Vừa hành quân từ Điện Biên Phủ về Phan Lương nghỉ ngơi được vài ngày thì đồng chí đại đội trưởng gọi tôi lên gặp riêng. Anh nói:
- Cấp trên có lệnh điều cậu đi nhận công tác mới. Mình cũng
chưa biết nội dung công việc, nhưng mình cứ chúc cậu gặp nhiều may mắn.
Chỉ có điều là cả trung đoàn ta trên chỉ gọi mình cậu, do đó cậu cũng
không nên nói rộng chuyện này cho ai. Chia tay anh em thì cậu cứ nói ra
được chuyển sang đơn vị khác.
Việc điều động quả bất ngờ với tôi. Thật tình tôi luôn luôn bị
ám ảnh về thành phần giai cấp của của mình, khó mà có thể nhận được một
sự tín nhiệm lớn lao. Tôi biết có một số con em địa chủ lúc đó buộc phải rời khỏi quân đội. Một số tuy là rất ít có vấn đề đối với nông dân được trả về địa phương để đối chứng với cuộc đấu tranh giai cấp. Phải chăng
tôi cũng thuộc loại này? Tôi thấy tâm hồn mình u tối lại. Nhưng rồi lý
trí cũng đánh thức tôi. Khi ở nhà tôi hãy còn trẻ đã làm nên tội lỗi gì. Hơn nữa vùng quê tôi còn trong địch hậu, chưa có cải cách ruộng đất.
Như vậy làm gì có chuyện nông dân đòi tôi về. Thế là tôi lại yên tâm vui vẻ lên đường.
Tôi nhớ mãi hôm chia tay đồng đội. Anh em nhìn tôi lưu luyến,
nhưng cũng có những cặp mắt chứa đựng những dấu hỏi im lặnng. Đã vào
sinh ra tử với nhau ngoài mặt trận, đã chân thành với nhau trong chỉnh
quân chính trị thì mối thiện cảm với nhau cũng đã được xây dựng bền
vững. Chúng tôi ôm nhau xúc động. Tôi ra đi một mình không ai đưa tiễn.
Chỉ khi lên đến Phòng chính trị sư đoàn đồng chí trợ lý cán bộ mới đưa
cho tôi giấy tờ và một bức thư nhỏ. Tôi mở ra đọc vội. Bức thư chỉ vẻn
vẹn có mấy dòng:
Cháu Phan Quang Nghĩa.
Mẹ cháu ốm. Cậu xin phép cho cháu về thăm, tiện chuyến về Khu
Ba công tác. Cậu chờ cháu ở xóm Trung xã Hoàng Văn Thụ, Đại Từ - Thái
Nguyên. Cháu phải thu xếp nhanh, cậu sợ không kịp.
Cậu của cháu - Nguyễn Hữu Đức
11 tháng 6 năm 1954
Thì ra câu chuyện chỉ có thế. Tôi vừa mừng vừa lo cho mẹ tôi.
Không hiểu tại sao cậu Đức lại biết tôi hành quân về mà xin cấp trên cho tôi nghỉ phép. Câu chuyện đơn giản thế mà đại đội lại không thông báo
cho tôi rõ ràng? Tại sao tôi lại phải mang toàn bộ tư trang và tấm giấy
phép lại kèm theo cả giấy chuyển cung cấp về P.46? Khi tôi chưa thể lý
giải được những sự kiện trên thì ký ức về người cậu họ lại dần dần tái
hiện trong tôi lọc qua những lớp bụi thời gian mờ ảo.
Cậu Đức là em họ xa của mẹ tôi. Là người có học hành đỗ đạt nên cậu nổi bật trong số những người thân bên ngoại. Quê mẹ tôi ở xa nên từ nhỏ tôi chỉ về thăm vài lần và cũng chưa được gặp cậu. Nhưng lần nào về tôi cũng được nghe họ hàng nói về cậu. Mười hai tuổi đầu cậu đã học
xong những bộ sách chữ nho Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung Dung... dày cộp mà nhiều người khác sôi kinh nấu sử từ thuở thiếu thời tới lúc vợ
con đàn đống mà vẫn chưa thông hiểu chữ nghĩa của Thánh hiền. Gia đình
thấy cậu sáng dạ và cái chữ Nho cũng đến thời mạt vận nên quyết định cho cậu theo tân học. Nhà ông bà nghèo nhưng cả họ xúm vào giúp đỡ, cậu
được ra tỉnh theo việc đèn sách và cậu đã không phụ lòng cha mẹ. Tám năm sau cậu kiếm được cái bằng "đíp-lôm", làm rạng danh tổ tông làng xóm.
Cậu không tiếp tục học nữa mà đi kiếm việc làm. Nhưng hình như cậu cũng
không gặp may vì tuy chí thú như vậy cậu cũng chẳng đưa được đồng nào về nuôi dưỡng mẹ cha, đền ơn họ mạc. Năm 1944 không còn ai gặp cậu. Người
đồn cậu bị vào tù, người nói cậu trốn đi Xiêm. Năm 1945 cách mạng thành
công mọi người mới vỡ lẽ là cậu theo Việt Minh lên chiến khu hoạt động.
Tôi đã tưởng tượng ra cậu và luôn luôn tự hào qua những giai thoại về
cậu được bà con kể lại. Mãi tới sau ngày kháng chiến toàn quốc, trong
một lần đi công tác cậu mới tạt qua thăm gia đình chúng tôi. Tôi được
nhìn cậu lần đần trong bộ ka ki màu vàng của Vệ quốc quân, một khẩu súng ngắn đeo lệch bên sườn, một chiếc thắt lưng tổ ong to bản "rất đúng
mốt" vào những năm 47, 48. Mẹ tôi rất kiêu hãnh về người em họ của mình, đặc biệt khi cậu ngồi nói chuyện về thời sự đất nước và quốc tế trước
đám cử tọa gọi là am hiểu nhất của cánh nội chúng tôi. Tôi thấv trái tim mình tràn đầy lòng yêu nước, và nếu như lúc này người ta chấp nhận cho
tôi đứng dưới lá Quân kỳ thì tôi sẽ không bao giờ lùi bước trong những
trận đánh đầu rơi máu chảy. Đêm hôm đó hai cậu cháu tôi nói chuyện với
nhau đến khuya. Tôi ngỏ ý xin đi theo cậu nhưng cậu chê tôi còn nhỏ quá. Cậu khuyên tôi cố gắng học hành, sớm muộn nguyên vọng của tôi sẽ được
thực hiện. Từ đó thỉnh thoảng tôi có thư từ qua lại với cậu theo nhiều
địa chỉ.
Năm 1949 giặc Pháp đánh ra đồng bằng, tôi phải bỏ dở học hành
phiêu bạt vào Thanh Hóa và xin tòng quân. Tôi viết thư báo tin cho cậu
và mong đợi thư trả lời. Nhưng từ đó đến nay tôi mới nhận được mấy dòng
ngắn ngủi của cậu. Tôi mong mỏi tới gặp cậu để kể cho cậu nghe những
chuyện chiến đấu của tôi ở Điện Biên mà tôi tin là cậu tôi sẽ rất vui
mừng.
Chỉ một ngày mà tôi cuốc bộ từ Phan Lương đến Đại Từ. Đôi chân
của tôi tỏ ra thiện nghệ và ngoan ngoãn. Tôi phải lần theo địa chỉ trên
và đến được nơi tiếp nhận. Khi tôi đưa mẩu giấy ra, chị thường trực vui
vẻ nói với tôi:
- Anh Đức chờ chú mấy bữa nay rồi. Anh cứ lo là chú đã chuyển
đi đơn vị khác. Tối nay chú cứ nghỉ đây. Tôi gọi điện và báo tin. Sớm
mai thế nào cậu cháu cũng được gặp nhau.
Chị bảo người chuẩn bị cơm nước và chỗ ngủ tôi rồi xách đèn đi
gọi điện thoại. Bữa cơm tối đó rất ngon miệng tuy chỉ có một đĩa măng
luộc và mấv thìa muối vừng. Cứ nghĩ đến chuyện sắp được cùng cậu về quê
thăm mẹ, lòng tôi lại phơi phới. Tôi mắc màn và nghĩ bụng đêm nay sẽ ngủ một giấc quên chết để phục hồi lại cái năng lượng cuốc bộ hơn năm mươi
cây số thì có tiếng bước chân người và ánh đèn pin từ phía ngoài.
- Nghĩa đấy à, cậu mong mãi?
- Cậu! Cháu đấy ! - Tôi chạy ra đón cậu. Ánh đèn sáng lên khuôn mặt vui vẻ và nhiệt tình của cậu.
- Lớn quá! Đúng là một chiến sĩ Điện Biên Phủ! Cơm nước rồi
chứ? Thôi cuốn màn lại, vào trong kia cậu cháu ta nói chuyện cho vui -
Cậu quay lại phía chị thường trực - Chúng tôi vào K2 ngay bây giờ.
Cậu giúp tôi đeo chiếc ba lô nhẹ tênh lên vai. Dưới ánh đèn pin tôi theo cậu tôi đi một đoạn đường rừng chừng hai cây số thì đến một
căn nhà lá của cơ quan. Một căn nhà đơn độc nằm giữa một vùng rừng rậm
bao la. Một người, có lẽ là bộ đội, đã chờ sẵn.
- Báo cáo, tôi đã thu xếp đầy đủ.
- Tối nay tôi cũng ngủ đây - Cậu nhìn cái ca và chiếc bi đông đặt trên bàn - Có nước nóng đấy chứ?
- Dạ, có cả trà nữa ạ.
- Thế là đủ rồi, đồng chí có thể về bên A3 được đấy.
Anh bộ đội gật đầu chào nghiêm chỉnh rồi đi luôn.
Tôi thấy một cái màn buông sẵn trên sạp nứa. Cơ quan kháng
chiến mà cũng có màn đôi. Nếp sống của lính gây cho tôi một cảm giác là
lạ và mới mẻ.
- Cháu ra rửa chân tay đi.
Cậu tôi bấm đèn cho tôi ra suối. Dòng nước mát làm cho tôi tỉnh táo và dễ chịu. Chúng tôi trở về và hai cậu cháu ngồi đối diện nhau
trước một chiếc bàn con kê bằng nứa. Một ngọn đèn nhỏ có chụp phòng
không tỏa một vòng sáng hẹp trên bàn. Cậu rót nước ra hai chiếc ca.
- Uống nước đi rồi cậu cháu ta nói chuyện.
Cậu nhìn thẳng vào cặp mắt tôi và tôi cũng nhận thấy tia sáng
lấp lánh của đôi mắt cậu ánh lên từ trong khoảng tối của chiếc chao đèn.
- Chắc là cháu mệt lắm nhỉ? Đi bộ năm mươi cây số một ngày là
giỏi lắm. Lẽ ra là để cháu nghỉ nhưng cật cháu ta đều ít thời gian quá.
Cháu vui lòng nói chuyện với cậu độ một tiếng nhé. Sau đó cháu sẽ ngủ
hay nằm suy nghĩ tùy cháu.
- Vâng, cháu có thể nói chuyện với cậu đến sáng. Cái mệt này có thấm đâu so với những đêm hành quân chiến đất ngoài mặt trận. Xin cậu
hãy tin là cháu đã trở thành người chiến sĩ thực thụ rồi chứ không mềm
yếu như một cậu học sinh nữa đâu.
- Tốt! À hồi đó cháu học đến đâu thì bỏ?
- Cháu học hết đệ nhị ở Khu Ba. Vào Khu Bốn học tiếp đệ tam được vài tháng là cháu đi bộ đội.
- Hồi đó có học tiếng Pháp, tiếng Anh không?
- Dạ... một tuần chỉ có bốn tiết sinh ngữ.
- Cháu còn nhớ được chút nào không?
- Dạ... Cháu cũng chưa kiểm tra lại. Chắc là bập bõm lắm. Vì trong kháng chiến môn này không được coi trọng.
- Đúng như vậy - im lặng một phút, cậu hỏi tôi với vẻ mặt rất
nghiêm trang - Cậu đang muốn kéo chán về công tác với cậu, cháu thấy thế nào?
Tuy chưa biết cậu làm công việc gì tôi vẫn hồ hởi đáp:
- Cháu mừng quá chứ ạ. Được công tác gần cậu thì con gì bằng, cháu chỉ sợ là cháu không đủ khả năng thôi.
Tôi trả lời không do dự, với tất cả tấm lòng chân thành của mình.
- Tất nhiên là công việc đòi hỏi phải có một trình độ nhất định. Nhưng tiêu chuẩn cao nhất là sự trung thành.
- Cái đó thì cháu có đủ, xin cậu hãy tin ở cháu - Tôi biểu hiện tiếng nói của mình kiên quyết như một lời thề - Trong thư cậu nói mẹ
cháu bị ốm, sao cậu biết được tin đó? Không biết đến nay sức khỏe mẹ
cháu ra sao?
- À, đó là chuyện cũ. Cách đây bảy tháng cậu có nhận được thư
của Huệ (Huệ là chị ruột tôi). Huệ nói mẹ cháu bị đau thấp qua loa,
nhưng chắc là không quan trọng lắm - Cậu mỉm cười - Mấy dòng cậu viết
cho cháu không có ý nghĩa gì về nội dung. Cậu không muốn ai biết công
việc của cậu cháu mình, và cậu mong cháu về đây ngay để hỏi cháu xem
cháu có thích công việc của cậu giao cho không?
- Việc gì thế cậu?
Tính tò mò của tôi bị kích thích ghê gớm. Tôi nhìn thẳng vào
cặp mắt của cậu để dò đoán nhưng tôi chỉ thấy sự trầm lặng nghiêm trang. Trước khi nói công việc cụ thể, cậu cần nói cho cháu nghe một số tình
hình... Cháu ở Điện Biên về chắc cháu đã tận mắt thấy chiến thắng to lớn của ta?
- Vâng, thật là vĩ đại. Cháu cứ nghĩ là mình thật quay mắn được tham dự trận đánh lịch sử này từ đầu đến cuối. Đó là một vinh hạnh
không phải ai cũng có được.
- Tầm vĩ đại của nó còn vượt xa những cái cháu nhìn tận mắt ở
chiến trường. Tình hình đã dẫn đến những bước ngoặt lớn của lịch sử.
Thua trận này quân Pháp có thể sẽ phải đau đớn lựa chọn những giải pháp
trên bàn hội nghị những giải pháp mà từ trước đến nay họ luôn luôn khước từ. Như cháu thấy đấy cuộc đàm phán Giơ-ne-vơ đang đi đến những bước
rất quan trọng và tế nhị. Về phía ta bao giờ cũng phải chuẩn bị cho cả
hai khả nàng. Nếu giới hiếu chiến còn thao túng được chính trường nước
Pháp đi theo cây gậy chỉ huy của Mỹ thì cuộc chiến tranh còn kéo dài và
chúng còn phải nhận những thất bại quân sự lớn hơn. Nhưng nếu ý nguyện
hòa bình của nhân dân Pháp thắng thế, phe chủ hòa nắm được quyền lực thì sẽ đi đến một thỏa hiệp. Tất nhiên do tương quan lực lượng như hiện
nay, một hiệp định hòa bình nếu có cũng chưa cho phép ta giành được
thắng lợi hoàn toàn. Cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc còn phải tiếp diễn trong một điều kiện mới. Sẽ có hai vùng tập kết quân đội và dĩ nhiên cũng sẽ là hai vùng khác nhau về chế độ và ảnh hưởng chính
trị. Trong khi chờ đợi thống nhất đất nước, cuộc đấu tranh trong vùng
quân Pháp kiểm soát sẽ rất gay go và quyết liệt. Nếu chúng ta không có
sự chuẩn bị trước thì địch sẽ giành được lợi thế trên những phạm vi bỏ
trống đó. Đấy là cậu chưa nói đến có thể tình hình còn diễn biến theo
những chiều hướng khác phức tạp hơn. Vì ngay từ lúc này Mỹ đã cố ngăn
chặn con đường đi đến giải pháp thì sau này biết đâu thừa lúc Pháp suy
yếu chúng sẽ nhảy vào để tiếp tục nắm bọn Việt gian chống lại sự nghiệp
cách mạng của nhân dân ta. Về cả hai phía, một mặt trận mới đang tăng
cường. Mặt trận thầm lặng đang dồn nén những sức mạnh ghê gớm và nó sẽ
nổi bật lên sau khi tiếng súng chiến tranh chấm dứt. Cậu được cấp trên
giao cho nhiệm vụ này. Dĩ nhiên là chỉ trên một lĩnh vực, một địa bàn
nào đó. Cậu cũng cần có một đội quân, tuy nó không đông như những tiến
đoàn, trung đoàn nhưng mỗi người lính ở đây đòi hỏi phải có một sự tự
nguyện, một ý chí kiên định, một khả năng tự chủ rất lớn, cháu có biết
không?
- Cháu biết.
- Tôi xúc động trả lời. Tuy tình hình khẩn trương, không không
thể chiêu binh mãi mã ào ạt được. Cậu phải chọn từng người. Mỗi người
thích hợp với một vai nhất định. Cậu bỗng nghĩ đến cháu. Hoàn cảnh của
cháu có những mặt thuận lợi hiếm có. Liệu cháu có muốn đứng trong đội
ngũ của những chiến sĩ đó không. Cậu chưa đòi hỏi cháu trả lời ngay.
Cháu cứ suy nghĩ kỹ đi. Nhưng khi đã tự nguyện thì vì danh dự của một
tình báo viên, cháu sẽ chấp nhận tất cả mọi thử thách và tuyệt đối trong thành với sự nghiệp cách mạng.
- Ngay giờ phút này xin cậu hãy ghi tên cháu vào đội ngũ. Cháu
không phải suy nghĩ lâu làm gì. Cháu hoàn toàn vui sướng được nhận nhiệm vụ này. Nó lôi cuốn cháu không phải vì những pha ly kỳ mạo hiểm mà là
cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Cháu biết nó không dễ dàng và có thể
phải hy sinh cuộc sống. Nhưng cháu tự nguyện. Nếu có phải tuyên thệ,
cháu xin sẵn sàng.
Giọng nói sôi nổi nhiệt tình và có vẻ bồng bột của tôi khiến
cho cậu phải đặt hai bàn tay lên đôi vai tôi như cố nén những xúc cảm
của tôi cho nó trở về với sự suy ngẫm của lý trí.
- Cháu không phải tuyên thệ, nhưng sự tự nguyện của cháu cũng
thiêng liêng như một lời tuyên thệ. Kẻ hèn nhát có tuyên thệ cả ngàn lần gặp gian nguy họ vẫn phản bội. Danh dự của cháu đảng bảo cho sự trung
thành. Cháu hăng lái như vậy là rất tốt. Nhưng cậu tin là cháu chưa hình dung công tác này một cách đầy đủ đâu. Cháu sẽ phải sống giữa bày sói,
tự mình chèo chống. Cháu sẽ phải bước vào một cuộc đời đối lập với chính mình. Phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt, phải có kỷ luật tự giác cao, phải vững vàng trước mọi cám dỗ về linh hồn lẫn thể xác. Phải chịu cảnh cô đơn của một người trên hoang đảo giữa biển người chứ không phải là biển nước. Tất nhiên cháu cũng sẽ có những phút giây hạnh phúc mỗi
khi hoàn thành nhiệm vụ nhưng niềm vui này không dễ đem chia sẻ cùng ai. Cháu vẫn sẽ vô danh với chiến công của mình. Vinh quang của người chiến sĩ tình báo là vầng sáng không ai nhìn thấy được. Thậm chí họ còn phải
chịu đựng cả sự phỉ báng của những người thân yêu chân chính.
- Cháu xin chấp nhận tất cả để đổi lấy niềm tin của cậu, đổi lấy sự tín nhiệm của Tổ Quốc.
- Cậu nảy ra ý định tuyển chọn cháu cũng đã là biểu hiện niềm
tin của cậu. Dưới con mắt của một số đồng chí, cháu xuất thân từ giai
cấp đối kháng đã gây cho anh em một số e ngại. Nhưng cậu hiểu cháu. Cậu
tin ở lòng yêu nước, yêu cách mạng của cháu, ở một con người đã được tôi luyện trong chiến đấu. Cháu lại có một hoàn cảnh đặc biệt để tiến hành
công tác này. Cậu hy vọng là cháu có thể chứng minh cho các đồng chí của cậu thấy nỗi phân vân của họ là vô nghĩa.
- Cháu sẽ chứng minh dù phải bằng cái chết.
- Không phải bằng cái chết mà bằng những chiến công. Tổ Quốc đòi hỏi ở mình chiến công chứ không phải là cái chết.
Cậu giải thích cho tôi hiểu rằng đưa một chiến sĩ tình báo tới
địa bàn tác chiến là rất công phu. Nếu phải một đổi một thì cũng coi như thất bại. Phải bảo toàn lực lượng. Không thể khinh xuất trong mọi tình
huống chưa cần thiết nhưng lại phải biết mạo hiểm trong những đột biến
của thời cơ - Cậu tôi chuyển sang chuyện gia đình:
- Lâu nay cháu có biết tin tức gì của anh Ân cháu không?
- Không ạ. Suốt từ đầu năm 1948 anh cháu vào thành và biệt tin.
- Bây giờ Phan Quang Ân không còn hành nghề luật sư nữa. Anh ta chuyển sang hoạt động chính trị rồi.
Vừa nói cậu vừa rút trong xắc cốt ra một tập báo cắt vụn, ghim lại thành một tập hồ sơ.
- Đây là những diễn văn, những tuyên ngôn của anh ta. Nhưng
thôi, để sáng mai cháu hãy xem. Ân tự xưng là không đảng phái nhưng anh
ta đã bắt tay với nhiều tên đầu đảng phản động. Bọn này đang tập hợp lực lượng để thành lập một liên minh chống cộng rộng lớn nhất. Anh ta viết
nhiều bài công kích chính sách của Pháp, nhưng hành động cụ thể anh ta
tìm kiếm chỗ dựa ở Mỹ, ve vãn một số giới cực đoan hiếu chiến theo đuổi
chủ trương đánh đến cùng.
Lướt qua vài mảnh báo, tôi nhận ra ngay chân dung ông anh tôi
trong những giảng đường, những diễn đàn, trong những buổi tiếp tân và
nhtíng phòng trà chính trị. Hình ảnh đó làm tái hiện lên cả một thời quá khứ của gia đình tôi.
Cha tôi là một trong những sĩ tử cuối cùng lều chõng đến trường thi để tìm kiếm công danh trong cái thời kỳ suy đồi của nho học. Ông đỗ cử nhân trong thập kỷ đầu của thế kỷ này và được bổ làm huấn đạo. Sau
năm năm, ông được thăng tri huyện, cái cấp thấp nhất trong ngạch quan
trường thời phong kiến. Vốn xuất thân từ con nhà bình dân, cha tôi là
một người giản dị, dễ yên phận và thỏa mãn. Trong cảnh đất nước nộ lệ,
viên quan huyện xuất thân từ nho học không được chính phủ bảo hộ ưu ái.
Nhiều vị đồng môn, đồng khoa với cha tôi có tấc lòng tiết tháo đã đi
theo tiếng gọi cứu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... Cha
tôi, thời trai trẻ có ảnh hưởng một phần và nghe đâu đã có lúc gắn bó
với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhưng chỉ qua một đợt khủng bố là
ông không còn can đảm để kiên định lý tưởng của mình nữa. Ông nằm im, an phận thủ thường và ít lâu sau về hưu sống ở quê nhà với số lợi tức nho
nhỏ kiếm từ dăm mẫu ruộng.
Cha tôi có hai vợ. Bà cả chỉ sinh được một người con trai. Đó
là anh Phan Quang Ân của tôi. Bà cả mất cha tôi nói lấy bà kế và sinh
được thêm lai người con: chị Huệ tôi và tôi. Lúc ấy cha tôi tuổi tác đã
cao. bổng lộc đã cạn. Chẳng bao lâu cha tôi mất. Đó là vào năm 1938 khi
tôi mới lên sáu tuổi. Theo phương ngôn: "Giấy rách giữ lấy lề", gia đình tôi rất chăm chút tới sự học hành của con cái. Anh tôi vẫn trọ học ở Hà Nội và anh đã leo lên các bậc thang kiến thức rất đều đặn. Giống cha
tôi thuở xưa, anh rất chăm chỉ, cần cù và năm 1943 anh đỗ cử nhân. Là
con chồng, nhưng anh tôi luôn luôn nhận được sự chăm sóc rất tận tình
của mẹ tôi người dì ghẻ mà anh quý như mẹ đẻ. Lẽ ra anh cũng được bổ tri huyện nối nghiệp cha, nhưng trong những năm chiến tranh thế giới thứ
hai, tình hình chính trị rất sôi động: gia đình tôi không muốn anh bước
chân vào chốn huyện đường làm gì. Anh đã thụ giáo nghề luật sư và mong
mỏi sau này mở một văn phòng bào chữa.
Một bước ngoặt quan trọng của đời anh có lẽ là sự kiện anh lấy vợ.
Đầu những năm bốn mươi hoàn cảnh gia đình tôi cũng không dư dật
lắm. Tuy có mấy mẫu ruộng nhưng cùng một lúc nuôi ba anh em đi trọ học ở Hà Nội mẹ tôi cũng phải rất chật vật. Gạo, tiền hàng tháng đều có ngữ.
Anh tôi phải chủ trì sự chi tiêu đèn sách cho cả ba anh em. Để đỡ túng
bấn, anh tôi phải tính kiếm thêm chút ít. Buổi tối, anh tôi chạy theo
mấy "cua prê-xép". Nhà giàu thời đó thường thích thuê sinh viên đến dạy
thêm cho con cái. Nhờ bạn bè mách bảo, anh tôi thường không thiếu công
việc. Anh tôi là một người khỏe mạnh, đẹp trai, học giỏi có tiếng. Tuy
ăn mạc không có gì sang trọng lắm, nhưng bao giờ cũng sạch sẽ gọn gàng.
Một cô nữ sinh con nhà giàu đã "cảm" anh tôi. Lúc đó tôi còn nhỏ chưa
hiểu rõ chuyện này. Tôi chỉ thấy đôi lần có chiếc xe Rơ-nô màu sữa đến
đón anh tôi hoặc đưa anh về nhà. Những năm chiến tranh, ét xăng rất
thiếu. Chỉ có những nhà giàu làm mới chạy xe ô tô nhà. Dùng ô tô để đi
đón gia sư thì lại càng là chuyện đặc biệt. Vì vậy chúng tôi đều rất tự
hào về anh của mình. Rồi có một lần bất chợt cô học sinh của anh tôi đến thăm chúng tôi. Hơn chục năm đi qua rồi mà cái ngày vui vẻ ấy vẫn còn
in đậm trong ký ức của tôi. Chị bước xuống xe trong bộ quần áo dài trắng muốt, đôi giày cũng trắng. Mái tóc dài làm nổi bật khuôn mặt hồng hào
xinh đẹp của chị. Anh tôi lúng túng đến tội nghiệp trước cái cảnh lộn
xộn chật chội của căn buồng ở chung của ba anh em. Một cái bàn học trò
kê sát vào chân tường. Những chồng sách vở đầy bụi bám cao ngất ngưởng
tới tận đỉnh màn. Bộ com-plê cũ được che bằng một tờ báo treo trên mắc.
Tường vôi vàng lở ố từng mảnh lớn. Những cái hòm đen như quét hắc ín kê
ngay trên đầu giường. Mấy cái ghế đẩu mỗi cái một kiểu, và ngay đến
những cái chén vàng cặn nước chè cũng không trọn bộ. Nhìn bộ quần áo
trắng tinh của chị, anh tôi không biết mời chị ngồi đâu. Cuối cùng chị
cũng ghé xuống thành giường. Chị chia quà cho chúng tôi, những gói kẹo
sô-cô-la mà con nhà nghèo ít khi được nếm. Và chẳng bao lâu chị đã là
chị dâu của chúng tôi.
Đám cưới của anh tôi cũng là một sự kiện lớn trong vùng quê
tôi. Đó là vào cuối năm 1944 khi anh tôi vừa giành được tấm văn bằng
luật lọc. Đón dâu về làng với một đoàn xe mười chiếc thì thật là chưa
từng có. Nhà trai chúng tôi chẳng có gì nhưng đám cưới vẫn linh đình.
Ông bà thông gia hào phóng đã đưa cho anh tôi mọi khoản chi cần thiết.
Cô dâu về đến nhà chồng chỉ ở lại ba tiếng. Sau khi tế tơ hồng, xe hoa
lại đưa cặp vợ chồng trẻ về thành phố. Đã có một ngôi nhà riêng dành cho họ trong tuần trăng mật.
Lớn lên tôi mới hình dung nổi sự giàu có của gia đình ông bố vợ anh tôi. Ông Cự Phách là chủ của nhiều cửa hiệu buôn ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Chủ hãng vận tải Phúc Lợi chiếm nửa cổ phần trong công ty thủy vận Long Vân, giám đốc công ty xuất nhập khẩu hàng tơ lụa, chủ nhà in Viễn
Đông... ông là một nhà kinh doanh giàu kinh nghiệm. Ông thành công trong nhiều áp phe lớn, đánh gục nhiều đối thủ một cách nhẹ nhàng và... cao
thượng như người ta thường nói. Ông muốn có một luật sư trong nhà để lo
liệu những khía cạnh pháp lý trong kinh doanh. Ông đã chọn anh tôi một
cách hài lòng và không chút tính đến sự chênh lệch về tài lực giữa hai
gia đình. Ông cũng có về chơi nhà tôi một lần. Ông trèo cây hái quả,
ngồi bệt xuống cầu ao câu cá, xuống bếp tán chuyện vui với mọi người
trong nhà và tuyệt nhiên không bao giờ khoe mẽ sự giàu có của mình. Đó
là một con người ngoài năm mươi tuổi, rất thực tế và am hiểu nhiều lĩnh
vực, năng động trong mọi hoàn cảnh.
Cách mạng tháng Tám thành công, anh tôi cũng vui sướng hòa mình vào dòng người biểu tình, hô đến khản cổ những khẩu hiệu Độc lập, Tự
do, Dân chủ, nhưng chỉ sau cái lừ mắt của ông bố vợ, anh đã tách mình
khỏi hơi thở của dân tộc. "Chờ xem tình hình ngã ngũ ra sao đã. Cái đám
người ồn ào hò hét như thác lũ đó không mạnh lắm đâu! Chỉ vài loạt liên
thanh, mấy chục cây thịt đổ ra đấy là chạy như vịt cả thôi. Hãy đợi xem
Việt Minh có võ khí gì và cường quốc nào đứng sau họ". Ông ta lấy kinh
nghiệm trong những cuộc chống bãi công và những hành động khủng bố trắng làm cơ sở cho sự xét đoán. Anh tôi nửa tin ông bố vợ, nhưng nửa bị
phong trào yêu nước lôi kéo đã trở nên hoang mang. Còn tôi và chị Huệ
tôi thì vô tư hơn, chúng tôi ủng hộ cách mạng hết mình.
Ngày 23 tháng 9 nam 1945 Pháp khởi hấn ở Sài Gòn. Được quân Anh yểm trợ, chúng đã chiếu nhiều vị trí trong thành phố.
Quân Tưởng vào Bắc vĩ tuyến 16 giải giáp quân Nhật. Đi theo
chân bọn Tàu là các phần tử Việt Nam quốc dân Đảng do Nguyễn Hải Thần
cầm đầu, chúng đòi chia xẻ thắng lợi và mưu toan tiếm đoạt quyền hành.
Những sự kiện trên củng cố sự hoài nghi của anh tôi.
Năm cách mạng cũng là năm nạn đói và dịch bệnh hoành hành dữ
dội. Hai chị em tôi vẫn ở căn buồng cũ gần chùa Am. Hàng tuần anh tôi
lại thăm và cho tiền khi chúng tôi thiếu thốn. Mặc dù rất quý anh, nhưng mẹ tôi không cho phép chúng tôi nhờ vả gì bên nhà thông gia vì sợ bị
người ta khinh.
Nhà chúng tôi liền tường với một vị trí của quân Tàu. Một buổi
sáng tỉnh dậy, tôi thấy một gói gì lập lờ trong chậu nước gạo, thì ra
một tên Tàu ô nào đó đại tiện vào giấy gói lại và ném sang. Chờ chúng
tôi lôi cái gói giấy ở thùng nước gạo ra, mấy tên Tàu mới ló đầu ra cửa
sổ gác nhà tám mái cười hô hố. Tôi nhìn lên thất mấv cái đầu trọc. Trước sự căm giận của chúng tôi, bộ mặt của những tên đó càng nhăn nhở khả ố.
Tôi kể lại chuyện trên làm anh tôi lo sợ. Chị Huệ tôi lúc đó
cũng đã mười sáu tuổi. Sống bên bọn lính ngoại quốc tồi tệ này lành sao
lường trước được mọi sự nguy hiểm. Anh tôi quyết định để chúng tôi tạm
lánh về quê chờ cho cái thời buổi nhiễu nhương này qua đi.
Từ ngày đó chúng tôi xa nhau. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ
không thấy anh tôi trở về. Có người gặp anh tản cư với gia đình vợ sang
bên Hưng Yên và đầu năm 1948 họ lại kéo nhau về Hà Nội. Sự thay đổi thái độ chính trị của anh tôi sau đó ra sao tôi không rõ.
- Nghĩa này cậu định cho cháu về với anh cháu. Trước mắt, trong
vài năm tới cháu chưa phải làm công tác gì lớn. Cháu cần phải học hành
thật tốt và tìm cho mình một chỗ đứng trong đội ngũ sĩ quan địch. Lúc đó cháu sẽ giúp được nhiều cho cách mạng. Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi phải kiên nhẫn mai phục, không thể vội vàng được.
- Vâng. Cháu chỉ muốn là trong thời gian đó, tuy chưa được giao việc nhưng cháu vẫn có được mối liên hệ chặt chẽ với tổ chức. Cháu sợ
sự cô đơn hơn là sợ kẻ thù.
- Sẽ có một mối liên hệ rất chặt chẽ với tổ chức. Một mối liên
hệ khăng khít và tế nhị đến mức mà cậu lo là cháu sẽ không dám chấp
nhận.
Cậu mỉm cười nhìn tôi. Nụ cười khó hiểu càng kích thích tính tò mò của tôi.
- Xin cậu cứ nói. Cháu sẽ chấp nhận mọi giá để hoàn thành nhiệm vụ.
- Mọi chuyện sẽ chỉ được nói vào lúc thích hợp. Công tác này
không thể nóng vội được. Cháu chỉ được phép biết những điều cần thiết
vào một thời điểm chín muồi. Ngay cả cậu cũng vậy thôi. Đó là nguyên tắc của nghề nghiệp. Trong công tác tình báo, một việc giao cho A nay rút
lại thì khi giao cho B phải dùng kế hoạch khác, dù rất tin A.
Câu chuyện giữa tôi và cậu tôi buổi tối hôm đó tuy ngắn ngủi
nhưng nó chứa đựng rất nhiều chủ đề. Cách trình bày sáng tỏ của cậu làm
cho tôi nhận thức được nhanh chóng và nó còn kích thích khát vọng của
tôi rất mạnh mẽ. Tôi muốn cậu nói nhiều hơn nữa, nhưng cậu đã dừng lại.
- Cháu ngủ đi. Mệt rồi đấy. Cậu không làm quá chương trình đâu? Cháu sẽ chờ đón những điều mới mẻ ở ngày mai. Không được thao thức.
Phải tập giữ cho thần kinh thăng bằng. Phải ổn định được tính cách thì
mới bình tĩnh trong những tình thế đột biến.
Nói xong cậu ngủ luôn, còn tôi, cái mệt mỏi của một ngày đường
bộ cũng không sao làm cho bộ óc tôi buồn ngủ. Tôi ôn lại toàn bộ câu
chuyện buổi tối hôm đó. Tâm hồn tôi lang thang trong ký ức của tuổi
thơ... Tôi chìa dần đi trong giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị.
Sáng hôm sau, khi tỉnh giấc tôi đã thấy cậu đứng ngoài sân tập
quyền. Tôi vội choàng dậy. Nắng sớm đã nhuộm vàng những ngọn núi cao.
Thấy tôi, cậu hỏi ngay:
- Đêm qua cháu ngủ ngon chứ?... Thao thức à? Muốn làm chủ giấc
ngủ của mình cũng phải tập đấy. Cậu định ngủ là ngủ, định thức là thức.
Nhìn xung quanh chỉ có rừng mênh mông, không thấy cơ quan của
cậu tôi đâu ngoài ngôi nhà bé nhỏ trơ vơ này. Như đoán ra thắc mắc của
tôi, cậu nói:
- Đây là cán nhà đặc biệt dành cho cháu đấy. Cơ quan còn cách
đây khá xa. Trong thời gian trao đổi nhiệm vụ với cháu, cháu không được
đi đâu xa. Tắm giặt dưới suối. Cơm nước có người mang đến. Cần gì cháu
cứ nói với cậu. Ai hỏi chuyện cháu đừng nói gì về lai lịch của mình và
công việc của chúng ta. Đó là nguyên tắc để đảm bảo an toàn lâu dài cho
cháu. Cháu rõ chưa?
- Vâng ạ. Bây giờ cậu về trong cơ quan. Tám giờ cậu cháu ta lại làm việc. Năm phút sau có một anh đứng tuổi mang cơm nước ra cho tôi.
Anh rất hà tiện lời nói nhưng lại hào phóng những nụ cười. Nghe giọng
nói tôi biết anh là người Tày. Sau khi lo cho tôi mọi thứ, anh chào tôi
ra về. Đúng tám gờ cậu tôi ra. Cậu mặc bộ quần áo màu gụ, đội mũ lá, vai đeo cái xắc cốt vải bạt. Tôi bỗng nhớ lại hình ảnh cậu trước đây bảy
năm và thấy thật là khác biệt. Giá mà gặp nhau ngoài đường thì tôi khó
mà nhận ra cậu. Việc đầu tiên trong buổi sáng hôm đó là cậu kiểm tra tôi về kiến thức văn hóa. Tôi còn nhớ rõ, tuy đã bỏ học ba năm: bài toán
hình tôi chỉ làm trong mười phút. Liếc qua két quả, cậu khen tôi là
thông minh. Nhưng khi cậu dùng tiếng Pháp để hỏi chuyện thì tôi lúng
túng quá. Cậu nói rất chậm và thể hiện cả ngữ điệu nhưng tôi đỏ mặt lên
và không sao trả lời được.
- Không hiểu gì à?
Tôi trả lời là có hiểu một số nhưng không sao trả lời nổi. Cậu
mở cặp đưa cho tôi một cuốn Lecture1 (Sách tập đọc) cũ kỹ. Cậu bảo tôi
dịch bài "Tiếng súng trong rừng", tôi lại dịch thành "Ánh lửa trong
rừng". Gập sách lại, cậu hơi thất vọng:
- Nếu cháu cố gắng lắm thì hai năm nữa mới có được bằng tú tài. Quân trường ba năm, xuất sắc ra hai mươi lăm tuổi cháu mới leo lên được cấp trung úy. Bao giờ "ông" lên được đại tá cho tôi nhờ!
Hai cậu cháu tôi ôm nhau cười. Nhưng rồi cậu nhún vai trở lại tư thế nghiêm nghị.
- Có cái ngẫu nhiên len loi qua hàng rừng cái tất nhiên. Biết
thế nào được. Sẽ có những nguồn xúc tác khác giúp cháu nhanh đến đích.
Cậu tôi kết thúc chuyện kiểm tra văn hóa sau một giờ nhưng cậu
bắt tôi chép đi chép lại bài thơ Auore1 (Hừng đông bài thơ của Paul
Valery. Trong sách này chúng tôi không phiên âm một số tiếng nước ngoài
những tên riêng Anh Pháp...) cho đến lúc thuộc lòng không sai một lỗi.
Mãi tới lúc ra đi tôi mới biết đó là một chiếc khuôn đúc mười chìa thoá
thật mã khác nhau để tôi mang theo dùng cho hai mươi năm liên tục! Đó là mạch thần kinh duy nhất duy trì mối liên hệ hoàn toàn riêng biệt giữa
tôi với tổ chức.
Trong những ngày ở biệt lập, ngoài cậu ra còn ba thày giáo nữa
đến dạy tôi. Các anh đến đúng giờ và chỉ nói đến các vấn đề chuyên môn
đơn thuần, ít lời và chính xác. Tôi làm quen với tám loại máy ảnh trong
đó có những loại cực nhỏ chuyên để sao tài liệu. Loại có ống kính tê lê
chụp xa, loại chuyên dùng phim cực nhạy để chụp những động tử có tốc độ
cao hay những nơi thiếu ánh sáng. Sau này tôi biết là những thứ đó đã
rất lạc hậu so với kỹ thuật hiện đại, nhưng những nguyên lý của nó giúp
tôi rất nhiều cho việc tiếp xúc với những khí tài tối tân hơn.
Một giáo viên dạy tôi về nguyên lý các máy thu phát vô tuyến,
về một số mẫu máy hiện đang thông dụng trong quân đội viễn chinh Pháp.
Bài học còn nhằm giúp tôi tự lắp được máy thu phát bằng linh kiện thương mại trên thị trường. Tôi phải tập đánh móc để biến ngôn ngữ mật mã
thành tín hiệu vô tuyến. Thật là bù đầu rối óc về những thứ này vì thời
gian quá ngắn.
- Vào nghề vừa làm vừa học - Cậu tôi nói - Đợt huấn luyện ngắn
ngày cũng chỉ giúp cháu nắm được khái quát nội dung công việc. Các môn
kỹ thuật phải có thời gian thực luyện. Thí dụ như bắn súng, võ thuật
cháu phải tập hàng ngày. Phải dựa vào thao trường, xạ trường của địch mà tập. Ngay cả các môn ghi hình, thu âm, sao chép cũng đều có thể tận
dụng phương tiện của địch mà học. Không ai một lúc giỏi ngay, nhất là
những tình báo viên kiểu của ta không có một trường chính quy nào đào
tạo họ.
Cậu ân cần củng cố niềm tin của tôi.
Rồi một bữa cậu đến báo cho tôi một tin rất quan trọng: Hiệp
định Giơ-ne-vơ về Đông Dương đã được ký kết và vùng tập kết của quân
Pháp sẽ là Nam vĩ tuyến 17. Công việc của tôi sẽ đặc biệt khẩn trương. Chương
trình học tập phải rút ngắn lại. Tôi được chụp ảnh, lăn tay và hoàn
thành các loại giấy tờ cần thiết.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT