Nỗi nhớ hẳn là sự trói buộc, chứ không phải tự do. Nhưng chúng ta sẽ nói với chính mình rằng, đó là sự trói buộc ngọt ngào.
Nỗi sợ đánh mất, chính là trói buộc.
Không thể rời xa, cũng là trói buộc.
Muốn có được người đó, muốn bên nhau thiên trường địa cửu, chỉ cần một ngày cảm thấy anh ấy không dành những điều tốt đẹp cho mình, tâm trí như chìm trong bể khổ. Những điều này, tất cả đều là sự trói buộc vô tận.
Chấp nhận từ bỏ công việc hoặc những chuyến đi, những cuộc hẹn với bạn bè và gia đình vì anh, cũng bất chợt cảm thấy đánh mất chính mình, bắt đầu dõi đôi mắt về một cuộc sống tự do, nơi không còn sự gò bó của tình cảm luyến ái, nói với chính mình rằng, đến ngày đó, ta sẽ sải cánh không chút do dự bay đến giấc mơ bấy lâu từng ấp ủ.
Vậy nhưng, khi anh ấy không ở bên cạnh, không còn trở về nữa, sự tự do bất chợt ùa đến, chúng ta lại không biết làm thế nào để giang rộng đôi cánh, sải bước bay cao.
Chúng ta dắt theo bóng hình của mình, cô đơn lẻ bước trên con đường dài thăm thẳm, trái tim trống rỗng đến hoang lạnh.
Giờ đây ta có thể đi đâu cũng được, nhưng tâm trí đã chẳng còn muốn nữa.
Những mơ ước chất chứa bấy lâu nay, vô số lần giằng xé con tim với suy nghĩ liệu có nên tiếp tục, và sự tự do đã từng tự tay vứt bỏ vì anh, giờ đều trở nên vô nghĩa.
Vậy thì, điều chúng ta muốn là sự trói buộc hay tự do?
Xét cho cùng, chúng ta là một con thú nô lệ được tự do, thuộc về người chúng ta yêu sâu đậm, cam nguyện đành lòng bị anh ấy trói buộc, dắt theo hình bóng của cả hai. Đôi lúc trong màn đêm quạnh vắng tĩnh lặng, âm thầm trèo lên mái nhà, u sầu ngồi ở đó, ngước nhìn trời sao vô biên, tưởng nhớ thoáng chốc những mơ ước bị đánh mất.
Hoặc giả, chúng ta là một con thú nô lệ không chút tự do, vì quá yêu anh, nên đành bị anh trói buộc, dắt theo bóng hình anh một cách ngây thơ, luôn kề sát theo anh, chỉ sợ một lúc nào đó anh sẽ vứt bỏ lại, chẳng buồn trở thành thứ bị ta trói buộc, cũng không buồn để ta trở thành thứ bị anh trói buộc thêm nữa.
2. Xét cho cùng, tình yêu ch ẳng thể tính toán
Rồi cuối cùng, thời gian sẽ mang đi đôi cánh của tuổi thanh xuân, nhưng lại thường bỏ lại một chiếc đuôi đa tình…
Thói quen của anh và em
Tôi từng nghe một quý cô rất thành đạt kể về cuộc hôn nhân không hề thành công của mình. Cô nói rằng, cuộc ly hôn giữa cô và người chồng trước không phải vì sự xuất hiện của người thứ ba, cũng chẳng phải vì vấn đề gì to tát, đơn giản chỉ vì sự bất đồng từ những thói quen trong cuộc sống. Chồng cũ của cô thích yên tĩnh, thích ngồi nhấm nháp từ tốn bữa cơm, còn tính cách cô ấy lại hấp tấp, thường cầm bát cơm đi đi lại lại, vừa nhai vừa đi từ phòng bếp ra phòng ăn, rồi lại từ phòng ăn vào trong bếp.
So với những cuộc hôn nhân đổ vỡ trong mâu thuẫn khốc liệt, kết cục của cuộc hôn nhân này tuy cũng chẳng toàn vẹn, nhưng chí ít đến cuối cả hai vẫn có thể mỉm cười chào nhau.
Khi lắng nghe câu chuyện này, tôi bất chợt nghĩ về thói quen ăn uống của mình. Tuy tôi không thể ngoan ngoãn ngồi một chỗ từ đầu bữa đến cuối bữa, nhưng cũng không đến mức vừa đi đi lại lại vừa nhai nhồm nhoàm. Có lẽ tôi thuộc nhóm ở giữa nhỉ? Muốn để ý đến tâm trạng, thì cũng phải xem khi đó tôi có bận hay không.
Tôi là một đứa nóng vội, không thể chịu được những người rề rà. Gặp phải ai đó chậm chạp, quả thực tôi chỉ muốn thay người đó ăn hết cho xong. Người tôi yêu, mặc dù chưa tới mức giống tôi, nhưng hình như cũng không bị xếp vào nhóm “đủng đỉnh”.
Hai kẻ trái tính trái nết cũng có thể thành một cặp trời sinh. Tôi có quen một cặp vợ chồng như vậy, mỗi lần đi ra ngoài, không phải là anh chồng đợi chị vợ, mà là chị vợ đợi anh chồng thay quần áo, sấy đầu sấy tóc, chỉnh này sửa kia… Nếu đổi là tôi, chắc lúc đó tôi tức đến chết mất, nhưng cuộc sống hôn nhân của họ vẫn cực kỳ êm thuận.
Trong tình yêu và hôn nhân, rốt cuộc thói quen sống quan trọng đến mức nào?
Nếu như thực sự yêu nhau, phải chăng dù trái tính trái nết đến mấy cũng vẫn có thể nồng nàn ân ái? Còn nếu tình yêu chưa đủ, dù có hợp tính hợp nết, đến cuối cùng vẫn sẽ đường ai nấy bước.
Liệu chúng ta có thể chấp nhận một người cùng chung chăn gối, nhưng lại có nhịp sống và thói quen khác hẳn với mình? Giả như ai có thể nhẫn nhịn cho những thói quen và cách sống khác biệt của tôi so với người ấy, kết quả cuối cùng vẫn sẽ là hạnh phúc. Còn nếu không phải do anh ấy nhẫn nhịn, mà vì yêu tôi nên mới chấp nhận chung sống cùng những thói quen “khủng khiếp” của tôi, liệu như vậy sẽ càng hạnh phúc hơn chăng?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT