Tôi dạy học đã được cả chục năm, nhưng ngôi trường hiện nay, tôi mới chỉ xây
dựng được cách đây bốn năm. Thật ra, gọi là trường vì không biết dùng chữ gì,
chứ trường học của tôi chỉ là một căn nhà ngăn ba bằng những tấm phên đan, trong
đó, bàn học, ghế ngồi đều làm bằng loại gỗ xấu, càng ngày càng cũ kỹ ọp ẹp.
Trường tôi dạy từ mẫu giáo đến lớp nhất, nghĩa là gồm sáu lớp, luân phiên nhau
hai buổi trong ba ngăn phòng. Học sinh là các em ngụ trong xóm, tổng cộng được
khoảng hơn trăm. Ngoài tôi đảm nhận lớp nhất, tôi phải tìm thêm ba cô và hai
thầy nữa để phụ trách các lớp khác. Học phí của học sinh, sau khi trang trải chi
phí, lương bổng cho các thầy cô, chỉ còn vừa đủ cho gia đình tôi, một vợ, chín
con chi dụng, tuy không đến nỗi chật vật, nhưng cũng chẳng khá chút nào.
Tôi quen Nhật ngay khi em mới lên đây trọ học. Nghe đâu quê em ở Cần Thơ,
hiện đang theo đuổi Dự bị Lý Hoá ở Đại học Khoa Học. Nhà trọ của em - căn gác
xép nhà bà Năm Tiến -- chỉ cách nhà tôi chừng mười căn. Tối hôm đó, dẫn thằng
con ra đầu ngõ uống sinh tố về, tôi nghe được tiếng đàn bập bùng trên căn gác
xép vọng xuống. Dù đã đứng tuổi, nhưng tâm hồn tôi vẫn chuộng âm nhạc lắm. Xóm
tôi ở là một khu xóm mà hầu hết dân chúng đều là dân lao động, đàn hát bị xem
như xa hoa, có vài cậu em chung nhau mua được cây đàn gẫy tình tang cho nhau
nghe, nhưng chỉ có tính cách giải trí, chứ không điêu luyện như tiếng đàn trên
căn gác xép nhà bà Năm Tiến. Thằng con tôi dừng bước, ngước nhìn lên đó :
- Ai đờn nghe hay quá ba há ?
Tôi dừng lại theo nó, đứng lắng nghe. Người trên căn gác xép đang chơi bản
“Cầu sông Kwai”. Tiếng đàn ru tôi mê mẩn đến nỗi bà Năm Tiến phải gọi đến lần
thứ hai, tôi mới giật mình lên tiếng chào hỏi bà. Và tối hôm đó, tôi quen
Nhật.
Nhật có một người bạn, trong một lúc tâm sự với tôi, em kể rằng chính người
bạn đó đã ảnh hưởng sâu đậm đến hướng sống của em. Tiếng đàn điêu luyện của Nhật
và của bạn em nữa, không phải tự nhiên mà có được. Mà là kết quả hàng năm trời,
hai em tập luyện với nhau. Nhật khoe ngoài tiếng đàn, bạn em còn có giọng hát
rất khá.
Giọng hát đó, vào một buổi sinh hoạt sáng chủ nhật nọ, tôi đã được thưởng
thức. Và tôi thấy, Nhật quảng cáo không sai chút nào. Thật vững vàng và phong
phú không kém bất cứ ca sĩ nào.
Tạo một luồng sinh khí mới cho khu xóm, hai người bạn mới của khu xóm chúng
tôi đã chiếm được cảm tình của mọi người. Chúng tôi, ai như nấy, đều phải thầm
khen sáng kiến của hai em. Trong những buổi sinh hoạt sáng chủ nhật, có thể nói
là thường xuyên từ hơn tháng nay, không những trẻ con trong xóm được dịp tập
sống cộng đồng, tập hát những bài ca vui tươi, lành mạnh, mà còn học hỏi được
rất nhiều điều hữu ích. Một trong những điều mà tôi cho là có lợi nhất là bọn
trẻ đang được hai người anh tinh thần của chúng hướng về một tình yêu thiêng
liêng, cao đẹp : tình yêu dân tộc !
Dân xóm, và chính tôi, đều công nhận một điều này : con em chúng tôi đang
được hai người bạn trẻ hun đúc, nuôi chí, luyện tài. Họ đã tiếp tay với chúng
tôi rất nhiều trong nhiệm vụ giáo dục cao cả.
Thế mà thực ân hận, chúng tôi không giúp lại họ được gì cả.
Nhật và bạn em vừa đến nhà tôi. Hai em cho tôi biết ý định muốn mở một lớp
học và mong được tôi giúp đỡ. Dũng :
- Bọn em nghĩ rằng nếu tổ chức được lớp học, việc dạy dỗ các em nhỏ sẽ được
đầy đủ hơn là những buổi sinh hoạt sáng chủ nhật…
Nhật :
- Bọn em chỉ xin thầy cho mượn lớp vào buổi tối chừng hai tiếng đồng hồ…
Tôi còn ngạc nhiên vì lời yêu cầu của hai em, có lẽ em Nhật tưởng tôi suy
tính lợi hại, nói ngay :
- Em biết lớp học không có điện, thầy khỏi lo chuyện đó, hai đứa em sẽ mắc
điện lấy…
Dũng thêm :
- Hoặc nếu thầy sợ bọn trẻ phá phách lớp học, bọn em xin hứa sẽ đền bù những
gì hư hao…
Tôi lắc đầu :
- Không, hai em đừng nghĩ thế…
Vâng, hai em đừng nghĩ thế. Mà hai em hãy nghĩ đến điều này : từ ngày hai em
đi hỏi dò ý kiến của dân xóm về ý định của mình, tôi đã nghe nhiều lời xầm xì,
bàn tán. Bàn tán về việc làm của hai em, rồi bàn tán cả đến những lớp học hiện
đang hoạt động của tôi nữa. Họ so sánh hai em và các thầy cô của tôi. Họ chê
bai, trách phiền sự chểnh mảng của những người dưới quyền tôi. Tôi biết chứ,
nhưng tôi hiểu, với đồng lương chẳng ra gì, làm sao họ hăng hái làm việc được ?
Mà tăng lương cho họ, làm sao tôi sống ? Thu học phí cao, tránh sao được phụ
huynh than van …
Dân nghèo thường vẫn thực tế. Do đó, tôi không ngạc nhiên trước những câu
nói, như :
- Có lớp miễn phí, tôi cho tụi nhỏ học đằng ông An nghỉ hết. Học đâu mà chẳng
vậy. Ở đằng này còn hơn được cái đỡ tốn tiền… mà các cậu ấy coi bộ cũng tận
tâm…
Không ngạc nhiên, nhưng tôi sợ. Vì không phải chỉ một người có ý đó, mà tôi
biết, nhiều người đã có ý đó. Khổ cho tôi biết bao, càng mến, càng đồng ý với dự
định của hai em bao nhiêu, tôi càng phải nghĩ đến miếng ăn, đến cuộc sống của
tôi, của năm thầy cô dưới quyền tôi bấy nhiêu.
Đó là một lẽ, lẽ khác nữa là chuyện cho các em mượn lớp học. Giả dụ như tôi
cho các em mượn lớp đi, thì nếu chẳng may có gì hư hỏng, nỡ nào tôi lấy tiền đền
bù của các em. Mà không nhận thì… còn gì ngoài tiền túi, tôi móc ra để sửa
chữa.
Tôi đã không dám trả lời dứt khoát với hai em Nhật, Dũng. Nhưng tôi nghĩ
rằng, các em thừa thông minh để hiểu rằng, lời hẹn suy nghĩ lại của tôi là một
lời từ chối…
Hai em đừng giận tôi, xin thông cảm cho tôi, một người đang cần đến những lợi
tức nuôi sống gia đình…
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT