Từ đó trở đi, bảy đến chín giờ tối thứ ba và thứ năm mỗi tuần, Ameko sẽ tới chỗ tôi.
Một tiếng đầu tiên, tôi dạy nàng tiếng Trung, một tiếng sau, nàng dạy tôi tiếng Nhật.
Trình độ tiếng Nhật của tôi, có thể nói là mười khiếu thông chín khiếu.
Nói cách khác, tức là một chữ cũng không biết.
Cho nên nàng buộc lòng phải dạy tôi từ đầu.
Còn trình độ tiếng Trung của Ameko vốn không kém, cho nên không tính là tôi dạy nàng tiếng Trung.
Nhiều lắm là dạy nàng làm sao thưởng thức thơ Đường văn Tống mà thôi.
Thi thoảng lại xen chút tiếng Đài.
Bởi vậy khi tôi và Ameko nói chuyện, chủ yếu là dùng tiếng Trung.
Nếu tiếng Trung vẫn như nước đổ đầu vịt, vậy đành phải chuyển sang dùng tiếng Anh.
Tuy tiếng Anh của tôi không tốt, nhưng cũng đủ để cười nhạo người Nhật Bản rồi.
Tôi cũng cảm thụ thật sâu sắc câu nói mỉm cười là tiếng nói chung của loài người.
Bởi khi chúng tôi không hiểu ý của đối phương đều sẽ nhìn nhau mỉm cười.
Nhớ lại lần đầu tiên khi học, tôi hỏi cô ấy:
“Ameko, sao em lại tên là “Vũ” Tử?”
(Ameko viết theo Hán tự là Vũ Tử 雨子)
Nàng kể cho tôi, vì mình sinh trong ngày mưa nên cha đặt tên là Vũ Tử.
Thì ra là vậy.
Cho nên nếu sinh ra trong ngày trời nắng sẽ tên là Tình Tử? Ngày tuyết rơi tên là Tuyết Tử?
Vậy nếu sinh ra vào một ngày gió lớn ở Đài Loan, chẳng lẽ tên là Phong Tử?
(Tác giả chơi chữ, Phong ở đây là gió, nhưng Phong Tử đồng âm với thằng điên)
Xem ra lúc đặt tên người Nhật Bản cũng thật hồ đồ.
Nàng nói cũng bởi vậy mà nàng rất thích những ngày mưa.
Lúc trước chọn tới Đài Loan chứ không phải đại lục, có một phần là do Đài Loan nhiều mưa.
Nàng lại nói mình rất có duyên với những ngày mưa.
Thậm chí lúc thi đại học ở Nhật Bản cũng đúng ngay ngày mưa.
“Cho nên kết quả thi của em rất tốt.”
Nàng khẽ mỉm cười, không quên lộ cặp răng khểnh.
Sau này tôi rất muốn kể cho Ameko, mùa đông ở Đài Nam rất ít mưa.
Nếu muốn gặp mưa, nên đến Đài Bắc mới đúng.
Có thể nói, nếu mưa mùa đông ở Đài Bắc là chuyện thường như cơm bữa,
Vậy mưa mùa đông ở Đài Nam sẽ quý giá như vi cá bào ngư.
Nhưng từ đầu tới cuối tôi đều không nói cho Ameko, không phải vì sợ nói ra sẽ khiến nàng thất vọng,
Mà là sợ nàng sẽ chuyển tới học ở Đài Bắc thật, khiến tôi thất vọng.
oOo
Chỗ trọ của Ameko chỉ cách tôi hai con đường, có thể coi là gần.
Nàng có hai bạn cùng phòng, Naomi Wada và Inoue Rena, đều là du học sinh Nhật Bản.
Naomi vóc người mập mạp, làn da ngăm đen, nghe nói sau khi tới Đài Loan thường xuyên tới bãi biển tắm nắng.
Vì quê của Naomi ở vùng Kanto Nhật Bản, một năm nhiều lắm cũng chỉ có hai tháng thật sự là mùa hè.
Hèn gì cô ấy cực kỳ thích khí hậu nóng bức ở Đài Loan này.
Inoue có khóe mắt hơi xếch lên, gò má cũng khá cao, hơi giống người Hàn Quốc.
Bạn trai Naomi là sinh viên nước ngoài ở Hồng Kông, còn Inoue, nghe nói bạn trai cô ấy ở Nhật Bản.
Thật ra ấn tượng của tôi đối với người Nhật Bản rất cứng nhắc.
Nói là “ấn tượng” cũng không thật hợp lý, bởi trước khi quen Ameko tôi chưa từng tiếp xúc với người Nhật Bản.
Mọi hiểu biết liên quan tới Nhật Bản hay người Nhật Bản đều đến từ tivi, sách vở, manga hay ý kiến của người khác.
Người Nhật Bản chăm chỉ, tuân thủ pháp luật, đoàn kết, có trật tự, háo sắc và gian trá, bắt nạt kẻ yếu nhưng lại sợ kẻ mạnh, tự ti mà lại tự đại.
Những gì tôi được biết, hay có thể nói, những thông tin không quá chính xác mà tôi lượm nhặt được là như vậy.
Còn con gái Nhật Bản là đại biểu tốt nhất cho hai chữ hiền thục.
Thượng đế nói, nếu có người tát lên má phải của bạn, bạn còn phải giơ má trái ra cho hắn tát tiếp.
Nhưng nghe nói con gái Nhật Bản còn kinh khủng hơn, không chỉ để bạn tát lên má trái của mình mà còn hỏi bạn có đau tay không.
Hay nên nói, chuyện kinh khủng hơn, không phải con gái Nhật Bản, mà là không ngờ tôi lại tin vào chuyện này,
Khiến sau này nó trở thành ấn tượng cứng nhắc của mình.
May là người Nhật Bản cũng có ấn tượng cứng nhắc đối với người Trung Quốc, cho nên tôi cũng không cần tự trách mình quá nhiều.
Người Nhật Bản cảm thấy người Trung Quốc, bẩn, loạn, ích kỷ, hám tiền, để râu cá trê, tóc thắt bím, vừa gian trá lại vừa tà ác.
Đây là đặc điểm phổ biến của người Trung Quốc trong những manga Nhật Bản mà tôi đọc.
Xem ra, “gian trá” là điểm chung của người Trung Quốc và người Nhật Bản.
Cho nên, khi mới quen Ameko, ấn tượng cứng nhắc của tôi đối với con gái Nhật lại càng thêm sâu sắc.
Vì nàng luôn có vẻ thật hiền dịu, khi nói chuyện hầu như lúc nào cũng mang theo nụ cười ngại ngùng.
Có điều sau này quen Naomi Wada với Inoue Rena, mới khiến cho ấn tượng cứng nhắc này của tôi xoay chuyển hẳn.
Đó là một buổi tối giáng sinh, Ngu Cơ mời cả Naomi, Inoue cùng AmeKo tới chơi.
Sau khi uống ba chén hoa hồng đỏ vô bụng, Naomi với Inoue bắt đầu thoải mái cất tiếng ca.
May là lúc đó đang đông chứ không tôi thật sự cho rằng các nàng sẽ kích động tới mức nhảy thoát y.
“May là” là từ mà tôi dùng, còn từ Trần Doanh Chương dùng lại là “đáng tiếc”.
Do đã trở thành giáo viên cho Ameko, cũng để tiện làm học sinh của nàng, tôi cố ý mua một chiếc bàn vuông.
Cái bàn một mét vuông vắn, cao chỉ chừng bốn mươi centimet, cũng như bàn ăn hay bàn tivi bình thường.
Lúc học, Ameko ở phía tay trái tôi, tôi ở phía bên phải nàng.
Tôi phải nàng trái, vừa khéo phù hợp với quy định giao thông của hai quốc gia.
Mỗi lần ngồi quỳ để học, máu huyết nửa thân dưới tuần hoàn không được tốt, luôn khiến hai chân tôi tê dại.
Ameko dạy tôi yếu quyết ngồi quỳ vài lần nhưng mãi tôi vẫn không lĩnh ngộ được.
Tôi từng hỏi Ameko, ngồi quỳ có phải thủ phạm khiến người Nhật Bản không được cao không?
“Thái-san, đại trượng phu hơn nhau ở chí khí và tấm lòng, không liên quan gì tới
chiều cao cả! Tỷ như Toyotomi Hideyoshi cũng rất lùn.”
Câu trả lời của Ameko khiến tôi vô cùng khâm phục và kinh ngạc.
“Tuyệt quá! Em thật đúng là sư phụ của anh.” Tôi vỗ tay khen ngợi.
“Em chỉ tùy ý nói chút thôi mà.” Ameko ngượng ngùng đáp.
“Không, em nói rất đúng. Người Trung Quốc luôn thích cười nhạo chiều cao của
người Nhật nhưng lại quên mất bản thân trong mắt người phương Tây cũng
luôn bị cười chê về chiều cao.”
“Có người nói người Nhật Bản như chiếc đồng hổ quả lắc, lung lay giữa cảm
giác tự ti và ưu việt. Chẳng lẽ người Trung Quốc không như vậy?”
Tôi không ngừng bàn luận chuyện trên trời dưới biển, quên cả quốc tịch của Ameko, cũng chẳng hề để ý tới vẻ mặt nàng.
“Thái-san, anh... có phải anh không quá thích người Nhật Bản không?” Ameko cẩn thận hỏi tôi.
“Sao em lại hỏi như vậy?” Thật ra tôi cũng hơi chột dạ.
“Vì em phát hiện hình như bạn học trong lớp không mấy thân thiện với em.”
“Thật không?”
“Ừm.” Ameko cúi đầu oan ức.
“Trước kia em thấy rất hoang mang, sau này chuyển sang học sử Trung Quốc hiện đại em mới hiểu nguyên nhân.”
Ameko ngừng một chút rồi nói tiếp: “Nhưng sách lịch sử Nhật Bản thật sự thiếu rất nhiều so với Đài Loan.”
“Sách của bọn em viết sao?”
“Trong sách của Nhật Bản thường nhấn mạnh rằng Nhật Bản quá nhỏ bé, dân cư
chen chúc, nếu không xuất binh không cách nào sống sót được. Hay lại nói thành lập “thuyết Đại Đông Á” thực ra là vì liên hợp những dân tộc nhỏ
yếu của châu Á để chống lại sự xâm lấn của người phương Tây. Rồi lại nói việc phát động chiến tranh chỉ là bất đắc dĩ, là dã tâm của một số ít
quân phiệt, không liên quan gì tới Thiên Hoàng và dân chúng Nhật Bản.”
“Em cũng đã luôn tin rằng Nhật Bản là người bị hại trong chiến tranh thế
giới lần thứ hai chứ không phải kẻ gây hại. Bởi bọn em chỉ nhấn mạnh
tình cảnh thê thảm khi máy bay Mỹ oanh tạc Tokyo cùng địa ngục trần gian do hai quả bom nguyên tử tạo thành.”
Ameko thì thào tự nói với dáng vẻ vô tội:
“Sau này khi đối mặt với những bạn học không mấy thân thiện đó, em luôn cảm thấy có chút tội lỗi.”
Tuy tôi rất bất mãn với chuyện sách sử Nhật Bản trốn tránh hiện thực như
vậy, nhưng lại càng không đành lòng với thần sắc của Ameko. Thậm chí
trong lòng còn có chút hổ thẹn vì đã từng đặt Nhật Bản ngang bằng với
Ameko, sau đó lại đem những từ như tàn bạo vô sỉ đặt ngang bằng với Nhật Bản.
“Em đừng nghĩ lung tung, cho dù Nhật Bản thật sự xâm lược Trung Quốc cũng chưa chắc đã liên quan tới Đài Loan.”
“Vì sao? Đài Loan không phải một bộ phận của Trung Quốc à?”
“Thế này nhé!” Tôi cười khổ:
“Đài Loan có phải một bộ phận của Trung Quốc hay không? Nói thẳng ra chính
anh cũng không biết nữa. Khi anh nói mình là người Trung Quốc sẽ bị
người ta mắng không tôn trọng quê hương nơi mình sinh ra và trưởng
thành; còn khi anh nói mình là người Đài Loan lại bị người ta mắng là
quên ngồn gốc, không biết uống nước nhớ nguồn. Chỉ một cách nói đơn giản nhưng lại nhất định phải mang một bao quần áo nặng.”
“Vậy anh nói sao?”
“Rất đơn giản. Anh nói mình là Hoa kiều Đài Loan, như vậy sẽ không bị mắng! Ha ha...”
“Hoa kiều Đài Loan? Cái này thú vị thật.”
Ameko mỉm cười, dường như không nhận ra vẻ chua chát trong tiếng cười của tôi.
“Có lúc anh ước ao mình là người Hồng Kông. Bởi vì cho dù trên đất Hồng
Kông tung bay cờ nước Anh, cho dù bọn họ rất căm ghét chính quyền Trung
Cộng, lại kỳ thị người Trung Quốc đại lục, nhưng khi bọn họ tự xưng là
người Trung Quốc vẫn có thể hào hùng khảng khái, lúc tự xưng là người
Hồng Kông cũng vẫn lộ vẻ đương nhiên.”
“Hình như tán gẫu hơi bị nhiều rồi. Đang trong giờ học tiếng Nhật hay học tiếng Trung thế?”
“Đã sang giờ học tiếng Nhật rồi.” Ameko nhìn đồng hồ, mỉm cười nói.
“Vậy hôm nay Itakura-san muốn dạy cái gì?”
“Thái-san, có muốn lấy một cái tên Nhật Bản không?” Đột nhiên Ameko đề nghị.
Tôi suy nghĩ một chút rồi cuối cùng vẫn lắc đầu.
“Xin lỗi. Anh không lấy tên Nhật Bản đâu, anh kiên quyết.”
Tôi nghĩ chắc nàng không hiểu nghĩa của từ “kiên quyết” cho lắm nên chỉ trợn tròn hai mắt nhìn tôi với vẻ khó hiểu.
Nên giải thích với cô ấy ra sao đây? Chẳng lẽ nói với cô ấy tôi là một kẻ mang chủ nghĩa dân tộc cực đoan?
Bỏ đi, thứ thù hằn vừa xa xôi, lại vừa như có như không thế rất khó giải thích.
Tuy tôi biết đặt thành kiến đối với người Nhật Bản lên Ameko có phần không công bằng.
Nhưng tôi vẫn ngoan cố bảo thủ ôm chút ôn nghiêm dân tộc cuối cùng.
“Ameko, anh giúp em đặt một cái tên tiếng Trung nhé!”
Để tránh bầu không khí khỏi lúng túng, cũng vì sợ Ameko hiểu nhầm, tới phiên tôi đề nghị như vậy.
“Hai! Thái-san, đã làm phiền anh rồi. Do-zo!’
Có đôi lúc Ameko nói tiếng Trung vẫn quen miệng.
“Em đã thích mưa như thế, vậy đặt tên là Tiểu Vũ được không, nghe cũng có cảm giác trời đổ mưa. Em thấy sao?”
Trong thời gian ngắn cũng không nghĩ ra cái tên nào hay hơn, đành bắt chước ba ba của nàng làm bừa chút vậy.
Hơn nữa nếu “tử” trong Vũ Tử không có ý nghĩa gì quá ghê gớm, vậy “tiểu” trong Tiểu Vũ cũng không nên quá đặc biệt.
“Tiểu Vũ... Ừm... Tiểu Vũ...”
Ameko nghiêng đầu, lẩm bẩm đọc lại.
"Hai! Wa-Da-Si-Wa Tiểu Vũ Des, Ha-Zi-Me-Ma-Si-Te, Do-Zo, Yo-Ro-Si-Ku."
Nàng đột nhiên đứng bật dậy với vẻ rất hưng phấn, khom người một góc 90 độ thi lễ với tôi rồi mỉm cười nói.
Dường như chúng tôi đều nhớ lại cảnh tượng lúng túng lần đầu gặp nhau, không khỏi cười lên ha hả.
“Ameko, vậy tên anh trong tiếng Nhật đọc thế nào?”
“Thái đọc là Sai, Trí đọc là Chi, Hoằng đọc là kowu. Thế nên là Sai-Chi-Kowu.”
Thái đọc là Sai? Phát âm thật giống chữ “thỉ” (phân) trong tiếng Đài.
Thật chẳng ngờ “Thái” khi đọc bằng tiếng Đài đã chẳng dễ nghe, đọc bằng quốc ngữ đã là khó nghe,
Mà đọc bằng tiếng Nhật lại càng kinh khủng.
“Hai! Wa-Da-Si-Wa Sai-Chi-KoWu Des, Ha-Zi-Me-Ma-Si-Te, Do-Zo, Yo-Ro-Si-Ku.”
Được mà không hồi báo là bất lịch sự, lần này tới phiên tôi khom người
90 độ thi lễ với nàng.
Ameko lại mỉm cười rất vui vẻ.
Còn tôi lại đột nhiên phát hiện mình rất thích ngắm nhìn hai chiếc răng khểnh lộ ra khi nàng mỉm cười.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT