Khi báo cáo đề án hành động của mình với Warrens, Bảy Dĩ đã không quên nhắc đến một lực lượng mật vụ của người Tàu Hải ngoại dưới sự lãnh đạo của Hứa Vĩnh Thanh, Warrens cũng đã có cả một hồ sơ về "Hồi Phong vạn biến" nhưng có thể nói rằng những dữ liệu của ông ta thu thập được rất nghèo nàn. Thời còn Nguyễn Văn Thiệu, mật vụ Việt Nam Cộng hòa đã truy lùng đánh phá tổ chức này rất ác liệt nhưng "Hồi Phong" vẫn tồn tại vì phương thức tự vệ bằng đồng tiền của họ. Hầu hết sĩ quan cảnh sát được giao việt này đều nhận của đút lót của Hứa Vĩnh Thanh nên những tội phạm "bị bắn tại trận" đều là dân lành vô tội được ấn vào tay một số bằng chứng nguỵ tạo. Vì vậy đã bao lần nâng cốc mừng thắng lợi tận diệt mạng lưới đặc vụ kinh tế của mấy chú "chiệc Chợ Lớn", Hồi Phong vẫn nguyên vẹn và điệp viên của họ đều có mặt trong các cuộc hội họp của Nội các, của Tổng trưởng, tại phòng khách của các nghị sĩ, của giới thượng lưu giàu có để dắt mũi nhà cầm quyền trong mọi chương trình kinh tế xã hội. CIA thu thập các tư liệu về "Hồi Phong" qua cộng tác viên của họ ở Sở cảnh sát Ngụy quyền nên những gì Warrens có được trong lưu trữ hiện nay đều là hàng giả, hàng thiếu tiêu chuẩn.

Sau khi Nam Việt Nam lọt vào tay cộng sản. Mỹ không chú ý đến lực lượng nhỏ bé này nữa. Họ tưởng nó đã bị cơn lốc của thời cuộc quét sạch khỏi vùng đất nóng bỏng này. Tiếp sau đó là sự liên minh vì những lợi ích chiến lược song song khiến CIA chú mục vào Bắc Kinh nhiều hơn. Họ đã bỏ rơi Tàu trắng, Tàu vàng khá nhiều lĩnh vực.

Nhưng Bảy Dĩ thì lại không coi nhẹ lực lượng này. Kinh nghiệm ở Sài Gòn bao nhiêu năm Dĩ biết: chú Chiệc đã cắm chân vào mảnh đất màu mỡ này từ nhiều thế kỷ trước đây. Trước cả những nhà truyền giáo Bồ Đào Nha. Trước xa đội quân xâm lược của thực dân Pháp. Họ tồn tại, làm giàu, phát đạt được là nhờ biết cách gắn bó với nhau trong một cộng đồng. Họ có đối sách khôn khéo, mềm dẻo với dân bản địa để tranh thủ tình cảm của họ. Đại đa số người Hoa đã Việt hóa hòa nhập vào xã hội nhú anh em một nhà. Nhưng những tổ chức bí mật OACO, GCO vẫn len lỏi hoạt động loi kéo họ truyền cho họ cái tinh thần Đại Hán theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan để sử dụng họ vào đủ các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị nữa.

Chính sách đoàn kết hữu nghị giữa các chủng tộc của Hà Nội bao hàm cả tinh thần giai cấp tinh thần quốc tế, giải phóng người nghèo đã trở thành vũ khí đáng sợ. Nó làm tan rã mục tiêu tối thượng của đám người giàu có trong cái chính phủ vô hình từng khống chế họ trước đây. Vì vậy phản ứng của OSCO trở nên quyết liệt hơn. Bắc Kinh đã cố len vào đứng sau các phản ứng này. Họ cần có những hoạt động chống đối của cái gọi là đạo quân thứ năm.

Nếu CIA khôn khéo biết mở mặt trận mới ở đây họ có thể lợi dụng được những mâu thuẫn để thúc đẩy tinh thần phản loạn của nhiều tầng lớp, nhiều cộng đồng xã hội, chủng tộc hơn.

Trong nhiều năm qua, cộng sản Việt Nam đã phải đau đầu với vấn đề hóc búa này. nhưng vẫn không dẹp nổi. Nếu có sự tiếp xúc của CIA thì diễn biến của tình hình sẽ ra sao? Dù không tạo ra được những chuyển biến có tầm cỡ chiến lược thì chí ít cũng giữ được mối bùng nhùng hiện nay. Chỉ riêng cái đó cũng có thể coi là thành quả quan trọng, kìm chân, làm chảy máu, làm suy yếu Việt Nam trong tương lai.

Nghe Bảy Dĩ phân tích, Warrens rất hài lòng. Cái thân hình to lớn như con gấu bông đứng dậy ôm lấy anh chàng châu Á thấp lùn mà vỗ về như cha nựng con:

- OK! Ông đã tìm cho tôi một hướng đi. Ông có thể nêu một chương trình cụ thể được không?

- Thưa ngài, chúng ta cần bỏ tiền ra mua quyền chỉ huy lực lượng đặc vụ này.

- Chủ thật sự của nó là ai?

- Hiện nay thì chưa biết chắc, nhưng ta có thể lần ra.

Warrens nghi ngờ:

- Vấn đề là ở chỗ đó. Liệu chúng ta có gặp phải những thằng cha bán trời không văn tự như anh chàng Tô-cách-lan Fergusson bán trụ Nelson trên Quảng trường Trafalgar cho André Poisson, Mộng Vân bán cuốn phim Cagul-jaune cho chính Warrens này không?

- Thưa ông Warrens. Mọi giao kèo ta phải nắm đằng chuôi và sự bảo hành phải được cam kết bằng máu. Tôi sẽ không quăng tiền của ông qua cửa sổ.

- OK! Thế hướng thăm dò của ông là ai vậy?

- Ông Hứa Vĩnh Thanh. Tôi hy vọng là ông ta nắm được manh mối.

- Ông ta là một đặc vụ chuyên nghiệp. Như một cầu thủ đá bóng, nay ký hợp đồng với đội này, mai với đội khác. Và vì vậy mà ông ta biết nhiều.

- Thôi được, hãy chờ xem.

Warrens phôn xuống phòng tư liệu. Mười giây sau đèn tín hiệu trên bàn huỳnh quang của máy điện toán nhấp nháy. Hai tấm ảnh nhìn nghiêng và chính diện của Hứa Vĩnh Thanh hiện ra. Sau đó đến hồ sơ lý lịch của ông ta. Phần quá trình hoạt động gián điệp quá nghèo nàn. Nét đậm nhất là chuyển bức mật thư của Trung Quốc đến Bộ Ngoại giao Mỹ qua tiến sĩ Price mở đầu cho thời kỳ xoay chuyển chính sách của Mỹ đối với Hoa Lục.

- Đây là tất cả những gì về "anh chàng Fergusson" của chúng ta!

- Tủ hồ sơ lưu trữ của chúng ta phải được bổ sung thêm nhiều lắm. Thưa ông Warrens. Bộ nhớ tinh vi, những bộ sưu tập lại quá nghèo nàn. Chúng ta đã nhòm ngó vào mọi xó xỉnh trên thế giới bên bị mắc hội chứng "đa thư loạn mục". Quan sát rộng nhưng mật độ mỏng nên hiệu suất thấp. Nếu ta không xoay lại sự suy nghĩ thì có thể chính bộ máy điện toán đồ sộ này mới đúng là anh chàng Fergusson của chúng ta.

Warrens tròn mắt nhìn Bảy Dĩ. Cái thằng châu Á nhỏ thó này lại muốn dạy khôn cho cả những bộ óc chiến lược của trung tâm tình báo Hoa Kỳ... Nhưng ý kiến của hắn cũng không đến nỗi tồi. Thì nhiều lần máy tính đã cho ra những dự báo hoang đường, thậm chí còn lố bịch đó thôi. Cả tin vào nó có bữa mất mạng.

- Thôi được, ta hãy khoan bàn về hệ thống lưu trữ ông hãy vạch ra một hướng đi cụ thể. Thí dụ ngay chiều nay ta phải làm để một ngày nào có thể mua được cả đạo quân "Hồi Phong" đó?

- Nếu ngài cho phép thì tôi sẽ gặp Hứa Vĩnh Thanh nêu vấn đề và nếu thuận lợi thì mặc cả luôn.

- Giá cả thế nào? Quyền hành của tôi chỉ được phép ký những hợp đồng không quá một triệu đô-la. Vượt quá số đó phải được Langley xét duyệt.

- Thưa ngài tôi chỉ dám đi những bước mà chúng ta được phép.

...

Bảy Dĩ dùng thông tin thương mại mời Hứa Vĩnh Thanh đến bàn một áp-phe tài chính quan trọng. Tuy không quen thân nhưng biết Dĩ là người tâm phúc của Warrens nên Hứa nhận lời ngay. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong một biệt thự nhỏ bên bờ sông Ména. Sau khi làm hết các thủ tục xã giao thông thường, chủ khách ngồi cùng một chiếc đi văng như thể bạn thân lâu ngày gặp lại. Ông Hứa đã mở đầu câu chuyện vừa là tình cảm riêng tư, vừa là thăm dò tình hình.

- Thưa ông Bảy, chẳng hay quí ông có nhận được thêm tin tức gì về vụ "Đại hội quốc dân" nữa không? Chúng tôi rất lao tâm khổ tứ vì lẽ Hoàng Qúy Nhân ngoài trọng trách là thủ lĩnh quốc gia, anh ấy còn là giai tế của tôi nữa, không biết giờ đây sống chết ra sao. Qúy ông có lo tính phương kế gì nhằm giải cứu cho những chiến hữu của chúng ta không?

- Thưa cụ, về vấn đề này chúng tôi cũng rất đau đớn. Chưa có nguồn tin nào khả dĩ coi là sự thật được. Phía cộng sản cũng hoàn toàn câm lặng. Điều này càng làm cho chúng ta khó xử.

- Chẳng lẽ những báo cáo từ nội địa của các điệp viên kỳ cựu thuộc quý cơ quan cũng không đảm bảo được độ tin cậy sao?

- Nguyên tắc chung là các phân đội hoạt động độc lập ông Nhân chỉ huy họ, nhưng họ cũng chăng biết ông ấy là ai và ở đâu. Chỉ có tổ đài duy nhất đi bên ông Nhân là có thể thông báo được sự thật, nhưng tiếc là nó đã câm lặng từ ngày xay ra thảm họa. Chỉ khi nào xác định được sự sống còn thì vấn đề giải cứu mới có thể đặt ra. Còn bây giờ thì biết cứu ai và ở đâu?

- Tôi thấy cần phải thành lập một ủy ban điều tra về thảm họa này, trừ phi chúng ta bỏ trống xứ sở này vĩnh viễn.

- Chưa có một ủy ban như ý cụ, nhưng chúng tôi cũng đã có một nhóm chuyên viên đặc trách vấn đề này. Tuy nhiên muốn có hiệu lực, chúng ta cần có nhiều ăng-ten trong nội địa hơn nửa. Phải tập trung được mọi nguồn tin tức vào một khối thì mới đủ dử kiện mà phân tích, mà ứng phó và tiến công vào mạng lưới sắt của cộng sản được.

- Ăng-ten của các ông hiện độc quyền mọi tin tức ở vùng này.

- Thưa cụ chúng tôi chỉ áp đảo về số lượng thôi chứ không độc quyền. Nếu tôi không lầm thì cụ cũng có một cái vốn không nhỏ. - Bảy Dĩ nháy mắt cười vui vẻ.

- Ông nói vậy thôi thứ tôi đâu có làm cái công việc như các ông? Người đời hiểu lầm tôi là vì có thời kỳ tôi ở trong ban lãnh đạo Liên hiệp Hoa kiều Sài Gòn - Chợ Lớn. Tổ chức của chúng tôi chỉ nhằm liên kết những người tha hương lại để đấu tranh cho sự tồn tại, bảo vệ quyền sống, quyền bình đẳng hợp pháp của cộng đồng người Hoa mà thôi.

- Thực ra cái ủy ban ấy chỉ là cái vỏ bề ngoài. Bên trong nó thực sự là một chính quyền bí mật, một siêu chánh phủ, ngoài chính phủ. Nó cũng có lực lượng ngoại giao, phòng vệ, an ninh mật vụ, kinh tế tài chánh chứ có thiếu chức năng nào đâu. Nghe nói sau khi Tạ Vinh chết thì cái quyền lực bí mật đó thuộc về cụ mà.

Hứa Vĩnh Thanh giật mình. Cái thằng cha này nhòm ngó vào tổ chức của ông để làm gì. Thực tình ông đã chuyển nó cho Lee Chou Yan theo một thỏa thuận mới đây ở Hồng Kông. Hứa bỗng thấy tiếc. Giá Bảy Dĩ đi sớm một nước cờ thì có thể ông đã gạ nhượng quyền cho CIA. Thường là người Mỹ ham những thứ này và mua với gia cao hơn. Nhưng mua bán những thứ này cũng nguy hiểm chẳng kém gì buôn ma túy. Nay đã trắng tay thì không nên bén mảng đến cái thị trường ma qủy này làm gì. Vì vậy Hứa Vĩnh Thanh đã cương quyết đánh trống lảng không cho Dĩ khơi lại chuyện cũ nữa.

Cuối cùng Dĩ phải đưa ra một sự mồi chài rất sống sượng.

- Tình hình Việt Nam không cho phép chúng ta chia năm sẻ bảy nữa. Cần phải thu quyền chỉ huy về một mối. Nhân danh đại diện cho ông Warrens tôi muốn được cụ nhường lại cho quyền điều khiển tổ chức "Hồi Phong vạn biến" với một giá hấp dẫn. Nếu thực thứ đó không thuộc quyền cụ sẽ có phần hoa hồng xứng đảng.

Hứa đứng dậy đùng đùng nổi giận:

- Tại sao ông lại đặt vấn đề đó ra với tôi? Ông cho rằng đồng đô-la có thể dắt mũi được tôi sao? Một lần nữa tôi xin trả lời ông là chưa bao giờ tôi dinh líu vào thứ hàng đó. Tạm biệt ông.

Nói rồi Hứa ra xe đi liền làm cho Bảy Dĩ tưng hửng. Y vừa ngượng vừa ức, nhưng y lại tự an ủi. "Mấy cha chiệc này ranh ma lắm. Khi được vời đến, hắn giữ giá làm cao. Nhưng cần thì mấy đô-la lẻ chúng cũng kiếm".

Nửa tháng sau Bảy Dĩ nhận được một cú điện thoại viễn thông của Hứa Vĩnh Thanh. Tiếng ông ta yếu ớt phía đầu máy bên kia.

- Ông Bảy Dĩ đấy à? Hello! Hứa đây. Món hàng ông nhờ tôi hỏi giúp chưa định giá được. Tôi không thể nói tỉ mỉ với ông qua máy được. Nếu ông còn thấy cần xin hãy đến chỗ tôi tôi giới thiệu.

Bảy Dĩ đi Hồng Kông ngay. Đến nơi thấy ông Thanh nằm liệt giường. Dĩ kéo ghế ngồi xuống bên. Ông Thanh ra hiệu cho bác sĩ và con cái ra ngoài rồi thì thào với Dĩ:

- Chúng ta gặp nhau quá muộn. Đúng là món hàng đó thuộc quyền tôi. Cách đây hai tháng mụ tỉ phú Đỏ Lee Chou Yan đã bức tôi phải nhượng cho nó. Sau khi thay đổi hệ mật mã chỉ huy chúng nó đã quỵt của tôi gần toàn bộ ngân khoản đã thoả thuận. Thế là tôi phá sản, trong tay chỉ còn sót lại một tín vật duy nhất mà nó chưa đánh hơi thấy. Để trả thù, chúng nó tôi xin tiết lộ cho ông danh tính người cầm đầu tổ chức ở quốc nội. Với tín vật trong tay, các ông có thể điều đình giá cả trực tiếp với ông ta.

- Người đó là ai?

- Chu Bội Ngọc, chủ tiệm Minerva's Treasure.

- Tín hiệu liên lạc?

- Cái Nhẫn...

Hứa Vĩnh Thanh đưa tay lên như cố để nói tiếp, để ra hiệu nhưng bỗng mặt ông đờ dại rồi ngất xỉu đi. Bay Dĩ cầm lấy bàn tay nhưng không có cái nhẫn nào ở đấy. Bàn tay ông lành lạnh làm cho Dĩ hoảng hốt. Y gọi thân chủ vào, vị bác sĩ đã nhanh chóng tiêm thuốc trợ tim cho ông già và yêu cầu mọi người ra ngoài cho thoáng.

Chờ một lúc lâu Hứa Vĩnh Thanh vẫn hôn mê, Dĩ đành quay lại khách sạn JohnBull. Chiều y đến thì ông Hứa đã tắt thở. Y xin vào phòng viếng người quá cố lần cuối cùng. Bảy Dĩ bỗng giật mình nhận ra chiếc nhẫn mặt ngọc màu tím xẫm đeo ở tay trái. Mắt y cứ chằm chằm báu vật định tìm cách xoáy nhưng không có thời cơ nào thuận lợi. Vả lại Dĩ cũng chẳng có tài ăn cắp vặt nên thèm mà đành kiềm chế lòng tham lại. Con cái cháu chắt ông Hứa rất đông lại luôn luôn túc trực hai bên hàng nền gắn dọc theo linh sàng. Dĩ cứ nấn ná chờ cho đến lúc khâm liệm.

Khi quấn vải cho tử thi Hứa Kim Hoa phát hiện ra cái nhẫn. Chị ta định tháo ra thì Jimi cản lại.

- Thôi cứ đeo cho ông dì ạ. Thứ đó cũng chẳng đáng là bao. Nó là kỷ vật của ông, cũng là thứ đồ trang sức duy nhất ông mang theo sang thế giới bên kia.

Mọi người làm theo ý cô gái. Và bỗng Bảy Dĩ vui mừng khôn xiết. Y đã đưa ông Hứa đến tận nghĩa địa Bạch Cốt Điếm.

Trở về Westland Bảy Dĩ đã báo cáo toàn bộ cuộc đối thoại ngắn ngủi đó cho Westland và y đề xuất một kế hoạch bí mật khai quật ngay ngôi mộ Hứa Vĩnh Thanh để tháo lấy cái nhẫn quan trọng đó.

- Đã chắc gì đấy là cái nhẫn tín vật cần cho ta.

- Tôi đã nghe rõ đứa cháu gái nói đây là cái nhẫn duy nhất ông hay đeo, là kỷ vật thiêng liêng của ông. Tôi tin chính nó là cái nhẫn thần đầy ma lực của Alađanh!

Warrens đã cho Tomado-le-loup cùng Bảy Dĩ đi lo liệu việc này. Tomado bắt mối với tên phu đào huyệt của nghĩa địa Bạch Cốt Điểm. Công việc thuê mượn ngã giá. Chúng khởi sự vào ban đêm. Sau sáu giờ đào bới, nắp quan tài bật tung. Mùi uế khí xông lên nồng nặc. Tomado đeo găng tay và mặt nạ nhảy xuống lần bàn tay đã thối rửa của tử thi tháo lấy chiếc nhẫn. Rồi sai tên đào huyệt lấp lại cẩn thận. Nhưng tên đào huyệt chưa kịp tiêu số tiền lĩnh được thì đã bị dìm xác xuống biển.

Hai hôm sau chiếc nhẫn được khử trùng và đặt lên bàn làm việc của Warrens. Sau khi dùng kính lúp quan sát các chi tiết trên mặt nhẫn thấy hai chứ "Hồi Phong" viết thảo khắc trên viên đá quý vị thủ lĩnh Viễn Đông vụ mới vui vẻ bắt tay Bảy Dĩ.

- Ông tin thứ này chứ?

- Vâng, tôi tin.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play