Triều đại của họ Lưu bắt đầu từ Thánh Minh tổ hoàng đến Ngữ Hinh đã là đời vua thứ tư. Đất nước trải dài từ biển Nam Dương đến Thiên Mẫu Sơn, phía tây chiếm trọn Đại Lâm Phong ngăn cách với Miên Cương bởi Trường Lý Sơn, phiá đông tiếp giáp với Sa quốc chủ yếu bởi sa mạc Hồi Hộp. Bởi vì người dân Sa quốc có thói quen sống cuộc đời du mục, bao gồm nhiều dân tộc nên nền chính trị vô cùng rối ren bất ổn. Mai ông vua này lên, mốt ông vua kia lên; mà mỗi người lại có một chính sách cai trị khác nhau.
Cũng bởi vì Việt quốc và Sa quốc lấy sa mạc làm mốc nên ranh giới hai nước thường xuyên biến đổi theo muà. Lúc mùa mưa cây cối tươi tốt thì sa mạc lui về phía đông. Thế rồi khi mùa khô kéo tới, đất đai hoang hoá, sa mạc lại xâm chiếm nghiêm trọng về vùng đồng bằng phía tây. Sự bất ổn này đã kéo dài suốt mấy trăm năm từ thời Sử Định hoàng đế thống nhất cửu quốc, lập nên triều đại nhà Lưu cho đến giờ.
Sự kiện chiến tranh năm đó cũng chính bởi vì một mùa khô khắc nhiệt nhất trong lịch sử Việt quốc. Sa mạc đã lấn chiếm cho đến Cát thành, vốn là thành trì tiền tiêu của Việt quốc ở phía đông. Quốc vương Sa quốc thừa cơ dấy quân xâm lấn, lấy hẹn ước với tổ tiên Lưu gia rằng sa mạc đến đâu, thì lãnh thổ Sa quốc liền kéo dài đến đó, để mà làm cớ. Nhưng thật ra Cát thành vốn đã cách xa biên giới hơn bốn mươi dặm, nếu nhường luôn cả toàn thành này, thì cũng như nhường cho Sa quốc cả ba tỉnh phía đông. Người dân Việt quốc sống tại ba tỉnh này không chịu, quan viên triều đình cũng nhất định không chịu. Chính vì thế, chiến tranh nổ ra.
Chiến tranh vệ quốc vốn không phải điều kỳ lạ gì để đáng bàn cãi. Đáng nói ở đây là triều đình Ngữ Hinh vốn đã sống an lạc mấy chục năm qua, chưa từng biết đến chiến tranh là gì. Các tướng lĩnh đứng đầu quân đội cũng đều là lão tướng tiền triều, phần còn lại chỉ toàn là quan văn chỉ biết khua môi múa mép.
Vì lẽ đó nên Phúc Văn mới tự mình lãnh soái ấn, đích thân dẫn quân xuất trận để bảo vệ bờ cõi tổ quốc. Thân là thái tử, tự nhiên y thấy mình phải có trách nhiệm với nước nhà. Hơn nữa Phúc Văn quả thật là võ tài hiếm có, từ nhỏ thông thuộc binh thư, trưởng thành trong quân doanh, được toàn bộ triều đình công nhận là người có thực lực nhất trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên Ngữ Hinh hoàng đế cực lực phản đối đề nghị của y. Phúc Văn là người thừa kế ngai vàng tương lai, sao lại có thể mạo hiểm thân chinh xông ra đầu trận tuyến. Thế nhưng tin xấu từ biên quan liên tục kéo tới. Quân đội của Sa quốc đã áp sát Cát thành, giở trò cướp bóc giết người. Lời ca thán của người dân đã vang thấu trời xanh.
Hoàng đế thức mấy đêm liên tục cũng không nghĩ ra đối sách, không tìm được kẻ nào có thể thay thế được vị trí của thái tử. Chẳng lẽ lại gọi quốc công bảy tám chục tuổi dẫn đầu các lão tướng, mang bộ xương già đi đánh giặc. Chính bản thân Phúc Văn cũng ngày ngày hối thúc phụ hoàng, tình hình Cát thành đã khiến y vô cùng nóng ruột. Cuối cùng Ngữ Hinh cũng phải nén lòng ban soái ấn cho Phúc Văn, long trọng mở lễ tế cờ, khao quân, tiễn thái tử ra trận.
Chỉ trong thời gian ngắn y đã thành công điều động hết hai phần ba quân lực của Việt quốc đến biên phía đông. Luyện võ suốt mười mấy năm trời, cuối cùng cũng đã được tung hoành vùng vẫy cho thoả chí tang bồng. Đó chính là niềm khát khao của một võ tướng, niềm mong ước của một thanh kiếm. Chỉ có trong chiến tranh, Phúc Văn mới có thể cảm nhận mạnh mẽ sự tồn tại của bản thân. Y sinh ra đã là một võ tướng, chiến đấu chính là một phần bản năng trong y. Những nhà chiêm tinh dự đoán y là hoàng long giáng trần, nhưng họ lại quên nói với Ngữ Hinh hoàng đế rằng thái tử cũng được Võ tinh chiếu mệnh.
Chỉ là không ngờ chiến tranh như thế lại kéo suốt cả hai năm trời vẫn chưa kết thúc được. Việt quốc có địa lợi là hậu phương vững mạnh, lương thực dồi dào. Nhưng phía bên Sa quốc lại có những chiến binh dũng mãnh, trưởng thành từ sa mạc chết chóc. Nếu không phải nhờ triều đình dốc cạn quốc khố để đổ về tiền tuyến, thì có lẽ cả Phúc Văn cũng khó mà giữ nổi Cát thành cho đến tận bấy giờ.
Trong hai năm đó, cuộc sống ở Đại đô cũng có ít nhiều thay đổi. Người dân không còn ngày ngày hát ca hoan lạc, cuộc sống bắt đầu bị thắt chặt để vét hết tài lực đổ ra tiền phương. Cũng trong thời gian đó ngự sư Thái Văn Quốc vì bạo bệnh qua đời. Chẳng bao lâu sau thượng quan Mục Hiền Cầm cũng nối gót quy tiên. Hai người đó là một đôi oan gia đã đấu nhau suốt cả đời. Nay một người đi rồi, thì người kia cũng buồn bực đi theo. Có lẽ Mục Hiền Cầm muốn tiếp tục xuống âm phủ để mà tranh cãi với Thái Văn Quốc.
Một người là Thái Sơn, một người là Bắc Đẩu. Hai cây đại thụ qua đời, để lại một khoản trống lớn trong giới hàn lâm của nước nhà. Thế là mọi người liền chuyển dời sự chú ý sang đệ tử chung duy nhất của bọn họ. Tuy cả đời họ nhận rất nhiều đệ tử, nhưng lúc cuối đều đồng loạt giao hết sự nghiệp chỉ cho một mình Chi Lang. Sau cả trăm năm, Lan Chu phái cuối cùng cũng được thống thất; họ Mục, họ Thái bây giờ đều chỉ có một đại sư duy nhất tên là Hy Ngôn.
Chuyện cũ đã qua lâu, thái tử lại vắng mặt nên không còn ai cản được bước tiến của hắn. Dưới sự đề cử của tất cả ngự sư, Chi Lang được hoàng thượng ban cho chức quan làm việc trong nhạc viện. Bởi vì tài năng của hắn thật sự đã được chứng minh, chỉ có thể nói là văn tài xuất chúng. Không chỉ cầm nghệ mà thi thư ca phú gì Chi Lang cũng đều đặc biệt xuất sắc. Hắn vốn không nói nhiều, một lần cất tiếng đọc thơ liền khiến cả hàn lâm viện chuyển sang làm người hâm mộ nhiệt thành. Ngữ Hinh vốn là người trọng văn tài nên vô cùng sủng ái tân ngự sư. Chi Lang trong thời gian ngắn đã trở thành người có địa vị không hề nhỏ trong hoàng cung.
^_^
Phúc Văn đi hai năm, Như Thi tưởng như mình đã chết đi hai năm. Lãnh cung vẫn âm u im lìm như vậy. Cây lá xơ xác trụi cành, nhà cửa mục nát xiêu vẹo. Những người trong đội bảo vệ nàng lần lượt có nhiệm vụ phải chạy ra tiền phương tiếp viện, cuối cùng chỉ còn lại một người bà bếp già hằng ngày mang cơm cho Như Thi. Ngay từ đầu, nàng đã quyết định không chấp nhận Phúc Văn. Vì vậy đối với người của y, Như Thi cũng coi như không hề tồn tại. Rốt cuộc, tất cả cận vệ đều cho rằng nàng trời sinh lãnh đạm, không thích cùng người khác nói chuyện, nên cũng không ai rãnh rỗi dư hơi muốn đi bồi chuyện cùng nàng. Cứ như vậy Như Thi tiếp tục sống cuộc đời gỗ đá; không nói, không cười, mỗi ngày ngồi im bên cửa sổ mà nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm.
Nàng tưởng niệm y.
Người tráng sĩ áo lam đột nhiên xuất hiện giữa khu rừng hoa đào đỏ rực. Y như thế bá ngạo kiêu dũng. Gương mặt sáng rực đầy tự tin, ánh mắt thẳng tắp, miệng cười tươi rực rỡ như vầng dương quang. Nàng chưa từng gặp người nào cường tráng, cao lớn như y. Ngay cả những hộ viện của Hạ phủ đem ra so cũng không thể nào sánh được. Y không phải hạng võ biền, mà chắc chắn là thế gia công tử. Thế nhưng Như Thi vô cùng bất ngờ khi câu đầu tiên y nói ra, lại là đùa cợt trêu ghẹo mình.
Nàng sao lại vì y mà trái tim đập mạnh, gương mặt nóng bừng ửng đỏ. Như Thi chỉ có thể dùng sự tức giận của mình, để che dấu đi vẻ thẹn thùng, mắc cỡ khi đối diện với y. Cái cách Phúc Văn nhìn nàng, cái cách y nói chuyện với nàng ... tất cả đều làm Như Thi rối loạn không còn suy nghĩ gì được trong đầu. Chưa từng có ai khiến nàng bối rối như vậy, cũng chưa từng có ai hướng đến nàng, biểu đạt tấm lòng nồng nhiệt đến vậy.
Mọi người ở thế giới cuả nàng đều đề cao quy tắc lễ nghi. Đi cũng phải đẹp, ăn nói phải đẹp, ngay cả hắt hơi cũng phải tạo dáng thật đẹp. Có ai đã từng khen nàng mới gội đầu xong chưa kịp chải tóc là thật mỹ lệ không? Có ai đã từng thấy nàng ngáp vào sáng sớm mà khen là đáng yêu không? Khi nàng đoan trang thuỳ mị thì y cho rằng thật giả tạo. Khi nàng giận dữ mắng người, y mới cười vui vẻ khen nàng cá tính thật hay. Cái y bị thu hút chính là toàn thể những mặt khiếm khuyết mà nàng muốn dấu đi. Phúc Văn cho nàng cảm giác thật lạ, giống như hai người đã thân quen từ muôn kiếp trước.
Con người y là như vậy, luôn tin rằng điều mình nghĩ là đúng, luôn chắc chắn rằng mọi sự trên đời đều phải chiều theo ý bản thân. Phúc Văn yêu thích Như Thi, không cần hỏi han cũng tự coi nàng là người của mình. Chính vì vậy, khi y say rượu liền bò tới cường đoạt nàng. Như Thi hận y, cũng như hận chính bản thân mình. Vào đêm đó, nàng không thể tự dối lòng rằng mình chưa hề thích thú và phấn khích vì y.
Nàng đã phản bội Lang ca, cũng phản bội luôn người con gái hiền lương thục đức mà bản thân bao nhiêu năm xây dựng. Nàng phát hiện ra bản ngã cuồng nhiệt trong mình mỗi khi hoan ái với Phúc Văn. Nàng yêu thân thể y, nàng thích mỗi khi y cận kề bên.
Như Thi vùng vẫy, cố dùng lý trí để lấn át tiếng gào thét trong tim. “Nàng là một kỹ nữ dâm loạn, là một đãng phụ đáng khinh miệt.” Nàng muốn chạy trốn, muốn trở về thế giới mộng mơ xinh đẹp mà suốt bao nhiêu năm trời nàng sống trong êm đềm. Lang ca mới là người nàng yêu nhất. Tình cảm trong sáng thời bé con của nàng, sự nhẹ nhàng ấm áp mà Chi Lang đã mang lại cho nàng. Đó mới chính là thế giới thuần khiết và xinh đẹp nhất. Phúc Văn chỉ gợi cho tâm hồn xấu xa trong nàng vùng vẫy mà thôi.
Khi Phúc Văn tóm được nàng tại cửa hoàng thành, nàng kinh sợ khi nhìn thấy một tia đau khổ trong mắt y. Không, không ... nàng không muốn ở lại bên cạnh y nữa. Chỉ cần thêm một khắc nữa, nàng sẽ yêu y mất thôi.
Phúc Văn không chỉ đem lại cho nàng nỗi đê mê thể xác, y còn đem lại cho nàng một sự quan tâm yêu sủng vô hạn. Mỗi khi y bất ngờ ôm nàng từ đằng sau, mỗi khi y thì thầm vào tai nàng thân mật, Phúc Văn lại ngày càng đi sâu vào trái tim nàng, phá hoại hết tất của những gì nàng từng coi là lẽ phải trên đời. Như một vị bạo vương chuyên chế nhất, Phúc Văn chiếm ngữ trái tim nàng, không để Như Thi có thể suy nghĩ được bất kỳ thứ gì khác ngoài y.
Thế nên nàng phải tỏ ra ơ hờ lãnh đạm với y. Như Thi sợ rằng có một ngày mình sẽ làm lộ ra hết toàn bộ những ý nghĩa xấu xa tăm tối trong đầu. Chỉ nội việc mỗi đêm nàng rên xiết dưới người y, cũng đã xấu hổ đủ để treo cổ. Nếu việc nàng khát khao y mà lộ ra, Như Thi thà tự lấy dao đâm vào tim mình cho rồi.
Phúc Văn sủng hạnh nàng, vì Như Thi sẽ không bao giờ trao trái tim cho y. Nếu nàng đầu hàng, động cơ muốn chiếm hữu biến mất, y sẽ không tiếc vứt nàng đi như vứt một miếng giấy chùi tay không còn giá trị nào.
Đêm trước khi xuất chinh, y lại tìm đến nàng lần cuối. Y dịu dàng ôm nàng vào lòng, sự thương tiếc lưu luyến trào dâng khiến nàng xúc động kinh hồn. Phúc Văn cũng để nàng sâu trong tim, cũng yêu nàng cuồng nhiệt như tình cảm của nàng đối với y ư? Sao bây giờ nàng mới có thể nhìn thấy thứ gọi là chân tình kia chứ.
Nhưng tất cả đã muộn rồi. Y đã sớm rời khỏi nàng, đi biền biệt suốt hai năm chưa từng quay về. Khi xa cách, nàng quả nhiên đã có đủ thời gian để bình tâm suy nghĩ kỹ càng. Như Thi yêu Phúc Văn, chỉ bởi vì y đã dâng trọn con tim mình cho nàng. Yêu và được yêu, sự đời vốn chỉ đơn giản có như vậy mà thôi.
Khi đã nhìn thấu rõ trái tim, nàng lại một lần nữa đối mặt với thử thách. Thật sự khi yêu, người ta chỉ có thể yêu một người?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT