Tôi chính thức bắt tay vào công việc của một thợ bánh tại Moon Harvest. Những ngày đầu tiên tiếp nhận và làm quen với môi trường mới ở nhà hàng khá bận rộn. Nhưng rồi mọi chuyện cũng nhanh chóng đi vào quỹ đạo. Mỗi đầu tuần, tôi chỉ cần họp với tổ bếp một lần để lên danh sách và số lượng các loại bánh cho từng ngày. Tôi cũng có thêm phụ tá tên Ngân, một cô gái trẻ hiền lành ít nói. Mặc dù tay nghề chưa cao, nhưng cô ấy rất chăm chỉ và chịu khó học hỏi. Thời gian buổi chiều là lúc tổ làm bánh rảnh rỗi nhất. Nhưng tôi thường không về nhà sớm mà thường ở lại bếp của nhà hàng để hướng dẫn phụ bếp thực hành các món mới. Vì thế cho nên, cả tuần này, tôi không màng đến cái điện thoại và việc check email. Đến khi sạc đầy và kiểm tra chiếc điện thoại vốn hết nhẵn pin, tôi thấy nhiều cuộc gọi nhỡ và một vài tin nhắn. Trong đó khẩn thiết nhất là của dì Lan: “Con nhóc này, con bốc hơi đi đâu mất tiêu rồi? Mặt trăng ăn hết cả con gấu rồi kia à?”. Hic, đúng là lời nói của một nhà biên kịch, mỉa mai châm biếm tôi không để đâu cho hết. Mặt trăng ăn gấu gì kia chứ. Dì lại lấy gấu ra mà so sánh với tôi cơ đấy. Tôi gọi lại cho dì.
- Chào người đẹp Hoàng Lan! – Những lúc dì “phun trào” những lời hoa mĩ bóng bẩy thì tốt nhất là cứ nịnh nọt cho chắc.
- À, con đấy à? Sao giọng con lạ thế?
- Có gì lạ đâu? Vẫn thế đấy ạ.
- Vẫn thế à? Ừ cũng phải, chắc tại lâu quá không nghe… – Dì vừa nói vừa thở dài một cái rất chi là kịch. Đấy, lại nữa…
- Dì, chẳng phải dì vẫn nói sự nghiệp là quan trọng sao? Con mới nhận việc, nên càng phải bỏ tâm bỏ sức ra chứ.
Tôi nghe tiếng dì cười. Giọng cười hòa chung với tiếng piano du dương.
- Dì đang nghe Chopin à?
- Cũng không hẳn. Dì đang thảo luận kịch bản phim với một người bạn. Anh ta gợi ý mở nhạc Chopin để thêm cảm hứng. À, con còn nhớ lần đi cùng dì tới gặp đoàn làm phim không?
- Ở trại trẻ mồ côi phải không dì?
- Đúng rồi! Sắp sinh nhật ông đạo diễn. Sẽ có một buổi party nho nhỏ ngay tại đó vào tối thứ Sáu này. Con có thể làm giúp dì một chiếc bánh sinh nhật và đi chung với dì tới đó được không?
- Không thành vấn đề!
- Tốt lắm! Mà lần trước con chưa gặp được anh chàng diễn viên chính, Vi An nhỉ? Anh ta, đang ngồi ngay gần đây này. Anh ta muốn chào con.
Trong lúc tôi đang ú ớ chưa kịp trả lời dì, thì đầu máy bên kia vang lên một giọng con trai nghe quen quen.
- Vi An?
- Lại Văn Hải?
Im lặng! Khi nghe tiếng qua điện thoại, dù tôi vẫn còn hơi nghi ngờ, nhưng không hiểu sao lại buột miệng thốt ra luôn cái tên Lại Văn Hải.
- Sao lại biết là tôi?
Đúng là anh ta rồi! Tôi trào phúng nói:
- Người đã bắt tôi mua mười bịch cháo dinh dưỡng, lại còn phải đổ ra bát cho anh ăn nữa thì tất nhiên là tôi phải nhớ chứ!
- Ha ha…, cô nhớ dai thật.
Thù này không nhớ thì Vi An ta thề không làm người. Mà tại sao hắn ta lại ở cùng chỗ với dì Lan nhỉ? Dì nói cùng hắn thảo luận về vấn đề kịch bản?
- Anh quen dì Lan tôi à? Lâu chưa?
- Chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau vì dì của cô là người viết kịch bản phim mà. Tôi cũng đã gặp cô ở phim trường. Hôm đó, cô làm bánh cho mấy em bé ở đó.
Lời nhắc của Hải khiến tôi nhớ lại một cảm giác khó gọi tên đã dâng lên trong tâm trí vào ngày hôm đó. Phải rồi! Cảm giác lạ lùng ấy đã xảy ra vào lúc nào nhỉ? Hình như là lúc tôi cùng với chú nhóc ít nói tại trại trẻ mồ côi đi gặp anh Thái của cậu bé. Cậu Thái đó rất cao lớn, rất kỳ cục trong khi bộ quần áo đồng phục học sinh hoàn toàn chật chội so với thân hình. Và cậu ta, khuôn mặt lại giống y xì đúc với cái tên diễn viên Quang Hải – Lại Văn Hải giời ơi đất hỡi đang nói chuyện với tôi đây. Chẳng lẽ Thái là một vai diễn của Lại Văn Hải. Mà quái thật, lúc đó đoàn phim chỉ tới quay thử, đâu có diễn viên nào đóng phim đâu? Vả lại, Tuấn nói Thái là anh của cậu, cũng sống ở trại trẻ mồ côi. Có gì lầm lẫn ở đây thế nhỉ? Lần đầu tiên, tôi thấy mình tò mò đến thế!
- Này anh, anh không phải là đã từng sống ở trại trẻ mồ côi đấy chứ?
- Ồ không! Tôi may mắn là vẫn có ba có mẹ.
- Tôi xin lỗi. Vậy Thái là ai, anh có biết không?
- Thái à? – Đầu dây bên kia im lặng vài giây. – Biết, tất nhiên là tôi biết chứ. Thế này nhé, thứ Sáu này cô cũng tới trường quay phải không? Hãy tới gặp tôi, tôi sẽ kể cho cô nghe về cậu ta. Vậy nhé!
Sau đó anh ta ngắt cuộc gọi. Tôi ném tọt điện thoại di động của mình vào trong lòng chiếc ghế sofa. Bên ngoài, trời trở về chiều. Mặt trời đã khuất sau những dãy nhà cao tầng của thành phố nhưng ánh nắng cuối ngày vẫn còn vương vãi trên mặt đất. Chỉ một chốc lát nữa thôi, nguồn sáng ấy cũng sẽ biến mất. Nhưng chúng như còn luyến tiếc điều gì trên thế gian, cố sáng mãi, sáng mãi… trước khi bị nuốt chửng vào trong lòng phố.
* * *
Elton Trần bỗng nhiên xuất hiện tại Moon Harvest. Nói là bỗng nhiên cũng có cái lý của nó. Bởi trong ngày lễ khai trương và những ngày tiếp sau đó, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của anh ta đâu. Mọi chuyện đều do quản lý Bình và các trợ lý đảm nhiệm. Elton mới vào văn phòng đã triệu tập các cuộc họp lớn nhỏ. Tuy nhiên, người nào vào họp xong ra nét mặt cũng hân hoan tươi rói. Tôi, với cương vị là phụ trách riêng về làm bánh, cũng được mời tới “tiếp kiến” ngài giám đốc. Mới hơn một tuần không gặp, Elton trông đã có một vẻ gì đó khác lạ. Vẫn là người đàn ông có đôi mắt xanh quyến rũ, vẫn là phong thái lịch lãm chết người và mùi vị uy quyền cao ngạo phảng phất tỏa ra từ người anh ta; nhưng dường như chúng bị một thứ ưu tư vô hình phủ lên. Anh ta khoát tay về phía chiếc ghế đối diện bàn làm việc, ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Sau đó Elton hơi ngả về phía sau, nhìn tôi với ánh mắt dò xét tinh anh.
- Mọi việc ổn cả chứ? Hy vọng Moon Harvest không làm cho cô thất vọng.
Câu nói nghe ra thì mang tính châm chọc, nhưng anh ta nói nó với một vẻ quan tâm hết sức chân thật. Elton Trần vẫn nhớ rõ mình đã vất vả như thế nào để mời được tôi về Moon Harvest. Tôi chỉ biết mỉm cười lắc đầu.
- Tôi rất vui vì cuối cùng chúng tôi có cô ở đây. Quản lý nhà hàng vừa báo cáo với tôi về hoạt động của Moon Harvest tuần qua. Nhờ có món bánh cô làm ra mà bộ phận kinh doanh có thêm được khách hàng đặt chỗ làm tiệc sinh nhật và đặc biệt là tiệc đính hôn của một nhân vật quan trọng.
- Ồ, thật sao? Chưa có ai nói với tôi về việc làm bánh cho tiệc sinh nhật hay là lễ đính hôn nào cả.
- Họ sẽ báo sớm thôi!
- Còn một việc này, tôi muốn hỏi ý kiến của cô. Cô có thể thu xếp công việc để đi Hà Nội với tôi hai ngày không? Có một hội thảo quốc tế chuyên ngành nhà hàng khách sạn. Lẽ ra chỉ mình tôi đi là đủ. Nhưng nghe nói họ sẽ tổ chức một khu triển lãm bánh ngọt do các thợ bánh hàng đầu của Thủ đô thực hiện trong thời gian hội thảo diễn ra.
Mắt tôi sáng trưng như hai cái đèn ô tô. Elton Trần còn căn dặn đủ thứ nhưng lời của anh ta trôi từ tai trái qua tai phải rồi biến mất hút. Tôi chỉ còn nhớ đúng một chi tiết là sẽ có một triển lãm bánh ngọt hoành tráng tại Hà Nội. Chấm hết.
- Được rồi Vi An, cô có thể về tiếp tục làm việc.
Tôi sực tỉnh, lén nhìn Elton – thấy anh ta cũng đang nhìn mình một cách thích thú, khuôn mặt dường như giãn ra trong một vài giây.
- Lạ kỳ! Tại sao mỗi khi nhắc đến bánh là cô lại hạnh phúc đến như vậy?
Thấy tôi đứng dậy không nói gì, Elton Trần cũng đứng lên. Anh ta vươn vai, rồi bước theo, lịch sự giữ cửa cho tôi. Sau khi nghe xong câu chào của cấp dưới, Elton cũng không nán lại phòng làm việc nữa mà rời đi ngay sau đó.
Đến chiều thì quản lý Bình thông báo lại những thông tin mà tôi đã được Elton phổ biến hồi sáng, tất nhiên là có thêm nhiều chi tiết. Anh ta xởi lởi nói với tôi:
- Khách hàng sẽ tới gặp em để trao đổi về thiết kế cho chiếc bánh đính hôn. Thú thật, được người này đặt tiệc, anh vừa mừng vừa lo. – Bình nhăn mặt. – Cô ta khó tính như quỷ ấy. Kinh dị thật. Cho nên, Vi An, em nhất định phải lấy được cảm tình của cô nàng.
Sau đó, Bình đưa cho tôi một phong bì. Trong đó bao gồm một một cặp vé khứ hồi đi Hà Nội, cùng một tờ chương trình chi tiết các hoạt động diễn ra trong hai ngày đầu tuần tại hội thảo: “Phương Pháp Mới Trong Quản Lý Toàn Diện Nhà Hàng – Khách Sạn”. Mắt tôi lại sáng lên khi nhìn thấy phần nội dung triển lãm bánh ngọt tại khách sạn Hoàn Cầu.
- Vi An này! – Bình gọi. – Em là thợ làm bánh thế chắc là ghét ăn bánh lắm nhỉ.
Tôi ngạc nhiên hỏi Bình:
- Sao anh lại nghĩ vậy?
- Anh thấy thường là vậy. Đầu phố chỗ nhà anh ở có một bà bán bánh rán. Bà ta đứng sau chảo dầu mấy chục năm nay rồi, từ hồi anh còn đi học vẫn hay mua bánh của bà ấy. Anh cứ nghĩ bà ta hẳn là sung sướng lắm vì muốn ăn bao nhiêu cái bánh rán tùy thích. Ấy thế mà lại không phải. Hỏi ra mới biết, cả chục năm nay bà ấy chưa đụng đến một cái nào.
- Đúng, thường là vậy. Nhưng em thì khác. Em ăn bánh cả ngày cũng được đó.
- Thế kia à? Vậy thì cẩn thận với vòng eo của em đấy! Anh khuyên thật, tại bà xã anh chẳng bao giờ dám đụng đến một miếng bánh ngọt.
Bình nháy mắt, rồi vẫy tay chào. Một lát sau đã nghe thấy tiếng anh ta sang sảng ở bên ngoài.
* * *
Chiều thứ Sáu, đúng hẹn với dì Lan, tôi tới nhà dì, mang một chiếc bánh kem cho bữa tiệc sinh nhật của ông đạo diễn. Dì nhìn thấy tôi chỉ gật đầu một cái, rồi lại lúi húi vào chồng giấy tờ bừa bãi trên chiếc bàn ở phòng khách. Chắc dì đang bị gí tiến độ rồi. Làm biên kịch thật là khổ! Tôi nằm ườn trên ghế chờ đợi. Ngáp ngắn, ngáp dài, vặn vẹo chán, tay tôi vơ đại một cuốn kịch bản trên bàn, ngoài bìa có đề dòng chữ to tướng: Kịch bản phim Con đường mùa xuân. Mở ra thì chỉ thấy toàn hội thoại với lại “ngoại”, “nội” “đêm”, “ngày” – đại khái là mấy phân cảnh của phim. Lật lật vài trang, tự nhiên đập vào mắt tôi là chữ “Thái” to đùng. Rõ ràng, Thái là một nhân vật trong bộ phim rồi!
Chừng nửa tiếng sau, dì Lan đứng dậy, vươn vai, vặn mình kêu răng rắc. Tôi ngưỡng mộ nhìn dì. Chưa khi nào tôi bẻ mình kêu to đến như vậy.
- Đó là triệu chứng của bệnh già. – Dì giải thích. – Con đâu cần phải sùng bái ta vì điều đó.
- Có chứ. Con chưa bao giờ bẻ tay mà nó kêu được.
Dì xoa hai bàn tay vào nhau. Sau đó ấn mạnh lòng bàn tay vào các khớp xương. Chúng kêu rổn rảng vui tai.
- Vậy thì cũng cần cả năng khiếu nữa. – Dì kết luận, lật chiếc vỏ hộp, nhìn vào cái bánh kem trắng muốt có phủ hoa văn trang trí bằng chocolate hình một chiếc máy quay phim và khen:
- Đẹp quá!
Chúng tôi tới trại trẻ mồ côi đúng lúc người ta đang quay ngoại cảnh ở trước cổng. Những chiếc đèn máy công suất lớn chạy bằng xăng chiếu sáng trưng khu vực quay phim. Nhân viên phụ trách kỹ thuật chạy đi chạy lại. Một vài diễn viên đang ngồi đợi, chuyên gia trang điểm phe phẩy cây cọ phủ phấn trên mặt họ. Ông đạo diễn đang bàn luận với người quay phim về việc đặt góc máy. Mọi người đều bận rộn nhưng không thấy Lại Văn Hải đâu cả.
Tôi chạy vào căn bếp trước đây đã từng ở đó sửa soạn Cupcake, đặt chiếc bánh kem lên kệ, rồi ra lại chỗ quay phim. Thì tôi cũng tò mò không biết người ta làm phim như thế nào mà. Sau hai lần phải quay lại, ông đạo diễn hài lòng hô “Cắt!”. Mọi người lục tục thu dọn đồ nghề.
Sinh nhật của ông đạo diễn được tổ chức gọn nhẹ tại phòng sinh hoạt. Nói là tiệc nhưng nó được gộp chung với bữa ăn tối của đoàn làm phim. Dì Lan giục tôi đi lấy chiếc bánh kem. Tôi lật đật chạy lại phòng bếp, vốn nằm ở phía sau dãy nhà. Khi mở cách cửa ra, một cảnh tượng không ngờ tới đập vào mắt tôi: Có kẻ đang ăn vụng bánh sinh nhật!
Nghe tiếng cửa mở, người ăn vụng bánh giật mình nhìn lên, mắt tròn thao láo. Tay anh ta vẫn còn cầm một mẩu bánh, vụn kem dính trên mép.
- Á… – Tôi kêu ngắn một tiếng, quá sửng sốt. Lại Văn Hải ăn vụng! Tôi hùng hổ xông tới, nhìn chiếc bánh bị anh ta móc một miếng to bằng nắm tay, tức giận vung tay lên. – Anh đang làm cái con khỉ gì thế này, đồ phá hoại!
- Tôi, tôi… không – Anh ta lắp bắp. Tang chứng còn rõ rành rành trên tay nên không thể chối cãi được. Trong một giây, kẻ phá hoại dường như có ý định phi tang vật chứng. Nhưng thay vì ném mẩu bánh đi, anh ta đút tọt nó vào trong miệng, nuốt nhanh cái ực và còn liếm tay sạch sẽ.
- Tôi sẽ đền tiền! – Anh ta nói cứng cỏi.
Tôi loay hoay nhìn cái bánh đẹp đẽ giờ bị khuyết một góc nham nhở vô phương cứu chữa, nước mắt chực trào ra. Tôi thút thít:
- Anh đền mà được à? Đây là cái bánh cho sinh nhật của đạo diễn. Bây giờ tiền của anh có biến ra được một cái bánh khác không hả? Hả? Hả? Hả?
Đau thương biến thành hành động. Mỗi tiếng “hả”, tôi lại co tay đấm thật lực vào ngực của kẻ ăn vụng. Lại Văn Hải vòng hai tay lại tạo thành một cái lá chắn phía trước, bước thụt lùi tránh đòn. Đến khi chạm phải bức tường, anh ta giơ hai tay lên, đầu hàng. Được đà tôi áp sát hơn nữa, cao giọng cảnh cáo:
- Hả?
Cú chọc cuối cùng có vẻ đau. Hải phản xạ co người lại, giơ tay ra túm lấy nắm đấm của tôi. Theo đà đang tiến tới, tôi rơi ngay vào vòm ngực rộng của anh ta, hạ cánh hoàn toàn êm ái.
Tôi lập tức nhảy lui ra sau, còn Hải cũng vội vã thả tay. Mặt tôi đỏ phừng phừng, hẳn là do tức giận. Mặt Lại Văn Hải cũng đỏ như đít khỉ, hẳn là do xấu hổ vì bị bắt quả tang ăn vụng.
- Xin lỗi! – Giọng anh ta thành khẩn. – Tôi biết là sai nhưng mà tại… tại tôi… đói!
Lại là đói. Lần trước anh ta xỉu vì đói. Lần này, anh ta ăn vụng cũng vì đói.
- Lời xin lỗi không được chấp nhận! Lý do gì kỳ cục vậy? Đằng nào mà anh chả được ăn? Tại sao lại cố ý phá hủy nó trước bữa tiệc. Còn nữa, anh là diễn viên nổi tiếng cơ mà! Thế mà hết lần này đến lần khác, tôi thấy anh chẳng khác gì nạn nhân của nạn đói năm 1945.
- Tôi đói thật mà.
- Anh phải giải thích thỏa đáng chuyện này. Nếu không, đừng hòng thoát.
Nhìn vẻ sắt đá của tôi, Hải gãi gãi đầu vẻ khổ sở:
- Thôi được, thôi được. Nếu như cô muốn biết lý do, thì đây: Tôi là người mẫu, được chưa, tôi không được phép ăn các thứ quá béo, quá ngọt.
Tôi nhíu mày, rồi vỡ lẽ ra. Không được phép ăn, vậy nên anh ta mới phải ăn vụng. Thật đến là khổ thân! Bánh ngon như thế mà lại không được ăn. Chả trách anh ta cứ lén lén lút lút. Tôi thở dài đầy cảm thông.
- Làm người mẫu khổ quá nhỉ. Nhưng mà ai cấm đoán anh vậy? Đạo diễn à?
- Gã quản lý của tôi! – Rồi như tìm được người trút bầu tâm sự bất hạnh, Lại Văn Hải hùng hùng hổ hổ nói:
- Đó là một gã giết người. Gã bỏ đói tôi, cấm đoán tôi đủ thứ. Tôi thề một ngày nào đó, tôi sẽ tống gã lên sao Hỏa. Nhưng bây giờ thì… chưa được!
- Thôi được rồi Lại Văn Hải. Coi như xí xóa cho anh lần này.
- Vi An! – Anh ta như sực tỉnh, vội vã túm lấy tay tôi, lắc lắc. – Cô không được kể chuyện này với ai. Nếu như nó đến tai Thắng hay lọt ra ngoài, tôi sẽ tiêu đời.
- A, vậy ra quản lý của anh là anh Thắng. Tôi hiểu rồi!
- Còn nữa, cô… đừng có gọi họ tên khai sinh của tôi ra nữa. Hãy gọi tôi là Quang Hải. Khán giả và người hâm mộ không biết tên thật của tôi.
- Ha ha ha… – Tôi bật cười. – Nhưng mà tôi không sửa được rồi. Tôi quen gọi Lại Văn Hải chứ chả biết Quang Hải là người nào. Với cả tên Lại Văn Hải độc đáo đấy chứ. Người ta sẽ tưởng anh có họ với MC Lại Văn Sâm đấy.
- Đâu chỉ có ông MC ấy mới tên là Lại Văn Sâm đâu. Tôi còn quen một Lại Văn Sâm nữa làm giám đốc bệnh viện thành phố cơ. – Quang Hải nói, sau đó thành thật. – Tên của tôi gọi lên nghe quê mùa.
- Ồ, không nên chối bỏ bản thân mình.
Tôi nhìn anh ta trêu đùa, thách thức. Đừng quên, tôi có “thù oán” với anh đấy. Thù này, tôi đã thề nhất định phải trả, cơ mà không ngờ, cơ hội lại đến sớm như thế.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT