Lana vừa hỏi mình xem đã lấy giấy mời chưa. Đúng lúc mình vừa bước từ trong phòng tắm ra. Thật ngượng hết chỗ nói!
Mình nói chưa có cơ hội lấy nhưng chắc chắn tới hôm đó sẽ có cho nói.
Lana đảo một lượt từ trên xuống dưới rồi cong môi nói: "Sao cũng được. Đồ dở hơi".
Đáng ghét!
Thứ Sáu, ngày 5 tháng 3, giờ Kinh tế Mỹ
Cầu = số lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà người mua cần
Cung = số lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà người bán có thể chào bán
Trạng thái cân bằng = Khi cung và cầu bằng nhau, nền kinh tế được cho
là đang ở trạng thái cân bằng. Lượng hàng hóa được cung cấp bằng đúng
với lượng hàng hóa được yêu cầu.
Trạng thái mất cân bằng = xảy ra khi giá cả hoặc số lượng giữa cung và cầu không cân bằng nhau.
(Như vậy trên lý thuyết, Hội học sinh TH Albert Einstein đang ở trạng
thái mất cân bằng do Quỹ Hội (= 0) không cân bằng với nhu cầu của Hội
trường Alice Tully một đêm (= $5.728).)
Afred Marshall, tác giả cuốn Những nguyên tắc Kinh tế học (1890) đã viết: " Kinh tế học, một
mặt là nghiên cứu về sự giàu sang, nhưng mặt quan trọng hơn là nghiên
cứu về con người".
Hừm... nghĩ là kinh tế học chính là một môn
khoa học XÃ HỘI. Giống như tâm lý học. Bởi nó đâu hoàn toàn chỉ nói về
các con số. Nó còn liên quan đến CON NGƯỜI và lý trí của họ khi quyết
định mua hay bán một sản phẩm gì.
Ví dụ như Lana. Nó sẵn sàng tố mình ra với chị Amber nếu mình không xin cho nó 2 vé tới dự tiệc của bà.
Một ví dụ kinh điển về cung (mình là người cung cấp) và cầu (yêu cầu của nó mà mình buộc phải đáp ứng).
Tất cả những gì học được hôm nay về cung và cầu khiến mình ngộ ra được một điều: Lana Weinberrger chưa hẳn đã vươn đến cấp độ thượng đẳng của sự hoàn thiện bản thân.
Nó chỉ đơn giản là "giỏi làm kinh tế" thôi.
Thứ Sáu, ngày 5 tháng 3, giờ tiếng Anh
"Một tiết nữa thôi là có bảng phân vai rồi! Hy vọng là Boris sẽ nhận được vai Gustav! Cấu ấy mong đợi điều đó kinh khủng!"
"Mình cũng mong là vậy, Tina! Mong rằng mọi người đều nhận được vai diễn mà mình yêu thích"
"Cậu thích vai nào, Mia?"
"Mình à???? Chẳng vai nào cả!!! Mình thậm chí không nộp đơn đăng ký
cũng như ảnh chân dung, cậu quên rồi à? Mình rất kém mấy khoản kịch cọt này."
"Đừng hạ thấp bản thân như thế chứ! Cậu vào vai Rosagunde cũng khá lắm mà. Chẳng nhẽ cậu không muốn một tẹo nào sao?"
"Không hề! Mình là một nhà văn, chứ không phải diễn viên. Quên rồi à?
Mình muốn VIẾT ra những điều mà mọi người trên sân khấu sẽ nói. À, cũng không hẳn. Bởi vì viết kịch bản sân khấu kiếm được ít tiền lắm. Nhưng
cậu hiểu ý mình rồi chứ?"
"Ừ, hiểu rồi."
"Mỉnh chỉ có
thể nói một câu: Nếu mình không nhận được vai Rosagunde thì chỉ có một
cách lý giải. Đó là sự thiên vị. Thiên vị với mọi người trong nhà. Cậu
hiểu ý mình nói chứ, Mia?"
"Nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra
đâu, bởi Mia không hề nộp đơn xin thử vai mà. Cậu ý không hề MUỐN vào
vai đó. Vì thế cậu đừng lo, Lilly. Hy vọng là tất cả bọn mình đều nhận
được vai ưng ý - ngay cả nếu điều đó có nghĩa là KHÔNG được chọn."
"Mình ủng hộ câu nói đó của cậu, Tina!"
Thứ Sáu, ngày 5 tháng 3, giờ ăn trưa
BẲNG PHÂN VAI
Vở nhạc kịch thứ hai vào mùa xuân của trường Trung học Albert Einstein
BÍM TÓC!
Dàn đồng ca: Amber Cheeseman Julio Juarez, Margaret Lee, Eric Patel, Lauren Pembroke, Robert Sherman, Ling Su Wong
Cha của Rosagunde: Kenneth Showalter
Hầu gái của Rosagunde: Tina Hakim Baba
Vua nước Ý: Perin Thomas
Alboin: Boris Pelkowski
Nhân tình của Alboin: Lilly Moscovitz
Gustav: John Paul Reynolds-Abernathy Đệ Tứ
Rosagunde: Amelia Thermopolis Renaldo
BUỖI DIỄN TẬP ĐẦU TIÊN: HÔM NAY, 3:30 P.M
Tại phòng Khiêu vũ, khách sạn Plaza
Mình biết mình chỉ được dùng điện thoại di động trong trường hợp khẩn
cấp. Và ngay khi nhìn thấy bảng phân vai ngoài phòng Hội đồng thì mình
biết: tới lúc phải dùng tới nó. Bởi đây là một việc CỰC KỲ KHẨN CẤP. Bà đã không thể hình dung ra được TÍNH CHẤT NGHIÊM TRỌNG của việc làm của mình.
"Xin chào, bạn đã gọi vào số điện thoại của Clarisse, Nữ Hoàng xứ Genovia. Hiện tại tôi đang bận chăm sóc sắc đẹp hoặc đi mua
sắc đẹp nên không thể nghe điện thoại. Hãy để lại tên và số điện thoại
của bạn sau tiếp bíp. Tôi sẽ liên lạc lại với bạn ngay lập tức".
Bà cũng biết dùng hộp thư thoại ạ!
"Bà! Bà đang làm gì thế? Tại sao lại phân vai cho cháu vào vở kịch của bà? Bà thừa biết cháu không hề có ý định đó từ hôm thử vai mà. Cháu
cũng không hề có kinh nghiệm diễn xuất gì hết!" - mình hét ầm ỹ vào
điện thoại.
Tina mon men đứng bên cạnh xoa dịu mình: "Nhưng cậu hát bài "Barbie Girl" hay lắm mà!"
"OK, cứ cho là cháu biết hát đi" - mình tiếp tục quay ra trút giận vào cái hộp thư thoại - "nhưng Lilly còn hát hay hơn cháu nhiều! Bà gọi lại ngay cho cháy đi. Giờ sửa sai vẫn còn kịp! Bởi bà đang phạm phải một
sai lầm CỰC LỚN đấy!" - mình cố nói thêm câu cuối, hy vọng Lilly nghe
được sẽ không giận lây sang mình. Mặc dù cậu ấy đón nhận kết quả này
khá bình thản, nhưng mình vẫn thấy khóe mắt cô nàng đỏ hoe lúc bước vào căng-tin trưa này. (Sau khi biến mất vào phòng vệ sinh nữ một lúc
lâu).
"Đừng lo" - mình an ủi Lilly - "Cậu sinh ra để dành cho vai Rosagunde. Thật đấy".
Nhưng Lilly vờ như không quan tâm lắm: "Sao cũng được. Mình còn nhiều
việc khác phải làm mà. Dù gì mình cũng không chắc có đủ thời gian để
thuộc lời thoại hay không".
Làm gì có chuyện đó! Nhất là với
một người có trí nhớ siêu phàm như Lilly. Cái gì đã bao giờ vào đầu cậu ta rồi thì đừng hòng bao giờ cậu ấy quên. Đó cũng là một điểm bất lợi
của mình khi tranh cãi tay đôi với Lilly. Bởi cô nàng có thể trích dẫn
nguyên văn lời mình nói, từ 5 năm trước - mà chính mình cũng chẳng nhớ
đã nói những câu đó. Nhưng CẬU ẤY thì nhớ. (RẤT RÕ là đằng khác!!)
Nếu có ai xứng đáng nhất với vai Rosagunde trong vở Bím tóc! thì đó chính là Lilly!
"Ít ra trong vai nhân tình của Alboin" - Lilly tỏ ra kiên cường nói - " mình chỉ phải nhớ vài câu thoại - "Tại sao chàng lại phải kết hôn với một người thậm chí không hề yêu chàng. Trong khi thiếp luôn sẵn sàng vì chàng hy sinh mọi chuyện" hay gì gì đó. Mình sẽ có nhiều thời gian tập trung cho những việc THỰC SỰ quan trọng hơn. Ví dụ như tờ Lỗ Mũi Hồng của Louie Mập chẳng hạn".
OK, mặc dù mình rất thông cảm với nỗi thất vọng của Lilly và thừa nhận rằng không ai xứng đáng với vai Rosagunde hơn cậu ấy...
... NHƯNG MÌNH VẪN GHÉT CÁI TÊN TẠP CHÍ ĐÓ!!!!Thứ Sáu, ngày 5 tháng 3, sau giờ ăn trưa Mọi người đang bấn loạn trước
việc mình, trên đường từ chỗ lấy thức ăn về bàn, đã ghé qua chỗ J.P rủ
anh ấy qua ngồi ăn trưa cùng tụi mình.
Chuyện đó có gì to tát
lắm đâu! Vậy mà mọi người phản ứng như thể mình vừa nhảy lên bàn giữa
căng-tin múa may, đổ bia ướt nhẹp từ đầu đến chân. Mình chỉ đơn giản rủ một anh chàng mà ai cũng đã quen - người mà trong một thời gian tới
tất cả sẽ phải giáp mặt hàng ngày - ra ngồi ăn trưa cùng, nếu muốn.
Và anh ấy đã nói cảm ơn.
Việc tiếp theo mình biết là John Paul Reynolds-Abernathy Đệ Tứ đặt khay thức ăn xuống ngồi cạnh mình.
"Chào anh, J.P" - Tina vồn vã chào. Cậu ấy vừa lừ mắt cảnh báo Boris,
bởi lần trước Boris là người phản ứng dữ nhất khi mình đề nghị mời J.P
ngồi ăn trưa cùng nhóm. Khi đó bọn mình mới chỉ biết anh ấy là anh chàng ghét-người-ta-bỏ-ngô-vào-tương-ớt.
Và Boris ngoan ngoãn ngồi im, không cự nự câu nào với tên-ghét-ngô.
"Cám ơn các bạn" - J.P nói, cố gắng lựa mình vào chỗ trống còn lại cạnh bàn. Không phải vì anh ấy béo. Mà vì anh ấy... quá to cao.
"Em nghĩ sao về món thịt viên này?" - J.P hỏi Lilly. Cô nàng giật bắn
mình vì đột nhiên bị hỏi bởi anh chàng mà bọn mình vẫn thường xuyên nói xấu suốt 2 năm nay.
Cậu ấy còn ngạc nhiên hơn khi phát hiện ra khay thức ăn của họ giống hệt nhau: thịt viên, salát và sôcôla nóng.
"Ngon ạ" - Lilly vừa nói vừa cảnh giác nhìn J.P - "Nếu anh rưới nhiều nước sốt lên đó".
"Anh thì thấy món gì cũng sẽ ngon, nếu rưới đủ nước sốt lên đó" - J.P vui vẻ nói.
GIỐNG Ý MÌNH!!!!!!!
Boris buột miệng: "Kể cả ngô?"
Tina lừ mắt cảnh cáo Boris......nhưng đã quá muộn. J.P đã nghe thấy.
Boris thật đúng là không biết lúc nào cần nói, lúc nào không.
"Ừm..." - J.P dường như không nhận ra câu nói đó thực ra là có ý móc mỉa mình, nên vẫn tươi cười nói - "Anh chưa thử. Nhưng có lẽ sẽ giống như ăn mấy cục tẩy".
Perin có vẻ rất hào hứng với câu nói đó của J.P
"Em thì luôn cho rằng mấy cục tẩy sẽ rất ngon nếu đem rán lên. Lần nào ăn mực nướng em cũng liên tưởng tới những cục tẩy rán giòn. Nếu rưới
thêm nước sốt lên chắc ngon phải biết".
"Chắc chắn rồi!" - J.P
hóm hỉnh nói - "Cứ rán giòn mọi thứ lên là thấy ngon hết. Anh sẵn sàng
nuốt ngay mấy cái khăn này, nếu chúng được rán giòn".
Tina, Lilly và mình quay qua trợn tròn mắt nhìn nhau. J.P hóa ra là một anh chàng... khá vui tính!
Không hề lập dị!
"Bà em thỉnh thoảng vẫn thường rán châu chấu cho em ăn" - Ling Su góp chuyện - "Ăn ngon cực".
"Đó, thấy chưa" - J.P nháy mắt - "Anh đã nói mà".
Rồi anh quay qua nhìn mình hỏi: "Em đang cần mẫn làm gì thế? Tiết học tới phải nộp bài à?"
"Kệ cậu ấy anh ạ" - Lilly phẩy tay - "Cậu ấy đang viết nhật ký thôi. Lúc nào cũng vậy".
"À thì ra là thế" - J.P ồ lên - "Anh vẫn thường tự hỏi bản thân điều đó".
Khi thấy mình ngẩng lên nhìn đầy nghi vấn, anh nói tiếp: "Tại lần nào
nhìn thấy em anh cũng thấy em đang chúi mũi vào cuốn sổ".
Điều
đó có nghĩa là: suốt thời gian bọn mình theo dõi anh chàng
ghét-người-ta-bỏ-ngô-vào-tương-ớt thì anh ta cũng đang theo dõi lại bọn mình.
Đáng sợ hơn nữa là khi anh ấy mở cái ba-lô rút ra một
quyển sổ bìa đen giống y của mình. Phía trên còn viết chữ CẤM ĐỌC! nữa
chứ!
Y XÌ MÌNH!!!!!!!!!!!!!!!!!!
"Anh cũng là fan của
hãng văn phòng phẩm này" - J.P giải thích, khi thấy mắt mình đang trố
lên vì kinh ngạc - "Chỉ có điều anh không dùng để viết nhật ký"
«Vậy thì anh viết gì trong đó?» - Lilly tò mò RA MẶT
J.P trông có vẻ hơi ngượng khi nghe thấy Lilly hỏi như vậy.
"Ờ... chỉ là tập tành viết lách chút chút thôi. Anh không biết mình viết có ra gì không. Nhưng cứ thử xem sao".
Lilly nhân ngay cơ hội đó hỏi xem anh có muốn đóng góp chút gì đó cho
số báo đầu tay của tạp chí văn học Lỗ Mũi Hồng của Louie Mập hay không. J.P giở qua vài trang giấy và nói: "Em xem thử bài này có được không
nhé?" - rồi đọc to:
Thước phim câm
do J.P Reynolds-Abernathy Đệ Tứ sáng tác
Chúng ta luôn bị theo dõi
Bởi những chiếc máy quay âm thầm soi dọc sảnh
Cô Gupta, sao phải cần nhiều tai mắt tọc mạch?
Mỗi cú máy quay lại thêm một chuyện tanh bành
Nhưng thưa cô, hệ thống an toàn ấy không an lành
Bởi nó không dựa trên điều gì, ngoài sự canh cánh
Và nếu được làm theo ý mình
Tôi sẽ không ngần ngại cuốn gói ra khỏi chốn này
Nhưng học phí tôi đã đóng đủ
Đến tận cuối năm học này
WOW!!! Quá đỉnh! Mặc dù mình không hiểu ý nghĩ của bài thơ này cho lắm, nhưng mình đoán nó nói về mấy cái máy camera theo dõi ngoài hành lang
và việc cô hiệu trưởng Gupta luôn cho rằng mình biết hết mọi thứ nhưng thực ra không hiểu một chút gì về học sinh của mình. Hay đại loại như
vậy.
Nội dung có vẻ hơi trừu tượng nhưng văn phong rất bay
bướm. Đến Lilly còn phải thốt lên thán phục cơ mà. Cậu ấy ra sức thuyết phục anh J.P cho phép đăng bài thơ đó lên số báo đầu tiên của Lỗ Mũi
Hồng của Louie Mập. Vì theo Lilly, bài thơ đó sẽ tạo nên một cú đột phá trong cách quản lý Trung học Albert Einstein.
Chúa ơi, đâu
phải lúc nào cũng gặp được một cậu con trai biết làm thơ. Hay thậm chí
là đọc sách đâu. Ý nghĩ rằng anh chàng
ghét-người-ta-bỏ-ngô-vào-tương-ớt cũng là một nhà văn giống như mình
thật ngộ! Nếu anh ta cũng viết truyện ngắn về MÌNH thì sao nhỉ? Ví dụ
một câu chuyện có tên là "Xin Đừng Bỏ Thêm Thịt!" chẳng hạn? Như lần
mình đã nổi khùng khi phát hiện nhà bếp bỏ thêm thịt vào món lasagna
rau...
Nếu đúng như thế thì... thật dở hơi!!!
Thứ Sáu, ngày 5 tháng 3, giờ NK$TN Ngay khi chuông báo hiệu hết giờ ăn trưa nổi lên, mình nhận được điện thoại của bà.
"Amelia" - bà gắt gỏng qua điện thoại - "Cháu muốn gặp ta có chuyện gì?"
"Bà, bà đã làm gì vậy? Sao lại phân vai cho cháu?" - mình thốt lên -
"Bà biết cháu không thích mà. Cháu thậm chí còn không điền vào đơn xin
thử vai, bà quên rồi à?".
"Thế thôi sao?" - bà khó chịu - "Ta
cứ tưởng cháu chỉ được phép dùng điện thoại trong trường hợp khẩn cấp
thôi chứ? Vậy mà cháu tốn một cuộc điện thoại vào những chuyện vớ vẩn
thế này sao, Amelia?
"Bà sai rồi" - mình nói - "Một cuộc khủng
hoảng quan hệ giữa bà và cháu sắp xảy ra. Chẳng lẽ như thế không đáng
coi là khẩn cấp sao?"
"Amelia" - bà cười nhạt - "Chuyện gì khiến cháu phàn nàn nhiều nhất kể từ khi biết được thân phận công chúa của mình?"
Để nghĩ xem nào...
"Có vệ sỹ kè kè bên cạnh mọi nơi mọi lúc?" - mình thì thào nói, tránh không để chú Lars nghe thấy sẽ buồn.
"Còn gì nữa?"
"Không thể đi đâu mà không bị paparazzi bám theo?"
"Nghĩ thêm chút nữa đi?"
"Việc cháu phải dành cả mùa hè tham dự hết cuộc họp Quốc hội này đến cuộc họp khác, thay vì được đi cắm trại như bạn bè?"
"Là những bài học làm công chúa, Amelia ạ" - bà nhấn mạnh từng chữ một qua điện thoại - "Cháu căm ghét và coi thường những bài học đó".
"Vâng, thì sao ạ?"
"Thì trong suốt thời gian tập dượt cho vở kịch Bím tóc! cháu sẽ thoát
được những buổi học đó chứ sao" - giọng bà có vẻ rất tự hào vì cho rằng đã làm dịu được cơn nóng giận của mình.
Nhưng bà đã lầm, lòng
trung thành của mình dành cho đám bạn còn mạnh hơn rất nhiều so với
lòng căm thù của mình với những bài học công chúa đó.
"Nhưng
cháu thà ngồi học cách nói câu "Làm ơn xin đưa cho tôi đĩa bơ" bằng 50
thứ tiếng còn hơn là thấy Lilly không có được vai diễn mà cậu ấy đáng
được nhận".
"Lilly không vui vì vai diễn đó sao?" - bà hỏi
"Vâng! Cậu ấy là diễn viên khá nhất trong số bọn cháu, cậu ấy đáng ra
phải được nhận vai Rosagunde! Vậy mà bà lại trao cho Lilly một vai siêu phụ như vai nhân tình của Alboin, lời thoại chỉ có vỏn vẹn vài dòng".
"Amelia, không có vai diễn nào là nhỏ bé trong một vở kịch. Chỉ có những người diễn viên nhỏ bé mà thôi".
Bà đang nói CÁI GÌ thế không biết???
"Tùy bà. Nếu bà không muốn vở diễn của mình làm trò cười cho thiên hạ thì bà nên chọn Lilly vào vai chính. Cậu ấy..."
"Ta đã nói với cháu về việc ta rất vui mừng khi được gặp cô bạn nhỏ Amber Cheeseman của cháu chưa nhỉ?"
Máu trong mình đột nhiên như đông cứng lại, mình như chết lặng giữa phòng NK&TN, điện thoại nắm chặt trong tay.
"C-cá-i g-i-ì cơ ạ?"
"Ta đang tự hỏi không hiểu Amber sẽ nói gì khi ta vô tình kể cho cô bé nghe về chuyện cháu tiêu hết tiền dành cho buổi lễ tốt nghiệp vào mấy
cái thùng rác?" - bà từ tốn nói như không có chuyện gì xảy ra.
Mình sốc quá không nói được câu nào. Mình chỉ biết đứng như trời chồng, trong khi Boris đang cố lách qua mình để đi về chỗ ngồi: "Cho mình đi
qua cái, Mia".
Phải mất một lúc lâu mình mới thốt lên được bà chữ: "BÀ...KHÔNG...THỂ".
"Ồ, TA CÓ THỂ đấy!" - giọng bà đầy vẻ đắc thắng.
Mình muốn hét toáng lên rằng: TRÊN ĐỜI NÀY CÓ NGƯỜI BÀ NÀO LẠI ĐI ĐE
DỌA CHÍNH ĐỨA CHÁU NỘI DUY NHẤT CỦA MÌNH NHƯ THẾ NÀY KHÔNG????
Nhưng mình không thể. Bởi mình đang ở giữa lớp học.
"Giờ thì cháu đã thay đổi ý định rồi chứ? Ta hứa sẽ không nói gì với cô bạn bé nhỏ kia của cháu về chuyện quỹ hội kia đâu. Đổi lại ta hy vọng cháy sẽ giúp ra giải quyết vấn đề khủng hoảng bất động sản hiện nay của ta, bằng việc tham gia vào vở nhạc kịch Bím tóc! này. Và sự thật là... Amelia, cháu chính là hậu duệ của cụ Rosagunde, cháu sẽ lột tả được
cái thần của nhân vật một cách trung thực nhất. Hơn nữa, cháu xinh đẹp
hơn Lilly rất nhiều. Chả muốn nói ra đầu, nhưng cô bạn của cháu có
những góc trông rất giống con chó púc mặt phẹt".
"Gặp lại cháu tối nay, Amelia" - bà nói - "Nếu cháu khôn ra thì nên giữ kín bí mật
nho nhỏ này giữa hai chúng ta. Kể cả bố cháu. Hiểu ý ra chứ?"
Rồi bà gác máy cái rụp
!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
Không thể tin nổi. Mình luôn biết bà là người không bao giờ chịu cho
không ai cái gì. Nhưng chưa bao giờ bà lại ngả bài lộ liễu như thế
này!!!
Bà mình đúng là khác người mà! Có ai lại đi TỐNG TIỀN cháu gái mình để mua cho bằng được một hòn đảo nhân tạo?
Vậy mà có đó. BÀ MÌNH.
Sau khi cúp máy, mình bắt gặp ánh mắt của Lilly đang nhìn chằm chằm từ phía bàn vi tính. Cậu ấy đang hí hoáy thiết kế layout cho ấn phẩm Lỗ
Mũi Hồng của Louie Mập đầu tiên.
"Có chuyện gì sao, Mia?" - Lilly hỏi
"Chuyện vai diễn Rosagunde" - mình giải thích - "Mình rất tiếc, bà nhất quyết không chịu lùi bước. Bà nói mình phải tham gia vào vở kịch này, nếu không bà sẽ kể cho người-cậu-biết-là-ai-rồi-đấy về
chuyện-cậu-biết-là-chuyện-gì-rồi-đấy và mình sẽ bị chị ta đá cho một
chưởng bay từ đây sang tận Westchester cho coi".
Ánh mắt Lilly thoáng nổi lên một vẻ thất vọng não nề: "Bà cậu dám làm như thế lắm, đúng không?"
"Mình rất xin lỗi, Lilly" - mình phân trần - "Cậu đáng ra vào vai Rosagunde xuất sắc hơn mình nhiều".
"Sao cũng được" - Lilly khịt mũi nói - "Vai diễn kia cũng ổn với mình rồi. Thật đấy".
Mình thừa biết cậu ấy đang tỏ ra dũng cảm thôi, nhưng thực chất trong lòng đang bị tổn thương tơi bời ấy! Ôi Lilly ơi!
Không thể trách cậu ấy được! Mấy chuyện bà đang làm thật chẳng ra sao
cả. Nếu bà muốn vở diễn thành công, tại sao không chọn người xuất sắc
nhất vào vai chính? Tại sao cứ nhất quyết phải là MÌNH - đứa đóng kịch
dở nhất trường, không kể Amber Cheeseman?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT