Dần dà, tôi thích Ameko.
Nói thiếu mấy chữ, tôi nói là tôi thích giờ học với Ameko.
Khi làm học sinh nàng rất chăm chú, khi làm giáo viên lại càng chăm chú.
Có lúc tôi rất muốn nói với nàng, tôi chỉ muốn biết chữ Hiragana với các câu hội thoại bình thường là được.
Nhưng khi giảng dạy cho tôi Ameko rất chăm chú và cẩn thận, khiến tôi không
thể không tập trung hết tinh thần đối phó với giờ học tiếng Nhật.
"Wa-Da-Si-WaSei-Ko-Wu-Dai-Ka-KuNoKa-Ku-Sei.”
Ameko bảo tôi đọc lại câu “tôi là sinh viên đại học Thành Công”.
“Thái-san, ‘học’ phải đọc là ga-ku, ga là âm đục, không thể đọc thành ka-ku được.”
Ameko dùng khẩu hình đọc âm ga làm mẫu, vừa khéo lộ ra cặp răng khểnh.
“Anh biết vì sao mình không đọc tốt âm ga rồi, vì anh không có răng khểnh.”
“Ha ha, học tập phải thật tập trung, đừng nói đùa nữa.”
“Anh biết không? Em dạy anh là tiếng Nhật giọng Osaka chứ không phải giọng Tokyo.”
“Vậy à? Anh hiểu rồi. Vậy thứ anh dạy em coi như là tiếng Đài giọng Đài Loan.”
“Em nói thật đấy ne. Cho nên anh phải nhớ mình đang học tiếng Nhật giọng Osaka đấy!”
Ameko dặn dò với vẻ rất nghiêm túc, dường như cho rằng đây là chuyện không thể làm qua loa được.
Thậm chí còn bảo với tôi, người Osaka nói cám ơn là O-Ki-Ni chứ không phải A-Ri-Ga-Do.
Thật ra chỉ cần có người Nhật Bản nào nghe hiểu thứ tiếng Nhật mà tôi nói
tôi đã cười thầm trong bụng rồi, còn quan tâm gì tới giọng điệu!
Khi làm thầy dạy Ameko lại là một việc rất thú vị, bởi nàng thường hỏi những câu rất khó truyền đạt.
“Thái-san, trái vải là cái gì?”Ameko biết Dương quý phi thích ăn vải nhất, bèn hỏi tôi.
“Một loại hoa quả.” Không thì tôi còn nói được cái gì?
“Trông thế nào? Tiếng Anh gọi là gì?”
“Giờ không phải mùa vải, không cách nào kiếm cho em ăn thử được. Còn tiếng Anh hả, có thể gọi là milkchicken.”
“Milkchicken?”
“Có em gà ấy!”
Tôi buồn cười quá, bất kể sắc mặt mịt mờ của Ameko, tự đắc cất tiếng cười lớn.
(Milk chicken = Sữa gà = 奶雞 (nai ji)
Quả vải = 荔枝 (li zhi)
Người Đài Loan khi phát âm 荔枝 (li zhi) thì thành ra 奶雞 (nai ji) )
“Vậy ‘khứ thế’ thì sao?”
“Khứ thế nghĩa là đã chết.”
“Không không, ý em nói là ‘khứ thế’ này này...” Ameko viết lên giấy.
“Cái này á! Ừm... hơi khó nói.”
“Thế à? Có phải nghĩa là ‘không thể cứu vãn được’ không?”
“Ha ha ha... Đúng đúng. Sau khi ‘khứ thế’ đúng là không thể cứu vãn được.”
So với cô giáo Ameko, thầy Thái này thật đáng xấu hổ.
(Hai từ đồng âm, từ “khứ thế” mà Ameko hỏi là去势 nghĩa là bị thiến, hoạn; còn “khứ thế” mà nhân vật chính trả lời là 去世 nghĩa là tạ thế.)
oOo
Mặc dù Ameko tới ở Đài Nam nhưng mùa đông ở Đài Nam cũng không bởi vậy mà nhiều mưa.
Không khí khô ráo ấm áp trong ngày đông ở Đài Nam là nguyên nhân chủ yếu
khiến tôi thích Đài Nam, có điều giờ tôi lại mong trời đồ mưa.
Cũng hệt như Ameko vậy.
Tới tận một buổi sáng thứ ba của tháng mười một, bầu trời mới lắt rắt chút mưa.
Hôm đó khi Ameko đến học còn đeo theo một cái ba lô màu đỏ, tôi rất bối rối.
Tôi nhớ khi đó mình đang dạy nàng bài “Dạ Vũ Ký Bắc” của Lý Thương Ẩn:
“...Hà đương cộng tiễn tây song trúc
Khước thoại Ba Sơn dạ vũ thì.”
(Bao giờ chung bóng song tây
Còn bao nhiêu chuyện núi này mưa đêm!
Nguồn: http://phiem-dam.com/1thoco_davuky.htm)
Tuy cửa sổ phòng tôi hướng ra phía bắc, không tính là ‘tây song” được, nhưng lúc này ngoài cửa sổ đang tí tách tiếng mưa rơi.
Như chó săn nghe thấy tiếng động, Ameko tung mình lao thẳng tới bên cửa sổ.
"Man-Zai! Man-Zai!” (vạn tuế)
Ameko giơ cao hai tay, tâm trạng có vẻ rất phấn khởi, như một cô bé nhận được búp bê Barbie.
"Mo-Mo-Ta-Ro san, Mo-Mo-Ta-Ro san┅┅ "
Ameko vừa hát vừa vỗ tay.
“Khụ khụ... Bạn Ameko, đang giờ học cơ mà.”
“Thế à?” Ameko giơ đồng hồ đeo tay của mình lên trước mặt tôi nói:
“Giờ là tám giờ một phút, đến phiên em làm cô giáo. Man-Zai! Man-Zai!"
Chẳng có cách nào, người ta thế mạnh hơn, tôi buộc phải lấy sách tiếng Nhật ra học.
“Hôm nay chúng ta không học, em dạy anh hát tiếng Nhật nhé. Dạy luôn bài ‘Đào Thái Lang’ em hát vừa rồi.”
“Nhưng hôm nay anh lại cực kỳ mong chờ được học ứng dụng động từ tiếng Nhật, xin rửa tai nghe cô giáo dạy bảo.”
Tôi không muốn học hát tiếng Nhật, đành phải giả bộ muốn học thứ khác.
“Thái-san, anh thật thích nói đùa, có lúc nào anh chăm chỉ thế đâu. Ha ha ha...”
Ameko lập tức nhận ra tôi đang lảng tránh, lại cười khanh khách nói:
“Hát tiếng Nhật rất có ích khi học tiếng Nhật, đây gọi là ‘Ngụ giáo vu nhạc’.”
(Ngụ giáo vu nhạc: Thơ ca ngoài niềm vui còn phải có tác dụng giáo dục)
“Sao em không gọi là lấy công làm tư đi.”
“Ha ha...” Ameko ngồi lại bên bàn:
“Em hát một câu, anh hát theo nhé. Bài hát này rất đơn giản, rất dễ học.”
Thế là, Đào Thái Lang trở thành bài hát tiếng Nhật đầu tiên tôi biết.
Dạy Đào Thái Lang xong, Ameko lấy cái ba lô màu đỏ của mình ra.
“Đây là cái gì?” Tôi chỉ vào một món đồ được buộc bằng chỉ màu cam ngoài chiếc cặp.
“Đây là bùa bình an em xin ở đền thờ Meiji (Minh Trì Thần Cung) tại Tokyo
hồi thi đại học, cầu cho việc học được bình an thuận lợi.”
Ameko cẩn thận cởi nút thắt màu cam, đưa tấm bùa binh an cho tôi xem.
Trên tấm bùa có viết “Minh Trì Thần Cung”, bên phải có hai chữ “đỗ đạt”, bên trái lại là “thành tựu”.
“Có hiệu quả không?”
