Mảnh đất ấy dường như có tiếng nói riêng. Tôi đã đến đó từ khi cửa ải biên giới đầu quốc lộ số 1 vừa mới rũ cái tên cũ Trấn Nam Quan để khoác cái tên mới Mục Nam Quan. Rồi một cái tên mới nữa : Hữu Nghị Quan, có vẻ rành mạch hơn, hiền lành hơn, chính thức dùng làm tên gọi cho cửa quan được nhiều người nhắc đến. Cũng năm ấy đồn công an nhân dân vũ trang biên phòng đầu tiên ở địa đầu đất nước ta được dựng lên. Từ sau hiệp định Geneva 1954, mỗi lần từ đồn công an vũ trang Hiền Lương đi lên đồn Hữu Nghị Quan, tôi có cảm giác rõ rệt vừa rời khỏi mảnh đất nóng bỏng không khí đấu tranh căng thẳng với Mĩ-ngụy để đến một vùng đất thanh bình, thắm đượm tình đoàn kết quốc tế keo sơn giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi lần đến đây, tôi đều có cảm giác yên ổn, coi đó là hậu phương vững chắc đầy tin cậy. Nhất là những ngày máy bay Mĩ ném bom miền Bắc, không khí thanh bình của mảnh đất biên giới này thật trái ngược với cảnh tàn phá đang diễn ra ở các tuyến trong. tại đây hoa lê, hoa đào, hoa móng rồng vẫn nở đúng mùa. Dòng người, dòng xe chở hàng qua lại cửa khẩu tấp nập và ban đêm sáng rực ánh đèn neon. Những năm ấy tôi nhìn công việc của các chiến sĩ biên phòng ở Hữu Nghị Quan khác hẳn công việc của các chiến sĩ ở giới tuyến, hoặc ở hải đảo xa xôi.

Năm 1966 tôi lên đồn biên phòng Hữu Nghị Quan, gặp 1 tổ chiến sĩ vừa đi làm công tác đối ngoại về. Họ đội mũ kê-pi, đi giày da đen bóng, dừng lại chốc lát bên "cây số 0" nói chuyện với tôi. Sau lưng họ, bức tường đá cũ kĩ và nặng nề, bóng những người đưa tiễn bên kia vẫn chưa khuất. Đồng chí chiến sĩ tiếp chuyện tôi còn trẻ, người dân tộc Tày, nói tiếng Kinh và tiếng Quan Hoả đều sõi. Anh cho biết 2 đồn biên phòng vừa trao đổi với nhau xoay quanh việc bên ta dùng điện bên kia và việc dân 2 bên qua lại trên các đường mòn biên giới. Mọi sự xem chừng dễ dàng thoả thuận với nhau. Phong thái ung dung của anh chiến sĩ trẻ khiến tôi nghĩ rằng ở đây, giá không có những cuộc tiếp xúc xã giao vụn vặt kiểu ấy, có lẽ các chiến sĩ sống buồn tẻ lắm. Tôi liên hệ ngay đến hoàn cảnh chiến đấu và công tác ác liệt, căng thẳng hết ngay sang đêm của các chiến sĩ ở đầu cầu Hiền Lương. Dạo ấy bọn cảnh sát ngụy chưa rút chạy khỏi đồn của chúng ở bờ nam cầu. Máy bay Mĩ ném bom dồn dập khu vực đầu cầu bắc nhưng ngọn quốc kì đỏ thắm vẫn hiên ngang tung bay. Các chiến sĩ ta bám vào công sự quanh trụ cờ đánh trả quyết liệt. Khói bom chưa tan, họ đã phải vội vã xuống một hố bom anò đó còn đọng nước mưa rửa ráy qua loa rồi chui vào hầm kèo, lấy bộ quần áo gấp thẳng nếp ra mặc, đi giày, đeo băng đỏ trên cánh tay, sang đấu lý với địch hoặc ra tiếp xúc với một tổ quốc tế sắp qua cầu.

Với ý nghĩ so sánh như trên, tôi cho rằng công tác của các chiến sĩ ở Hữu Nghị Quan quá phẳng lặng.

Tối hôm ấy, tôi trao đổi nhận xét của mình với người chiến sĩ trẻ. Nghe xong anh nói ngay :

- Đồng chí nhầm rồi, chẳng phải như vậy đâu. Ở đây có những đợt sóng ngầm, người mới đến không thể thấy ngay được.

Áng chừng tôi chưa hiểu ý, anh nói thêm :

- Họ "hữu nghị" với mình chỉ là bề ngoài thôi.

- Còn bên trong ?

- Họ muốn người Việt Nam ta thừa nhận "mặt trời" mọc ở phương bắc chứ không phải phương đông.

Sau một lúc trò chuyện tôi được biết ở đây đã xảy ra nhiều hiện tượng không bình thường trong quan hệ giữa 2 bên. Những cuộc thù tiếp xã giao là những giờ phút căng thẳng thần kinh. Họ mời anh xem phim "cách mạng văn hoá". Xem hay không đã là một chuyện tế nhị, tỏ thái đọ tán thành hay phản đối sao cho phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa 2 bên đòi hỏi phải tự kiềm chế rất cao, bởi hàng ngày tiếp xúc với người Trung Quốc qua lại bên ta, các chiến sĩ đã nghe biết bao câu chuyện khủng khiếp về cách mạng văn hoá bên ấy : những cuộc đấu tố đẫm máu, những vụ hành hình hàng loạt, không khí khủng bố bao trùm làng xóm... Họ trắng trợn ép anh phải thừa nhận đủ thứ "vĩ đại", đòi gắn vào ngực anh đủ thứ huy hiệu đủ cỡ, anh cũng phải tỏ thái độ đúng mực. Có lúc, biết không lung lạc được anh, người ta nói bóng nói gió, vu cáo anh theo chủ nghĩa xét lại... tất nhiên anh phải lên tiếng nghiêm khắc phản kháng. Thì ra phía bên kia đã bộc lộ tư tưởng thù địch ngầm ngầm và hiểm độc. cho đến ngày lính Trung Quốc làm đường, trước khi kéo về nước dở đủ trò phá phách, khiêu khích thì ai cũng thấy rõ bản chất những người tự xưng là bạn chiến đấu của Việt Nam. Các chiến sĩ biên phòng Hữu Nghị Quan từ ngày đầu đã để ý những chuyến xe nhập cảnh chở quân làm đường vượt số lượng thoả thuận, cũng như những chuyến xe xuất cảnh trùm bạt kín mít, bên trong chứa đầy lâm thổ sản lấy bất hợp pháp ở Việt Nam và không làm ngơ trước những quán nước, hiệu chữa xe đạp không lấy tiền do binh lính Trung Quốc mở dọc các trục giao thông trong khu vực biên phòng. Lại còn những đội công tác lẻ gọi là tổ "dân vận" của bộ đội làm đường Trung Quốc, hàng ngày sục vào các bản lẻ trên rẻo cao... Không thể để cho chúng lộng hành, tất cả những chuyện phức tạp ấy ta phải tiến hành đấu tranh mềm dẻo, đúng nguyên tắc và rất kiên quyết. Các chiến sĩ biên phòng nhớ đinh ninh rằng tình đoàn kết quốc tế, tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam-Trung Quốc trước sau ta vẫn giữ vẹn toàn, nhưng chân lý cách mạng và chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, tuyệt đối không một kẻ nào được xâm phạm. Một lần, tôi gặp mấy chiến sĩ xuôi đường Đồng Đăng, thỉnh thoảng họ dừng lại vun quét cái gì đó, bỏ vào sọt. Đến gần, tôi nhận ra chiếc sọt chưa đầy huy hiệu có hình người, loại to bằng miệng bát, loại bé bằng đồng xu, trong màu mè thật dễ loá mắt. Lính Trung Quốc chở sang ta hàng thùng huy hiệu, gặp ai họ cũng cho, tới đâu họ cũng phát. ở Việt Nam ta, món tặng phẩm tốt mã ấy thế mà khó tiêu thụ. Họ bèn nghĩ ra một cách, là trên đường trở về Trung Quốc, trước khi qua biên giới là cứ trút bừa hết xuống đường. Có lẽ họ tính ngày hôm sau là phiên chợ Đồng Đăng, thế nào bà con người Tày, người Nùng... đi đường cũng lượm hết. Ít nhất trẻ con cũng tranh nhau của lạ. Thế nhưng xe trước vừa rải "tặng phẩm" xong, xe sau đã lăn bánh lên. Chẳng mấy chốc cát bụi phủ lấp đi khá nhiều. Chiến sĩ ta chỉ còn dọn dẹp những đống còn nguyên bên vệ đường. Một đồng chí hạ sĩ quan tủm tỉm cười nói với tôi :

- Dọn dẹp thế này mất công thật nhưng cũng là để bảo vệ chủ quyền quốc gia của ta. vả lại, nếu cứ để vương vãi thế các em nhỏ lượm về chơi đánh đáo, hoặc đem làm vật đổi cào cào, châu chấu với nhau, mình mang tiếng.

Tôi nghĩ bụng : "Ai đó muốn làm người Việt Nam tin rằng mặt trời mọc ở phương bắc nhìn thấy cảnh tượng này chắc họ sẽ phải điên đầu trước trí tuệ Việt Nam". Nếu ở Hiền Lương, người chiến sĩ giới tuyến phải đối phó với kẻ thù rõ mặt thì ở đây người chiến sĩ biên phòng phải vạch được tâm địa thù địch nấp đằng sau cái gương mặt bạn bè ấy. Điều lạ là càng đánh Mĩ quyết liệt, ta càng thắng Mĩ giòn giã thì tâm địa thù địch kia càng tăng.

Hồi bấy giờ, quả thật tôi không ngờ rằng hơn mười năm sau các chiến sĩ đồn Hữu Nghị Quan phải đối đầu với cuộc xâm lược ồ ạt, tàn bạo như đã xảy ra ngày 17-2-1979. Nhưng cách nhìn và cách đánh giá sự vật của người chiến sĩ biên phòng đã mở mắt cho tôi. Dạo ấy tôi kể chuyện Mĩ ném bom và bắn phá có tính chất hủy diệt ở giới tuyến Vĩnh Linh. Cuối câu chuyện, tôi cố ý nhấn mạnh đến không khí yên tĩnh ở vùng biên giới Việt-Trung, như để so sánh. Lập tức đồng chí đồn trưởng nói :

- Theo tôi, việc thằng Mĩ ném bom Vĩnh Linh cực kì ác liệt và việc máy bay Mĩ tránh ném bom xuống vùng đệm cách biên giới Việt-Trung 10km đều gây cho chúng ta những hậu quả tai hại. Anh có thấy không, các tuyến đường do Trung Quốc làm giúp ta đã hoàn thành nhưng những người làm đường chưa muốn về, hẳn họ có một mưu đồ nào đó chưa bố trí xong, vì vậy mới có vẻ mặt sưng sỉa lúc về qua cửa khẩu này.

Ngừng một lát, anh chỉ tay lên một mỏm núi đá cao khaỏng 300m ngay bên trái đồn biên phòng nêu lên 1 câu hỏi : "Trên ấy có 1 giàn ra-đa của Trung Quốc đang hoạt động. Giàn ra-đa kia đặt ngay trên đường biên giới 2 nước. cả ngày nó sục sạo bầu trời Việt Nam để làm gì anh có biết không ?"

- Nó làm nhiệm vụ cảnh giới. Máy bay Mĩ có thể ném bom xuống đó.

Anh lắc đầu :

- Ra-đa của Trung Quốc luôn hướng về sân bay Kép của ta, và chính nó làm nhiệm vụ theo dõi hoạt động của không quân Việt Nam.

Quả thật tôi nghe anh mà cứ ngỡ ngàng : "Có lẽ nào ?...". tôi đã quên một điều đơn giản là chân lý rất cụ thể. Về quan hệ đối ngoại, người chiến sĩ biên phòng có cách nắm bắt bản chất kẻ thù khá nhạy bén là như vậy.

Cái thực tế nóng hổi ở Hữu Nghị Quan và những câu chuyện do chiến sĩ biên phòng kể lại đủ uốn nắn cách nhìn, cách nghĩ của tôi. Có nhiều điều tôi tưởng quên đi, hoặc tự nhủ mình cố quên đi, dần dần bỗng trở lại ám ảnh tâm trí, bắt tôi phải nhớ. Tôi có thói quen mỗi lần lên cây số 0 nhìn sang cửa quan bên kia, đứng lặng hồi lâu, suy tưởng về quá khứ. Nhìn bức tường thành phủ rêu dày và cái cửa quan đồ sộ sẫm màu kia, tôi tự hỏi : "Thời quân Đông Hán xâm lược nước ta đã có cửa quan này chưa ? Mã Viện kéo quân qua cửa ải này hay đi một con đường khác ?". Đứng trên đỉnh đồi Pò Rọ Bó, tiếng Nùng có nghĩa là "đồi giếng nước", dưới chân có giếng nước trong gọi là giếng Phi Khanh. Tục truyền ngày xưa Nguyễn Trãi tiễn biệt cha tại đây, tôi lại tự hỏi không biết lúc nhỏ nước mắt khóc thương cha, Nguyễn trãi đã nghĩ đến một chi Lăng 20 năm sau ? Rồi 2 chiếc lô cốt, một của Pháp xây, một của Tưởng xây trước kia nằm 2 bên đường biên giới sao nay lọt thỏm vào đất Trung Quốc ? Và 2 cột mốc 18, 19 bị Trung Quốc lấn chiếm còn nằm sờ sờ kia ? Bao việc làm của phía Trung Quốc đã làm tôi day dứt. Nghĩ đến tình hữu nghị chung thuỷ của 2 nước tôi lại tự nhủ : "Hãy cố quên đi chuyện cũ thời phong kiến xa xưa, khi cả 2 dân tộc cùng chịu cảnh nô lệ". Nhưng năm tháng qua dần, thực tế ở biên giới ngày càng tỏ rõ phía bên kia đang làm sống lại nguyên xi chuyện cũ, con đường Hữu Nghị Quan chưa hoàn thành đã lộ rõ là con đường hữu ý xâm lược. tôi cảm ơn người chiến sĩ biên phòng Hữu Nghị Quan đã sớm truyền cho tôi bài học về sự phẫn nộ chính đáng, tính kiên trì cách mạng và ý thức cảnh giác.

Đối với người chiến sĩ biên phòng Hữu Nghị Quan, quá trình nhận mặt kẻ thù đi liền với quá trình đấu tranh gian khổ và phức tạp chống những hành động lấn chiếm, khiêu khích dẫn đến chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn của chúng. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh vừa dựa dẫm vào cuộc chiến đấu chống đế quốc của nhân dân Việt Nam để gây thanh thế và vốn liếng chính trị, vừa dựa dẫm vào chính cuộc xâm lược tàn bạo của Pháp và Mĩ để thu được chiến quả thông qua việc buôn xương bán máu dân tộc khác. Việc chúng thông đồng với Mĩ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của ta là một ví dụ. Sự kiện này xảy ra năm 1974 ngoài biển Đông ăn khớp với những vụ lính Trung Quốc gây rối trên đất liền. Ngày 8-7-1974, lúc 8 giờ 15, tổ tuần tra công an vũ trang đang làm nhiệm vụ trên đoạn đường sắt ngang đồi Cò Mìn thì bị lính Trung Quốc xông đến hành hung. Trung sĩ Bế Hồng Tích bị đánh chết ngất. Bọn Trung Quốc kéo anh về bên kia biên giới rồi vu cáo chiến sĩ biên phòng Việt Nam xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc (?). Đồng bào bản Nà Pàn kéo đến đấu tranh kịch liệt, đối phương đuối lý buộc phải ký biên bản xác nhận việc binh lính của chúng hành hung gây sự. Năm 1955 lấy cớ giúp Việt Nam khôi phục đường xe lửa, bọn bành trướng đã cho đặt điểm nối ray sâu vào đất Việt Nam 326m. Đến năm 1974, nghĩa là ngót 20 năm sau, chúng trắng trợn tuyên bố điểm nối ray ở đâu là đường biên giới chạy qua đó, hòng cướp của ta một dải đất ăn đến tận chân đồn Hữu Nghị Quan. Chiến sĩ biên phòng ta quyết không để cho chúng lấn đất, dù chỉ là một tấc. Chúng giở đủ trò doạ nạt, khiêu khích, thậm chí gây đổ máu.

Bệnh viện Lạng Sơn còn lưu giữ nhiều bệnh án của những đồng bào và chiến sĩ biên phòng bị lính Trung Quốc đâm chém. Anh Lương Văn Hùng dân tộc Nùng quê xã Bảo Lâm, huyện văn Lãng thấy bộ đội biên phòng Trung Quốc vi phạm khu vực đường sắt ở đồi Cò Mìn giữa mốc 19 và 20 đã tới can ngăn, giả thích và yêu cầu bộ đội biên phòng Trung Quốc rút về nước, liền bị họ dùng lưỡi lê súng CKC đâm vào ngực. Anh Nguyễn Công Bảy, chiến sĩ biên phòng Hữu Nghị Quan bị thương phần mềm ở chân phải do bị lính Trung Quốc dùng búa đánh. Anh Phạm Ngọc Hào, chiến sĩ biên phòng Hữu Nghị Quan bị công an Trung Quốc hành hung đánh vào đỉnh đầu bên phải, vết thương sâu 2cm, khuỷu tay phải và gối chân sưng to...

Tính từ ngày 20-3-1974 đến 24-9-1977, phía Trung Quốc đã vi phạm biên giới Việt Nam ở đoạn đường sắt cạnh đồn Hữu Nghị Quan 2032 lần. Trong vòng 3 năm, trên 1 đoạn biên giới 30km, trung bình cứ 4 ngày phía Trung Quốc gây rối 1 lần. Đồng bào và chiến sĩ đã bền bỉ và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, dù phải đổ máu vẫn không lùi bước.

Năm năm trước, khi bọn bành trướng Bắc Kinh gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn, máu đồng bào và chiến sĩ ta đã đổ trên cửa khẩu Hữu Nghị để chặn đứng âm mưu chiếm đất của chúng.

Bọn bành trướng Bắc Kinh có một kiểu leo thang riêng, khác với chiến lược leo thang mà tên giáo sư Hơ-man Can đã gà cho Giôn-xơn và Ních-xơn. Đế quốc Mĩ bắt đầu chiến trnah từ nấc một bằng cuộc tập kích đường khong ngày 5-8-1964 đến nấc cuối cùng vào dịp Noel 1972, trước sau chỉ có bom và bom. thời gian leo thang không quá 8 năm 4 tháng.

Với mưu đồ bành trướng về phương Nam mà mục tiêu đầu tiên là nước ta, bọn phản động Bắc Kinh đã học cái tài biến hoá của Tôn Ngộ Không. bắt chước tôn Ngộ Không, bọn Đại hán có thời kì cố gìm cơn khát bành trướng, khoác cái áo màu đỏ, đóng vai bạn bè cách mạng để cổ vũ Việt Nam chống đế quốc, giữ gìn phên dậu phía nam cho chúng. Đên một lúc nào đó, chúng thoắt biến thành một mẹ mìn ngon ngọt dụ ta bắt tay với quỷ. Không xong, chúng liền tạo ra bày nhặng "nạn kiều" để quấy rối, phá phách. Cuối cùng, chúng hiện nguyên hình là kẻ thù độc ác, nham hiểm và tàn bạo, trắng trợn tiến quân xâm lược Việt Nam. Không khác những bộ ặmt hoá trang trên sân khấu kinh kịch, kẻ thù của chúng ta thay đổi đủ màu sắc trên cùng một khuôn mặt : đỏ, vàng, trắng, xám và đen.

Cách đây vài chục năm, phía Trung Quốc phát động phogn trào trồng cây suốt dọc biên giới 2 nước. Những rừng thông, hpi lao, bạch đàn, cao sư tạo nên một "bức tường xanh". Điều đầu tiên các chiến sĩ biên phòng Việt Nam lưu ý là "bức tường xanh" ấy chỉ chiếm một dải mỏng. Phía sau nó, sâu vào nội địa Trung Quốc dăm bảy chục cây số, đồi trọc cằn cỗi chạy giăng giăng chẳng ai thèm cắm xuống một cây, thế mà ở đoạn mốc 21, thuộc địa phận xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, họ đã trồng lấn sang đất Việt Nam hàng trăm hecta. Nhân dân địa phương cùng các chiến sĩ biên phòng Hữu Nghi Quan kiên quyết phản đối khiến chủ tịch huyện Bằng Tường phải xin lỗi bà con Việt Nam và đổ tội cho "công nhân lâm nghiệp Trung Quốc không thuộc địa lý" (!). "Bức tường xanh" có đặc điểm là biết di chuyển về phương nam. Hàng năm gió đưa hạt giống theo gió mùa đông bắc bay xa. Cây non mọc đến đâu người ta vạch đường biên giới tới đó. Đồng bào và các chiến sĩ biên phòng đã nhận ra đó là âm mưu chiến đất. chưa hết, "bức tường xanh" còn là màu ngụy trang che dấu mọi hành động lén lút. chúng xây dựng công sự, bố trí quân đội cùng các loại hoả lực... Nhưng chúng không che mắt được chiến sĩ ta.

Mờ sáng ngày 17-2-1979.Hàng trung đoàn quân Trung Quốc xâm lược không đi qua cửa Hữu Nghị Quan mà chọc thủng "bức tường xanh" ở phía đông. Rồi từ điểm cao kéo Lạc vài đánh tràn xuống bản Cò Luống, Nà Pàn. Chúng đã bị lực lượng của ta giáng trả bất ngờ. Các cụm xe tăng, nơi tập trung bộ binh lẫn trận địa cối, ĐKZ bố trí cố định trên các điểm cao ẩn trong rừng thông đều bị các chiến sĩ Hữu Nghị Quan ghìm đầu ngay từ khi chúng mới khởi chiến. Bọn bành trướng quả đã xây dựng một kế hoạch trường kì, nhưng chiến sĩ biên phòng ta đã kiên trì theo dõi suốt 20 năm, luôn luôn cảnh giác, không bị bất ngờ. Các chiến sĩ biên phòng Hữu Nghị Quan vào trận đĩnh đạc, quả cảm và thông minh. Suốt tuần lễ đầu tiên nổ ra cuộc chiến trnah xâm lược của giặc Trung Quốc, tôi lắng chờ từng mẩu tin chiến sự, hiếm hoi đến sốt ruột. Ngay khi trận đánh xảy ra, đơn vị biên phòng Hữu Nghị Quan bị cắt đứt mọi liên lạc với tuyến sau. Khi trung đội phó Hoàng Văn Lương chỉ huy đơn vị chốt ở Nà Pàn đánh lui đợt xung phong đầu tiên của bộ binh địch từ Kéo Lạc Vài đổ xuống thì xe tăng địch đã vượt qua mốc 16 tràn vào thị trấn Đồng Đăng. Thế trận của các chiến sĩ ta thật hiểm nghèo. Ngày thường, bọn địch đóng trên đỉnh núi đá cao ở phía tây có thể nhìn rõ mọi ngọn đồi thấp ở phía ta. Nói theo cách của chiến sĩ thì "chúng nó có thể nhìn tận đáy chiến hào của mình". Tôi không hình dung nổi các chiến sĩ chốt trên đồi Pò Cốc Púng-còn gọi là đồi Lê Đình Chinh, ngọn đồi có đường biên giới chạy qua đỉnh- làm sao chống chọi nổi trận mưa pháo cối như đánh đáo xuống chiến hào. Tôi không hình dung nổi các công sự của ta trên đồi 371 làm sao chịu thấu hoả lực bắn thẳng của những khẩu ĐKZ địch đặt sát cửa Hữu Nghị Quan.

Sau trận đánh, người đầu tiên tôi gặp lại là đồn trưởng Mươi. Anh bị thương ở chốt Nà Pàn vào lúc cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất. Vẫn giọng sôi nổi quen thuộc, anh nói :

- Chúng tôi chẳng dại gì mà cụm lại ở đồn chính, nằm một chỗ giơ lưng cho địch nện. Mình phải lừa miếng mà diệt nó chứ. Chúng tôi bung ra khắp địa bàn. Vì vậy mặc dù hoả lực phủ đầu của chúng nó ác liệt thật nhưng chúng tôi tránh được cả. Đến lúc chọi nhau với bộ binh và xe tăng địch, anh em đánh chững chạc lắm. Đơn vị tiêu diệt non 400 tên địch, bắn cháy 1 xe tăng, phá hủy 2 xe quân sự, giết 5 con ngựa, bắt 1 con, thu 1 trung liên, 5 AK, 3 CKC, 1 ống nhòm và 1.200 viên đạn.

Về sau, tôi không ngờ gặp lại hầu hết những gương mặt quen thuộc. Hồi người Hoa kéo đi Trung Quốc bị ùn lại ở cửa khẩu, phía Trung Quốc đã xúi dân chặt trụi cây trên một phần ba mặt đồi 371. Chúng đã tính đến chuyện phát quang xạ giới khá sớm. Tiếp đó lính địch ùn ùn kéo lên ngọn đồi đối diện với đỉnh 371. Hai bên cách nhau 150m. Họ cho quân đào công sự, chở gỗ và bao tải đất đến, rầm rập suốt ngày đêm rồi trắng trợn uy hiếp chiến sĩ ta. Hàng ngày địch chĩa ống nhòm, quay nòng pháo sang phía Việt Nam. Các chiến sĩ biên phòng ta cũng đào hào, cũng cấu trúc công sự, cũng cài mìn trên các lối mòn, bãi rậm. Hẳn kẻ địch đánh dấu trên bản đồ không sót một mục tiêu nào.Hẳn không một hoạt động nào bên này lọt khỏi con mắt xoi mói của chúng. Và lực lượng nhỏ nhoi chốt trên đồi 371 kia khó tồn tại sau đợt pháo cấp tập đầu tiên của quân Trung Quốc xâm lược. Ấy thế mà điều bất ngờ đã xảy ra. 30 phút mở màn trận đánh trong lúc pháo các cỡ của địch tập trung bắn như giã giò xuống các công sự nằm lồ lộ trên đỉnh đồi 371 thì các chiến sĩ ta đã ung dung ẩn mình ở những vị trí bí mật lưng chừng đồi. Sau quả đấm thép nện vào không khí, 2 đại đội bộ binh địch xông lên đồi, liền vấp ngay hoả lực bắn trả của tiểu đội chốt quân số còn nguyên vẹn. Trận đánh không cân sức kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Ngọn đồi bị vây kín cả vòng trong vòng ngoài. Sợ các bãi mìn và bẫy của ta, địch di chuyển trên sườn đồi rất thận trọng và dè dặt. Chính cái mẹo nghi binh đơn giản của chiến sĩ ta đã đánh lừa chúng.

Trung sĩ Tạ Văn Đạo là tiểu đội phó, bố trí trên đồi Lê Đình Chinh. Vì đường biên giới chạy qua đỉnh đồi nên khi bộ binh địch tràn sang, 2 bên đánh giáp lá cà luôn. Đạo phát hiện ra 1 mũi quân địch đã thọc qua mốc 17 và đánh vu hồi sau lưng đơn vị, anh nhanh chóng tổ chức một tổ chặn lại. Cho đến khi bị thương Đạo đã diệt được 9 tên. Trong sương mù giăng giăng và khói đạn mù mịt, màu quần áo 2 bên lại giống nhau, các chiến sĩ ta trà trộn vào đám quân địch hỗn độn rồi lần lượt rút ra ngoài. Riêng Đạo, anh đi hẳn sang đất Trung Quốc. 21 giờ ngày 17-2 anh đã bám theo 1 chiếc xe quân sự của địch trở về bên này biên giới và nhảy xuống Đồng Đăng, tìm đường về vị trí mới của đơn vị.

Trường hợp của trung sĩ La Văn Đồng người dân tộc Nùng lại có nét khác. Đồng là khẩu đội trưởng đại liên được phái ra trận địa ở mốc 23 từ mồng 3 tết âm lịch. Sau trận đánh ngày 17-2, anh cùng một số đồng đội lui về Khuổi Tao, rồi men dưới chân điểm cao 811 đi về hướng Đồng Đăng. Nửa đêm 21-2, Đồng lọt vào khu vực thị trấn, nghe tiếng súng nổ ran quanh pháo đài, Đồng biết anh em ta còn trụ lại trên đó nên bỏ ý định tìm đường về tuyến sau. Anh lần theo khe suối băng qua đường sắt, hướng về pháo đìa. Lửa cháy rực trời trên sân ga và các phố xá xung quanh. Đồng len lỏi được đến cầu Pắc Mật thì gặp 1 tổ 6 đồng chí bộ đội chốt ở mỏm 5. Họ dẫn anh vào trong pháo đài. Đồng tham gia chiến đấu 2 ngày đêm ở đây trong hoàn cảnh thiếu lương thực, đạn dược, địch tấn công liên tục và dữ dội. Đêm 24-2, Đồng lại cùng đồng đội mở đường máu, phá vây lần thứ hai, trở về đơn vị ở tuyến sau. Khi tôi hỏi Đồng có điều gì lo lắng giữa những ngày chiến đấu căng thẳng ấy không, anh chỉ cười.

Chuyện kể của Tạ Văn Đạo, La Văn Đồng và nhiều chiến sĩ khác giúp tôi hình dung ra gần như trọn vẹn cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược ở cửa quan Hữu Nghị. Những gương mặt chiến sĩ trẻ măng và tràn đầy khí phách cứ in đậm nét trong tâm trí tôi. Tôi biết họ đã chuẩn bị cho trận đánh trả quyết liệt này từ lâu lắm. Họ biết rõ kẻ địch điều động hàng quân đoàn chủ lực áp sát biên giới từ đầu. Họ biết rõ lực lượng xe tăng, pháo binh địch chuẩn bị cho cuộc xâm lược không phải ít. họ biết rõ họ ở vào một vị trí mà mọi toạ độ đã được kẻ thù tính sẵn phần tử bắn. Thế nhưng họ không hề sợ trước sức mạnh vật chất và tàn bạo của kẻ thù.

Có phải những dấu tích lịch sử 4.000 năm bảo vệ Tổ quốc ở tận địa đầu biên giới ấy, nào miếu mạo, bia đá, nào giếng khơi.... đã ghi nhận tính chất trường tồn của 1 dân tộc bất khuất đã nung nấu ý chí họ, thôi thúc họ vững tay súng đánh trả quân xâm lược ? Có phải hào khí người xưa trong câu thơ cổ :

"Đại hành thống lĩnh quân ta

Cờ lên Nam Ải cờ ra Bạch Đằng"

mà mỗi chiến sĩ Hữu Nghị Quan đều thuộc lòng và có phải 4 câu thơ của Lý Thường Kiệt :

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

được viết thành chữ vàng trên nền đỏ treo chính giữa nhà câu lạc bộ đồn biên phòng đã nhắc nhở họ quyết đem tính mạng ra giữ vững từng tấc đất của Tổ quốc ?

Mới đây thôi, liệt sĩ Lê Đình Chinh trong cuộc đối đầu với bọn côn đồ Bắc Kinh đã ngã xuống trên ngọn đồi biên giới Pò Cốc Púng. Tấm gương rực lửa anh hùng ấy phải chăng mãi mãi chói ngời trong trái tim những chiến sĩ biên phòng đang bám trụ trên chính ngọn đồi ấy từ đây mang tên người anh hùng ? Trước đây, kẻ thù của chúng ta thay hình đổi dạng, biến hoá đủ màu sắc nhưng không thể đánh lừa được ai dù là anh tân binh chưa dày dạn kinh nghiệm. Ngày 25-8-1978, khi gây ra vụ xô xát đẫm máu trước cửa Hữu Nghị Quan, bọn phản động Bắc Kinh cho loa phát bài "Quốc tế ca" lẫn với tiếng hô "Đả đảo cộng sản !" của lũ côn đồ. Lập tức người chiến sĩ biên phòng nhận ra rằng thời đại ngày nay có một thứ chủ nghĩa cộng sản nhãn hiệu Bắc Kinh chống chủ nghĩa Mác-Lênin đến cùng cực và cũng làm vừa lòng bọn đế quốc đến cùng cực. Mùa xuân năm nay, bọn phản động Bắc Kinh mở chiến tranh xâm lược nước ta trên quy mô lớn nhưng đã vấp phải sự giáng trả quyết liệt ngay từ bước chân đầu tiên chúng vượt qua biên giới. Ở Hữu Nghị Quan, cũng như ở A Pa Chải, Pha Long, Lũng Làn, Tà Lùng, Pò Hèn...., trên mảnh đất đầu xứ Lạng này, nagỳ trước tên tướng Đông Hán Mã Viện tàn bạo và hợm hĩnh đá dựng nên trụ đồng. Hắn có ngờ đâu, 1.937 năm sau, dòng dõi của hắn còn phải trả giá đắt : 62.500 tên bỏ mạng cho mộng bành trướng Đại hán. vfa chỉ riêng 400 xác lính Trung Quốc ở cửa quan Hữu Nghị cũng thừa sức lấp kín trụ đồng dù cho nó to, cao đến đấu.

Tất nhiên đây mới chỉ là trận đầu trong thời đại chúng ta. Nhìn về lâu dài tôi thấy vế câu đối khảng khái : "Đằng giang tự cổ huyết do hồng"-Từ ngàn xưa máu vẫn đỏ sông Bạch Đằng của vị sứ giả Giang Văn Minh thời Trần Quý Khoáng trả lời tên vua Minh Thái Tổ vẫn còn nguyên giá trị cảnh cáo.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play