Chương 26: Trước khi đi

Editor: Heo Con

Nguồn: Congchuakhangiay

Đậu Chiêu né cữu mẫu, lon ton chạy về phía tam bá mẫu. Cữu mẫu ngạc nhiên.

Tam bá mẫu tươi cười bế Đậu Chiêu lên:

- Cữu phu nhân, con bé còn quá nhỏ, không hiểu chuyện gì càng không thể rời khỏi các a hoàn và nhũ mẫu của mình, nếu bị hoảng sợ thì phiền phức lắm. Tôi nghĩ vẫn nên để con bé ở nơi nó quen thuộc thì hơn. Cữu phu nhân thấy sao?

Giọng nói đầy ý châm chọc.

Mặt cữu mẫu lúc hồng lúc trắng, thầm mắng tiểu a hoàn kia mấy mươi lượt.

Đến cả mẫu thân mình, nàng cũng không để lộ nguyên nhân chân chính của việc đi nhậm chức cùng trượng phu. Nhưng ai ngờ tiểu nha đầu Chương Như lại nói như vẹt cho tiểu a hoàn chơi cùng nó. Tiểu a hoàn nói lại cho biểu ca của nó... Truyền qua truyền lại, cuối cùng chẳng biết ai đã mật báo cho Đậu gia. Bây giờ thì hay rồi!  Nàng còn chưa tới, Đậu gia đã lập trận xong.

Bọn họ vốn đã không có lý do chính đáng để đưa Thọ Cô đi, giờ Đậu gia lại mời cả mấy vị chủ mẫu nhà giàu trong huyện Chân Định đến làm chứng. Thọ Cô chẳng biết nghe những gì mà lại tránh né nàng như vậy. E rằng lần này khó được như nguyện.

Hai mắt nàng không khỏi đỏ lên, giọng cũng nghẹn ngào:

- Thọ Cô, cữu mẫu đón con đến nhà chơi.

Nàng cố gắng lần cuối cùng:

- Con nhớ các biểu tỷ không? Các biểu tỷ đều đang chờ con đến nhà chơi đó!

Đậu Chiêu gật đầu nhưng lại trốn vào lòng tam bá mẫu, đôi mắt đen láy mở to, sợ hãi nhìn cữu mẫu, lắp bắp nói:

- Con muốn chơi với các biểu tỷ... Nhưng Đinh bà cô bảo con đi theo người, người sẽ bán con cho bà mọ ở khe suối...

Cả phòng ồ lên.

Đinh bà cô vội vàng biện bạch:

- Ta... ta đâu nói vậy? Trẻ con nói lung tung...

- Trẻ con sẽ không nói dối. Thảo nào tôi cứ thấy lạ! Bình thường Thọ Cô rất thân thiết với chúng tôi, sao hôm nay thấy tôi lại trốn?

Cữu mẫu giận đến đỏ mặt:

- Các người dạy hư một đứa trẻ còn chưa hiểu chuyện như vậy, cẩn thận bị báo ứng đó!

Một người đứng ra khuyên nhủ:

- Chỉ là hiểu lầm, hiểu lầm thôi! Nói rõ ràng rồi thôi, nói rõ ràng rồi thôi! Triệu phu nhân từ xa đến, vào phòng nghỉ ngơi, uống ngụm trà trước đi...

- Hiểu lầm cái gì?

Cữu mẫu không hề khách sáo, phản kích lại: 

- Có kiểu hiểu lầm như vậy sao? Xương xốt của cô nhà tôi còn chưa lạnh, nhà các người đã ly gián Thọ Cô và cữu cữu của nó như thế, có phải vì để mắt vị khuê nữ nhà giàu nào, muốn cô gia tái giá nhưng lại sợ Triệu gia tôi phá hỏng chuyện tốt của các người?

Lời này nghe rất có lý.

Mấy vị chủ mẫu không nói được gì, không ai dám ra mặt.

Cữu mẫu thấy thế, khí thế càng tăng, lạnh lùng hừ một tiếng, nói:

- Tôi cũng biết gia nghiệp nhà họ Đậu lớn, chỉ cần dậm chân một cái thì cả huyện Chân Định cũng phải rung chuyển nhưng không thể coi thường người khác thế được!

Giờ lén đưa Đậu Chiêu đi đã là chuyện không thể. Đậu gia đã có phòng bị, cho dù có thể nhân cơ hội nào đó đưa Đậu Chiêu đi thì nửa đường vẫn bị bắt lại. Một khi đã vậy, bây giờ đại náo một phen xem như dằn mặt Đậu gia, tránh để bọn họ nghĩ Triệu gia không có ai rồi đối xử không tốt với Thọ Cô. 

Cữu mẫu hạ quyết tâm, lời nói càng sắc bén:

- Cái gì mà chúng tôi muốn đưa Thọ Cô đi nhậm chức, chẳng biết các người nghe từ đâu ra? Phụ thân, tổ phụ của Thọ Cô đều còn. Dù con bé mất mẫu thân cũng chẳng lý nào lại đến sống ở nhà cữu cữu. Người ngu muội như tôi còn biết điều này. Chẳng lẽ Đậu gia các người là nhà thế gia, nhà quan, có đọc sách, có chức tước lại không biết? Muốn vu oan giá họa cũng nên nghĩ lý do hợp lý vào...

Đậu Chiêu nghe mà bội phục vô cùng.

Trả đũa hay lắm!

Cữu cữu kính trọng cữu mẫu như vậy quả nhiên là không phải không có đạo lý.

Tam bá mẫu bị mắng đến tím mặt nhưng chuyện tới nước này, không nhận thua cũng không được. Nhưng bà là đại biểu cho Đậu gia, nếu bà nhún nhường chẳng phải là thừa nhận lời chỉ trích của Triệu phu nhân.

Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, bà liếc nhìn Đinh bà cô đang tái mặt đứng kia.

Bây giờ chỉ có thể để bà ấy chịu tiếng xấu thay người, quýt làm cam chịu.

Dù sao chỉ là một người thiếp, cũng chẳng đại diện được cho cái gì, làm ra chuyện như vậy cũng là hợp tình hợp lý.

- Phu nhân!

Tam bá mẫu giao Đậu Chiêu cho a hoàn đằng sau, hành lễ nhận tội với cữu mẫu:

- Đều tại tôi nghe gió thành mưa. Phu nhân rộng lượng đừng so đo với tiểu nhân, nể tình thân thích tha thứ cho bà chị già này một lần đi.

Rồi nghiêm mặt gọi Đinh bà cô:

- Còn không mau tạ lỗi với Triệu phu nhân.

Mặt Đinh bà cô càng tái hơn.

Bảo bà xúi giục Thọ Cô là bọn họ nhưng khi xảy ra chuyện, bà lại phải chịu tiếng xấu thay bọn họ... Nhưng bà có thể nói gì? Trừ phi bà không còn muốn ở lại Đậu gia nữa.

- Triệu phu nhân...

Bà cố nén nhục nhã, uất ức trong lòng, quỳ gối trước mặt cữu mẫu:

- Đều là lỗi của ta!

Sau đó bà dập đầu vài cái xuống nền đất với cữu mẫu rồi mới ngẩng đầu lên.

Cữu mẫu thở dài.

Biết rõ Đinh bà cô chỉ vâng lời làm việc, nàng có thể nói gì?

Thọ Cô còn nhỏ không thể tự bảo vệ mình, hai nhà Triệu - Đậu trở mặt, người chịu liên lụy, bị giận chó đánh mèo cũng chỉ có thể là Thọ Cô.

Không nể mặt sư thì phải nể mặt Phật, nàng cũng đành cho qua.

Cho dù là thế, nàng vẫn nói với tam bá mẫu:

- Người đàn bà này ăn nói điêu ngoa. Thọ Cô còn chưa hiểu chuyện mà bên cạnh lại có người như vậy khiến tôi rất lo lắng. Nhất định tôi sẽ nói chuyện này với Đậu lão gia. Bên cạnh Thọ Cô phải là những người biết phép tắc thì tôi mới yên tâm được!

Đây là muốn Đậu gia trừng phạt Đinh bà cô.

Tam bá mẫu chỉ có thể cố gắng tiếp lời:

- Triệu phu nhân nói phải.

Sau đó như bùn nhão:

- Xem chúng ta này! Chỉ lo nói chuyện! Triệu phu nhân theo Triệu lão gia đi nhậm chức, e rằng ba năm, năm năm tới cũng không về An Hương. Mời đến không bằng tình cờ gặp nhau, vừa khéo mấy vị phu nhân đến nhà làm khách, nhân cơ hội này dọn đôi bàn tiệc, coi như đưa tiễn Triệu phu nhân.

Vừa nói vừa bước tới kéo tay cữu mẫu, kêu a hoàn:

- Nói với đại phu nhân là ta muốn mở tiệc đưa tiễn Triệu cữu phu nhân, mời đại tẩu qua đây tiếp khách.

A hoàn vội vã đáp lời rồi bước đi.

Cữu mẫu không từ chối, cười nói:

- Sáng sớm đã tới đây, quả thật cũng muốn được chén trà uống.

Mấy vị chủ mẫu vốn ở thế trung lập cũng cười nói:

- Khi nào thì Triệu phu nhân khởi hành? Lúc đó chúng ta cũng tụ tập, tiễn phu nhân.

- Hai ngày tới sẽ đi. Sao có thể phiền Trịnh phu nhân đưa tiễn được. 

Cữu mẫu cười nói.

Mọi người nói nói cười cười, thân thiết đi sang phòng khách bên cạnh.

Không ai nhắc lại chuyện vừa xảy ra.

Đậu Chiêu nhìn về sảnh chính xa xa qua vai a hoàn.

Sảnh chính không còn một bóng người, trống trải, quạnh quẽ.

Đinh bà cô run run quỳ rạp trên nền đất, héo rũ như lá mùa thu, dường như chỉ một cơn gió cũng có thể thổi bay đi.

Đậu Chiêu quay đầu lại, ánh mắt bình tĩnh không gợn sóng.

Có dũng cảm làm vũ khí cho người khác thì phải hiểu thế nào là vắt chanh bỏ vỏ.

※※※※※

Buổi tối, cữu mẫu nghỉ lại Đậu gia.

Nàng mời vú Du đến nói chuyện.

Đậu Chiêu không cần đoán cũng biết cữu mẫu sẽ nói gì.

Không ngoài chuyện phó thác nàng cho vú Du.

Mẫu thân mang theo một nửa gia tài của Triệu gia đến Đậu gia nhưng chẳng là gì khi so với Đậu gia.

Gấm lụa đọng lòng người.

Chỉ mong dựa vào mấy câu nói đã có thể lung lạc được người, nhất thời có thể được nhưng nếu thời gian quá lâu, trước vinh hoa phú quý của Đậu gia, ai chẳng bị mê hoặc.

Chuyện đã xảy ra trong kiếp trước chính là bằng chứng tốt nhất.

Nàng không có hứng thú biết.

Có thể tìm được Thỏa Nương đã là may mắn lắm rồi.

Đậu Chiêu ngủ rất ngon, hôm sau dậy thật sớm, trời còn chưa sáng đã bắt Thỏa Nương bế đến chỗ cữu mẫu.

Cữu mẫu còn chưa dậy, nghe nói Đậu Chiêu đến thì rất bất ngờ.

Đậu Chiêu chạy vào, sử dụng hết cả tay, chân để bò lên giường:

- Cữu mẫu, cữu mẫu, con muốn ngủ với cữu mẫu!

Cữu mẫu bật cười, bế nàng lên giường, lấy chăn bọc nàng lại.

Trên người cữu mẫu có hương hoa ngọc lan.

Nàng nói với cữu mẫu:

- Sau này, con viết thư cho cữu mẫu được không?

Cữu mẫu kinh ngạc.

Đậu Chiêu cười nói:

- Con biết viết thư, chính là viết những lời muốn nói lên giấy, như vậy cữu mẫu sẽ biết được con đang làm gì.

Cữu mẫu ôm nàng thật chặt:

- Thọ Cô ngoan lắm! Nếu mẫu thân con còn sống chẳng biết sẽ vui mừng cỡ nào!

Tâm trạng lại buồn bã.

Vú Bành khuyên cữu mẫu:

- Trước mặt con bé, phu nhân đừng nói như vậy nữa.

- Không nói, không nói.

Cữu mẫu cười, bảo vú Bành dẫn Ngọc Trâm vào.

Đậu Chiêu đảo mắt đã hiểu ra.

- Ngọc Trâm không ở đây, Đinh bà cô muốn gả tỷ ấy đi.

Đậu Chiêu cười hì hì đáp.

Cửu mẫu thoáng lo lắng, dịu dàng hỏi nàng:

- Đinh bà cô muốn gả nó cho ai thế?

- Không biết ạ!

Đậu Chiêu vô tâm lắc đầu.

Cữu mẫu nghĩ nghĩ rồi nói với vú Bành:

- Vậy gọi Thỏa Nương đến đây đi!

Vú Bành gọi Thỏa Nương vào.

Cữu mẫu bảo vú Bành thưởng cho nàng ấy hai mươi lạng bạc:

- Nếu tứ tiểu thư có chuyện gì ngươi hãy nói với vú Du, nếu vú Du không làm được thì ngươi hãy nhờ người viết thư cho ta biết.

Vú Bành đưa cho Thỏa Nương một tờ giấy nhỏ:

- Đây là nơi ở của lão gia và phu nhân. Lát nữa ta sẽ dạy ngươi đọc thế nào, ngươi hãy nhớ lấy.

Thỏa Nương vội gật đầu, nắm chặt tờ giấy nhỏ nhưng không chịu nhận hai mươi lạng bạc kia. 

Cữu mẫu nói:

- Ngươi cầm lấy đi. Ta đã dặn vú Du rồi, về sau bà ấy sẽ cho ngươi năm lạng bạc mỗi tháng, đây là cho tứ tiểu thư dùng. Ta biết Đậu gia cũng sẽ cho tứ tiểu thư tiền tiêu hàng tháng nhưng trong tay các ngươi có tiền thì cũng yên tâm hơn. Khi có việc gấp có thể dùng tiền nhờ người báo tin cho chúng ta.

Thỏa Nương gật đầu, cất hai mươi lạng bạc vào trong lòng.

Đậu Chiêu dựa vào lòng cữu mẫu, nói chuyện với cữu mẫu:

- Con muốn chơi với biểu tỷ nhưng lại không muốn đến An Hương.

Nàng tỏ vẻ buồn rầu:

- Mẫu thân đến Nam Hải bái Bồ Tát, nếu trở về không tìm được Thọ Cô thì làm sao bây giờ? Con muốn ở nhà chờ mẫu thân. Nếu phụ thân quên mất mẫu thân thì làm sao bây giờ? Nếu vú Du lấy xiêm y đẹp của mẫu thân cho người khác thì làm sao? Mẫu thân về cũng chẳng có ai chơi cùng, cũng không có xiêm y mặc...

Cữu mẫu sửng sốt.

Sau đó xúc động.

- Uổng cho ta sống bao năm còn chẳng bằng một đứa bé ba tuổi.

Cữu mẫu ôm mặt Đậu Chiêu, thơm chụt lên má nàng:

- Thọ Cô nói đúng. Đây là nhà của Thọ Cô. Đậu gia phải nuôi Thọ Cô. Sao Thọ Cô phải lén lút theo chúng ta qua Tây Bắc, để nhà này cho người khác tác oai tác quái! Con ngoan à, chúng ta không đi Tây Bắc, hai năm sau, cữu mẫu sẽ quay lại thăm con. Nếu Đậu gia dám đối xử không tốt với con, ta quyết sẽ không tha cho Đậu gia.

Đậu Chiêu cười tủm tỉm, gật đầu.

Cho tới giờ, nàng vẫn không định cùng nhà cữu cữu đi nhậm chức.

Đây là nhà nàng. Tại sao chưa chiến đấu đã phải rút lui? Tại sao phải đem những thứ vốn thuộc về mình cho người khác?!

Nàng sẽ không đi.

Nếu có thì cũng vì nàng chán ở Đậu gia, muốn chuyển qua nơi khác sống chứ không phải là bất đắc dĩ rời khỏi Đậu gia như vậy.

Đậu Chiêu ra khỏi phòng dành cho khách. Ánh bình minh đã rợp trời, nhuộm đỏ bầu trời xanh thẳm.

Tiên nhân phủ ngã đỉnh, kết phát chịu trường sinh*.

(*Ông tiên vuốt đầu ta, búi tóc cho ta, chúc ta trường sinh bất lão)

Nàng đứng dưới hiên nhà, lặng lẽ nhìn lên trời cao.

Chuyện tái sinh còn có thể xảy ra với nàng thì có chuyện gì là không thể!

Nàng muốn tự quyết định cuộc sống của mình chứ không bao giờ để xuôi theo số phận nữa.

Chương 27: Bất ngờ

Cữu mẫu đi được không lâu thì phía Giang Nam có tin. Đại bá phụ Đậu Thế Dạng qua đời vì bệnh.

Nhà rất hỗn loạn.

Đại bá mẫu không chịu nổi sự đả kích này nên ốm đau liệt giường. Tam bá mẫu quán xuyến công việc của Đông Đậu. Tam bá phụ dẫn nhị đường huynh là Đậu Ngọc Xương đến Dương Châu để lo liệu hậu sự cho đại bá phụ. Tứ đường huynh Đậu Vinh Xương cùng lục bá phụ giải quyết việc trong nhà. Tổ phụ như già đi chục tuổi, ngày ngày nằm ngẩn người trên ghế túy ông trong thư phòng.

Không khí hai bên Đông Đậu, Tây Đậu đều rất nặng nề.

Những chuyện này lại không ảnh hưởng đến Đậu Chiêu. Nàng thấy thích cái gì là lại tha về phòng mình. Đậu Thế Anh cười nàng:

- Không tới thăm muội muội à?

- Vương di nương không thích con đến chơi với muội muội.

Đậu Chiêu bĩu môi, vẻ mặt như không quan tâm đến chuyện đó nhưng trong mắt lại thoáng có sự đau lòng.

Tim Đậu Thế Anh thót lên, không nói gì nữa, chỉ nhẹ nhàng vuốt vuốt mái tóc đen nhánh của Đậu Chiêu, khẽ nói:

- Cũng được, phụ thân dạy con viết chữ.

Đậu Chiêu hỏi Đậu Thế Anh:

- Bao giờ tổ mẫu mới đến?

Sắp đến Trung Thu, nàng hi vọng tết Trung Thu có thể được gặp tổ mẫu.

Đậu Thế Anh nhíu mày, nói:

- Ai bảo con gọi Thôi bà cô là "tổ mẫu"?

Đậu Chiêu thầm kêu khổ.

Hẳn đến khi Đậu Hiểu ra đời thì tổ mẫu mới được gọi là "tổ mẫu". Kiếp trước, nàng sống với tổ mẫu từ nhỏ, trong trí nhớ vẫn luôn gọi bà là "tổ mẫu" nên nàng quên mất điều này.

Nàng đành hàm hồ hỏi lại:

- Không gọi tổ mẫu thì gọi là gì?

- Phải gọi Thôi bà cô!

Đậu Thế Anh kiên nhẫn dạy con gái:

- Đại bá phụ con qua đời, tâm trạng của mọi người đều không tốt. E rằng Trung Thu năm nay sẽ không tổ chức lớn. Chắc Thôi bà cô phải ở lại nông trang qua Trung Thu rồi.

Lại hỏi nàng:

- Vì sao con muốn gặp Thôi bà cô?

Đậu Chiêu nói:

- Mọi người nói Thôi bà cô biết làm ruộng!

Đậu Thế Anh cười lớn:

- Đúng vậy! Thôi bà cô của con đúng là biết làm ruộng, trồng hoa màu. Nông trang của bà là nơi thu hoạch tốt nhất.

Nói tới đây, ánh mắt hắn trở nên mông lung

Có lẽ đây là nỗi bi ai khi là con của thiếp.

Đậu Chiêu không nói tiếp chuyện này nữa, kéo phụ thân vào thư phòng luyện chữ.

Rằm tháng tám năm ấy, mọi người chỉ cùng nhau ăn bánh trung thu, so với mọi năm hết ngắm trăng rồi lại chơi đèn thì quả thật là ảm đạm hơn rất nhiều.

Bọn a hoàn đều lén bàn tán: "Chẳng biết bao giờ hết thời gian chịu tang".

Cuối tháng chín, quan tài của đại bá phụ được đưa về huyện Chân Định.

Đậu gia mặc áo xô để tang, nửa huyện Chân Định đều chìm trong màu trắng.

Huyện lệnh huyện Chân Định và lục bá phụ, phụ thân tự mình ra cửa thành nghênh đón quan tài của đại bá phụ. Tổ phụ và nhị thái phu nhân là trưởng bối, không tham gia tang lễ. Việc tang ma do tam bá phụ lo liệu.

Đậu Chiêu gặp được cửu đường huynh Đậu Hoàn Xương, người có nhũ danh Lan ca nhi.

Năm nay hắn mười sáu tuổi, gầy yếu, mặt mày tái nhợt, run rẩy dập đầu lạy tạ mọi người đến phúng viếng trước linh đường của đại bá phụ rồi nhào vào lòng tổ phụ, khóc lớn:

- Phụ thân đã hộc máu rất nhiều...

Tổ phụ rơm rớm nước mắt, ôm vai hắn, khẽ an ủi:

- Con ngoan, về sau đi theo thúc tổ phụ (ông trẻ) đọc sách.

Đậu Hoàn Xương gật đầu, nhìn tổ phụ bằng ánh mắt thân thiết như gặp cha mẹ mình.

Đậu Chiêu cười khinh.

Tổ phụ dạy phụ thân đi nhầm đường, giờ lại gây họa cho đại bá phụ.

Khó trách Đậu Hoàn Xương thi tiến sĩ hai mươi năm cũng chẳng đỗ nổi!

Ngày nào nàng cũng nghiến răng kiên trì luyện ba trăm chữ.

Đậu Hoàn Xương lại vô cùng tốt với Đậu Chiêu. Trong nhà cũng chỉ có hai người bọn họ là mặc đồ tang.

Hắn thường chia đồ ăn của đại bá mẫu làm cho hắn cho Đậu Chiêu ăn cùng, thái độ của Đậu Chiêu với hắn cũng dần dần tốt hơn nhiều.

Rất nhanh đã sang tháng Chạp, đã đến lúc giỗ đầu cho mẫu thân Đậu Chiêu.

Phụ thân đã đoạn tang nhưng Đậu Chiêu vẫn phải mặc đồ tang thêm mười lăm tháng nữa.

Tam bá mẫu tới thương lượng chuyện tái giá cho phụ thân với.

Sau khi đại bá phụ qua đời, đại bá mẫu không còn là dâu cả lo chuyện cho Đậu gia nữa. Theo lý là nhị bá mẫu phải lo liệu việc quán xuyến gia đình nhưng nhị bá mẫu đi theo nhị bá phụ nhậm chức, phải lo liệu xong người chăm lo cho nhị bá phụ thì mới có thể theo con cái hồi hương. Việc trong nhà tạm thời do tam bá mẫu lo liệu.

Tổ phụ hỏi tam bá mẫu:

- Con nhắm vào gia đình nào?

Tam bá mẫu đáp:

- Đại tẩu có một vị đường muội, lúc trước cũng thường đến nhà chúng ta. Nhân phẩm, tướng mạo đều tốt, đại tẩu cũng có ý giới thiệu. Còn có ngũ tiểu thư của Chư cử nhân ở phía đông thành, cũng chính là cháu gái của Trần đại nhân ở thôn Nam Lâu. Chư tiểu thư dịu dàng, thùy mị, theo các ca ca đi học vài năm, cầm kì thi họa đều biết, như vậy hẳn sẽ hòa hợp được với thất thúc rồi. Trần đại nhân từng làm tri phủ Tùng Giang, làm mai cho vị tiểu thư này, người thì con chưa gặp nhưng cũng có tiếng hiền lương. Những nhà khác không phải gia thế kém hơn thì cũng là xuất thân không tốt, là con thiếp, con cảm thấy không cần xem thêm nữa.

Tổ phụ gật đầu, vô cùng tán thưởng năng lực của tam bá mẫu:

- Con nghĩ rất chu đáo. Vạn Nguyên đã là con thiếp, tuyệt đối không thể lấy thứ nữ. Ta thấy cứ quyết định vị tiểu thư họ Chư này đi! Là người nhà mẹ đẻ của cháu dâu cả, gần gũi quá chưa chắc đã tốt. Trần đại nhân luôn tự cao mình là người đọc sách, làm việc hơi hủ lậu, người như vậy thường sẽ dạy dỗ ra những vị tiểu thư tính cách khô khan.

Tam bá mẫu đứng dậy:

- Vậy con sẽ qua nói với người nhà họ Chư. Thúc thấy nên phái ai qua đó xem tướng mạo thì ổn?

Từ ngày chịu nhục ấy, Đinh bà cô luôn cáo ốm không ra ngoài. Việc của tổ phụ đều do đại a hoàn Thu Phân của Đinh bà cô lo liệu.

Tổ phụ khó xử, nghĩ mãi rồi mới nói:

- Con quyết định đi.

Tam bá mẫu rời đi.

Lúc nghe được tin này, Đậu Chiêu đang nằm bò trên bàn gỗ hoa lê của mình mà viết chữ.

Rất nhanh thôi sẽ nghênh đón tân chủ mẫu, nàng cũng phải rời khỏi nhà chính.

Hơi thở của mẫu thân sẽ ngày càng mờ nhạt trong cuộc sống của nàng.

Nghĩ vậy, nàng lại ngẩn ngơ.

Chỉ là không biết phụ thân sẽ sắp xếp cho nàng ở đâu.

Lát nữa về sai Thỏa Nương chuẩn bị thu dọn đồ đi thôi!

Giờ Tây Đậu đang thiếu chủ mẫu lo toan việc nhà. Một khi hôn sự được định đoạt thì Chư tiểu thư hẳn sẽ nhanh chóng gả đến.

Đậu Chiêu buông bút, xoa xoa cổ tay đã nhức mỏi.

Phụ thân đang cau mày đi tới chỗ tổ phụ.

- Con không muốn tái giá.

Hắn nhìn thẳng vào tổ phụ, trong mắt tràn đầy sự kiên quyết:

- Con muốn thủ tang ba năm cho Cốc Thu.

- Vớ vẩn!

Tổ phụ giận dữ:

- Con bao nhiêu tuổi rồi mà còn không hiểu chuyện như vậy! Con là con trai độc nhất trong nhà, không nghĩ cách mau chóng khai chi tán diệp cho Đậu gia lại còn học đòi những kẻ phong lưu chịu tang cho thê tử... Rốt cuộc con biết cái gì là trách nhiệm không?

Tổ phụ giận đến mức chòm râu cũng dựng ngược lên:

- Đừng nói nữa! Ta sẽ bảo tam tẩu con mau cùng Chư gia định ngày thành hôn, con chỉ việc chờ là được!

Đậu Chiêu đứng ở cửa nghe lén suýt thì té ngửa.

Tháng năm sang năm, Vương Hành Nghi sẽ quay về.

Vương gia còn phải lăn lộn trong quan trường, tuyệt đối sẽ không để con gái nhà mình đi làm tiểu thiếp.

Nếu phụ thân tái giá trước tháng năm năm sau, Vương gia hoặc là sẽ để Đậu Minh ở lại Đậu gia, đón Vương Ánh Tuyết về hoặc là sẽ cho Vương Ánh Tuyết ba thước lụa trắng, bức Vương Ánh Tuyết tự tử, hoặc là đưa Vương Ánh Tuyết đến am ni cô, sống cuộc sống thanh đăng cổ Phật cả đời.

Nếu phụ thân không tái giá trước tháng năm năm sau...

Kiếp trước, Vương Hành Nghi vẫn luôn cảm thấy mình nợ thê tử, nợ con cái rất nhiều, sau khi được phú quý vẫn chỉ sống cùng thê tử, không dính dáng đến nữ sắc, cũng vô cùng trân trọng con cái, luôn cố hết sức thỏa mãn yêu cầu của người thân. Đặc biệt là với Vương Ánh Tuyết, không chỉ bị vị hôn phu từ hôn mà còn phải ra ngoài gánh vác cuộc sống gia đình, làm lỡ hôn sự của chính mình nên ông ta càng chiều chuộng Đậu Minh, Đậu Hiểu hơn cả cháu nội.

Nếu nàng đoán không sai, Vương Hành Nghi chắc chắn sẽ nghĩ cách để Đậu gia phù chính Vương Ánh Tuyết.

Thế chẳng phải Vương Ánh Tuyết lại thành kế mẫu của nàng!

Không được! Không được!

Tuyệt đối không thể để chuyện này xảy ra được!

Phụ thân phải tái giá trước tháng năm năm sau.

Để Vương Ánh Tuyết cút đi!

Nhưng thái độ của phụ thân lại vô cùng kiên định:

- Phụ thân, nếu người không sợ trở mặt với Chư gia thì cứ định ngày với họ đi. Dù sao đến con cũng không bái đường, Chư gia tiểu thư có gả đến con cũng mặc kệ nàng ta!

- Ngươi định làm phản à!

Tổ phủ tím mặt, ném chung trà trong tay xuống đất:

- Cần gì ngươi xuất hiện, cứ xem xem tiểu thư Chư gia có gả vào không!

- Phụ thân!

Đột nhiên phụ thân lại quỳ gối xuống trước mặt tổ phụ, nức nở nói:

- Về sau, phụ thân muốn gì, con cũng nghe theo, phụ thân đồng ý với con chuyện này đi! Con biết con là độc đinh, qua bốn mươi tuổi người mới sinh ra con, luôn mong có cháu bế, gia nghiệp có người kế thừa, phụ thân để con tùy hứng nốt một lần đi! Từ nay về sau, con nhất định sẽ sống có khuôn phép, ngoan ngoãn đọc sách, thi đỗ công danh, giúp Đậu gia được rạng rỡ, sẽ sinh con đẻ cái cho Đậu gia. Người đồng ý với con lần này đi, phụ thân!

Phụ thân dập đầu binh binh với tổ phụ.

Tiếng động đó như nện vào tim Đậu Chiêu khiến trái tim nàng cứng lại rồi thoáng bủn rủn?

Tại sao lại là bây giờ?

Sớm không vì mẫu thân, muộn không vì mẫu thân, tại sao lại chọn đúng lúc Vương Hành Nghi sắp trở lại?

Chẳng phải kiếp trước ông chỉ đợi mẫu thân tròn trăm ngày đã vội vàng lấy Vương Ánh Tuyết ư? Sao kiếp này lại muốn làm người tốt?

Nếu biết có hôm nay, sao lúc trước còn làm vậy!

Nàng đã tính toán ổn thỏa thì phụ thân lại nhảy ra ngáng đường!

Thế này là sao?

Đậu Chiêu vừa vội vừa tức.

Giọng nói thoáng chần chừ của tổ phụ vang lên:

- Con đã giữ tang cho nó một năm... Cũng coi như đã hết lòng rồi...

- Phụ thân, phụ thân.

Phụ thân lại dập đầu, giọng nói càng vang dội:

- Con chỉ xin phụ thân một chuyện này! Con chỉ xin phụ thân một chuyện này!

Đậu Đạc nhìn trán con tím bầm, thở dài:

- Con muốn giữ thì cứ giữ đi! Nhưng sang năm thi Hương phải đỗ mới được...

- Đa tạ phụ thân! Đa tạ phụ thân!

Trông mặt Đậu Thế Anh rất vui mừng.

Nhưng mặt Đậu Chiêu lại lạnh như băng, sờ lên thấy cả tay đều là nước.

※※※※※

Vài ngày sau, Chư gia cho người mang thư cho tam bá mẫu, nói ngũ tiểu thư thấy phụ thân là người trọng tình trọng nghĩa, đồng ý chờ phụ thân ba năm.

Tổ phụ mừng rỡ, tự mình vào nhà kho chọn lấy mấy tập giấy tốt, hai chiếc nghiên mực Đoan Khê, một chiếc bút lông Hồ Châu rồi sai quản sự đưa tặng Chư cử nhân, cũng khen ngợi tam bá mẫu nhìn người chuẩn xác.

Tam bá mẫu mỉm cười, hỏi phụ thân:

- Bát tự này có đúng không?

Phụ thân không lên tiếng, sắc mặt căng thẳng thoáng dịu đi.

Tam bá mẫu đưa canh thiếp ghi ngày sinh tháng đẻ của phụ thân cho Chư gia.

Chương 28: Mừng năm mới

Cứ thế này, hôn sự của phụ thân và tiểu thư họ Chư sẽ phải kéo dài thêm hai năm nữa, khi đó xảy ra chuyện gì cũng không thể cứu vãn.

Đậu Chiêu cảm thấy mình phải làm gì đó để hôn sự của hai nhà đẩy nhanh tiến độ hơn mới được.

Chỉ là còn chưa đợi nàng nghĩ ra chủ ý gì thì tết Nguyên Đán đã tới.

Theo lệ thường, sáng ba mươi, hai nhà Đông Đậu, Tây Đậu sẽ đến từ đường Đậu gia ở thôn Bắc Lâu để tế tổ, giữa trưa thì đến hậu viện ở từ đường ăn bữa cơm đoàn viên, sau đó ai về nhà nấy đón giao thừa.

Di nương không có tư cách đi tế tổ nhưng vẫn phải đến dự bữa cơm đoàn viên. Bởi vì Đậu Minh sinh non nên cơ thể còn yếu, rất ít khi ra ngoài. Tổ phụ sợ nó sinh bệnh nên để Vương Ánh Tuyết và Đinh bà cô ở nhà chăm sóc nó.

Sáng sớm Đậu Chiêu đã bị vú Du lôi ra khỏi chăn ấm, bà vừa mặc quần áo cho Đậu Chiêu vừa dặn Ngọc Trâm và Thỏa Nương:

- Hôm nay đông người, các ngươi không được ham vui mà làm lạc mất tứ tiểu thư đâu đấy.

Vú Du phải chuẩn bị bữa cơm tất niên buổi tối nên không thề theo hầu Đậu Chiêu đến Bắc Lâu.

Hai người đều gật đầu đáp lời.

Đậu Chiêu nhìn Thỏa Nương mấy lần.

Hôm nay Ngọc Trâm và Thỏa Nương đều dùng đồ mới, trang điểm cẩn thận, chưa nói đến áo lụa tơ tằm xanh biếc thẳng thớm mà bên tai còn cài hoa đỏ thẫm, trông rất tươi sáng, rạng rỡ.

Từ nhỏ Ngọc Trâm đã theo hầu mẫu thân, mẫu thân vốn là người thích trang điểm, nàng ấy chịu ảnh hưởng của mẫu thân nên luôn ăn mặc sạch sẽ, chải chuốt gọn gàng, qua năm mới trang điểm, thay bộ đồ mới cũng là bình thường. Còn Thỏa Nương, từ nhỏ đã mất cha mẹ, được gửi nuôi ở nhà cữu cữu, chỉ cầu ấm no, ăn mặc trang điểm cẩn thận như hôm nay vẫn là lần đầu tiên.

Thỏa Nương mất tự nhiên vân vê góc áo, lẩm bẩm:

- Ngọc Trâm trang điểm giúp nô tỳ, nó nói hôm nay là ba mươi. Mọi người đều ăn mặc rực rỡ, một mình nô tỳ giản dị quá... Thất gia và Chư ngũ tiểu thư đã đính ước, người khác thấy vậy sẽ tưởng nô tỳ có ý gì, gây phiền phức cho tứ tiểu thư...

Lời này cũng rất hợp lý.

Nàng mặc tang phục là theo lệ thường, vừa khéo a hoàn bên cạnh cũng mặc tang phục theo, người có lòng sẽ nghĩ xiên xẹo.

Đậu Chiêu cười tủm tỉm gật đầu, khen các nàng "Đẹp lắm!", sau đó lấy trong hộp ra hai đóa châu hoa giản dị, một cho Ngọc Trâm, một thưởng cho Thỏa Nương.

Hai người đều rất bất ngờ, do dự không biết nên nhận không.

Vú Du ở bên cười nói:

- Nếu tứ tiểu thư thưởng, các ngươi cứ nhận đi. Ai hỏi thì nói là tứ tiểu thư ban thưởng.

Hai người không từ chối, cười cười cài hoa cho nhau, hầu hạ Đậu Chiêu dùng bữa sáng xong rồi bế Đậu Chiêu như cục bột đến Hạc Thọ đường.

Tổ phụ và phụ thân đang ngồi nói chuyện trên sập.

Đậu Chiêu tiến vào hành lễ.

Đậu Thế Anh ôm Đậu Chiêu, đặt nàng ngồi trên đùi mình, dịu dàng hỏi:

- Lạnh không?

- Không lạnh!

Đậu Chiêu lắc đầu rồi lại hỏi Đậu Đạc:

- Tổ phụ, tổ phụ, bọn họ nói phụ thân con sẽ cưới ngũ tiểu thư họ Chư, là thật ạ?

Mặt Đậu Thế Anh đỏ bừng, quẫn bách ngăn Đậu Chiêu lại:

- Đừng nói bậy!

- Con không nói bậy.

Đậu Chiêu mở to mắt, giận dữ lườm phụ thân:

- Bọn họ nói Chư tiểu thư là người tốt, không sợ Vương di nương sinh thứ trưởng tử.

- A!

Đậu Thế Anh há hốc miệng.

Mắt Đậu Đạc lóe sáng, sau đó lấy ra một chiếc hộp đựng bánh vừng ở sau sập đưa cho Đậu Chiêu, dịu dàng hỏi nàng:

- Ai nói với con chuyện này?

Đậu Chiêu nghiêng đầu cắn bánh vừng, đáp:

- Có nhiều người lắm, a hoàn của đại bá mẫu, vú già của tam bá mẫu, còn cả... thư đồng của cửu đường huynh...

Tổ phụ không hỏi thêm nữa, chỉ liếc nhìn phụ thân như đang ám chỉ gì đó.

Phụ thân rất xấu hổ.

May mà có một gia đinh tiến vào bẩm báo:

- Cửu gia đến.

Tổ phụ cười nói:

- Mau bảo nó vào đây!

Đậu Hoàn Xương cao lênh khênh mau chóng bước vào.

Hắn cung kính hành lễ với tổ phụ và phụ thân, sau đó cười chào Đậu Chiêu.

Tổ phụ gật đầu, đứng dậy:

- Đi thôi!

Đậu Hoàn Xương đáp "Vâng" rồi tiến lên đỡ tổ phụ, không nhanh không chậm ra khỏi Hạc Thọ đường.

Hắn hẹn đến Bắc Lâu cùng tổ phụ và phụ thân.

Phụ thân bế Đậu Chiêu chậm rãi đi theo sau, khi cách xa một đoạn thì phụ thân mới nhẹ nhàng véo má Đậu Chiêu:

- Cái đứa này, con đang đòi nợ à?

Cử chỉ vô cùng thân thiết, giọng điệu lại bất đắc dĩ.

Đậu Chiêu hì hì cười, hỏi phụ thân:

- Đòi nợ là gì?

Phụ thân cười rộ lên.

Đoàn người tiến ra cổng lớn.

Hôm qua tam bá phụ và tam bá mẫu đã đến Bắc Lâu để chuẩn bị cho lễ tế tổ, đi cùng bọn họ ngoài đại bá mẫu và Đậu Hoàn Xương thì còn có nhị thái phu nhân, gia đình lục bá phụ, cả nhà nhị đường huynh, tam đường huynh và ngũ đường huynh.

Thấy tổ phụ, ngoài nhị thái phu nhân, những người khác đều xuống xe hành lễ với tổ phụ. Bởi vì xe ngựa dàn hàng nên con đường càng trở nên chật chội.

Tổ phụ kéo con trai mới ba tuổi của ngũ đường huynh lại, không để nó dập đầu với mình:

- Trời đông tháng giá, lại không có người ngoài, đừng câu nệ như vậy. Có cái gì đến từ đường rồi nói.

Từ đường có hơn mười gian phòng, bốn góc phòng đều có lò than lớn, đốt loại than không có khói, ấm áp như mùa xuân.

- Vẫn là tiểu thúc thương mọi người! Nhị đường huynh cười lớn.

Nhị thái phu nhân vươn đầu ra khỏi xe:

- Thọ Cô, đến chỗ bá tổ mẫu nào!

Đậu Chiêu không thích người bà lãnh khốc này, nắm chặt tay áo phụ thân.

Phụ thân thoáng do dự, bế Đậu Chiêu, cười cười bước qua:

- Con bé rất bướng bỉnh, người đã lớn tuổi rồi sao chịu nổi sự nghịch ngợm của nó. Thôi để nó đi cùng con đi.

Nhị thái phu nhân thoáng ngây người, nhìn Đậu Chiêu đang im lặng rúc sâu vào lòng Đậu Thế Anh, gật đầu rồi nói:

- Cũng được, con bé không còn mẹ, con có thể quan tâm nó hơn thì đúng là không gì tốt bằng!

Bà nói xong rồi buông rèm xe.

Phụ thân hơi bất ngờ.

Bên kia, ngũ đường huynh gọi phụ thân:

- Thất thúc phụ, chỗ người còn trống không, chở giúp con hai a hoàn được không.

Ngũ đường huynh có nhiều con nhất, bốn trai hai gái nhưng mọi thứ đều vẫn chỉ được thu xếp như một phòng bình thường nên hắn luôn là người bận rộn nhất.

- Có, có!

Phụ thân bế Đậu Chiêu qua đó:

- Nếu đông quá, ngươi cứ để Chi ca nhi đi cùng chúng ta đi.

Chi ca nhi là con trai trưởng của ngũ đường huynh, năm nay mười lăm tuổi, tên là Đậu Khải Tuấn. Người này về sau sẽ làm ngự sử, vì tham gia hạch tội Trường Hưng hầu Thạch Đoan Lan mà nổi tiếng trong giới chí sĩ. Sau khi ngũ đường bá Đậu Thế Xu vào nội các, vì tị hiềm nên hắn đến phủ Bảo Định làm tri phủ.

Còn lúc này, hắn vẫn chỉ là một thiếu niên đang lớn, giọng nói như vịt đực mà thôi.

Biết mình không cần chen chúc với mẫu thân, muội muội trong một chiếc xe ngựa nên lập tức nhảy xuống xe ngựa nhà mình, cười hì hì chạy tới.

- Thất thúc tổ phụ!

Đậu Khải Tuấn hành lễ với phụ thân rồi vuốt tóc Đậu Chiêu:

- Tứ cô!

Trong thân thể Đậu Chiêu là linh hồn của người trưởng thành. Tổ phụ, phụ thân vuốt tóc nàng, nàng còn có thể chịu đựng nhưng để thằng cháu mười lăm tuổi sờ đầu nàng... Nàng hơi nghiêng đầu đi đã tránh được tay Đậu Khải Tuấn.

- Ơ?

Đậu Khải Tuấn hoang mang.

Đậu Thế Anh đã bế Đậu Chiêu vào xe ngựa, vừa đi vừa hỏi Đậu Khải Tuấn:

- Nghe nói mấy ngày trước con ở trong trường nói năng hùng hồn khiến thầy Đỗ cũng phải cam bái hạ phong?

Đậu Khải Tuấn cười gượng, vứt sự khác lạ của Đậu Chiêu ra sau gáy, theo Đậu Thế Anh lên xe ngựa rồi ngồi xuống, vui vẻ nói:

- Thất thúc tổ phụ không phải đang ở nhà đóng cửa đọc sách ư? Sao ngay cả mấy trò đùa vui của con cháu trên trường cũng rõ như lòng bàn tay?

Ý là ám chỉ Đậu Thế Anh không chuyên tâm.

Đúng là mồm miệng lanh lợi.

Đậu Chiêu cảm thấy hứng thú, nhìn nhìn Đậu Khải Tuấn.

- Lần nào cũng chỉ biết đấu võ mồm. Cẩn thận họa từ miệng mà ra đó!

Phụ thân cười nói:

- Chẳng trách cứ vài ngày lại thấy phụ thân con đến nhà thầy Đỗ để tạ lỗi.

Thầy Đỗ là gia sư của Đậu gia.

Đậu Khải Tuấn cười, dùng bả vai huých phụ thân rồi nói:

- Thất thúc tổ phụ, con có chuyện này muốn bàn với người.

Điệu bộ hơi giống mấy kẻ du đãng.

Phụ thân nhíu mày.

Đậu Khải Tuấn cười nói:

- Con đã hẹn với các đồng môn tết Nguyên Tiêu sẽ đến phủ Chân Định xem hoa đăng. Người giúp con ít lộ phí được không?

Phụ thân cười nói:

- Phụ thân con biết không?

- Biết, biết!

Đậu Khải Tuấn vừa nghe thấy có khả năng thì lập tức vui mừng nói:

- Phụ thân con đã đồng ý nhưng chỉ cho con ba lạng bạc, còn chưa đủ mua một chiếc đèn hoa đăng! Thất thúc tổ phụ, con biết người là khẳng khái nhất, cho con mượn hai mươi lạng bạc, lúc nào người đến Phúc Phương trai mua đồ cổ, con sẽ xách đồ giúp người!

- Ta có thư đồng rồi, đâu cần đến con. Mà dù sao con cũng sẽ bắt thư đồng của mình làm!

- Vậy con chép kinh cho người!

Đậu Khải Tuấn mặt không thèm đỏ, hai mắt đảo qua đảo lại:

- Con biết người muốn chép một ngàn cuốn "Kinh Pháp Hoa" cho thất phu nhân, đợi đến ngày giỗ của thất phu nhân thì sẽ đốt cho thất phu nhân...

Đậu Chiêu kinh ngạc nhìn phụ thân.

Phụ thân cũng không chú ý tới nàng, cười nói:

- Chép kinh quý ở lòng thành, con chép giúp ta thì có tác dụng gì? Được rồi, được rồi! Hai mươi lạng bạc thì không được nhưng mười lạng thì có thể suy nghĩ...

- Thất thúc tổ phụ, mười lạng hơi ít!

Đậu Khải Tuấn mè nheo: 

- Nói ra chẳng phải mất mặt thất thúc tổ phụ lắm sao?

- Ta còn không biết ta có cái danh "tán tài đồng tử" đó?

Phụ thân vẫn kiên quyết:

- Con còn nhỏ, ăn mặc đều có người lo, cần nhiều tiền như vậy làm gì? Mười lạng này cần không?

- Cần! Cần!

Đậu Khải Tuấn sợ nói thêm gì nữa thì ngay cả mười lạng bạc này cũng không còn.

Phụ thân cười nói:

- Nhưng ta sẽ nói với tam ca và lục ca, tránh để con lấy được mười lạng của ta mà còn đến chỗ bọn họ tống tiền!

- Thất thúc tổ phụ!

Đậu Khải Tuấn kêu thảm rồi ngã lăn xuống gối.

Đậu Thế Anh cười lớn, cảm thấy tâm sự nặng nề mấy hôm nay cũng tiêu tan đi không ít.

Đậu Chiêu nhìn phụ thân đang cười lớn thì tâm trạng rối bời.

Kiếp trước, nàng từng trách phụ thân.

Cho nên chưa bao giờ cẩn thận đánh giá phụ thân.

Nàng luôn cảm thấy ngoài nghiên cứu "Chu Dịch" ra thì phụ thân chẳng quan tâm chuyện gì... Để mặc Đậu Minh kiêu ngạo, ương ngạnh, để mặc Đậu Hiểu gây chuyện thị phi, để mặc nàng tự sinh tự diệt!

Không ngờ phụ thân còn có mặt này!

Tiếng xe ngựa lọc cọc hòa lẫn giọng nói và tiếng cười của Đậu Khải Tuấn. Bọn họ nhanh chóng đến Bắc Lâu.

Trước từ đường họ Đậu đã có lác đác bảy, tám chiếc xe ngựa đỗ lại đó, quản sự, gia đinh đang bận rộn ra ra vào vào. Nghe thấy động tĩnh, có người chạy vào bẩm báo cho tam bá phụ, có người xông tới kéo xe giúp hoặc đưa ghế nhỏ tới. Từ đường nhà họ Đậu ồn ào, náo nhiệt vô cùng.

Chương 29: Nói chuyện

Đậu Chiêu vừa xuống xe đã thấy tổ mẫu đứng lẫn trong đám đông.

Tổ mẫu vẫn giống như trong trí nhớ của nàng, mặc chiếc áo lụa tơ tằm nhạt màu đinh hương, mái tóc đen nhánh búi tròn rồi cài một chiếc trâm bạc, đeo đôi vòng tay bằng bạc, tự nhiên đứng trước bậc thang từ đường đang kiểm tra rượu dưới gốc mai vàng. Giống như rất nhiều năm về trước, nàng như vừa bừng tỉnh, đang lúc mờ mịt không biết nên làm sao thì lại thấy tổ mẫu nhàn nhã ngồi xổm bên bờ ruộng nhìn dưa chuột, lòng nàng lập tức cảm thấy yên bình.

Tổ mẫu!

Mắt Đậu Chiêu ươn ướt, nhịn lắm mới không hô lớn.

Tổ phụ và phụ thân được tam bá phụ đón vào từ đường. Nàng được giao lại cho Thỏa Nương và Ngọc Trâm.

Con gái sáu tuổi của tam đường huynh chạy tới kéo quần Thỏa Nương:

- Chúng ta đi chơi dây đi, tứ cô!

Kiếp trước, nàng và đứa cháu gái này không tiếp xúc gì, thậm chí Đậu Chiêu còn không biết tên nó.

Đậu Chiêu hàm hồ đáp.

Thỏa Nương đặt nàng xuống đất, nàng chạy đến bên người tổ mẫu nhanh như chớp.

Gọi là Thôi bà cô hay tổ mẫu đây?

Đậu Chiêu thoáng do dự.

Nàng muốn gọi tổ mẫu nhưng lại sợ người ngoài nghe được thì sẽ thành rắc rối cho tổ mẫu.

Con gái của ngũ đường huynh chạy theo:

- Tứ cô, tứ cô!

Tổ mẫu nhìn lại, thấy ánh mắt to mò của Đậu Chiêu.

Bà hơi ngồi xuống, tươi cười thân thiết:

- Con... con là Thọ Cô?

Đậu Chiêu gật đầu, nước mắt rơi không ngừng được.

Tổ mẫu ngây người, bước lên bế nàng:

- Đừng khóc, đừng khóc!

Lau nước mắt cho nàng, vết chai ở đầu ngón tay quệt qua khiến nàng hơi đau nhưng lòng lại càng thêm kiên định.

Ngọc Trâm chạy tới, bất an gọi "Thôi thái thái" rồi bế Đậu Chiêu đi như cướp giật, thì thào nói:

- Thất gia đã bảo chúng nô tỳ chăm sóc tiểu thư cho cẩn thận...

Đậu Chiêu tức giận.

Khóe miệng tổ mẫu thoáng tia cười khổ, không nói gì, lấy trong lòng ra một chiếc túi đỏ thẫm thêu đôi chim hoàng oanh cho Đậu Chiêu:

- Cho con ăn vặt này!

Nói xong rồi quay người rời đi.

- Tổ mẫu!

Đậu Chiêu vội gọi bà.

Bóng dáng cao cao của bà hơi khựng lại, sau đó không hề do dự đi tiếp, đi vào hậu viện của từ đường.

Ngọc Trâm vội nói:

- Tứ tiểu thư, người nhỏ giọng thôi! Lão thái gia không thích Thôi bà cô nói chuyện với thất gia và tiểu thư!

Đậu Chiêu cười lạnh, cảm thấy vô cùng nhục nhã.

Nếu đã không thích còn cùng tổ mẫu sinh ra phụ thân...

Nàng muốn đi tìm tổ mẫu nhưng con gái của tam đường huynh lại kéo nàng không buông:

- Tứ cô có gì ngon?

Lúc nói câu này, nước miếng cũng đã chảy dài.

A hoàn theo sau vô cùng xấu hổ, vội ôm nó lên rồi bế về phía tam đường tẩu. Vừa đi vừa đỏ mặt xin lỗi giúp con gái của tam đường huynh:

- Tứ tiểu thư, tiểu thư nhà nô tỳ chỉ tò mò thôi!

Đậu Chiêu bật cười, sự phẫn uất trong lòng tiêu tán khá nhiều.

Nàng mở túi ra, bên trong là long nhãn.

Tổ mẫu từng kể, lần đầu tiên bà ăn quà vặt là tối hôm bà được đưa vào Đậu gia. Tổ phụ và đại tổ mẫu ở bên ngoài tiếp khách, người hầu vốn phải túc trực trong phòng chẳng biết chạy đi đâu. Bà ngồi một mình trên giường, bởi vì sợ trong ngày lễ lại buồn đi nhà xí nên từ lúc ngủ dậy chưa hề ăn uống gì, vừa đói, vừa khát nhưng cũng không dám nhúc nhích, vô tình lại đụng phải hai hộp long nhãn ở trên giường, cũng mặt kệ nó là cái gì, vội vàng nhét vào miệng... Cho nên, tổ mẫu vẫn cảm thấy long nhãn là thứ ngon nhất trên đời.

Mỗi khi Đậu Chiêu bị ốm hoặc bị ngã... tổ mẫu sẽ mang long nhãn ra để dỗ dành nàng.

Chiếc túi còn lưu lại hơi ấm của tổ mẫu.

Có phải tổ mẫu đã chuẩn bị chiếc túi này, vẫn tìm cơ hội để cho nàng?

Đậu Chiêu chậm rãi lột vỏ, nhẹ nhàng đặt bên miệng.

Vị ngọt trong veo, từ yết hầu thấm tới tim gan.

Nàng giãy trong lòng Ngọc Trâm đòi xuống rồi chạy nhanh như chớp về phòng khách hậu viện.

Nữ quyến Đậu gia đều tụm lại nói chuyện trước mặt nhị thái phu nhân.

Đậu Chiêu liếc mắt một cái đã thấy tổ mẫu đang đứng một mình ở góc phòng.

Nàng ném hạt long nhãn vào chậu than.

Chậu than bùng lên một ngọn lửa khiến tổ mẫu hoảng hốt, vội nhìn lại đây.

Đậu Chiêu vẫy vẫy bàn tay nhỏ bé với bà rồi chạy ra phía sau phòng khách, nấp dưới tán cây sồi xanh.

Chỉ một lát sau, tổ mẫu đi ra, đứng ở bậc thang nhìn quanh.

Đậu Chiêu đứng dậy.

Tổ mẫu nhìn nàng cười đầy yêu chiều, bất đắc dĩ lắc đầu, bước vội qua đó.

Đậu Chiêu hỏi bà:

- Người là tổ mẫu của con sao?

Tổ mẫu ngồi xổm xuống, nhẹ nhàng vuốt tóc nàng:

- Không phải! Ta là Thôi thái thái của con.

Đậu Chiêu cảm thấy lòng đau như cắt, cố nén không rơi nước mắt:

- Mấy ngày nữa, người có thể cho con đến nông trang chơi không?

Tay tổ mẫu hơi cứng lại, hồi lâu sau mới nói:

- Khắp nông trang đều là bụi đất, không có gì để chơi cả.

- Con có thể đi thăm người không?

Đậu Chiêu không từ bỏ ý định.

- Ta phải làm việc, con đến thăm ta, ta cũng không rảnh đưa con đi chơi.

Tổ mẫu lại từ chối nàng.

Nàng nhào vào lòng tổ mẫu, ôm chặt cổ bà.

Chẳng lẽ đây là cái giá phải trả khi nàng thay đổi vận mệnh.

Kiếp trước, ngày tháng ấm áp hai người sống nương tựa vào nhau giờ chỉ là kí ức của riêng nàng...

Nước mắt Đậu Chiêu nóng rát thấm vào vai áo tổ mẫu.

Hay là nàng chủ động đến nông trang ở?

Nhưng mà trước khi đi nhất định phải giải quyết xong chuyện Vương Ánh Tuyết đã!

Rất nhanh đã qua tết Nguyên Đán.

Tổ mẫu sai người mang cho Đậu Chiêu một túi quả du, nói là xào với trứng gà cho Đậu Chiêu ăn có thể thanh nhiệt, nhuận phế.

Đây cũng là lần đầu tiên tổ mẫu phái người tặng đồ cho Đậu gia trong thành.

Tổ phụ biết chuyện thì giận tím mặt:

- Ai bảo bà ấy đưa đến? Ném hết đi cho ta, ném đi!

Đậu Chiêu được tin chạy tới, quản sự đang xách bao quả du kia mang ra khỏi cổng.

Nàng ôm lấy bao quả, kêu lên:

- Ta muốn ăn trứng xào, ta muốn ăn trứng xào.

Quản sự không dám không nghe lời tổ phụ mà cũng chẳng dám đuổi Đậu Chiêu đi.

Đậu Chiêu gây rối kinh động đến Đậu Thế Anh.

Đậu Thế Anh trầm tư hồi lâu rồi bảo quản sự:

- Đem túi quả du này đến phòng bếp đi!

Quản sự khẽ thở phào.

Đậu Thế Anh bế Đậu Chiêu về thư phòng.

Đậu Chiêu nghĩ phụ thân sẽ nói gì đó với nàng, ai ngờ phụ thân luyện chữ cả ngày, ngay cả bữa trưa cũng không ăn.

Vương Ánh Tuyết bế Đậu Minh đến.

Đậu Minh cười khanh khách giật lấy bút của Đậu Thế Anh.

Đậu Thế Anh tươi cười, bế Đậu Minh vào lòng.

Vương Ánh Tuyết khẽ hỏi:

- Thất gia có tâm sự gì à? Hay là nói với thiếp đi?

Đậu Thế Anh trầm mặc hồi lâu rồi nói:

- Không có chuyện gì!

Vương Ánh Tuyết cũng không truy hỏi, cười khanh khách nói:

- Thiếp nhớ thất gia rất thích ăn món mỳ xào thiếp làm. Thiếp xuống bếp làm cho thất gia nhé?

- Không cần! Sắp tới giờ dùng bữa tối rồi.

Đậu Thế Anh đáp có lệ.

- Rất nhanh thôi mà!

Vương Ánh Tuyết không cho phụ thân từ chối, vừa dặn nhũ mẫu trông chừng Đậu Minh vừa hấp tấp đi xuống phòng bếp.

Đậu Chiêu đang luyện chữ hơi bĩu môi.

Phụ thân bế Đậu Minh đến trước mặt nàng:

- Thọ Cô, con thấy muội muội xinh không?

- Không xinh!

Đậu Chiêu đáp, mặt không biến sắc.

Phụ thân ngạc nhiên.

Đậu Chiêu phụng phịu hỏi phụ thân:

- Muội muội xinh bằng con không?

Phụ thân sửng sốt rồi sau đó cười lớn, nói:

- Không bằng, không bằng! Thọ Cô của chúng ta xinh nhất.

Sau đó giao Đậu Minh cho nhũ mẫu ở bên, véo véo khuôn mặt nhỏ nhắn của Đậu Chiêu rồi nói:

- Tính con giống hệt mẫu thân con.

Nói xong câu đó, hắn như nhớ đến chuyện gì, vẻ mặt lại ủ rũ, thở dài nói:

- Con ngoan ngoãn luyện chữ đi. Ta ra ngoài một chút.

Khi Vương Ánh Tuyết tươi cười bưng bát mỳ lên, chỉ thấy Đậu Minh đang ngủ vùi trong lòng nhũ mẫu.

Sắc mặt Vương Ánh Tuyết hơi trầm xuống.

Đậu Chiêu lại cảm thấy nguy cơ đang đến gần.

Vương Ánh Tuyết có rất nhiều cơ hội mà phụ thân lại chẳng khác gì Ngụy Đình Du, chẳng thể trông chờ gì.

Nếu lúc này Vương Ánh Tuyết mang thai Đậu Hiểu, việc phụ thân chịu tang ba năm cho mẫu thân sẽ thành trò cười, hôn sự với Chư gia chắc chắn sẽ thất bại.

Khi tin Vương Hành Nghi quay lại, Vương Ánh Tuyết có họ Vương chống lưng, Đậu gia sẽ phải kiêng nể. Đậu gia đã có xích mích với Triệu gia, cữu cữu lại là huyện lệnh, là quan thất phẩm, cho dù Đậu gia không đồng ý cho Vương Ánh Tuyết phù chính thì cữu cữu cũng chẳng cảm tạ Đậu gia thêm chút nào. Mà Vương gia lại khác, nếu Đậu gia thuận thế phù chính Vương Ánh Tuyết, Vương gia sẽ càng cảm kích Đậu gia, Đậu gia sẽ có thêm một người có thế lực trong triều đình giúp đỡ.

Không cần nghĩ cũng biết Đậu gia sẽ chọn bên nào.

Trừ phi Vương Hành Nghi không thể trở lại hoặc Vương Hành Nghi trở lại nhưng không được trọng dụng.

Đậu Chiêu cố gắng nhớ lại chuyện đã xảy ra ở kiếp trước.

Vương Hành Nghi quay trở về được là dựa vào sư phụ Tằng Di Phân.

Nếu Tằng Di Phân không đề cử Vương Hành Nghi thì Vương Hành Nghi sẽ không có đất diễn.

Nhưng làm sao để ngăn cản Tằng Di Phân?

Đậu Chiêu cắn móng tay.

Nàng phát hiện ra một vẫn đề. Đừng nói bây giờ nàng chỉ là một đứa trẻ, cho dù nàng có là phu nhân của phủ Tế Ninh hầu thì cũng chẳng thể làm gì.

Đậu Chiêu vô cùng buồn rầu.

Nàng hỏi Đậu Hoàn Xương:

- Huynh biết Tằng Di Phân không?

Đậu Hoàn Xương nghĩ cả nửa ngày rồi lắc đầu tỏ vẻ áy náy, hoang mang nói:

- Muội hỏi người này làm gì?

- Muội nghe phụ thân nói ông ta rất lợi hại nên muốn biết là ai?

- Hay chúng ta hỏi Chi ca nhi đi?

Đậu Hoàn Xương ngượng ngùng nói:

- Nó biết nhiều người, chưa biết chừng sẽ biết đến người này.

Đậu Chiêu theo Đậu Hoàn Xương đến Đông Đậu.

Mọi người chỉ nghĩ rằng nàng đi chơi.

Nhị thái phu nhân và đại bá mẫu, tam bá mẫu, lục bá mẫu đều cho nàng rất nhiều đồ ăn ngon.

Đậu Hoàn Xương dẫn nàng đến thư phòng, sai thư đồng gọi Đậu Khải Tuấn đến.

Đậu Khải Tuấn mặc một chiếc áo thô ngắn, toát mồ hôi chạy vào.

Đậu Hoàn Xương hoảng sợ:

- Ngươi lại đang làm cái gì thế?

Đậu Khải Tuấn cười gian, cầm bình nước mát trên bàn tự rót nước cho mình, uống một hơi cạn sạch rồi nói:

- Cửu thúc, người đừng quản con đi đâu, làm gì, chỉ cần nói xem tìm con có chuyện gì thôi?

Đậu Hoàn Xương hỏi hắn:

- Ngươi biết ai là Tằng Di Phân?

Mắt Đậu Khải Tuấn sáng bừng lên:

- Cửu thúc cũng biết Tằng Di Phân sao? Ông là sư phụ của ngũ thúc tổ phụ đó. Người này rất lợi hại, trải qua bốn triều đại, tam khởi tam lạc (sóng gió bấp bênh, lúc thịnh lúc suy) mà vẫn không đổ! Mấy ngày trước lại được Hoàng thượng mời vào cung, giờ đang trông giữ triều chính. Vua nào triều thần ấy. Lần này, ngũ thúc tổ phụ sẽ chuyển đến...

Đậu Chiêu cười khổ.

Xem ra Vương Hành Nghi vẫn sẽ đổi vận!

Chương 30: Lựa chọn

Tuy sống lại nhưng Đậu Chiêu chỉ có thể tác động đến một số người, một số việc xung quanh mình. Chuyện phải đến vẫn sẽ đến.

Trung tuần tháng tư, Đậu Văn Xương vẫn theo Đậu Thế Xu đọc sách ở kinh thành mang theo một phong thư của Đậu Thế Xu về quê nhà.

Trong thư, Đậu Thế Xu không chỉ nhắc đến chuyện mình sắp thăng chức thành thị lang  Lại bộ mà còn nhắc tới chuyện Vương Hành Nghi đã quay lại, cũng khéo léo hỏi chuyện hôn sự của Đậu Thế Anh, nói mình và Vương Hành Nghi học cùng khoa, Tằng Di Phân bị bắt nghỉ hưu, Vương Hành Nghi đi lưu đày, mấy năm qua ở kinh thành cũng không tốt lắm. Hôn sự của Đậu Thế Anh nếu còn chưa quyết định thì nên làm nhanh lên. Nay hoàng thượng tuổi đã cao, trí nhớ ngày càng kém, trước đó vài ngày triệu tập nội các, đột nhiên dặn tiểu thái giám gọi thái giám Trần Đông đã mất từ mấy năm trước đến hầu hạ ghi chép. Giờ Trần Quý Chu là đại học sĩ trẻ nhất trong nội các, nếu sang năm hắn chủ trì thi hội thì vẫn xin Đậu Đạc và Đậu Thế Kỳ bàn bạc sớm, có nên để con cháu có đủ tư cách của Đậu gia đi thi hội một lần không.

Đậu Đạc biến sắc, lập tức viết thư cho Đậu Thế Kỳ, bắt Đậu Văn Xương đi suốt đêm đến Phúc Châu, còn mình thì dẫn Đậu Thế Anh đến Đông Đậu.

Tuy Đậu Chiêu không rõ nội dung trong thư nhưng lòng vẫn canh cánh chuyện Vương Hành Nghi, thấy tổ phụ và phụ thân như vậy thì lập tức khiến nàng cảnh giác. Nàng bảo a hoàn đi ngủ hết, chỉ giữ lại Thỏa Nương:

- Ngươi nói với vú già trông cổng phụ, nếu tổ phụ và phụ thân về thì bảo bà ta báo lại ngay.

Thỏa Nương đến cổng phụ truyền lời của Đậu Chiêu sau đó về phòng, ngồi trước giường Đậu Chiêu thêu thùa.

Giờ Hợi, bên cổng phụ có tin.

Thỏa Nương gọi Đậu Chiêu dậy.

Đậu Chiêu mặc quần áo, chạy đến Hạc Thọ đường.

Tổ phụ sai hai gia đinh lanh lợi canh ngoài cửa.

Thấy Đậu Chiêu, hai người kinh ngạc kêu:

- Tứ tiểu thư!

Phụ thân kinh ngạc đi ra:

- Thọ Cô, muộn thế này rồi sao con còn chưa ngủ.

Ánh mắt lại nhìn Thỏa Nương rất nghiêm khắc.

Thỏa Nương run run, lắp bắp hồi lâu vẫn không biết nên nói thế nào.

Đậu Chiêu nhào vào lòng phụ thân:

- Mọi người qua bên đó chơi, sao không dẫn con đi cùng?

Phụ thân dở khóc dở cười bế Đậu Chiêu vào phòng.

Tổ phụ mang vẻ mặt nặng nề ngồi trên sập có đặt lò sưởi ở bên, thấy bọn họ đi vào thì càng nhíu mày:

- Nếu con sớm thành thân, Thọ Cô cũng đã có người chăm sóc. Con xem, giờ nhà cửa thành ra thế nào? Khuya rồi mà Thọ Cô vẫn làm loạn trong sân. Con hành động theo cảm tính như vậy, ngoài việc khiến bản thân được an lòng thì còn được gì? Con nói mình trưởng thành, hiểu rõ trách nhiệm của mình nhưng toàn làm những việc vô trách nhiệm.

Phụ thân vâng vâng dạ dạ, nói không nên lời.

Đậu Chiêu nhận ra sự biến chuyển từ cách nói của tổ phụ và thái độ của phụ thân.

Nàng thấy vui vẻ chưa từng có, quyết định làm tổ phụ bực mình:

- Tổ phụ, con có người chăm. Thôi bà cô là tổ mẫu của con.

Mặt tổ phụ xanh mét, ánh mắt như đao sắc quét qua Đậu Chiêu nhưng Đậu Chiêu lại chớp đôi mắt tròn, cười tủm tỉm cắn cắn ngón tay, vẻ mặt vô tư không hiểu chuyện.

Ông giận run người, khiển trách phụ thân:

- Chuyện này không theo con được, ngày mai tam tẩu con sẽ tự mình qua Chư gia để bàn hôn sự. Con chỉ cần ngoan ngoãn đọc sách, chuyện trong nhà đã có Chư thị lo.

Sau đó nói:

- Ai hầu hạ Thọ Cô? Tất cả lôi ra đánh cho ta.

Phụ thân nói:

- Là vú Du chăm sóc Thọ Cô. Đây là lời con đã đồng ý với cữu huynh.

Giọng nói rất quật cường.

Tổ phụ nghẹn lời, tức giận đá mành đi mất.

Đậu Chiêu muốn nhắc ông: "Đây là thư phòng của ông! Tức thì có thể đuổi chúng ta đi, sao ông lại giận dữ bỏ đi?"

Phụ thân thở dài, bế Đậu Chiêu rời Hạc Thọ đường.

Gió đêm tháng tư vẫn hơi lạnh, ánh trăng sáng tỏ rải trên đình đài lầu các, yên tĩnh như tranh.

Bước chân của phụ thân càng lúc càng chậm, cuối cùng dừng lại bên hồ sen.

- Con biết không, Thọ Cô? Ngũ bá phụ con gửi thư về.

Hắn lẩm bẩm:

- Ngũ bá phụ con gửi thư về, Vương Hành Nghi chính là phụ thân của Vương di nương đã quay lại...

Tim Đậu Chiêu đập loạn, lúc này mới chính thức biết nội dung trong thư.

Không hổ là đại học sĩ nội các trong nay mai, tâm địa quá lãnh khốc.

Nàng như hít phải khí lạnh.

Trước giờ, nàng luôn nghĩ ngũ bá phụ và Vương Hành Nghi là đồng môn, lợi ích lại thống nhất, quan hệ vô cùng chặt chẽ, ngọn núi lớn của Vương Ánh Tuyết ở Đậu gia chính là Đậu Thế Xu mà lại quên mất Đậu Thế Xu cũng là người họ Đậu, quên mất rằng cục diện chính trị luôn sóng gió, quỷ quyệt.

Quanh hồ sen là những cây hoa kim ngân trắng nõn tựa ngọc, dưới ánh trăng như đang tỏa sáng, hương hoa thơm ngát lan tỏa.

Phụ thân và nàng ngồi sóng vai trên ghế đá bên hồ sen.

- Thọ Cô, con nói thế này là sao?

Hắn ngây ngốc nhìn hồ sen đang trổ lá, nói:

- Ta cố gắng đọc sách, thi đỗ công danh chẳng phải vì để làm rạng rỡ tổ tông, làm cho Đậu gia càng thêm hưng thịnh, để người họ Đậu sống tốt hơn sao? Nhưng giờ, mẫu thân con tự tử, ta và cữu cữu con trở mặt, muốn chịu tang cho mẫu thân con ba năm cũng không được, có thể sẽ kéo tiểu thư họ Chư vào, thậm chí còn khiến muội muội con sẽ mất mẫu thân... Ta không những không khiến người bên cạnh mình được sống an nhàn, thoải mái mà còn ngược lại, mọi chuyện càng trở nên rắc rối. Mọi thứ ta làm là vì cái gì đây? Ta đã rất có lỗi với mẫu thân của con, ta không thể lại có lỗi với tiểu thư họ Chư, có lỗi với Vương Ánh Tuyết...

Ánh mắt u buồn của phụ thân tựa như ánh trăng kia, như rất gần lại như rất xa.

Khiến Đậu Chiêu xót xa.

Phụ thân cô đơn như vậy, nỗi lòng của hắn chỉ có thể nói với con gái còn chưa hiểu chuyện trong đêm khuya thanh vắng thế này.

Nàng đột nhiên hơi hiểu ra, vì sao cả kiếp trước lẫn kiếp này, nàng chưa từng hận phụ thân.

※※※※※

Phụ thân vừa vào nhà chính đã viết thư, trời còn chưa sáng đã gọi Cao Thăng vào: "... Trước khi tam phu nhân ra cửa thì phải đưa được đến Chư gia ở thành đông".

Cao Thăng rất bất ngờ nhưng vẫn làm theo lời dặn của phụ thân.

Giữa trưa, tam bá mẫu trở về, sắc mặt như gặp đại họa.

- Tiểu thúc, bên Chư gia nói phải thành thân trước tiết Đoan Ngọ, quá nhanh. Người khác nghe xong còn tưởng rằng ngũ tiểu thư nhà bọn họ đi xung hỉ nữa.

Tổ phụ bất ngờ.

Chỉ có người không coi con dâu ra gì thì mới làm ra mấy chuyện như xung hỉ.

Lời này của Chư gia rất khó nghe.

Tam bá mẫu cũng nghĩ vậy, lại thở dài nói:

- Cũng không thể trách bọn họ tức giận được, chờ ba năm là chúng ta nói, giờ thành thân sớm cũng là chúng ta nói. Chư gia cũng là nhà phú quý, không phải vội vàng chuẩn bị đồ cưới nhưng thông báo cho thân bằng quyến thuộc chỉ sợ cũng không kịp.

- Ta cũng biết. Nhưng sự cấp thì phải tòng quyền, chỉ có thể như vậy.

Tổ phụ nói:

- Ta nhớ rõ Chư cử nhân có một vị tỷ tỷ gả đến nhà họ Trần ở huyện Tân Nhạc gần đây, hay là nhờ nàng ta nói đỡ?

- Con ăn trưa xong thì sẽ đến Tân Nhạc ngay.

Tam bá mẫu cũng không từ chối, lập tức đáp.

Tổ phụ nói mấy câu cảm tạ rồi giữ tam bá mẫu ở lại dùng cơm trưa.

- Đông Đậu, Tây Đậu vốn là một nhà, chuyện của thất thúc cũng là chuyện của nhà con.

Tam bá mẫu lại khách khí một hồi: 

- E rằng tối nay, con phải ở lại Tân Nhạc. Con cần lo liệu việc trong nhà, tiểu thúc đừng khách sáo, làm tốt chuyện này mới quan trọng".

Tổ phụ cũng không giữ lại, để Thu Phân tiễn tam bá mẫu ra ngoài.

Sau đó, bất kể là Tam bá mẫu nhờ ai đến nói chuyện thì Chư gia vẫn kiên quyết không chịu.

Tam bá mẫu vội đến độ không kịp nuốt nước bọt, vô cùng hối hận:

- Sớm biết như thế nên kết thân với tiểu đường muội của đại tẩu. Giờ muốn đổi người cũng phải đợi giấy từ hôn của Chư gia, chỉ sợ không kịp nữa rồi.

Tổ phụ giận chó đánh mèo lên phụ thân, trời nóng bức nhưng bắt phụ thân quỳ gối trước sân không cây cối che nắng suốt một một chiều khiến đầu gối phụ thân tím bầm, ngay cả đi đường cũng gian nan, phải mời đại phu đến khám bệnh.

Sau đó, đại ca của Vương Ánh Tuyết là Vương Tri Bính đột nhiên tới gặp.

Vương Tri Bính năm nay chưa đến ba mươi nhưng có lẽ vì cuộc sống gian nan khiến hắn trông già như đã bốn mươi tuổi.

Hắn đứng thẳng tắp trong sảnh chính, vững vàng như cây tùng vươn cao giữa trời xanh.

- Tiểu muội nhà tôi bị người làm ca ca như tôi liên lụy nên mới phải ra ngoài buôn bán. Vốn là không biết, giờ đã biết nên tôi tới đón tiểu muội về.

Giọng nói của hắn sang sảng:

- Vốn cũng không muốn nhận sính lễ nhà các người, giờ ông viết một tờ giấy thả thiếp, hai nhà chúng ta sau này không còn quan hệ, ai đi đường nấy.

Tổ phụ im lặng ngửa ngày, cuối cùng cho người mời Vương Ánh Tuyết đến.

Vương Ánh Tuyết thấy ca ca, vừa mừng vừa sợ.

- Đại ca, sao huynh lại quay về!

Nàng kìm lòng không đậu, nắm chặt tay Vương Tri Bính, mặt biến sắc:

- Có phải phụ thân... xảy ra chuyện gì?

Còn chưa nói hết, nước mắt đã tuôn rơi.

- Không phải, không phải!

Vương Tri Bính cũng rơm rớm nước mắt, vội nói:

- Phụ thân được bổ nhiệm làm huyện lệnh huyện Tân Thái, viết thư về nhà thì mới biết muội... muội vào phủ nhà họ Đậu. Phụ thân rất hối hận, tự tát mình ba cái, nói là mọi người đã làm liên lụy đến muội, bảo ta mau chóng đến đón muội về nhà.

- Huynh nói cái gì?

Vương Ánh Tuyết ngơ ngác nhìn Vương Tri Bính:

- Phụ thân, phụ thân... ông ấy đã quay về?

- Ừ.

Vương Tri Bính gật đầu lia lịa:

- Phụ thân quay về rồi, mấy ngày nữa sẽ đón mẫu thân và muội đi nhậm chức, nhà ta sẽ đoàn tụ, muội sẽ không còn phải phiền não chuyện ăn mặc gì nữa... Những việc sau này cứ để đại ca lo!

- Đại ca!

Vương Ánh Tuyết nắm tay áo Vương Trí Bính rồi khóc òa lên.

Vươn Tri Bính quay đầu đi, Vương Ánh Tuyết khóc ướt cả ống tay áo hắn. Hắn cũng dần bình tĩnh lại.

- Muội đừng khóc, muốn nói gì thì về nhà hãy nói.

Vương Tri Bính lại nhìn qua tổ phụ, nói:

- Nếu Đậu lão gia đã không còn gì dặn dò, chúng tôi xin cáo từ.

Ngay cả xiêm y, đồ đạc của Vương Ánh Tuyết cũng không cần.

Đương nhiên, tổ phụ không thể để Vương Ánh Tuyết cứ thế mà đi, cười nói:

- Lệnh tôn và Nguyên Cát nhà chúng ta vốn là đồng môn, không phải người ngoài. Nếu đã đến đây, không bằng ngồi xuống uống chén nước, muội muội ngươi vào nhà trước, các a hoàn và vú già của nó cũng cần thu dọn đồ đạc để lát nữa các ngươi mang tất cả theo. Lệnh tôn vừa mới quay lại, còn rất nhiều việc phải xử lý, dù sao cũng nên để mọi chuyện ổn thỏa đã. Vương thị có thể vào nhà chúng ta, dù là âm kém dương sai thì cũng không thể để nó tay không ra đi. Người khác nhìn thấy lại chẳng hay ho!

- Không cần!

Vương Trí Bính vừa đáp thì bên tai lại vang lên giọng nói cao vút, sắc nhọn của muội muội:

- Huynh nói cái gì? Muội theo huynh về, vậy Minh thư nhi thì sao? Con bé vừa tròn một tuổi mà thôi!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play