Vào năm Thiệu Hưng đời Nam Tống, trong thành Lâm An có rất nhiều kẻ hành khất. Người đứng đầu một toán hành khất được gọi là lão trùm. Những lão trùm này bắt từng người trong toán phải nộp tiền cho mình, có khi tích cóp được rất nhiều tiền, trở thành giàu có. Chỉ có điều cái tiếng “lão trùm” không được hay ho gì, nên cho dù có đất ruộng, có tài sản nhiều bao nhiêu, cũng vẫn là kẻ ăn mày đổi đời, không được ai coi trọng.

Có một người họ Kim tên Lão Đại, từ cụ tổ đến đời lão đã bảy đời làm lão trùm, gia tư rất lớn. Nhưng rồi lão thấy ghét cái loại “đổi đời” nên nhường cái chức lão trùm cho một người họ hàng là Kim Lại Tử và không đi lại gì với bọn ăn mày nữa. Thế nhưng xóm giềng xung quanh đã quá quen nên cứ gọi là lão trùm.

Kim Lão Đại đã hơn năm mươi tuổi, vợ chết sớm, không có con trai, chỉ có một gái tên gọi Ngọc Nô, mặt mũi rất xinh đẹp. Kim Lão Đại quý con gái như vàng như ngọc, từ nhỏ đã cho học hành nhiều chữ nghĩa, đến mười lăm tuổi đã tinh thông thi từ thư họa. Thấy con tài mạo như vậy, Kim Lão Đại nhất định phải kén rể là người có học. Chỉ tiếc là cô bé sinh vào nhà “lão trùm” nên mãi mà không có ai đến dạm hỏi. Còn những nhà buôn bán tầm thường thì Kim Lão Đại chẳng coi ra gì. Thế là cao không tới, thấp không thông, cô gái đã mười tám tuổi rồi vẫn chưa có ai.

Một hôm có ông lão hàng xóm tới chơi, nói: “Dưới chân cầu Thái Bình có một thư sinh họ Mạc tên Kê năm nay hai mươi tuổi, là người có tài, mới thi đỗ Thái học sinh mấy hôm trước. Chỉ có là cha mẹ mất cả, nhà rất nghèo, chưa có vợ con gì. Người này rất xứng đáng với lệnh ái, sao ông không nạp anh ta làm con rể?” Kim Lão Đại nói: “Vậy thì nhờ ông giúp cho”.

Ông lão hàng xóm lập tức tới chỗ cầu Thái Bình, tìm được Mạc Tú tài, kể hết tình hình nhà họ Kim cho chàng ta nghe. Mạc Kê nói: “Bác nói vậy thì hay lắm, song nhà cháu chẳng có tiền sính lễ”. Ông lão nói: “Chỉ cần cậu bằng lòng là được, sẽ chẳng mất đến một tờ giấy đâu, mọi chuyện lão sẽ lo cho hết.”

Ông lão trở về nhà Kim Lão Đại. Nhà họ Kim bèn chọn ngày lành, gửi cho Mạc Tú tài một bộ quần áo mới để chàng ta mặc đến ăn hỏi.

Mạc Kê nhìn thấy Ngọc Nô là người tài mạo, hết sức vui mừng. Chẳng mất một đồng nào mà được cô vợ đẹp, lại dư ăn dư mặc, mọi chuyện đều toại lòng. Bạn bè đều biết chàng ta vốn nghèo khổ nhưng chẳng ai chê cười gì cả.

Đến ngày tròn tháng, Kim Lão Đại chuẩn bị tiệc rượu, bảo con rể mời các bạn đồng song tới dự để cho vẻ vang cửa nhà. Tiệc rượu kéo dài suốt sáu, bảy ngày, rất là náo nhiệt.

Không ngờ sự việc đã chọc tức Kim Lại Tử. Hắn nghĩ ông cũng là lão trùm, tôi cũng là lão trùm, chỉ có là nhà ông làm nhiều đời, kiếm được nhiều tiền, chứ lôi tổ tông ra thì có khác gì nhau. Con gái lấy chồng, ông cũng nên mời tôi tới uống ly rượu mừng. Thế mà nay mở tiệc mừng tròn tháng, ăn uống sáu, bảy ngày, ông không hề mời tôi, thật là khinh người quá lắm! Nhất định mình phải làm cho lão một trận để cả nhà lão mất mặt.

Thế rồi hắn đi gọi năm sáu chục tên ăn mày, nhất tề xông đến nhà họ Kim.

Kim Lão Đại nghe thấy bên ngoài ầm ĩ, vừa mở cửa ra, thấy Kim Lại Tử dẫn một toán ăn mày ào vào, la hét ầm ĩ. Lại Tử tới thẳng bàn tiệc, thấy thức ăn ngon, rượu ngon, ăn lấy ăn để, vừa ăn vừa quát: “Mau bảo vợ chồng cháu rể ra chào ông chú đây!”

Mấy chàng tú tài sợ quá, đứng không vững, vội bỏ chạy. Đến cả anh chàng Mạc Kê cũng theo các bạn chạy trốn.

Kim Đại Lão không biết làm sao được, chỉ đành ra sức năn nỉ: “Hôm nay là con rể tôi nó mời khách, không phải tiệc của tôi. Bữa khác tôi sẽ bày riêng tiệc rượu, sẽ mời anh mà!” Lại lấy ra rất nhiều tiền phân phát cho bọn ăn mày. Bọn chúng quậy cho đến tối mới bỏ đi. Ngọc Nô ở trong phòng căm tức chỉ biết khóc suốt.

Đêm đó, Mạc Kê phải ngủ nhờ nhà bạn, đến sáng mới trở về. Kim Đại Lão nhìn thấy con rể, tự thấy mình xấu xa nên rất ngượng ngùng. Mạc Kê cũng có phần không vui. Chỉ có điều là ai cũng lẳng lặng không nói ra.

Qua chuyện này Kim Ngọc Nô chỉ buồn là mình xuất thân không ra gì, muốn được mát mặt nên khuyên chồng cố gắng học hành. Bao nhiêu sách vở cổ kim, đắt mấy cũng mua về cho chồng đọc. Lại bỏ tiền ra để chồng giao du kết bạn học hỏi thêm. Từ đó, Mạc Kê học tiến rất mau, nổi danh khắp chốn, năm 23 tuổi đi thi đỗ ngay.

Hôm đó, Mạc Kê đi dự tiệc Hoàng đế ban thưởng. Tiệc xong, chàng ta mặc quan phục, cưỡi ngựa trở về. Gần đến nhà bố vợ, thấy một đám trẻ con tranh nhau đến xem, chúng chỉ trỏ chàng ta, nói: “Con rể lão trùm làm quan rồi kìa!” Mạc Kê nghe thấy ngượng quá, chỉ đành nín nhịn. Nhìn thấy bố vợ, tuy vẻ ngoài vẫn như thường song trong bụng rất bực, thầm nghĩ: “Nếu sớm biết là sẽ được phú quý như bây giờ thì lo gì chẳng có vương hầu quý thích gả con cho, lại đi chịu một lão trùm làm bố vợ, xấu mặt cả đời. Sau này nuôi dưỡng con cái lớn lên, cũng vẫn là cháu ngoại của một lão trùm, bị người chế giễu. Bây giờ việc đã thế này, nhưng vợ mình là người hiền lành chẳng có sai sót gì, không thể bỏ đi được”. Thế rồi cứ buồn bã trong lòng. Ngọc Nô thấy vậy, mấy lần hỏi han, cũng không trả lời.

Ít lâu sau, Mạc Kê được phong Quân Tư Hộ ở An Huy, bèn đem theo vợ lên thuyền đi nhậm chức. Đi được mấy ngày, thuyền tới Thái Thạch Cơ, bèn dừng lại ở bờ phía bắc. Đêm hôm đó, trăng sáng như ban ngày, Mạc Kê không ngủ được, trở dậy ra ngồi ở đầu thuyền ngắm trăng. Nhìn bốn phía xung quanh, vắng lặng không một bóng người, chợt nhớ đến chuyện “lão trùm”, lại thấy buồn quá. Đột nhiên, một ý nghĩ xấu xa: “Giá như Ngọc Nô chết đi, mình lấy người vợ khác, thì chẳng thoát khỏi nỗi sỉ nhục cả đời này sao?”

Lặng lẽ suy nghĩ một lát, y bước vào khoang thuyền bảo Ngọc Nô dậy cùng ngắm trăng với y. Ngọc Nô đã đi ngủ, nhưng nể chồng, bèn khoác áo bước ra đầu thuyền ngẩng lên ngắm trăng. Thình lình Mạc Kê bất ngờ đẩy luôn nàng xuống nước. Thấy vợ rơi xuống rồi im bặt, Mạc Kê cho là mình đã thành công, bèn lẳng lặng tới chỗ người lái thuyền, bảo mau chở thuyền đi. Người lái thuyền chẳng hiểu gì cả, vội vã cho thuyền đi xa đến mười dặm.

Vừa hay, thuyền Mạc Kê mới đi thì có một cái thuyền khác đáp tới, đỗ ngay chỗ Ngọc Nô rơi xuống nước. Người ngồi trên thuyền là quan coi việc vận chuyển ở Hoài Tây, mới đến nhậm chức, tên là Hứa Đức Hậu.

Lúc đó Hứa Đức Hậu chưa ngủ, đang cùng phu nhân uống rượu ngắm trăng trên thuyền. Bỗng nghe trên bờ vẳng lại tiếng khóc phụ nữ rất ai oán. Hứa công động lòng thương bèn bảo phu thuyền tìm đưa nàng ta đến, hỏi han đầu đuôi.

Thì ra cô gái đó chính là Ngọc Nô vừa bị rơi xuống nước. Lúc đó, Ngọc Nô hồn phi phách tán, chắc chắn là mình chết rồi. Song lại cảm thấy như có cái gì dưới nước nâng mình lên đưa vào bờ. Cố bám víu trèo lên được bờ, nhìn chung quanh chẳng thấy thuyền của mình đâu cả. Lúc đó nàng ta mới biết là chồng đã cố ý dìm mình chết để lấy người khác. Càng nghĩ càng đau nên bật khóc.

Vợ chồng Hứa công nghe kể xong, cảm thương rơi nước mắt, bèn an ủi Ngọc Nô rằng: “Thôi con đừng khóc nữa, hãy cứ tạm thời làm con nuôi chúng ta. Chúng ta sẽ định liệu cho con”.

Ngọc Nô muôn vàn tạ ơn. Hứa công bảo phu nhân lấy quần áo khô cho nàng thay rồi cho ở trong khoang thuyền sau.

Mấy ngày sau, Hứa công đến Hoài Tây nhận nhiệm sở. Nơi Mạc Kê làm quan lại thuộc quản hạt của ông. Vì vậy Mạc Kê phải theo các đồng liêu đến bái yết. Nhìn thấy Mạc Kê, Hứa công đã được Ngọc Nô kể rõ nên nhận biết. Ông thầm nghĩ: “Đáng tiếc là một người có tài mà lại làm chuyện thất đức như vậy!”

Qua mấy tháng sau, Hứa công nói với thuộc hạ rằng: “Ta có một đứa con gái có tài sắc, nay muốn tìm một rể hiền, các người có giới thiệu được ai không?”

Mọi người đều biết Mạc Kê vừa mới mất vợ, bèn đồng thanh giới thiệu Mạc Kê, nói rằng anh ta tuổi trẻ lại có tài, rất thích hợp để Hứa công chọn rể. Hứa công bảo họ hỏi xem ý Mạc Kê thế nào. Mạc Kê vốn đang muốn leo cao, nghe nói vậy sung sướng bằng lòng ngay. Bèn lập tức sắm sửa sính lễ đưa đến nhà Hứa công.

Vợ chồng Hứa công đã nói trước cho Ngọc Nô biết, ý muốn cho hai người lại đoàn viên với nhau, có điều, phải cho anh ta một bài học để Ngọc Nô được hả giận.

Đến ngày thành thân, Mạc Kê mặc quần áo mới tinh, cưỡi con tuấn mã ngạo nghễ, được đồng liêu phù rể đưa đến Hứa phủ. Vào đến cửa lớn, có hai bà vú đỡ cô dâu trùm khăn đỏ bước ra. Thế là cùng bái thiên địa, bái nhạc phụ nhạc mẫu, sau đó phu thê giao bái. Xong xuôi, cô dâu được đưa vào động phòng. Mạc Kê lúc này lòng xuân phơi phới, mặt mày hớn hở đi thẳng vào phòng.

Vừa bước vào, bỗng từ hai bên xông ra bảy, tám bà già và a hoàn, người nào cũng tay cầm roi tre và gậy gộc, vụt tới tấp vào đầu vào vai anh ta. Mạc Kê bị đánh văng cả mũ, gậy vụt như mưa lên lưng lên cổ, sợ quá, anh ta ngã phục xuống đất, miệng kêu không ngớt: “Nhạc phụ, nhạc mẫu, cứu con, cứu con!”

Lúc đó, anh ta nghe thấy trong phòng có tiếng thánh thót: “Khoan hãy đánh chết thằng cha bạc tình! Hãy bảo hắn đến đây gặp mặt!”

Lũ bà già, a hoàn mới ngừng tay, rồi người xách nách, kẻ kéo tay, lôi bổng hắn lên đưa đến trước mặt cô dâu.

Mạc Kê miệng còn đang nói: “Hạ quan có tội gì?”, thì ngước mắt lên nhìn thấy dưới ánh đèn sáng choang, cô dâu đang ngồi nghiêm chỉnh kia chẳng ai khác mà chính là Kim Ngọc Nô, vợ cũ của mình.

Lúc đó Mạc Kê sợ hãi hết hồn, hét ầm lên “Ma, có ma!” Mọi người cười ầm cả lên.

Thế rồi Hứa công bước tới, nói với Mạc Kê: “Hiền tế chớ có sợ, đây là đứa con gái nuôi mà ta nhận được ở bờ sông Thái Thạch Cơ, không phải ma đâu”.

Lúc này Mạc Kê mới định hồn, vội quỳ xuống nói: “Mạc Kê con đã biết tội rồi, xin đại nhân tha cho!” Hứa công nói: “Chuyện này không liên quan gì đến ta, chỉ cần con gái ta không nói gì là được thôi”.

Chỉ thấy Ngọc Nô trỏ mặt Mạc Kê mà xỉ vả: “Quân khốn nạn vô tình bạc nghĩa! Mi không nhớ người xưa có câu “Bần tiện chi giao bất khả vong, tào khang chi thê bất khả hạ đường” (Bạn khi nghèo hèn không thể quên nhau, vợ khi tấm cám không thể khinh rẻ) hay sao? Mới đầu mi vào nhà ta hai bàn tay trắng, ta phải bỏ tiền cho mi học hành, kết giao bè bạn, để có được ngày nay. Ta cũng chỉ mong được chồng sang vợ quý, nào ngờ mi là đứa vong ân bội nghĩa, không nghĩ gì đến tình kết tóc xe tơ, lại lấy oán báo ân, nỡ đẩy ta xuống lòng sông. May mà trời đã thương ta, cho ta gặp được ân nhân, được cứu sống. Nếu ta mà bị chôn thây trong bụng cá, mi lấy vợ khác thì lòng mi có nỡ hay không? Bây giờ mi còn mặt nào mà gặp lại ta thế này?”

Hứa công thấy Ngọc Nô chửi mắng nhiều rồi, mới đỡ Mạc Kê lại kêu phu nhân tới khuyên giải. Phu nhân dàn xếp mãi, cuối cùng hòa giải được hai người

Từ đó, Hứa công và phu nhân đối đãi với họ như con gái và con rể của mình. Ngọc Nô cũng ăn ở hiếu thuận như với cha mẹ đẻ. Mạc Kê thấy vậy, lòng rất cảm động, ít lâu sau, đi đón lão trùm Kim Đại Lão về phụng dưỡng đến già.

Một con chim giết chết bảy mạng người (Tam ngôn)

Năm Nguyên Hòa thứ ba đời vua Tống Huy Tông, ở quận Hải Ninh, phía ngoài cửa Vũ Lâm có một nhà chuyên dệt vải đoạn(5). Chủ nhà họ Thẩm tên Dục, tự Tất Hiển. Nhà họ Thẩm rất giàu có. Vợ là Nghiêm Thị, chỉ sinh được một đứa con trai đặt tên là Thẩm Tú, tuổi đã mười tám, chưa lấy vợ.

5. Vải đoạn: loại vải bóng mượt như sa tanh.

Anh chàng Thẩm Tú này không biết kế thừa nghề cha, chỉ biết chơi bời lêu lổng, đặc biệt là thích nuôi chim họa mi. Hàng xóm láng giềng trong xóm ngõ đặt cho hắn cái tên là “Thẩm chim”. Hàng ngày cứ đến canh năm là “Thẩm chim” xách lồng chim vào trong rừng liễu trong thành để huấn luyện cho họa mi. Ngày nào cũng vậy.

Hôm đó, Thẩm Tú đi hơi muộn. Đến nơi thì những kẻ nuôi chim khác đã về hết cả rồi, rừng liễu vắng tanh, trời lại âm u, không thấy một bóng người nào cả. Thẩm Tú chỉ có một mình, bèn treo cái lồng chim lên cây liễu. Một lát sau, hắn chợt thấy đau bụng ghê gớm, rồi ngã gục xuống cạnh cây liễu, bất tỉnh nhân sự.

Đúng lúc đó, có gã thợ đánh đai thùng tên gọi Trương Công gánh đồ hàng đi qua rừng liễu. Gã nhìn thấy Thẩm Tú mặt mày tái ngắt, mê mệt không biết gì, trên cây có con chim họa mi đang hót véo von. Chợt nảy lòng tham, Trương Công nghĩ bụng: “Con chim này ít nhất cũng được hai ba lượng bạc”, bèn xách luôn cái lồng đi.

Không ngờ đúng lúc này, Thẩm Tú tỉnh lại. Mở mắt nhìn thấy Trương Công xách lồng chim của mình, muốn bò dậy mà không nổi, đành chỉ la: “Thằng mất dạy kia, lấy con họa mi của ta làm gì đấy?”

Trương Công sợ hắn dậy được thì mình chết, bèn chẳng lôi thôi gì nữa, cầm ngay con dao quắm chém một nhát vào cổ Thẩm Tú, đứt luôn cái đầu lăn lông lốc.

Trương Công vô cùng kinh hãi, đảo nhìn khắp xung quanh, sợ có người trông thấy. Chợt ngẩng đầu lên, thấy một cây liễu trống hốc ở giữa, vội vàng xách cái đầu ném vào chỗ trống hốc đó, rồi cất dao, quặc lồng chim vào đòn gánh, chuồn thẳng.

Đi được nửa đường, Trương Công gặp ba người lái buôn từ thành Biện Lương đi tới, trong đó có một người tên là Lý Cát thường cũng rất thích nuôi chim. Lý Cát thấy trên gánh của Trương Công có treo con họa mi, hót nghe rất hay, bèn bước tới hỏi mua. Trương Công đang mong thoát vụ này nên chỉ đòi một lượng hai là bán luôn cho Lý Cát.

Về đến nhà Trương Công đóng chặt cửa, kể hết sự tình cho vợ nghe. Mụ Trương nghe nói có được bạc là vui mừng hí hửng.

Lại nói buổi trưa hôm đó, có hai người gánh phân đi qua rừng liễu, nhìn thấy một cái xác chết cụt đầu, bèn lập tức đi báo quan. Chỉ chốc lát, toàn thành đều nhốn nháo cả lên, mọi người tranh nhau đi xem. Thẩm Dục cũng vào rừng liễu, nhìn thấy quần áo mặc trên xác chết đúng là của con trai mình, thế là khóc rống lên. Nghiêm Thị ở nhà nghe tin lập tức ngã lăn ra bất tỉnh.

Nửa tháng trôi qua, vẫn không tìm thấy hung thủ. Thẩm Dục quyết định trước hết phải tìm được cái đầu của con mình đã, rồi sẽ tính sau. Bèn lập tức viết một tờ cáo thị đem dán khắp trong thành, trên viết: “Xin thông cáo các quân tử bốn phương, nếu ai tìm được cái đầu của Thẩm Tú thì xin thưởng một ngàn quan tiền. Ai bắt được hung thủ, xin thưởng hai ngàn quan”.

Sau đó, quan phủ cũng yết tờ cáo thị: “Tìm được đầu Thẩm Tú sẽ được thưởng năm trăm quan. Bắt được hung thủ sẽ được thưởng một ngàn quan”.

Bấy giờ, ở chân ngọn núi lớn phía nam có một ông lão nghèo khổ thường gọi là Hoàng Lão Cẩu. Ông ta khi còn trẻ sống bằng nghề khiêng kiệu. Khi già hai mắt bị mờ, chỉ sống nhờ vào hai người con trai, con lớn là Đại Bảo, con nhỏ là Tiểu Bảo. Ba cha con ăn không đủ no, mặc không kín mình, sống rất cực khổ.

Hôm đó, Hoàng Lão Cẩu gọi anh em Đại Bảo đến trước mặt, nói rằng: “Cha nghe người ta nói có ông tài chủ nào đó tên là Thẩm Tú bị người ta giết chết, không tìm thấy đầu. Vừa rồi nhà họ xuất tiền thưởng, ai tìm thấy cái đầu sẽ được một ngàn quan. Quan phủ lại thưởng thêm năm trăm quan nữa. Cha nay đã già, có sống thêm cũng chẳng được gì, chi bằng bỏ quách cái mạng của cha đi, để các con được sống sung sướng một chút. Hai con đêm nay hãy cắt đầu của cha đem chôn chỗ cạnh Hồ Tây. Để qua mấy ngày cho biến dạng không còn nhận ra được nữa thì hãy đi báo quan lĩnh thưởng, như thế có thể được một ngàn năm trăm quan, lại chả hơn sống đói khổ như thế này sao? Có điều, không nên chậm trễ, nếu có kẻ khác làm trước mất thì uổng cái mạng của cha”.

Hai thằng con nghe xong bèn lánh ra ngoài cửa bàn bạc. Tiểu Bảo nói: “Cha bày cách này hay quá, đến bậc tướng quân nguyên soái cũng chẳng nghĩ ra. Kế thì hay thật đấy, chỉ khổ là mất cha”. Đại Bảo là đứa vừa ngu ngốc vừa cục cằn, lập tức nói ngay: “Xem chừng trước sau rồi cha cũng chết, chi bằng nhân cơ hội này giết ông đi, rồi đào hố chôn dưới chân núi, mất tăm mất tích, không ai tìm ra được. Còn lương tâm trời đất thì đây là tự ông bảo chúng ta làm chứ chúng ta có ép ông đâu”. Tiểu Bảo nói: “Thôi được, có điều, đợi ông ngủ say đã hãy ra tay”.

Bàn xong, chúng lập tức đi mua chịu hai bình rượu về, ba cha con uống say khướt, đi đứng loạng choạng. Qua đêm, vào lúc canh ba, hai anh em chúng trở dậy, thấy ông già đang còn ngủ li bì, Đại Bảo liền vào bếp lấy ra con dao thái rau, cắt cổ cha, lấy cái đầu, rồi vội vàng lấy quần áo cũ bọc cái thân lại, vác tới chân núi, đào một cái hố sâu chôn xuống. Trời chưa sáng, chúng đã đem cái đầu của cha chôn xuống chỗ nước cạn bên hồ Ngẫu Hoa gần núi Bình Sơn.

Nửa tháng sau, hai tên vào thành xem kỹ tờ cáo thị rồi chạy đến nhà họ Thẩm báo tin: “Hôm qua, hai đứa tôi đi bắt cá, thấy một cái đầu người ở cạnh hồ, chắc là đầu con trai ngài”. Thẩm Dục nói: “Nếu đúng thì ta sẽ thưởng các ngươi một ngàn quan tiền, không thiếu một xu”. Rồi lập tức cùng bọn chúng tới bên hồ Ngẫu Hoa, thấy lờ mờ có một cái đầu người vùi chôn chỗ nước cạn, bèn vớt lên coi thì đã bị ngâm nước trương lên rồi, không nhận được ra ai.

Thẩm Dục nghĩ: “Chắc là đúng rồi. Nếu không sao bỗng dưng lại có cái đầu người ở đây”. Bèn lấy khăn bọc lấy, rồi đưa anh em Đại Bảo đến phủ quan báo cáo: “Đã tìm thấy đầu của Thẩm Tú rồi”.

Quan tri phủ nghe nói bèn thưởng cho Đại Bảo, Tiểu Bảo năm trăm quan tiền. Thẩm Dục cũng về lấy một ngàn quan thưởng thêm. Hai tên nhận tiền về nhà, sung sướng không sao kể xiết.

Qua nửa năm sau, Thẩm Dục có dịp chở vải đoạn đi Đông Kinh. Một hôm, đi chơi qua chỗ nuôi chim của hoàng gia, ông ta nghe thấy tiếng một con chim họa mi hót rất hay. Bước tới gần nhìn thì đúng là con chim mà con trai Thẩm Tú nuôi. Con chim như nhận ra Thẩm Dục là người quen, vừa hót vừa nhảy và quay đầu về phía Thẩm Dục mà gật gật. Thẩm Dục nhớ đến con, bất giác nước mắt như mưa, kêu lạc cả giọng: “Lại có chuyện thế này ư?”

Viên hiệu úy coi nhà nuôi chim thấy thế, sợ có gì liên lụy đến mình, bèn đưa Thẩm Dục tới chỗ viên quan tổng quản. Viên quan này nghe câu chuyện Thẩm Tú nuôi họa mi mà bị giết bèn ngẩn người ra một lúc. Ông ta biết là con chim này do một thương nhân tên gọi Lý Cát biếu, bèn lập tức sai người đi bắt Lý Cát tới tra hỏi.

Lý Cát trả lời rằng con họa mi này mua của một người thợ đóng đai thùng ở Hàng Châu, tuyệt không hề biết chuyện giết người nào cả. Nhưng quan thẩm vấn không tin, khảo đả nhiều lần. Bị đánh đến toạc da nát thịt, Lý Cát chịu không nổi, chỉ đành nhận bừa là mình đã giết Thẩm Tú. Bản án lập tức được tấu lên triều đình, không bao lâu sau, có thánh chỉ xuống, xử Lý Cát tội chết. Con chim họa mi được trả lại cho Thẩm Dục. Qua ít ngày, Lý Cát bị đưa ra pháp trường xử trảm. Sau khi Lý Cát bị xử tội, hai người cùng Lý Cát tới Hàng Châu buôn bán ngay đó, một người họ Hạ, một người họ Chu, biết rằng Lý Cát bị oan vội tới Hàng Châu để tìm người thợ đóng đai thùng đã bán chim, giải oan cho Lý Cát.

Họ đi dò hỏi suốt hai ngày, cuối cùng tìm được nhà Trương Công, nhận ra Trương Công đúng là người thợ đã bán con chim họa mi hôm đó.

Hai người lập tức đến báo quan, kể lại đầu đuôi câu chuyện Lý Cát mua chim họa mi của Trương Công, sau bị chết oan, xin quan Tri phủ xử lại. Quan thấy họ nói năng khẩn thiết bèn phái ngay người đi bắt Trương Công.

Trương Công mới đầu không chịu nhận. Sau thấy nhân chứng rõ ràng, không thể thoát khỏi, bèn phải nhận hết chuyện giết chết Thẩm Tú, cướp chim họa mi như thế nào.

Quan Tri phủ hỏi: “Vậy lúc đó, ngươi để cái đầu ở đâu?” Trương Công nói: “Bấy giờ tiểu nhân hoang mang lo sợ, thấy cạnh đấy có cây liễu trống hốc ở giữa bèn quăng cái đầu vào đó.”

Quan Tri phủ lập tức cho gọi Thẩm Dục tới, cùng đi tới chỗ cây liễu để tìm cái đầu. Đến nơi quả có cây liễu trống hốc ở giữa. Mọi người dùng cưa đốn đổ cây liễu thì một cái đầu người lăn ra. Thẩm Dục bê lên xem, nhận ra đúng là đầu con trai mình, khóc rống lên rồi ngã ngất một lúc lâu mới tỉnh dậy.

Quan Tri phủ phán: “Đã có cái đầu rồi thì vụ án sẽ giải quyết xong”. Rồi lệnh đem Trương Công giam vào nhà lao chờ tử tội.

Quan lại lập tức sai người đi bắt hai anh em Đại Bảo, Tiểu Bảo tới, ra lệnh khảo đả, rồi lại nung bàn sắt để tra. Hai tên chịu không nổi, phải khai hết sự tình, chuyện giết chết cha lấy đầu lĩnh thưởng. Nghe xong, tri phủ nổi giận, sai thủ hạ đánh cho chúng chết đi sống lại. Rồi gông lại, đưa vào nhà giam giành cho tử tù.

Sau đó, Tri phủ tấu trình sự thực vụ án lên triều đình. Thánh chỉ đưa xuống, lệnh rằng: Biếm chức quan xử chết Lý Cát xuống thành thường dân, đày đi Lĩnh Nam. Trương Công tham tiền hại tính mạng người xử tội chết lăng trì, bị chém 240 nhát, phân thây làm 5 đoạn, bêu đầu thị chúng.

Vợ Trương Công nghe tin chồng bị hành hình bèn đi tới pháp trường xem sự thể thế nào. Không ngờ bọn đao phủ cứ theo án xử, cắt chém tơi bời, cảnh tượng thật kinh hãi, Trương Thị kinh hồn táng đởm phải quay về nhà, không may trật chân bổ nhào xuống, ngã trọng thương, động đến ngũ tạng, về đến nhà thì chết.

Thật không ai ngờ, chỉ một con chim họa mi, mà bảy mạng người bị chết thảm.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play