"Có những nỗi đau vĩnh viễn không phai nhòa theo năm tháng, vì vậy muốn vượt qua nó, người ta chỉ còn một cách là mở to mắt nhìn thẳng vào vết thương, đưa tay cấu cào cho vết thương ấy tứa máu, đau mãi rồi cũng chai sạn."

Vì tạm xem phòng lưu bệnh là nhà nên mọi sinh hoạt đều có chút ít thay đổi, duy chỉ thói quen dinh dưỡng cực kỳ khoa học vẫn bất di bất dịch, từ khi còn là một cậu bé bập bẹ bảng chữ cái cho đến nay, trai đẹp chưa từng một lần tùy tiện với tất cả những gì đưa lên miệng. Mỗi ngày ba bữa đều do đầu bếp nhà Ken đảm nhiệm, sau đấy được Dave hoặc Ken mang đến. Bữa ăn luôn đầy đủ các nhóm chất, không thừa hay thiếu bất kỳ đơn vị ca-lo-ri nào; thậm chí đến nước uống cũng không dùng nguồn có sẵn tại bệnh viện.

Điều ấy quả thật khá phức tạp với một người vốn chẳng mấy xem trọng dinh dưỡng cho bản thân như cô. Xoay xoay chiếc thìa trong tay, cô ngao ngán nhìn bát súp nấm nấu sữa ngựa trước mặt, sữa ngựa tươi đã không dễ uống, huống gì mang nấu thành thức ăn. Vị rất nhạt, chính xác hơn là tất cả các món ăn trong hơn tuần nay đều ba không - không muối, không đường, không mì chính. Thế mà người bên cạnh vẫn ung dung thưởng thức nom đến là ngon miệng, cô nghiêng nghiêng cằm nhìn trai đẹp với vẻ khâm phục rồi lẳng lặng thở dài, tưởng nhớ đến nồi lẩu cay tê lưỡi với rất nhiều mì chính và muối - món ăn cô từng ghét nhất. Chung đụng không lâu nhưng đủ để cô nhận ra con người anh thuộc mẫu người nguyên tắc đến độ cực đoan, một lời buông ra đồng nghĩa bất biến. Thật ra đàn ông gia trưởng cũng không hẳn xấu, chỉ cần đó là sự gia trưởng có cơ sở, không phải dạng u mê nhằm che giấu bản chất hèn kém ẩn sau danh xưng "nam nhi". Đàn bà váy mỏng như cô sẽ không cần đàn ông thề hứa, nếu muốn, đàn ông nên tự thề hứa với chính bản thân anh ta. Thật khéo, mọi nguyên tắc của anh đều có cơ sở hợp lý nên dù chưa thật sự thoải mái, cô vẫn không phản đối hay bài xích...

"Không hợp khẩu vị hay em cảm thấy không khỏe?" Trai đẹp buông thìa, bận tâm hỏi. Cách đây vài phút, anh phát hiện ra cô đang chăm chú nhìn mình bằng ánh mắt rất lạ, nửa ngọt ngào nửa đắng cay. Anh thích sự ngọt ngào ấy nhưng không cho phép sự đắng cay tồn tại trong đáy mắt đã thừa chênh vênh của cô.

Câu hỏi kia cắt ngang mạch suy tưởng, khiến cô lúng túng lắc đầu, môi nở nụ cười không gượng gạo cũng chẳng tươi vui: "Tôi ổn! Chỉ là đã no." Nói xong, cô lại cười, lần này là nụ cười kiểu trẻ con ngô nghê có chút tự châm biếm bởi nó dành cho chính bản thân mình, không hiểu vì lẽ gì mà từ thức ăn lại có thể miên man dông dài sang tận bản chất đàn ông, thậm chí còn xuôi về miền quá vãng xa xăm - nơi có căn chòi rách nát, hai đứa trẻ bơ vơ, một nấm mộ không cổ áo quan và những bóng ma vật vờ chưa chết.

Giữa những ánh tà dương hòa lẫn vào ánh đèn vàng trong phòng, trai đẹp nhìn cô thật sâu, tia mắt khẽ dừng lại trên bát súp chưa vơi quá một phần rồi lẳng lặng dời bát súp về phía mình, đặt chiếc đĩa với những lát cá hồi sốt rượu đỏ đã được thái nhỏ thế vào chỗ ấy và buông lời vỗ về: "Em muốn thực đơn mỗi ngày thế nào thì nói với Ken, bỏ bữa sẽ không tốt cho quá trình phục hồi vết thương." Nói xong, anh điềm nhiên ăn nốt phần súp còn dư kia.

"Này!" Cô kêu lên nho nhỏ, bàn tay trái máy móc đưa về hướng bát súp: "Tôi đã dùng qua..."

Vẫn không có ý định bỏ chiếc thìa xuống, trai đẹp chỉ khẽ cong vành môi thành ý trêu ghẹo: "Chúng ta đã hôn sâu, vì thế không nên lãng phí thực phẩm," và tiếp tục dùng bữa. Khẩu phần của anh khá lớn, gấp đôi gấp ba lượng dinh dưỡng mà một người trưởng thành bình thường cần có.

Dù hơn một tuần qua, hai người họ chỉ dùng bữa trong phòng lưu bệnh này nhưng những bữa ăn vẫn được chuẩn bị cầu kỳ theo đúng chuẩn mực, từ khai vị đến món tráng miệng; khăn ăn bằng lụa trắng tinh; dao dùng để thái lát cá, thìa để dùng súp, nĩa để ăn salad,... đều có quy tắc nhất định. Phong thái dùng bữa của trai đẹp luôn nhàn nhã, chậm rãi và kiệm lời đến mức tối đa; có lẽ đây sẽ là cực hình với những ai có thói quen vừa ăn cơm vừa trò chuyện. May thay, cô vừa đúng là người luôn lặng lẽ nhai, nuốt cho qua bữa trong suốt quãng dài tuổi thơ, hoa niên, trưởng thành; sau đấy, cô vào đời, quen biết Thắng, học hỏi được khá nhiều quy tắc giao tế phức tạp từ Thắng. Thế nên cô không cảm thấy bức bối hay gặp khó khăn, mọi lẽ đều bình thản trôi qua, ngoại trừ khẩu vị quá nhạt.

Nhận được câu trả lời nửa đùa nửa thật từ trai đẹp xong, cô bất giác ngớ ngẩn chốc lát rồi nhún vai cầm lên chiếc nĩa dẹp sáng bóng, xiên vào một lát cá, từ tốn đưa nhấm nháp, vị cá tươi ngọt lẫn vào hương rượu đỏ nồng nhẹ. Một lát, hai lát, ba lát,... thoáng chốc chiếc dĩa chỉ còn lại một ít nước sốt đỏ thẫm. Vì tay phải vẫn chưa thể cử động bình thường nên cô đành phá lệ, dùng tay trái nhón lấy một mẩu bánh mì bé nhằm thưởng thức nốt phần nước sốt ngon lành còn lại. Bên cạnh cô, trai đẹp nhàn nhã thay đổi dao, nĩa phù hợp với từng loại thức ăn trong nét mặt tỏ rõ thái độ ba phần nuông chiều bảy phần hài lòng.

Kín đáo liếm quanh vành môi một lần, trước khi nâng cốc nước lên uống một ngụm vừa đủ; xong, cô hơi quay mặt về trai đẹp, ý chừng muốn nói gì đó nhưng rồi lại im lặng, thả mắt vào màn mưa chào đón tháng tám rả rích bên trời. Mưa tháng tám luôn đặc biệt dễ thương!

Bữa tối đã xong, người làm vẫn túc trực bên ngoài nhanh chóng thu dọn bàn ăn và rời đi. Cô ngồi trên ghế bành cạnh cửa thông ra ban-công, an bình ngắm mưa đêm. Nơi quầy rượu gần đó, trai đẹp đang loay hoay với những chai rượu do Dave mang đến. Hương chanh, hương bạc hà, hương Gin thoang thoảng không gian tĩnh lặng nhưng không lạnh lẽo.

"Là gì?" Cô nhìn chiếc cốc thủy tinh nông bẹt, chân cao chứa chất lỏng xanh nhạt trên bàn trà ngay cạnh rồi ngẩng đầu nhìn lên trai đẹp. Trên tay anh là cốc thủy tinh vuông thô, sóng sánh trong suốt với hai lát chanh thái mỏng.

Trai đẹp không đáp lời ngay mà tao nhã đưa cốc lên mũi, hít một hơi dài rồi mới chậm rãi nhấp một ngụm nhỏ. Vành môi đều đặn thấp thoáng nét tươi nhuận khi anh cúi đầu, mặt đối mặt với cô, âm giọng thoang thoảng hương Gin thơm nồng: "Mưa, cạnh bên nhau, nhấm nháp Mojito và Gin. Thật thi vị, đúng không?"

Ôi! Mojito... Hơn tháng qua, vì tuân thủ PEP cộng thêm tai nạn lần này nên vừa nghe đến danh từ kia, người bạn tên Sâu Rượu thân thiết đã lập tức nhảy múa điên đảo tỏ ý vui mừng khôn xiết. Cô cũng vì thế mà chớp chớp mắt cảm động nhìn trai đẹp, trước khi nhanh nhảu nâng cốc lên. Hự! Chất lỏng ngòn ngọt, chua chua, thơm thơm tưới đẫm từng thớ lưỡi nhưng tuyệt đối không có vị cay nồng của cồn. Bị lừa, cô nhận ra mình đã bị lừa một vố to, liền bĩu môi oán hờn: "Cái này chỉ là nước chanh pha si-rô mojito bạc hà..."

Khóe môi đẹp đẽ cong lên, gương mặt trai đẹp kề sát cô, âm giọng cũng dịu dàng hơn: "Mojito không chất cồn!"

Cố tình hừ một tiếng rõ to và tặng thêm một nhát liếc xéo dài ngoằng nhằm nhấn mạnh sự bất mãn, cô nâng chiếc cốc lên, giận dỗi nhấm nháp gần hết cốc Mojito "chay". Mang tất cả nét đáng yêu ấy khóa chặt vào đáy mắt, trai đẹp mỉm cười yên vui, sượt làn môi ẩm ướt dọc theo vành tai xuống đến tận vùng xương quai xanh mảnh dẻ của cô. Anh dừng tại đó, háo hức quét lưỡi tựa đứa bé con đang nhâm nhi que kem ngon tuyệt. Chiếc lưỡi kia khiến cô nhột nhạt không yên, nửa thích thú nửa ngại ngùng giữa không gian tĩnh mịch vang vọng những tiếng thở chẳng còn đều nhịp.

Bỗng... trai đẹp dứt khoát ngẩng đầu nhìn lên, soi rọi ánh mắt lấp lánh lửa vào khuôn mặt ửng hồng của cô, yết hầu đánh một nhịp mạnh trước khi dùng ngụm Gin lớn hòng tưới mát vòm họng khô khốc, bỏng rát. Rồi bằng một động tác rất nhanh, anh nhấc bổng cô lên, ngồi xuống ghế và bao bọc cô trọn vẹn trong vòng tay mình. Bên ngoài khung cửa, mưa vẫn liêu xiêu rơi; bên trong, anh tựa cằm hờ vào đầu cô, thư thái cảm nhận sự ngọt ngào mang tên "chỉ cần bên ngồi nhau, bầu trời bên ngoài cũng sẽ khác".

Cô nhấp nhổ,m chẳng yên trong lòng trai đẹp, cơ thể người này hầu như được cấu tạo bằng cơ bắp nên chẳng mềm mềm, êm êm như trong tiểu thuyết vẫn miêu tả, chưa kể đến chiếc chân đặc biệt chỉ riêng đàn ông có đang cứng cáp, gồ lên qua lớp vải mỏng. Đây là thời điểm nhạy cảm, lửa đã âm ỉ cháy, chỉ cần một làn gió nhẹ thổi ngang là thiêu rụi tất cả mà cô thì chưa muốn bị quay chín nên ngoan ngoãn tựa đầu vào lồng ngực anh, hai tầm mắt cùng hướng về màn mưa đêm tháng tám. Mưa là thế, trong phòng điều hòa vẫn rì rào, vậy mà không khí càng lúc càng ấm nóng hơn bởi thân nhiệt anh, cô lặng lẽ cảm nhận để chợt nghe cõi lòng xôn xao những đợt sóng thổn thức. Vì đâu người đàn ông sau lưng muốn ở cạnh cô toàn thời gian, dịu dàng vỗ về từng cơn đỏng đảnh đàn bà váy mỏng, nhẫn nhịn kìm nén nhu cầu bản năng nguyên thủy? Còn cô, cô có thể trao ra những gì? Không có, hoàn toàn không vì cô đã chọn cung đường hư ảo cho riêng mình.

Một lời tạ ơn hay xin lỗi, có thể nào rồi ta cũng sẽ bước qua nhau - cõi hồn chếnh choáng bỗng bật lên câu thơ ngày cũ, cô mịt mờ ngước mắt nhìn lên, nét mặt trai đẹp yên tĩnh mà nồng nàn vẫn ở ngay đó. Cô nén tiếng thở dài chua xót vào tận đáy lòng, gượng gạo cất lời: "Tôi đã khỏe hơn rất nhiều, ngày mai có thể xuất viện?!"

Trai đẹp thoáng nhíu mày khi cảm nhận được sự run rẩy từ thân hình mảnh mai trong vòng tay. Đến bao giờ thì cô mới thôi hết bơ vơ? Một câu hỏi đã tự hỏi trăm vạn lần nhưng chẳng thể có câu trả lời. Cô dẫu đang ở ngay trong vòng tay mà sao ảo hư vời vợi bởi bao nỗi đa mang đều đã được phong kín, cất giữ ở một nơi mà anh vẫn chưa được phép chạm vào. Cảm giác bất lực khiến những cơn sóng mang tên kiên nhẫn, chiếm hữu, bảo hộ, lo sợ,... cứ lần lượt ùa về, cuốn xoáy vào nhau, anh siết thêm chặt vòng tay ôm: "Ngày kia, nếu kết quả tổng quát ngày mai cho thấy tình trạng của em đủ tốt." Cọ mũi vào mái tóc cô, anh tìm lại sự ẩn nhẫn cần thiết có.

Thêm hay bớt một ngày cũng không quá quan trọng nên cô im lặng thay cho đồng ý. Một đêm nữa lại qua, cô vào giường lúc hai mươi hai giờ, hình bóng trai đẹp vẫn luôn ở đó, trong mỗi đêm muộn, trong từng sớm mai.

***************

Cáo xuống taxi, vừa bật ô vừa nhăn mặt, tiết trời tháng tám luôn đỏng đảnh như con gái tuổi ô mai, mưa đây nắng đấy, gió lao xao. Lúc này, mưa và nắng đang vấn vít lấy nhau, từng hạt mưa mong manh điểm xuyến những tia nắng vàng mơ, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng Cáo ghét cả mưa lẫn nắng. Dừng chân trước mái vòm cửa lớn dẫn vào đại sảnh của bệnh viện, Cáo gấp ô, rũ rũ những hạt mưa vương lại nếp áo rồi cẩn trọng nhìn xuống chân, chắc chắn giày không bẩn mới bước tiếp. Hôm nay, Cáo vận váy ngắn nền đen hoa vàng, đi một đôi giày dây mảnh màu vàng, gót không quá cao.

"Cô gì đó ơi..."

Tiếng phụ nữ trung niên cất lên khi Cáo ngang qua những hàng ghế dài trước quầy tiếp tân. Đôi xăng-đan màu vàng tiếp tục yểu điệu tiến về phía trước.

"Cô ơi..."

Tiếng gọi kia lần nữa cất lên, kèm theo tiếng bước chân có phần hối hả. Một bóng người áp sát buộc Cáo phải dừng chân, bước lui về sau nhằm giữ khoảng cách an toàn. Trước mặt Cáo, người phụ nữ tầm sáu mươi có nhan sắc vẻ như từng được chăm sóc khá kỹ, đang lúng túng nở nụ cười méo xệch chẳng mấy hòa hợp với gương mặt buồn bã, tiều tụy. Cáo nhíu mày nhìn nhân ảnh hoàn toàn xa lạ kia.

Người phụ nữ lúng túng nhìn Cáo: "Xin lỗi, cô là người nhà của cô Đỗ Chi Lăng phải không?"

Cáo vẫn giữ thói quen không giao tiếp cùng người lạ, đuôi mắt vẽ chì nước tím thẫm chỉ thoáng cong lên, ý như không khẳng định hay phủ quyết mà chờ đợi đối phương nói hết lời.

"Là như vầy... Tôi là mẹ của cháu Trần Ngọc Quý - người hôm trước nhỡ dại gây tai nạn cho cô Lăng. Hôm nay, tôi với gia đình muốn đến thăm nhưng bệnh viện không cho lên vì cô Lăng từ chối gặp." Người phụ nữ kia lúng búng nói, những vệt chân chim nơi khóe mắt dường như thêm sâu.

"Thì sao?" Cáo hững hờ hỏi lại.

Trước sự lạnh nhạt này, người phụ nữ ấp úng hồi lâu mới thốt nên lời: "Xin cô mở lượng hải hà, nói giúp với cô Lăng vài lời, để cho gia đình tôi được lên thăm." Nói đoạn, bà chỉ tay về hàng ghế có mấy người gần đó, tất cả họ đều hướng ánh mắt trông chờ về phía Cáo: "Bố, cô ruột và vợ thằng Quý cũng đến!"

Nửa đuôi mắt trái liếc về dãy ghế - nơi người đàn ông tầm ngoài sáu mươi nom còn khá phong độ với kiểu trang phục cổ điển tươm tất, kính trắng sáng lóa trên sống mũi; nét khinh khi liền quét ngang qua nụ cười khẩy trên đôi môi to son hồng bợt của Cáo, nhanh đến độ chẳng thể nhận rõ: “Dựa vào đâu mà nhà bà cho rằng tôi có thể giúp?”

Không cần suy nghĩ, đối phương lập tức thành thật trả lời, nét hy vọng càng lúc càng sâu trong ánh mắt người mẹ: “Không giấu gì cô, con dâu tôi có kết bạn trên mạng với một cô bé tên Hiền, từ đó đã thấy được nhiều hình ảnh thân thiết cô chụp cùng cô Lăng. Bé Hiền kia cũng có nhắc qua về mối quan hệ giữa chẳng khác gì chị em ruột thịt giữa hai cô nên tôi...”

Chẳng đợi bà ta nói hết lời, Cáo đã đưa tay lên ra hiệu bản thân đã hiểu và không cần giải thích thêm, rèm mi chải mascara cẩn thận hững hờ cụp xuống kèm theo âm giọng nhạt nhẽo đến độ chán ghét cho người nghe: “Tôi không có thói quen làm từ thiện. Nhà bà trả được giá nào nếu tôi đồng ý giúp các người gặp Đỗ Chi Lăng?" Cáo nhấn mạnh cả tên họ cô bằng tất thảy cay nghiệt.

“Cô...” Người phụ nữ sững sờ nhìn Cáo, khóe mắt đã không còn săn chắc như mở rộng thêm. Có lẽ bà ta không nghĩ người phụ nữ mang danh tình nguyện viên tổ chức từ thiện trước mắt mình lại thực dụng, vô tâm đến thế - cảm giác bất mãn thể hiện rõ qua động thái kìm nén cơn giận lẩn khuất đâu đó trong âm giọng vẫn gắng mềm mỏng: “Nhà chúng tôi đang trong cơn nguy khốn, tiền bạc cũng chẳng có nhiều nhưng sẽ không dám quên ơn cô, mong cô giúp cho!”

Cáo lạnh nhạt nhìn người phụ nữ đối diện, nửa đuôi mắt trái vẫn hướng đến người đàn ông kia trong chốc lát rồi nhếch môi nửa nụ. Nguy khốn ư? Thằng con gần ba mươi tuổi đầu mới vào tù dăm hôm mà cả nhà trên dưới đã nháo nhào như thể đại hồng thủy đến, vậy đứa con gái bị ép phải chôn vùi quãng hoa niên rực rỡ nhất vào cô độc, điếm nhục thì gọi là gì? Mạt vận hay đáng kiếp? Tiếng nấc nghẹn vỡ nát từ bốn năm trước hay nụ cười in hằn nét lạc loài đã thành quen cách đấy vài hôm, từ đứa con gái ấy đang từng bước từng bước tái hiện trong cõi hồn vốn dĩ chẳng mấy lành lặn của Cáo – người đàn bà thích dừng lại giữa dòng đời tất bật để lắng nghe nỗi chết; người đàn bà tự đưa tang bản thân để con trẻ được sống trọn sống. Có những nỗi đau vĩnh viễn không phai nhòa theo năm tháng, vì vậy muốn vượt qua nó, người ta chỉ còn một cách là mở to mắt nhìn thẳng vào vết thương, đưa tay cấu cào cho vết thương ấy tứa máu, đau mãi rồi cũng chai sạn. Một nụ cười khẩy nửa vành môi trái đặc trưng nữa lại nhếch lên nhưng lần này có thêm vài thanh âm giòn lạnh kèm theo, Cáo buông lời: “Được! Tiếp tân sẽ tự khắc thông báo khi yêu cầu của bà được hồi đáp.”

Đoán biết đối phương vẫn có điều còn muốn nài nỉ thêm nhưng Cáo nói xong liền lập tức xoay lưng, gót giày mảnh nhẹ nhàng di chuyển trên một đường thẳng, âm giọng nhàn nhạt rơi lại phía sau: “Chờ đợi hay ra về, tùy ý!”

“Không... không...” Người phụ nữ rối rít xua tay: “Chúng tôi sẽ chờ, trăm sự xin nhờ cậy cô. Cô là ân nhân...” Những lời sau đó của bà ta như tan vào hư không bởi bóng váy lụa nền đen hoa vàng đã khuất sau cánh lối rẽ vào hành lang dẫn đến thang máy.

Thực ra, sau chuyến đi hôm nọ của Trinh, nhà họ cũng đã tìm đủ mọi cách để một mặt hòa giải với người tên Đỗ Chi Lăng kia, mặt khác cậy nhờ các mối quan hệ thân quen trên phương diện chính thống lẫn ngõ sau nhưng đều bất lực. Luật sư thẳng thừng từ chối gặp mặt, các mối quan hệ thì người thân nói khó – kẻ sơ quay lưng nên tình cảnh của Quý ngày càng bi đát hơn, những hy vọng theo đó vụt tắt. Bên điều tra đã đủ nhân chứng, vật chứng để buộc tội Quý gây tai nạn bỏ trốn trong tình trạng lợi dụng quyền hạn nhằm trục lợi riêng. Tất nhiên, cả nhà họ đều không tin Quý lại dại dột đến thế bởi chỉ chờ một công văn chính thức nữa thôi, anh ta sẽ chính thức ngồi vào ghế Phó, trong khi vợ trẻ vừa cấn thai. Tương lai rộng mở như thế, chẳng lí nào mà một người xưa nay luôn cẩn trọng, biết cân nhắc thiệt hơn lại một tay dâng tặng tiền đồ ngàn vàng đổi lấy dăm mớ bạc lẻ từ việc tiết lộ chi tiết dự thầu của một dự án trị giá vài tỷ đồng. Vì thế, Trinh đã mấy lần nhờ Hiền nói hộ, song Hiền nào dám và có lòng cũng chẳng đủ sức, chỉ đành khuyên Trinh tìm gặp Cáo. Cuối cùng, cả nhà họ quyết định thử vận bằng cách đến thẳng bệnh viện thêm lần nữa. Bảo an chặn ngay sảnh tiếp tân, họ chia nhau những tấm ảnh do Hiền đăng trên Facebook để nhận diện Cáo, hòng chờ đợi kỳ tích xuất hiện. Liệu kỳ tích sẽ xuất hiện khi Cáo không dễ mủi lòng như họ những tưởng?

Gật đầu chào trai đẹp theo đúng lễ nghĩa xã giao, Cáo bước thẳng về phía ban-công đủ rộng để đặt một bộ bàn trà và dăm chậu hoa kiểng – nơi cô đang thư nhàn đọc sách, thưởng trà chiều. Hôm nay, tâm thái của cô đã bình lặng hơn khá nhiều, nét lạc lõng chơ vơ từ mấy hôm trước dần phai nhòa, sắc mặt cũng theo đó mà hồi phục sinh khí. Cáo ngồi xuống ghế, thân tình quan sát cô rồi lướt tia mắt có dăm rẻo thiện cảm về chiếc sô-pha có người đàn ông vận áo sơ-mi xanh thẫm đang tập trung vào những chiếc máy tính, bên trong phòng.

“Có chuyện không ổn?” Môi cô hơi cong lên ra chiều bận tâm khi rót trà hoa vào chiếc cốc gần tầm tay Cáo. Rõ ràng Cáo đang trở trăn điều gì đó mà điều này nhất định có liên quan đến những người thân yêu bởi mỗi lần như thế, vùng ấn đường sẽ bất giác cau nhẹ.

Cáo cẩn trọng liếc về hướng trai đẹp lần nữa, chắc chắn đối phương sẽ không đột ngột xuất hiện sau lưng hai người bọn họ rồi cất giọng chỉ vừa đủ nghe: “Chị đã gặp lão ta, dưới sảnh. Vợ lão muốn chị thuyết phục cô đồng ý gặp bọn họ.” Vừa nói, Cáo vừa tỉ mẩn dò xét biểu cảm trên nét mặt cô.

Nhưng nét mặt cô vẫn lặng như hồ nước chiều thu, không một gợn sủi tăm. Chậm rãi đặt dải lụa đánh dấu vào giữa hai trang sách đọc dở dang, cô khó hiểu hỏi lại: “Sao lại biết chị?” Cô không dùng đại từ nhân xưng nào trong câu hỏi này.

“Qua hình trên trang cá nhân của Hiền!” Cáo nhấp ngụm trà, sắc mặt vẫn thể hiện rõ nét không hài lòng khi quyền tư ẩn bị chia sẻ tùy tiện dẫu âm giọng vẫn mềm mại như gió: “Muốn nghe suy nghĩ của chị không? Theo chị, cô nên đối mặt và dứt khoát một lần cho tận tuyệt. Ngày tháng về sau còn dài, xác chết nào cũng cần phải chôn cất, bằng cách này hoặc cách khác.”

Cô gật đầu, khóe môi đã bớt nhợt nhạt cong cong ý cười bình thản: “Em không ngại đưa tang, chỉ là tiếp tân không hề thông báo có khách.” Đoạn, cô đưa mắt nhìn về phía sô-pha và chợt hiểu ra lý do, nét môi cong cong kia bỗng biến thành nụ cười thực sự, an toàn; mùi tử khí dẫu rất đáng sợ nhưng bên cạnh cô chẳng phải luôn có một thứ hương thơm đặc biệt đấy ư? Vỗ nhẹ lên cánh tay Cáo như thầm khẳng định rằng bản thân mình rất ổn, cô hỏi: “Chắc vẫn còn chờ dưới sảnh?”

“Vẫn!” Cáo đáp nhanh.

Bước chân còn tập tễnh về mặt sinh học nhưng vững chãi trong tâm lý của cô chậm rãi tiến về phía trai đẹp. Anh ngước mắt nhìn lên, cô hiền hòa đáp lại ánh mắt ấy: “Có bất tiện gì không nếu tôi có một nhóm khách ghé thăm?”

Trai đẹp lắc đầu, đáy mắt gợn lên dấu chấm hỏi bởi cô luôn được cho biết rằng công việc của anh hầu như có thể xử lý trong mọi hoàn cảnh, chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại và càng không cần thiết xin phép ý tứ như thế; vậy câu thông báo kia ắt còn có ẩn ý phía sau. Đúng là từ sau lần hai người khách nữ kia ghé qua, anh có kín đáo hạn chế tối đa sự quấy nhiễu không nên có, song chưa từng trực tiếp tỏ thái độ ngăn cản hay cấm đoán. Hơn nữa, cô cũng không có ý định vay sự thương xót từ ai, trừ người chị em họ Trịnh đang ngồi đốt thuốc, ngắm nắng chiều ngoài kia, vì vậy nhóm khách lạ kia ắt hẳn không đơn thuần chỉ là khách.

Bên nhau chẳng nhiều cũng đã mươi hôm, cô dù không mấy thông minh vẫn đủ nhạy cảm để thấu hiểu phần nào tính cách của trai đẹp. Chính vì thế, cô nhất định phải tôn trọng tính gia trưởng nơi anh: “Là gia đình của người tên Trần Ngọc Quý!” Nói đến đây, cô dừng lời, mím môi như thầm cân nhắc có nên để anh làm khán giả bất đắc dĩ cho vở diễn hạ màn nhạt nhẽo sắp diễn ra hay không. Lúc này, anh đã buông máy tính, đứng lên song song với cô, ánh mắt nâu vẫn ngời sáng tia bảo hộ mạnh mẽ. Nhìn vào ánh mắt ấy, cô thở nhẹ, tiếp lời: “Chúng tôi sẽ giao tiếp bằng tiếng Việt, vì thế anh không cần phải chú ý đến nếu cảm thấy phiền.”

“Tôi cần!” Trai đẹp đáp gọn, ánh mắt bảo hộ có thêm nét dịu dàng như muốn nói rằng, anh khát khao được biết, được hiểu tất thảy mọi điều thuộc về cô.

Cô gật đầu: “Được, anh có thể nhờ Cáo lược dịch lại nội dung, nếu muốn.”

Sau cuộc gọi ngắn đến quầy tiếp tân tầm năm phút, chuông báo liền ngân vang, cô đích thân chống nạng ra mở cửa. Trước mặt cô, một người đàn ông cùng ba người phụ nữ đang đưa mắt đánh giá đối phương – những người bên trong căn phòng lưu bệnh sang trọng này. Ánh nhìn của người đàn ông và một trong ba người phụ nữ dừng sững trên gương mặt cô; vành môi người phụ nữ mặc áo xanh đó mấp máy hồi lâu nhưng không tiếng lời nào được phát ra, các cơ mặt tựa những sợi dây đàn bị căng lên quá giới hạn cho phép. Cô dửng dưng đáp trả lại thái độ ấy bằng tư vị bà chủ nhà kiêu hãnh có thừa, lịch sự vừa đủ: “Mời!” Lưng cô rất thẳng, cằm ngẩng cao, thế chân hơi dịch về sau, chừa đường cho khách bước vào.

Mẹ Quý và Trinh đi trước bởi người đàn ông kéo người phụ nữ áo xanh bước chậm nhịp chân hơn. Bà ta thì thào điều gì đó khiến nét mặt ông ta lộ rõ nét cả kinh mà lại thấp thoáng tự tin, như thể đã tìm ra cách cứu cậu quý tử đang bị oan sai chốn lao tù. Có lẽ do thế, bước chân vẫn ngời ngời phong độ đàn ông bỗng bước thêm nhanh, thoáng chốc đã lấy lại vai trò dẫn đầu.

Trên sô-pha đủ lớn, thấy Cáo và trai đẹp vẫn yên vị, không có ý định đứng lên chào khách, ông ta liền tỏ ý kém hài lòng bởi luận tuổi tác, hai người kia dẫu sao cũng là hậu bối; tuy nhiên sự bất mãn ấy không thể lưu lại lâu khi ánh mắt một thời vẫy vùng chốn quan trường chạm phải cái ngước nhìn rất nhanh, tưởng chừng vô cảm từ trai đẹp. Nó làm sống lưng ông ta lành lạnh, thứ mùi vị không dễ chịu tràn ngập tâm trí. Sau lưng ông ta, Trinh nép sát vào mẹ chồng, dè chừng quan sát ba vị chủ nhà.

Cô ngồi xuống cạnh trai đẹp, ôn tồn cất lời: “Mời ngồi! Tôi là Đỗ Chi Lăng.” Khi tên họ được xướng lên, giọng cô có chút run run, mắt nhìn thẳng vào người đàn ông, nửa thách thức nửa xa lạ.

Bốn người khách lần lượt ngồi xuống ghế, ông ta hắng giọng: “Tôi muốn nói riêng cùng cháu vài lời, liệu...”

Chẳng chờ ông ta trọn ý, cô đã nhếch môi phủ định: “Là người nhà của tôi! Nên những lời ông có thể nói, họ đều có thể biết.”

Ông ta nhíu mày ra chiều trách cứ nhưng vì tương lai của cậu quý tử nên đành nhẫn nại, dịu giọng: “Cháu có quen biết người phụ nữ tên Đỗ Thị Mai Hoa không?”

Trái với dự đoán của ông rằng cô ắt hẳn phải đớn đau, phẫn nộ hoặc giả lúng túng phủ nhận, cô lại điềm tĩnh đến độ lạ kỳ, ánh mắt ngập tràn hãnh diện giữa ngút ngàn những cơn hoài niệm xa xót: “Bà ấy là mẹ tôi!”

Không gian bỗng chốc lặng ngắt, chỉ còn lại tiếng thở không mấy tự nhiên của bốn con người cùng nhìn về một người. Là cô! Chính cô cũng không nghĩ bản thân lại có thể bình thản tự tay tẩm liệm, đào huyệt và chôn cất mẹ mình thêm một lần nữa, sau gần ba mươi năm đằng đẵng khóc cười cho vẹn kiếp đời bội vong. Mẹ cô đấy - người đàn bà tận hiến lẽ sống cho tình yêu để nằm xuống với mảnh chiếu rách thay cổ áo quan giữa chiều mưa mù mịt đất trời, trong khi người được bà gọi là chồng vội vàng thu vén của cải chung, vui vẻ về bên người đàn bà khác ngay thời điểm xác vợ còn chưa kịp lạnh, bỏ lại hai đứa trẻ thơ dại chưa thể định nghĩa thế nào là “tình thân thiêng liêng”. Mẹ cô đấy – người đàn bà bỏ phố lên rừng, chẳng màng danh phận với niềm tin sắt đá “gái có công thì chồng chẳng phụ” nhưng mẹ ơi, mẹ có biết hay chăng, đâu đấy giữa cõi đời này vẫn còn tồn tại “gái có công thì chồng vẫn phụ”. Mẹ cô đấy – người đàn bà vì sinh liên tiếp hai con vịt giời nên dù nhà chồng khắc nghiệt, chồng vô trách nhiệm vẫn nai lưng chịu đựng, hy sinh để con có bố, để nhà có nóc và cuối cùng, hy vọng có được một đứa con trai cho chồng hồi tâm chuyển ý đã giết bà, giết đứa bé gái chỉ vừa kịp chào đời, giết cả hai số mệnh nữ sinh ngoại tộc. Mẹ cô đấy! Vừa thương vừa giận cho một lần trót sinh ra trong phận đàn bà kém may.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play