Nhận tờ rơi Hyong-chol vừa đưa cho, người phụ nữ dừng bước
một lát lặng lẽ nhìn tấm ảnh mẹ anh. Ngay dưới chân tháp đồng hồ ở ga Seoul nơi mẹ thường đứng
đợi anh.
Ngay sau khi anh tìm được một căn phòng trên thành phố, mẹ đã
lên thăm anh. Lúc đến ga Seoul,
bộ dạng của mẹ anh chẳng khác gì một người đi sơ tán chiến tranh. Mẹ bước lên
bậc thềm nhà ga với bao nhiêu gói bọc đội trên đầu, vác trên vai, cầm trên tay,
với vô khối thứ không xách vào đâu được nữa đành buộc lại quanh hông. Thật kỳ
lạ khi mẹ vẫn có thể bước đi với ngần ấy thứ trên người. Nếu làm được, chắc mẹ
còn treo cả những quả cà tím và bí ngô vào chân khi lên thăm anh. Cái túi của
mẹ anh căng phồng lên với nào là ớt tươi, nào là hạt dẻ, hoặc tỏi bóc sẵn bọc
trong giấy báo. Mỗi khi đi đón mẹ, anh lại không tin nổi vào mắt mình khi thấy
những bó to bó nhỏ chất thành đống xung quanh mẹ, thật ngạc nhiên vì một mình
mẹ mà có thể mang được nhiều thứ đến vậy. Đứng giữa đống đồ đạc, mẹ ngó nghiêng
nhìn quanh, gò má đỏ bừng lên, ngóng đợi anh đến đón.
Người phụ nữ ngập ngừng tiến về phía anh, chỉ vào ảnh mẹ
trong tờ rơi mà nói, “Hình như tôi đã nhìn thấy bà ấy trước ủy ban phường số
Hai khu Yongsan.” Trong tờ rơi do cô em anh làm, mẹ anh mặc hanbok màu xanh
nhạt, đang cười rạng rỡ. Người phụ nữ nói tiếp, “Lúc đó bà ấy không mặc bộ
hanbok này nhưng đôi mắt thì giống hệt, tôi còn nhớ đôi mắt ấy vì trông nó rất
thật thà, giống như đôi mắt của con bê vậy.” Người phụ nữ nhìn lại một lần nữa
đôi mắt của mẹ anh trong bức ảnh được in trên tờ rơi và nói thêm, “Bà ấy bị
thương ở mu bàn chân. Bà ấy đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào bàn
chân chỗ gần ngón cái sâu đến nỗi một miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu
hoắm, có lẽ vì bà ấy đã đi bộ quá xa. Ruồi muỗi bu đầy quanh vết thương đang rỉ
mủ, chắc là cảm thấy khó chịu nên bà ấy cứ đưa tay phe phẩy đuổi chúng đi. Mặc
dù trông có vẻ đau lắm, nhưng bà ấy cứ ngó nghiêng nhìn vào ủy ban phường như
thể chẳng đau đớn gì. Chuyện này là từ một tuần trước rồi.”
Một tuần trước sao?
Chẳng biết phải làm gì với những điều người phụ nữ kia nói -
rằng bà ấy nghĩ là đã nhìn thấy mẹ anh trước ủy ban phường một tuần trước, chứ
thậm chí không phải sáng nay, rằng đôi mắt mẹ trong bức ảnh trên tờ rơi gợi cho
bà ấy nghĩ đến đôi mắt của người phụ nữ bà ấy gặp - anh vẫn tiếp tục phát tờ
rơi ngay cả khi bà ấy đã đi rồi. Mọi thành viên trong nhà đều được huy động đi
phân phát và dán tờ rơi ở khắp nơi, từ ga Seoul đến Namyong-dong, từ các nhà
hàng, cửa hàng quần áo, hiệu sách và quán café Internet. Khi có những tờ rơi bị
bóc ra vì đã dán vào những chỗ không được phép, họ lại tới dán vào đúng chỗ đó.
Mà cũng không chỉ dán ở loanh quanh khu vực ấy. Mọi người trong gia đình còn
đến tận Nam Dea Moon, Chong Lim Dong, thậm chí cả Seo Dea Moon để phân phát và
dán tờ rơi. Họ chẳng nhận được lấy một cuộc điện thoại từ mẩu quảng cáo họ đã
đăng trên báo, nhưng có một số người gọi điện đến sau khi xem tờ rơi. Có lần
nghe mách rằng có người giống mẹ anh ở một nhà hàng nọ, họ vội vàng lao đến đó
xem, nhưng người đó không phải là mẹ mà chỉ là một phụ nữ trạc tuổi mẹ đang làm
việc cho nhà hàng đó. Một lần, có người gọi đến bảo với anh rằng ông ta đã mời
mẹ vào nhà ông ta rồi đọc địa chỉ nhà ông ta một cách rõ ràng, thế là lòng đầy
khấp khởi mấy anh chị em vội vã tới đó, nhưng khi đến nơi mới hay địa chỉ đó
không tồn tại. Thậm chí còn có người gọi đến bảo rằng anh ta sẽ tìm mẹ cho họ
nếu họ đưa trước năm triệu uôn tiền thưởng cho anh ta. Nhưng rồi sau hai tuần
những cuộc gọi cũng thưa thớt dần. Gia đình anh, vốn lúc trước tất tả chạy
ngược chạy xuôi ngập tràn hy vọng, giờ đây thường thấy nhau ngồi phệt trước
tháp đồng hồ ở ga Seoul, não nề tuyệt vọng. Khi có người vò nát tờ rơi vứt
xuống đất ngay sau khi nhận nó, chính em gái anh, một nhà văn, đã nhặt nó lên,
vuốt lại phẳng phiu và phát cho người khác.
Cô em anh vừa đi vào ga Seoul với một tập tờ rơi trên tay
liền chạy lại đứng bên cạnh anh. Ánh mắt mệt mỏi của cô liếc nhìn đôi mắt anh.
Anh kể với cô về những lời của người phụ nữ nọ, rồi hỏi cô, “Chúng ta có nên
đến tìm kiếm quanh ủy ban phường số Hai khu Yong San không?” Cô em với vẻ ủ rũ
trả lời ngắn gọn, “Sao mẹ lại đến đó chứ? Chúng ta có thể qua đó sau.” Rồi cô
đưa tờ rơi ra trước mặt những người đang hối hả đi ngang qua mà nói to, “Đây là
mẹ chúng tôi, xin mọi người đừng vứt đi, làm ơn hãy cầm lấy tờ rơi xem dù chỉ
một lần thôi.” Không ai nhận ra cô em anh mặc dù thỉnh thoảng, khi xuất bản một
cuốn sách mới, hình của cô lại xuất hiện trên mục văn hóa của tờ nhật báo.
Nhưng xem ra, vừa nói thật to lên vừa đưa tờ rơi ra như cô em gái có vẻ mang
lại hiệu quả hơn là chỉ phát tờ rơi như anh. Không còn ai quăng tờ rơi đi ngay
khi quay bước như trước đây nữa. Chẳng có nhiều nơi mẹ có thể đến ngoài nhà của
mấy anh em. Điều này thực sự là căn nguyên đau khổ của anh và cả gia đình. Nếu
có nơi nào có thể mẹ sẽ tìm đến thì mấy anh em sẽ tập trung tìm kiếm mẹ xung
quanh đó, nhưng vì chẳng có nơi nào nên họ đành phải lùng sục khắp mọi nơi
trong thành phố này. Khi cô em hỏi, “Sao mẹ lại đến đó chứ?” anh đã không nghĩ
ra ngay rằng ủy ban phường số Hai khu Yong San chính là nơi đầu tiên anh làm
việc khi đặt chân lên thành phố. Bởi vì đã ba mươi năm trôi qua kể từ ngày đó.
Gió mùa này đã trở lạnh, thế nhưng những giọt mồ hôi vẫn lấm
tấm trên mặt anh. Anh đã ngoài năm mươi tuổi, là giám đốc tiếp thị của một công
ty chuyên xây dựng nhà chung cư. Mặc dù hôm nay, thứ Bảy, là ngày nghỉ, nhưng
nếu mẹ không bị lạc thì giờ này chắc anh đang có mặt tại ngôi nhà mẫu ở Song
Do. Công ty anh đang tìm kiếm khách hàng đợt cuối cho các căn hộ của một tòa
phức hợp rộng lớn sắp sửa hoàn thành ở đó. Anh đã làm việc không kể ngày đêm để
bán được hết toàn bộ căn hộ trong tòa nhà ấy. Suốt cả mùa xuân, anh phụ trách
chiến dịch quảng cáo trong đó phải chọn một bà nội trợ bình thường làm người
mẫu thay vì tìm kiếm những siêu mẫu nổi tiếng như trước đây. Anh chẳng nhớ nổi
lần cuối cùng mình về nhà trước nửa đêm là khi nào, bởi vì anh quá bận bịu với
việc xây căn nhà mẫu, rồi còn phải đón tiếp và ăn tối với cánh phóng viên. Vào
Chủ nhật, anh thường phải hộ tống Tổng giám đốc và các cán bộ cấp cao khác tới
chơi golf ở Sokcho hoặc Hoengsong.
“Anh ơi! Mẹ bị lạc rồi!” Giọng nói bàng hoàng của cậu em
trai truyền đến anh trong một buổi chiều mùa hè oi bức đã cắt đứt chuỗi ngày
thông thường đó của anh, làm vỡ tan cuộc sống ấy như thể anh đã giẫm lên lớp
băng mỏng mảnh. Ngay cả khi nghe kể rằng bố mẹ lên tàu điện đi tới nhà anh,
nhưng lúc đoàn tàu khởi hành thì chỉ có một mình bố lên được tàu, còn mẹ một
mình rớt lại ở sân ga và sau đó không tìm thấy mẹ nữa, anh vẫn không thể nghĩ được
rằng chuyện đó lại dẫn đến việc mẹ anh mất tích. Khi cậu em trai nói rằng cậu
ấy đi báo cho cảnh sát, anh chỉ nghĩ không biết làm vậy có hơi quá đà không.
Phải một tuần sau, anh mới đăng quảng cáo trên báo và liên hệ với phòng cấp cứu
của các bệnh viện. Hằng đêm, mọi người chia nhau ra các hướng tìm đến các trung
tâm bảo trợ dành cho người vô gia cư, nhưng đều không kết quả gì. Mẹ anh, rớt
lại ở ga tàu điện ngầm Seoul, đã biến mất như thể một giấc mơ. Mẹ không để lại
dấu vết gì, đến mức anh còn muốn hỏi bố liệu mẹ có lên Seoul cùng bố thật
không. Mười ngày trôi qua kể từ khi mẹ mất tích, rồi nửa tháng, và khi sắp hết
một tháng, anh và cả gia đình vẫn dò dẫm khắp nơi trong nỗi hoảng loạn cứ như
thể tất cả mọi người đều bị tổn thương ở vùng não.
Anh đưa chỗ tờ rơi cho cô em gái. “Anh phải đi kiểm tra mới
được.”
“Anh đi Yong San à?”
“Ừ.”
“Anh có linh cảm gì à?”
“Đó là nơi đầu tiên anh sống khi lên Seoul.” Anh dặn cô em
kiểm tra điện thoại thường xuyên, nếu phát hiện được gì anh sẽ gọi cho cô ấy
ngay. Lúc này những lời nói ấy của anh không còn cần thiết nữa. Cô em anh trước
đây thường chẳng khi nào nghe điện thoại, nhưng giờ luôn mở máy trước tiếng
chuông đổ lần thứ ba. Anh rảo bước đến bãi đậu taxi. Mẹ rất lo cho cô em
Chi-hon của anh, quá ba lăm tuổi rồi mà vẫn chưa xây dựng gia đình. Có khi mới
sáng sớm mẹ đã gọi điện thoại cho anh và nói với giọng buồn bã, “Hyong-chol à!
Con thử sang chỗ Chi-hon xem nó thế nào, vừa nãy mẹ gọi điện nhưng không thấy
nó nghe máy, mẹ thấy lo lắm. Nó không nghe máy, cũng không gọi điện... Đã một
tháng nay mẹ không nghe thấy giọng của nó rồi.” Khi anh nói với mẹ rằng Chi-hon
chắc là đang tự giam mình trong nhà viết sách, hoặc là cô phải đi đâu đó, thể
nào mẹ cũng nài nỉ anh đến căn hộ của cô em gái xem tình hình thế nào. Mẹ nói với
anh rằng, “Em nó sống một mình, có thể nó bị đau ốm nằm liệt giường hay bị ngã
trong nhà tắm rồi không dậy được nữa…” Nghe mẹ liệt kê ra hàng loạt những điều
không may có thể xảy ra với người sống một mình, anh sốt ruột nghĩ biết đâu
chừng một trong số đó thực sự đã xảy ra với cô em gái cũng nên. Nhận sự ủy thác
của mẹ, trước khi đi làm hoặc trong giờ nghỉ trưa, anh tạt qua nhà cô em gái và
thấy một đống báo chí để trước cửa, bằng chứng cho thấy cô không có nhà. Anh
thu dọn đống báo chí bỏ vào thùng rác rồi quay về. Khi không thấy những thứ như
báo chí hay sữa để ngoài cửa, anh sẽ ấn chuông liên tục vì biết chắc cô em đang
ở trong nhà, và cô sẽ ló khuôn mặt tóc tai bù xù ra hỏi giọng cộc lốc, “Sao
thế?” Một lần, đúng lúc anh đang đứng bấm chuông ngoài cửa thì gặp một thanh
niên có vẻ như cũng đang đến tìm Chi-hon. “Chào anh,” người thanh niên cất
giọng bối rối. Anh chưa kịp hỏi xem cậu ta là ai, cậu ta đã nói, “Không cần hỏi
em cũng biết anh là ai vì trông anh rất giống Chi-hon.” Cậu ta nói cậu ta qua
đây vì tự nhiên cậu ta không thể liên lạc được với cô. Khi anh nói với mẹ rằng
có vẻ như cô em đã đi du lịch hoặc cô đang ở nhà và vẫn ổn, mẹ anh sẽ thở dài
nói, “Nó cứ đi như thế, nếu có chết chắc chúng ta cũng không biết.” Rồi mẹ anh
còn hỏi thêm, “Mà thật ra nó làm cái gì vậy nhỉ?” Lý do cô em anh cứ nửa tháng,
thậm chí có khi cả tháng không có tin tức gì là vì cô ấy bận viết tiểu thuyết.
Khi anh hỏi, “Em có cần phải làm như vậy mỗi khi em viết không?” cô sẽ lẩm bẩm
một mình, “Từ lần sau, em sẽ liên lạc với mẹ.” Là cô nói thế thôi. Mặc dù mẹ lo
lắng như thế, sự gián đoạn trong liên lạc giữa Chi-hon với mẹ cũng như với cả
gia đình vẫn tiếp tục tái diễn. Sau mấy lần anh bỏ qua yêu cầu đến kiểm tra
tình hình Chi-hon của mẹ, mẹ thôi không nhờ anh làm thế nữa. Chỉ có duy nhất
một lần mẹ nhắc đến chuyện đó, “Mẹ đoán là con không có thời gian để nghe lời
mẹ.” Bởi vì những lần bất ngờ mất tăm mất dạng của cô em vẫn tiếp diễn, anh
nghĩ phải là một ai đó khác trong gia đình không nghe lời mẹ mới đúng. Sau khi
mẹ bị lạc, em gái anh cứ lẩm bẩm với anh, “Có lẽ em đang bị trừng phạt...”
Giao thông vô cùng đông đúc giữa ga Seoul và Đại học Nữ sinh
Sukmyong. Anh nhìn ra ngoài cửa xe, cẩn thận quan sát từng người lướt ngang
qua. Trong đám đông đó, biết đâu lại có mẹ anh.
“Quý khách! Có phải quý khách định đi tới ủy ban phường số
Hai khu Yong San không ạ?” người tài xế hỏi anh, rẽ sang trước trường đại học
rồi chạy về phía trường trung học Yong San, nhưng anh chẳng nghe thấy gì.
“Quý khách?”
“Vâng?”
“Quý khách đến ủy ban phường số Hai khu Yong San phải không
ạ?”
“Vâng.”
Hồi hai mươi tuổi ngày nào anh cũng bước đi trên con đường
này thế mà khung cảnh bên ngoài cửa xe lúc này mới lạ lẫm làm sao. Anh tự hỏi
không biết xe đi có đúng đường không. Thực ra sẽ là phi lý hơn nhiều nếu trong ba
mươi năm mà cảnh sắc chẳng có gì thay đổi.
“Vì hôm nay là thứ Bảy nên chắc ủy ban phường không mở cửa
đâu.”
“Chắc là thế.”
Người tài xế định nói thêm với anh câu gì đó nhưng anh đã
lấy một tờ rơi trong túi ra đưa cho người tài xế. “Nếu trong khi lái xe mà nhìn
thấy người nào như thế này, làm ơn hãy báo cho tôi nhé.”
Người tài xế nhìn thoáng qua tờ rơi. “Mẹ anh à?”
“Vâng.”
“Khổ quá...”
Mùa thu năm ngoái, dù cô em gọi điện bảo rằng dạo này mẹ
hành động kỳ lạ lắm, anh đã không làm gì cả. Anh nghĩ rằng ở tuổi của mẹ, đau
ốm cũng là chuyện thường tình. Cô em rầu rĩ nói với anh rằng, hình như vì hay
đau đầu nên mẹ suy nghĩ không còn sáng rõ, nhưng khi anh gọi điện về nhà, mẹ
anh cất giọng ấm áp, “Hyong-chol à con!” Khi anh hỏi, “Có chuyện gì xảy ra à
mẹ?” Mẹ cười lớn và nói, “Mẹ đang mong có chuyện gì lắm đây! Đừng lo cho bố mẹ.
Có chuyện gì xảy ra với hai ông bà già này được chứ? Các con hãy chăm sóc cho
bản thân.”
“Mẹ lên Seoul một chuyến đi.”
“Ừ, thôi được rồi...” mẹ anh ậm ừ rồi không nói gì nữa.
Bực mình trước sự thờ ơ của anh, cô em gái anh đến công ty
anh và giúi vào tay anh tấm phim chụp não của mẹ. Cô em kể lại lời bác sĩ rằng
mẹ anh đã bị tai biến mạch máu não một lần mà bản thân mẹ không hay biết. Thấy
anh có vẻ điềm nhiên, cô em quát to lên, “Anh cả! Có phải là anh Yun Hyong-chol
không?” và nhìn chằm chằm vào mắt anh.
“Mẹ bảo không có chuyện gì xảy ra, thế tất cả những điều này
là gì vậy?”
“Anh tin những lời như vậy của mẹ à? Mẹ luôn nói như thế mà.
Đó là câu cửa miệng của mẹ. Anh biết đúng là thế mà. Anh thừa biết mẹ chỉ nói
thế vì mẹ cảm thấy có lỗi khi trở thành gánh nặng cho anh.”
“Tại sao mẹ lại cảm thấy có lỗi với anh?”
“Cái đó làm sao em biết được? Sao anh lại khiến mẹ luôn thấy
có lỗi?”
“Anh đã làm gì chứ?”
“Mẹ đã nói câu đó từ rất lâu rồi. Anh biết rõ thế còn gì. Để
em hỏi anh, tại làm sao mà mẹ lại luôn cảm thấy có lỗi mỗi khi phải làm phiền
anh chuyện gì đó?”
Ba mươi năm trước, sau khi vượt qua kỳ thi công chức bậc
năm, anh nhận được công việc đầu tiên tại ủy ban phường số Hai ở khu Yong San. Khi
anh học xong trung học và không đỗ được vào đại học, mẹ đã không tin nổi. Đó
cũng là phản ứng tự nhiên đối với mẹ thôi. Từ khi học tiểu học cho đến trung
học, anh chưa một lần đánh mất ngôi vị số một trong lớp. Trước khi trượt đại
học, anh luôn đứng đầu trong bất cứ kỳ thi nào anh tham dự. Năm học lớp sáu,
anh không phải nộp học phí vì là học sinh thủ khoa trong kỳ thi vào trung học.
Trong suốt ba năm sau đó cũng vậy, anh không phải nộp một đồng học phí vì luôn
là học sinh xuất sắc nhất. Tốt nghiệp trung học, anh được khen thưởng là học
sinh tiêu biểu của lớp. “Chao ôi, giá như thằng Hyong-chol nhà chúng tôi phải
nộp học phí dù chỉ một lần thôi nhỉ,” mẹ thường tự hào khoe khéo như vậy. Mẹ
chẳng tài nào hiểu nổi vì sao một người luôn là số một trong suốt thời trung
học lại không vượt qua được kỳ thi đại học. Khi nghe tin không những anh không
đỗ đầu mà còn trượt đại học, mẹ đã thắc mắc trong nỗi hoang mang, “Con mà không
đậu thì còn ai đậu được chứ?” Anh đã lên kế hoạch học cật lực ở đại học để duy
trì vị trí số một trong lớp của mình. Đó thật ra không phải là một kế hoạch mà
là lựa chọn duy nhất của anh. Con đường duy nhất để anh có thể bước chân vào
đại học chính là học bổng. Nhưng vì chẳng đậu, anh đành phải tìm con đường
khác. Anh chẳng có cái ý nghĩ xa xỉ là thi lại vào năm sau. Và chẳng bao lâu
anh đã tìm ra con đường phải đi cho chính bản thân mình. Anh tham dự hai vòng
thi công chức và đỗ cả hai kỳ thi đó. Anh xa nhà, chọn công việc đầu tiên anh
nhận được. Mấy tháng sau, anh được biết có một trường đại học luật ở Seoul học
vào buổi tối nên quyết định đăng ký vào đó. Anh nhận ra rằng anh cần bằng tốt
nghiệp trung học. Nhưng nếu gửi thư về nhà bảo bố mẹ sao bằng tốt nghiệp trung
học để gửi qua đường bưu điện từ quê lên thì chắc chắn sẽ quá thời hạn nộp hồ
sơ. Vì vậy, anh đã viết thư cho bố dặn ông ra bến xe buýt nhờ ai đó lên Seoul
mang hộ tấm bằng tốt nghiệp cho anh. Anh còn dặn bố sau khi nhờ được họ thì ra
bưu điện gọi điện đến ủy ban phường cho anh. Nếu bố thông báo cho anh biết
chính xác thời gian chuyến xe đến bến, anh sẽ đi ra bến xe buýt chờ để lấy tấm
bằng. Nhưng anh đợi cả ngày hôm ấy mà không có cuộc điện thoại nào gọi đến. Nhà
anh thời đó chưa có điện thoại nên anh thậm chí không thể gọi về xem có chuyện
gì xảy ra. Nửa đêm hôm đó, anh đang băn khoăn không biết phải làm gì với bộ hồ
sơ hết hạn nộp vào ngày mai thì có ai đó đập rầm rầm vào cánh cửa ủy ban
phường. Hồi đó anh ở trong ủy ban phường. Nhân viên ủy ban phải thay phiên nhau
trực đêm, nhưng vì anh không có chỗ ở nên người ta quyết định cho anh sống luôn
trong phòng trực. Thành ra ngày nào anh cũng trực đêm. Nghe thấy tiếng đập cửa
thình thình tưởng như có thể khiến cánh cửa ủy ban phường vỡ tan, anh chạy ra
ngoài xem thì thấy có một thanh niên đang đứng trong bóng tối.
“Người này có phải mẹ anh không?”
Mẹ anh đang đứng sau người thanh niên, người run bần bật vì
lạnh. Anh chưa kịp nói gì, mẹ anh đã cất tiếng, “Hyong-chol à! Mẹ đây! Là mẹ
đây!” Người thanh niên liếc nhìn đồng hồ và nói, “Chỉ còn bảy phút nữa là đến
giờ giới nghiêm,” rồi quay lại chào mẹ anh và lao vút vào bóng đêm để tránh giờ
giới nghiêm chính phủ quy định.
Bố anh đang đi vắng. Khi cô em anh đọc thư xong, mẹ cứ đứng
ngồi không yên, rồi tìm đến trường lấy tấm bằng tốt nghiệp trung học của anh về
và ra bắt tàu hỏa lên Seoul. Đây là lần đầu tiên trong đời mẹ anh đi tàu. Người
thanh niên đó nhìn thấy mẹ ở ga Seoul đang hỏi thăm mọi người đường đến khu
Yong San. Nghe mẹ anh nói rằng ngay trong đêm hôm nay phải chuyển cho người con
trai một thứ gì đó rất quan trọng, người thanh niên cảm thương nên đã đưa mẹ
đến ủy ban phường. Mẹ đi đôi dép lê màu xanh giữa mùa đông lạnh giá. Trong vụ
thu hoạch mùa thu, mẹ bị thương khi xoẹt cái liềm vào ngón chân cái, vì vết
thương đến giờ vẫn chưa lành hẳn nên đôi dép lê là thứ duy nhất phù hợp với
chân mẹ lúc này. Mẹ cởi đôi dép lê để ở trước cửa phòng trực rồi bước vào trong
và nói, “Mẹ không biết là có lỡ việc của con hay không nữa,” và đưa tấm bằng
tốt nghiệp trung học ra cho anh. Bàn tay mẹ anh đã lạnh cóng. Anh nắm lấy bàn
tay đã lạnh như băng của mẹ. Anh đã hứa với bản thân rằng, nhất định mình sẽ
làm cho đôi bàn tay này, cho người phụ nữ này được hạnh phúc. Nhưng miệng anh
lại khẽ lầm bầm trách mẹ sao lại đi theo người lạ chỉ vì anh ta bảo mẹ đi theo.
Mẹ rầy la, “Sao con có thể sống nổi mà không tin con người chứ? Trên thế gian
này chắc chắn người tốt nhiều hơn kẻ xấu rất nhiều. Đó là đạo lý.” Rồi mẹ nở nụ
cười lạc quan quen thuộc của mình.
Anh đứng trước ủy ban phường cửa đóng im ỉm và đưa mắt nhìn
khắp tòa nhà. Anh nghĩ chắc mẹ không thể đến đây. Vì nếu mẹ biết cách đến đây,
chắc chắn mẹ đã tìm được nhà một trong mấy đứa con. Người phụ nữ nói đã nhìn
thấy mẹ anh ở đây nhớ ra mẹ là nhờ đôi mắt. Bà ấy nói mẹ anh đi đôi dép lê màu
xanh. Đôi dép lê màu xanh. Giờ thì anh nhớ ra rồi, người mẹ mất tích của anh đi
đôi xăng đan đế thấp màu be. Bố anh nói rằng mẹ anh không đi đôi dép lê màu
xanh mà đi đôi xăng đan đế thấp màu be. Trong khi đó người phụ nữ bảo mẹ anh
mang đôi dép lê mà đi xa tới mức ngón chân cái bị thương sâu hoắm kia lại khẳng
định rõ ràng là đôi dép màu xanh. Anh nhìn vào trong ủy ban phường một lát rồi
đi lang thang xuống những con đường dẫn đến nhà thờ Eunsong và trường Trung học
Nữ sinh Bosung, nhìn ngắm vòng quanh.
Căn phòng trực đêm ấy có còn trong ủy ban phường không nhỉ?
Căn phòng trực đó là nơi mà chừng ấy năm về trước anh đắp
chung chăn ngủ bên cạnh người mẹ đã vội vội vàng vàng bắt chuyến tàu hỏa lên
Seoul để mang tấm bằng tốt nghiệp trung học cho cậu con trai hai mươi tuổi của
mình. Đó chắc hẳn là lần cuối cùng anh ngủ bên cạnh mẹ như thế. Cơn gió lạnh ào
ạt lùa vào phòng qua bức tường sát đường phố. Anh nằm sát tường nhưng mẹ nói,
“Nằm sát tường mẹ ngủ ngon hơn,” rồi đổi chỗ cho anh. “Gió lắm mẹ ạ,” anh bảo,
rồi dậy xếp cặp và đống sách vở nép vào tường để chắn gió. Anh còn chất quần áo
mặc hôm qua vào bên tường. “Được rồi con,” mẹ bảo, giữ tay anh lại. “Ngủ thôi,
sáng mai con còn phải làm việc nữa mà.”
“Lần đầu tiên lên Seoul mẹ thấy thế nào?” anh hỏi mẹ, ngước
nhìn lên trần nhà, nằm bên cạnh mẹ.
“Không có gì đặc biệt,” mẹ trả lời rồi bật cười. “Con là đứa
con đầu tiên của mẹ. Đây không phải là việc duy nhất con khiến mẹ được làm lần
đầu tiên. Tất cả những điều con làm đều là một thế giới mới đầy mới mẻ với mẹ.
Con đã khiến mẹ được làm mọi việc lần đầu tiên. Con là đứa con đầu tiên làm
bụng mẹ căng tròn lên, cũng là đứa con đầu tiên mẹ cho bú. Lúc sinh con ra, mẹ
cũng trạc tuổi con bây giờ. Khi mẹ nhìn thấy khuôn mặt đỏ hỏn đẫm mồ hôi với
đôi mắt con nhắm tịt của con, lần đầu tiên... người ta thường nói rằng khi có
đứa con đầu tiên họ thấy vừa ngạc nhiên vừa hạnh phúc, nhưng mẹ không nghĩ thế,
mẹ lại thấy buồn. Mình vừa mới sinh một đứa con thật sao? Mình sẽ phải làm gì
đây? Mẹ thấy lo sợ đến mức ban đầu mẹ thậm chí không dám chạm vào những ngón
tay nhỏ xíu cuộn lại của con. Con cứ nắm chặt mấy ngón tay nhỏ nhắn ấy lại
thành nắm đấm. Nếu mẹ mở nắm đấm ấy ra từng ngón từng ngón một, con sẽ mỉm
cười... Chúng nhỏ bé đến nỗi mẹ nghĩ rằng nếu cứ nắm lấy chúng thì chúng có thể
sẽ biến mất. Bởi vì khi đó mẹ chưa hề có kinh nghiệm nuôi con. Mẹ lấy chồng năm
mười bảy tuổi nhưng đến tận năm mười chín tuổi mới mang bầu, suốt thời gian đó
bà bác cứ mỉa mai là có lẽ mẹ không thể có con, thế nên khi biết đang mang thai
con thì điều đầu tiên mẹ nghĩ là, Giờ mình không phải nghe bà bác nói
thế nữa rồi, đó là điều khiến mẹ vui sướng nhất. Về sau, mẹ rất vui khi
thấy ngón tay ngón chân của con dài ra từng ngày. Những khi mệt mỏi, mẹ thường
vào trong buồng để ngắm nhìn những ngón tay ngón chân nhỏ nhắn của con, xòe
từng ngón tay ra, sờ sờ nắn nắn ngón chân. Khi làm như thế, mẹ cảm thấy cơn mệt
mỏi trong người tan biến hết. Mẹ còn nhớ, lần đầu tiên khi đi đôi dép vào chân
con, mẹ đã rất phấn khích. Khi con chập chững bước về phía mẹ, mẹ đã cười sung
sướng mãi không thôi, dù có ai chất đầy ngọc ngà châu báu trước mặt thì mẹ cũng
không thể cười giòn được như lúc ấy. Mẹ cảm thấy như thế nào khi đưa con đến
trường nhỉ? Khi gài biển tên cùng chiếc khăn tay vào ngực con, mẹ thấy mình đã
trưởng thành lên bao nhiêu. Không hạnh phúc nào sánh bằng khi được nhìn bắp
chân con ngày càng chắc nịch. Ngày nào mẹ cũng hát, Mau lớn lớn mau con
của mẹ, hãy vui chơi thật vui vẻ nhé! Rồi một ngày con sẽ cao lớn hơn mẹ.”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT