Việc xin giấy tờ xuất cảnh cho Bạch Kim và cháu Phan Quang Trung cũng không đơn giản. Mặc dù đã được phía Pháp chấp nhận, mẹ con cô vẫn nằm trong một bản danh sách khá dài của những người "ra đi trong trật tự". Dưới sự tài trợ của HCR, việc thuê muớn phương tiện thường là chậm trễ. Đại tá Nguyễn Hữu Đức đã đề nghị cơ quan ngoại vụ cho cô đi sớm nhưng ông cũng không thể chỉ đích danh. Làm như vậy coi như công khai vai trò của điệp viên, vi phạm nguyên tắc nghiệp vụ. Đại tá chỉ có thể nói với những đồng chí cấp hộ chiếu là trong bản danh sách A hay B có người cần được cho đi trước. Nhưng chẳng may trong bản đó có một người vi phạm một điều của thủ tục thôi thì cô cũng vẫn phải chờ họ đến chuyến sau hoặc lâu hơn. Vì vậy đến mùa xuân năm 1976 hai mẹ con mới lên đường được.

Đại tá Nguyễn Hữu Đức mặc thường phục đứng lẫn vào đám người đưa tiễn ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ba cậu cháu ông con không nói gì với nhau. Họ chỉ chào nhau bằng ánh mắt liếc nhanh và nụ cười vô cớ? Khí chiếc Caravelle của hãng Air France cất cánh, đại tá mới thở dài nhẹ nhõm. Kế hoạch HB 5 khép lại giai đoạn 1.

Một tuần sau đại tá Nguyễn Hữu Đức nhận được bức thư đặc biệt từ Québec gửi về. Nhìn qua phong bì ông vui mừng vì N5 đã đến đích. Đại tá mở thư theo đúng qui tắc an toàn. Phần viết công khai chỉ để ngụy trang không chứa đựng điều gì quan trọng. Một kỹ thuật viên giúp ông kiểm tra lại máy phát từ trường chuyên dụng. Loại mực không màu K 16 rất nhạy cảm. Nếu để lá thu vào một từ trường sai lệch quá cường độ má khóa +- 0,2m - A thì toàn bộ hóa chất sẽ bị phân hủy, bức thư không bao giờ hiện màu nữa.

Năm phút sau một lá thư mực đỏ hiện lên rất lõ nét. Ông ghi lại những vấn đề chủ chốt vào hồ sơ HB 5. Vấn đề Hoàng Quý Nhân tưởng như đã loại bỏ ra ngoài vòng chiến thì nay bỗng hiện lên với nhiều dấu hỏi lớn. Đại tá quay máy gọi số điện thoại 64625.

- Alô. Tôi luyện gặp Trung tá Nguyễn Văn Bền.

- Bền đây. Ai gọi tôi đấy?

- Đức đây. Chào đồng chí. Mười bốn giờ anh lại chỗ tôi làm việc nhé. Một nửa tiếng thôi... À, có việc đột xuất cần mang theo hồ sơ X 472, tôi nhắc lại X 472.

- Dạ.

Khó khăn lắm cơ quan lưu trữ bảo mật mới tìm nổi cho anh Hai hồ sơ X 472. Nó được xếp vào loại "đã kết thúc". Trên mặt tờ bìa có hai nét chì đỏ gạch chéo. Anh đến gặp cấp trên sớm hai phút. Sau khi chào hỏi theo lễ nghi quân đội, đại tá mời anh ngồi. Ông ra khép cửa rồi quay lại hỏi đồng sự.

- Anh đem theo cả tài liệu đấy chứ?

- Dạ có đây. Liệu cái thây ma này còn cần thiết gì cho chúng ta - Hai Bền cười và đặt tập hồ sơ ngay ngắn trước mặt cấp trên.

- Nến nó bật áo quan ngồi dậy thì sao?

- Lại có chuyện kỳ lạ thế kia ạ? - Hai Bền tròn mắt ngạc nhiên. Ở trong nhà xác cũng có trường hợp người chết sống lại. Nhưng đã cháy thui rồi đem chôn chín tháng mười ngày mà còn nhổm dậy thì chỉ là chuyện thần thoại.

- Có lúc nào đồng chí nghĩ rằng cái xác cháy thui chỉ là một Hoàng Quý Nhân giả không?

Trung tá hơi lúng túng.

- Dạ tất cả các dấu vết đều chứng minh là xác của y.

- Khi tất cả những dấu vết đó lại đều là giả tạo thì sao?

- Dạ nếu vậy thì... thưa đại tá ít nhất phải có dấu hiệu nào chứng tỏ y còn sống.

- Có đấy! Tôi vừa nhận được nguồn tin của N5 báo về. Chính N5 đã được đọc lá thư của Hứa Vĩnh Thanh bố vợ của Nhân viết cho con gái ở Hồng Kông. Ông Thanh báo tin là Nhân vẫn còn sống tự do. Đồng chí hãy đọc kỹ lá thư này - Đại tá chuyển lá thư của N5 cho anh Hai - Trước mắt ta cần quan tâm đến hai vấn đề. Thứ nhất: Hoàng Quý Nhân ở lại vì không ra đi kịp hay y được lệnh phải nằm lại nên phải chuẩn bị cho mình một màn kịch? Thứ hai: Công việc y còn mắc mà chưa thể ra đi được là việc gì?

Sau khi đọc kỹ lá thư trung tá Bền nêu ý kiến của mình:

- Thưa đại tá, theo tôi giả thiết là lá thư N5 tình cờ đọc được là đúng sự thật thì ta chỉ cần tiến hành điều tra hai vấn đề trên là đủ. Nhưng nếu đây là lá thư giả thì sao? Ta sẽ sa đà vào một mục tiêu không có thực. Tôi đề nghị đồng thời với hai mục tiêu trên ta cần chứng minh lại cái chết của Hoàng Quý Nhân là đúng. Nếu chứng minh được điều này thì không cần bận tâm đến bất cứ một tin tức gì về y nữa.

- Tôi đồng ý với đồng chí. Nhưng tôi cho khả năng Hoàng Quý Nhân còn sống là mạnh, thậm chí rất quạnh. Một tên như y vừa cơ hội vừa thực dụng chưa chịu chết khi tình thế còn cho phép y lẩn trốn. Lá thư của Hứa Vĩnh Thanh là sự thực. Nếu ta coi đó là giả thì cái giả đó chẳng để làm gì, đánh lừa ai? Lừa ta hay con gái ông ta? Chỉ có một điều e ngại duy nhất là N5 không đọc được trực tiếp lá thư. Lá thư cũng không nói rõ tên Nhân. Sợ người dịch có sai sót mà N5 đoán sai ý tứ của lá thư thôi. Vì vậy tôi vẫn để đồng chí chứng minh thêm cái chết của Nhân.

- Vụ "Vie du Château" hồi đó tôi làm không được kỹ - Hai Bền thừa nhận - Nó xảy ra đúng vào ngày giải phóng Sài Gòn thành ra tâm trí tôi bị lôi cuốn vào nhiều vấn đề quá. Không ngờ bây giờ lại phải quay lại nó.

- Cũng may mà chúng ta còn sớm biết đường quay lại. Mới bảy tám tháng trời dù sao cũng còn nhiều cái chưa phai mờ hẳn. Bây giờ ta có thể phác thảo ra mấy nét cho chiến dịch này. Thứ nhất: Phong tỏa Hứa Vĩnh Thanh. Thư từ trong và ngoài nước. Người ra vào nhà ông ta hàng ngày phải được theo dõi. Chụp ảnh tất cả những người đàn ông trên hai mươi tuổi xem Nhân có xuất hiện không. Ta không có ảnh y nên phải làm như vậy. Chỉ mình đồng chí biết mặt nó nhưng không thể để đồng chí đi làm việc theo dõi được. Chưa có lệnh tôi tuyệt đối không đánh động tới ông Hứa Vĩnh Thanh. Ông ta còn là đối tượng của chúng ta ở một bình diện khác. Thứ hai: Phải tìm xem trong số những người làm việc với Nhân ở "Vie du Château" có ai còn lại không. Khai quật cái xác chết cháy xem xương có bị vết gì không, hóa nghiệm đất, nước nơi mai táng. Thứ ba: Tìm người đàn bà độ hai mươi bốn tuổi xinh đẹp có đứa còn gái nhỏ dị tật ở mắt phải, chồng là Bảy Dĩ di tản ngày 16 tháng 10 năm 1975. Lập hồ sơ riêng về Bảy Dĩ. Dựa trên những nội dung đó đồng chí làm một kế hoạch cụ thể để bộ chỉ huy thông qua vào giờ này ngày mai.

- Dạ, tôi sẽ làm ngay.

Trung tá Nguyễn Văn Bền thu các thứ vào tập hồ sơ X 472 rồi xin phép ra về.

Chiến dịch truy tìm tung tích Hoàng Quý Nhân được tiến hành ngay tức khắc sau khi có sự chấp nhận của bộ chỉ huy.

Khi công việc "phong tỏa" ngôi nhà của Hứa Vĩnh Thanh ở Chợ Lớn được thực hiện thì nhà tư bản ngưởi Hoa này hình như đã biến mất khỏi địa bàn. Tòa lâu đài đồ sộ năm tầng vẫn sáng ánh đèn, vẫn có người ra vào bình thường nhưng không thấy ông chủ xuất hiện. Trinh sát viên tìm cách dò la tin tức mấy cô gái làm công trong nhà nhưng họ đều nhận được một câu trả lời gần như thống nhất "không piếc, không piếc". Họ chụp được một số ảnh nhưng khỉ soát lại thì đó chỉ là những khách buôn quen thuộc. Tấm ảnh Hoàng Quý Nhân lấy từ hồ sơ lưu trữ sĩ quan cảnh sát chụp năm 1958 phóng ra trông rất trẻ. Khó mà so sảnh nổi với con rắn đã lột xác lần thứ hai. Trong các cuộc báo cáo giao ban, tin tức ở hướng này thật nghèo nàn, kém hấp dẫn.

- Hứa Vĩnh Thanh đi đâu? Di tản ra nước ngoài hay lánh mặt tới một địa điểm khác? Ta phải trả lời câu hỏi gián tiếp này trước đã - Đại tá Nguyễn Hữu Đức nêu vấn đề.

- Ta có thể phối hợp với bên công an cho kiểm tra hộ khẩu cả khu phố trong đó có nhà ông Thanh - Một ý kiến đề nghị.

- Mục tiêu số một của ta là Nhân. Bất cứ một hành động khác thường nào của chúng ta ở khu vực Hứa Vĩnh Thanh đều làm cho Nhân lỉnh xa cái bẫy duy nhất của ta.

- Tại sao ta lại phải kiêng nể biện pháp hành chính. Ta có thể cho lệnh bắt và hỏi cung chính ông ta về thắng tích của Nhân. Một trận đánh chớp nhoáng sẽ không cho phép Nhân kịp trở tay!

Mọi người bật cười về đề án tốc chiến tốc quyết đó. Đại tá Nguyễn Hữu Đức tỏ ra thận trọng hơn.

- Ta chẳng có lý do gì để bắt Hứa Vĩnh Thanh. Nên nhớ rằng ông ta còn là đối tượng theo dõi của chúng ta ở một bình diện khác. Dĩ nhiên ta có thể mời ông ta đến hỏi chuyện. Ta hãy nêu ra hai giả thuyết đối lập. Nếu ông Thanh trả lời có thấy Nhân xuất hiện thì giá trị của lời khai là khẳng định lại điều ta đã biết qua lá thư. Không chắc gì ông ta đã biết sào huyệt hiện tại của Nhân. Nến biết chưa chắc ông ta đã nói vì ông ta biết rõ điều gì sẽ xảy ra với con rể ông ta. Còn nếu Hứa Vĩnh Thanh trả lời là không gặp thì ta cũng không có lá thư của ông ta ở đây làm đối chứng. Nếu ta nói đã đọc được bức thư ở một nơi khác thì có khác gì ta thông báo cho ông ta vùng hoạt động của N5 để địch khoanh vùng bủa lưới. Sau cuộc nói chuyện ta phải để cho ông ta về nhà thì mục tiêu chiến dịch X 472 bị bại lộ. Hoàng Quý Nhân sẽ biết cách đối phó. Đó là chưa nói đến chuyện ngay lúc này ta cũng chưa biết ông ta nằm đâu mà đưa giấy mời!

Quyết định của bộ chỉ huy là tiếp tục "phong tỏa" địa bàn cũ.

Mục tiêu thứ hai là khai quật xác chết được coi là của Hoàng Quý Nhân. Tổ kỹ thuật của Phòng giám định pháp y đã có một báo cáo khá đầy đủ. Xác chết cháy nhiều đoạn làm xương bị hủy hoại. Không có dấu vết của đạn hoặc bất cứ sự gịâp gãy nào. Hội đồng xét nghiệm khẳng định nạn nhân bị đầu độc hoặc tự sát bằng một hóa chất độc cực mạnh mà ta chưa từng gặp. Kỹ thuật hiện có chưa xác định được công thức của nó. Mặc dù bị thiêu cháy và chôn dưới đất qua một mùa mưa, các độc tố cũng chưa phân hủy hết. Chiết suất chất đó từ nước trong quan tài đem thí nghiệm với chuột bằng đường tiêu hóa chuột chết trong vòng năm phút, bằng đường máu chuột chết trong vòng hai phút. Vô hại đối với đường hô hấp ở nồng độ hiện tại.

Đại tá Nguyễn Hữu Đức nhận xét:

- Sự việc trên cho ta một tia sáng nho nhỏ. Nếu nạn nhân tự tử bằng thuốc độc thì không cần thiết phải tự thiêu. Với liều lượng đó không cho phép kẻ tự sát tiến hành hỏa táng. Nếu y định tìm cái chết thì việc gì y phải thu dọn các dấu vết tội ác kỹ lưỡng như vậy. Theo tôi nạn nhân là kẻ bị đầu độc để làm hình nhân thế mạng cho tên tội phạm. Khả năng Hoàng Quý Nhân còn sống mạnh lên nhiều.

Tất cả những tin tức thu được hầu như cũng chỉ bổ trợ cho quyết tâm của các cán bộ phản gián mà thôi. Nhịp độ truy lùng thực sự bị chùng lại.

Mục tiêu thứ ba có một chút liên hệ đến hồ sơ X 472 là công việc điều tra lai lịch của Bảy Dĩ.

Trung tá Nguyễn Văn Bền đã phải liên hệ với cơ quan an ninh và hộ khẩu ở tất cả các quận trong thành phố xin bản danh sách những người trốn đi nước ngoài trong tháng 7. Anh lựa được hai người tên là Dĩ. Người có cô vợ xinh đẹp và đứa con gái dị tật ở mắt trái nguyên sống ở ngôi nhà 48- 2/5B phố Trần Hưng Đạo. Hai Bền đã đến gặp chị vợ của Dĩ để hỏi han tình hình. Cũng may có lá đơn của một người kiện Dĩ về tội lừa đảo ba lạng vàng. Người mất của yêu cầu nhà chức trách can thiệp để vợ anh ta phải bồi hoàn số tiền này.

Anh Hai mặc thường phục đứng trước ngôi nhà ba tầng năm hơi hụt sâu vào phía trong vỉa hè. Một chiếc cổng lớn đủ để lọt những xe tải hạng nặng, đóng kín. Hai Bền bấm chuông. Con chó béc-giê to lớn chồm lên sủa hai tiếng. Nửa phút sau có tiếng hỏi từ bên trong.

- Ai hỏi chi đó?

- Tôi muốn được gặp bà Lê Văn Dĩ.

- Xin lỗi ông là ai?

- Dạ, tôi là Hai Bền cán bộ của cơ quan kiểm sát quận. Tôi cần gặp bà Dĩ có chút việc.

- Tiếng dây xích rồi tiếng khóa lạch sạch. Một cánh cửa nhỏ khoét trong cánh lớn hé mở.

- Xin mời ông vào.

Hai Bền theo người đàn bà vào phòng khách. Chị ta mời anh ngồi rồi xin phép vào nhà trong ít phút. Anh liếc nhìn căn phòng khách khá rộng có treo những bức tranh phiên bản lớn của các danh họa châu Âu, những chao đèn sang trọng. Một chiếc tủ kính bày toàn bật lửa. Hàng trăm thứ bật lửa đủ kiểu, loại, từ chiếc bùi nhùi và hòn đá đến những thứ tân kỳ lạ mắt với những đường trang trí chạm gọt độc đáo... Năm phút sau người đàn bà đi xuống với chiếc áo dài lộng lẫy. Chị ta vừa thay đổi trang phục và tô điểm lại. Đó là một thiến phụ trạc hai nhăm tuổi xinh đẹp, mảnh mai với cặp mắt hơi buồn. Theo sau chị ta là người hầu gái bê chiếc khay đặt hai cốc đá. Thiếu phụ mở tủ lấy chai Chablis đặt xuống bàn.

- Ông dùng được thứ này chứ ạ?

- Xin lỗi, cho tôi uống nước lạnh thôi. Tôi dùng được mọi thứ rượu nhưng không bao giờ uống trong lúc thi hành nhiệm vụ.

- Quý ông chặt chẽ quá. Thứ này nhẹ thôi, vang vùng Bonrgogne mà. Quý ông không thể ban cho tôi một ngoại lệ được ạ? Hay ông dùng chút cà phê. Thứ đó không nguy hại gì đến sự minh mẫn.

- Vâng, xin cảm ơn chị.

Chị ta lắc chuông gọi cô giúp việc.

- Cho hai cà phê, em.

Chị quay lại phía khách.

- Dạ thưa ông, chẳng hay có công chuyện chi mà nhà chức trách cần gặp tôi?

- Có đơn kiện ông Dĩ lừa đảo một số vàng. Họ yêu cầu luật pháp buộc gia đình ông Dĩ phải bồi hoàn.

- Lê Văn Dĩ là chồng tôi, nhưng nay ảnh đã di tản đi quốc ngoại. Người gây tội phải chịu tội chứ chúng tôi đâu biết chuyện ai đã đưa tiền bạc cho chồng tôi mà bắt tôi bồi hoàn.

- Có gì chắc chắn là ông Dĩ đã trốn ra nước ngoài?

- Chồng tôi biệt tăm từ ngay 16 tháng 10 năm 1975.

- Chị có biết chuyện di tản đó không? Tôi muốn hỏi anh ta đã nói gì với chị trước lúc ra đi. Chẳng lẽ có hai vợ chồng với một đứa con lại chia đôi người đi kẻ ở.

Thiếu phụ cúi xuống rơm rớm nước mắt.

- Thưa ông, đúng là vợ chồng chúng tôi cũng đã bàn bạc với nhau sẽ ra đi. Anh ấy nói với tôi rằng anh chỉ có thể kiếm sống bằng buôn bán. Nay cách mạng về, xuất nhập khẩu nhà nước độc quyền không sao sống nổi. Chỉ có cách ra đi.

- Thế tại sao bữa ra đi anh ấy không mang hai má con theo?

- Dạ có đấy. Anh biểu tôi thu xếp tiền bạc, những gì quý và nhẹ thì mang theo, còn thì bỏ tất. Đến phương trời khác anh xây lại từ đầu. Tôi nhìn lại nhà cửa, đồ đạc, cái gì cũng thân thích với mình. Lao vào cuộc ruit may mới, biết có gặp điều tốt lành hay lại lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Sáng 15 tháng 10 anh nói đã kiếm được thuyền máy. Anh Trương Tấn Hào, đại úy hải quân vốn là bạn cũ của ảnh sẽ điều hành cuộc vượt biển. Có mười hai người nữa cũng chờ ở tiệm ăn Liên Hương. Những người này giao tiền bạc cho ảnh nhờ chuyển cho thuyền trưởng. Anh lấy xe ra đi cùng một người đàn ông to lớn theo sát bên anh từ sớm. Khách đi thuyền yên tâm chờ vì vợ con anh cùng vợ và bốn con của thuyền trưởng còn ngồi cả đấy. Chờ mãi, suốt đêm bọn tôi không ngủ được. Nhiều người khóc dở mếu dở. Sáng hôm sau họ quay lại đòi tiền tôi, nhưng tôi đâu có nhận tiền bạc chi của họ. Tôi còn ngồi đây chứ đi được đâu. Chúng tôi thuê xe về Sài Gòn và đoán là mấy người đàn ông và ghe máy bị an ninh bắt.

- Thế là bặt tin từ bữa ấy?

- Dạ, ba bữa sau tôi nhận được lá thư gửi qua bưu điện - Chị đứng dậy mở ngăn lấy lá thư đưa cho anh Hai Bền. Lá thư viết.

"Khánh Chi thương yêu.

Anh bị ba người đàn ông cưỡng bức ra đi không cho quay lại đón gia đình. Bọn anh van nài cũng không nổi vì chuyến đi đã bị lộ. Anh chỉ được phép việt về vài chữ cho em yên tâm. Tìm được chỗ làm ăn anh sẽ tin về để em tìm đường đi chuyến sau vậy. Em giúp cho chị Hào ba cây. Tội quá mấy má con chẳng còn chỗ nương tưa. Anh Hào cũng không ngờ tình thế đổ bể như vậy. Bọn anh cũng phải liều mạng thôi".

"Thương em và con nhiều"

"Dĩ"


Hai Bền có hỏi thêm về quan hệ bạn bè của Bảy Dĩ, nhưng những điều khai của Khánh Chi không có gì quan trọng. Cuối cùng anh nói với người đàn bà này:

- Chúng tôi cần giữ lá thư này để chứng tỏ Lê Văn Dĩ bị bắt buộc ra đi theo một tổ chức di tản chứ không phải anh ấy có ý định lừa đảo.

- Xin cảm ơn quý ông.

Chiến dịch X 472 chẳng những không tiến lên mà hình như bị đẩy lùi lại. Tin mới nhất cho hay Hứa Vĩnh Thanh và đứa con trai út đã biến mất. Ngôi nhà năm tầng đèn điện sáng trưng đó chỉ còn có một bà già, vợ cả của Hứa và mấy cô hầu gái. Sự dò lỏi tin tức cho biết là Hứa đã vắng mặt từ ba tháng nay. Lão đi đâu thì không ai biết. Người đoán lão vượt biển, người nói lão ra Hà Nội tìm họ hàng, và cũng có người nghi Hứa Vĩnh Thanh lẩn trốn ở một địa điểm nào đó vì lão chưa thể thu xếp được tài sản khổng lồ khắp thành phố này. Trong cái khu đông đúc phức tạp ở Chợ Lớn, đối với cách mạng nhiều "lãnh địa" chưa tràn vào nổi.

Nguyễn Văn Bền không phút nào được thanh thản. Sự bế tắc nhiều lúc làm anh nóng nảy. Anh muốn tiến hành một cuộc truy nã công khai, xét hỏi hàng loạt để tìm ra một hưởng đi nhanh chóng, nhưng không có một tổ chức nào được gọi là Phòng nghiên cứu hay khảo nghiệm về thẩm vấn hình sự do Hoàng Quý Nhân điều khiển. Vì vậy Hai Bền chưa tìm ra được danh sách nhân viên của nó. Anh cũng tìm đến trại cải tạo gặp nhiều sĩ quan cảnh sát cấp tá hỏi về tổ chức của Nhân ở Vie du Château nhưng không ai hay biết về cái phòng thí nghiệm kỳ quặc đó. Có thể đây đơn thuần chỉ là một trung tâm nghiên cứu tư nhân do một tổ chức bí mật, một ông bự nào đó bảo trợ, đài thọ về tài chính, chứ không phải của quốc gia. Các sĩ quan không có nhiệm vụ không được phép biết. Có lẽ phải đi thăm hỏi những người quanh khu vực tòa biệt thự. Biết đâu chẳng có người quen mặt nhưng nhân viên trước đây.

Hai Bền mặc bộ thường phục lấy xe máy lượn qua phía biệt thự Vie du Châteu. Anh thấy cánh cổng, tường bao mới sơn quét lại. Một tấm biển lởn đề "Trường mẫu giáo Chim non". Ôi, tại sao Quận lại lấy ngôi nhà này làm trường mẫu giáo nhỉ. Họ không biết được trước đây là địa ngục sao. Trong các căn buồng chỗ nào cũng thấm máu những người cách mạng, cũng có hóa chất độc. Công việc tẩy uế xét nghiệm đã đảm bảo chưa mà để trẻ nhỏ vào đấy. Anh định phóng xe về Quận góp ý kiến với các đồng chí lãnh đạo nhưng lại thấy ngài ngại. Anh sẽ phải gặp cô Năm Ngân.

Năm Ngân là báo vụ viên của A59 trước đây, dưới quyền chỉ huy của anh. Trong suốt hai mươi năm công tác, chị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trung thành tuyệt đối với cách mạng. Khi giải phóng Sài Gòn, nhu cầu cán bộ cơ sở rất lớn, tổ chức quyết định cho chị chuyển ngành. Hai Bền lại muốn giữ chị lại, chị phản ứng, cuối cùng chị vẫn được chuyển ra. Khi thấy phần nhận xét trong hồ sơ lý lịch của mình anh Hai đề "chưa quen công tác lãnh đạo, công tác vận động quần chúng", thì chị càng giận anh. Giờ đây Năm Ngân đã là Phó chủ tịch Quận, phụ trách vấn đề an ninh xã hội, phụ vận, Hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em... Công tác lãnh đạo, công tác vận động quần chúng chị đều làm tốt, trái với nhận xét của anh. Nhiều lần Hai Bền định đến thăm cô để "làm lành" nhưng công việc cứ cuốn anh đi. Nay có việc anh phải đến, ngượng cũng phải đến, âu cũng là dịp tốt để cô Năm thông cảm cho anh.

Khi Hai Bền đến trước phòng làm việc của Phó chủ tịch thì cánh cửa đóng. Anh hỏi thăm, cô thư ký đánh máy vui vẻ trả lời:

- Bữa nay cô Năm xuống phường, chiều họp quận ủy. Chú cần chi để cháu ghi vô chương trình làm việc của cô.

- Tôi đến thăm cô Năm thôi. Tôi là Hai Bền bạn cũ của cô Năm mà.

- Sao chú không lại nhà riêng?

- Ở dưới Bàn Cờ?

- Dạ không. Quận mới xếp cô Năm ở 196/35-2 Phan Châu Trinh. Tối nay mời chú lại, con sẽ thưa trước với cô. Cô con sống một mình buồn hiu, cứ nhủ bọn con lại chơi hoài. Tối nay nhé, con biểu cô con chờ.

- Cảm ơn cháu.

Đúng tám giờ Hai Bền phóng xe đến Phan Châu Trinh. Anh bấm chuông, cánh cửa mở. Năm Ngân xuất hiện trong bộ đồ mầu thiên thanh. Anh cảm thấy một cái gì nồng ấm tỏa ra từ người đồng chí từ gần nửa năm nay anh mới gặp lại.

- Mời anh Hai vô nhà.

Hai người ngồi đối diện nhau qua một cái bàn nhỏ.

- Nhà cô Năm đẹp quá!

- Nhà cơ quan đó. Anh em xếp em ở tạm cho gần nơi làm việc. Sống ở Bàn Cờ với cô bác thì vui hơn nhưng xa.

- Ở đây có mình cô Năm thôi à?

- Dạ! - Năm Ngân cười - Bạn với con mèo và chú vẹt Lora. Còn anh bây giờ ở đâu? Có nhà riêng chưa?

- Nhà riêng làm gì, một thân một mình! - Anh thở dài.

Năm Ngân nghiêm trang chuyển hướng câu chuyện:

- Anh Hai đến thăm em hay có công chuyện chi nữa đấy?

- Thăm cô Năm là chính, đồng thời cũng có một chút việc. Sáng nay tôi đi qua biệt thự Vie du Château thấy vừa trương lên tấm biển lớn "Trường Mẫu giáo Chim non". Cô Năm có biết ngôi nhà đó trước đây là cái gì không?

- Ngân nghe nói trước đây ngôi nhà thuộc sở hữu của một tên đại tá cảnh sát ngụy. Nó đã bỏ chạy ra nước ngoài.

- Điều đó thì không quan trọng. Cái chính là nó dùng làm nơi thí nghiệm tra tấn các cán bộ cách mạng bằng những phương pháp dã man nhất. Ở tầng dưới chúng tàng trữ nhiều loại thuốc độc hệ thần kinh, tiêu hoá và hô hấp rất nguy hiểm. Đêm 29 tháng 4 chúng đã đốt đi để phi tang tội ác nhưng khi tôi vào đấy nhiều thứ cháy chưa hết kể cả xác người. Nay ta định làm nhà trẻ thì công việc vệ sinh tẩy uế tiến hành ra sao cô Năm phải cho kiểm tra rất nghiêm ngặt.

- Cảm ơn anh Hai, anh nói em mới biết. Mai em sẽ bàn nhờ y tế xét nghiệm thiệt cẩn thận từng lầu từng buồng rồi mới khai trương.

- Đối tượng tuyển lựa giáo viên và học sinh như thế nào?

Năm Ngân cười:

- Anh Hai định xin cho chị Hai vào công tác hay cho cháu vào học?

- Trời, cô Năm cứ giỡn hoài. Bộ tôi thì có ai thương mà có chị Hai với con cái. Tôi hỏi là vì nhiệm vụ thiệt đó.

- Dạ, đây là nhà trẻ của phường nên các cô bảo mẫu cũng tuyển chủ yếu trong phường. Các cháu cũng thuộc trước hết là con em cán bộ và nhân dân lao động trong phường.

- Tôi muốn cô Năm hỏi giúp xem có cô giáo nào hoặc phụ huynh học sinh nào quen biết hoặc nhận mặt được một vài người đã làm việc ở biệt thự này trước ngày giải phóng mà nay vẫn còn ở lại đây không?

- Em sẽ giới thiệu anh Hai xuống gặp mấy cô giáo dưới đó. Bọn nó liên hệ với phụ huynh nhiều nên may ra có cơ hội giúp được anh Hai.

- Tôi muốn cô Năm làm trực tiếp thì nó kín đáo hơn. Cô Năm có thể nói lý do là hồ sơ ngôi nhà bị mất nên hy vọng những người cũ họ có biết gì thì họ chỉ bảo cho, kẻo đến lúc hỏng điện, hỏng nước không biết đường tu sửa.

- Em lo là mình chưa có kinh nghiệm công tác lãnh đạo, công tác quần chúng thì đâu có làm nổi việc đó mà dám nhận với anh Hai - Năm Ngân nhắc lại chuyện cũ với một vẻ châm chọc nhẹ nhàng.

- Trời, cô Năm "thù dai" tôi quá đó. Nếu nhận xét của tôi trước đây về cô Năm có sai lầm thì tôi xin lỗi, đừng giận tôi nghen.

- Em đâu có "thù" anh Hai. Em muốn anh Hai cũng phải làm quen với công tác quần chúng. Dưới đó có mấy con nhỏ dễ thương lắm. Biết đâu một công lại được đôi việc!

- Ôi, tôi đáng tuổi nội tuổi ngoại mấy con nhỏ đó mà cô Năm lại nói vậy thì nguy hiểm quá xá.

- Bây giờ đàn ông lấy vợ trẻ nhiều chớ. Nghe có một ông nhà văn đàng mình vừa bỏ vợ Hà Nội, vô đây lấy một cô hai ba tuổi làm chấn động dư luận.

- Bọn vô đạo đức đó thì kể chi. Cô Năm có thương tôi thì hãy làm mai cho tôi bà nào chừng bốn chục đó.

Câu nói của Hai Bền bỗng làm cho mặt cô Năm đỏ chín. Cô đành chịu lui:

- Nói giỡn vậy thôi chứ em sẽ giúp anh chuyện đó. Cùng nghề nghiệp với nhau mấy chục năm, anh nhờ có một việc đâu dám từ chối, phải không anh Hai.

- Cảm ơn cô Năm nhiều lắm. Xin phép cô Năm tôi về. Có điều chi cô Năm điện thoại cho tôi nghen.

- Dạ.

Hai Bền đứng dậy cúi chào người bạn gái rất trân trọng. Ra đến cửa anh còn quay lại chào lần nữa.

- Bộ anh Hai định không đến đây nữa sao mà chào hoài vậy - Chị Năm cười.

- Có chớ, công chuyện mới bắt đầu mà.

Khi anh đi rồi, chị Năm còn trông theo anh mãi. Hơn hai mươi năm công tác trong một tổ mà chằng để ý chi đến nỗi lòng của người bạn gái. Anh cứ giao việc cho chị như một cái máy. Anh say mê công việc, dồn hết tâm lực đối phó vời kẻ thù đến mức không kịp nghĩ đến mình. Anh trở nên khô khan, đôi lúc nóng nảy như lửa rồi lại quay sang trạng thái sắc lạnh như lưỡi gươm. Thực lòng Năm Ngân đã yêu anh. Thời còn trẻ chị là một cô gái xinh đẹp. Đã có nhiều chàng trai ướm hỏi nhưng chị phải cố tình xa lánh. Chị cũng nghĩ đến tình yêu đến hạnh phúc nhưng công việc của một điệp viên thu phát vô tuyến trong lòng địch không cho phép chị quan hệ rộng rãi được. Chị phải đóng cửa tâm hồn và năm tháng cứ qua đi. Mỗi lần gặp chị trong vài phút ngắn ngủi, Hai Bền chỉ nói đến nhiệm vụ, đến tình hình thế giới, trong nước và vài câu động viên chính trị chung chung rồi lại ra đi như một cái bóng. Lúc anh bị bắt, chị đau đớn lo lắng cho anh. Đôi mắt chị nhiều đêm đẫm lệ. Khi anh ra tù chị kể lể lại nỗi lòng mình nhưng anh không hiểu nổi. Anh lại "phê" chị là "yếu đuối tiểu tư sản". Thậm chí có lúc anh còn giáo dục chị: "Có người chịu đựng dược mọi khó khăn gian khổ, thậm chí bị tù dầy tra tấn cũng không khuất phục. Nhưng chính con người đó thấy tổ chức tạm thời bị thiệt hại, đồng đội bị hy sinh lại hoảng hốt dao động! Tại sao vậy? Đó là do họ không vượt qua được nhưng thử thách về tinh thần"! Kể ra anh nói cũng có điều đúng nhưng để ám chỉ nỗi lo âu của chị đối với anh thì thật là lạc đề, thật vô nghĩa. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng anh cũng vẫn sống với tác phong của những ngày chiến tranh, dồn hết tâm trí cho nhiệm vụ chung. Bốn mươi nhăm tuổi, chưa một lần được nhấp li rượu ngọt ngào êm dịu của tình yêu. Cuộc gặp lại người bạn gái hôm nay lòng anh bỗng như mềm lại. Anh cảm nhận thấy cái hơi men say đắm đó, cái hơi men mà anh chưa từng thấy được ở ai, ở một nơi nào. Giống như một hạt cây, mầm sống nằm ngủ quên trong lớp vỏ cứng khô nhiều năm tháng. Rồi bỗng một cơ may nào đó, hạt gặp mưa xuân ấm áp, lớp vỏ mềm đi, tách ra, xôn xao lòng đất. Mầm cây cựa quậy vươn lên đón ánh mặt trời. Chính Năm Ngân bữa nay cũng nhận ra điều mới lạ ở "người đàn ông có trái tim đá" này. Nỗi hờn giận của chị cũng vơi đi, chị bỗng thấy thương anh hơn. Chị nhìn theo cho tới lúc chiếc Honđa mất hút trong phố vắng.

Một tuần sau Hai Bền nghe tiếng tiếng Năm Ngân trong máy điện thoại:

- Anh Hai đó à?

- Dạ, Bền đây, chào cô Năm! Khỏe chớ?

- Vẫn bình thường anh Hai à. Tối nay anh Hai lại chỗ Ngân nghẹn. Ngân đã tìm được cô mẫu giáo anh Hai muốn gặp đó!(Tiếng chị cười vui vẻ trong ống nghe).

- Trời ơi, cứ giỡn hoài. Bao giờ tôi đến?

- Sáu giờ! Cắt cơm tập thể đi, đến đây em chiêu đãi đó. Chịu không?

- Chịu chớ?

Anh Hai Bền một lúc lại liếc đồng hồ. Anh sốt một muốn biết tình hình một phần, phần muốn được gặp Năm Ngân cùng thôi thúc anh không kém. Và anh đã đến sớm năm phút vì lo cơn mưa chiều ập tới.

Chị đã đứng đón sẵn, mở cửa, giúp anh đẩy xe máy vào vườn. Chị cũng bị lây cái lúng túng của anh, gương mặt hai người đều đỏ bừng. Hóa ra không phải chỉ anh muốn đến sớm mà chị cũng mong anh từng phút.

- Con nhỏ đến chưa?

- Chưa kịp ngồi đã hỏi con nhỏ liền! - Năm Ngân mỉm cười liếc Hai Bền rất tế nhị.

- Tại cô Năm gọi điện cho tôi...

- Em giỡn anh thôi chứ chẳng có con nhỏ nào đâu mà mong. Em đã hỏi chuyện người thợ già sửa chữa ngôi nhà. Hồi ngụy cũng đã có lần ổng đến quét vôi ở đây ông cho biết một người tên là Hoàn, bác sĩ đeo kiếng trắng, cao, ốm, đã từng làm việc nhiều năm ở ngôi nhà này. Không biết nhà ông ở đâu. Nhưng hiện nay ông xin vào làm việc ở nhà thương Saint Mathieu. Đấy là tất cả những gì người thợ nề biết được.

Anh Hai Bền ghi tất cả vào sổ tay.

- Cảm ơn cô Năm. Xin cô Năm giữ kín cho chuyện này. Chỉ một mẩu tin nhỏ thôi đủ vạch cho tôi một hướng đi.

Năm Ngân cười:

- Anh thấy em xa lạ với anh lắm sao? Xưa kia mỗi lần đưa những bức mật điện quan trọng và đầy nguy hiểm cho em có bao giờ anh Hai phải dặn em "giữ kín" đâu?

- Xin lỗi, có một sự khác nhau nào đó về quan hệ hiện tại làm cho người ta dễ quên quá khứ. Trước cô Năm là đội viên của tôi thì cô Năm phải thuộc những nguyên tắc của tôi. Còn giờ đây cô Năm là Phó Chủ tịch quận tôi phải đề nghị chứ.

- Có anh hay quên thôi, chứ em, em chẳng quên gì.

Hai người bỗng trở nên yên lặng. Họ đều phải suy nghĩ về những câu nói của nhau.

- Chắc anh Hai đói bụng rồi, em dọn cơm nhé.

- Có phải làm gì để tôi vào bếp cùng làm cho vui.

- Dạ xong rồi. Em chỉ làm mấy món anh Hai thích ăn thôi.

Vài phút sau chị bưng mâm cơm lên. Một đĩa tôm chiên. Bát canh cá lóc nấu chua, thịt gà rán và đĩa rau sống. Chị đặt xị rượu đế và cái li đá về phía Hai Bền, rót và mời anh.

- Em chúc sức khỏe anh Hai!

- Dạ, tôi cầu chúc cô Năm hạnh phúc.

- Thứ này em biết anh Hai ít xài, nhưng bứa nay vui, em cũng mua vài li.

- Khi vui tôi đâu có cần thứ này. Ở cờ quan đôi khi anh em cũng rủ nhậu vui nhưng ít khi tôi tham gia. Khi buồn, một mình lại hay uống.

- Em nhớ hồi chiến đấu gian nguy có khi nào em thấy anh Hai buồn đâu?

- Đúng thế. Đau đớn, lo lắng thì có, nhưng buồn thì không. Không có thì giờ để buồn. Bây giờ được hoà bình, thống nhất, có đôi chút thì giờ nghĩ đến cái riêng thì lại thấy buồn buồn - Anh thở dài.

Năm Ngân ăn rất ít. Chị gắp thức ăn cho anh, chờ đón bát xới cơm cho anh. Hai Bền ăn chậm chạp vừa ăn vừa suy nghĩ như để nhấm nháp, thưởng thức cái phút giây hạnh phúc chưa từng gặp trong đời.

- Anh ăn ngon miệng không?

- Ngon chớ. Thiệt ngon đó cô Năm à. Cô Năm nấu giỏi lắm. Ăn cơm cô Năm nấu tôi mời cảm thấy mình thực sự được sống cho mình.

Năm Ngân cảm động, chị mân mê tà áo. Ít phút sau chị mới nói:

- Nếu anh Hai muốn thì thỉnh thoảng lại đây em nấu anh Hai ăn. Em ăn một mình cũng buồn hiu đó.

- Thiệt chớ? - Hai Bền nhìn Năm Ngân như bốc lửa - Tôi muốn được ăn chung, được... ở chung bên cô Năm mãi mãi...

Mặt Năm Ngân đỏ bừng lên, chị sung sướng về câu nói mộc mạc thiết tha từ đáy lòng một con người mà lâu nay chị vẫn tưởng trái tim anh đã trở thành băng giá.

- Anh Hai say rồi đó?

- Không đâu. Ba cái li rượu đế này đâu quật đổ được tôi. Tôi tỉnh lắm. Tôi nói thiệt lòng đó, cô Năm có ưng không?

Năm Ngân nhìn anh mỉm cười rồi lắc đầu:

- Muộn rồi!

- Sao?

- Có một người khác hứa đến ở chung với em rồi.

- Ai thế?

- Bảy Kiểm bên Thành ủy. Sao anh không nói trước điều này với em?

- Trời! Suốt hai mươi năm trời công tác bên nhau, tôi thương yêu cô Năm mà cô Năm chẳng hiểu lòng tôi. Thế mà cha Bảy nào đó từ trên xanh về hay từ Hà Nội vô mới có ít bữa đã chiếm được trái tim cô Năm. Tôi thiệt vô duyên hết chỗ... - Anh buông bát đũa đứng dậy, nét mặt thất vọng, đau khổ.

Năm Ngân ôm mặt cười:

- Anh hai chưa nghe hết câu chuyện đã vội trách Ngân. Bảy Kiểm là bạn gái thôi mà.

- Là bạn gái? Ôi thế thì đâu có muộn! - Hai Bền quỳ xuống chân Năm Ngân, ôm ngang người chị làm cho chị luống cuống, mặt đỏ bừng, chân tay tê dại.

- Đứng dậy đi anh, đứng làm thế... em sợ. Hai Bền áp mặt vào đôi bàn tay liềm mại của chị. Năm Ngân cảm thấy những giọt nước mắt nóng ấm của anh trào ra. Những giọt nước hiếm hoi lần đầu tiên chị thấy. Ngay cả những trận đòn ác hiểm trong tù ngục kẻ thù cũng không thổ tìm thấy một giọt nước trong đôi mắt ráo hoảnh như bốc lửa của anh.

- Người gì mà kỳ cục thế? Mấy chục năm không hề nói một câu. Nay vừa nói thì đã như mưa như gió.

- Tôi muốn đòi lại thời gian đã mất. Tôi yêu Ngân!

Năm Ngân không nói gì, nhưng chị sung sướng, lặng lẽ đón nhận tình yêu của anh bằng một cử chỉ dịu dàng. Chị nép mình trong vòng tay anh.

Chỉ có tiếng gió đùa trên tán lá, mấy ngôi sao thức dậy sau cơn mưa, những bông hồng tỏa hương thầm trong bóng đêm, đôi mắt vốn tò mò của con vẹt Lora đang khép lại, mơ màng...

Tình yêu đến muộn nhưng vẫn lấp lánh sắc màu như ánh sáng chiếu qua tấm lăng kính thuần khiết.

Nguồn tin của người thợ nề cung cấp về viên bác sĩ đã từng làm việc dưới quyền Hoàng Quý Nhân làm cho niềm lạc quan trong hội nghị giao ban của Trung tâm phản gián tăng lên đôi chút. Đại tá Nguyễn Hữu Đức quyết định điều tra trực tiếp viên chức này. Ông chỉ thị cho trung tá Nguyễn Văn Bền phối hợp với bên Công an thành phố tiến hành cuộc thẩm vấn. Địa điểm được bố trí tại phòng làm việc của ông Phó giám đốc bệnh viện Saint Mathieu.

Kế hoạch được thực hiện ngay. Một buổi sáng dự thẩm viên đến chờ sẵn tại phòng Giám đốc bệnh viện. Bác sĩ Hà Quang Hoàn được mời lên bàn công tác. Đại tá Đức và trung tá Bền không trực tiếp tham gia cuộc thẩm vấn nhưng đều quan sát được diễn biến qua một ca-mê-ra truyền hình đạt khéo léo trong phòng Giám đốc.

- Đúng tám giờ mười lăm phút, một người cao gày, má hóp, mày rậm, mắt sâu, râu quai nón cạo nhẵn... bước vào, cúi chào ông Phó Giám đốc một cách lễ phép. Ông phó giám đốc đứng lên giới thiệu:

- Đây là ông dự thẩm của Sở Công an thành phố. Ông dự thẩm muốn hỏi bác sĩ Hoàn một số việc ông Hoàn hãy trả lời nhà chức trách những gì ông biết.

Nói xong ông Phó Giám đốc đi ra khỏi căn phòng. Nét mặt viên bác sĩ tái xám đi. Ông ta xúc động mạnh.

- Mời ông ngồi. Chúng tôi có một số việc cần ông làm sáng tỏ. Ông hãy bình tĩnh và coi đây là một cuộc nói chuyện thông thường. Chúng tôi cần ở ông sự chân thực và minh mẫn vì công việc này có liên quan đến an ninh quốc gia.

- Dạ thưa quý ông, tôi xin trả lời những điều gì tôi biết - Giọng nói của ông ta run run, dáng điệu lóng ngóng.

Dự thẩm viên đẩy đến trước mặt ông ta một cốc nước lạnh. Hà Quang Hoàn uống vội rồi rút khăn tăy ra thấm mồ hôi trên trán.

- Ông làm việc ở biệt thự Vie du Château từ năm nào đến năm nào.

- Dạ... (ông ta im lặng một phút). Từ năm 1972 đến năm 1975.

- Ông giữ vai trò gì trong phòng thí nghiệm?

- Thưa ông tôi là bác sĩ, tôi chỉ có nhiệm vụ chữa những vết thương cho lành, cố định những khớp xương cho liền. Cứu người, thưa ông tôi chỉ làm công việc cứu người.

- Để làm thí nghiệm tiếp.

- Dạ... nhưng đó là việc của người khác.

- Ông có tiêm các chất X24OB, TOX35, N6 vào tù nhân chứ?

- Dạ không! Không bao giờ thưa quý ông. Đây là công việc của ông Nghiêm Bửu Châu. Tôi chỉ có trách nhiệm xem xét lại thể trạng tinh thần người đó trên bình diện y học. Tôi xin thề. Nhiều lần tôi đã cố công chữa chạy cho những bệnh nhân này để giảm thiểu những cơn hoảng loạn của họ.

- Thôi được, bây giờ tôi muốn biết các đồng sự của ông. Ông hãy nói về họ.

- Dạ, ngoài ông đại tá Hoàng Quý Nhân ra chúng tôi còn bốn sĩ quan cảnh sát. Trung úy Lê Vĩnh Lâm, chánh văn phòng, đại úy Bửu Mỹ, chuyên viên thẩm vấn, thiếu tá Huỳnh Văn Lừng phụ trách ba phòng: Cơ, Quang, điện. Đại úy Nghiêm Bủu Châu phụ trách phòng hóa học. Tôi là bác sĩ dân sự coi phòng y.

- Ông hãy ghi địa chỉ từng người vào đây.

Hà Quang Hoàn nhận tờ giấy và cây bút bi. Viết xong ông ta đưa lại cho dự thẩm viên.

- Những người này còn ở địa chỉ cũ không?

- ông Lừng, ông Mỹ, ông Bửu Châu đều đã ra đi. Ông Lâm thì tôi không biết rõ. Riêng tôi, tôi quyết định ở lại. Tôi nghĩ là mình chỉ chữa bịnh cứu người thôi. Trong chiến tranh người ta miễn tố cho các bác sĩ dù họ đã hành nghề bên phía đối phương.

- Nhưng họ sẽ bị truy tố bởi những hành động phản y học hoặc nhân danh y học để chống lại con người. Nhưng ở đây ta chưa nói đến chuyện đó. Giờ phút này tôi coi ông là nhân chứng chứ không phải bị cáo. Ông có bổn phận giúp đỡ chúng tôi làm sáng tỏ vấn đề.

- Dạ.

- Còn ông Hoàng Quý Nhân?

- Tôi nghe nói ông ấy đã chết trong đám cháy vào đêm 29 tháng 4.

- Ông tin chắc là như thế chứ?

- Dự thẩm viên nhìn thẳng vào cặp mắt người đối thoại khiến viên bác sĩ phải cúi mặt xuống né tránh.

- Dạ tôi tin vì ngoài chúng tôi ra thì chỉ còn ông ấy trong ngôi biệt thự.

- Nếu người đó là Lê Vĩnh Lâm thì sao?

- Dạ, tôi chưa bao giờ đặt ra giả thuyết này nên không thể trả lời chắc chắn.

- Nghĩa là suốt từ ngày đó ông không thấy dấu vết gì chứng tỏ Nhân còn sống?

- Dạ. Tôi không đi lại nhiều ngoài đoạn đường từ nhà đến bịnh viện.

- Có người nào quen biết trong ngạch cảnh sát đi lại thăm hỏi ông không?

- Dạ không. Ngay thời ngụy tôi cũng ít quen biết loại người này ngoài mấy ông làm việc trong biệt thự. Labo này hoàn toàn biệt lập với Sở Cảnh sát thành phố.

- Chúng tôi muốn ông giúp chính quyền một việc. Nếu ông phát hiện thấy một dấu vết gì trái với điều khẳng định trên của ông phải báo ngay với chính quyền.

- Dạ. Cách báo tin quy định như sau: ông quay điện thoại 64625 gặp ông Hai Bê nói là "ông Quý sắp lành bịnh, cho xe đến đón". Ông Hai Bê sẽ nói chuyện với ông. Ông nhớ kỹ mật khẩn trên. Ông có thể giúp chúng tôi việc đó không?

- Dạ, tôi xin hết lòng.

Dự thẩm viên đưa cho viên bác sĩ mẩu giấy ghi số điện thoại và mật khẩu yêu cầu ông ta học thuộc tại chỗ.

Đại tá Nguyễn Hữu Đức và trung tá Nguyễn Văn Bền theo dõi diễn trình thẩm vấn đều có một nhận định chung. Bác sĩ Hoàn lo sợ. Ông ta là một người yếu đuối. Những lời khai của ông ta có thể tin được.

Cần phải có kế hoạch đưa ông ta vào cuộc. Nếu chỉ để ông ta thụ động gặp Hoàng Quý Nhân ở đâu mới báo thì xác suất đó quá nhỏ so với một thành phố lớn như thế này. Việc tìm ra Hoàng Quý Nhân là rất cấp thiết. Vì vậy Hai Bền phải xuất hiện để giao việc cụ thể cho ông ta.

Thấy Bền vào, cả hai đều đứng dậy.

- Xin mời ông Hoàn nán lại, tôi cần bàn thêm chút xíu.

- Dạ.

- Tôi có thể về được - Dự thẩm viên đứng dậy báo cáo.

- Vâng, cảm ơn đồng chí. Chúng ta sẽ gặp nhau sau.

Anh Hai quay lại phía bác sĩ Hoàn:

- Ông Hoàn ạ, tôi thấy ông nên đến thăm một số gia đình đồng sự hay những nơi có quan hệ giao tiếp với đại tá Hoàng Quý Nhân. Việc này có gì khó khăn đối với ông không? Chúng tôi cần phải hỗ trợ ông những gì trong việc này.

- Dạ quý ông đã tin tưởng ở tôi thì tôi không có gì từ nan. Nếu gặp khó khăn không vượt nổi, tôi sẽ trình lên quý ông san. Liệu những cuộc đi thăm viếng như vậy có phải báo sẵn hành trình lên quý ông không?

- Nếu tiện thì ông báo trước càng hay. Không tiện xin ông cứ tuỳ nghi lựa chọn.

- Dạ. Bây giờ chúng ta tạm biệt nhau. Lời yêu cầu cuối cùng của tôi là: Ông hãy giữ bí mật tuyệt đối cuộc nói chuyện hôm nay. Nó không những ảnh hưởng tới thành bại của nhiệm vụ chung mà còn quan hệ đến an ninh của chính bản thân ông nữa. Chúng tôi sẽ hỗ trợ ông một cách kín đáo trong mọi tình huống khó khăn.

- Xin cảm ơn ông.

Hai người bắt tay. Hai Bền nhìn rõ ánh mắt cảm động và yên tâm của người bác sĩ.

Đám cưới của Hai Bền và Năm Ngân là một sự kiện vui mừng đặc biệt trong cơ quan. Mọi người đền cảm thấy nhẹ nhõm mong mỏi của chính mình được thực hiện. Đại tá Nguyễn Hữu Đức quyết định để anh nghỉ phép một tháng nhưng anh nhất định không chịu.

- Sau ba ngày tôi sẽ đến cơ quan!

- Cận cứ yên tâm mà nghỉ. Hăng hái với nhiệm vụ như thế là rất quý, nhưng còn chị ấy nữa chứ. Ngân sẽ hiểu lầm tình yêu của cậu. Với phụ nữ phải hết sức tế nhị.

- Dạ, nhưng tôi sống ở nhà rồi, đến bữa ăn và buổi tối bên nhau là đủ.

- Ông bạn ơi, ông đơn giản quá đấy! Các bạn phải đi chơi đây đó, thăm bà con, bạn bè, bàn bạc chuyện tương lai. Đâu chỉ hai bữa ăn là đủ!

- Tôi làm việc quen rồi. Nghỉ là mất thăng bằng ngay. Ban ngày cả hai chẳng còn chuyện chi để nói. Lúc này chiến dịch X 472 lại đang bế tắc...

- Thôi được. Ông phải nghỉ liền một tuần. Sau đó, ba tuần còn lại thấy nhớ cơ quan thì mỗi ngày đến phòng làm việc độ một tiếng.

- Dạ được.

Nhưng rồi chính trong dịp Hai Bền nghỉ phép đó lại xảy ra một sự kiện rất nghiêm trọng.

Một buổi tối có điện thoại gặp ông Hai Bê. Người trực máy trả lời "Anh Hai mới cưới vợ, còn nghỉ phép". Người kia nhắn lại anh trực máy nói giúp "ông Quý sắp lành bịnh, cho xe đến đón". Người trực máy không biết mật hiệu. Anh gọi điện đến nhà riêng nhưng đôi vợ chồng "trẻ" lại đi dạo. Thế là mãi hôm sau gặp Hai Bền đến cơ quan anh trực máy mới nói lại chuyện trên. Hai Bền chạy bổ đến gặp Hữu Đức. Nét mặt anh hầm hầm đỏ bừng:

- Anh cứ bắt tôi nghỉ phép để công việc đổ bể hết trọi. Bác sĩ Hoàn gọi điện cho tôi từ bữa kia mà hôm nay tôi mới được thường trực nhắn lại.

Đại tá Hữu Đức cũng giật mình:

- Nhưng tại sao ông ta không điện tiếp? Thôi bây giờ đồng chí phải đến gặp ông ta xem sao?

Hai Bền phóng xe đi ngay. Ở bệnh viện người ta nói bác sĩ Hoàn bữa nay không đến làm việc. Anh yêu cầu bệnh viện cho một xe hồng thập tự đến đón bác sĩ với lý do có ca cấp cứu.. Nửa giờ sau xe quay về cùng tin: Bác sĩ Hoàn vắng nhà từ chiều qua. Gia đình cũng lo lắng không biết ông đi đâu.

Hai Bền đành phóng xe đến thẳng nhà bác sĩ Hoàn. Người vợ chừng bốn nhăm tuổi, nét mặt lo ân tiếp anh. Bà kể lại trạng thái tâm lý của người chồng trong nhưng ngày qua như sau:

- Hơn hai tháng nay ba cháu trở nên trầm tư, ít nói. Hình như có điều gì làm ông bận tâm. Tôi hỏi, ông không nói. Buổi tối ông hay đi chơi, có bữa mười hai giờ đêm mới trở về. Xưa kia chuyện đó ít xảy ra, và nếu có ông cũng thường kéo tôi hay bọn nhỏ di theo. Cũng có vài người bạn đến đây nói chuyện di tản, vượt biển, nhưng thường ông chỉ nghe chứ không biểu lộ ý định của mình. Bữa kia ông đi chơi về tôi thấy ông vui vẻ lắm. Hình như nhưng lo nghĩ bấy lâu của ông bỗng vơi đi. Sáng qua ông đi làm sớm và hẹn tôi nếu ai đến tìm thì mời họ lưu lại chờ ông về. Tôi hỏi ai tìm, ông không nói. Chiều qua về đến nhà được biết không có ai tìm thì ông tỏ ra bồn chồn không yên. Bảy giờ ông đi dạo chơi như mọi lần và còn dặn lại có ai đến tìm thì bảo họ chờ. Đêm qua không thấy ông về, chúng tôi lo lắng lắm. Sáng nay tôi cho các cháu đến nhà những người quen tìm nhưng không thấy ông đâu.

- Tại sao bà không báo ngay cho bệnh viện nơi ông làm việc?

- Dạ lúc đầu tôi cũng có ý định báo, nhưng tôi lại lo là nếu ông nghe ai bỏ đi di tản mà tôi báo với cơ quan thì lại xảy ra nguy hiểm cho ông.

...

Trung tá Nguyễn Văn Bền về báo cáo lại với đại tá Nguyễn Hữu Đức những tin tức trên. Hai người đi đến nhận định sau:

Thứ nhất: Bác sĩ Hoàn đã phát hiện ra tung tích Hoàng Quý Nhân. Ông gọi điện thì không gặp được người cần báo cáo. Ông chờ suốt ngày hôm qua. Sợ mất mục tiêu, bác sĩ Hoàn lại đơn phương độc mã tiếp tục cuộc theo dõi. Thấy lộ Nhân đã bắt cóc hoặc thủ tiêu đối thủ.

Thứ hai: Hoàn quá lo sợ quá khứ của mình, nay lại nhận một công việc ít khả năng hoàn thành nên đã tìm cách trốn đi nước ngoài. Khả năng thứ hai này yếu hơn, vì cú điện thoại gọi Hai Bê có ý nghĩa gì khi ông ta quyết định cắt đứt sự hợp tác?

Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải tổ chức một cuộc truy lùng nóng. Tìm được viên bác sĩ lúc này đều đáp ứng cả hai giả định nêu ra.

Hàng trăm tấm ảnh và bản tóm tắt nhận dạng của Hà Quang Hoàn được chuyển đến các trạm công an thành phố, thị trấn, cửa biển, ga xe... Hai hôm sau người ta phát hiện thấy xác viên bác sĩ trên đoạn sông Sài Gòn gần Sở thú. Cuộc xét nghiệm pháp y cho thấy không có thương tích nào trên cơ thê. Hiện trạng xung quanh không có dấu vết gì của cuộc hành hung. Không thấy có hiện tượng bị đầu độc dù ở dạng thần kinh, tiêu hóa hay hô hấp. Xác chết giống như một trường hợp tự tử hoặc một tai nạn sông nước thôi.

Thế là cơ quan tình báo quân sự lại tiếp nhận một tổn thất mới. Vấn đề loang ra nhưng phương hướng lại mờ nhạt đi. Trong buổi giao ban khi nhắc đến chiến dịch X472, vẻ mặt mọi người đều trầm tư Đại tá Nguyễn Hữu Đức tóm tắt lại vấn đề:

- Cái chết của bác sĩ Hoàn chứng tỏ kẻ địch đối phó một cách tích cực chứ không phải là chịu thu mình lẩn trốn. Giả thuyết ông ta tự tử cũng không loại trừ nhưng rất yếu vì cú điện thoại cho đồng chí Bền và thái độ của Hoàn trước lúc ra đi được người vợ mô tả có sức bác bỏ giả thuyết trên. Theo tôi thì Hà Quang Hoàn đã phát hiện ra Nhân hoặc ít ra là dấu vết của y. Hoàn gọi điện cho ta nhưng không có hiệu quả. Ông ta nóng ruột, một mình mạo hiểm lần đến hang ổ chúng. Lo sợ bị bại lộ chúng đã thủ tiêu ông để bịt kín một khe hở mới. Việc hạ thủ Hoàn không phải là một người mà phải là một tổ. Không có dấu vết gì chứng tỏ Hoàn kịp chống cự. Chúng giữ ông ta ở một nơi rồi đen xác vất xuống sông. Ta có thể khẳng định không phải chúng ta đang truy lùng một bóng ma, mà là một tên tội phạm nguy hiểm đang tồn tại bất hợp pháp. Chúng đã chặn đứng hướng đi của ta. Tạm thời chiến dịch bị chùng lại. Hướng nghiên cứu của ta lúc này là những người quen biết bác sĩ Hoàn. Phạm vi mở rộng và công sức đổ ra càng nhiều. Ta phải dựa vào tai mắt quần chúng. Đó là sức mạnh truyền thống của chúng ta. Cái chết của bác sĩ Hoàn cho ta một bài học lớn về công tác tổ chức chỉ huy. Tôi để đồng chí Bền nghỉ phép nhưng đã không quyết định dứt khoát người thay thế. Đồng chí Bền nghỉ nhưng lại quá nhiệt tình, bao biện, không chịu bàn giao tỉ mỉ lại. Thế là khi sự vụ xảy ra, người trực máy kém nhạy cảm về nghiệp vụ đã bỏ lỡ cơ hội lớn. Mặt khác, khi đã giao việc cho ông ta là phải có kế hoạch yểm trợ chu đáo. Suốt những ngày đó ta đã bỏ lỏng để ông ta hành động khinh xuất và đơn độc. Là người chỉ huy, tôi có khuyết điểm lớn nhất trong chuyện này.

Đây là một bài học đã phải trả giá bằng máu. Chúng ta phải có trách nhiệm giúp đỡ gia đình bác sĩ Hoàn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play