Hành động này không hiểu do ai phát minh ra, tôi chắc rằng nó không được di truyền từ loài hắc tinh tinh − thủy tổ của loài người, bởi khi đó làm gì đã có điện thoại!?

Kể cả là bây giờ, ngoại trừ loài người, thế giới này chẳng có loài nào có thể nói chuyện điện thoại, chứ chưa cần nói đến biết hôn qua đầu dây điện thoại.

Mỗi lần trước khi cúp máy, một trong hai người sẽ chu môi hôn gió một tiếng thật ngọt ngào, còn người được nhận nụ hôn đó, cũng đáp trả lại bằng một tiếng “chụt” nhẹ nhàng.

“Em có nghe thấy không?”

“Uhm, em nghe thấy rồi.”

Chỉ như vậy, mới được coi là chính thức tạm biệt.

Mặc dù không được trao nhau nụ hôn thực sự, nhưng đó lại là sự ngọt ngào không thể thay thế.

Khi anh ấy xa ngoài viễn phương, nụ hôn đó chính là nỗi nhớ.

Khi anh ấy vừa đi khỏi, và phải còn khá lâu nữa mới có thể gặp lại, nụ hôn đó như một niềm tình tứ, tuy nhỏ nhưng thật đẹp đẽ. Nó là một thói quen mà bạn không bao giờ cảm thấy nhàm chán.

Khi bạn bật khóc bên đầu dây điện thoại, nụ hôn từ đầu bên kia mang theo sự quan tâm thấu hiếu, thương xót và dịu dàng, tựa như có thể ngăn được từng giọt ấm nóng đang lăn dài trên má.

Có những khi, nó là lời bông ghẹo thật thú vị.

Rõ ràng đã hôn một cái rất kêu, nhưng khi anh ấy hỏi: “Em nghe thấy không?” Bạn vẫn giả vờ trêu: “Không nghe thấy.”

“Bây giờ nghe thấy chưa?”

“Ồ, vẫn chưa nghe thấy.”

Còn sau khi cãi nhau, nó là một sự trả thù nhẹ nhàng.

Anh ấy là người cầu hòa trước, gửi đến một nụ hôn nóng bỏng, giọng cười nhẹ nhàng vọng lại: “Em nghe thấy không?”

Bạn chẳng trả lời, cũng không thèm đáp lại nụ hôn cầu hòa kia, cố ý để nó tan vào hư không. Nhưng kỳ thực, nụ hôn của anh ấy đã chạm được vào trái tim bạn rồi.

Tất cả những điều nhỏ bé nhưng đẹp đẽ này, nụ hôn qua đầu dây điện thoại đã vuốt ve tô điểm cho vô số ngày tháng tình ái của đôi lứa. Sau đó có một ngày, bạn phát hiện ra rằng, chỉ khi chúng ta yêu sâu đậm một người, mới có thể dùng đến những nụ hôn như vậy. Còn một số người khác, chỉ làm tình, chứ không hôn.

Giọt nước mắt không thể kìm nén

Một độc giả nhỏ tuổi của tôi vừa phải chịu uất ức, liền bật khóc nức nở trước mặt người vừa bắt nạt mình.

Tôi nói với cô bé rằng, không nên khóc trước mặt những người mà mình không thích, bởi vì họ không xứng đáng. Chỉ khi đứng trước mặt những người luôn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho mình, giọt nước mắt của em mới hoàn toàn xứng đáng, mới hoàn toàn được trân trọng.

Sau đó, cô bé hỏi tôi rằng, làm thế nào để kìm lại những giọt nước mắt đó lại.

Thật hổ thẹn biết bao, tôi cũng là một người mau nước mắt, thường xuyên phải cắn chặt đôi môi, run rẩy từng hồi để thầm nói với chính mình rằng:

“Không được khóc! Không được khóc!”

Nhưng rồi cuối cùng vẫn chẳng thể đừng được, nước mắt vẫn lã chã tuôn rơi.

Nếu như có cách nào đó để ngăn mình bật khóc, tôi cũng muốn được biết.

Có độc giả lập tức đưa ra một phương pháp, cô ấy nói rằng, khi nước mắt chực trào ra, chỉ cần mở to đôi mắt, nước mắt sẽ lặn ngược vào trong.

Một độc giả khác thì rằng, khi nước mắt chuẩn bị tuôn ra, chỉ cần ngước đầu lên, nước mắt sẽ chẳng thể dâng lên mi nữa.

Phương pháp này có thực sự hữu hiệu?

Khung cảnh khi đó liệu có trở nên thật kỳ quặc?

Khi bạn cố hết sức ngước đầu lên để ngăn dòng nước mắt, những gì mà người đối diện đang nhìn thấy chỉ là chiếc cằm dưới của bạn. Điều đó chẳng phải quái dị quá sao? Chỉ cần nghĩ đến cũng cảm thấy buồn cười rồi.

Đại khái là khi ai đó làm như vậy, ngay cả chính họ cũng cảm thấy buồn cười, và nhờ vậy nước mắt sẽ được kìm lại.

Tôi chỉ có một cách để ngăn nước mắt tuôn ra, đó là khi muốn khóc sẽ chạy trốn thật nhanh, tìm một nơi nào đó nhốt mình lại rồi khóc cho thỏa, sau đó lau khô nước mắt, ưỡn thẳng sống lưng, lại bước ra ngoài như chưa từng có việc gì xảy ra, không cho ai biết được mình vừa mới khóc.

Tiếc thay, khóe mắt đỏ ướt vẫn thường bán đứng tôi.

Tôi không cảm thấy khó xử vì mình dễ dàng khóc đến vậy, mà chỉ khó xử vì mình đã khóc khi không muốn khóc, và đã khóc khi không nên khóc.

Tôi của ngày hôm nay, đã không cần phải đối diện với những người mà mình không thích và chán ghét nữa, vậy nên, họ cũng chẳng có cơ hội để nhìn thấy tôi khóc. Thế nhưng, kể cả lúc đối diện với người tôi yêu và người yêu tôi, cũng có lúc tôi không muốn anh ấy nhìn thấy giọt nước mắt của tôi.

Tiếc thay, ngăn nước mắt rơi cũng khó như ngăn một lời rất muốn nói.

Dẫu biết rằng nếu nói ra, có lẽ sẽ phải hối hận. Dẫu biết rằng khi nghe được lời nói đó, rất có thể anh ấy sẽ không còn yêu tôi như bây giờ nữa, nhưng rốt cuộc vẫn chẳng thể đừng.

Nếu như khoảnh khắc đó, có thể dằn lòng ngước mặt lên cao, để những lời nói đó rơi ngược vào trong, vậy thật tốt biết bao!

Đường hầm thời gian của tình yêu

Có người nói, tình yêu là thứ phép thuật độc nhất vô nhị có thể duy trì tuổi thanh xuân.

Nhưng cần phải xem xem đó là giai đoạn nào.

Khi tình yêu vừa mới hé nở, cả hai vẫn cần tìm hiểu lẫn nhau, sợ được sợ mất, lúc đó thực sự khiến con người ta dường như trẻ lại. Tất cả những đôi lứa đang chìm đắm trong giai đoạn này, trái tim dường như lúc nào cũng ngập tràn nắng xuân, nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên môi, dung mạo cũng trở nên tươi tắn rạng ngời. Và những lúc đó, hầu như tất cả mọi người đều như trẻ lại.

Trải qua hơn một năm đầu tiên, đã không còn sợ được sợ mất như trước nữa, muốn trở nên trẻ trung, thì lại cần đến những sự ngọt ngào. Một người tình ngọt ngào và những ngày tháng ngọt ngào, sẽ khiến ta trở nên trẻ trung hơi đôi phần so với sự thực, đó là nhờ công dụng của hạnh phúc.

Đến năm thứ ba, muốn duy trì tuổi trẻ, lại cần dựa vào đấu trí.

Đại đa số mọi người thường trở nên buông xuôi sau năm thứ ba, bởi dù sao chúng ta đều đã chứng kiến những thời khắc và bộ dạng tệ nhất của người kia, nhưng vẫn chịu bỏ thời gian và tâm trí để trang điểm ăn diện, mong rằng mình nhìn thoáng qua sẽ trẻ hơn năm ngoái, thậm chí cả vài năm trước, không đấu trí sao thể được? Một người dám đấu trí khi yêu sẽ luôn trẻ hơn một chút.

Mười năm hoặc hai mươi năm sau, nếu muốn duy trì xuân sắc, thì không thể chỉ dựa vào tình yêu nữa, mà cần có được khí chất và phong thái của riêng mình, muốn bỗng nhiên trẻ lại vài chục tuổi, vậy chỉ có thể đổi một đối tượng khác để yêu đương.

Liệu có phải tình yêu khiến con người trẻ lại? Điều đó còn phải xem xem tình yêu đó là như thế nào. Bởi có một số chuyện tình, sẽ khiến con người ngày càng cằn cỗi.

Xung quanh chúng ta chẳng phải đều có những người như vậy hay sao? Chuyện tình cảm của họ kéo dài đằng đẵng, nhưng chẳng hề xen chút vui thú nồng nàn, ngày tháng cứ dần trôi, họ càng héo mòn tiều tụy. Bóng thời gian há có thể xóa tuyệt dấu vết? Bóng thời gian của những mối tình âu sầu khổ ải lại càng bay nhanh, một năm trôi tựa ba năm.

Thứ pháp thuật mang tên tình yêu, luôn khiến ta trẻ lại nhưng cũng có thể khiến ta già đi, giống như hai đầu dốc ghềnh của đường hầm thời gian. Điều tồi tệ nhất đó là, trẻ trung hay già cỗi, cũng giống như số tuổi của một người, luôn chẳng được quyết định bởi chính bản thân ta.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play