Cán bộ bảo mình kể chuyện chỉ huy dân quân 6 xã đánh giặc Trung Quốc. Mình nói tiếng phổ thông
chưa thạo, cán bộ lại không có ai biết dịch tiếng Mèo. Mình nói, cán bộ
chịu khó nghe.Ngày 1-3-1979, cán bộ Cầu, phó bí thư huyện uỷ và thủ
trưởng Khánh huyện đội phó bảo mình : "Địa hình, địa vật xã Lồ Sử thàng
rất hiểm trở. Bác tập hợp dân quân 6 xã đang có mặt tại đây chỉ huy anh
em chiến đấu.
Mình nhận lời. Mình tìm gặp Giàng Xeo Pao. Thằng Pao là
con thứ 2 của mình đang làm xã đội trưởng. Nó với mình cùng là đảng
viên. Nó đi bộ đội 7 năm, đánh Mĩ nhiều nên nó có kinh nghiệm hơn mình.
Nó bảo :
- Trái (Bố) lo tổ chức dân quân 5 xã bạn. Cần 1 chỉ huy phó giúp trái về quân sự và 1 người giúp trái về hậu cần.
Thằng Pao đánh giặc nhiều. Ngày phục viên nó mang về nhà cả tập bằng khen, huy hiệu Chiến sĩ thi đua, huân chương. Nó bàn :
- Muốn mọi người cùng đánh giặc Trung Quốc, gia đình mình phải làm gương trước.
Mình có 7 đứa con trai (không có con gái) thì 5 đứa đã được phát súng. Thằng giàng Xeo Lử không được nhận vào dân quân vì nó thọt chân từ nhỏ và
thằng Giàng Vần Sèng đã quá tuổi.
Nghe tin dân quân toàn xã Lồ Sử Thàng ở lại đánh giặc Trung Quốc, Sèng yêu cầu mình :
- Trái cho con xin khẩu súng !
Ồ, mình làm gì có súng. Mình khuyên Sèng :
- Nho (Con) đến trụ sở hỏi ông Pao và ông Hồ xem ?
Giàng Vần Hồ là con thứ 5 của mình, là em ruột của Sèng. Hồ cũng đi bộ đội từ 1970. Năm 1976, Hồ phục viên, được giao làm chính trị viên phó xã đội.
Mình gọi Pao và Hồ là ông để nhắc nhủ Sèng : ngày thường Sèng là chủ
nhiệm hợp tác xã, là anh cả trong gia đình nhưng khi đã nhận súng Sèng
phải chịu để các em chỉ huy.
Xã đội trưởng Giàng Xeo Pao cấp cho
anh ruột khẩu CKC và phân công Sèng về tiểu đội 2. Trong tiểu đội này đã có Giàng Xeo Lù. Lù đến gặp mình, mặt lộ vẻ không vui :
- Già
(Cụ) Xon ơi (mình là dểu (ông nội) của Lù nhưng Lù đã có con. Lù gọi
mình là cụ thay con). Già Xon bắt chú Pao cho trái Sèng sang tiểu đội
khác.
Mình không đồng ý. Việc quân sự do xã đội phụ trách, mình can thiệp sao được. Mình hỏi Lù :
- Trái Sèng ở cùng tiểu đội, sênh trừ (cháu) gặp trở ngại gì ?
Đúng là thằng Lù có những điều khó xử. Thương bố, nó muốn gánh vác mọi phần
việc lao động cho bố, gác thay cho bố. Có mặt bố, nó không được tự do
đùa nghịch. Mình an ủi nó :
- Trái Sèng chưa quen làm dân quân, sênh trừ phải ở cùng tiểu đội để giúp đỡ trái chứ.
Lù nghe lời mình. Mọi việc quân sự ở Lồ Sử Thàng mình giao hẳn cho thằng
Pao, thằng Hồ, việc hậu cần mình phải bàn với bí thư chi bộ Sùng Pao Sấn (người Mèo) và chủ tịch xã Ly Sử Thàng (người Nùng). Thàng hỏi :
- Dân quân 6 xã có bao nhiêu người ? Hiện nay đang ở thôn nào ?
Việc này mình đã giao cho Ma Sần Chín. Chín là người Mèo thuộc xã Sừ Ma
Tủng. Mình chọn Chín làm chỉ huy phó vì Chín đã làm trung đội trưởng ở
bộ đội. Chín vẽ bản đồ, dự kiến bố trí 42 dân quân ở xã Tả Gia Khâu ở
Xia Trải, xã Lao táo 23 người ở Phìn Chư, xã Dìn Chín 12 người ở Xín
chải, xã tả Ngài Chồ 56 người ở Ngài Phòng Chồ, xã Sừ Ma Tủng 62 người ở Cốc Cáng và 90 dân quân xã Lồ Sử Thàng ở Lồ Suối thàng. Chủ tịch Thàng
nêu ý kiến :
- Dân quân Lồ Sử Thàng không phải nuôi, ai về nàh người nấy mà ăn. Mình đến các thôn khác giao cho mỗi gia đình 3, 4 người.
Người Mèo mình mến khách lắm. Khách đến chơi, chủ nàh có rượu, thịt gà, thịt
lợn đều đem ra mời. Trường hợp trong nhà chỉ còn bột ngô cũng đem nấu để khách và chủ cùng ăn. Không ai chê cái bụng người Mèo mình đâu.
Ngày 1-3 đã qua. Chỉ huy phó Ma Sần Chín cùng với mình và chủ tịch Ly Sử
thàng đến các làng để kiểm tra trận địa cũng như nơi ăn chốn ở của dân
quân. Dân quân ở lưng chừng núi đá cao. Mình trèo hết ngọn núi này sang
ngọn núi khác. Anh em dân quân chọn mỗi người một phiến đá làm công sự.
Nằm ở đây, anh em bắn trúng lính Trung Quốc đi dưới đường dễ hơn đi săn
thú. Con thú dữ còn có cái mũi để đánh hơi người lạ, còn bọn lính Trung
Quốc xâm lược có giương cặp mắt cú vọ lên cũng khó phát hiện nơi ẩn nấp
của dân quân. Dân quân có công sự hang hốc rất tốt. Nằm trong công sự,
tha hồ cho địch bắn đại bác, đại liên, trung liên, súng trường cũng khó
trúng phải người. Nếu nó lên đông quá, không chống cự nổi, dân quân sẽ
rút vào hang luồn lên đỉnh núi hoặc tránh sang ngách khác. Cán bộ đừng
cười mình. Nhiều cán bộ đã chê kế hoạch rút lui của mình. Mình khó xử
quá. Anh em dân quân không có lựu đạn, mỗi người chỉ có vài chục viên
đạn với khẩu súng trường nên không đủ sức phòng thủ lâu dài. Từ ngày
17-2 nhiều anh em dân quân đã đánh địch, đã dùng hết số lựu đạn và gần
hết cơ số đạn mà chưa được bổ sung.
Mình đi về các thôn. Đã đến
bữa cơm chiều ngày 2-3-1979. Chủ tịch Ly Sử Thàng đang gặp chuyện khó xử : số người ở gia đình nào cũng tăng vọt lên. Chủ nhà không bằng lòng.
Với người Mèo, cán bộ không được nói sai. Nhân dân tin ở cán bộ. Gia
đình này có khả năng nuôi 8 người, cán bộ gửi 10 người cũng được. Người
Mèo mình sẵn sàng nhịn đói để nhường cơm cho khách. Cũng gia đình đó,
nếu ngày đầu cán bộ gửi 2 người, đến bữa lại có 3 người tới ăn là chủ
nhà thắc mắc. Chủ tịch Ly Sử Thàng bối rối không biết nên giải quyết thế nào cho phải. Mình cũng bí. Mình hỏi Giàng Cố Séng, bí thư thanh niên
xã Lao Táo :
- Xã mày có bao nhiêu dân quân ?
- 23.
- Tại sao những 40 người ăn ?
- Mình mới nhận thêm 17 đứa.
Chủ tịch Ly Sử Thàng cộng cộng, trừ trừ, đếm đi đếm lại vẫn có thêm 20 suất ăn. Hỏi lại mình mới biết là có các anh công an vũ trang đồn Pha Long,
mấy anh tự vệ nông trường Nậm Chảy và anh Khuê, anh Khôi, anh Kỳ, cán bộ miền xuôi lên công tác ở xã Sừ Ma Tửng. Lực lượng của mình như vậy là
có hơn 300 người thuộc đủ các dân tộc Mèo, Kinh, Nùng, Dao, Pa Dí, tu
Dí... và người nào cũng có súng, có chỗ ẩn nấp tốt để chờ giặc đến.
Ngày 3-3-1979, mình nghe dân đồn là quân Trung QUốc sắp kéo vào Lồ Sử Thàng. Mình muốn cử người đi trinh sát nhưng biết chọn ai ? Thằng Sèng con
mình nhiều tuổi, đi alị dễ dàng nhưng nó lại chưa biết quân sự. Thằng
Pao đi trinh sát thì ai thay nó chỉ huy dân quân cả xã. Thằng Hồ khoẻ
mạnh, to như con gấu, không thể cho nó đi lại giữa ban ngày. Nếu nó bị
giặc bắt, giặc sẽ giết nó ngay.
Mình bàn với chỉ huy phó Ma Sần chín. Chín nêu ý kiến :
- Ta giao cho bí thư chi bộ Sùng Pao Sấn.
Ồ, ý Sần Chín hay quá. Bí thư chi bộ nhỏ người, da ngăm đen, trông bề
ngoài như trẻ con chăn trâu, lại biết nói tiếng Quan Hoả nên rất dễ trà
trộn, giả làm người dân. Mình trao đổi với Sùng Pao Sấn. Sấn nhận lờ. Nó kiếm sợi dây thừng buộc ngang lưng, tay cầm con dao rựa cùn, đi đến Nà
Cổ, Mao Sao Chẩy... Có những tên lính Trung Quốc đi tuần tiễu gặp nó hỏi :
- Ê thằng kia, mày đi đâu ?
- Con ngựa
nhà mình bị lạc, bố mình bắt đi tìm. Ở vùng cao mình con ngựa quý lắm.
Chỉ có con ngựa mới đủ sức đi nhanh, đi xa, trèo cao, mang nặng. Người
Mèo, người Nùng, người Nhắng quý ngựa như quý con của mình.
Những tên lính Trung Quốc không bắt bí thư chi bộ Sùng Pao Sấn. Sùng pao Sấn
cầm con dao cùn đi đến nhiều nơi, ghi nhớ nơi nào có quân Trung Quốc, về báo lại cho mình.
Sáng ngày 4-3-1979, mình định điều quân ra
phục kích đánh vào các đoàn xe trên đường Mường Khương-Pha Long. Mình
giao việc cho thằng Pao xã đội trưởng. Pao rủ em ruột nó là Giàng Vần Hồ cùng đi trinh sát với bí thư chi bộ để tìm chỗ cho dân quân nằm chờ
địch. Mấy đứa vừa đến Pạc Là đã trông thấy lính Trung Quốc đi đông nghịt trên đường. Hôm qua bí thư chi bộ Sùng Pao Sấn báo cáo là có mấy nghìn
lính Trung Quốc tập trung ở các hướng Lũng Pâu, Sừ Ma Tủng, Lao Táo...
có cả pháo 130 ly, cối 82 ly. Mình đoán là quân giặc sẽ hành quân theo
đường cái Mường Khương đi Pha Long, nhưng không trúng cái bụng giặc. Xã
đội trưởng Pao và chỉ huy phó Ma Sần Chín cũng đoán sai. Được bọn phản
động người Hoa ở địa phương báo tin, giặc Trung Quốc đã bất ngờ kéo quân vào hướng Cốc cáng để bắt dân quân. Dân quân ở trên núi cao nhưng bị
núi khác chặn trước mặt nên không nhìn xa được. Thằng Hồ lo lắng, đề
nghị :
- Anh Pao, em chạy nhanh về báo động cho dân quân !
- Không kịp đâu, phải bắn súng !
Bí thư chi bộ Sùng Pao Sấn nêu ý kiến :
- Bắn súng sẽ lộ bí mật !
Thằng Pao không nghe, nó chĩa nòng súng CKC về phía Lồ Sử Thàng bắn luôn 3
phát. Sau này lúc kiểm điểm trận đánh, ai cũng nhận cách xử trí của
thằng Pao là đúng. Nghe tiếng súng báo động, anh em dân quân chạy vội về vị trí. Cán bộ đừng cười nhé. Kỷ luật của dân quân không nghiêm như bộ
đội đâu. Chưa thấy bóng giặc, dân quân thường thích bỏ súng đi xuống
làng bản uống rượu, nói chuyện với con gái. Mình là chỉ huy, mình không
ngăn nổi đâu. Nếu không có tiếng súng của thằng Pao, mình biết anh em ở
đâu mà gọi về cho đủ.
Nghe tiếng súng nổ, quân Trung Quốc tiến
chậm hơn. Chúng xả đạn đại liên, trung liên, tiểu liên vào chỗ vừa phát
ra tiếng nổ. Thằng Pao, thằng Hồ và bí thư chi bộ Sùng pao Sấn đâu còn
dại dột chịu nằm yên tại chỗ. 3 đứa chạy vào trong hang núi gần nhất rồi tìm đường về xã. Ở bên dưới, quân Trung Quốc kéo đi rất đông. Nằm ở
lưng chừng núi, anh em dân quân tỉa dần từng thằng. Kẻ địch không biết
đạn từ hướng nào bay tới. Dân quân các dân tộc vùng cao mình thích đi
săn nên đứa nào cũng giỏi bắn súng. Mình già rồi, mắt kém nhưng cũng bắn trúng. Suốt cả ngày 4-3, quân Trung Quốc vào tới đâu cũng bị đánh.
Cán bộ hỏi mình là đứa nào bắn giỏi nhất ? Mình chả biết đâu. Khi đánh nhau mình không còn là chỉ huy nữa. Mình đói, anh em dân quân cũng đói. Chủ
tịch Ly Sử Thàng cũng đói. Nhân dân chạy vào hang cả, chả còn ai nấu cơm cho dân quân. Mình không có cấp dưỡng, không có nồi to, không có tiền.
Chủ tịch xã Ly Sử Thàng bằng lòng xuất tiền quỹ mua cho dân quân 6 xã
một con trâu giá 300 đồng nhưng mình không ưng giết thịt. Ôi, làm chỉ
huy khó quá. Mình chả biết hỏi ý kiến ai. Huyện ủy, huyện đội và tiểu
đoàn bộ đội địa phương đang chặn địch ở Cao Sơn, mình không đến gặp
được. Con trâu mua rồi, ai sẽ làm thịt, ai đưa thịt trâu đến các xã, ai
nấu cơm để dân quân ăn với thịt trâu ? Khó quá. Mình đành nhịn đói. Mình hạ lệnh cho dân quân cùng nhịn đói. Người vùng cao mình nhịn đói quen
rồi. Anh em dân quân chui vào hang ngủ.
Tối ngày 4-3, mình triệu
tập chỉ huy các xã về Lồ Sử thàng. Về dự có Giàng Phên Chiu, phó chủ
tịch xã Dìn Chín, Ma Xeo Kháng, trung đội trưởng dân quân xã Tả Gia
Khâu, Giàng Sấn Dùng, trưởng công an xã Lao Táo... Nghe báo cáo mình ưng bụng lắm. Dân quân xã nào cũng đánh giặc và trận địa xã nào cũng hứng
chịu vài trăm quả đạn đại bác và súng cối, nhưng chỉ mấy trường hợp đáng tiếc xảy ra. Ở xã Lồ Sử Thàng có 1 dân quân hy sinh là Hoàng QUán Dính. 1 người bị thương là Giàng Xeo Lùng.
Sáng ngày 5-3-1979,
pháo 130 ly, cối 82 ly của Trung Quốc giội rất nhiều vào dãy núi Phình
Dư. Mình quyết định dẫn 30 dân quân trong đó có thằng Pao, thằng Hồ, chủ tịch Thàng, bí thư Sấn cùng chỉ huy phó Ma Sần Chín rời trận địa sang
Cốc Cáng. trời sáng rồi. trông rõ địch đông như kiến trên núi Phình Dư,
chỉ huy phó Ma Sần Chín đề nghị :
- Địch đông lắm. Chúng ở trên cao, ta ở dưới thấp, không nên bắn.
Mình không đồng ý. Địch chưa biết quân mình đông hay ít, chưa biết mình ở
chỗ nào, hãy bắn cho chúng 1 loạt phủ đầu đã. Mình hạ lệnh bắn. Cả 30
tay súng có đủ trung liên, AK, K44 đều bắn cùng một lúc. Địch bắn trả
ngay. Chúng nó nhè cái đồi cao phía Cốc Cáng để bắn. Đúng lúc đó có đủ
các loại súng từ Cốc Cáng bắn sang Phình Dư. Ờ mình không hiểu tại sao.
Địch ở Phình Dư hay Cốc Cáng ? Phình Dư ở gần mình, mình trông rõ là
địch, như vậy Cốc cáng là bộ đội ta ? Đồi Cốc cáng cao hơn Phình Dư,
mình không nhìn rõ người đi lại trên đồi. Hoá ra thằng địch ở Phình Dư
và Cốc Cáng bắn nhau. Chúng nó bắn nhau lâu quá. Mãi đến chiều ngày 5-3
chúng nó mới thôi bắn nhau. Mình sướng bụng lắm. Trong trận này dân quân không có người nào bị thương mà địch chết tới cả trăm đứa.
Trong lúc địch rút, nó đốt hết cả 46 nóc nhà của thôn Lồ Sử Thàng. Nhà mình cũng bị giặc đốt.
Chuyện này mãi đến khi giặc rút lui mình mới biết. Hôm đó mình còn nghĩ gì đến nhà. Tối ngày 5-3, mình phải ra lệnh cho dân quân 6 xã chuyển sang
huyện Xi Mi Cai. Cán bộ đừng phê bình mình. Mình đói lắm. Anh em cũng
đói. Suốt 2 ngày đánh nhau chả ai được ăn uống gì. Do thiếu kinh nghiệm
mà ! Trước khi chuyển mình hỏi ý kiến các anh Khôi, anh Kỳ, anh Khuê và
các anh công an vũ trang. Muốn cho dân quân nằm trụ đánh giặc, cần đạn
và lương thực. Mình sẽ góp ý kiến để cán bộ rút kinh nghiệm.
Sang đến Xi Mi Cai, các cán bộ bảo mình kể lại trận chiến đấu Lồ Sử Thàng.
Mình đâu có biết chỉ huy. Mình không biết địch chết bao nhiêu. Ở xã Lồ
Sử thàng, nhiều người dân trông thấy địch có 1 đoàn 29 con ngựa. Lính
Trung Quốc cho xác chết vào cái bao, dặt cái bao lên chiếc giá sắt (để
giữ xác chết khỏi cong lại). Mỗi con ngựa thồ một chuyến được 4 xác. 29
con ngựa đi 4 chuyến, mình nhân lên thành 464 đứa chết, nhưng có 1 con
ngựa chỉ thồ 2 xác nên số địch chết là 462. Ồ, sao địch chết nhiều vậy ? Cán bộ bảo mình quay về xã điều tra. À đúng rồi ! Ngày 5-3 chúng nó bắn nhầm nhau ở Cốc Cáng-Phình Dư nên chết rất nhiều.
Mình chỉ huy
chưa giỏi, nhưng mình không sợ giặc Trung Quốc đâu. Nếu giặc Trung Quốc
còn sang Mường Khương nữa, cán bộ cứ giao việc cho mình. Mình có kinh
nghiệm hơn, mình sẽ đánh giỏi hơn.
-----------------------
Nguyễn Trần Thiết, ghi theo lời kể của Giàng Lao Vu, xã Lồ Sử Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT