Thời tiết, không nên oi bức như thế này chứ.

Thời tiết thế này khiến tôi liên tưởng tới đường xá Đài Bắc giữa trưa.

Từng hàng xe chen chúc nhau nhả khí thải, hơi nóng tỏa ra từ điều hòa nhiệt độ của những căn nhà cao tầng,

Dưới ánh nắng chói chang của mặt trời, cột thủy ngân trên nhiệt kế không ngừng dâng cao.

Cái lòng chảo Đài bắc như biến thành Hỏa Diệm Sơn trong Tây Du Ký.

Rất muốn nhờ Tôn Ngộ Không tới tìm quạt ba tiêu của Thiết Phiến công chúa, quạt hết khí nóng đi.

Nhưng tôi lại đâu có ở Đài Bắc, mà đang ở Đài Nam;

Giờ cũng chẳng phải giữa tháng bảy, mà là cuối tháng năm.

Đã mấy ngày liền rồi, thời tiết vẫn cứ lây dây với bạn như vậy, không hề có dấu hiệu chịu thỏa hiệp.

Người còn có thể trốn vào phòng lạnh nghỉ mát, nhưng chó đâu có được may mắn như người.

Nghe nói đám chó vì lè lưỡi ra quá lâu nên thường phát sinh hiện tượng chuột rút.

Tôi trọ trên tầng cao nhất, là nơi gần với thượng đế nhất, cũng là nơi dễ cảm nhận được khí nóng của thượng đế nhất.

Học sinh nghèo nào được quyền trang bị điều hòa nhiệt độ, chỉ đành gắng gượng coi quạt điện như quạt ba tiêu.

Nhưng quạt điện không cách nào giảm bớt khí nóng của thượng đế, mồ hôi của tôi vẫn đổ xuống như mưa.

Xuống phòng nghiên cứu thôi! Tôi nghĩ thầm như vậy, vì trong phòng nghiên cứu có điều hòa.

Nếu thời tiết vẫn cứ oi bức thế này, vậy kẻ không thể không thường xuyên chạy xuống phòng nghiên cứu là tôi,

Chắc sẽ nhanh chóng hoàn thành được luận văn tốt nghiệp của mình.

Tắm nước lạnh một hồi, thay bộ quần áo đã ướt đẫm mồ hôi.

Túi sách trên lưng, mang theo hai quyển sách để trang trí, tôi như trốn khỏi hiện trường hỏa hoạn chạy như điên xuống lầu.

Lúc lên xe máy vì muốn mát mẻ hơn nên ngay cả mũ bảo hiểm cũng không đội.

Tuy có câu nói: “Đổ hồ hôi vẫn tốt hơn đổ máu”,

Nhưng với thời tiết thế này, tôi tình nguyện chịu phạt 500 đồng, khiến ví da đổ một đống máu,

Cũng không muốn đổ thêm một giọt mồ hôi nào nữa.

Cơn gió lướt qua bên mặt không ngờ cũng mang đi chút nóng nực, làm giảm tốc độ đổ mồ hôi.

Dừng xe lại, nhìn thấy con chó Akita màu đen trong trường đang lè lưỡi nhìn lên bầu trời.

Theo ánh mắt nó, tôi cũng ngẩng đầu lên, nhưng không hề há miệng ra.

Thật chẳng ngờ, bầu trời vốn “không một gợn mây”, giờ lại kéo tới “một áng mây đen”.

“Cuối cùng cũng mưa rồi!” Tôi bắt đầu mong chờ cơn mưa đầu mùa năm nay.

(Chó Akita: một giống chó quý của Nhật, được gọi là "quốc khuyển của Nhật Bản”)

Như đáp lại lời thỉnh cầu của tôi, bầu trời vang rền một trận sấm.

Lũ lượt kéo tới, chẳng khác nào âm thanh khi đem bi thép trong máy pachinko ra trút hết vào chậu.

Sau vài ngày giằng co, thần mưa rốt cuộc cũng đánh bại được Tảo Tinh nương, trút một cơn mưa lớn xuống...

Đưa túi sách lên che kín đầu tóc, tôi lại như chạy nạn chui tọt vào phòng nghiên cứu.

Tình cảnh lúc này, hệt như khi gặp được Tín Kiệt.

(Máy pachinko: một trò chơi giải trí có thưởng rất phổ biến tại Nhật Bản. Trong đó “Pachin” là một từ tượng thanh chỉ âm thanh co dãn của cao su và “Ko” có nghĩa là trái bóng.

Tảo Tinh nương là một hình nhân phụ nữ bằng giấy được treo dưới mái hiên khi cầu khẩn trời quang mây tạnh.)

Tôi thở hổn hển, lau gọng kính bị nước mưa làm mờ.

Tuy không có gió lớn trợ uy nhưng ngoài cửa sổ bóng cây cối vẫn lay động không ngừng.

Thật chẳng ngờ đã không mưa thì thôi, mưa một cái lập tức kinh thiên động địa.

Khép chặt cửa sổ có vẻ không che nổi cơn thịnh nộ của mưa, hai cái bàn sát cửa sổ dần dần bị mưa thấm ướt.

Một giọt... hai giọt... ba giọt... dần dần thành một mảng...

Cuối cùng biến thành một vũng.

Tuy nước mưa làm ướt bàn học của tôi nhưng cũng khiến cho ký ức của tôi càng thêm rõ ràng.

Hóa ra cơn mưa nà không chỉ rửa sạch bụi đất trên những con đường nhựa kia, tiêu trừ khí nóng của thượng đế,

Mà còn phá bỏ tấm bùa chú phong ấn tất cả hồi ức giữa tôi và nàng.

Tấm bùa bị bóc đi, những chuyện xưa như thủy triều dâng trào lên trong lòng.

Bước khỏi phòng nghiên cứu, đứng bên ban công, thật muốn xem xem cơn mưa này lớn tới mức nào.

Ngoài cửa sổ đã là một khoảng không trắng xóa, như bao phủ trong một màn sương mù lớn.

Ngay cả một hơi tôi vô ý thở ra, cũng hơi hơi hóa trắng.

Giờ mới khoảng ba bốn giờ chiều nhưng xe cộ trên đường đều đã lấp loáng ánh đèn mờ nhạt phía trước.

Còn áo mưa đủ các loại sắc màu, trong thế giới trắng xám lại đặc biệt nổi bật, rực rỡ.

oOo

Nhớ lại hôm đó bước khỏi “Hollywood KTV”, mưa cũng đầm đìa như vậy.

“Sao trời mưa lớn vậy, anh có mang áo mưa không?” Nàng hỏi tôi với vẻ quan tâm.

“Áo mưa của anh bị gió thổi bay mất lúc phơi ngoài ban công rồi.” Tôi bất đắc dĩ trả lời.

“Bị gió thổi bay mất rồi à? Tiếc quá. Vậy làm sao anh về được đây?”

“Anh ở cũng gần đây thôi! Chạy nhanh một chút, chắc cũng không ướt lắm đâu.”

“Thế... thế... thế anh có thể...” Đột nhiên nàng lại ấp a ấp úng.

“Có thể làm sao?” Tôi lúng túng hỏi lại.

“Anh có thể mặc áo mưa của em không?”

Giọng nói của nàng bỗng trở nên rất nhỏ, nhất là lúc nói tới hai chữ “áo mưa”, tới mức gần như không thể nghe thấy được.

“Không cần đâu. Em cũng cần về mà?” Tôi mỉm cười, khéo léo từ chối lời đề nghị của nàng.

Trời mưa lớn như vậy, chẳng hề có chút dấu hiệu nào cho thấy sẽ ngừng.

Da mặt tôi có dày tới đâu cũng chẳng thể mặc áo mưa của nàng vào rồi để nàng ở lại chỗ này!?

Nàng nghe câu trả lời của tôi xong, khuôn mặt lộ vẻ vô cùng thất vọng.

Cứ như tôi vừa từ chối, không phải một chiếc áo mưa, mà là tâm ý của nàng.

“Em sao vậy? Anh nói sai gì à?”

“Không có gì. Anh đừng có để ướt như chuột... A-no... chuột cái gì ý nhỉ?”

“Nó gọi là chuột lột. Anh đã dạy em rồi mà, em quên rồi à? Lúc về phạt viết ‘chuột lột’ mười lần.”

Tôi cất giọng bông đùa.

“Hai! Tuân lệnh. Lần sau đi học em sẽ nộp lại cho thầy, thầy Thái.”

Nàng mỉm cười. Vậy mới đúng, hiếm hoi lắm mới có một cơn mưa, nàng nên vui lên chứ.

Nàng lấy ra chiếc áo mưa màu tím đỏ của mình, từ từ mặc vào.

Phảng phất như đang mặc một chiếc kimono đắt giá, từng cử chỉ của nàng đều thật nhẹ nhàng.

Đây là lần đầu tiên tôi thấy nàng mặc chiếc áo mưa đó.

Đội chiếc mũ áo mưa lên, nàng thật giống “cô bé quàng khăn đỏ” trong truyện cổ tích, vừa dịu dàng lại vừa đáng yêu.

Chẳng phải nàng nói mình rất thích mặc áo mưa đi dạo trong mưa sao?

Vì sao tôi luôn cảm thấy sắc mặt nàng nhuốm chút buồn bã vậy?

oOo

Đột nhiên, một tiếng sấm vang lên khiến tôi hơi giật mình một chút, ngắt đứt dòng suy nghĩ.

Cũng khiến cho hồn phách tôi từ trong đêm mưa ngoài Hollywood KTV, trở lại bên ban công ngoài phòng nghiên cứu.

Tôi vẫn đứng một mình.

Còn cơn mưa, vẫn như trút nước.

Hóa ra, cho dù bên tôi không có nàng, mưa vẫn sẽ rơi.

“Đàn anh, mắc mưa à?” Một đàn em vừa vặn đi ngang qua, hảo tâm hỏi.

Mắc mưa thì không đến nỗi, bởi vì sau này nàng vẫn đưa chiếc áo mưa màu tím đỏ đó cho tôi.

Còn tôi vẫn luôn cất chiếc áo mưa này trong tủ tài liệu ở phòng nghiên cứu, chưa bao giờ mặc.

Vì nếu trời chỉ mưa lác đác, tôi không nỡ mặc;

Còn nếu mưa to, tôi lại không đành lòng để cơn mưa tầm tã đó vô tình vô nghĩa đánh lên chiếc áo mưa này.

Cho nên tôi lại trở lại trong phòng nghiên cứu, pha một cốc cà phê, để hương cà phê tràn ngập cả gian phòng.

Ngồi trước bàn đọc sách, hưởng thụ sự cô độc khi ngăn cách với cơn mưa.

Lại để tiếng mưa rơi dẫn dắt bản thân bước vào đường hầm thời gian, trở lại những tháng ngày mới quen nàng...

oOo

Nàng tên Itakura Ameko, một cô gái Nhật Bản rất hay cười.

Năm Chiêu Hòa thứ 47 (năm 1972) ra đời tại một thôn xóm nhỏ gần Wakayama, sau mười tuổi di cư tới Osaka.

Năm Bình Thành thứ 6 (năm 1994), sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Trung Quốc và khoa văn học tại đại học Kyoto lại một mình tới Đài Loan học tiếng Trung.

Tuy nói là tới học tiếng Trung, nhưng ngoại trừ âm điệu tiếng Nhật khá rõ ra,

Tiếng Trung của nàng cũng đã khá lưu loát.

Quen biết Itakura Ameko có thể coi là trùng hợp! Do Tín Kiệt giới thiệu hai người bọn tôi.

Tín Kiệt là bạn tốt của tôi, khi đó đang học thạc sĩ tại khoa nghiên cứu lịch sử đại học Thành Công.

Cậu ta là một quái nhân, lúc thi vào đại học chẳng ngờ lại chọn hệ lịch sử làm nguyện vọng một.

Vì cậu ta nói mình thích lịch sử, lại thích hóa thân thành các nhân vật lịch sử.

Thế nên có lúc cậu ta là Chu Du cười nói phá binh Tào, có lúc lại là Tô Vũ chăn dê bên biển bắc.

Câu mà cậu ta thích nói nhất là:

“Bài học duy nhất mà loài người học được từ lịch sử là loài người không thể học được bài học nào từ lịch sử.”

Tôi nghĩ, rò ràng là Tín Kiệt chẳng học được bài học nào từ lịch sử, vì cha cậu ta cũng học lịch sử.

oOo

Trước khi gặp Itakura Ameko tầm một năm, tôi quen Tín Kiệt tại thư viện.

Chiều hôm đó, trời bỗng đổ mưa.

Tôi đang đi dạo trong trường, chẳng thể làm gì khác, đành chạy vội tới kiến trúc gần đó nhất trú mưa.

Thật may mắn, đó là thư viện của trường.

Tôi lau nước mưa đầy trên khuôn mặt, cởi chiếc áo khoác, chỉnh sửa đôi chút thần sắc chật vật.

Sau đó tới khu sách lịch sử, tiện tay giở ra đọc giết thời gian.

Cơn mưa rào này, đến rất nhanh nhưng đi lại chẳng nhanh, kéo dài tới vài giờ liền.

Tôi chẳng thể làm gì khác, đành xem từ Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc tới chiến tranh nha phiến.

Dưới đất, ở một góc giá sách, tôi nhặt được một tấm thẻ học sinh.

Chủ nhân của tấm thẻ tên Tạ Tín Kiệt, năm đầu ban thạc sĩ khoa nghiên cứu lịch sử đại học Thành Công.

Trong ảnh chụp, cậu ta để đầu húi cua, đeo một cái kính gọng đen, rất có dáng vẻ học giả.

Tôi đưa tấm thẻ sinh viên vừa nhặt được này tới trả cho quầy thủ thư, nhờ bọn họ thông báo giúp.

Nửa phút sau, Tín Kiệt thở hồng hộc chạy tới:

“Cám ơn cậu... cám ơn cậu... vô cùng cám ơn cậu...”

Thái độ khách khí của Tín Kiệt khiến tôi có ấn tượng rất sâu. Có thể là bởi tôi rất thích lịch sử,

Cho nên tôi rất có hảo cảm đối với sinh viên hệ lịch sử.

“Đừng khách khí... đừng khách khí... cậu không cần khách khí như thế đâu...”

Tôi chỉ như con vẹt, tinh nghịch bắt chước giọng điệu của cậu ta.

“Ơn huệ này, tiểu đệ xin khắc ghi trong lòng.”

Quả nhiên là sinh viên tài cao của viện văn học, vừa mở miệng là lời hay ý đẹp.

“Chỉ chút việc nhỏ, huynh đài đừng quá để ý.”

Chúng tôi nhìn nhau, cùng mỉm cười rồi bắt tay. Tôi bước ra phía cửa.

Mưa vẫn không ngừng trút xuống, vừa rồi chắc đã xem lướt qua chiến tranh Trung Pháp hay chiến tranh Giáp Ngọ.

“Bạn học này, mắc mưa à?”

Tôi quay người lại, Tín Kiệt đang bật ô, mỉm cười nói.

Tôi cười khổ nhún vai.

“Đi ăn nhé! Tớ mời cậu. Coi như báo đáp ân cứu mạng.”

“Cậu khách khí quá, tớ cũng chỉ tình cờ nhặt được thẻ sinh viên của cậu thôi mà.”

“Đối với sinh viên, thẻ còn người còn, thẻ mất người mất. Cho nên xem như cậu vừa cứu tớ một mạng. Đi chứ?”

Tuy sắc trời thật vô “tình” nhưng Tín Kiệt lại rất nhiệt tình.

(Tác giả chơi chữ, chữ tình này là 晴 với nghĩa trời trong, trời quang)

Tôi không tiện từ chối ý tốt của cậu ấy, bởi vậy gật đầu đồng ý.

Cái ô của Tín Kiệt không lớn lắm, vì vậy để tránh bị ướt, chúng tôi đành phải dựa sát vào nhau.

Cũng may tay áo hai người đều rất chỉnh chu, không có cảnh “đoạn tụ chi phích”,

Bằng không, đưới bầu không khí thế này, kề vai tựa má sẽ rất dễ dẫn tới súng ống phát hỏa.

Chúng tôi tới căng tin của trường dùng bữa rồi cùng trò chuyện.

(Đoạn tụ chi phích: điển tích này bắt nguồn từ mối tình giữa Hán Ai Đế và Đổng Hiền. Hán Ai Đế cũng từng sủng ái và phong chức rất cao trong triều cho Đổng Hiền, một người giống phụ nữ, dịu dàng và có khuôn mặt kiều diễm. Có một lần ngủ trưa, Đổng Hiền gối lên cánh tay áo của nhà vua ngủ. Ai Đế muốn quay người nhưng cũng không muốn làm tỉnh giấc của Đổng Hiền nên cắt cánh tay áo của mình. Người ta sau gọi mối tình đồng tính là mối tình cắt tay áo cũng là có nguồn gốc là điển cố này. Khi nhà vua mất, hoàng đế mới là Vương Mãng cực lực phản đối Đổng Hiền. Vì sợ gặp họa và cũng để đáp lại tình yêu của vua dành cho mình, Đổng Hiền và vợ con đã tự sát tại nhà.)

“Bạn học, nên xưng hô với cậu ra sao?” Tín Kiệt khách khí hỏi dò.

“Giờ tớ đang là nghiên cứu sinh năm đầu, cậu nên gọi tớ là đàn anh. Nhưng tớ lại nhỏ hơn cậu một tuổi, cậu cũng có thể gọi tớ là đàn em.

Cho nên tốt nhất cậu cứ gọi tớ là đàn anh đàn em chứ đừng gọi là bạn học.”

“Ha ha ha... cậu thật thú vị. Để tớ giới thiệu trước, tớ là Tạ Tín Kiệt.

‘Tạ’ là Tạ trong Tạ An đại phá trăm vạn đại quân của vua Tiền Tần - Phù Kiên trong trận chiến Phì Thủy.

‘Tín’ là Tín trong Chức Điền Tín Trường (Oda Nobunaga) đánh tan Kim Nguyên Nghĩa Xuyên (Imagawa Yoshimoto) trong trận Okehazama;

‘Kiệt’ là Kiệt trong Trương Thế Kiệt thua Mông Cổ trong chiến dịch Nhai Sơn dẫn tới Nam Tống diệt vong.”

Tôi ngẩn ra một lúc, sau đó bật cười.

Thật không ngờ Tín Kiệt tự giới thiệu lại thú vị tới vậy.

Tôi suy nghĩ một chút rồi bắt chước giọng điệu cậu ta, cũng tự giới thiệu bản thân:

“Tớ tên Thái Trí Hoằng. ‘Thái’là Thái trong Thái Luân phát minh ra kỹ thuật làm giấy cuối thời Đông Hán;

‘Trí” là Trí trong Minh Trí Quang Tú (Akechi Mitsuhide) phản bội giết chết Chức Điền Tín Trường (Oda Nobunaga);

‘Hoằng” là Hoằng trong Hoằng Lịch, tục danh của người tự xưng Thập Toàn Lão Nhân, Thanh Cao Tông, Càn Long Hoàng Đế.”

Thật ra tôi thường nói với mọi người, “trí” trong trí tuệ.

Có điều nếu Tín Kiệt đã muốn làm Chức Điền Tín Trường vậy Trí Hoằng cũng chỉ đành liều mình cùng quân tử làm Minh Trí Quang Tú thôi.

“Ha ha ha... Sau này xin cậu cứ gọi tớ là Tín Kiệt, ngàn vạn lần đừng gọi là Chức Điền Tín Trường.”

“Vậy cũng xin cậu gọi tớ là Trí Hoằng, không cần gọi tớ là Minh Trí Quang Tú.”

“Trí Hoằng, không ngờ cậu cũng biết sử chiến quốc Nhật Bản.”

“Thật ra cũng may, mới đây vừa đọc xong bộ ‘Tokugawa Ieyasu toàn tập’.”

“Hả? Thật sao? Tớ hỏi này, cậu thích nhân vật Tokugawa Ieyasu này à?”

“Không thể nói là thích được, có điều nếu so với Toyotomi Hideyoshi ngông cuồng muốn chiếm đoạt Minh triều, Tokugawa Ieyasu vẫn đáng yêu hơn một chút.”

“Thật ra đánh giá những nhân vật lịch sử thường mang theo tình cảm yêu ghét chủ quan, rất khóc có tiêu chuẩn khách quan, hơn nữa có lúc còn pha lẫn nhân tố phức tạp khác như tính dân tộc.”

“Sao lại nói vậy?”

“Lấy Tokugawa Ieyasu làm ví dụ, cho dù người Nhật Bản trách ông ấy vì chuyện Mạc Phủ Tokugawa thiết lập chính sách bế quan tỏa cảng khiến cho cường quốc phương Tây xâm lấn, phải chịu khuất nhục; nhưng người Nhật Bản hiện giờ lại cực kỳ tôn sùng Tokugawa, nhất là tán thưởng tính cách ẩn nhẫn trong tình thế bất lợi của ông. Thậm chí người nước ngoài còn tin rằng nguyên nhân chủ yếu khiến Nhật Bản có thể nhanh chóng khôi phục sau chiến tranh chính là người Nhật Bản ít nhiều gì cũng đều có tính cách này như Tokugawa.”

Tín Kiệt dùng ngón áp út tay phải đẩy gọng kính, nói tiếp:

“Nhưng nếu để người Trung Quốc đánh giá Tokugawa Ieyasu thì sao? Có lẽ kẻ giết vợ như Tokugawa, sẽ giống Ngô Khởi bị cười khinh bởi hành động giết vợ cầu vinh. Có điều...” Tín Kiệt ngừng lại một chút, uống một ngụm nước.

“Có điều làm sao?”

“Có điều người Nhật Bản lại rất tán thưởng hành động giết vợ như ông ấy.”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play