Thời Xuân Thu, trong triều đình của Tề Cảnh Công có ba người có sức khỏe kinh người, không ai địch nổi.

Người thứ nhất họ Điền tên gọi Khai Cương. Người này mặt đỏ như huyết phun, mắt như sao sáng, miệng diều hâu, tai mang cá, hàm răng liền khít khịt. Có một lần, Tề Cảnh Công đi săn ở núi Đông Sơn, bỗng từ trong hẻm núi phía tây có một con mãnh hổ chồm ra vồ con ngựa Cảnh Công đang cưỡi. Con ngựa kinh hãi lồng lên chạy, hất Cảnh Công ngã xuống đất. Điền Khai Cương vừa nhìn thấy lập tức phóng tới, tay trái túm chặt lông gáy con hổ, tay phải vung quyền đánh tới tấp, lại lấy chân đá vào mặt con hổ, vừa đấm vừa đá, khiến con hổ chết tươi. Cảnh Công về triều phong cho chàng ta là Thọ Ninh Quân.

Người thứ hai họ Cố tên Dã Tử. Người này mặt như mực đổ, má phính râu vàng, tay như cây móc bằng đồng, răng như lưỡi cưa sắc nhọn. Năm nọ, Cảnh Công đi qua sông Hoàng Hà, bỗng dưng trời đổ mưa lớn, sóng nổi dồn dập, chiếc thuyền vua đi muốn lật. Chợt thấy giữa đám mây mưa có một đám lửa cháy, rồi một con quái vật nhào lộn trên mặt nước. Cố Dã Tử đứng bên cạnh nói: “Đây nhất định là con giao long ở sông Hoàng Hà”. Cảnh Công lo sợ, hỏi: “Bây giờ làm sao đây?” Cố Dã Tử nói: “Chúa công chớ lo, hãy xem thần chém nó”. Nói xong, rút kiếm, cởi áo ngoài, nhảy xuống nước. Một lát sau, sóng gió yên hẳn, chỉ thấy Dã Tử tay xách cái đầu con giao long từ dưới nước vọt lên. Tề Cảnh Công bèn phong cho chàng ta là Vũ An Quân.

Còn người thứ ba họ Công Tôn, tên Tiếp, người cao lừng lững như tòa tháp, mắt hình tam giác, eo hổ lưng vượn, sức nâng nổi vạn cân. Có một lần, quân Tần xâm phạm vùng biên giới, Cảnh Công soái lĩnh binh mã tới nghênh chiến, bị quân Tần đánh bại, hãm vào vòng vây ở núi Phượng Ninh Sơn. Công Tôn Tiếp liền dùng một cây gậy sắt nặng khoảng 150 cân, xông vào quân Tần. Mười vạn quân Tần trở tay không kịp, bị giết chết lăn lông lốc. Cảnh Công được cứu nguy, bèn phong cho chàng ta là Uy Viễn Quân.

Ba anh chàng này kết anh em với nhau. Họ ngạo mạn vô lễ, ngang ngược hoành hành giữa chốn triều đình, xem vua quan như cây cỏ. Cảnh Công mỗi lần thấy họ bước lên điện là như có gai chích sau lưng.

Một hôm, nước Sở phái quan đại phu Cận Thượng sang nói chuyện giảng hòa, đòi nước Tề phải tôn nước Sở làm thượng quốc. Ba người kia nghe nói vậy, nổi giận quát võ sĩ chém đầu Cận Thượng và xin lãnh quân tiến sang đạp bằng nước Sở. Lúc đó, có một người từ ngoài bước vào. Người này dáng thấp bé nhưng mi thanh mục tú, răng trắng môi hồng. Đó chính là quan Thừa tướng nước Tề họ Án tên Anh, tự Bình Trọng.

Án Anh thấy tình hình như vậy bèn quát võ sĩ dừng tay, rồi hỏi rõ đầu đuôi xong, bảo tha cho Cận Thượng. Sau đó tâu trình với Cảnh Công, nói mình sẽ thân chinh sang thuyết phục vua tôi nước Sở để họ phải tôn Tề làm thượng quốc.

Điền Khai Cương nghe nói vậy nổi xung giận dữ, tóc dựng đứng lên, quát lớn: “Nhà ngươi chỉ là một đứa con nít! Người trong nước không có mắt nên để ngươi làm Thừa tướng, sao lại dám mở miệng nói càn như vậy? Ba người chúng ta đây có sức lực giết rồng, chém hổ, có dũng khí địch được muôn người, sẽ quyết đem tinh binh đến tiêu diệt nước Sở, cần gì đến ngươi!”

Tề Cảnh Công vội vàng khuyên giải. Lúc đó, Cố Giã Tử mới nói: “Hãy cứ để cho đứa con nít đi sứ lần này xem sao. Nếu làm tổn hại quốc uy thì trở về sẽ bị băm nát thành bùn”. Nói xong, cùng với Điền Khai Cương và Công Tôn Tiếp hầm hầm đi ra.

Cảnh Công rất lo cho Án Anh, song Án Anh lại chẳng để ý gì, mang theo hơn mười người tùy tùng lên đường sang nước Sở.

Đoàn xe và ngựa của Án Anh vừa tới Sính đô, vua tôi nước Sở bàn bạc với nhau rằng: “Án Anh nước Tề là người giỏi ăn nói, ta hãy lập kế khiến cho hắn không dám mở miệng!”

Bàn xong đâu đấy, cho mời Án Anh vào triều. Án Anh tới trước triều môn, thấy cổng chính không mở, cổng phụ bên cạnh thì chỉ kéo lên một nửa, cố ý để Án Anh phải chui vào. Tùy tùng vội ngăn lại nói: “Chúng thấy thừa tướng thấp bé nên làm vậy để hạ nhục ngài, sao ngài lại trúng kế chúng?” Án Anh cười lớn nói: “Các người không biết, ta nghe nói người thì đi cửa của người, chó thì đi cửa của chó. Đi sứ nước người thì nên vào cửa người, đi sứ nước chó thì vào cửa chó. Vậy có gì đáng nghi ngại?” Các đại thần nước Sở nghe nói vậy, lập tức cho mở ngay cửa lớn đón tiếp. Án Anh đàng hoàng bước vào, như không có ai xung quanh.

Vào đến trước điện, Án Anh làm đúng nghi lễ xong, vua Sở hỏi: “Ta nghe nói nước Tề đất đai chật hẹp, nhân khẩu ít ỏi, có đúng không?”

Án Anh trả lời: “Nước Tề chúng tôi phía đông nối liền hải đảo, phía tây kề sát Ngụy, Tần, phía bắc đã cự Triệu Yên, phía nam gồm thâu Ngô, Việt, làng này xóm khác, nghe thấy tiếng gà gáy chó sủa của nhau, kéo dài mấy ngàn dặm không dứt, sao lại bảo đất đai nhỏ hẹp?” Sở vương nói: “Đất đai rộng mà dân số lại ít”. Án Anh nói: “Người trong nước chúng tôi đông đúc đến nỗi thở hơi bốc như mây khói, vung mồ hôi như mưa rơi, người đi đường liền gót sát vai, sao lại bảo là dân chúng ít?” Sở vương hỏi: “Đã là đất rộng người đông, cớ sao lại cử một chú bé con đi sứ nước ta?” Án Anh nói: “Phàm đi sứ nước lớn thì dùng người lớn, đi sứ nước nhỏ thì dùng người nhỏ, bởi vậy mới cử tôi sang đây”.

Sở vương nhìn khắp bọn đại thần bề tôi, thấy đều im thin thít, chỉ đành mời Án Anh lên điện ngồi. Thị thần dâng rượu, Án Anh điềm nhiên vui vẻ uống, không để ý gì cả.

Một lúc sau, thị vệ giải một người tới trước điện. Án Anh nhìn ra, chính là một tên tùy tùng mình mang từ nước Tề sang, bèn hỏi y phạm tội gì, thị vệ nói: “Hắn ăn cắp bộ đồ uống rượu định trốn đi nhưng bị bắt quả tang”. Kẻ kia kêu oan. Án Anh nói: “Người và tang vật rõ ràng, còn dám chống chế à? Hãy mau lôi ra chém đầu cho ta!” Sở vương hỏi: “Thừa tướng từ xa tới, sao không đem theo những người thành thật? Nay kẻ tùy tùng này làm bậy như vậy, chẳng làm nhục cho chủ nhân sao?” Án Anh nói: “Tên này từ nhỏ đã theo tôi, tôi biết rõ nó. Nó ở nước Tề là người quân tử, khi sang nước Sở lại thành kẻ tiểu nhân, đó là phong tục biến hóa mà thành ra vậy. Tôi nghe nói cây quýt trồng ở Giang Nam cho quả vừa ngon vừa ngọt, nhưng khi đem sang trồng ở phía bắc thì lại biến thành vừa chua vừa đắng. Đó cũng là do phong tục bất đồng vậy. Cho nên tên này ở nước Tề thì không ăn cắp, khi sang nước Sở lại ăn cắp, cũng chẳng có gì là lạ!”

Vua Sở kinh hãi, vội dời chỗ ngồi, bước tới chắp tay nói với Án Anh: “Các hạ thật đúng là bậc hiền sĩ! Xin dạy bảo cho!”

Án Anh bèn khuyên Sở vương nên thân chinh sang nước Tề giảng hòa. Sở vương nói: “Quả nhân tình nguyện giảng hòa song còn e bọn Điền Khai Cương, ba người đó của nước Tề không trọng tín nghĩa, vì vậy không dám sang”. Án Anh nói: “Xin đại vương yên tâm, thần xin bảo vệ cho ngài, sẽ có một kế nhỏ khiến bọn đó phải chết trước mặt ngài”.

Sở vương nói: “Nếu như bọn đó chết, ta sẽ tôn nước Tề làm thượng quốc, hàng năm sẽ triều kiến và tiến cống”.

Thế rồi lập tức mở tiệc khoản đãi Án Anh, lại chuẩn bị các lễ vật để dâng biếu.

Án Anh sai người về nước báo tin trước rồi ra về. Tề Cảnh Công hết sức vui mừng, lệnh cho tất cả các quan công khanh lớn nhỏ đều phải đi theo ra cổng thành nghênh đón thừa tướng. Án Anh vừa về đến nơi, Cảnh Công tự bước xuống kiệu thăm hỏi, sau đó cùng ngồi kiệu về. Người nước Tề đến xem đông chật đường đi. Bọn ba người Điền Khai Cương nghe nói, vô cùng tức tối.

Mấy ngày sau, Án Anh vào triều, thấy ba người đó ở trước điện, liền bước lên thi lễ. Bọn này giả bộ không nhìn thấy, không hề ngoảnh đầu. Án Anh cứ đứng vậy một lúc rồi mới bước đi. Khi gặp Cảnh Công, ông nói rõ điều vô lý đó của họ. Cảnh Công nói: “Ba tên này luôn luôn mang kiếm lên điện, xem ta như trẻ con, sau này nhất định chúng sẽ thoán vị. Ta vẫn muốn trừ bỏ chúng song không làm sao được”.

Án Anh nói: “Xin Chúa thượng yên tâm. Đợi khi nào vua tôi nước Sở sang đây, ta sẽ bày tiệc lớn, bấy giờ thần sẽ có một kế nhỏ để chúng phải tự sát hết, như thế được chăng?”

Cảnh Công hỏi: “Kế như thế nào?”

Án Anh nói: “Ba tên này đều là kẻ thất phu hữu dũng vô mưu. Cứ làm như thần nói, như thế, như thế là có thể trừ khử được chúng”. Cảnh Công cả mừng.

Mấy ngày sau, Sở vương dẫn theo văn võ bá quan, chở xe đầy vàng bạc châu báu, sang nước Tề để giảng hòa. Tề Cảnh Công mở tiệc lớn cùng chúc mừng lẫn nhau. Ba tên Điền Khai Cương mang kiếm đứng dưới điện, cao ngạo dương dương. Án Anh trước sau điềm nhiên tự tại, đối xử với chúng rất đúng độ.

Rượu được nửa tuần, Cảnh Công nói: “Hoa viên trong cung có cây Kim Đào, quả đã chín, có thể hái vào cùng ăn!”

Một lát sau, viên thái giám bê vào một cái mâm vàng trên để năm trái đào. Cảnh Công nói: “Cây đào trong cung này năm nay chỉ có được năm trái, vị ngọt hương thơm, khác hẳn các cây khác. Bây giờ thừa tướng hãy nâng ly mời rượu để mừng cho cây đào!”

Thời xưa, đào rất khó trồng, vì vậy trong vườn mà có được năm trái đào là của quý hiếm. Khi đó, Án Anh nâng ly rượu bằng ngọc trước hết kính mời Sở vương, Sở vương uống cạn ly xong, mời ăn một trái đào. Lại kính mời Tề vương. Tề vương uống xong lại mời ăn một trái đào.

Vua Tề nói: “Đào này là thứ quý. Nay thừa tướng đã làm cho hai nước hòa hiếu với nhau, công lao lớn như vậy, đáng được ăn một trái” Án Anh quỳ xuống ăn trái đào. Vua Tề lại ban cho Án Anh một ly rượu rồi nói: Trong các công khanh hai nước Tề, Sở, ai có thể nói rõ công lao lớn nhất của mình sẽ được ăn những trái đào này”

Điền Khai Cương liền vươn người bước ra, lớn tiếng nói: “Thần đã từng theo chúa thượng đi săn ở Đông Sơn, đã giết chết mãnh hổ, công lao ấy thế nào?”

Vua Tề nói: “Ra sức bảo vệ vua, công lao ấy thật không gì lớn bằng!”

Án Anh vội vàng tiến lên kính một ly rượu và mời anh ta ăn một trái đào.

Lúc đó, bỗng Cố Dã Tử đứng phắt dậy, nói: “Giết hổ có gì mà lạ! Ta từng chém chết giao long trên sông Hoàng Hà, cứu chúa thượng về nước, công lao đó thế nào đây?”

Vua Tề nói: “Đó là công lao cái thế. Mau mời rượu, ban đào!”

Án Anh vội tiến lên kính tửu, mời Cố Dã Tử một trái đào. Lúc đó, Công Tôn Tiếp xốc áo bước ra, nói lớn: “Ta đã từng xông pha trong mười vạn quân binh, tay vung gậy sắt cứu được chúa thượng. Quân địch không tên nào dám đến gần, vậy công đó ra sao?”

Vua Tề nói: “Công lao của khanh, trong trời đất này không gì sánh nổi. Nhưng không còn đào mà thưởng nữa rồi. Hãy cứ ban một ly rượu, còn đào thì sang năm sẽ ban!”

Án Anh cũng nói: “Thật ra thì công lao của tướng quân là lớn nhất, tiếc rằng nói chậm quá. Hôm nay không ăn được đào, thành thử không được nổi rõ công!”

Công Tôn Tiếp vỗ kiếm nói: “Chém giao long, giết mãnh hổ, đó chỉ là việc nhỏ. Ta đã từng tung hoành trong trốn muôn quân, như đi vào chỗ đông người, từng ra sức cứu được chúa thượng, lập được công lớn, thế mà lại không được ăn đào, thật nhục nhã trước vua tôi hai nước, đáng cười cho hậu thế, vậy ta còn mặt mũi nào đứng ở triều đình này nữa?” Nói xong, rút kiếm tự sát.

Điền Khai Cương thất kinh, cũng rút kiếm ra nói: “Ta công nhỏ mà lại ăn đào, người anh em công lớn mà lại không được ăn, điều xấu hổ này bao giờ mới gột rửa được? Nói rồi, đâm cổ tự sát”.

Kế đó, Cố Dã Tử gầm lên: “Ba chúng ta như tay với chân, thề cùng sống chết. Hai người họ đã chết rồi, ta còn sống một mình sao được?” Nói xong cũng tự sát.

Án Anh cười nói: “Không có hai trái đào không thể giết chết được ba dũng sĩ đó. Nay lo lắng đã hết, kế sách của thần thế nào?”

Sở vương khen ngợi nói: “Thừa tướng thần cơ diệu toán ta không khâm phục sao được? Từ nay về sau, ta sẽ mãi mãi tôn nước Tề là thượng quốc, quyết không xâm phạm”.

Từ đó trở đi, hai nước Tề Sở hòa hảo với nhau, không có giao chiến, cùng trở thành nước trong ngũ bá thời Xuân Thu. Án Anh do đó nổi danh vạn thế.

Kiều Thái Thú sắp xếp lại các cặp uyên ương (Tam ngôn)

Năm Cảnh Hựu đời Bắc Tống, ở Hàng Châu có một vị danh y tên gọi Lưu Bỉnh Nghĩa. Bà vợ là Đàm Thị, sinh được hai con, một trai một gái. Con trai tên Lưu Phác, đã dạm hỏi con bà quả phụ họ Tôn làm vợ. Con gái tên Huệ Nương tuổi mới mười lăm, dáng vẻ xinh đẹp, đã nhận đồ sính lễ của nhà Bùi Cửu Lão, chủ tiệm thuốc ở gần đó.

Lưu Công thấy con trai đã lớn mới bàn với vợ là muốn lo chuyện đám cưới cho con. Bấy giờ ông Bùi Cửu Lão cũng nhờ bà mối đến xin cưới Huệ Nương. Lưu Công nói cưới vợ cho con trai trước rồi gả con gái sau, xin nhà họ Bùi hãy chờ ít lâu. Bùi Cửu Lão đã cao tuổi, muốn cưới vợ gấp cho con, nên nghe nói vậy thì không vui lòng.

Bà góa họ Tôn cũng có một trai một gái, con gái tên Châu Di, con trai tên Tôn Nhuận, tiểu tự là Ngọc Lang. Ngọc Lang từ nhỏ đã đính ước với Từ Văn Ca là con gái của Từ Nhã.

Bà mối Trương Lục Tẩu đến nhà họ Tôn trình bày ý kiến của ông Lưu, bà Tôn cũng đồng ý. Bà chọn ngày lành chuẩn bị đưa con gái Châu Di về nhà chồng. Nhưng không may mấy ngày sau, Lưu Phác bị bệnh, thân thể rã rời không sao chịu nổi, nhà họ Lưu định lùi đám cưới lại, nhưng rồi lại nghĩ có lẽ Lưu Phác sẽ khỏi thôi nên cứ chuẩn bị đám cưới như đã định.

Bà góa họ Tôn nghe tin Lưu Phác bệnh thì không yên tâm, đích thân đến nhà họ Lưu để thăm. Khi nhìn thấy không phải bệnh nhẹ thì không muốn con gái mình lấy chồng để rồi chịu khổ. Song không biết làm sao thoái thác được, sợ rồi sứt mẻ tình cảm hai bên. Rồi bà ta nghĩ ra một kế lưỡng toàn, tức là cho Ngọc Lang mặc giả chị gái, đưa đến nhà họ Lưu làm lễ thành thân. Qua ngày Tam triêu(6) sẽ trở về nhà.

6. Ngày thứ ba sau ngày cưới.

Ngày vui đó đã đến, bà Tôn trang điểm cho Ngọc Lang thành con gái, lại dạy cho cậu ta một số phép tắc của con gái. Ngọc Lang quả nhiên trông rất giống, không ai nhận ra được cậu ta là con trai. Đến xế chiều, chỉ nghe tiếng trống, tiếng nhạc vang trời, kiệu đón dâu đã đến tận cửa. Bà mối Trương Lục Tẩu vào trước, bà Tôn dặn ngay: “Sau Tam triêu là phải đưa cô dâu về ngay nhé”. Trương Lục Tẩu đâu có biết nội tình, chỉ liên tiếp vâng vâng.

Đoàn đón dâu đàn sáo suốt dọc đường, cho đến lúc tới nhà họ Lưu. Lưu Phác đau nặng không thể bái đường được.

Cấp bách quá, nhà họ Lưu bèn cho con gái Huệ Nương bái đường thay anh. Cô dâu chú rể vái nhau xong, bèn đến phòng Lưu Phác để xung hỷ.

Lưu Phác yếu quá, không chịu được tiếng trống phách đàn sáo ầm ĩ nên bị xỉu. Bà Lưu mới đưa cô dâu vào tân phòng, mở tấm khăn trùm đỏ ra, thấy quả là xinh đẹp, bà con trông thấy đều khen nức nở. Ngọc Lang quay nhìn bốn phía, thấy trong tất cả họ hàng thân thích, chỉ có Huệ Nương là xinh đẹp nhất. Chàng ta nghĩ thầm: “Đáng tiếc là mình đã đính ước rồi, chứ nếu biết sớm cô gái tuyệt vời này thì nhất định mình sẽ lấy cô ta làm vợ”.

Huệ Nương cũng thầm nghĩ: “Trương Lục Tẩu nói nàng ta đẹp nổi tiếng quả là danh bất hư truyền. Chỉ tiếc cho anh trai mình không được hưởng phúc, để đêm nay nàng ta phải vò võ một mình”.

Tối đến mọi người đã ngủ yên cả, bà Lưu sợ cô dâu ở một mình cô đơn, bèn bảo Huệ Nương tới ngủ cùng. Ngọc Lang và Huệ Nương vốn đã ngầm ưa nhau rồi nên cũng thích ở cùng một phòng. Đêm hôm đó, Ngọc Lang nói rõ điều bí mật, Huệ Nương càng cảm mến Ngọc Lang. Hai người như keo với sơn, hưởng liền ba đêm hạnh phúc của đôi vợ chồng mới cưới.

Bà góa họ Tôn tuy cho con trai giả gái để đưa dâu nhưng trong lòng vẫn ngay ngáy, cứ đỏ mắt mà chờ bốn ngày. Đến ngày thứ tư, bà vú nuôi trở về kể lại tình hình mọi việc, bà Tôn biết là không hay rồi bèn bảo Trương Lục Tẩu đón ngay Ngọc Lang về. Bà này vội vã đến nhà họ Lưu để đưa cô dâu về nhà mẹ đẻ.

Lúc này, bà Lưu đang trò chuyện với Ngọc Lang, nghe nói đón cô dâu về thì không bằng lòng nói: “Bà Trương này, bà làm mai đã thạo rồi, lẽ nào lại có chuyện sau Tam triêu thì đưa cô dâu về nhà mẹ đẻ sao? Mấy ngày trước thì nhà họ Tôn cứ dùng dằng không chịu cho cưới, bấy giờ lại đòi đưa trở về, không được đâu”.

Trương Lục Tẩu ứ họng không biết nói sao, lại không dám trở về nói lại với bà Tôn. Bà vú nuôi chỉ đành ngày đêm canh giữ ngay ngoài cửa tân phòng. Lưu Phác nghe nói vợ mới cưới rất đẹp, trong lòng vui sướng lắm, bệnh đỡ rất nhanh. Mấy ngày sau, chàng ta bảo a hoàn đỡ tới tân phòng thăm cô dâu. Huệ Nương và Ngọc Lang đang âu yếm nhau trong phòng, nghe tiếng bà vú nói lớn: “Đại quan nhân đến!” Hai người vội rời nhau ra. Lưu Phác nhìn thấy vợ mình đẹp quá, trong bụng vui mừng, bệnh lại khỏi thêm mấy phần nữa. Ngọc Lang nghĩ: nếu chú rể thật khỏi bệnh mà ở chung thế này thì mọi bí mật sẽ bị lộ hết. Đợi lúc Lưu Phác đi rồi, chàng ta mới bàn với Huệ Nương chuyện mình phải quay về. Huệ Nương nghe xong bất giác âu sầu, nước mắt tuôn rơi. Ngọc Lang lau nước mắt cho nàng rồi hai người lại quấn quýt, quên luôn chuyện trở về.

Một hôm, vào lúc quá trưa, bà Lưu đi qua chỗ cửa tân phòng, nghe thấy bên trong có tiếng khóc sụt sịt, bèn dòm qua khe cửa thì thấy con gái mình đang cùng con dâu ôm nhau khóc. Bà ta sinh nghi: Từ hôm con dâu về nhà mình, con gái mình với nó cứ như hình với bóng, chẳng rời nhau lúc nào, bây giờ lại ôm nhau mà khóc, có chuyện gì xảy ra vậy?

“Tại sao thanh thiên bạch nhật, hai đứa lại đóng cửa mà khóc như vậy” - Bà Lưu vừa bước vào đã lớn tiếng hỏi.

Hai người sợ hãi đỏ bừng mặt, không biết trả lời sao. Bà Lưu giận điếng người, kéo ngay Huệ Nương đi, Bà ta dẫn Huệ Nương tới một gian phòng, khóa chặt cửa lại, rồi cầm một cây gậy la mắng: “Con bé hèn hạ kia! Mau nói thật ra đi”. Huệ Nương biết không thể che dấu được bèn nhất nhất kể lại sự tình, chỉ mong cha mẹ hãy từ hôn với họ Bùi và gả nàng cho Ngọc Lang.

Bà Lưu giận điên người, chẳng kể ba bảy hăm mốt gì, cầm cây gậy phăm phăm đi ra phía ngoài. Huệ Nương thấy mẹ đi ra đánh Ngọc Lang thì chẳng biết xấu hổ gì nữa, chạy tới giữ rịt lại. Vú nuôi biết xảy ra chuyện không hay rồi, vội chạy đi báo với Ngọc Lang. Thế là Ngọc Lang vội vã cởi bỏ đồ nữ, mặc quần áo nam vào, chạy bán sống bán chết về nhà.

Bà Tôn thấy con trai trở về vừa mừng vừa sợ. Khi nghe nói chuyện thì lo lắng quá chẳng nghĩ ra được cách gì.

Bà Lưu thấy Ngọc Lang bỏ đi, càng tức càng lo. Lúc đó ông Lưu trở về, biết rõ chuyện, trách mắng vợ, bà Lưu đang bực sẵn, thế là hai ông bà cãi lộn. Rồi Lưu Phác cũng về, cả nhà sôi sục cả lên như nồi cháo sôi.

Lão Lý Đô quản nhà ở sát cạnh, nghe biết chuyện này bèn mừng thầm trong bụng. Lão nghĩ: “Ta sẽ báo cho nhà họ Bùi biết cái chuyện xấu xa này. Họ Bùi ắt sẽ đến làm ầm ĩ một trận, nhà họ Lưu chắc sẽ không mặt mũi nào mà ở đây nữa, cái nhà này sẽ chẳng về ta sao?”

Vợ chồng Bùi Cửu Lão nghe kể chuyện xấu như vậy, không giận sao được. Hai vợ chồng già hộc tốc đến nhà họ Lưu, phẫn nộ nói: “Hồi tôi xin cưới cho con, ông không bằng lòng, bây giờ con gái ông sinh chuyện ra như vậy, ông còn không trả lại sính lễ cho nhà tôi hả?”

Ông ta càng nói càng giận, rồi sấn tới túm đánh ông Lưu, ông Lưu không ghìm được, lấy đầu húc Bùi Cửu Lão khiến ông này ngã lăn xuống đất. Ông Bùi bò dậy, hầm hầm nói: “Lão mất dạy! Mi cứ đợi đấy! Ta với mi sẽ lên phủ nói chuyện!”

Rồi một lá đơn kiện của Bùi Lão Cửu đến tay quan thái thú họ Kiều. Vị thái thú này là người công minh chính trực, xử án như thần, người ta gọi ông là “Kiều Thanh Thiên”.

Quan thái thú họ Kiều nhận được đơn kiện xong, cho gọi nhà họ Bùi và nhà họ Tôn đến công đường.

Thái thú nhìn thấy chị em nhà Ngọc Lang quả là xinh đẹp hiếm có, chàng Lưu Phác cũng rất tuấn tú, nàng Huệ Nương cũng xinh đẹp vô cùng, bèn nghĩ thầm trong bụng: “Đẹp thay hai cặp trai gái này!” và có ý muốn tác thành cho họ.

Sau khi thẩm vấn kỹ càng, Kiều thái thú sai người đưa con gái của Từ Nhã là Từ Văn Ca tới, rồi ngài đăng đường phán định ba đám cưới như sau: Ngọc Lang lấy Huệ Nương, Lưu Phác lấy Châu Di, con trai nhà họ Bùi lấy con gái của Từ Nhã.

Mọi người nghe xong đều cảm phục và hết sức vui mừng. Chuyện này đã làm chấn động phủ Hoàng Châu. Từ đó chuyện “Kiều Thái thú sắp xếp lại các cặp uyên ương” trở thành một câu chuyện hay thường được kể trong dân gian.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play