“Rất hiệu quả! Chờ khi em về nước em sẽ tặng nó cho anh. Chắc chắn nó sẽ phù hộ anh sớm có ngày tốt nghiệp thuận lợi.”
“Vậy anh nguyện không được tốt nghiệp thuận lợi.”
Ameko dường như không hiểu nghĩa bóng trong câu nói của tôi, tiếp tục mở chiếc ba lô màu đỏ.
“Đây là Re-In-Ko-To của em, nghĩa là raincoat. Tiếng Trung gọi là gì?”
Ameko viết ra vài chữ mà mấy chữ cái đầu đã biết ngay là tiếng Nhật lai với tiếng nước ngoài
“Áo mưa. Đơn giản thế thôi! Sao em không đoán ra vậy?”
“Em cũng đoán vậy. Nhưng em từng đọc một truyện cười nói áo thọ (thọ y ~ áo liệm) không phải áo chúc thọ, cho nên em nghĩ áo mặc lúc mưa cũng chưa
chắc gọi là áo mưa!”
“Đại tỷ, ngài nghĩ hơi quá rồi đấy.” Tôi cười nhẹ một tiếng.
“Đây là áo mưa em mua hồi học đại học.” Ameko nhìn chiếc áo mưa màu đỏ tím của mình, hưng phấn nói.
“Em thích nó lắm! Mỗi khi trời mưa em thích nhất là mặc cái áo này đi dạo khắp nơi.
“Sao không dùng ô? Vậy chẳng tiện hơn à?”
“Nếu dùng ô không thể cảm nhận được giọt mưa rơi xuống người, trời mưa là ông trời ban ơn đấy.”
“Trời mưa rất bất tiện, sao lại gọi là ông trời ban ơn?”
“Ha ha, em cũng không biết. Em chỉ biết nghe tiếng mưa rơi em thấy rất hạnh phúc.”
Ameko chống hai tay vào eo, ưỡn ngực:
“Hơn nữa em tên Vũ Tử cơ mà! Không thích ngày mưa chẳng hỏng cả cái tên à?”
“Nhưng mưa sẽ nhanh chóng tạnh, em định làm sao?”
“Không sao cả. Chỉ cần có mưa em đã rất vui rồi.”
Ameko thò đầu ra ngoài cửa sổ, hít một hơi thật dài.
“Mưa thật không biên giới, mưa ở Osaka với mưa ở Đại Nam cũng như nhau, đều khiến tinh thần con người sảng khoái. Anh thấy sao?”
Ameko quay lại hỏi tôi.
“Ừm.” Tôi gật đầu.
Không có biên giới, ở đâu cũng chỉ là mưa. Tình cảm giữa người với người, hẳn cũng như vậy!
oOo
Để quán triệt lý luận “ngụ giáo vu nhạc” của cô giáo Itakura, tôi tới tiệm bán băng đĩa mua một băng nhạc.
Mọi bài hát với tôi đều thật lạ lẫm, bởi vậy tôi cũng chẳng biết nên chọn cái nào.
Đang định nhắm mắt lại, tùy ý lấy một băng nhạc nào đó lại phát hiện trong đống băng ghi âm nhạc Nhật,
Không ngờ lại có “Người yêu” của Đặng Lệ Quân và “Love is over” của Âu Dương Phỉ Phỉ.
Tôi mua nó, lúc rảnh rỗi lấy ra nghe, tuy lời ca hơi buồn bã nhưng lâu ngày cũng thành dễ nghe.
oOo
Sau này, khoảng cách giữa tôi và Ameko dường như không còn nữa, bất kể là văn hóa chủng tộc hay ngôn ngữ.
Chín giờ, học xong, tôi luôn mời cô ấy ở lại xem tivi một lúc.
“Ngụ giáo vu nhạc mà!” Tôi bắt chước giọng điệu của nàng.
“Lấy công làm tư thì có.” Nàng cũng bắt chước câu nói của tôi.
Có lúc tôi còn hỏi nàng có đói không, sau đó làm một bát mỳ ăn liền cho nàng ăn.
Ameko nói nàng rất thích mỳ ăn liền của Đài Loan, không như mỳ ăn liền của Nhật có vị hơi ngọt.
Có một thời gian, kênh truyền hình Đài Loan chiếu phim Nhật “Tình yêu Tokyo” vào 10 giờ tối thứ ba hàng tuần.
Ameko rất thích xem phim này, mỗi khi thấy Kanji và Rika nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung,
Nàng sẽ cười liên tục.
Khi đó ánh mắt tôi sẽ lén lút chuyển từ màn hình tivi tới cặp răng khểnh bên môi nàng.
Thế nên cho dù tôi đã xem rất nhiều tập trong bộ phim Nhật đó, tôi vẫn không biết nó là phim lãng mạn?
Hay là phim hài chọc cười khán giả?
Vì thứ duy nhất mà tôi nhớ, là tiếng cười của Ameko.
Còn nữa, nếu tên là Vũ Tử đều thích mặc áo mưa, vậy nhân vật trong phim chắc chắn đều là Phong Tử.
Vì bọn họ thường xuyên mặc áo gió.
oOo
Tối giáng sinh cuối tuần, Tín Kiệt tụ tập bạn bè tới chỗ trọ, Ngu Cơ cũng mời Ameko, Naomi với Inoue.
Đây là lần đầu tiên tôi gặp Naomi và Inoue, sau này vì quan hệ với Ameko nên mới quen thuộc dần.
Đương nhiên tôi vẫn luôn ngạc nhiên về sự phóng khoáng của hai cô nàng này lúc say rượu.
Có hôm cả một chàng trai Nhật Bản cũng tới theo, có điều tôi không biết hắn bám váy cô gái nào tới nữa.
Hắn nói mình tên là Koji Yano.
"Wa-Da-Si-WaTa-Ko (bạch tuộc ) Des┅┅ "
Sau khi uống chút rượu hắn ta bắt đầu chu miệng, lại còn bắt chước cách bạch tuộc bơi, vặn vẹo hai tay liên hồi.
Ngu Cơ, Naomi và Inoue cười lăn cười bò, Ameko chỉ mỉm cười xã giao.
“Tôi uống say rồi! Tôi muốn tìm đồ ăn! Đâu có đồ ăn nào!”
“Nào nào” cả nửa ngày, có thể thấy trình độ tiếng Trung của hắn kém cỏi tới mức nào.
Nếu tôi là thầy dạy tiếng Trung của hắn ta, chắc sẽ mổ bụng tự sát cho xong.
Đầu tiên hắn chu mỏ đưa tới chỗ Naomi, Naomi chỉ cười nhẹ rồi đẩy hắn ta ra.
Sau đó tới chỗ Inoue, Inouse cũng mỉm cười bỏ chạy.
Nhưng sau đó hắn ta nhảy luôn qua Ngu Cơ, lao thẳng tới Ameko.
Nhìn hắn ta còn biết tránh cao thủ ném tạ Ngu Cơ, tránh cho Ngu cơ đẩy nhẹ một cái mà chấn thương sọ não,
Tôi mới nhận ra tên tên khốn này rõ ràng là mượn rượu giả điên.
Ameko không dám đưa tay đẩy cậu ta ra, lại không tiện bỏ chạy, chỉ đành luống cuống chân tay miễn cưỡng né tránh tại chỗ.
"Wa-Da-Si-Wa ngư dân Des┅┅”
Tôi lấy một cái gối ôm ra làm lưới đánh cá.
“Tôi uống say rồi! Tôi muốn bắt bạch tuộc! Đâu có bạch tuộc nào!”
Tôi tới bên cạnh hắn ta, không chút khách khí đập cái gối ôm xuống đầu.
Ai dám nói con bạch tuộc này say chứ? Bước chân hắn lúc né tránh cực kỳ nhẹ nhàng uyển chuyển, chẳng khác nào một ninja.
“Cậu...” Hắn có vẻ bực tức, nhìn chằm chằm vào tôi.
“Tôi uống say rồi! Để bạch tuộc chạy mất rồi!” Tôi giả bộ loạng choạng.
“Ha ha ha... Vẫn là bạch tuộc thông minh hơn.” Tín Kiệt vội vàng cười vài tiếng:
“Ngư dân uống say rồi thì đừng ra biển bắt cá chứ!” Tín Kiệt đẩy nhẹ tôi một cái.
“Bạch tuộc-san, chúng ta uống một chén nào.”
Trần Doanh Chương cũng lập tức chen vào.
“Vừa rồi cậu sao vậy? Dẫu sao Koji cũng là khách mà.”
Tôi giả bộ ra sân thượng hóng mát một chút, Tín Kiệt cũng bước theo ra ngoài, nhỏ giọng nói.
“Hắn ta tên Koji (Thỉ Dã) à? Tớ còn tưởng là dã thỉ.” Giọng điệu tôi lộ rõ vẻ mất hứng.
(Lại chơi chữ, chữ Thỉ đầu tiên là矢nghĩa là mũi tên hay lời thề, chữu Thỉ thứ 2 là屎 nghĩa là đống phân)
“Có phải vì hắn ta bất kính với Ameko không?”
“Không phải. Vì tớ thấy ngứa mắt thôi.” Tôi vẫn cố cãi.
“Trí Hoằng...” Tín Kiệt nhìn tôi một cái đầy thâm ý rồi nói: “Giữ khoảng cách với Ameko đi!”
“Còn cần giữ khoảng cách à? Chẳng lẽ Nhật Bản với Đài Loan còn chưa đủ xa?” Tôi nổi giận nói.
Hóa ra dù tôi và Ameko có thể vượt qua những khoảng cách vô hình như chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ...
Thì khoảng cách hữu hình, vẫn cứ tồn tại.
oOo
Tín Kiệt vào lại phòng, giờ tới phiên Ameko bước ra ngoài, đứng bên cạnh tôi.
Nhưng chúng tôi không hề nói gì, chỉ sóng vai hưởng thụ làn gió khuya nhẹ nhàng phớt qua khuôn mặt.
Một lát sau, có lẽ vì cả hai đều cảm thấy sao đối phương không nói một lời? Vì vậy cùng lúc quay đầu sang.
Hai mắt chạm nhau, Ameko chớp chớp mắt, tôi mỉm cười.
“Thái-san, cám ơn anh đã giải nguy cho em.”
“Đừng khách khí. Loạn thần tặc tử, ai ai cũng muốn tru diệt. Em hiểu câu này không?”
“Ha ha, em không hiểm lắm. Xin Thái-san chỉ giáo.”
“Có nghĩa là khi em gặp phải con bạch tuộc không biết xấu hổ, cứ coi nó như ‘con heo’ mà dạy bảo.”
(Tiếp tục chơi chữ:
Câu bên trên: Loạn thần tặc tử, nhân nhân đắc tru tri
Câu bên dưới: nguyên gốc là coi hắn như “trư trích” cách đọc gần giống “tru tri”)
“Ha ha, Thái-san, anh cứ dạy loạn thế, em coi là thật thì sao?”
oOo
Sau này Koji Yano nhân lúc tụ họp dây dưa với Ameko, có điều Ameko không hề cho hắn ta chút cơ hội nào.
Có lần Naomi không nhịn nổi nữa, khuyên Ameko:
“Cùng là du học sinh Nhật Bản tại Đài Loan, liên lạc với nhau giữ cảm tình một chút cũng bình thường thôi mà.”
“Tớ nói nhỏ với cậu thôi nhé...” Ameko nhịn cười nói:
“Thái-san nói Koji là con heo, nhất định phải tru diệt.” Nói xong, Ameko không nhịn được bật cười.
“Cậu bị tên thầy giáo tiếng Trung đó dạy hư rồi.” Tuy Naomi nói vậy nhưng vẫn cười cùng Ameko.
oOo
Tết âm lịch năm 1995 đến rất sớm, ngày 31 tháng 1 đã là mùng một năm mới.
Một buổi tối năm cũ, sáng sớm hôm sau tôi sẽ về nhà. Trước khi đi, nhấc điện thoại gọi cho Ameko.
“Ameko, anh về nhà tới hết tết, đành gửi em lời chúc mừng năm mới sớm vậy.”
“Thế lúc nào anh mới về Đài Nam?”
“Ít nhất cũng phải hơn một tuần nữa.”
“Hả? Lâu thật đấy!”
“Ừm, đúng là rất lâu.”
Từ khi quen Ameko tới giờ, chưa bao giờ chia lìa lâu tới vậy,
Tôi cảm giác như động tay động chân cũng thiếu tự nhiên.
oOo
Sáng sớm mùng hai Tết, bầu trời đổ mưa phùn, tôi không khỏi nhớ tới Ameko.
Ameko ở Đài Loan có khỏe không? Khí hậu lác đác mưa thế này, chắc chắn nàng sẽ rất vui.
Tôi là học sinh, cũng nên gọi điện tới chúc Tết cô giáo chứ!
“Xin chào, tôi là Ameko. Xin hỏi tìm ai vậy?”
“Ameko, chúc mừng năm mới!”
“Anh... Anh là Thái-san?”
"Hai! Happy New Year! Itakura-san.”
“Thái-san, em... nghe giọng anh em vui lắm...” Ameko đột nhiên khóc thút thít.
“Có chuyện gì vậy? Tâm trạng không được tốt à? Ở Đài Nam trời không mưa à?”
“Mặc dù ở Đài Nam có mưa, nhưng chỉ có mình em ở nhà, em hơi sợ.”
“Naomi với Inoue đâu?”
“Hai bạn ấy tới nhà bạn bè ở Đài Loan mừng năm mới rồi.”
“Sao em không đi theo?”
“Em không quen mấy người Đài Loan đó. Hơn nữa em không biết năm mới người Đài Loan đều về nhà.”
Ameko kể với giọng ấm ức.
“Đừng sợ. Anh sẽ về Đài Nam với em ngay đây.”
“Thế có được không? Anh không cần ở bên người nhà sao?”
“Không sao, dẫu sao trung hiếu cũng chẳng thể vẹn toàn?”
“Thế mà bảo trung hiếu chẳng thể vẹn toàn? Như anh phải gọi là bất trung bất hiếu ấy.”
Cuối cùng Ameko cũng mỉm cười, song vẫn không yên lòng hỏi lại:
“Anh có sợ bị người nhà mắng không?”
“Không đâu! Với lại ở nhà mãi cũng chán, anh tới tìm em đi chơi.”
“Ừm. A-Ri-Ga-Do."
oOo
Khi tôi trở lại Đài Nam, đã là giờ cơm tối.
Năm mới, rất nhiều cửa hàng không mở cửa, tôi đành chạy ra siêu thị mua vài thứ,
Sau đó rủ Ameko tới ăn lẩu.
Đêm đó trời vẫn lác đác mưa rơi, tâm trạng Ameko rất tốt, tuy chương trình ti vi khá nhàm chán.
Sau đó chúng tôi ra ban công nghe tiếng mưa rơi.
Theo nhịp điệu mưa rơi, Ameko cũng nhẹ nhàng cất tiếng ca.
“Nghe hay quá, đây là bài hát gì?”
“Đây là bài ‘mùa mưa ở Osaka’ của Hibari Misora.”
Nói xong, Ameko đột nhiên bắt chước vẻ mặt và hành động cường điệu của Hibari Misora lúc hát.
"Dai-Te-Ku-Da-Sai, A┅OsakaSi-Gu-Re” (Xin hãy ôm lấy em. Ôi! Mùa mưa Osaka)
Rất ít khi thấy Amke tinh nghịch như vậy, tôi không khỏi mỉm cười.
Nhưng khi hát tới đoạn “So-Ne-Za-Ki”, nàng lại đột nhiên ngừng lại, thở dài một hơi.
“Nhớ nhà à?”
“Ừm. Nhà em ở gần Sonezaki, lúc hát đến đó bắt đầu nhớ nhà.”
Thật ra tôi rất muốn hỏi, khi nào nàng sẽ trở lại Osaka? Có điều lại không muốn nghe đáp án, chỉ đành im lặng.
“Thái-san...” Ameko lên tiếng xua bỏ bầu không khí trầm lắng, hưng phấn nói.
“Osaka vui lắm đấy! Sau này em sẽ đưa anh tới tham quan thành Osaka do
Toyotomi Hideyoshi xây dựng, tới thăm chùa Tứ Thiên Vương,
Đó là ngôi chùa cổ nhất Nhật Bản đấy. Sau này chúng ta còn có thể đi ăn bạch tuộc viên lớn nhất Nhật bản...”
Ánh mắt Ameko sáng lên, cảm giác như chúng tôi đang đặt chân trên đất Osaka.
“Nhật Bản, thật xa xôi...” Nói xong, tôi thầm thở dài một hơi.
“12 giờ rồi, có vẻ cũng đã muộn. Em phải về đây.” Ameko nhẹ nhàng nói.
“Đợi mưa tạnh đã!”
“Ừm. Xem ra mưa cũng sắp tạnh rồi.”
“Ài... Vốn là đêm dai dẳng, mưa sao tạnh quá mau.”
“Ha ha, có phải anh bắt chước bài thơ bảy bước của Tào Thực: vốn là cùng một gốc, sao lại đốt lẫn nhau?”
“Em đoán trúng rồi, giỏi quá, giỏi quá. Em có muốn phá kỷ lục của Tào Thực không, trong bảy bước cũng hoàn thành một bài thơ?
“Đừng đùa thế chứ, em không làm được đâu.” Ameko cười rung cả người.
“Cũng chưa chắc! Anh đi chậm một chút, hơn nữa có chết cũng không bước sang bước thứ bảy, chắc chắn giúp em phá được kỷ lục.”
“ha ha... đâu thể thế được.”
“Trên sách có nói bảy bước đó Tào Phi đi thế nào đâu, không khéo cũng là bước thật chậm.”
Tôi giơ chân trái lên thật cao sau đó ngừng lại nói: “Ameko, mau mau lên! Anh bước đi đây này.”
Ameko chìm vào trầm tư, tôi thì cố dùng tốc độ siêu chậm, làm như đang bước đi.
Khi chuẩn bị bước ra bước thứ bảy, chân trái ngừng giữa không trung một lúc lâu không hạ xuống.
Chỉ dùng chân phải chống đỡ thân thể, trước khi tôi sắp mất thăng bằng, cuối cùng cũng nghe thấy Ameko mở miệng ngâm:
“Ngày về Đại Phản còn chưa hay
Mưa phùn liên miên rồi cũng tạnh
Đêm dài thức cạnh nhau năm ấy
Châm bước ngoài hiên đủ chuyện hay”
(Đại Phản: Osaka)
Nghe xong “Châm bước ngoài hiên đủ chuyện hay”, tôi cười ha hả hai tiếng,
cuối cùng cũng đặt chân trái xuống, bước nốt bước thứ bảy.
“Ameko, chúc mừng em phá kỷ lục của Tào Thực, hoàn thành bài thơ sáu bước rưỡi.”
“Ha ha... Đó là linh cảm từ bài ‘Dạ vũ ký bắc’, cám ơn Thái-san đã phối hợp và chỉ bảo.”
Thật ra mưa đã sớm tạnh, nhưng dường như chúng tôi cũng cảm thấy “bước chậm” đi trước giờ phút ly biệt.
“Ameko, mai mình đi xem phim nhé?”
Lần này người phá tan bầu không khí trầm lắng lại là tôi.
Ameko ngạc nhiên ngây ra một lát, như không nghe rõ, hỏi lại: “Cái gì cơ?”
“Read my lips... Xem-phim. Tiếng Anh là See movie.”
Ameko mỉm cười, sau đó gật đầu.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT