“Kiếp sau làm trâu làm ngựa cũng không làm đàn bà.”
Tên: Triệu Ngọc Trân.
Giới tính: Nữ.
Tuổi: 61 tuổi.
Nghề nghiệp: Công nhân đã về hưu của xưởng thép số 1 thành phố.
Tình trạng hôn nhân: Đã kết hôn
Thành viên gia đình: Chồng Lý Đại Long, con cả Lý Mai, con thứ Lý Nhiễm.
Mẹ Lý Mai, vợ Lý Đại Long, người phụ nữ bị gán lên mình các loại danh xưng này gần như đã mất đi tên thật của mình. Quá trình bắt giữ bà ta từ đầu đến cuối đơn giản ngoài sức tưởng tượng. Khi chúng tôi lại một lần nữa bước vào nhà họ, gõ cửa phòng bà, người ra mở cửa chính là bà ta.
Để tránh đánh rắn động cỏ nên chúng tôi tạm lấy cớ là đã chính thức quyết định khởi tố con gái bà là Lý Mai, muốn mời bà về Cục xác minh khẩu cung một lần cuối cùng.
Lúc đó, thái độ của bà ta khi nhìn chúng tôi bình tĩnh lạ thường, thậm chí có hơi giống như đang chờ chúng tôi xuất hiện. Một đống kiếm cớ đã chuẩn bị sẵn vẫn chưa nói xong mà bà đã bình tĩnh ngắt lời chúng tôi: “Các anh hẵng đợi một chút, tôi thắp cho Bồ Tát nén hương cuối cùng rồi sẽ đi theo các anh.”
Nói xong, bà xoay người, thuần thục rút từ trong ngăn tủ phía dưới điện thờ ra ba que hương màu vàng sáng, đưa gần vào ngọn nến châm lửa, lắc nhẹ que hương trong tay. Sau khi lửa tắt, sương khói màu lam nhạt uốn mình bay lên. Bà nâng ba que hương lên cao đầu bằng hai tay, đoạn quỳ xuống.
Chúng tôi âm thầm nhìn bà thành kính quỳ trước điện thờ, hai mắt nhắm nghiền, trong miệng lẩm bẩm.
Sự ung dung tự nhiên của bà làm chấn động tôi, Lưu Ly và cả Tôn Cương. Chúng tôi không ai lên tiếng giục bà hết.
Nhưng sau đó chồng bà, công nhân về hưu của xưởng thép – ông Lý Đại Long xuất hiện.
Ông bước nhanh lao ra từ trong phòng, đi cùng bước chân của ông là tiếng gầm bật tung nóc nhà: “Các người làm gì? Các người muốn làm gì?! Các người làm gì thế này?!”
Lý Đại Long hùng hổ xông thẳng tới phía chúng tôi cứ như một con bò tót lao vào tấm vải đỏ vậy.
Mẹ Lý Mai, không, phải nói là Triệu Ngọc Trân bình thản nhắm mắt khấn vái, ngay cả những nếp nhăn trên gương mặt cằn cỗi cũng không rung lên chút nào.
Tiếng rít gào của ông Lý lấp kín mọi lời giải thích của chúng tôi, ông liên tục gào lên những câu: “Các người muốn làm gì? Làm gì hả? Không cho mấy người vào nhà! Ra ngoài! Ra ngoài mau! Đây là nhà tôi, rốt cuộc mấy người đến đây làm gì? Muốn ăn cướp à? Muốn giết người à?! Cút! Cút mau!!”
Hai lần trước khi gặp ông ta, tôi cảm thấy người này tục tằn giảo hoạt nhưng biểu hiện ra ngoài coi như bình thường, song lúc này trông ông ta giống hệt ông già thần kinh tứ chi phát triển, chẳng những không phân rõ phải trái mà khỏe mạnh vô cùng.
Lúc đầu Tôn Cương còn nhẫn nại giằng co khuyên nhủ ông ta – chúng cháu nhận lệnh đến đây, chúng cháu chỉ chấp hành nhiệm vụ thôi, hi vọng nhà mình có thể phối hợp….
Nhưng ông ta căn bản không nghe, mặt đỏ gân nổi chỉ biết quát tháo ầm ầm.
Tôn Cương cũng là hạng nóng tính, kiềm chế cả buổi, rốt cuộc không nhịn nổi nữa, tiếng nói cũng dần dần lớn theo: “Ông đây là thái độ gì thế này? Lý Đại Long, tôi cảnh cáo ông, đừng mưu toan cản trở cảnh sát chúng tôi thi hành công vụ! Tôi đã bảo rồi ông cũng sẽ phải cùng chịu trách nhiệm pháp luật giống nhau!”
“Pháp luật cái đo!!” Lý Đại Long hùng hổ nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất: “Mày dám chạm vào vợ tao thử xem? Lý Đại Long tao hôm nay sẽ liều mạng với chúng mày! Cảnh sát thì sao? Đánh tao xem? Thử động vào người tao xem?”
Tôi nhìn vào trong nhà, hình như Lý Nhiễm không có ở nhà.
Lưu Ly ở bên cạnh tôi khe khẽ nhỏ nhẹ: “Không phải, bác Lý à, chúng cháu chỉ muốn mời bác gái đi theo về Cục hỗ trợ điều tra chứ không phải nói bác gái chính là…”
“Cái đo!” Lý Đại Long bước lên, dằn một bước dưới chân: “Hôm nay tao nói cho chúng mày biết, muốn người không có, muốn mạng có một cái đây! Hoặc là bây giờ đánh chết bố mày đi, không thì đừng có mơ đến chuyện đưa ai ra khỏi nhà tao! Điều tra, điều tra cái đo!”
“Ông còn không tránh ra thì chúng tôi bắt cả ông dẫn đi!”
Tôn Cương như thể đã hết chịu nổi, bèn lao lên phía trước, trông như thể muốn nhào vào bắt Lý Đại Long vậy, mặt giận đến đỏ bừng, gân xanh nổi hết cả lên.
Lý Đại Long không cam tâm yếu thế: “Mày thử coi, cảnh sát đánh người! Chúng mày mà cảnh sát nỗi gì! Toàn là thổ phỉ! Con hung dữ hơn đám thổ phỉ Quốc Dân đảng!”
Ngay khi cục diện đang loạn cào cào, giằng co cấu xé, Triệu Ngọc Trân rốt cuộc đã chấm dứt bài khấn vái dài dòng của mình. Bà đứng dậy cắm ba nén hương vào bát hương rồi lại cung kính vái thêm ba lạy.
Bà ta xoay người đi tới phía chúng tôi, như thể mắt điếc tai ngơ trước sự tranh chấp của chồng mình và Tôn Cương, chỉ nhìn thẳng vào tôi và Lưu Ly: “Được rồi. Chúng ta đi thôi.”
Tất cả thoáng chốc giật mình.
Trong phòng chợt yên tĩnh, ngay sau đó Lý Đại Long vừa kinh hãi vừa phẫn nộ quát vợ: “Cái bà điên này, bà điên rồi sao? Đi cái gì mà đi?”
Thế nhưng Triệu Ngọc Trân không nhìn chồng mình một cái nào cả.
“Bà già xấu xí! Không được đi!” Lý Đại Long giống như chó điên nhào qua phía bà nhưng bị ông mập Tôn Cương kèm chặt. Dưới đôi tay như gọng kìm của Tôn Cương, ông ta bất lực giãy giụa: “Thả tao ra! Thả tao ra! Cái bà già điên khùng này, bà không được đi với bọn nó! Bà điên rồi sao! Bà có nghe tôi nói không! Ông đánh chết mày! Cái con già điên này!”
Triệu Ngọc Trân không nói một tiếng, chỉ cúi đầu đi theo chúng tôi ra cửa.
Tiếng rống gân cổ khàn giọng của Lý Đại Long dần dần tụt lại phía sau: “Bà quay lại! Quay lại! Con già này! Không được đi! Mày đi tao cho mày đẹp mặt! Khốn kiếp! Cái đ mẹ mày…”
Lúc này, nét mặt Triệu Ngọc Trân hết sức phức tạp. Nhưng bà vẫn đi theo chúng tôi, không nói một tiếng.
Tôi chỉ đọc hiểu được một cảm xúc trong số đó, đó là chán ghét.
Triệu Ngọc Trân mặt mũi ngơ ngác ngồi trong văn phòng. Lưu Ly ngồi cạnh bà ta, hỏi lại những câu đơn điệu trước đây đã từng hỏi bà. Ví dụ con gái Lý Mai của bà có từng nói muốn giết chồng mình hay không? Có từng biểu lộ suy nghĩ này không? Tình cảm chị em Lý Mai Lý Nhiễm như thế nào…
Trong phòng trưởng khoa, tài xế xe taxi lấy ngón tay vén hờ cửa chớp, cẩn thận nhòm ra bên ngoài. Vị trí ngồi của mẹ Lý Mai được sắp xếp đối diện cánh cửa sổ này. Chúng tôi đã điều tra vài bà già còn lại trong khu nhà phù hợp với ngoại hình được miêu tả nhưng kết quả điều tra chứng minh đêm hôm đó họ đều không ra ngoài. Khu nhà cao cấp kia có hệ thống giám sát 24/7, tuy đã qua lâu rồi nhưng vẫn có bảo vệ nhớ rằng đêm khuya một ngày nào đó, đúng là bà Lý đã ra ngoài từ cánh cửa này, nhưng vì bà sống ở đây nên không cần đăng ký.
“Hình như là bà ta thật.”
Tài xế taxi Vương Quốc Cường hạ cửa chớp xuống.
“Thứ chúng tôi muốn không phải hình như.” Tôi hỏi: “Anh có thể xác định không?”
“Tôi nghĩ rằng có thể.” Vương Quốc Cường nói: “Bà ta có kiểu tóc rất quê mùa, mấy bà già bây giờ còn được mấy người để kiểu tóc này? Với cả nét mặt đó nữa. Hôm đó bà ta ngồi trong xe tôi chính là biểu cảm này, như thể trong nhà có người chết vậy, mặt như đưa đám.”
“Anh có thể ra tòa làm chứng không?”
“Lên toà tôi cũng sẽ nói vậy.”
“Cám ơn.”
…
Chồng của Triệu Ngọc Trân được xếp sang phòng khác để điều tra.
Từ hành vi phản đối kịch liệt kia, chúng tôi cảm thấy nhất định ông ta biết chuyện gì đó, nhưng ông ta lại tỏ thái độ cực kỳ thiếu hợp tác. Có điều chúng tôi cũng không quá lo lắng, còn có Tiền mặt rỗ ở đó giày vò ông ta cơ mà. Làm nghề như chúng tôi, có dạng người gì mà chưa từng trải, còn sợ không xử lý được lão già ương bướng này sao?
Đợi đến lúc Vương Quốc Cường khẳng định người gọi taxi đêm hôm đó chính là Triệu Ngọc Trân, chúng tôi lập tức chuyển người sang phòng thẩm vấn chính thức, bắt đầu hỏi bà ta một vài câu hỏi thiết thực hơn.
“Ngày 21 tháng 11, cũng chính là đêm hôm con rể bà bị sát hại, khoảng từ ba đến bốn giờ sáng, xin hỏi bà đang ở đâu?”
Đôi vai gầy guộc của bà run lên.
“Xin hỏi trong lúc đó, có phải bà đang một mình đón taxi đến nhà con rể hay không?”
Triệu Ngọc Hân không nói lời nào.
“Lúc đó, bà đến nhà con rể mình làm gì?”
“Vì sao bà chưa từng nói cho chúng tôi biết chuyện này?”
“Vì sao bà phải giấu chuyện?”
“Lúc ở đó, bà có nhìn thấy người bị hại Lý Tín Như hay không?”
“Vì sao bà lại muốn đến nhà con rể vào lúc đó? Bà có biết lúc đó Lý Tín Như vừa đi ra ngoài hay không?”
“Nếu biết, xin hỏi làm sao mà bà biết?”
“Bà đã ở đó trong bao lâu?”
“Lần cuối cùng bà gặp Lý Tín Như là lúc nào?”
“Vào lần cuối cùng nhìn thấy Lý Tín Như, tình hình của anh ta như thế nào?”
Mọi câu hỏi đều một đi không trở lại.
“Lúc đó, bà có gặp con gái Lý Mai của mình hay không?”
“Lúc đó chị ta đang làm gì?”
“Con gái bà, chị ta có biết chuyện bà đã đến nhà mình không?”
Cái tên Lý Mai dường như đã đâm vào bà ta một chút.
Môi bà mấp máy ngập ngừng, hồi lâu mới phát ra âm thanh khàn khàn: “Tiểu Mai… Tiểu Mai nó không biết gì hết.”
“Nói vậy, bà thừa nhận lúc đó mình có đến nhà Lý Tín Như?”
“… Tôi nhận.” Bà thều thào: “Tôi nhận hết.”
“Bà đến đó làm gì?”
“Tôi… tôi đến gặp Lý Tín Như.”
“Vì sao đêm hôm lại đến gặp Lý Tín Như?”
“Vì tôi biết nó sẽ ra ngoài, nó đi gặp con hồ ly tinh kia!” Giọng nói của bà đột nhiên trở nên sắc nhọn: “Thằng khốn ấy, nó đi gặp con hồ ly tinh kia!”
Ánh mắt vốn vẫn u ám của bà lúc này đột nhiên ngời sáng, lóe ra ánh sáng lạnh lùng cứng rắn như thép. Cánh mũi bà phập phồng, miệng phát ra hơi thở phù phù.
Tôi thử thăm dò hỏi một câu: “Xem ra, có vẻ bà rất bất mãn với con rể mình?”
Ngay cả tôi cũng không ngờ rằng câu hỏi này sẽ đổi lấy phản ứng kịch liệt như pháo liên châu của bà. Xem ra, những lời này đã chất chứa rất nhiều trong lòng bà vợ này, càng nghĩ nhiều càng sắp ép bà ấy đến phát điên rồi.
“Thằng khốn kiếp ấy căn bản không phải con người. Từ cái nhìn đầu tiên tôi đã cảm thấy trong ánh mắt của nó có chứa tà khí. Lúc ấy tôi nói với Tiểu Mai nhưng nó không nghe, nó không nghe lời tôi, tôi biết làm thế nào.” Bà dùng chất giọng khàn đặc kể lại: “Nó không nghe lời tôi, Tiểu Nhiễm cũng không nghe lời tôi. Hai đứa nó đều bị thằng đàn ông đấy làm cho dở điên dở dại. Cũng không biết nó đã bỏ thuốc bỏ bùa gì cho con gái tôi mà lại khiến hai đứa con tôi cứ như mất hồn. Tiểu Mai vì nó mà uống thuốc ngủ tự sát, Tiểu Nhiễm vì nó mà suốt ngày làm loạn muốn bỏ nhà ra đi. Chị em chúng nó bây giờ hờ hững lẫn nhau, coi nhau như kẻ thù.”
Dừng lại, bà căm hận nói tiếp: “Tôi cũng không biết có phải kiếp trước nhà chúng tôi đã thiếu nợ nhà họ hay không, như thể nó nhất định phải làm nhà tôi tan cửa nát nhà thì mới cam tâm vậy.”
“Tiểu Mai, nó tốt như vậy, từ bé đến lớn luôn là đứa con ngoan ngoãn nhất. Nó cưới Tiểu Mai nhưng chưa từng cho con tôi sống được một ngày yên ổn. Hồi trước mẹ nó còn sống, mắc bệnh ung thư gan, Tiểu Mai nào cứt nào đái hầu hạ bà ta, nhưng chẳng nhận được dẫu chỉ là một câu tốt đẹp. Bà già đó là bệnh nhân, tâm trạng không tốt lại khó tính, nhưng chẳng lẽ cái thằng Lý Tín Như cũng mù rồi hay sao? Vợ nó đối xử sao với mẹ nó, trong lòng nó lại không rõ ràng? Khi đó Tiểu Mai nhà chúng tôi phải chịu biết bao ủy khuất! Người gầy sọp hẳn đi, kẻ làm mẹ tôi đây nhìn con thương xót nhường nào.”
“Tiểu Mai ngốc nghếch, nó tưởng mình làm trâu làm ngựa rồi, ngay cả con chó cũng biết lấy ơn báo đáp. Ai dè thằng Lý Tín Như đó được lắm, mẹ chết rồi chẳng ai quản được nó làm xằng làm bậy nữa! Nó chơi bời gái gú bên ngoài, một ngày rồi hai ngày không về nhà. Tiểu Mai vì gia đình mà cố gắng nhẫn nhịn. Chúng tôi không ngờ nó còn ra tay với cả Tiểu Nhiễm. Con thỏ cũng biết không ăn cỏ gần hang! Hạng người không có lòng người đó. Tiểu Nhiễm vẫn là trẻ con, ngay cả nó mà Lý Tín Như cũng không bỏ qua!”
Nói tới đây, bà nâng bàn tay lên quẹt mắt.
“Cho nên bà quyết định giết Lý Tín Như?”
Triệu Ngọc Trân đột ngột ngẩng đầu, lớn tiếng: “Chỉ giết nó một lần căn bản không đủ!”
Ánh sáng dữ dằn trong mắt bà khiến tôi nghĩ đến chương trình thế giới động vật mà mình xem hồi trước có cảnh một con trâu rừng mẹ che chở nghé con của mình trước mặt linh cẩu mà mũi thở phì phì.
“Các anh xem chuyện nó gây ra với Tiểu Mai nhà tôi đi, ngay cả súc sinh cũng không bằng! Nó đáng chết!”
“Tiểu Mai biết Tiểu Nhiễm ăn nằm với nó, khóc đến độ mặt mũi sưng vù, khản đặc cả giọng. Tối hôm về nhà, nó uống thuốc ngủ tự sát, phải đưa vào viện cấp cứu. Tiểu Nhiễm bị ba nó đánh cho toàn thân tím tái, bị nhốt trong nhà như kẻ bệnh hủi mà vẫn làm ầm lên đòi đi gặp Lý Tín Như, ngay cả cơm nước cũng không màng. Hai đứa con gái của tôi! Thà Lý Tín Như dứt khoát lấy dao chém vào người tôi, tôi còn thấy dễ chịu hơn. Cả nhà chúng tôi không biết kiếp nào đã mắc nợ Lý gia mà kiếp này phải trả nợ nó.”
“Tiểu Mai uống năm mươi viên thuốc ngủ, may mà người làm mẹ này không yên lòng, nửa đêm dậy qua xem mới phát hiện nó hôn mê bất tỉnh trên giường. Sau khi đưa vào viện, bác sĩ nói bình thường Tiểu Mai có thói quen dùng thuốc ngủ liều cao nên ‘bị nhờn thuốc’, vậy nên mới cứu lại được gì đó. Bà già tôi cũng không biết được nhiều, nhưng bác sĩ nói bình thường Tiểu Mai hay uống thuốc, chuyện này thì tôi không tin. Tôi là mẹ nó, ngày thường có chuyện gì nó cũng kể cho tôi nghe, sao tôi chưa từng nghe nói chuyện này? Lúc ấy trong lòng tôi đã thấy nghi ngờ, Tiểu Mai tỉnh lại, tôi hỏi nó, nó cũng nói không có. Nhưng bác sĩ lại nói có, báo cáo xét nghiệm máu vẫn còn đặt đấy! Tôi càng nghĩ càng thấy kỳ quái, nhất định do cốc sữa mỗi ngày thằng súc sinh đó rót cho Tiểu Mai có vấn đề. Nó muốn ly hôn với Tiểu Mai nhà chúng tôi, đâu có chuyện tốt bụng rót sữa cho con gái tôi uống? Thằng súc sinh ấy cho Tiểu Mai uống thuốc ngủ, đợi nó ngủ rồi, không biết chừng sẽ làm chuyện gì đó!”
“Anh chị nói xem, anh chị nói xem, có thằng đàn ông nào như vậy không? Cho vợ mình uống thuốc ngủ! Có thằng đàn ông nào như vậy không! Phải chăng là súc sinh! Phải chăng là đáng chết?”
Chuyện này tôi đã biết. Có điều mấy người Lưu Ly bên cạnh tôi lại không nhịn được tỏ vẻ kinh ngạc.
Thật ra hành vi của Lý Tín Như đã cứu Lý Mai một mạng. Nhưng người nhà họ Lý đương nhiên sẽ không nhìn nhận vấn đề như vậy.
Chuyện này tôi cũng từng nghe qua. Ví dụ như người nào đó dùng thuốc ngủ, lúc đầu mỗi ngày uống nửa viên là ngủ được nhưng qua một năm, mỗi ngày người đó phải uống một viên mới ngủ được lại thêm vài năm, có lẽ sẽ phát triển đến liều lượng một viên rưỡi. Đây chính là sự phụ thuộc vào thuốc ngủ. Trên lý thuyết, bất cứ loại thuốc nào nếu dùng trường kỳ thì sẽ mất hiệu lực khi đạt đến mức độ nào đó.
“Làm sao bác biết đêm đó Lý Tín Như sẽ đi đâu?” Chúng tôi hỏi tiếp.
“Sau đó thằng súc sinh ấy mua cho chúng tôi một căn hộ. Ông chồng ma quỷ không có tiền đồ của tôi ép cho được Tiểu Mai về nhà làm vợ chồng với nó. Tôi không yên lòng, dặn Tiểu Mai từ nay về sau phải cẩn thận nhiều hơn, nói với chồng nó đêm ngủ không muốn uống sữa nữa. Lý Tín Như an phận được một thời gian, nhưng có một đêm, nó lại khuyên Tiểu Mai uống sữa, nói đêm hôm con gái tôi nó ngủ không ngon, cứ lật qua lật lại làm nó cũng không ngủ ngon theo. Tiểu Mai bán tín bán nghi uống sữa, quả nhiên đêm đó ngủ say như chết. Từ đó về sau Tiểu Mai tin lời tôi nói. Tôi bảo con mình đừng trúng kế của Lý Tín Như, đừng uống sữa nó bưng tới nữa, nhưng Tiểu Mai nói nó không muốn cãi nhau với chồng, hơn nữa đêm không ngủ được đúng là khó chịu mệt mỏi. Đứa con gái ngốc nghếch ấy còn khuyên lại tôi, bảo cứ coi như tự con uống thuốc ngủ đi mẹ.”
“Đêm hôm đó, Tiểu Mai gọi điện cho tôi, trong lòng khó chịu, chỉ có thể kể với người mẹ vô dụng này. Nó nói xem ra chuyện ly hôn giữa nó và Lý Tín Như chỉ là sớm muộn, Lý Tín Như lại có một cô bồ trẻ trung nào khác. Nhưng lần này Tiểu Mai không khóc, giọng nó cứ đều đều như đang kể chuyện nhà người ta. Tôi thấy con như vậy, lòng đau như dao cắt. Tôi bảo con nghĩ nhiều quá rồi, tôi nói họ Lý kia dám ly hôn với con thì ba mẹ không tha cho nó đâu. Tiểu Mai cười cười, không tha thì làm gì được, đêm nay Lý Tín Như lại ra ngoài gặp cô ta. Tiểu Mai nó nhận ra được, Lý Tín Như không gạt nó được.”
“Đêm hôm đó, tôi cả bụng lửa giận, bắt taxi đến nhà tìm nó, vốn chờ nó ở dưới lầu nhưng do gió lớn nên tôi đi lên, nhưng gõ cửa nhà mà không ai nghe. Tôi nghĩ chắc Tiểu Mai lại ngủ say như chết rồi nên không nghe được, thế là tôi an vị ở trước cửa nhà chờ nó. Tôi không có đồng hồ, cũng không biết lúc đó là mấy giờ. Sau đó quay về, nhìn thấy tôi, Lý Tín Như hết sức giật mình. Tôi vốn không định giết nó mà chỉ muốn nói đôi lời đòi công đạo cho Tiểu Mai mà thôi. Tôi nghĩ nó thế này chẳng khác gì bị tôi bắt gian tại giường, nhất định trong lòng sẽ thấy áy náy, tôi nói vài ba câu đàng hoàng là sau này nó sẽ không dám làm vậy nữa. Sau khi vào nhà với nó, tôi rất căng thẳng. Bình thường Tiểu Nhiễm nói tôi vô dụng, tôi vô dụng thật, đến lúc cần thì chẳng nói rõ được câu lý câu tình nào. Lý Tín Như lại là luật sư, miệng lưỡi sắc bén, nói chuyện sắc lẹm như dao, một nhát một nhát chém vào người khiến người ta nổi giận mà chẳng làm gì được nó cả. Tôi vốn còn mong nó sẽ áy náy, nhưng lại không ngờ thằng khốn ấy không còn một chút tình người nào cả. Nó căn bản không coi tôi ra gì, cũng không coi Tiểu Mai ra gì. Tôi giận lắm, giận cùng cực, tôi nghĩ nếu có thể khiến nó đối tốt với Tiểu Mai nhà mình, dẫu phải quỳ xuống khấu đầu tôi cũng cam lòng. Nhưng quỳ xuống trước mặt nó thì có được gì, đàn ông đã quyết thì tâm địa cứng rắn như sắt. Dẫu tôi có chết trước mặt nó thì cũng vô dụng.”
“Lúc đó, tôi nhìn thấy trên bàn trong phòng bếp cách đó không xa đặt một cây dao bổ dưa, sáng loáng rọi vào mắt. Tôi không muốn nhìn nó, nhưng tôi không nhịn được cứ nhìn nó chằm chằm. Tôi nghĩ đến những gì Tiểu Nhiễm trước kia đã nói với tôi, nó nói tôi là người vô dụng. Người vô dụng, mạng cũng vô dụng. Tôi nghĩ rồi tôi cũng có cách để chứng minh người làm mẹ này vẫn có chút tác dụng. Lúc này tôi mới ngẫm nghĩ cẩn thận, thằng đàn ông trước mắt căn bản không phải con người, nó là yêu tinh, là kẻ gây họa trong cuộc đời hai đứa con gái bảo bối của tôi. Chỉ khi giết nó, con tôi mới được sống những ngày an lành, không thì nhà tôi vĩnh viễn không thể sống yên. Chỉ cần Tiểu Mai Tiểu Nhiễm sống yên, dù bắt bà già này đền mạng cũng được. Dù sao tôi cũng đã sống một đời, chẳng thể sống thêm được bao lâu nữa. Mấy chục năm làm người, mấy chục năm chịu khổ, tôi sống đủ rồi, cũng chán sống rồi.”
Nhìn một bà già nước mắt ròng ròng, khóc lóc kể lể trước mặt thật là một chuyện hết sức khó chịu. Nhưng tôi không có cách nào khác, cuộc thẩm vấn vẫn phải tiếp tục, dù sao cũng phải có người làm nốt chuyện này.
Những cảnh sát thẩm vấn chúng tôi nhất thời không ai nói gì, chờ bà ta nức nở nghẹn ngào một trận, đoạn tôi mới cứng rắn lên tiếng hỏi: “Bà vì con gái Lý Mai của mình mà giết Lý Tín Như, vậy vì sao sau khi vụ án xảy ra bà lại không đến đầu thú? Thậm chí sau khi chúng tôi tróc nã Lý Mai, bà vẫn không đứng ra giúp con mình thoát khỏi hiềm nghi.”
“Chẳng bao lâu sau khi vụ án xảy ra, lúc anh chị đến nhà tôi, tôi còn mang lòng may mắn. Chuyện đêm hôm đó, trời biết đất biết, chẳng ai phát hiện ra tôi làm gì cả. Dao tôi đã rửa, nhà tôi cũng đã lau, chắc hẳn không để lại manh mối gì. Sau đó Tiểu Mai bị bắt, tôi đã muốn đi đầu thú. Lúc đầu tôi nói cho ông già, con người khốn nạn ấy, ông ta đánh tôi chửi tôi, không cho tôi đi. Ông ta ích kỷ, sợ không còn tôi, không có ai một hai hầu hạ nửa đời còn lại cho ông ta nữa. Lúc đầu Tiểu Nhiễm không biết, nhưng sau nó nghe tôi với ba nó cãi cọ, ít nhiều cũng đoán ra được. Nó nói với tôi, Lý Mai không giết người, chị ta sợ cái gì, nói không chừng công an đang bày mưu, có khi họ đang chờ kẻ phạm tội tự mình chạy ra đầu thú đấy. Tiểu Nhiễm không nói là tôi, nhưng tôi đoán được nó đang khuyên tôi, Tiểu Mai cây ngay không sợ chết đứng, bảo tôi đừng đi làm chuyện điên rồ. Đứa con gái ngoan ngoãn của tôi, dù mặt ngoài nó lạnh lùng thờ ơ nhưng tôi biết trong lòng nó vẫn thương tôi. Nhưng Tiểu Mai cứ vậy mãi thì cũng không được, tôi vốn muốn cho nó sống kiếp an lành, ai dè lại đưa nó vào tù, không phải tôi đang làm hại nó sao? Tôi muốn đến đầu thú. Vì chuyện này mà hai vợ chồng ầm ĩ không biết bao nhiêu lần. Ông ta chính là hạng người đó, cái kiểu vì bản thân mình mà có mất cả con gái cũng không sao. Đàn ông chẳng phải thứ tốt! Đời này coi như tôi đã trải đủ đau khổ từ đàn ông. Kiếp sau làm trâu làm ngựa cũng không làm đàn bà.”
Bà Lý lại giơ bàn tay lên lau mặt, khóc lóc ửng đỏ hết cả hai mắt. Gương mặt già cả thô sạm của bà cũng ửng lên một lớp da đỏ cứ như thôn phụ say rượu, lại như bị bôi lên mặt hai vệt son nguệch ngoạc vậy.
Thật ra chúng tôi nên sớm nghĩ ra mới phải. Con dao bổ dưa vừa giết người đã được rửa sạch, còn treo về giá cũ, đây gần như hành động bản năng của một người phụ nữ đã làm việc nhà cả đời.
Ngày đó Lý Nhiễm gọi tôi ra ngoài đại khái cũng do đoán được mẹ mình là hung thủ. Cô ấy thật sự buồn phiền nhưng chúng tôi vẫn nghi ngờ cô. Cô gái ngây thơ lại cực đoan ấy, chắc rằng cô không thể ngờ được vài câu mà mình vô tâm thốt ra lại gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế với mẹ mình.
Song Lý Mai vẫn duy trì im lặng, không nói đến chuyện thuốc ngủ có lẽ là vì đại khái trong lòng chị ta cũng đã đoán được hung thủ là ai vì chuyện uống thuốc ngủ này, trừ chính chị ra thì chỉ có bà Lý biết chuyện. Đêm hôm đó, trước khi đi ngủ, Lý Mai có kể qua cho mẹ chuyện Lý Tín Như sẽ ra ngoài nên dù có bị bắt, chị ta cũng tuyệt đối không làm bất cứ chuyện gì có thể liên lụy đến người mẹ đáng thương của mình. Chuyện này trừ một chút tâm lý gánh tội thay mẹ cũng cam tâm tình nguyện ra thì có lẽ còn có những suy nghĩ kỳ lạ cổ vũ mình như mình không làm thì không đuối lý, cây ngay không sợ chết đứng…
Nếu Lý Mai có thể biết được mỗi ngày trên đất nước này xảy ra bao nhiêu vụ án giả án oan thì có lẽ chị sẽ không tin tưởng đến vậy vào nền tư pháp nước nhà.
Chỉ có Trình Minh, vừa nghĩ đến anh, tôi vừa vui mừng lại vừa đau lòng. Tôi giận mình vì sao lại không tin anh. Trên thực tế, ngay từ đầu, tôi đã không tin anh. Dù cho anh đã đưa ra chứng cứ vắng mặt, tôi cũng muốn tìm mọi cách phủ định nó trên lý thuyết. Tôi ba lần bảy lượt nói với mình rằng tôi yêu anh, tôi nên tin anh, nhưng hành vi của tôi lại đi ngược lại tâm nguyện. Hễ nghe thấy một chút bằng chứng nào bất lợi với anh, anh lại lập tức trở thành đối tượng tình nghi trọng điểm của tôi. Không, không phải tình nghi, tôi hoàn toàn tin tưởng vào suy luận của mình. Đêm hôm qua, nếu trong tay anh thật sự cầm một cây dao bổ dưa, nói không chừng tôi sẽ thật sự nổ súng, dù cho anh đúng là chỉ định dùng cây dao đó để bổ dưa hấu. Trình Minh nói đúng, tật xấu lớn nhất của tôi là lòng nghi ngờ quá nặng, cho nên suy nghĩ quá nhiều.
Có điều, dù thế nào thì cũng không phải anh. Kẻ giết người đã tìm được, không phải anh.
Tốt quá rồi.
Thật sự là tốt quá rồi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT