚ VỀ YÊN TỬ
Có nhiều truyền thuyết giải thích
tại sao núi Linh Thứu còn có tên là “đỉnh kên kên”. Có thuyết cho rằng tôn giả
A-nan, một vị học trò thân cận của Phật, trong lúc thiền định trong động đá bị
ma quỷ hiện thành chim kên kên dọa nạt. Tôi không hiểu nếu hiện hình con gì thì
còn có người sợ chứ chim thì mấy ai sợ. Lại có người cho rằng nơi đây chim kên
kên hay đến làm tổ. Cũng có kẻ nói rằng đá núi nơi đây có hình chim kên kên,
thuyết này xem ra đứng vững hơn cả.
Như ta đã biết, trong hơn bốn mươi
năm giáo hóa, Đức Thích-ca đã giảng nhiều bài kinh quan trọng tại Linh Thứu.
Cuối đời mình, nơi đây Ngài đã dùng Báo thân để giảng bộ kinh Diệu pháp liên
hoa cho thiên nhân cũng như loài người, bộ kinh Đại Thừa nổi tiếng mà Phật tử
Việt Nam
hay gọi là kinh Pháp Hoa.
Cũng trên đỉnh Linh Thứu này, ngày
nọ, Đức Thích-ca không nói gì, lẳng lặng đưa một cành hoa lên cao. Hội chúng chẳng
ai hiểu gì cả, chỉ có một đại đệ tử của ngài là Đại Ca-diếp mỉm cười, cũng
chẳng nói năng gì. Hành động “niêm hoa vi tiếu” này là đầu nguồn của Thiền
tông, một tông phái chủ trương “tâm truyền tâm”, đạt giác ngộ không cần và
không thể sử dụng ngôn ngữ văn tự mà dùng tuệ giác vốn có sẵn nơi tâm mà tiếp
cận với thực tại. Linh Thứu là quê hương của Thiền tông, đây cũng là suối nguồn
của nhiều tông phái quan trọng khác. Đại Ca-diếp được xem như Tổ thứ nhất của
Thiền tông Ấn Độ. Về sau Đại Ca-diếp truyền cho A-nan, rồi cứ thế mà dòng
truyền thừa Thiền tông tiếp diễn liên tục đến gần ba mươi đời sau, trong đó có
Long Thụ là truyền nhân đời thứ 14 mà ta đã biết.
Khoảng tám trăm năm sau khi Đức
Thích-ca nhập diệt có một kẻ lữ hành từ Trung Quốc đến thăm Linh Thứu. Người đó
là một vị tăng sĩ, tên gọi là Pháp Hiển, sinh khoảng cuối thế kỷ thứ tư. Năm
399, Pháp Hiển lên đường thăm Ấn Độ, thăm các thánh tích quan trọng của Đức
Thích-ca và mười lăm năm sau mới về nước, mang theo vô số kinh điển. Theo tập
ký sự còn lưu lại, Pháp Hiển mang nhang đèn đến Linh Thứu, vừa dâng hương, “đèn
tự cháy sáng”. Pháp Hiển, “buồn đến phát khóc”, ở lại trong núi một đêm và tụng
đọc kinh Lăng Nghiêm để nhớ lại vị đạo sư đã giảng kinh này tại đây.
Sau Pháp Hiển hơn hai trăm năm, một
đại sư Trung Quốc lừng danh khác là Huyền Trang, biệt danh Đường Tam Tạng cũng
đến chiêm bái Linh Thứu. Trên đỉnh núi Linh Thứu ngày nay còn một nền đá ghi
lại ngày xưa Đức Thích-ca đã trú nơi đây và ngàn năm sau Huyền Trang đã nghỉ
lại qua đêm. Vị tăng sĩ Việt Nam
đầu tiên đi Linh Thứu có lẽ là Đại Thặng Thăng, sinh trong thế kỷ thứ bảy. Đại
Thặng Thăng với ba vị tăng sĩ Việt Nam khác cùng đi với nhà sư Trung
Quốc Nghĩa Tịnh [635-713] bằng đường biển đến Ấn Độ, đến tham bái Linh Thứu và
các thánh tích khác, cuối cùng chẳng may bỏ mình tại xứ người.
Không phải chỉ có lữ khách từ xa đến
Ấn Độ, ngược lại tăng sĩ Ấn Độ đi các nước khác cũng rất nhiều mà con người đầy
huyền thoại nhất thời đó là một tăng sĩ mặt đen, râu rậm, tướng mạo như một võ
sư. Đó là Bồ-đề Đạt-ma, có lẽ sinh năm 470. Bồ-đề Đạt-ma chính là truyền nhân
đời thứ 28 và là đời cuối cùng của Thiền tông Ấn Độ, bắt đầu với Đại Ca-diếp và
A-nan. Năm 520 Bồ-đề Đạt-ma lên đường đi Trung Quốc bằng đường biển, theo một
tài liệu thì có ghé Việt Nam trước khi đến Nam Kinh gặp nhà vua Trung Quốc
Lương Vũ Đế. Gặp Vũ Đế, Bồ-đề Đạt-ma khai thị yếu tính Thiền tông rất rõ ràng
nhưng vua không lĩnh hội vì lòng còn bị các quan niệm thiện ác, tốt xấu chi
phối. Bồ-đề Đạt-ma thấy cơ duyên chưa tới, đi về hướng Bắc Trung Quốc, vượt
sông Trường Giang đến Lạc Dương, lên núi Tung sơn, ở chùa Thiếu Lâm, chín năm
tọa thiền quay mặt vào vách.
Tưởng Thiền tông như thế là đứt
đoạn, tổ Thiền thứ 28 đã rời Ấn Độ đi Trung Quốc, ở Trung Quốc thì quay mặt vào
vách không nói năng gì. Nhưng không phải, trong một ngày đầy tuyết nọ, có người
rút dao tự chặt cánh tay tỏ lòng thành khẩn, xin Bồ-đề Đạt-ma khai thị. Người
đó là Huệ Khả [487-593]. Chỉ nghe một câu “an tâm”, Huệ Khả đại ngộ, trở thành
truyền nhân của Bồ-đề Đạt-ma, đời sau gọi là nhị tổ của Thiền tông Trung Quốc.
Huệ Khả truyền cho Tăng Xán, vị tam tổ này sinh ra lúc nào không rõ chỉ biết
tịch năm 606. Tăng Xán sau đó truyền cho Đạo Tín [580-651], rồi vị này truyền
lại cho Hoằng Nhẫn [601-674].
Các vị truyền nhân này đều sống một
cuộc đời kỳ dị, giác ngộ qua những câu vấn đáp xem ra ngớ ngẩn, mỗi người mỗi
khác nhưng giống nhau ở chỗ lấy “tâm truyền tâm, thấy tánh thành Phật” làm gốc.
Đến đời thứ sáu, với Lục tổ Huệ Năng [638-713] thì tính cách “bất lập văn tự”
mới đạt tột đỉnh vì Huệ Năng mới đầu chỉ là một anh chàng tiều phu mù chữ. Về
sau, Huệ Năng không có truyền nhân chính thức, thiền Trung Quốc được xem là có
sáu vị tổ, như thiền Ấn Độ có 28 vị. Thế nhưng Huệ Năng là người khai sáng
Thiền Trung Quốc rực rỡ hơn ai hết, để lại cho hậu thế vô số thiền sư xuất
chúng và một dòng truyền thừa mãnh liệt đến thế kỷ thứ 11 và cả đến ngày nay.
Thiền tông không dừng ở Trung Quốc.
Tổ thứ ba Tăng Xán vốn có ít học trò, trong đó có một vị tên là Tì-ni-đa
Lưu-chi [38]. Vị này sinh năm nào không rõ, chỉ biết tịch năm 594. Sau khi ngộ
pháp xong, Tì-ni-đa Lưu-chi đi về phương Nam, đến Giao Chỉ, ngụ ở chùa Dâu ngày
nay, thuộc tỉnh Hà Bắc Việt Nam. Tại đây Tì-ni-đa Lưu-chi khai sáng dòng Thiền
Việt Nam, truyền 19 đời, đến thế kỷ thứ 13, có ảnh hưởng mạnh lên đến các vua
thời Lý.
[38]
Vinitaruci
Song song, trong số học trò sau mấy
đời của Huệ Năng có một vị nói năng rất ít, được gọi tên là Vô Ngôn Thông. Năm
820, Vô Ngôn Thông về phương nam đến tỉnh Bắc Ninh Việt Nam ngày nay, khai sáng một dòng
Thiền mới, truyền 17 đời, cũng đến thế kỷ thứ 13.
Trong thế kỷ thứ 11 một vị thiền sư
Trung Quốc tên gọi là Thảo Đường, không rõ vì duyên cớ gì đi lưu lạc tận Chiêm
Thành. Thảo Đường bị vua Việt Nam
là Lý Thánh Tông bắt làm tù binh trong một trận chinh phạt nước này năm 1069.
May thay cho Thảo Đường, Lý Thánh Tông là một nhà vua trọng đạo lý. Biết Thảo
Đường là môn đệ của thiền sư Tuyết Đậu Trùng Hiển, Lý Thánh Tông phong làm Quốc
Sư, tự nhận mình làm học trò. Cũng lại là một điều mà chỉ ngày xưa mới có. Sau
đó, Thảo Đường khai sáng dòng Thiền thứ ba của Việt Nam, truyền được sáu đời, kéo dài
đến cuối nhà Lý.
Khác với Thiền Trung Quốc chia thành
“ngũ gia thất tông”, hầu như ba thiền phái Việt Nam chỉ đợi ngày hợp nhất. Qua đầu
thế kỷ thứ 13, ba dòng Tì-ni-đa Lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường nhập lại
một dòng duy nhất. Không rõ cơ duyên nào mà lịch sử Việt Nam lại sản sinh nhiều
nhân vật lỗi lạc trong các thế kỷ 12,13 của đời Lý Trần. Dưới ảnh hưởng của
Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, ba dòng Thiền đó tập hợp thành một, xuất
phát từ núi Yên Tử, hiện nay thuộc tỉnh Quảng Ninh, gọi là phái Thiền Yên Tử.
Tại Việt Nam núi Yên Tử trở thành đỉnh cao vòi vọi của một dòng Thiền vừa rất
quí tộc vừa rất nghệ sĩ.
Giữa thế kỷ thứ 13, một nhân vật
kiệt xuất ra đời, đó là Trần Nhân Tông (1258-1308]. Vừa làm vua chăm lo bảo vệ
bờ cõi, vừa là thiền sư đạt đạo, Trần Nhân Tông trở thành tổ thứ sáu của dòng
Thiền Yên Tử. Nhưng vì nhân cách của Trần Nhân Tông quá rực rỡ, đời sau tôn ông
làm sư tổ, lấy hiệu Trúc Lâm của ông đạt tên làm phái Thiền Trúc Lâm, một dòng
Thiền có tính nhập thế. Năm 1304, Trần Nhân Tông đích thân đi cả nước tìm
truyền nhân, gặp ngay một thiếu niên “có đạo nhãn”, liền truyền pháp cho, người
đó là Pháp Loa (1284-1330], tổ thứ hai của Trúc Lâm.
Đến năm 23 tuổi, Pháp Loa gặp một
nhân vật kỳ dị, lúc đó đã 51 tuổi, tên gọi là Huyền Quang. Huyền sử chép rằng,
mẹ của Huyền Quang là Lê Thị, ba mươi tuổi mà chưa có con, hay đến chùa cầu
nguyện. Đầu năm 1254, trụ trì chùa là sư Tuệ Nghĩa mơ thấy trong chùa “đèn đuốc
sáng choang, Đức Thích-ca chỉ tôn giả A-nan mà bảo, ngươi hãy tái sinh làm pháp
khí Đông Độ và nhớ lại duyên xưa”. Năm đó Lê Thị sinh Huyền Quang. Gặp Pháp
Loa, Huyền Quang tôn làm thầy mặc dù thầy trẻ hơn mình gần ba mươi tuổi.
“Duyên
xưa” là duyên gì? Đông Độ Việt Nam thật ra là có duyên với đạo Phật, Việt Nam
đến với đạo Phật sớm hơn cả Trung Quốc. Trong thế kỷ thứ nhất sau công nguyên,
tại Việt Nam đã hình thành một trung tâm đạo Phật là Luy Lâu, thuộc Bắc Ninh
ngày nay. Luy Lâu phát triển song song với hai trung tâm của Trung Quốc là Lạc
Dương và Bình Thành [39]. Thiền Việt Nam đã xuất phát cả trước khi Bồ-đề Đạt-ma
đến Trung Quốc. Trong thế kỷ thứ ba, tăng sĩ Khương Tăng Hội người Giao Chỉ đã
viết luận giải về Đại Thừa và Thiền tông cho nên nhiều người cho rằng Khương
Tăng Hội chính là người sáng lập Thiền Việt Nam, không phải đợi đến lúc Thiền
Trung Quốc du nhập.
[39] Ngày nay là Đại Đồng thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung
Quốc
Người
đời sau tôn ba vị Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang là “tam tổ” Thiền Việt
Nam, xứng danh ngang hàng với sáu vị Tổ Thiền Trung Quốc và 28 vị Tổ Thiền Ấn
Độ. Núi Yên Tử của Việt Nam, Tung sơn của Trung Quốc và Linh Thứu của Ấn Độ là
nơi sản sinh các dòng Thiền đó.
Suốt bảy
thế kỷ sau Trần Nhân Tông, trong vô số những người đã đến thăm Linh Thứu, có
một đứa con cháu lạc loài của ông đứng ngẩn ngơ trên núi chiều nay. Ôi, con
người đích thực của bao vị thánh nhân hầu như chìm trong bóng tối của lịch sử.
Thường người ta chỉ biết Trần Nhân Tông là một nhà vua giỏi bảo vệ bờ cõi, nào
ngờ là một đại sư đạt đạo mà học thuật và nhân cách của ông đã truyền thừa cho
các thế hệ đến ngày nay.
Tưởng
Huyền Trang chỉ là một nhân vật huyền thoại, sư phụ hiền lành của Tôn Hành Giả,
nào ngờ là một nhà dịch kinh tác tuyệt về văn chương và nội dung, sáng lập cả
một tông phái đại thừa tại Trung Quốc. Tưởng Bồ-đề Đạt-ma chỉ là tổ sư võ công
Thiếu Lâm, nào ngờ là kẻ đã khai sáng Thiền tông miền Đông Á, mở đường cho vô
số người cầu hiểu biết. Tưởng Đức Thích-ca là một ông bụt hoang đường, nào ngờ
là một con người từng sống, từng hoạt động, từng chết trên trái đất này.
Rời Linh
Thứu với lòng u hoài chiều hôm đó, tôi chỉ có thể nhắc lại đây lời của
Schumann: “Chuyến hành trình theo dấu chân Đức Phật là một niềm vui, đồng thời
là một cảm hoài xao xuyến, vì phần lớn các nơi Ngài đã đặt chân đến, ngày nay
người ta chỉ còn tìm thấy sự đổ nát và hiu quạnh. Nhưng tính vô thường của vạn
sự há chẳng phải là thông điệp của Ngài ư? Ngài chẳng đã nói rằng Pháp sẽ có
ngày bị quên lãng, nhưng sẽ được khám phá lại một cách mới mẻ ư? Có thể Ấn Độ
đã quên người con trai vĩ đại của mình, nhưng tại các nơi khác ở châu Á, mà
cũng trong các tâm hồn tại châu Âu và Mỹ, thì thông điệp của Ngài vẫn còn sinh
động. Chúng ta hãy mừng vui rằng, có một đầu óc ưu việt đã thấu hiểu cái Khổ và
nguyên nhân của nó và đã chỉ rõ cách giải thoát nó nằm ngay nơi chúng ta”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT