Có tiếng bước chân đến gần. Nam Giao quay lại. Họ − cảm giác tê điếng
lan nhanh xuống tận những ngón chân. Cô nép về phía Nhật Văn như tìm sự
che chở. Đôi mắt mở to, hoảng hốt. Uy Vũ bước đến gần nhưng dáng vẻ Nam
Giao ngăn hành động tiếp theo của anh. Không thể lường được Nam Giao sẽ
phản ứng thế nào với nét sợ hãi đến thất thần này. Cuối cùng cô cũng
thốt ra được nhưng lấp bấp không thành tiếng:
− Đừng giận… xin đừng giận… Để tôi đi…
Uy Vũ nhìn người phụ nữ trước mặt mình, không tin những lời hôm trước của
anh lại huỷ hoại cô đến thế. Anh đã đẩy tất cả lỗi lầm sang cô và quên
đi sự nhầm lẫn của chính mình. Đâu phải anh không thấy điều khác thường
khi Nam Giao đón nhận tất cả những việc mẹ anh làm cho cô một cách độ
lượng, bao dung, kiên nhẫn như không nhìn ra bà làm cho chính bà, cho
chính tình cảm và sự hối hận giày vò, xâu xé bà. Lẽ ra anh phải biết
điều này khi cô đặt lên mộ Nhật Văn bó lay−ơn màu trắng vì xưa nay Nhật
Văn không thích lay−ơn cũng không thích màu trắng. Nó bảo, quanh năm
suốt tháng lăn lóc ở công trường nên phải chọn màu nào giấu được cái bẩn đi. Riết rồi thành thói quen. Vả lại, tiếp xúc với đất đá lâu ngày nên
màu trắng thường làm nó nhức mắt. Lần duy nhất, Nhật Văn mặc chiếc
chemise màu trắng anh mua cho và thuyết phục hết lời nó mới chịu nhận
nhưng cuối cùng cũng bị máu nhuộm làm cho đỏ cả.
Nét mặt thay đổi của Uy Vũ cùng sự im lặng của hai người phụ nữ trùm lên Nam Giao cái không
khí lạnh buốt của mùa đông. Cô lặng người, không thể cảm nhận được điều
gì ngoài sự sợ hãi. Như kẻ trộm vừa chạm vào vật quý đã bị bắt quả tang. Để đánh đòn cân não, chủ nhà không thèm hô hoán. “Tôi cấm cô đến gần mẹ tôi. Sự vớt vát của cô làm tôi ghê”. Nam Giao cúi mặt:
− Xin tha thứ cho tôi. Tôi sẽ đi ngay.
Cùng lúc ấy, giọng phụ nữ vang lên hiền lành ngăn cô lại:
− Chúng tôi thăm mộ ba Nhật Văn ở phía bên kia. Giờ chúng tôi về.
Không nguyền rủa, không kết tội nhưng giọng nói nhẹ nhàng như tiếng roi gay gắt quất vào nội tâm, Nam Giao oằn người.
− Giờ chúng tôi về. Cháu ở lại đây với Văn nhé.
Nam Giao từ từ đứng lên. Gió làm tóc lay động nhưng tâm trí cô vẫn đứng
yên. Bất ngờ khiến nó tê liệt. Cô đã được tha thứ. Bàng hoàng như tử tù
được ân xá trong khoảnh khắc cuối cùng, Nam Giao muốn ôm chầm lấy mẹ
Nhật Văn − chỉ để tỏ lòng biết ơn − nhưng không dám. Cô đã quen hình ảnh bà với đôi tay dang rộng. Giờ ánh mắt bà nhìn cô thanh thản không xoáy
lên câu hỏi tại sao, không yêu cầu giải thích. Tay xuôi xuống, ép vào
thân, sẵn sàng chấp nhận sự thật như bản thân nó. Đứng đối diện nhau và
lặng lẽ, khó có thể hình dung một thời gian dài vui buồn của người này
rất quan trọng đối với người kia.
Như làm xong công việc quá sức, họ quay đi rất nhanh. Trên con dốc thoai thoải, dáng cao lớn của Uy Vũ bên cạnh hai người phụ nữ nhỏ bé lại tạo thành một khối vững chãi. Nam Giao đứng yên. Một chút hành động của tình yêu thương và lòng khoan dung
mang đến cho thế giới những nụ cười tươi tắn nhất. Trong ảnh nụ cười của Nhật Văn chuyển sang vẻ ranh mãnh. Em thấy sao?
Họ đi khỏi. Nam Giao ngồi lại cho đến khi nắng tắt. Nghĩa trang mênh mông, vắng người và
lặng gió chỉ còn anh với cô. Rồi cô cũng về. Rồi nụ cười sẽ phai theo
thời gian, nhạt nhoà trong ký ức của nhiều người. Nhưng “Không bao giờ
tôi quên được anh” − từng câu chữ nấc nghẹn trong lòng Nam Giao.
Trong ảnh, nụ cười Nhật Văn ánh lên vẻ cam chịu như bị ép vào chỗ không phải
của mình. Nam Giao khẽ nhắm mắt. Tựa như bị bỏ vào chiếc cối xay, ý nghĩ trong đầu cô bị nghiền đến tan chảy, quay vòng rồi trở về điểm xuất
phát. Nó giày vò gặm nhấm, hành hạ khiến cô phát điên. Mất ngủ triền
miên cộng thêm ảo giác khiến đầu óc Nam Giao không còn sáng suốt, phản
xạ không còn chính xác. Cô sợ ngủ. Sợ tiếng thì thầm lặp lại nhiều lần
trong giấc mơ hàng đêm Em ơi, mở đèn đi. Có những lúc kiệt sức Nam Giao
thiếp đi. Ác mộng lập tức xuất hiện. Sau đó thì xuất hiện ngay cả khi cô thức. Cảm giác có lỗi ám ảnh một cách dai dẳng, tuy hình thức có khác
nhưng thực chất không thay đổi chỉ ngày càng sâu sắc thêm thôi.
− Ta về thôi em.
Giọng đàn ông dỗ dành làm Nam Giao bừng tỉnh. Anh nói như thể cô phản đối hay làm điều ngược lại.
Không phải chỉ Nhật Văn, chính gương mặt này thường hiện ra trì kéo, chế
giễu, hành hạ, giày vò cô trong những giấc mơ. Gương mặt vừa quen vừa
lạ, thoắt tử tế thoắt cay nghiệt, thoắt hiền lành thoắt độc ác. Kết thúc giấc mơ bao giờ cũng là hình ảnh bàn tay chìa ra cùng nụ cười dỗ dành,
thân ái. Chỉ chờ cô nắm lấy lập tức biến thành cú đẩy oan nghiệt. Đẩy cô lao vào hư không bỏ lại đằng sau gương mặt đầy nước mắt của chính anh.
Nam Giao thì thầm:
− Tôi vẫn thường tự hỏi mình câu hỏi đó. Tại sao hôm ấy không phải là tôi mà là Nhật Văn?
Cơn mộng dữ vẫn hiện diện trong đời thường, Nam Giao lùi lại. Hoảng hốt tránh bàn tay đang hướng về mình.
− Là tôi có phải hơn không? Tôi chẳng phải… thế này.
Cuối cùng đau thương cũng thoát ra ngoài qua giọng nói u uất. Bàng hoàng, Uy Vũ đứng yên. Mò mẩm giữa những tình cảm giăng đầy như tơ nhện trong
lòng, cả Uy Vũ cũng không nhận ra mỗi khi nhìn Nam Giao, trong anh
thường rung lên hai từ quyến rũ và có những bất chợt Uy Vũ thấy mình
nhìn cô thật lâu. Thoạt tiên anh nghĩ vì tình cảm dành cho Nhật Văn.
Nhưng sau đó thật lạ lùng khi thỉnh thoảng anh thấy buồn thấy nhớ điều
gì mà anh không biết rõ. Không tìm, không cần nhưng luôn luôn thấy thiếu vì thế lòng anh trống trải, đờ đẫn, nhạt phèo như sau một đêm dài uống
rượu. Uy Vũ mong muốn được bảo bọc cô, được làm những việc mà lẽ ra Nhật Văn phải làm − như anh thường nói nhưng nói như thế chỉ là phân nửa sự
thật. Không phải vì Nhật Văn, không phải vì Nam Giao mà còn vì chính
tình cảm của anh nữa. Vì anh muốn thế. Uy Vũ hoảng sợ khi phát hiện ra
điều vướng víu trong lòng mình.
Lúc cô thú nhận sự thật, anh bất ngờ
như bị tướt mất vật quý giá. Không kiểm soát được cảm xúc, ngay lúc đó
Uy Vũ muốn Nam Giao phải đau đớn. Anh lớn tiếng nhân danh điều này điều
nọ để gán cho cô giá trị thấp hèn của đạo đức, trách nhiệm, lòng tự
trọng… mà không hề nhận ra có một điều quan trọng khác đang vỡ ra trong
anh. Những lời Uy Vũ nói không hẳn là quan điểm hay suy nghĩ trung thực
của bản thân. Khi cơn giận hoành hành, Uy Vũ sử dụng tất cả những thứ vớ được với mục đích duy nhất làm Nam Giao tổn thương. Để cô đau đớn như
anh đang đau đớn. Đi lạc trong cơn giận của chính mình, mặc cho nó điều
khiển đẩy anh trôi bồng bềnh trên mặt nước tối đen khi quàng thêm vào
đấy những thứ rác rưởi như chiếc phao nguỵ biện.
− Tôi xin lỗi. Thật sự tôi không nghĩ như thế. Chỉ vì tôi…
Anh lắc đầu. Mãi mãi Uy Vũ không dám thú nhận với ai và với cả chính mình:
anh giận không phải vì Nam Giao đã lừa dối mà vì cô dám thú nhận sự lừa
dối đó.
− Tôi không thể rút lại những lời đã nói. Nhưng nếu có thể, em hãy quên đi.
Dễ dàng quá. Nhưng đâu phải bảo nhớ là nhớ, muốn quên là quên nhất là với
những thứ đã hoá thạch trong lòng. Nam Giao đứng yên. Cô đã học được
cách bảo vệ mình để không bị chi phối trước những cảm thông mà cô hoàn
toàn không cần đến. Cái gánh của sự ân hận đã quá nặng đối với Nam Giao
và sự cảm thông chỉ khơi sâu thêm nỗi ân hận mà thôi. Theo một ý nghĩa
nào đó, từ rất lâu cô nhận thấy cuộc đời mình đã kết thúc.
Dáng lặng
lẽ của Nam Giao như chờ anh nói xong sẽ đi ngay. Với Uy Vũ, tâm hồn cô
là một khoảng không bao la vô định hình chứa đựng những điều anh không
thể hình dung, những thứ anh không thể giải thích nhưng anh khao khát
được chạm tay vào và sở hữu nó. Ước mơ thật viển vông dù cô đứng rất gần và đang hướng về anh − nhưng với dáng nhẫn nhục, cam chịu như sẵn sàng
gánh mọi bất thường, mọi giận dữ. Uy Vũ nói nhẹ nhàng khác xa tâm trạng
nặng nề như có hòn đá lớn treo lủng lẳng nơi ngực:
− Mẹ bảo tôi quay lại đón em.
Nam Giao chớp mắt. Cô vẫn thế. Rất ít lời. Không bào chữa khi bị kết tội,
không nhẹ nhõm khi được tha thứ, thường im lặng như tiếp theo sau vẫn
còn điều gì đó và cô chờ đợi. Gương mặt Nam Giao thoắt biến đổi khi nghe đến mẹ anh. Rất nhẹ nhưng Uy Vũ nhận ra ngay. Anh tin đây là tín hiệu
tốt lành và giống như cô, anh chờ đợi.
− Tôi không có ý lừa dối bác
và anh đâu. Tôi cũng không giành phần của cô ấy. Tôi chỉ muốn làm việc
gì đó có thể có ích như ngày xưa mẹ tôi đã…
Cô bỏ lửng. Không nôn
nóng, không thúc ép Uy Vũ muốn dùng sự kiên nhẫn của mình để kích lệ Nam Giao bày tỏ… nhưng thất bại. Cô như con sò bị sóng đánh lên bãi cát. Im lặng và cô độc. Trí nhớ lại đưa Nam Giao về với mảnh ký ức bị cắt ra
một cách tuỳ tiện từ chuỗi sự kiện không còn mạch lạc. Ngày xưa, Trung
Dũng cũng không đồng ý việc làm của Nam Giao. Trong một lần tranh luận,
anh bảo như thế “ác” lắm. Chữ “ác” nhấn mạnh của anh bén như nhát cắt.
Mỗi lần nhìn mẹ, Nam Giao thấy đau. Cô đang “ác” với mẹ ư? Nếu thế, cô
cũng “ác” với chính mình nữa. Giá đừng như vậy, hai mẹ con đã chẳng đơn
độc bên nhau, chẳng giữ khoảng cách an toàn để đóng tròn vai của mình.
Thà ôm nhau khóc có phải hơn không? Nam Giao thẫn thờ.
− Tôi sai rồi.
Ánh mắt thương xót, cảm thông gói trọn lấy Nam Giao. Cô thấy sợ. Lạnh lùng, cay nghiệt, dò xét, đề phòng ở anh cũng làm cô sợ nhưng dáng vẻ ấy
trông thật hơn nhiều. Giờ giọng nói dịu dàng, âu yếm lọt vào tai Nam
Giao cũng đầy đe doạ, bất thường. Người này luôn khiến cô sợ hãi và đề
phòng.
− Chính tôi mới sai khi nói với em những điều ngu xuẩn
ấy. Nếu không có em chắc mẹ tôi đã ngã quỵ. Chính em đã giúp chúng tôi
vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Nam Giao cười nhẹ, như thể không dung nạp được những điều to lớn, vĩ đại anh vừa nói.
− Tôi ước gì mình đã làm được như thế.
− Có thể em không nhận ra nhưng quả thật em đã làm được như thế.
Nam Giao chấm dứt câu chuyện bằng cách quay sang Nhật Văn − như thể nó là
của riêng cô vậy. Uy Vũ có cảm giác anh đang xen vào câu chuyện của họ,
đang đứng giữa họ như người thừa. Gương mặt em trai anh cũng trở nên bí
ẩn − như đang nói với anh “Hãy để chúng tôi ở đây một mình”. Thật khó
tưởng tượng nó và cô không hề quen nhau. Uy Vũ nghĩ thầm, nếu yêu Nam
Giao, chắc chắn Nhật Văn đã chia sẻ với anh vì cô như món quà, như niềm
vui mà người ta không thể giấu kín.
Nam Giao đang chạm tay vào mặt đá − như một lời từ biệt. Uy Vũ nhìn thấy hành động này và lần nào
anh cũng có cảm giác những ngón tay đang vuốt ve gương mặt của chính
anh. Từng ngón tay run rẩy.
− Chúng tôi đã tìm thấy người phụ nữ của Văn.
Những ngón tay vụt buông lỏng, rơi ra khỏi mặt đá. Mặt Nam Giao xám ngoét. Cô đứng lên, loạng choạng đón lấy niềm bất ngờ. Người phụ nữ đi cùng họ…
Đầu óc tê liệt khiến Nam Giao không nhận ra, không có khả năng liên kết
những chi tiết thành sự kiện. Cô thì thầm − như nói với chính mình hay
với Nhật Văn chứ không phải nói với người đàn ông không rời mắt khỏi cô:
− Tôi không dám tin…
Đôi mắt Nam Giao bắt đầu long lanh. Ánh sáng trong mắt, sự xúc động trong
giọng nói gợi trong anh một điều gì đó ấm áp, rung động đến lạ lùng. Chờ một tiếng oà để được dỗ dành, được nâng niu nhưng tuyệt nhiên không, dù anh biết âm thanh đó cũng không diễn tả được nỗi niềm của cô lúc này.
− Giờ em đừng lo lắng nữa nhé.
Nam Giao rụt rè:
− Họ có khoẻ không?
Cô muốn nhắc đến đứa bé. Những lời hôm trước của anh đã khắc dấu vào lòng Nam Giao. Uy Vũ nhẹ nhàng:
− Họ khoẻ cả.
− Vậy thì tốt quá… Tốt quá.
Dáng gầy guộc của Nam Giao tạc vào nền trời thâm u và bức tường sau lưng
khiến cô mang hình tượng đá. Bóng tối nhập nhoạng, khoanh người trên
những đọt cây.
− Chúng ta về thôi, em.
Lần này không phản đối, Nam Giao im lặng bước bên anh nhưng chỉ đoạn đường ngắn. Một người đàn ông khác đang chờ cô.
Hai chiếc xe rời nghĩa trang cùng một lúc. Sau lưng họ bóng đêm dày đặc.
Dán mắt vào cửa kính, vẫn không nhẹ nhàng, không giải thoát, Nam Giao
thấy lòng nặng trĩu khi nghĩ đến người vợ chưa kịp cưới, đứa trẻ chưa
chào đời, công việc còn dở dang… Nhật Văn lại đến chỗ này, như người
khách lạ. “Anh bên kia nắng, bên kia gió” − trơ trọi, cô đơn không hoà
được vào nó.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT