Cho dù ai có nói gì đi nữa bố cô cũng không mở cửa, nhưng vừa nghe
thấy tiếng của mẹ cô là bố cô mở cửa ngay. Lúc ấy, bố cô đang ngồi nép
mình bên cạnh bồn vệ sinh. Mẹ dìu bố ra giường, bố nhìn mẹ một hồi rồi
cuối cùng thiếp đi. Bố cô đã nói rằng ông không hề nhớ chuyện đó. Ngày
hôm sau, khi cô hỏi bố tại sao lại làm như vậy, bố cô đã vặn lại, “Con
nói bố làm chuyện đó ấy hả?” Rồi dường như sợ cô hỏi tiếp, bố cô nhắm
ngay mắt lại.
“Mẹ cũng phải nghỉ ngơi chứ bố.”
Bố quay người vào trong. Cô biết bố chỉ giả vờ ngủ chứ thực ra vẫn
nghe thấy câu chuyện của hai mẹ con. Mẹ nói mẹ nghĩ bố làm như vậy vì bố thấy sợ. Chắc bố con làm thế vì bố con đang ở bệnh viện chứ không phải ở nhà, nửa đêm thức giấc thấy xung quanh toàn người lạ mà lại chẳng có
người thân nào, vậy nên bố con mới trốn đi, sợ hãi băn khoăn không biết
chỗ này là chỗ nào.
“Có cái gì mà phải sợ đến thế chứ?” Bố cô hẳn cũng nghe thấy cô cáu gắt.
“Con chưa từng sợ cái gì sao?” mẹ cô nói nhỏ rồi nhìn vội về phía bố
cô. “Bố con nói rằng đôi khi mẹ cũng hành động như vậy. Bố con kể nhiều
lần nửa đêm thức giấc bố không thấy mẹ đâu nên ông ấy phải đi tìm mẹ,
lúc ấy mẹ đang trốn trong nhà kho hoặc sau bờ giếng. Mẹ huơ huơ tay
trước mặt và nói, ‘Đừng làm thế với tôi...’ Bố con nói lúc ấy mẹ cứ run
lẩy bẩy.”
“Mẹ bị như thế sao?”
“Mẹ không nhớ đã làm vậy. Bố con nói bố phải đưa mẹ vào nhà, đặt mẹ
nằm xuống, cho mẹ uống nước, và rồi mẹ lại thiếp đi. Mẹ mà còn như thế
thì chắc bố con cũng có nỗi sợ.”
“Nhưng sợ cái gì mới được chứ?”
Mẹ lẩm bẩm như nói một mình, “Mẹ nghĩ đó là nỗi sợ cuộc sống lần hồi. Sợ nhất là khi trong chum không còn chút gạo nào cả. Cứ nghĩ đến cảnh
để các con phải nhịn đói... môi mẹ lại run lên vì sợ. Có những năm tháng như vậy đấy.”
Bố cô chưa từng kể với cô hay bất kỳ ai trong gia đình về chuyện đôi
khi mẹ hành động như vậy. Sau khi mẹ mất tích, mỗi lần cô gọi điện về
cho bố là bố lại kể một vài câu chuyện cũ nào đó để trì hoãn không cho
cô dập điện thoại, nhưng bố chưa bao giờ kể với cô rằng mẹ thỉnh thoảng
lại trốn vào đâu đó giữa đêm trong khi đang ngủ.
Cô nhìn đồng hồ. Đã mười giờ sáng. Không biết bạn trai của cô đã ngủ dậy chưa? Anh ấy đã ăn sáng chưa?
Sáng nay, cô thức dậy vào lúc sáu giờ trong một khách sạn cũ kỹ đối
diện nhà ga Terminar. Sau khi mẹ mất tích, cảm giác tuyệt vọng nặng nề
bao phủ lên cơ thể và tâm hồn cô, cứ như thể cô đang chìm sâu dưới nước. Cô ngồi dậy trên giường, bạn trai cô đang nằm xây lưng lại với cô thì
chợt quay lại và cố ôm cô. Cô gỡ tay anh ra đặt xuống giường. Bị cô từ
chối, anh vắt tay lên trán rồi nói, “Ngủ thêm chút nữa đi em.”
“Em không ngủ được nữa.”
Anh bỏ tay ra khỏi trán rồi quay người đi. Cô nhìn chằm chằm vào tấm
lưng săn chắc của anh. Cô đưa tay vuốt dọc lưng anh. Sau khi mẹ mất
tích, cô chưa một lần ôm chặt lấy tấm lưng này.
Mọi người trong gia đình cô đã kiệt sức vì đi tìm mẹ, cứ gặp nhau là
cả nhà lại chìm vào im lặng. Rồi sau đó ai cũng nổi khùng lên. Người thì đá tung cửa để đi ra ngoài, người thì rót rượu vào cốc uống bia rồi nốc một hơi cạn sạch, cố đẩy lùi những ký ức về mẹ từ đâu bỗng ùa về vây
lấy mình, cô chỉ nghĩ được một điều: Giá như mẹ có ở đây. Giá như từ
phía bên kia ống nghe, mẹ có thể nói thêm một lần nữa, “Mẹ đây!” Trước
đây mẹ luôn nói câu ấy mỗi khi nhấc điện thoại. Sau khi mẹ mất tích, anh em cô không thể duy trì được cuộc nói chuyện nào quá mười phút. Câu hỏi “Giờ này mẹ đang ở đâu?” cứ chậm rãi len vào dòng suy nghĩ của cô,
khiến cô cảm thấy bất an.
“Hôm nay em muốn đi một mình,” cô đánh bạo lên tiếng.
“Em định làm gì một mình?” bạn trai cô hỏi, vẫn quay mặt vào trong.
“Em định đi đến thánh đường St. Peter. Hôm qua, trong lúc đợi anh ở
sảnh khách sạn, em đã đăng ký tour tham quan Tòa thánh Vatican hôm nay
rồi. Em phải chuẩn bị để đi đây. Đoàn sẽ xuất phát vào lúc bảy giờ hai
mươi phút ở tiền sảnh khách sạn. Họ nói rằng đoàn người vào đó rất dài,
nếu chín giờ mà vẫn chưa tới đấy thì phải mất hơn hai tiếng đồng hồ mới
vào được bên trong.”
“Để mai đi cùng với anh.”
“Chúng ta đang ở Roma mà. Ở đây còn rất nhiều nơi em có thể đi cùng anh.”
Cô rửa mặt thật khẽ để khỏi quấy rầy anh. Cô muốn gội đầu nhưng sợ
tiếng nước chảy quá to nên cô chỉ buộc gọn tóc ra sau rồi nhìn hình ảnh
của mình phản chiếu trong gương. Cô thay quần áo rồi vừa bước ra khỏi
phòng tắm vừa nói như thể mới sực nhớ ra, “Cảm ơn anh vì đã đưa em đến
đây.”
Bạn trai cô kéo chăn trùm lên mặt. Cô biết anh đã kiên nhẫn hết sức
chịu đựng. Anh đã giới thiệu với tất cả những người họ gặp ở đây rằng cô là vợ mình. Nếu tìm thấy mẹ thì giờ đây có lẽ cô đã trở thành vợ của
anh thật rồi. Cô cũng biết rằng anh đã nhận lời đi ăn trưa với mấy cặp
đôi khác sau buổi hội thảo sáng nay. Nếu anh đến nhà hàng một mình,
những người kia thể nào cũng hỏi anh rằng vợ đi đâu mà không đến. Cô
nhìn chằm chằm vào anh, tấm chăn vẫn trùm kín mặt anh, rồi lặng lẽ rời
khỏi phòng. Từ khi mẹ đi lạc, cô ngày càng hay hành động bốc đồng. Cô
uống rượu vô cùng bốc đồng, rồi có khi đột nhiên ngẫu hứng, cô ra bắt
tàu hỏa về nhà bố mẹ dưới quê. Trong lúc đang nằm thao thức nhìn chằm
chằm lên trần phòng, cô lại chạy ào ra ngoài đường phố Seoul để đi dán
tờ rơi, bất kể khi đó là nửa đêm hay tờ mờ sáng. Có lần cô còn nhảy bổ
vào đồn cảnh sát gào lên, “Hãy tìm mẹ tôi đi.” Lúc đến đồn cảnh sát sau
khi nhận được tin báo, anh Hyong-chol cứ nhìn cô chằm chằm. Cô còn gào
toáng lên đầy kích động với người anh trai đang dần bình thản chấp nhận
sự vắng mặt của mẹ và bắt đầu đi chơi golf trở lại, “Hãy đi tìm mẹ đi!”
Cô gào lên vừa để phản đối sự thờ ơ của những người quen biết mẹ mình vừa bởi căm ghét chính bản thân mình vì đã không thể tìm được mẹ. Anh
trai cô lặng lẽ lắng nghe những tiếng la hét inh tai tấn công dồn dập từ phía cô, “Tại sao anh lại có thể như thế được chứ? Tại sao anh lại
không đi tìm mẹ? Tại sao? Tại sao!” Tất cả những gì anh trai cô có thể
làm là cùng cô đi bộ khắp nơi trong thành phố vào buổi đêm. Cô lang
thang tìm kiếm mẹ suốt đêm trong những đám đông tụ tập dưới những đường
hầm dành cho người đi bộ, khoác trên người chiếc áo lông chồn cô lấy đi
từ tủ quần áo của mẹ từ mùa đông năm ngoái, cũng có khi cô vắt chiếc áo
ấy trên tay. Làm như thế để khi gặp mẹ, cô có thể choàng chiếc áo ấy lên người mẹ, vì khi đi lạc mẹ mặc bộ đồ mùa hè. Hình bóng cô cầm chiếc áo
trên tay đổ dài trên bức tường đá cẩm thạch của những tòa nhà cao tầng
khi cô bước đi giữa những người vô gia cư đang nằm ngủ, trên người chỉ
có mấy tờ báo hay cái thùng đựng mì làm chăn. Cô luôn mở điện thoại,
nhưng giờ đây không còn ai gọi điện đến để báo rằng họ đã nhìn thấy một
người trông giống mẹ cô nữa.
Một lần, cô đến ga tàu điện ngầm Seoul, đi tới đúng địa điểm mẹ bị
lạc, và bất ngờ thấy anh trai cô đang đứng bần thần ở đó. Anh em cô cứ
ngồi đó nhìn những đoàn tàu đến rồi đi cho đến tận chuyến cuối cùng. Anh trai cô nói rằng dạo đầu khi ngồi ở đây như thế này, anh nghĩ mẹ sẽ
xuất hiện rồi vỗ vai anh mà gọi, “Hyong-chol!” Nhưng giờ đây anh không
còn nghĩ chuyện đó sẽ xảy ra. Anh cô bảo rằng giờ anh chẳng nghĩ được gì nữa, trong đầu anh hoàn toàn trống trơn. Mỗi khi không muốn về nhà ngay sau giờ làm việc, anh lại thấy mình lang thang đến nhà ga này. Có một
ngày nghỉ, cô đến nhà anh trai mình. Khi thấy anh bước xuống xe với bộ
gậy chơi golf trên tay, cô hét toáng lên, “Anh là đồ tồi!” rồi làm ầm ĩ
lên một trận. Nếu ngay đến cả anh trai cô cũng chấp nhận sự biến mất của mẹ thì trên thế giới này ai sẽ là người đi tìm mẹ bây giờ? Cô giật lấy
cây gậy đánh golf của anh trai mà ném mạnh xuống đất. Tất cả thành viên
trong gia đình cô đang dần trở thành con trai, con gái và người chồng có người mẹ, người vợ mất tích. Dù không có mẹ, cuộc sống thường nhật vẫn
tiếp diễn.
Một lần khác, cô đến chỗ mẹ bị lạc vào lúc sáng sớm và lại gặp anh
trai mình ở đó. Từ phía sau, cô ôm chặt lấy người anh trai đang đứng
trong ánh sáng ban mai. Anh trai cô nói rằng có lẽ chỉ chúng ta, những
đứa con của mẹ, nghĩ rằng cuộc đời của mẹ đầy nỗi khổ đau và sự hy sinh. Có lẽ bởi vì đã phạm quá nhiều sai lầm nên chúng ta mới nhớ về mẹ như
một con người buồn bã như vậy. Có lẽ thực ra chúng ta đang hạ thấp cuộc
đời của mẹ xuống thành một thứ gì đó vô ích. Như để chứng minh, anh trai cô nhắc lại đến những lời mẹ cô hay nói. Mẹ thường nói, “Ơn trời! Đây
là một việc chúng ta phải thấy biết ơn!” khi có chuyện gì đó dù rất nhỏ
diễn ra thuận lợi. Mẹ luôn biểu lộ sự biết ơn đối với những niềm hạnh
phúc nhỏ nhoi mà ai cũng có. Anh trai cô nói rằng lòng biết ơn của mẹ
xuất phát từ trái tim chân thành. Mẹ thường nói lời cảm ơn trong mọi
việc. Một người luôn biết ơn như vậy không thể nào lại có cuộc đời bất
hạnh đâu. Khi chia tay, anh cô nói, “Anh sợ rằng dù có trở về mẹ cũng sẽ không nhận ra anh nữa.” Cô nói với anh rằng, với mẹ, anh là người quý
giá nhất trên thế gian. Cho dù anh có thay đổi thế nào và ở đâu đi chăng nữa thì mẹ vẫn có thể nhận ra anh. Khi anh trai cô vào trại huấn luyện
để chuẩn bị thi hành nghĩa vụ quân sự, có một ngày các bậc phụ huynh
được mời đến thăm trại. Mẹ cô làm bánh gạo, cho vào rổ đội lên đầu rồi
dẫn cô đi thăm anh trai. Cho dù giữa hàng trăm người lính mặc quần áo
giống hệt nhau đang biểu diễn những động tác taekwondo y như nhau, mẹ
vẫn nhận ngay ra anh trai cô. Trong mắt cô, tất cả những người lính ấy
trông cứ hao hao, nhưng mẹ cô nở nụ cười rạng rỡ, vừa chỉ trỏ vừa bảo,
“Anh trai con ở kia kìa!”
Một lần, hai anh em cô đang ngồi tâm sự thân tình về mẹ, nhưng một
lát sau cô to tiếng với anh trai mình, vặn hỏi anh tại sao không làm
nhiều việc hơn nữa để tìm mẹ. Cô hét lên với anh, “Sao anh lại nói về mẹ cứ như mẹ sẽ không thể trở về thế?” Anh trai cô nói, “Hãy nói cho anh
biết, anh còn phải làm gì nữa để tìm mẹ đây?” Rồi trong cơn tuyệt vọng,
anh trai cô bứt tung mấy cái cúc của chiếc áo mi trắng mặc bên trong áo
vest, và cuối cùng anh khóc trước mặt cô. Từ sau hôm đó, anh trai cô
không nhận điện thoại của cô nữa.
Mãi sau khi mẹ mất tích, cô mới nhận thấy rằng những câu chuyện về mẹ đã chất đầy trong tâm hồn cô, không bao giờ vơi cạn. Cuộc sống thường
nhật của mẹ cứ lặp đi lặp lại, không có điểm ngừng. Những lời nói hằng
ngày của mẹ, những lời mà khi còn ở bên mẹ, cô chẳng bao giờ suy nghĩ
sâu xa, thậm chí đôi khi còn xem như thứ vô giá trị, nay lại dội ngược
lên tâm trí cô như những con sóng cuộn trào. Cô đã hiểu ra một điều. Đó
là vị thế của mẹ trong cuộc đời không hề thay đổi ngay cả khi chiến
tranh đã đi qua, ngay cả khi gia đình này đã có của ăn của để. Khi gia
đình lâu ngày mới gặp mặt, lúc mọi người đang ngồi quây quần quanh bàn
ăn trò chuyện cùng bố về cuộc bầu cử tổng thống thì mẹ vẫn phải cặm cụi
làm đồ ăn để bưng ra, vẫn phải lau chùi chén đĩa và giặt giũ phơi phóng
mớ giẻ. Mẹ còn phải lo việc sửa chữa cổng, mái nhà và sàn nhà. Lẽ ra cô
phải giúp đỡ mẹ những công việc mẹ làm không ngơi nghỉ ấy, đằng này cô
thậm chí còn xem đó là lẽ đương nhiên và vô tư coi đấy là công việc của
mẹ. Đôi khi, đúng như lời anh trai cô đã nói, cô nghĩ cuộc đời của mẹ
thật là đáng chán. Mặc dù mẹ đã luôn cố gắng cật lực để dành cho cô tất
cả những gì tốt đẹp nhất, tuy mẹ chưa một lần được ở trong hoàn cảnh
thuận lợi. Mặc dù chính mẹ là người đã vỗ về cô khi cô cảm thấy cô đơn.
Khi những chiếc lá non nhỏ xíu bắt đầu tua tủa nhú lên trên những cây ngân hạnh ở gần Tòa thị chính, cô ngồi thu mình dưới một gốc cây to
trên con đường lớn dẫn đến Samchong. Không thể tin được rằng mùa xuân
đang đến mà không có mẹ ở đây. Mặt đất đóng băng đang tan ra và cây cối
bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Trái tim cô, vốn là thứ đã giúp cô sống sót
qua thử thách này với niềm tin rằng một ngày kia cô sẽ tìm được mẹ, giờ
đây tan nát. Cho dù mẹ mất tích thì mùa hè vẫn đến, mùa thu sẽ lại
về và mùa đông cứ sang như vốn dĩ. Và con sẽ sống trong một thế giới
không có mẹ. Cô có thể tưởng tượng ra một con đường hoang vắng.
Người phụ nữ bị lạc đi đôi dép lê màu xanh đang bước lảo đảo trên con
đường đó.
Không cho bất kỳ ai trong gia đình hay biết, cô theo bạn trai sang
Roma khi anh tới đó tham dự hội thảo. Mặc dù chính anh đã đề nghị cô đi
cùng, anh không mong đợi cô đồng ý. Khi cô quyết định chắc chắn đi cùng, anh hơi ngạc nhiên, nhưng anh vẫn kiên nhẫn thu xếp một số thay đổi
trong lịch trình của mình. Trước ngày khởi hành, bạn trai cô còn gọi
điện cho cô để hỏi lại xem có gì thay đổi không. Khi lên chuyến máy bay
đến Roma cùng anh, lần đầu tiên cô tự hỏi không biết có phải ước mơ của
mẹ là được đi du lịch không. Bởi vì lúc nào mẹ cũng mặt mày lo lắng, bảo cô không được đi máy bay, nhưng mỗi khi cô trở về từ đâu đó, mẹ lại hỏi rất kỹ về nơi cô vừa tới thăm. Người Trung Quốc ăn mặc như thế nào? Thổ dân da đỏ cõng trẻ con ra sao? Ở Nhật Bản, món gì ngon nhất? Những câu
hỏi của mẹ làm cô xoay như chong chóng. Thế nên cô luôn trả lời ngắn
gọn, đàn ông Trung Quốc cởi trần vào mùa hè và cứ thế đi khắp nơi, người phụ nữ thổ dân da đỏ mà con nhìn thấy ở Peru địu con của mình trong cái túi lưới đeo bên sườn, món ăn của Nhật Bản rất ngọt. Nếu mẹ hỏi thêm,
cô sẽ bực mình đáp, “Rắc rối quá, con sẽ kể cho mẹ nghe sau!” Nhưng sau
đó cô chẳng có cơ hội để kể những chuyện ấy cho mẹ. Vì cô còn có rất
nhiều việc khác cần phải giải quyết. Cô ngả hẳn người ra ghế máy bay và
thở dài đánh thượt. Chính mẹ là người đã bảo cô nên sống ở một nơi nào
đó thật xa. Cũng chính mẹ là người đã gửi cô từ vùng quê nơi cô sinh ra
lên thành phố xa xôi từ khi cô còn ít tuổi. Người mẹ của thuở ấy. Cô đau đớn nhận ra rằng khi đưa cô lên thành phố rồi để cô ở lại và vội vàng
bắt chuyến tàu đêm để về quê, mẹ đúng bằng tuổi cô bây giờ. Một người
phụ nữ. Người phụ nữ ấy biến mất, từng chút từng chút một. Người phụ nữ
ấy đã phải quên đi niềm vui được sinh ra trên cuộc đời này, quên đi tuổi thơ và những ước mơ, lấy chồng trước cả khi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, sinh năm đứa con và nuôi nấng chúng. Đó là người phụ nữ không bao giờ
ngạc nhiên hay nao núng trước bất cứ điều gì, ít nhất là trong những
việc liên quan đến con cái. Đó là người phụ nữ đã phải chịu bao nhiêu hy sinh trong cuộc đời cho đến tận ngày bị mất tích. Cô thử làm phép so
sánh giữa chính cô với mẹ mình. Nhưng bản thân mẹ đã là một thế giới
hoàn chỉnh. Nếu là mẹ, cô đã không chạy trốn như thế này, chạy trốn khỏi sự sợ hãi.
Nói cho đúng thì toàn bộ thành phố Roma là một khu di tích lịch sử.
Tất cả những điều xấu về Roma mà cô được nghe là: nhân viên ngành đường
sắt thường xuyên bãi công và thậm chí không bao giờ xin lỗi hành khách,
những kẻ xấu sẽ kéo tay bạn và giật đồng hồ đeo tay của bạn ngay trước
mắt bạn, về đêm đường phố sẽ bị vẽ bậy và chất đầy rác rưởi. Cô không
quan tâm đến những điều đó. Cô thờ ơ giương mắt nhìn khi tay tài xế taxi trộm đồ của mình và một kẻ nào đó chôm ngay chiếc kính mát cô vừa tháo
ra để bên cạnh. Nhưng cô vẫn một mình đi đến nhiều khu phế tích trong
suốt ba ngày qua, khi bạn trai cô phải tham dự hội thảo. Cô đi tới những nơi như chợ Roma, đấu trường cổ, nhà tắm công cộng Calacalla, khu hầm
mộ. Cô đứng lặng người trong những khu phế tích mênh mông của thành phố
rộng lớn này. Mọi thứ ở Roma đều là biểu tượng của nền văn minh. Mặc dù
những vết tích của quá khứ trải rộng ra trước mắt cô bất kể nơi nào cô
bước chân tới, cô không lưu giữ một điều gì trong trái tim mình.
Giờ đây, cô đang ngắm nhìn những bức tượng thánh ngoài quảng trường,
nhưng ánh mắt cô không dừng lại ở nơi nào cả. Người hướng dẫn viên du
lịch giải thích rằng Vatican không chỉ là một quốc gia của thế giới thế
tục mà còn là đất nước của Chúa. Lãnh thổ chưa đầy 44 héc ta, nhưng lại
là một quốc gia độc lập có hệ thống tiền tệ và tem bưu chính riêng. Cô
không để ý gì đến những lời giải thích của hướng dẫn viên. Mắt cô hết
nhìn người này lại tới người kia. Mặc dù chỉ có ít người ở xung quanh
đây, ánh mắt bất an của cô vẫn nhảy từ gương mặt này sang gương mặt
khác, cô tự hỏi liệu mẹ có ở đâu đó quanh đây không? Vẫn biết chẳng có
lý gì mẹ lại ở trong nhóm du khách phương Tây này, nhưng ngay lúc này
đây, ánh mắt của cô không sao ngưng lại ở một thứ gì đó được. Bất chợt
cô chạm phải ánh mắt của người hướng dẫn, anh ta từng kể mình tới đây
học thanh nhạc đã được bảy năm. Cảm thấy bối rối vì không đeo tai nghe,
cô đành lấy tai nghe đeo lên. “Vatican là quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới,” hướng dẫn viên tiếp tục giới thiệu. “Nhưng mỗi ngày có đến
ba vạn người tới tham quan nơi này.” Ngay khi lời giới thiệu của người
hướng dẫn lọt vào tai cô thông qua tai nghe, cô cắn phập vào phía trong
môi dưới. Lời của mẹ bất chợt xuất hiện trong đầu cô. Chuyện đó xảy ra
khi nào nhỉ? Mẹ đã từng hỏi cô nước nào là nước nhỏ nhất thế giới. Mẹ
còn đề nghị là nếu có khi nào cô tới đó thì hãy mua cho mẹ một chuỗi
tràng hạt làm từ gỗ hồng mộc. Nước nhỏ nhất thế giới. Cô bỗng tập trung
chú ý. Đất nước này phải không? Đất nước Vatican này sao?
Vẫn đeo tai nghe, cô tách ra khỏi đoàn người lúc đó đang ngồi phía
dưới bậc thềm đá hoa cương để tránh nắng và một mình đi vào viện bảo
tàng. Mẹ đã nói là chuỗi tràng hạt làm từ gỗ hồng mộc sao? Cô đi lướt
qua những tác phẩm điêu khắc và những bức tranh tường lộng lẫy trải dài
như vô tận trước mắt. Chắc chắn quanh đây phải có cửa hàng bán đồ lưu
niệm. Thể nào cũng có chuỗi tràng hạt hoa hồng ở đó. Cô mau lẹ lách qua
mọi người để đi tìm chuỗi tràng hạt hoa hồng rồi dừng bước ở điện thờ
trong nhà nguyện Sistine. Michelangielo đã treo mình trên xà của cái
trần cao tít này hằng ngày trong hơn bốn năm trời để thực hiện bức bích
họa này ư? Kích cỡ khổng lồ của bức bích họa vĩ đại đó khiến cô hết sức
kinh ngạc, trông thật khác hẳn với những gì cô thấy trong sách báo. Nếu
kết thúc dự án này mà danh họa không gặp những vấn đề về thể chất thì
mới là lạ. Sự gian truân và nhiệt huyết của người họa sĩ tràn xuống như
mưa rơi trên gương mặt cô khi cô đứng dưới bức tranh Chúa tạo ra Adam. Dự cảm của cô quả không sai. Ngay khi ra khỏi nhà nguyện Sistine, cô
nhìn thấy một cửa hàng bán sách và đồ lưu niệm. Mấy bà xơ mặc áo trắng
đang đứng sau quầy. Cô bắt gặp ánh mắt của một bà xơ trong số đó.
“Quý khách là người Hàn Quốc phải không?” Một câu tiếng Hàn bật ra từ miệng bà xơ.
“Vâng.”
“Tôi cũng đến từ Hàn Quốc. Cô là người Hàn Quốc đầu tiên mà tôi gặp
kể từ khi tôi đến đây đấy. Tôi đến đây bốn ngày trước.” Bà xơ mỉm cười.
“Cửa hàng có chuỗi tràng hạt hoa hồng không ạ?”
“Chuỗi tràng hạt hoa hồng ư?”
“Chuỗi tràng hạt làm từ gỗ hồng mộc ấy?”
“À.” Bà xơ dẫn cô đến một góc của quầy hàng. “Có phải cái này không?”
Cô đón lấy cái hộp gỗ hồng mộc bà xơ đưa cho và mở ra xem. Từ trong
cái hộp được đóng kín, hương hoa hồng tỏa ra ngào ngạt. Mẹ có biết mùi
hương này không nhỉ?
“Nó vừa được một linh mục ban phước lành sáng nay đấy.”
Có phải đây là chuỗi tràng hạt hoa hồng mà mẹ đã nhắc đến không nhỉ?
“Có phải chuỗi tràng hạt hoa hồng này chỉ có thể tìm thấy ở đây không?”
“Không, ở đâu cũng có ấy mà. Nhưng dù sao đây là Vatican, chuỗi tràng hạt hoa hồng ở đây sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn.”
Cô nhìn chăm chú vào miếng dán đề 15 Euro trên chiếc hộp đựng chuỗi
tràng hạt. Bàn tay cô run run khi đưa tiền cho bà xơ. Khi đưa chiếc hộp
cho cô, bà xơ hỏi, “Cô mua làm quà à?” Làm quà ư? Mình có thể tặng cho mẹ thứ này được không? Mình có thể không? Khi cô gật đầu, bà xơ lấy trong quầy ra một phong bì màu trắng in hình bức
tượng Đức Mẹ Sầu Bi, cho chiếc hộp đựng chuỗi tràng hạt vào rồi dùng keo dán lại.
Cầm chiếc hộp đựng chuỗi tràng hạt hoa hồng trên tay, cô rảo bước ra
phía Thánh đường St. Peter. Từ cửa vào, cô nhìn vào bên trong. Ánh sáng
từ trần thánh đường hình cầu tuôn chảy bên trên tán che bàn thờ chính
tráng lệ, bằng đồng. Các thiên thần bay lơ lửng giữa những đám mây trắng trong bức bích họa trên trần. Cô bước một bước vào Thánh đường và nhìn
lên vầng hào quang lớn được sơn bóng loáng đang đung đưa phía xa xa.
Đang bước xuôi lối đi chính giữa tới chỗ vầng hào quang đó, bước chân cô bỗng trở nên ngập ngừng. Có cái gì đó kéo cô rất mạnh. Cái gì vậy nhỉ?
Cô lách qua đám đông, bước về phía có thứ đang hút cô như nam châm. Mọi
người đang nhìn cái gì thế nhỉ? Cô ngẩng đầu nhìn theo. Thì ra đó là bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi của Michelangielo. Bức tượng Đức Mẹ đang ôm thi thể đứa con trai trong lòng nằm gọn sau tấm kính chắc chắn. Như thể bị ai
lôi đi, cô vội vã lướt qua đám đông đến trước bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi.
Ngay khi nhìn thấy dáng vẻ trang nhã của Đức Mẹ đang ôm thi thể người
con trai vừa trút hơi thở cuối cùng, cô cảm thấy như mình hóa đá ngay
tại chỗ. Bức tượng đó làm bằng cẩm thạch đúng không nhỉ? Dường như thi
thể người con trai vẫn còn chút hơi ấm. Nhìn xuống thi thể người con
trai nằm trong lòng mình, đôi mắt của Đức Mẹ như chìm vào tận cùng đau
khổ. Mặc dù cái chết chắc hẳn đã đi qua, cơ thể hai mẹ con dường như vẫn rất thật; tưởng chừng như một cái móng tay cũng có thể bấm vào da thịt
họ. Người phụ nữ đã bị từ chối bổn phận làm mẹ vẫn mở rộng lòng mình ôm
ấp thi thể đứa con trai. Hai mẹ con họ trông hết sức sống động, như thể
còn đang sống. Cô cảm thấy có ai đó đang đập đập vào lưng mình nên vội
vàng quay lại nhìn. Cô có cảm giác như mẹ đang đứng ở đằng sau lưng.
Cô nhận ra mình có thói quen nghĩ về mẹ mỗi khi có những chuyện không hay xảy đến trong cuộc sống. Bởi vì cứ nghĩ đến mẹ là chừng như mọi thứ quay trở lại đúng quỹ đạo, và một nguồn sức mạnh mới lại trào dâng
trong cô. Cô vẫn quen tay gọi điện cho mẹ ngay cả khi mẹ đã mất tích. Có nhiều ngày cô định gọi điện cho mẹ nhưng rồi lại đứng lặng người. Cô
lấy chuỗi tràng hạt hoa hồng ra đặt trước bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi rồi
quỳ xuống. Dường như bàn tay kẹp dưới nách người con trai đã chết của
Đức Mẹ đang động đậy. Quả thực quá nặng nề khi phải nhìn bộ dạng khổ não của Đức Mẹ trong lúc ôm thi thể của người con trai đã chết sau khi bị
những cơn đau giày vò. Tất cả âm thanh bỗng dưng vụt biến mất, và ánh
sáng tràn xuống từ trần thánh đường cũng tắt lịm. Thánh đường của đất
nước nhỏ nhất trên thế giới này chợt rơi vào sự tĩnh lặng thăm thẳm. Máu không ngừng rỉ ra từ chỗ da mềm mại phía trong môi dưới của cô. Cô nuốt ngụm máu đã chảy đầy trong miệng rồi cố gắng ngẩng mặt lên ngước nhìn
Đức Mẹ. Lòng bàn tay của cô tự nhiên với ra để chạm vào tấm kính chắc
chắn ấy. Nếu có thể, cô muốn che đôi mắt sầu thương của Đức Mẹ lại. Cô
có thể ngửi thấy hương dầu thơm của mẹ nồng nàn quanh đây, như thể cô đã nằm ngủ chung chăn với mẹ tối hôm qua và ôm chặt lấy mẹ ngay khi cô
tỉnh giấc vào buổi sáng hôm nay.
Có một mùa đông, mẹ nắm lấy đôi tay nhỏ bé, lạnh cóng của cô bằng bàn tay thô kệch của mình và dắt cô đến gần bếp lò trong bếp. “Chao ôi, tay con lạnh như băng rồi!” Hai mẹ con ngồi trước lò, mẹ ôm cô vào lòng,
xoa xoa liên hồi cho tay cô ấm lên, cô hít hà mùi thơm đặc biệt của mẹ.
Cô cảm thấy như những ngón tay đó dưới nách người con trai đã ngừng
thở của Đức Mẹ đang vươn dài ra vuốt ve má cô. Cô vẫn quỳ gối trước Đức
Mẹ, Người đang chật vật cố nâng cánh tay của con trai, móng tay của
người mẹ bấm lõm trên da thịt người con, cho đến tận khi cô không còn
nghe thấy tiếng bước chân nào trong thánh đường. Cô chợt mở choàng mắt.
Cô nhìn chằm chằm vào đôi môi của Đức Mẹ nằm phía dưới đôi mắt đang đắm
chìm trong nỗi buồn bất tận. Đôi môi ấy đang mím chặt với vẻ thanh nhã
bất khả xâm phạm. Cô buông một tiếng thở dài. Đôi môi thanh nhã của Đức
Mẹ đã vượt qua nỗi buồn trong mắt, trở thành niềm trắc ẩn. Cô lại nhìn
thi thể người con trai đã chết. Cánh tay và đôi chân của người con vẫn
đang gác trên đầu gối Đức Mẹ một cách thật yên bình. Cho dù đã chết,
người con ấy vẫn nhận được sự an ủi của người mẹ. Nếu cô nói với bất kỳ
ai trong nhà là cô đi du lịch, họ sẽ cho rằng cô đã từ bỏ việc tìm mẹ.
Không có cách gì để thuyết phục mọi người nghĩ khác đi, thế nên cô đã
đến Roma mà không nói cho ai biết. Cô đến đấy để ngắm bức tượng Đức Mẹ
Sầu Bi ư? Khi bạn trai rủ cô đến Ý cùng với anh ấy, có lẽ cô đã vô thức
nghĩ đến bức tượng Đức Mẹ đang chìm đắm trong khổ đau khi ôm lấy thi thể người con trai này. Cũng có thể cô đã muốn được cầu nguyện ở chính nơi
này, cầu xin cho cô được nhìn thấy một lần cuối cùng người phụ nữ sống
trong đất nước nhỏ bé ở rìa đại lục châu Á xa xôi, cầu xin tìm thấy
người phụ nữ ấy, và đó chính là lý do cô đến đây. Nhưng cũng có thể
không phải vậy. Có thể cô đã biết rằng mẹ không còn tồn tại trên thế
giới này nữa. Có thể cô đến đây vì muốn cầu xin mọi người đừng lãng quên mẹ, hãy yêu thương mẹ. Nhưng giờ đây, nhìn thấy bức tượng đặt trên bệ
phía bên kia tấm kính, cánh tay yếu ớt của Đức Mẹ ôm trọn mọi nỗi buồn
của nhân loại từ khi Chúa sáng thế, cô không nói được điều gì. Cô cứ
nhìn chăm chú vào đôi môi Đức Mẹ. Cô nhắm mắt lại và một giọt nước mắt
lăn xuống gò má cô. Cô quay bước, loạng choạng rời khỏi nơi đó. Một đoàn linh mục và con chiên đi qua bên cạnh cô, có lẽ họ sắp làm lễ Thánh
Misa. Cô bước ra cửa thánh đường, lơ đãng nhìn xuống quảng trường bao
bọc bởi những hành lang dài hun hút cùng vầng ánh sáng chói lòa. Phải
cho đến tận lúc này câu nói mà cô đã không thể thốt lên trước tượng Đức
Mẹ mới bật ra khỏi miệng cô.
Hãy chăm sóc mẹ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT