Khi tên tuổi và hình ảnh của bạn xuất hiện trên một tạp chí nổi tiếng cũng có nghĩa là:
♥Bạn sẽ nổi tiếng (đương nhiên).
♥Bỗng chốc trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Vì vậy cần phải làm quen dần với việc được dòm ngó, bàn tán xôn xao mỗi khi đi qua hành lang các lớp học.
♥Sẽ có nhiều người thấy khó chịu với bạn, nhưng đó không phải là vấn đề gì quá lớn đâu. Hãy học cách mỉm cười thân thiện với họ, ngay cả khi họ ghét bạn như thể bạn chẳng khác nào một con sâu ngoe nguẩy.
♥Cần phải thận trọng hơn trong hành động cũng như lời nói nếu không muốn bị coi là một đứa “não phẳng”.
♥Ngồi cả giờ đồng hồ để giải thích với bố mẹ-những người chỉ muốn bạn trở thành nhà kinh tế thay vì một nghệ sĩ ôm đàn phừng phừng trên sân khấu.
♥Yên tâm đi, độ “hot” của bạn sẽ suy giảm theo ngày tháng, trừ khi bạn lại bùng nổ thêm một lần nữa.
Haizz.
Làm người nổi tiếng thế này thật chẳng dễ dàng gì. Từ giờ trở đi, tôi phải hạn chế cái sự tò mò của mình mới được. Nhất là việc ngồi đọc comment về mình trong các diễn đàn.
Nếu như đó là lời khen ngợi, động viên thì không sao. Nhưng nếu là lời chê bai thì nó khiến tôi cảm thấy tồi tệ vô cùng.
Bạn sẽ thấy thế nào nếu có người lôi những bức ảnh mốc meo xấu xí hồi cấp 1, cấp 2 của bạn trưng bày lên các diễn đàn chỉ để chứng tỏ một điều ở ngoài đời bạn không lung linh bằng trên báo? Và rồi họ còn thêu dệt mấy câu chuyện chẳng ra đâu vào đâu nhằm mục đích bôi xấu bạn? Tất nhiên tôi thừa biết chủ nhân của những trò lố đó chẳng phải ai khác chính là Gigi, nhưng than ôi, biết vậy thì làm được gì?
Tôi đã chia sẻ nỗi sợ hãi của mình với Siro, cậu ấy khuyên tôi nên tập trung vào việc của mình thì hơn, mọi người luôn đưa ra ý kiến về mọi thứ, không nên để tâm nhiều đến chuyện đó nữa.
Ok, không bận tâm nữa! Nghĩ vậy, tôi tắt máy tính, xuống bếp nhặt rau cùng mẹ.
Trong lúc hai mẹ con đang loay hoay rửa rau và tán gẫu thì chuông cửa reo.
“Ra mở cổng đi Kem.”
“Vâng.”
Tôi vội lau tay bằng khăn sạch rồi chạy ra mở cửa. Đó là một người đàn ông tuổi trung niên, hơi thấp bé, gầy quắt queo, đeo kính râm và mặc comple rất ngầu. Ồ, ông ta còn đến đây bằng xe BMW nữa.
“Chào chú. Chú tìm ai ạ?”
“Cho hỏi đây có phải là nhà Hạ Kem không?”
“À vâng đúng rồi ạ. Cháu là Hạ Kem đây.”
Nghe vậy, người đàn ông xúc động gỡ cặp kính râm ra, nhìn tôi chăm chú một hồi rồi mừng rỡ túm lấy hai vai tôi.
“May quá, cuối cùng cũng gặp được cháu!”
“Chú nói gì cơ ạ? Cháu không hiểu?” Tôi bối rối.
“Niềm hy vọng cuối cùng của ta! Trời ơi, cháu có biết là chúng ta đã tìm kiếm cháu vất vả thế nào không?” Vừa nói, chú ấy vừa rưng rưng nước mắt.
Cái gì thế này? Tự nhiên mọc ở đâu ra “niềm hy vọng cuối cùng của ta” vậy?
Trời, vậy ra không phải rồi.
À mà khoan. Nhạc sĩ An Mạnh? Ông nội của anh Kiwi?
“Tôi biết chứ, ông ấy nổi tiếng từ hồi tôi còn bé xíu. Mấy chục năm rồi chứ có ít đâu.” Mẹ nói.
“Cháu cũng biết nhạc sĩ An Mạnh chứ Kem?”
“Dạ, cháu biết.” Tôi rụt rè.
“Không giấu gì chị và cháu. Tôi là An Thông. Bố tôi- tức ông An Mạnh, đang bệnh nằm viện. Về lâu về dài khó có thể nói trước được. Tình trạng của ông lúc này giống như lá vàng trên cây, giông tố một chút là có thể lìa cành. Ông vẫn luôn ấp ủ về dự án album cuối cùng, quyết thực hiện nó đến khi sức tàn lực kiệt. Dự án lần này có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng góp mặt. Nhưng còn một bài hát nữa, bài hát chủ chốt của album mà ông tâm đắc nhất, vẫn chưa thể tìm ra giọng ca nào phù hợp. Chị nghĩ xem, có biết bao nhiêu ca sĩ, bao nhiêu giọng hát thiên thần nổi tiếng, nhưng chẳng một ai khiến ông ưng ý cả.”
Ngừng một lúc, chú ấy lại tiếp.
“Theo như ông mong muốn, đó sẽ phải là một giọng hát đặc biệt, không quá cao, không quá thấp nhưng lại trong veo như pha lê. Giọng hát này khi cất lên, có thể khiến người nghe cảm thấy hạnh phúc, thoải mái, cảm giác mát lạnh như đang bay bổng trên mây xanh, bao nhiêu mệt nhọc cũng vụt tan biến. Đó-chính là mục đích lớn nhất cuộc đời ông, âm nhạc đem đến cho con người hạnh phúc.”
“Vậy ra…?” Tôi ấp úng.
“Thật may mắn biết bao! Hôm qua, sau khi chú xem clip cháu hát, đã đem nó đến cho ông. Khi nghe xong, ông mỉm cười vui sướng, rồi ngay lập tức rơi lệ, nhắc đi nhắc lại: “Thấy rồi! Rốt cuộc là ta đã tìm thấy rồi!”. Tối hôm ấy, ông đã dặn đi dặn lại chú, bằng mọi cách phải đưa cháu đến gặp ông. Kem ạ! Cháu chính là tia hy vọng cuối cùng của gia đình chú! Ước nguyện cuối đời của ông-nhạc sĩ tài ba An Mạnh đã sắp được thực hiện rồi! Cháu sẽ giúp chúng ta chứ?”
Nghe đến đây, mẹ tôi đã khóc thật. Tôi thấy mắt mẹ đỏ hoe. Mẹ không thích tôi hát hò cho lắm, ngay cả khi tôi được lên báo. Nhưng lần này thì…
“Nhất định rồi! Tôi và nhà tôi nhất định sẽ đồng ý!”
Thấy thế, chú An Thông mừng quá, vội chạy tới cầm hai tay mẹ tôi đầy cảm kích.
“Cảm ơn chị nhiều lắm! Chúng tôi tuyệt đối không để cháu Kem chịu thiệt thòi đâu! Còn về việc học tập, chị không phải lo, cháu sẽ đến hãng đĩa vào những buổi chiều rảnh rỗi, nếu cần chúng tôi sẽ thuê gia sư. Cảm ơn chị!”
“Anh đừng khách sáo. Nếu là việc có ích, chúng tôi sẽ ủng hộ cháu chứ không ngăn cấm gì đâu.”
Còn tôi thì ngồi đơ ra ở đó. Tôi thật chẳng bao giờ nghĩ rằng, giọng hát của mình lại được chú ý đến như vậy…Tại sao không nhỉ? Đem hạnh phúc đến cho mọi người, có lẽ đó là sứ mệnh của tôi…
…
Sau khi được mẹ đồng ý, chú An Thông chở tôi đến bệnh viện nơi ông An Mạnh đang nằm. Có một cảm giác gì đó rất khó tả. Tôi sắp được gặp vị nhạc sĩ nổi tiếng, con người tài hoa mà tôi vô cùng kính trọng.
Đến nơi, chú An Thông đi trước dẫn đường, còn tôi lẽo đẽo theo sau. Sau tiếng “ding” của thang máy, chúng tôi đi qua khá nhiều phòng bệnh, phòng điều trị trên tầng 9 mới tới phòng của ông An Mạnh. Khắp các nơi trong bệnh viện đều có mùi thuốc sát trùng, mùi từ xe đẩy của y tá. Tôi vốn sợ dao kéo, sợ máu, sợ bệnh viện nên cái mùi đặc trưng này quả thực khiến tôi khiếp hãi.
“Đây rồi, vào đi cháu.” Chú An Thông ra hiệu.
Cửa phòng mở, tôi rón rén bước vào. Căn phòng khá nhỏ, có hàng đống máy móc, dây rợ chẳng chịt. Trên chiếc giường bệnh màu trắng toát, có một người đang nằm rất yên lặng. Hẳn là nhạc sĩ An Mạnh rồi.
Không chỉ vậy, ngồi bên cạnh ông còn có một người nữa. Mà dáng vẻ cao lớn, trầm tĩnh của người này đã quá đỗi quen thuộc với tôi…một người mà tôi không hề muốn gặp thêm một lần nào nữa, có gặp cũng chỉ khiến tôi thêm buồn mà thôi.
Nghe thấy tiếng cạch cửa, người đó quay lại. Mặt đối mặt.
Dưới ánh đèn mờ ảo nơi phòng bệnh, đôi mắt của người đó ánh lên những tia sáng lạnh lẽo.
Là anh ư, Kiwi…
Không biết từ lúc nào, tôi bỗng co người định chạy trốn.
Nhưng nghĩ lại, cũng không nên cư xử lố bịch như vậy, nhất là đối với người lớn tuổi. Mấy hôm trước, tôi còn tự hứa với bản thân mình rằng khi gặp Kiwi sẽ vui vẻ mỉm cười với anh ấy cơ mà.
Phải rồi, vui lên nào, cứ coi như người trước mắt mình là nam diễn viên quyến rũ của Transformer-Shia Labeouf là được, rất ngưỡng mộ, rất thích nhưng không thể chạm tới. Thế là ổn.
“Kem, vào đi cháu.” Chú An Thông vỗ nhẹ vai tôi.
“Vâng.” Tôi đáp rồi chậm chạp bước vào phòng bệnh, lễ phép chào ông An Mạnh, và cả Kiwi nữa.
“Ông đợi em khá lâu rồi.” Kiwi nói, và nơi khóe mắt anh ấy nở một nụ cười thân thiện.
Ồ, tôi đã làm được, dũng cảm nhìn vào mắt anh ấy, mỉm cười. Có gì khó đâu nhỉ? Cái khoản che giấu cảm xúc đối với tôi mà nói thật dễ dàng làm sao.
Nhìn quanh, căn phòng không giống một phòng bệnh thông thường cho lắm. Nó đầy đủ tiện nghi, rất sạch sẽ, ngăn nắp. Tường sơn màu sáng, phía trên treo mấy bức tranh nhỏ và khung ảnh gia đình. Bên cửa sổ là hàng dãy chậu hoa tươi, cây cảnh xanh mát. Gần đó là một cây đàn guitar màu hổ phách được đặt cẩn thận phía góc tường.
Cùng lúc, ông An Mạnh tỉnh dậy, giọng ông run run.
“Là Hạ Kem đấy phải không?”
“Vâng, con bé đây rồi bố ạ.” Chú An Thông kéo ghế mời tôi ngồi.
Lần đầu tiên, tôi được ngắm nhìn vị nhạc sĩ ở khoảng cách gần như thế này.
Ông đã già, hẳn rồi.Trông ông gầy gò, ốm yếu quá, những nếp nhăn đã hằn rõ trên gương mặt dạn dày sương gió. Chắc bệnh tật đã hành hạ ông ghê lắm…
Kiwi chậm rãi đỡ ông ngồi dậy. Bàn tay ông gầy guộc, run rẩy nắm lấy tay tôi.
“Cuối cùng đã tìm thấy cháu! Lần đầu tiên chú An Thông đưa cho ta xem cháu hát, ta đã hiểu, bài hát đó được viết ra là dành cho cháu. Cháu phải hát nó, nhất định phải hát nó…khụ khụ…”
Chưa kịp nói dứt lời thì một tràng ho dữ dội kéo đến. Kiwi ở bên cạnh không ngừng vuốt ngực xoa dịu cho ông.
“Ông đừng lo! Tuy cháu không phải ca sĩ, nhưng nếu có thể, cháu nhất định sẽ hát!” Tôi vội vàng trấn tĩnh.
“Tốt quá rồi.” Vị nhạc sĩ cười hiền lành.
“Anh biết kiểu gì em cũng nhận lời. Cảm ơn em nhiều lắm, Ice-cream.”
Ice-cream? Anh ấy vẫn gọi tôi là Ice-cream như trước…
“Không, anh đừng nói thế. Em phải cảm ơn mọi người vì đã chú ý đến em mới đúng.” Rồi tôi quay sang phía ông An Mạnh. “Cháu chỉ sợ…cháu làm không được, khiến ông phải thất vọng.”
“Haha…” Vị nhạc sĩ bật cười thành từng tiếng khô khốc. “Ta tin vào sự lựa chọn của mình, và ta tin rằng cháu sẽ làm được. Ở cháu có cái gì đó rất mộc, rất hồn nhiên, chân thật, không hề bị chi phối bởi các kĩ thuật. Ta thích điều đó, hoang dã, nhưng lại không hoang dại. Cách cháu hát rất nhẹ nhõm, bay bổng như sương khói, vừa mát lạnh, lại vừa ấm áp…Cháu…có thể hát cho ta nghe được không?” Ông nhìn tôi trìu mến.
“Ở…đây…ngay bây giờ ạ?” Tôi lắp bắp.
“Đừng ngại, Kem. Mọi người đều yêu thích giọng hát của cháu.” Chú An Thông đứng dậy, đem cây đàn guitar ở góc tường đến cho tôi rồi ngồi xuống chờ đợi.
“Ừm…chắc chắn rồi ạ…cháu sẽ hát!”
Đón lấy cây đàn guitar từ tay chú An Thông, tôi nhẹ nhàng đặt nó lên đùi và chơi thử.
Ôi trời…là LakeWood của Đức! Run quá đi mất, nó-cây guitar này đáng giá cả gia tài đấy!
“Âm thanh tuyệt lắm ông ạ!” Tôi reo lên thích thú. Làm sao có thể không sung sướng khi được chạm tay vào guitar LakeWood cơ chứ. Xem này, chất gỗ làm đàn mới dày, chắc chắn và nhẵn nhụi làm sao. Nó tuyệt vời tới mức mê hồn, từ hình dáng cho đến âm thanh!
“Ta mua nó cách đây 2 năm, trong một lần sang nước ngoài lưu diễn. Nếu cháu thích, cứ giữ lại mà chơi.”
“Ồ không! Ý tốt của ông cháu rất cảm ơn. Nhưng cháu đã có một cây ở nhà rồi ạ, nó cũng rất tốt.” Tôi vội vã xua tay.
Không để mọi người chờ lâu, tôi bắt đầu dạo nhạc và hát, bằng tất cả trái tim, tâm hồn của mình, một cách say sưa. Tôi yêu việc này. Cảm giác có người đang chăm chú dõi theo mình hát khiến tôi thấy hạnh phúc.
Tôi hát những bài hát tự mình viết. Lần này không phải bài hát nào vui tươi, mà nó khá buồn, sâu lắng, thêm vào đó chút lãng mạn. Ông An Mạnh, chú An Thông tỏ ra rất hài lòng và thích thú, họ cứ gật gù mãi.
Chợt, tôi nhìn về phía anh Kiwi, và thấy anh ấy cũng đang chăm chú nhìn mình. Dù tôi có cố gắng thuyết phục bản thân là mình chỉ yêu mến, ngưỡng mộ anh ấy thôi. Nhưng chẳng hiểu sao khi bắt gặp ánh mắt của Kiwi, tôi lại thấy trái tim mình rạo rực.
Âm nhạc chắp cho chúng ta một đôi cánh…
Đôi cánh diệu kì và xinh đẹp…
Không gian xung quanh lúc này không còn là phòng bệnh nhỏ bé nữa, không còn bó hẹp bởi bốn bức tường, mà mở rộng ra khắp mọi phía, trải dài đến vô tận.
Trong tích tắc, tôi thấy mình đang đứng giữa cánh đồng hoa oải hương thơm nồng nàn, rộng đến mênh mông, từng bông hoa nhỏ màu tím phớt khẽ lung lay, ngả nghiêng trong gió. Nắng trong vắt như thủy tinh, hiền hòa buông xuống mơn chớn những khóm hoa.
“Anh Kiwi!” Tôi chợt reo lên.
Anh ấy đang đứng trước mắt tôi, rất thật, rất đẹp đẽ, hơn cả một giấc mơ, với đóa hoa oải hương ngào ngạt trên tay.
“Ice-cream.”
Dưới ánh mặt trời rực rỡ, Kiwi bước từng bước đến bên, rồi anh ngắt lấy vài bông hoa, nhẹ nhàng gài nó lên mái tóc nâu dài của tôi, ánh mắt chan chứa tình yêu thương…
Không hề chần chừ, tôi giữ lấy bàn tay Kiwi, áp nó lên má. Nụ cười của anh rạng ngời hơn cả ánh mặt trời nóng bỏng. Nó khiến tôi tan chảy, cứ thế tan ra, chầm chậm như ly kem mùa hạ…
Bộp bộp.
Bài hát kết thúc, tiếng vỗ tay của mọi người khiến tôi bừng tỉnh, trở về với hiện tại.
“Thật chẳng còn gì để nói!” Nhạc sĩ An Mạnh xúc động lên tiếng. “Cháu không chỉ hát, mà còn cảm nhận, trôi dạt trong bài hát đó nữa. Cảm xúc của cháu cuồn cuộn mà hiền hòa như dòng nước. Rất tự nhiên, rất sống động! Ta…thực sự đã bị cháu thuyết phục rồi.”
“Cảm ơn ông!” Tôi mừng rỡ trao cây đàn lại cho chú An Thông.
Ở đầu bên kia, Kiwi không nói lên lời nào, anh ấy cứ nhìn tôi ngạc nhiên như vậy.
Giá như Kiwi biết được rằng, bài hát chưa đặt tên mà khi nãy tôi hát là dành cho anh ấy. Nhưng thôi, có lẽ việc này không cần thiết. Chỉ mình tôi biết, vậy là đủ.
“Kiwi này, cháu và Kem học cùng trường đúng không?” Ông An Mạnh quay sang hỏi.
“Dạ vâng. Bọn cháu học cùng trường Isaac Newton, em ấy kém cháu một lớp.”-Kiwi đáp.
“Tốt quá rồi! Từ nay trở đi, cháu phải giúp ông để mắt đến con bé đấy. Kem bây giờ cũng giống người trong nhà. Kem à, có gì khó khăn cháu cứ nói với Kiwi, nó sẽ thay ông giúp đỡ cháu!”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT