Cả gia đình cô tập trung ở nhà anh cả Hyong-chol. Sau khi
cân nhắc kỹ lưỡng, mọi người quyết định soạn tờ rơi để đi phát ở nơi có người
nhìn thấy mẹ lần cuối cùng. Việc đầu tiên là thảo tờ rơi. Tờ rơi là giải pháp
quen thuộc trong trường hợp này. Gia đình có người lạc vốn chẳng làm được gì
nhiều, huống hồ người bị lạc không phải ai khác mà chính là mẹ. Tất cả những gì
gia đình cô có thể làm là đăng tin tìm người thân bị lạc, chia nhau đi tìm kiếm
khắp nơi, dò hỏi khách qua đường xem có ai nhìn thấy người nào giống mẹ không.
Cậu em cô đang kinh doanh quần áo qua mạng đã đăng tin mẹ mất tích, miêu tả địa
điểm, tải ảnh của mẹ lên mạng, đề nghị nếu ai thấy người nào giống như vậy thì
xin hãy báo cho gia đình. Cô muốn tìm đến những nơi mẹ có thể đã đến, nhưng cô
biết rằng mẹ không thể tự đi tới bất cứ nơi nào trong thành phố này. Anh
Hyong-chol bảo cô soạn nội dung tờ rơi bởi cô sống bằng nghề viết lách. Cô đỏ
dừ mặt như thể vừa bị phát hiện làm một việc xấu xa nào đó. Cô không chắc những
gì mình viết liệu sẽ có ích trong việc tìm mẹ hay không.
Khi cô viết ngày sinh của mẹ là ngày 24 tháng 7 năm 1938, bố
cô nói rằng mẹ sinh năm 1936. Mặc dù trên giấy tờ đều ghi năm 1938 nhưng thực
tế mẹ sinh năm 1936. Lần đầu tiên cô được nghe tới điều này. Bố cô bảo ngày xưa
tất cả mọi người đều làm như thế. Có rất nhiều đứa trẻ sinh ra chưa đầy trăm
ngày đã chết, vì vậy người ta thường nuôi con được vài ba tuổi rồi mới làm giấy
khai sinh. Cô sửa số 38 thành 36, nhưng anh cả bảo phải viết năm sinh của mẹ là
1938 theo đúng như trên giấy tờ. Cô thầm nghĩ không biết có cần phải chính xác
tới thế không khi đây chỉ là tự soạn tờ rơi chứ không phải khai báo với cơ quan
chức năng, nhưng cô vẫn sửa số 36 thành 38, trong lòng tự hỏi không biết đến cả
ngày sinh của mẹ cũng có thật là ngày 24 tháng 7 không.
Mấy năm trước, mẹ bảo anh chị em cô không cần tổ chức sinh
nhật riêng cho mẹ vì sinh nhật của bố trước sinh nhật mẹ một tháng. Trước đây,
vào mỗi dịp sinh nhật hay các ngày lễ kỷ niệm khác, anh chị em cô đều về nhà bố
mẹ ở thị trấn J. Cả nhà tập trung đầy đủ là 22 người. Mẹ rất thích cảnh cả gia
đình quây quần, nói chuyện rôm rả. Cứ mỗi dịp cả nhà tập trung đông đủ, từ mấy
ngày trước mẹ đã muối kim chi, ra chợ mua thịt bò, chuẩn bị kem đánh răng và
bàn chải. Mẹ còn ép dầu mè, rang vàng hạt tía tô và hạt vừng rồi đem hạ thổ để
làm quà cho các con mang về. Những lần chờ con cháu về, mẹ vui ra mặt, khi nói
chuyện với hàng xóm hay người quen thì từ cử chỉ đến lời nói đều không giấu
được vẻ tự hào. Mẹ còn chất đầy trong kho những chai thủy tinh lớn nhỏ, đựng đủ
các loại nước hoa quả do chính tay mẹ làm, nào là nước mận, nước dâu tây...;
mùa nào thức ấy. Mẹ có những hũ đựng đầy vèn cá đù muối và mắm cá trống hay sò
muối để gửi cho các con trên thành phố. Biết hành tươi tốt cho sức khỏe, mẹ ép
cả nước hành, và trước khi mùa đông đến mẹ còn làm nước bí ngô pha với cam
thảo. Ngôi nhà của mẹ giống như kho xưởng, ở đó mẹ làm tương, làm đậu muối, làm
gạo lứt, chế biến mọi thứ cho gia đình sử dụng quanh năm. Nhưng về sau, anh chị
em cô về thăm bố mẹ thưa dần và bố mẹ lên Seoul
nhiều hơn. Bữa tiệc gia đình ấm cúng trong ngày sinh nhật của bố mẹ cũng bắt
đầu được thay bằng những bữa ăn thịnh soạn ở nhà hàng. Như thế tiện lợi hơn.
Rồi thậm chí mẹ còn gợi ý nên tổ chức sinh nhật mẹ cùng với sinh nhật bố vì mẹ
nghĩ mùa hè nóng nực mà anh chị em cô phải đi đi lại lại hai lần cho hai ngày
sinh nhật thì thật mệt, chi bằng chọn lấy một ngày rồi tổ chức luôn cho tiện.
Ban đầu cả nhà phản đối chuyện đó, dù mẹ cứ khăng khăng không thay đổi ý kiến,
và nếu mẹ không chịu lên thành phố thì mấy người trong anh chị em cô sẽ về quê
tổ chức sinh nhật cho mẹ. Về sau tất cả anh chị em trong nhà đều tặng quà sinh
nhật cho mẹ vào ngày sinh nhật bố, còn ngày sinh nhật của mẹ cứ lặng lẽ trôi
qua. Mẹ thích mua tất cho mọi thành viên trong gia đình nhưng anh chị em cô
không ai lấy nên tất cứ chất đống trong tủ quần áo của mẹ.
Tên: Park So-nyo.
Ngày sinh: 24 tháng 7 năm 1938 (69 tuổi).
Hình dáng: Tóc muối tiêu ngắn, gò má cao, khi đi lạc mặc áo
sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be.
Địa điểm bị lạc: Ga tàu điện ngầm Seoul.
Không ai quyết được cô nên sử dụng tấm hình nào của mẹ. Mọi
người đều nhất trí dùng tấm hình chụp gần đây nhất, nhưng không ai có tấm hình
mới chụp nào có mẹ. Cô nhớ ra là lâu nay mẹ không thích chụp ảnh. Ngay cả khi
chụp ảnh gia đình mẹ cũng lẩn đi mất, thế nên mẹ không bao giờ xuất hiện trong
ảnh. Tấm ảnh gần đây nhất có mẹ là tấm chụp cả nhà vào dịp mừng thọ bố bảy mươi
tuổi. Hôm ấy mẹ mặc hanbok màu xanh nhạt, mái tóc được thợ làm đầu cuốn lên cẩn
thận, môi đánh son đỏ, trông thật sang trọng. Cậu em trai cô cho rằng hình dáng
mẹ trong ảnh trông khác xa hình dáng mẹ trước khi bị lạc, cho dù có tách riêng
ảnh mẹ ra phóng to lên thì mọi người cũng không nhận ra. Cậu kể rằng khi cậu
tải ảnh mẹ lên mạng, mọi người vào bình luận rằng mẹ đẹp quá, trông chẳng giống
người đi lạc tí nào. Cả nhà quyết định sẽ tìm tấm ảnh khác của mẹ. Anh cả bảo
cô bổ sung thêm nội dung trong tờ rơi. Khi cô nhìn anh trai chằm chằm, anh bảo
cô hãy nghĩ ra những câu cảm động hơn để lay động lòng người đọc. Lời lẽ lay
động lòng người đọc ư? Khi cô viết “Làm ơn hãy giúp chúng tôi tìm mẹ”, anh cả
cho rằng lời lẽ như vậy đơn giản quá. Khi cô viết “Omoni của chúng tôi bị lạc”,
anh cả cho rằng từ Omoni trịnh trọng quá và bảo cô sửa thành Omma. Khi cô viết
“Omma của chúng tôi bị lạc”, anh cả lại bảo nghe câu này quá trẻ con. Khi cô
viết “Nếu nhìn thấy người nào như vậy, làm ơn báo cho chúng tôi”, anh cả quát
ầm lên, “Cô là cái kiểu nhà văn gì vậy?” Cô không tài nào nghĩ ra được lấy một
câu đủ sức thuyết phục để anh cả vừa ý.
Người anh thứ nói, “Mọi người sẽ chú ý nếu em viết thêm là
chúng ta sẽ có hậu tạ.”
Khi cô viết “Chúng tôi sẽ hậu tạ xứng đáng”, đến lượt các
chị dâu cô cho rằng không thể viết chung chung như vậy, mọi người chỉ thực sự
quan tâm đến tờ rơi nếu chúng ta đưa ra một con số cụ thể.
“Vậy nên viết bao nhiêu?”
“Một triệu uôn được không?”
“Sợ ít quá.”
“Ba triệu uôn được không?”
“Vẫn có vẻ ít nhỉ?”
“Vậy thì năm triệu uôn nhé!”
Chắc chẳng có ai chê khoản tiền năm triệu uôn. Cô viết, “Chúng
tôi sẽ hậu tạ năm triệu uôn,” rồi đặt dấu chấm câu. Người anh thứ hai bảo nên
sửa lại là “Hậu tạ: năm triệu uôn.” Cậu em trai bảo cô cho dòng chữ năm triệu
uôn thành cỡ chữ to hơn. Mọi người thống nhất nếu ai tìm thấy tấm hình của mẹ
phù hợp hơn thì gửi email cho cô. Việc bổ sung nội dung và phô tô tờ rơi do cô
đảm nhận, cậu em trai chịu trách nhiệm phân phát cho mọi người trong nhà. Cô
gợi ý thuê người phát tờ rơi nhưng anh cả yêu cầu mọi người phải trực tiếp làm
việc ấy, những ngày trong tuần thì tranh thủ thời gian rỗi, còn cuối tuần thì
đi phát cả ngày.
Cô cáu kỉnh, “Làm như thế đến khi nào mới tìm thấy mẹ?”
Anh cả vặc lại, “Chúng ta sẽ làm việc này vì không thể ngồi
tễnh mà chờ được, chúng ta đang làm tất cả những gì có thể.”
“Anh nói thế là thế nào, chúng ta đang làm tất cả những gì
có thể sao?”
“Chúng ta đã đăng tin trên báo.”
“Tất cả những gì chúng ta có thể làm là đăng tin trên báo
sao?”
“Thế cô muốn làm gì nữa, tất cả chúng ta phải bỏ việc để đi
lục tung mọi ngõ ngách trong thành phố này lên chắc? Nếu làm như vậy mà tìm
được mẹ thì tôi đã làm,” anh cả gần như nổi khùng.
Cô thôi không tranh luận với anh cả nữa. Xưa nay cô vốn quen
để anh coi sóc mọi việc, nhưng cô cũng hiểu rằng làm vậy trong trường hợp này
là quá đáng. Mọi người để bố ở lại nhà anh cả rồi ra về. Nếu không giải tán
nhanh thì chắc chắn sẽ lại tiếp tục có tranh cãi. Anh chị em cô đã cãi vã nhau
cả tuần trước rồi. Cả nhà tập trung để bàn cách tìm mẹ và rồi vô tình người này
lại động chạm đến những lần người kia người nọ làm điều không phải với mẹ trước
đây. Dần dà những chuyện dồn nén bấy lâu bùng phát, kết cuộc là anh em quát
tháo lẫn nhau, người đốt thuốc mù mịt, người nổi khùng lên đóng sập cửa lại.
Ngay sau khi được tin mẹ bị lạc, cô bực tức hỏi mọi người
trong gia đình sao không có ai ra ga tàu điện ngầm Seoul đón bố mẹ.
“Còn cô đã ở đâu?”
Tôi ư? Cô mím chặt môi. Tận bốn ngày sau khi mẹ
bị lạc cô mới biết tin. Mọi người trong gia đình cô đổ lỗi cho nhau về chuyện
mẹ bị lạc nhưng ai cũng cảm thấy day dứt trong lòng.
Rời khỏi nhà anh cả, cô bắt tàu điện ngầm về nhà nhưng rồi
lại xuống ở ga Seoul,
nơi mẹ biến mất. Trong nhà ga người đông như nêm, họ chen lấn va quệt vào cô
khi cô tìm đường đi tới chỗ mẹ bị lạc. Chắc mẹ cô cũng bị lạc trong tình trạng
hỗn loạn như thế này. Mọi người xô đẩy cô khi cô đứng tại nơi mẹ đã tuột mất
bàn tay bố. Không ai nói một lời xin lỗi. Có lẽ mọi người đã ào ạt đi qua như
thế trong khi mẹ cô đứng đấy, không biết phải làm gì.
Người ta có thể lật lại hồi ức được bao xa? Hồi ức về mẹ
thì sao?
Từ khi nghe tin mẹ bị lạc đến tận bây giờ, cô không thể tập
trung suy nghĩ được gì. Những ký ức cô đã quên lãng từ lâu bỗng nhiên trỗi dậy.
Nỗi ân hận cứ bám theo từng ký ức. Cô nhớ lại nhiều năm về trước, mấy ngày
trước khi cô rời thị trấn quê nhà lên thành phố, mẹ dẫn cô ra cửa hàng quần áo
ngoài chợ. Cô muốn chọn một chiếc váy trơn nhưng mẹ lại chọn cho cô một chiếc
váy xếp nếp có đai và đường diềm.
“Cái này thế nào?” mẹ cô hỏi.
“Không,” cô nói rồi gạt đi.
“Tại sao? Con cứ mặc thử đi.”
Mẹ lúc đó còn trẻ, mở to mắt ngạc nhiên không hiểu. Chiếc
váy xếp nếp ấy tương phản hoàn toàn với chiếc khăn cũ kỹ lem nhem mẹ đội trên
đầu như hai thế giới tách biệt không ăn nhập gì với nhau.
“Trông trẻ con quá.”
“Thật sao?” Mẹ cô nói nhưng vẫn cầm chiếc váy ngắm nghía mãi
không nỡ rời. “Nếu là con thì mẹ đã thử cái váy này,” mẹ cô lẩm bẩm.
Thấy mẹ có vẻ hơi buồn khi cô cho rằng kiểu váy đó trẻ con,
cô nói, “Cái này có phải kiểu mẹ hay mặc đâu.”
Mẹ nói, “Không, mẹ thích kiểu này, chỉ có điều mẹ thì không
mặc được.”
Mình lẽ ra nên mặc thử cái váy đó, cô thầm nghĩ. Cô
khuỵu chân ngồi xuống có lẽ đúng chỗ mẹ cô đã từng ngồi. Vài ngày sau khi nhất
quyết đòi mua váy trơn, cô đã đến chính sân ga tàu điện ngầm Seoul này cùng mẹ. Mẹ nắm chặt tay cô, bước
đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang
từ trên cao nhìn thẳng xuống, rồi băng qua quảng trường và đợi anh cả dưới chân
tháp đồng hồ. Sao một con người như vậy có thể bị lạc? Khi ánh đèn từ con tàu
đang vào ga vừa rọi tới, mọi người đổ xô lại, liếc xéo qua chỗ cô ngồi cứ như
thể họ đang bực bội vì cô cứ ngồi trên lối đi.
Lúc mẹ bị xô tuột khỏi tay bố, cô đang cùng đồng nghiệp tham
dự triển lãm sách tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Lúc mẹ cô bị lạc ở ga tàu
điện ngầm Seoul,
cô đang cầm trên tay bản dịch tiếng Trung cuốn sách của cô tại một quầy sách ở
triển lãm. Cô tự hỏi tại sao bố không đi taxi mà lại đi tàu điện ngầm chứ? Chỉ
cần bố không đi tàu điện ngầm thì chắc đã không xảy ra chuyện này.
Bố cô nói ông đã nghĩ tại sao phải đi taxi khi ga tàu hỏa
cũng nối liền với ga tàu điện ngầm? Có những khoảnh khắc mà người ta thường suy
ngẫm lại sau khi có việc gì đó xảy ra, nhất là sau khi chuyện không may xảy ra.
Khoảnh khắc mà người đó nghĩ, Lẽ ra mình không nên làm vậy. Khi bố
cô nói với cả nhà rằng bố mẹ có thể tự tìm đến nhà anh Hyong-chol, tại sao khác
với những lần trước anh chị em cô lại để bố mẹ làm thế? Bình thường mỗi lần bố
mẹ lên thành phố thăm các con, trong số anh em cô vẫn có người ra ga xe lửa hay
ga tàu điện ngầm Seoul
đón họ. Điều gì khiến bố cô, vốn luôn dùng xe của nhà hoặc đi taxi mỗi lần lên
thành phố, quyết định đi tàu điện ngầm vào cái ngày định mệnh ấy? Khi tàu điện
đến, bố mẹ vội vã chạy lại. Nhưng lúc bố lên tàu, nhìn lại phía sau thì đã
không thấy mẹ đâu. Đó là một buổi chiều thứ Bảy đông đúc. Mẹ lạc bố giữa đám
đông, đoàn tàu lăn bánh khi mẹ hoàn toàn mất phương hướng. Khi mẹ tay không đi
lang thang trong ga tầu điện ngầm vì bố đã cầm túi của mẹ lên tàu, cô vừa rời
khỏi triển lãm sách và đang trên đường đến quảng trường Thiên An Môn. Mặc dù đã
đến Bắc Kinh ba lần nhưng cô chưa lần nào đến quảng trường Thiên An Môn, chỉ
mới ngắm nhìn từ trong xe buýt hay taxi.
Cậu tình nguyện viên đề xuất đi thăm quảng trường Thiên An
Môn trước bữa tối, cả đoàn nhất trí đó là một ý hay. Khi cô bắt taxi đến trước
Tử Cấm Thành, người mẹ bơ vơ ở ga tàu điện ngầm Seoul của cô đang làm gì? Đoàn của cô đã vào
thăm Tử Cấm Thành nhưng phải quay ra ngay. Tử Cấm Thành chỉ mở cửa một phần vì
đang trong thời gian trùng tu, vả chăng cũng sắp đến lúc đóng cửa. Toàn bộ
thành phố Bắc Kinh đang là một công trường lớn để chuẩn bị cho Đại hội Olympic
vào năm tới. Cô chợt nhớ đến một cảnh trong phim Hoàng đế cuối cùng,
khi ông vua già Phổ Nghi trở lại Tử Cấm Thành, nơi ông đã từng sống thời thơ
ấu, và cho một vị khách du lịch nhỏ tuổi xem cái hộp ông giấu sau ngai vàng.
Khi ông mở nắp hộp ra, con dế ông nhốt trong hộp từ ngày xưa vẫn còn sống. Khi
cô đi sang quảng trường Thiên An Môn, mẹ cô đang đứng bơ vơ, bị chen lấn giữa
dòng người đông đúc. Phải chăng mẹ cô đang mong chờ các con đến đón? Con đường
nối Tử Cấm Thành với quảng trường Thiên An Môn cũng đang trong giai đoạn tu
sửa. Cô có thể nhìn thấy quảng trường ngay trước mặt nhưng để đến được đó cô
phải đi qua một con đường ngoằn ngoèo. Khi cô ngắm những cánh diều bay lơ lửng
phía trên quảng trường Thiên An Môn, có thể mẹ cô đang ngồi trong đường hầm với
nỗi tuyệt vọng và thầm gọi tên cô. Khi cô thấy cánh cửa sắt của Thiên An Môn mở
ra, một tốp cảnh sát bước đều về phía quảng trường để hạ lá cờ đỏ có năm ngôi
sao xuống, có thể mẹ cô đang đi lang thang trong mê lộ đường hầm ở ga tàu điện
ngầm Seoul. Nhờ sự xác nhận của những người đã nhìn thấy mẹ cô trong nhà ga cô
mới biết được điều này. Các nhân chứng nói họ nhìn thấy một bà già cứ lững
thững bước, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu
thang cuốn. Có người nói nhìn thấy bà già đó cứ ngồi mãi ở sân ga, rồi cuối
cùng cũng lên một chuyến tàu để đi. Vào đêm mẹ bị lạc, cô cùng đoàn bắt taxi
đến một con phố sáng trưng náo nhiệt ở Bắc Kinh, túm tụm cười đùa dưới ánh đèn
đỏ, thưởng thức loại rượu nặng 56° của Trung Quốc, ăn cua chiên trong chảo dầu
cay nóng hổi.
Bố cô xuống ở bến kế tiếp và quay lại ga tàu điện ngầm Seoul nhưng mẹ cô đã không
còn ở đó.
“Dù không bắt được tàu nhưng sao có thể quên được đường cơ
chứ? Bảng hướng dẫn ở đâu cũng có. Mẹ biết dùng điện thoại công cộng, chỉ cần
đến bốt điện thoại là có thể gọi được mà.” Chị dâu cô một mực cho rằng chắc
chắn đã có chuyện gì đó xảy ra với mẹ, rằng thật khó hiểu khi mẹ không thể tìm
thấy nhà anh cả chỉ vì không lên đúng chuyến tàu điện ngầm như bố. Có điều gì
đã xảy ra với mẹ ư? Đó là suy nghĩ của những người muốn nghĩ mẹ là một bà già
quê mùa.
Khi cô nói, “Có thể mẹ đã bị lạc đường chứ chị,” thì chị dâu
cô tròn mắt ngạc nhiên. “Chị biết dạo này mẹ thế nào rồi đấy,” cô giải thích
nhưng chị dâu làm ra vẻ không hiểu cô đang nói gì. Nhưng thực ra cả gia đình
đều biết tình trạng của mẹ dạo này. Có thể cô sẽ không tìm được mẹ.
Cô nhận ra mẹ không biết đọc từ khi nào nhỉ?
Lá thư đầu tiên cô viết là khi chuyển lời nhắn của mẹ tới
anh Hyong-chol ngay sau khi anh chuyển lên thành phố. Sau khi tốt nghiệp trung
học ở thị trấn, nơi anh em cô đã sinh ra và lớn lên, anh Hyong-chol đã tự ôn
thi công chức ở nhà trong một năm, rồi thi đỗ và chuyển lên thành phổ để làm
việc. Đây là lần đầu tiên mẹ cô phải xa một đứa con rứt ruột đẻ ra. Khi ấy nhà
cô không có điện thoại, cách liên lạc duy nhất là qua thư. Anh Hyong-chol
thường gửi cho mẹ những lá thư viết chữ rất to. Mẹ cô luôn linh cảm được ngày
thư của anh Hyong-chol đến cứ như thể có phép lạ. Tầm mười một giờ trưa, bác
đưa thư đến làng cô với cái túi to tướng treo trước ghi đông xe đạp. Vào ngày
có thư của anh cả, từ ngoài đồng hay ngoài mương mẹ cô sẽ về nhà giặt giũ quần
áo để đợi được trực tiếp nhận lá thư từ tay bác đưa thư rồi mong ngóng cô đi
học về. Khi thấy cô về, mẹ vội vàng dẫn cô ra hiên sau rồi đưa lá thư của anh
Hyong-chol ra, giục cô đọc to cho mẹ nghe.
Lá thư của người anh xa nhà được mở đầu bằng dòng chữ “Mẹ
kính yêu”. Cách viết thư giống hệt như học trong sách vở, anh hỏi thăm sức khỏe
mọi người ở nhà và thông báo tình hình công việc của anh trên thành phố vẫn
tốt. Trong thư anh Hyong-chol viết rằng mỗi tuần một lần anh mang quần áo bẩn
đến nhà thím để nhờ thím giặt hộ. Thực ra mẹ đã nhờ thím làm việc đó cho anh. Anh
dặn mẹ không phải lo cho anh vì chuyện ăn uống hằng ngày vẫn đảm bảo, anh cũng
có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi trực ở văn phòng.
Anh Hyong-chol còn cho biết khi lên thành phố anh muốn làm
rất nhiều việc và cảm thấy như thể mình làm được mọi việc vậy. Thậm chí anh còn
bộc lộ khát vọng rằng anh sẽ thành công và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho
mẹ. Trong thư, người anh hai mươi tuổi còn khéo léo dặn thêm, Thế nên
mẹ ơi, không phải lo lắng cho con đâu mà hãy chú ý giữ gìn sức khỏe. Vừa
đọc thư của anh cho mẹ nghe, cô vừa ngắm mẹ lúc ấy đang nhìn chằm chằm vào mấy
cây khoai nước ở sân sau và mấy cái chum sành đựng đầy tương. Tai mẹ dỏng lên
như tai thỏ, chú ý lắng nghe cô đọc không để sót từ nào. Sau khi cô đọc hết lá
thư, mẹ bảo cô viết đúng như những lời mẹ nói. Lời đầu tiên của mẹ là,
Hyong-chol yêu thương. Cô liền viết, Hyong-chol yêu thương. Mẹ không bảo cô
đánh dấu chấm câu nhưng cô vẫn đặt dấu chấm câu sau tên anh. Mẹ cô nói,
Hyong-chol!, cô sẽ viết, Hyong-chol! Lúc mẹ ngừng lại sau khi kêu tên anh cả cứ
như mẹ quên mất phải nói điều gì, cô lấy tay gạt mái tóc đang xõa xuống ra sau
tai rồi lại cầm bút trên tay, chăm chú nhìn vào lá thư, dỏng tai lên chờ mẹ nói
tiếp để viết. Khi mẹ nói, trời trở lạnh rồi đấy, cô cũng viết nguyên văn, trời
trở lạnh rồi đấy. Tiếp ngay sau câu Hyong-chol yêu thương, mẹ luôn
nói về thời tiết. Ở nhà hoa nở rộ cho thấy mùa xuân đang đến. Hè sang
nên cánh đồng đang bắt đầu khô nẻ. Vào mùa thu hoạch rồi, đậu tràn ngập bờ
ruộng. Mẹ luôn nói tiếng địa phương, trừ khi đọc để cô viết thư cho anh
Hyong-chol. Con đừng lo gì việc ở nhà, hãy chú ý giữ gìn sức khỏe. Đấy
là điều duy nhất mẹ mong muốn ở con. Những lá thư của mẹ luôn ngập tràn cảm
động: Mẹ xin lỗi vì không giúp được gì cho con. Khi cô nắn nót viết
theo những lời của mẹ, nước mắt đã rơi lã chã trên bàn tay mẹ. Câu nói cuối
cùng của mẹ luôn luôn là: Con hãy ăn uống đầy đủ con nhé! Mẹ.
Là con thứ ba trong gia đình, cô đã chứng kiến nỗi lo lắng,
đau khổ, buồn rầu của mẹ khi từng người anh của cô thoát ly. Sau khi anh cả xa
nhà, sáng sớm nào mẹ cũng ra sân sau lau chùi mấy chum tương. Bởi vì giếng nước
ở sân trước nên thật vất vả mới mang được nước ra sân sau, nhưng mẹ vẫn lau
chùi cẩn thận từng cái chum một. Mẹ còn lau sạch cả trong lẫn ngoài những chiếc
nắp chum cho đến khi chúng sáng bóng lên. Vừa làm mẹ vừa khe khẽ hát theo lời
một bài hát nào đó, Nếu giữa đôi ta không có biển ngăn cách, sẽ không
có lời ly biệt đớn đau... Mẹ nhúng giẻ lau vào trong chậu nước lạnh
buốt rồi vớt ra, vắt khô rồi lại lau những chiếc chum và tiếp tục hát, Tôi
hy vọng một ngày nào đó người sẽ không xa rời tôi. Nếu lúc ấy cô gọi, mẹ sẽ
quay lại với đôi mắt ngấn lệ.
Cách mẹ yêu thương quan tâm chăm sóc anh cả được thể hiện
qua việc mẹ nấu mì cho mỗi mình anh những khi anh đi học thêm buổi tối về. Sau
này, nếu có lúc cô nhắc đến chuyện ấy với bạn trai, anh lại nói rằng đó chỉ là
món mì thôi, có gì ghê gớm đâu? Chỉ là món mì thôi sao? Vào thời điểm đó chẳng
phải mì là món ngon nhất sao? Thậm chí khi ăn còn phải giấu giếm không cho ai.
Dù cô có giải thích về sự tuyệt vời của món mì thế nào đi nữa thì anh ấy, một
người thành phố, vẫn nghĩ là nó quá thường tình.
Hồi đó, món mì vừa mới xuất hiện có hương vị ngon hơn mọi
món mẹ làm. Mẹ mua mì và giấu trong chiếc chum rỗng ngoài sân, mẹ chỉ muốn nấu
cho anh cả ăn vào ban đêm. Dù đã khuya muộn nhưng mấy anh em cô đều bị đánh
thức bởi mùi mì thơm ngào ngạt. Khi mẹ nghiêm khắc yêu cầu anh em cô vào đi
ngủ, cả mấy anh em cô cứ đứng thèm thuồng nhìn anh cả ăn. Cảm thấy có lỗi, anh
Hyong-chol chỉ ăn một miếng, nhưng mẹ bảo anh cứ ăn hết bát mì, rồi mẹ đổ đầy
nước vào nồi, nấu thêm một gói mì nữa để chia cho anh em cô. Lúc đấy sao mà mấy
anh em cô thấy sung sướng thế, đứa nào đứa nấy háo hức đón lấy cái bát nước
nhiều hơn mì.
Khi lau đến chiếc chum giấu mì ngày xưa, mẹ sẽ gọi to, Hyong-chol!
rồi ngồi bệt xuống đất, hai chân xoãi ra, và cô sẽ nhẹ nhàng đi đến, lấy chiếc
giẻ khỏi bàn tay mẹ, kéo tay mẹ lên quàng quanh vai cô. Mẹ sẽ bật khóc thổn
thức, không kìm nén được trước nỗi nhớ thương tuôn trào về đứa con đầu lòng.
Mỗi khi các anh xa nhà, mẹ cô như chìm vào nỗi buồn vô tận.
Khi ấy, tất cả những gì cô có thể làm là đọc thư các anh gửi về cho mẹ nghe,
sau đó nghe mẹ đọc để viết thư cho anh rồi bỏ lá thư vào thùng thư trên đường
tới trường. Thậm chí lúc đó cô không biết một sự thật hiển nhiên là mẹ chưa
từng một lần bước chân vào thế giới của những bức thư. Tại sao cô lại không
nghĩ ra rằng mẹ không biết chữ, ngay cả lúc mẹ cậy dựa vào cô như một đứa trẻ,
ngay cả lúc cô đọc thư rồi viết thư giúp mẹ? Cô thực hiện những đề nghị của mẹ
chỉ như làm những việc vặt khác, cũng giống như việc ra vườn hái mấy cây cẩm
quỳ hay chạy ra cửa hàng mua ít dầu hỏa. Nhưng sau khi cô xa nhà, mẹ không nhờ
bất cứ ai làm việc đó. Chính vì vậy cô không nhận được lá thư nào từ mẹ. Liệu
có phải do cô không bao giờ viết thư cho mẹ không? Có lẽ là do chiếc điện
thoại. Vào thời điểm cô rời khỏi thị trấn, người ta lắp một chiếc điện thoại
công cộng ở nhà ông trưởng thôn. Đây là cái điện thoại đầu tiên ở làng cô. Vào
mỗi buổi sáng, người trong làng lắng nghe ông trưởng thôn kiểm tra cái loa rồi
thông báo nhà này hay nhà khác đến nghe điện thoại từ Seoul gọi về. Các anh cô thôi không viết thư
nữa mà thường gọi điện về cho mẹ qua chiếc điện thoại công cộng của làng. Từ
khi làng có điện thoại, mọi người cho dù đang ở ngoài đường hay trên đồng cũng
đều chú ý lắng xem nghe tiếng loa gọi tên nhà nào.
Mối quan hệ giữa mẹ và con gái sẽ thuộc một trong hai dạng,
hoặc là biết rất rõ về nhau hoặc là giống như người xa lạ.
Cho đến mùa thu năm trước cô vẫn nghĩ rằng cô rất hiểu mẹ.
Từ việc mẹ thích cái gì, khi mẹ giận phải làm gì để mẹ nguôi, cho đến việc mẹ
muốn nghe những lời như thế nào... Nếu có ai hỏi mẹ đang làm gì, cô có thể trả
lời ngay lập tức: mẹ đang phơi cây dương xỉ; hôm nay Chủ nhật nên mẹ đến nhà
thờ… Nhưng cũng chính vào mùa thu trước, những suy nghĩ ấy của cô đã vỡ vụn.
Một lần về thăm mẹ mà không báo trước, cô cảm nhận được không khí xa lạ đang
tồn tại giữa hai mẹ con giống như cô đã trở thành một người khách lạ chứ không
còn là con gái của mẹ. Hôm đó, mẹ nhặt chiếc khăn rơi trên sàn nhà rồi treo
lên, nếu thức ăn vãi xuống bàn mẹ cũng vội vàng nhặt đi. Những khi cô về nhà mà
không báo trước, mẹ thường tỏ ra lúng túng, ngượng ngùng vì sân thềm bừa bãi,
chăn màn lôi thôi. Mẹ mở tủ lạnh ra xem còn thứ gì không, và cho dù cô cố ngăn,
mẹ vẫn nhất quyết ra chợ mua thứ gì đó. Trong mối quan hệ gia đình, người ta có
thể đi làm những việc khác sau bữa ăn mà không cần dọn bàn ngay. Thấy mẹ cứ cố
giấu giếm sự lộn xộn trong cuộc sống hằng ngày, cô cảm thấy mình thực sự đã trở
thành người xa lạ với mẹ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT