Chương 1: Tranh chấp
Edit: Heo con.
Nguồn: congchuakhangiay.
Đậu Chiêu cảm thấy mình không sống được bao lâu nữa.
Người xưa có câu: "Sinh dữ tử lành".
Mấy hôm nay nàng luôn mơ về quá khứ, ngồi dưới gốc tử đằng đang độ nở hoa, đung đưa đôi chân mũm mĩm, nhũ mẫu mập mạp như bánh bao đang dỗ nàng ăn cơm.
Có làn gió thổi qua, những dây hoa tử đằng rủ xuống rối vào nhau, những dây hoa buồn bã rung động thành một cụm như một tiểu cô nương đang khe khẽ thì thầm.
Nàng thấy thú vị, cười hì hì chạy đến, bắt lấy một dây, thuận tay ngắt đi một đóa hoa tử đằng đang nở rộ.
Nhũ mẫu đuổi theo:
- Tứ tiểu thư ngoan nào, ăn một miếng đi. Thất gia sắp từ kinh thành về rồi, đến lúc đó sẽ mua rất nhiều đồ ăn ngon cho tứ tiểu thư, còn cả giầy xinh nữa...
Nàng không thèm nhìn nhũ mẫu, tránh chiếc thìa bạc nhũ mẫu đưa tới, lại nắm lấy một dây hoa tử đằng khác.
Bên tai truyền đến một giọng nói thanh thúy:
- Sao vậy? Tứ tiểu thư lại không nghe lời?
Nhũ mẫu vội xoay người về phía giọng nói đó, kính cẩn gọi:
- Thất phu nhân.
Nàng cầm hoa tử đằng chạy qua:
- Mẫu thân, mẫu thân.
Thiếu phụ dịu dàng ôm lấy nàng.
Nàng đưa hoa tử đằng trên tay cho mẫu thân như thể đang dâng hiến vật quý.
Ánh mặt trời ngày xuân chiếu lên trâm vàng cài trên tóc mẫu thân và tay áo đỏ thẫm thêu kim tuyến, phản ra ánh sáng chói mắt. Người mẫu thân như dát một lớp vàng lóa mắt, mà mặt của mẫu thân cũng chìm trong ánh vàng đó khiến nàng không thấy được biểu cảm của người.
- Mẫu thân, mẫu thân...
Nàng cố nén cảm giác cay cay khóe mắt, ngửa đầu lên muốn nhìn rõ mẫu thân.
Gương mặt mẫu thân lại càng mơ hồ.
Có một tiểu a hoàn chạy tới, vui mừng bẩm:
- Thất phu nhân, thất gia đã từ kinh thành trở về!
- Thật sao!
Mẫu thân vui mừng đứng dậy, nhấc váy chạy ra ngoài.
Nàng cũng bạch bạch đôi chân ngắn cũn đuổi theo:
- Mẫu thân, mẫu thân!
Mẫu thân càng chạy nhanh, nháy mắt sẽ biến mất trong ngày xuân.
Nàng rướn người nhìn theo bóng mẫu thân, lớn tiếng la hét:
- Mẫu thân, mẫu thân! Phụ thân không trở về một mình đâu, phụ thân còn dẫn theo về một người đàn bà nữa. Nàng ta sẽ đoạt vị trí chính thê của người, dồn người đến bước đường cùng rồi tự tử bỏ mình...
Chẳng biết vì sao, tới câu nói quan trọng nhất này, lời nói lại dội lại trong đầu nàng mà miệng lưỡi thì ngơ ngẩn, không thể nói thành câu. Nàng chỉ có thể trơ mắt nhìn bóng dáng mẫu thân càng lúc càng xa, dần biến mất trong tầm mắt mình.
Lòng nóng như lửa đốt, chạy khắp nơi tìm mẫu thân.
Trong luồng sáng trắng, có tiếng người lớn cãi cọ không ngớt.
Nàng chạy qua.
Vừa rẽ đám người vừa lo lắng hỏi:
- Các người thấy mẫu thân ta không? Các người thấy mẫu thân ta không?
Bọn họ chỉ lo cãi nhau, không ai để ý tới nàng.
Mẫu thân đi đâu rồi?
Nàng hoang mang nhìn chung quanh, đột nhiên thấy sau tấm bình phong rực rỡ ánh ngọc lưu ly trong phòng khách, chắn lại cửa phòng như có bóng người loáng qua.
Chẳng lẽ mẫu thân trốn ở đó?
Nàng vui sướng chạy qua, đẩy tấm bình phong ra.
Làn váy đỏ thẫm thêu kim tuyến lay động trong không trung, váy rủ xuống lộ ra hai chân. Một chân chỉ mang chiếc tất trắng như tuyết, chân còn lại đeo giày đỏ thêu uyên ương hí thủy...
Nàng hét chói tai, mồ hôi đầm đìa, bừng tỉnh khỏi ác mộng.
Đập vào mắt lại là chiếc đèn cung đình bát giác quen thuộc đặt bên góc tường đang tản ra ánh sáng nhu hòa mà rực rỡ.
Trong phòng lặng yên không một tiếng động, đại a hoàn Thúy Lãnh đang ngồi lim dim trên ghế con ở đầu giường
Đậu Chiêu hít sâu một hơi!
Thì ra tiếng hét chói tai đó là ở trong mơ!
Nàng cố gắng áp chế sự sợ hãi trong lòng.
Mình bị bệnh, trong nhà hỗn loạn, người ngã ngựa đổ. Nhất là những a hoàn hầu hạ bên người phải ngày đêm bận rộn, mắt cũng không dám chớp dù chỉ một chút, chắc chắn là rất mệt mỏi.
Đậu Chiêu không gọi Thúy Lãnh, nhìn ngọn đèn ở góc tường, kìm lòng không được lại nghĩ về giấc mộng khi nãy.
Khi mẫu thân qua đời, nàng mới một tuổi mười một tháng, không nhớ nổi chuyện gì. Nếu không phải Thỏa Nương luôn trung thành với mẫu thân tìm đến nàng thì có lẽ ngay cả mẫu thân chết thế nào nàng cũng không rõ thì sao có thể biết được những suy nghĩ này.
Có lẽ do ban ngày nàng suy nghĩ quá nhiều, ngày nghĩ gì đêm mơ đó, nghe những lời của Thỏa Nương mới tưởng tượng ra như vậy!
Đậu Chiêu cảm thấy rất buồn, khó chịu đến không thở nổi, không nhịn được lại trở mình.
Tiếng vải sột soạt trong ban đêm yên tĩnh rất rõ ràng.
Thúy Lãnh bừng tỉnh, nghĩ mình trực đêm mà lại ngủ gật, sợ hãi gọi:
- Phu nhân!
Đậu Chiêu cười trấn an nàng:
- Ta hơi khát!
- Để nô tỳ châm trà cho phu nhân.
Thúy Lãnh đứng dậy, thở phào nhẹ nhõm.
Đậu Chiêu uống một ngụm trà nóng, hỏi nàng:
- Giờ là lúc nào? Hầu gia đã về chưa?
- Vừa qua giờ Tý ạ.
Thúy Lãnh ấp a ấp úng:
- Hầu gia... còn... còn chưa về!
Có vẻ rất bất an.
Ánh mắt Đậu Chiêu không khỏi trầm xuống.
Ngày tết trùng dương, nàng đến quý phủ chị chồng - phu nhân Ngụy Đình Trân của thế tử Cảnh Quốc công ngắm cúc thì nhiễm phong hàn, sau có hơi sốt. Lúc ban đầu cũng chẳng ai để ý kể cả Đậu Chiêu. Nghĩ mời ngự y đến kê thuốc là được. Ai ngờ uống thuốc rồi, bệnh chẳng những không thối lui mà lại càng nghiêm trọng. Mười ngày trước nằm liệt trên giường không dậy nổi, lúc đó mọi người mới hoảng hốt mời đại phu, thầy cùng, lễ bái thần phật, cả nhà gà bay chó sủa, trượng phu nàng là Tế Ninh hầu Ngụy Đình Du thậm chí còn đặt thêm giường ở ngoài bình phong cho nha hoàn hầu hạ nàng ban đêm.
Chiều hôm qua, tứ gia Uông Thanh Hải nhà Duyên An hầu đến tìm Ngụy Đình Du. Hai người thì thầm to nhỏ hồi lâu rồi Ngụy Đình Du lấy cớ đi ăn cơm với Uông Thanh Hải để ra ngoài, đến bây giờ còn chưa trở về.
Uông Thanh Hải tự là Đại Hà, đều xuất thân trong nhà công hầu giống Ngụy Đình Du, từ nhỏ lớn lên bên nhau, đều thích cưỡi ngựa, bắn cung, đá bóng (bóng ngày xưa), quan hệ rất tốt. Nếu là bình thường, Đậu Chiêu cũng mặc kệ, tiếp tục kê cao gối ngủ. Nhưng nửa tháng trước, nhạc phụ của Uông Thanh Hải là Đông Bình bá Chu Thiếu Xuyên vì tham ô nên bị hoàng thượng xét nhà đoạt tước, giam vào ngục tối. Hắn tới chạy lui vì việc của nhạc phụ. Nàng sợ Ngụy Đình Du cũng bị kéo vào.
- Ngươi bảo hầu già đang canh cửa ra ngoại viện xem sao, có phải hầu gia nghỉ tại thư phòng không?
Đậu Chiêu lo lắng nói:
- Nếu hầu gia không ở thư phòng thì ra hỏi người đang canh cổng. Lúc nào hầu gia về, mời hầu gia đến phòng ta.
Thúy Lãnh vâng một tiếng rồi đi.
Chỉ mất khoảng một chung trà, nàng đã vội vã trở về:
- Phu nhân, hầu gia đã về!
Nàng nói xong, ngữ khí dồn dập, lại bổ sung một câu:
- Hầu gia vừa từ ngoài về, lát nữa sẽ đến phòng phu nhân.
- Ta biết rồi!
Đậu Chiêu chật vật ngồi dậy.
Thúy Lãnh đang định chải tóc lại cho nàng thì Ngụy Đình Du đã vào đến trong phòng.
Tuy rằng đã trở thành bậc công hầu từ lâu nhưng Ngụy Đình Du cũng không giống những công hầu bá khanh sống trong tửu sắc mà tinh thần uể oải hay sống trong an nhàn mà bụng béo mặt phị. Người hắn cao lớn, ngũ quan tuấn tú, động tác nhanh nhẹn, mỗi lần giơ tay nhấc chân đều tràn ngập sức sống, thần thái ngược lại càng thêm trẻ trung, nếu thấy thì cũng chỉ nghĩ hắn hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, là mỹ nam nổi danh kinh thành.
Thấy Đậu Chiêu khoác áo ngồi dậy, hắn kinh ngạc nói:
- Sao nàng còn chưa ngủ?
Đậu Chiêu lại hỏi:
- Uông tứ gia tìm hầu gia có chuyện gì?
- À!
Ngụy Đình Du đảo mắt lảng tránh:
- Không có việc gì, chỉ là buồn bã nên tìm ta uống rượu...
- Hầu gia!
Đậu Chiêu hắng giọng, không khách khí cắt ngang lời Ngụy Đình Du:
- Uông tứ gia đến nhờ hầu gia giúp đỡ đúng không? Hầu gia từng nghĩ vì sao Đông Bình bá phải vào tù chưa? Nếu hầu gia chen chân vào chốn nước đục này, làm bề trên tức giận thì sẽ gặp phiền phức gì? Dù hầu gia không nghĩ đến thiếp đây nhưng mẫu thân đã lớn tuổi, con vẫn còn nhỏ, hầu gia mặc kệ mọi thứ sao?
- Nàng đừng coi ta giống trẻ lên ba nữa!
Ngụy Đình Du cười nói:
- Đông Bình bá chẳng qua là say rượu nói nhảm mấy câu, nhắc đến những kẻ từng làm phản nên mới bị bắt giam. Đừng nói là ta, khắp kinh thành có ai không biết? Nàng đừng lo lắng. Ta tự có tính toán của riêng mình, sẽ không liên lụy đến nàng và bọn trẻ.
Giọng điệu nói như có lệ.
Đương kim hoàng thượng qua một vụ cung biến mà lên ngôi, kỵ nhất là người khác lén bàn đến chuyện này. Cái gọi là Đông Bình bá say rượu nói nhảm chỉ sợ cũng từ đấy mà ra.
Mười mấy năm vợ chồng, tính Ngụy Đình Du thế nào, Đậu Chiêu hiểu rõ như lòng bàn tay.
Hắn nói như vậy, Đậu Chiêu càng lo lắng, không bắt Ngụy Đình Du hứa hẹn là không an tâm:
- Phàm những chuyện liên quan đến Chu gia thì chàng đừng nhúng tay!
Ngụy Đình Du nghe vậy tức giận nói:
- Nàng có ý gì? Đại Hà là bạn tri kỉ của ta, giờ hắn xảy ra chuyện ta lại mặc kệ, đó còn là con người nữa sao?
Sau đó cười mỉa mai:
- May mà Đại Hà không bảo ta đến nhờ nhạc phụ, bằng không chẳng phải nàng đã trở mặt với ta rồi sao!
Phụ thân Đậu Chiêu là Đậu Thế Anh, ông là học sĩ Hàn Lâm viện, Chiêm Sự phủ (một chức quan giúp việc cho thái tử), chức quan chưa quá tứ phẩm nhưng lại rất được hoàng thượng coi trọng, thường được hoàng thượng triệu tiến cung, giảng bài cho thái tử và các hoàng tử.
Nghe những lời trách cứ này, nàng giận đến suýt không thở nổi.
Ngụy Đình Du thấy thế thì hoảng hốt, thấp giọng nói:
- Nàng biết Đại Hà tìm ta làm gì không?
Nói xong, hắn trợn trừng mắt, giận dữ nói:
- Tên cẩu tặc Tống Mặc kia lại dám bắt thập tam tiểu thư và thập tứ tiểu thư của Chu gia về nhà!
Đậu Chiêu sợ hãi:
- Thế Chu phu nhân đâu?
- Cũng ở trong phủ.
Giọng Ngụy Đình Du nhỏ như muỗi, xấu hổ nói.
Đậu Chiêu như hít phải khí lạnh.
Chu phu nhân là vợ kế của Đông Bình bá, là cháu gái của chỉ huy sứ Mật Vân vệ - Tào Tiệp, năm nay ba mươi hai tuổi, dung mạo xinh đẹp. Thập tam, thập tứ tiểu thư của nhà họ Chu là đôi tỷ muội do Chu phu nhân sinh ra, thanh xuất ư lam, xinh đẹp hơn cả mẫu thân, còn chưa cập kê mà những người muốn cầu hôn đã đạp hỏng cổng nhà.
- Hắn bỏ qua đạo đức, đi ngược thế tục mà hoàng thượng cũng không quản sao?
Ngụy Đình Du cười lạnh:
- Hắn giết cha sát đệ, hoàng thượng cũng chỉ phạt hắn ba năm bổng lộc, cách chức hắn nhưng vẫn cho hắn cơ hội lập công chuộc tội. Nàng cho là hoàng thượng sẽ vì chuyện này mà chỉ trích hắn sao?
Đậu Chiêu im lặng.
Chương 2: Bất đồng
Edit: Heo con
Nguồn: congchuakhangiay
Tống Mặc, tự Nghiên Đường, là trưởng tử của Anh Quốc công Tống Nghi Xuân, mẫu thân là Tưởng thị, em gái ruột của Định Quốc công Tưởng Mai Tôn. Xuất thân cực kì hiển hách, năm tuổi đã được phong làm thế tử. Mười bốn tuổi, trong thời gian chịu tang mẹ mà lại để thông phòng có thai nên bị ngự sử buộc tội. Sau khi bị Anh Quốc công đuổi khỏi nhà, hắn không rõ tung tích. Thái Bình năm thứ mười ba, hoàng đế Mục Tông sinh bệnh, ngũ hoàng tử Liêu vương trấn tại Liêu Đông nhờ mẹ là Vạn hoàng hậu nói tốt nên được hồi kinh thăm bệnh, sau đó phát động cung biến, bắn chết thái tử do Cố hoàng hậu Thẩm thị sinh hạ rồi giam lỏng hoàng thượng, tự mình gánh vác đại nghiệp.
Tống Mặc sớm đã trở thành người chỉ còn xuất hiện trong mỗi lần trà dư tửu hậu giờ lại trở thành cánh tay đắc lực của hoàng thượng, xuất hiện trước mặt mọi người.
Hắn đơn thương độc mã rút kiếm xông vào phủ Anh Quốc công, trước mặt phụ thân chặt đứt tứ chi của em trai là Tống Hàn, để phụ thân trơ mắt nhìn Tống Hàn chết trong vũng máu rồi mới chém đầu phụ thân. Thủ đoạn tàn nhẫn, hành vi bạo ngược khiến cả kinh thành xôn xao. Vì thế bao năm qua, tên hắn đã trở thành cái tên để dọa trẻ con trong kinh thành.
Ngự sử đều dâng sớ đề nghị hoàng thượng bắt lấy hung phạm, giữ nghiêm luật pháp.
Hoàng thượng trừng phạt Tống Mặc qua loa rồi nhốt hắn vào Tây Uyển đại nội.
Sau sáu tháng, Tống Mặc vào Cẩm Y vệ, trở thành một lính nhỏ canh giác phủ Bắc Trấn, chức quan thất phẩm.
Một năm sau, Tống Mặc đã trở thành chỉ huy sứ Cẩm Y vệ, là quan tam phẩm.
Mọi người đồn rằng Tống Mặc có công lớn bắn chết thái tử trong vụ cung biến năm nào nên hoàng thượng mới ưu ái như vậy.
Như để xác minh những lời này, trong mười hai năm hoàng thượng tại vị, bất kể hắn tham ô, vu hãm trung lương, thao túng quan ngự sử, mua quan bán tước, ức hiếp kẻ yếu, hoành hành ngang ngược, thậm chí là tham dâm háo sắc mà Tống Mặc vẫn cao cao tại thượng, thậm chí những ngôn quan từng kết tội hắn đều bị hoàng thượng tránh mắng, cách chức, phạt trượng.
Thấy người như vậy, chuyện như vậy, Đậu Chiêu không thể không nản chí. Nhưng nếu bỏ mặc Ngụy Đình Du châu chấu đá xe thì sẽ hại cả nhà, thậm chí có thể liên lụy đến cả dòng tộc.
Nàng lẩm bẩm:
- Nhà họ Chu đổ còn có nhà họ Tào, sao đến lượt chàng và Uông tứ gia? Đừng tự chuốc họa vào thân! Theo thiếp, chúng ta nên thận trọng thì hơn.
Không đợi nàng dứt lời, Ngụy Đình Du đã hừ một tiếng, khinh thường nói:
- Sao ta tính toán được nhiều như nàng. Ta chỉ biết quân tử có chuyện nên làm, có chuyện không nên làm. Ta nhất định phải can thiệp vào chuyện này!
Cũng như nàng ý chí sắt đá, vì an nguy của bản thân mà thờ ơ với mẹ con nhà họ Chu vậy.
Thái độ của Ngụy Đình Du khiến Đậu Chiêu tổn thương.
Nàng cười lạnh, nói:
- Tống Mặc còn chưa thành thân, cũng chưa có con nối dõi. Mỹ nữ trong nhà hắn nhiều như mây, có thể sánh với hậu cung của hoàng thượng, tất cả đều là những quan lại muốn nịnh bợ, cầu cạnh dâng cho. Thiếp nghe nói từng có nữ tử thắt cổ trong nhà hắn rồi bị đưa ra từ cửa sau, có nữ tử muốn cạo đầu đi tu cũng được hắn đưa đến am ni cô, cũng có nữ tử được quan lại khác để mắt hắn cũng tặng cho người ta, còn có nữ tử không chịu nổi sự hoang dâm của hắn mà bỏ trốn nhưng chưa từng nghe nói có nữ tử nào được hắn cố công bắt về. Chàng hãy hỏi thăm cho kĩ rồi hẵng nói?
Ngụy Đình Du như bị sét đánh, ánh mắt dại ra, ngồi sững người nơi đó, hồi lâu sau cũng không nhúc nhích.
Đậu Chiêu không để ý đến hắn, tự mình chật vật nằm xuống.
Nến lách tách vài tiếng. Nàng nghe thấy Ngụy Đình Du lẩm bẩm sau lưng mình:
- Ta... nhưng chẳng phải ta đã nhận lời với Đại Hà rồi sao? Đổi ý thể nào được? Hơn nữa Đại Hà còn nhờ cả bọn Vĩnh Ân bá chứ không chỉ riêng ta. Mọi người đã thống nhất ngày mai cùng nhau tiến cung diện thánh, tố cáo Tống Mặc với hoàng thượng. Nếu ta không đi...
Đậu Chiêu thản nhiên nói:
- Không phải thiếp bị bệnh sao?
- Đúng vậy! Đúng vậy!
Ngụy Đình Du vui mừng nói:
- Ta phải ở nhà chăm sóc nàng!
Đậu Chiêu bật cười, đang muốn nhắc nhở Ngụy Đình Du thêm mấy câu tránh để hắn lại bị mấy người Vĩnh Ân bá khuyên can rồi thay đổi quyết định thì Thúy Lãnh vội vàng đi vào.
- Bẩm hầu gia, phu nhân. Duyên An hầu tới!
- Hả?!
Ngụy Đình Du lo lắng nhìn Đậu Chiêu.
Duyên An hầu Uông Thanh Hoài là huynh ruột của Uông Thanh Hải.
- Tránh không gặp cũng không hay cho lắm.
Đậu Chiêu trầm ngâm nói:
- Đêm hôm khuya khoắt đến tìm chàng hẳn là vì chuyện quan trọng. Chàng cứ lấy cớ chăm sóc thiếp, đừng đồng ý điều gì cả!
- Được!
Ngụy Đình Du lấy lại tinh thần, đi ra ngoại viện.
Đậu Chiêu vội dặn dò Thúy Lãnh:
- Ngươi mau đi xem Duyên An hầu tìm hầu gia có chuyện gì?
Thúy Lãnh vâng lời lui ra.
Tiếng trống canh bốn vang lên, Ngụy Đình Du vui mừng đi vào phòng. Hắn nhướng mày nói:
- Phu nhân! Nàng đoán xem Duyên An hầu tìm ta làm gì?
Đậu Chiêu đã nhận được tin từ lâu nhưng vẫn phối hợp cười hỏi:
- Làm gì?
- Duyên An hầu không cho Đại Hà lo chuyện nhà họ Chu, đã cấm Đại Hà ra ngoài, lại sợ mấy người chúng ta ngày mai theo kế hoạch tiến cung nên mang cả quà đến cảm tạ! Hắn đến nhà chúng ta đầu tiên. Duyên An hầu cũng nói y như phu nhân vậy!
Đậu Chiêu cười nói:
- Vậy là tốt rồi. Hầu gia cũng có thể an tâm.
- Khó trách người ta nói nhà có hiền thê như có bảo bối.
Ngụy Đình Du khen Đậu Chiêu:
- May mà có phu nhân, không thì ta thành trò cười mất.
Sau đó, hắn nằng nặc đòi ngủ trên giường cùng Đậu Chiêu, còn phô trương thanh thế kêu gào:
- Ta muốn ngủ trên giường, ta không muốn ngủ ở giường đơn.
Cái này cũng coi như là nhận lỗi.
Đậu Chiêu nhích ra cho hắn nằm.
Chỉ chốc lát, Ngụy Đình Du đã phát ra tiếng ngáy nho nhỏ.
Mấy ngày nay, Đậu Chiêu ngủ không ngon, bị tiếng động này càng không ngủ được, nghĩ nghĩ rồi đẩy Ngụy Đình Du.
- Sao vậy?
Ngụy Đình Du mơ màng hơi mở mắt rồi lại nhắm lại.
- Hầu gia, thiếp có lời muốn nói với hầu gia.
- Hả?
Ngụy Đình Du ngạc nhiên, lúc lâu sau mới lười nhác ngồi dậy, dựa vào đầu giường, ngáp một cái rồi hỏi:
- Nàng muốn nói gì?
Đậu Chiêu sai Thúy Lãnh đem áo khoác lông cho Ngụy Đình Du rồi mới chậm rãi nói:
- Thiếp nghĩ nên quyết định hôn sự cho Uy ca nhi đi thôi!
Ngụy Đình Du sửng sốt.
Uy ca nhi là con trai trưởng của họ, năm nay mười bốn tuổi. Không chỉ tuấn tú khôi ngô mà còn thông minh hơn người, làm việc cẩn trọng, rất được tỷ tỷ hắn là Ngụy Đình Trân yêu quý. Từ hai năm trước, tỷ tỷ bắt đầu ám chỉ bóng gió, muốn trưởng nữ Thái Bình nhà mình gả cho Uy ca nhi.
Một là thế tử của phủ Tế Ninh hầu, một là cháu gái của phủ Cảnh Quốc công, không những môn đăng hộ đối lại còn là bà con. Hắn cảm thấy không có cửa hôn nhân nào tốt hơn. Chỉ là mỗi lần đề cập đến, bất kể tỷ tỷ, mẫu thân hay là hắn cũng đều bị Đậu Chiêu cười trừ cho qua. Chuyện này cứ vậy bị gác lại.
Giờ Đậu Chiêu nhắc đến hôn sự của con trai trưởng, cơn buồn ngủ của Ngụy Đình Du hoàn toàn tiêu tan, cười cười nói:
- Tỷ tỷ đến trước mặt nàng hỏi thì nàng xa cách, giờ chúng ta chủ động, cẩn thận tỷ tỷ lại làm bộ làm tịch khiến nàng đụng phải đinh đó!
Đậu Chiêu cười cười, chờ Ngụy Đình Du ngừng cười thì mới nói:
- Thiếp muốn Uy ca nhi lấy cháu gái trưởng của Tuyên Ninh hầu Quách Hải Thanh.
Nụ cười của Ngụy Đình Du cứng lại, miệng giật giật, không biết nói gì cho phải.
Sao Đậu Chiêu có thể không rõ tâm tư của chồng và mẹ chồng?
Nàng cũng có suy nghĩ của riêng mình.
Cha chồng nàng đột nhiên bạo bệnh qua đời. Lúc đó, Ngụy Đình Du còn chưa đến hai mươi, không có kinh nghiệm quản lý việc nhà. Tính cách mẹ chồng lại quá hiền lành, không thể giúp gì. Tất cả là nhờ Ngụy Đình Trân chỉ điểm thì mới vượt qua được sự rối loạn ban đầu. Cũng vì thế, Ngụy Đình Du và mẹ chồng nàng luôn hỏi ý kiến của Ngụy Đình Trân và nhờ nàng ta quyết định. Dần dần, uy danh của Ngụy Đình Trân ở Ngụy gia lớn dần, chỉ cần nàng mở miệng thì Ngụy Đình Du và mẹ chồng đều không phản đối. Thế cho nên, ở Ngụy gia, lời nói của Ngụy Đình Trân có tác dụng hơn Ngụy Đình Du và mẹ chồng nàng nhiều.
Mẹ đẻ Đậu Chiêu sớm qua đời. Khi còn là một cô nương, nàng luôn có cảm giác ăn nhờ ở đậu. Điều nàng khát khao nhất chính là có một mái ấm của riêng mình, há có thể để Ngụy Đình Trân lúc nào cũng ở bên cạnh khoa chân múa tay?
Lúc mới gả vào, nàng không hiểu chuyện vì vậy chịu không ít khổ, âm thầm rơi không biết bao nhiêu nước mắt. Mãi đến khi nàng sinh hạ hai trai một gái, đảm đương mọi việc trong ngoài phủ, Ngụy gia ngày một giàu có thì Ngụy Đình Trân mới tém tém lại một chút.
Nếu làm thông gia với Ngụy Đình Trân, nàng ta vừa là nhạc mẫu vừa là bác gái của con mình. Dựa vào cách hành xử mạnh mẽ của nàng ta, chẳng lẽ để con mình sẽ bị đè đầu cả đời? Nhỡ đâu giữa vợ chồng có gì không hòa thuận thì chẳng phải đến người đứng ra nói tiếng công bằng cũng không có?
Nàng quyết không đồng ý hôn sự này.
Nhưng nàng cũng biết, không có lý do chính đáng thì mẹ chồng và Ngụy Đình Du sẽ không đồng ý để nàng chọn con dâu khác.
Nàng luôn luôn cân nhắc chuyện này.
Vừa vặn tết Trùng Dương đến phủ Cảnh Quốc công thưởng cúc, cô cả của phủ Cảnh Quốc công trêu nàng: "...Đại tẩu ta thương em trai, chống đối ca ca ta, muốn gả Thái Bình đến nhà các ngươi. Nếu theo ý cha ta thì muốn Thái Bình gả đến phủ Tĩnh Giang hầu!"
Hóa ra Cảnh Quốc công đã có tính toán sẵn.
Lúc đó, Đậu Chiêu đã nghĩ ra được lý do thuyết phục Ngụy Đình Du và mẹ chồng, chỉ là vẫn chưa có cơ hội nói chuyện.
Giờ đêm dài vắng người, chính là lúc thích hợp
Cho nên thấy trượng phu trợn mắt há mồm, nàng mỉm cười, nói lại lời của cô cả phủ Cảnh Quốc công cho Ngụy Đình Du nghe, lại nói thêm:
- Cô cả bên đó sẽ không vô duyên vô cớ nói chuyện này với thiếp. E rằng tỷ tỷ và cô gia bất đồng ý kiến về hôn sự của Thái Bình. Mấy năm nay, tỷ tỷ giúp chúng ta không ít, tuy tỷ ấy là phu nhân thế tử nhà Cảnh Quốc công nhưng chủ nhà giờ vẫn là Cảnh Quốc công. Nếu vì hôn sự của Uy nhi và Thái Bình khiến tỷ ấy bị Cảnh Quốc công ghét thì chúng ta thật khó xử!
Trăm sự chữ hiếu phải đặt lên đầu.
Nếu con dâu bị cha chồng ghét thì sao dễ sống? Có khi còn bị bỏ nữa.
Mặt Ngụy Đình Du tái mét, trách cứ nàng:
- Nếu nàng chịu đồng ý sớm thì sẽ không thành ra thế này! Giờ phải làm sao cho tốt đây?
Nàng bày kế cho Ngụy Đình Du:
- Hay là hầu gia thương lượng với mẫu thân đi? Xem chuyện này nên làm thế nào cho tốt?
Mắt Ngụy Đình Du sáng lên:
- Đúng vậy! Sao ta không nghĩ ra sớm!
Hắn cũng bất chấp trời còn chưa sáng, kêu Thúy Lãnh hầu hạ hắn mặc quần áo:
- Ta phải gặp mẫu thân.
Người lớn tuổi thường khó ngủ. Giờ này, bà hẳn đã dậy rồi.
Đậu Chiêu cũng không ngăn cản hắn, kêu một tiểu a hoàn xách đèn lồng cho Ngụy Đình Du, đưa hắn đến chỗ mẹ chồng.
Nếu nàng tính không sai, mẹ chồng được tin sẽ lập tức cùng Ngụy Đình Du qua tìm nàng.
Nàng chợp mắt một lúc lại bị Thúy Lãnh đánh thức.
Mẹ chồng và Ngụy Đình Du đều đã đến
Không đợi nàng mở miệng, mẹ chồng nàng đã vội vàng hỏi:
- Con nói thật ư?
Lại hoang mang nói:
- Sao Đình Trân chưa từng nhắc chuyện này với ta?
Chương 3: Chua xót
Edit: Heo con
Nguồn: congchuakhangiay.
- Tỷ tỷ đã nói ra rồi sao tiện nuốt lời!
Đậu Chiêu cười nói:
- Vừa hay hai hôm trước Quách phu nhân phái người chuyển lời với con, nói là muốn kết thân với nhà ta. Cho nên con nghĩ hay là để Uy ca nhi lấy cháu gái của Tuyên Ninh hầu, chủ động giải đi khúc mắc này, cũng tránh để tỷ tỷ phải đắc tội với cha chồng rồi lâm vào cảnh khó xử.
Mẹ chồng nàng gật đầu, thay đổi quyết định khi xưa, quả quyết:
- Cứ làm theo ý con. Quách phu nhân và con thân thiết với nhau, nhà ta đều biết cháu gái nhà đó thế nào. Nhân phẩm, tướng mạo cũng coi là vạn người mới chọn được một, rất xứng với Uy ca nhi. Việc này không nên chậm trễ. Ngày mai, con sai người đến nhà họ Quách cầu hôn đi!
Nói xong mới nhớ ra Đậu Chiêu còn bị bệnh, vội sửa lời:
- Thôi thôi, để ta tự lo chuyện này. Con cứ nghỉ ngơi cho tốt, mọi chuyện đã có ta rồi!
Sau đó kéo Ngụy Đình Du về phòng mình để bàn bạc chuyện đính hôn của Uy ca nhi.
Trong lòng Đậu Chiêu thoáng bình tĩnh lại, sai Thúy Lãnh:
- Ngươi mời thế tử đến gặp ta!
Có một số việc phải dặn dò Uy ca nhi mới được!
Thúy Lãnh đáp lời rồi đi.
Đậu Chiêu mệt mỏi nằm xuống, ngủ thiếp đi tự khi nào không biết.
Trong lúc mơ màng lại nghe được những tiếng ồn ào:
- Tỷ tỷ ơi! Không phải ta muốn khóc lóc om sòm điêu ngoa ở đây, ta lo lắng cho bệnh của phu nhân.
Giọng nói lanh lảnh, chói tai của Hồ di nương truyền vào tai nàng:
- Người trong phủ đều kháo nhau rằng bệnh của phu nhân không ổn. Ta muốn biết chính xác.
Nàng nói xong lại bắt đầu khóc ầm lên như chết cha chết mẹ:
- Nếu phu nhân có chuyện gì không may thì ta và tam thiếu gia phải sống thế nào đây! Chẳng thà ta đi theo phu nhân...
Ngụy Đình Du có bốn người thiếp, sau khi Nhuy ca nhi được bốn tuổi, bọn họ cũng lần lượt sinh cho Ngụy Đình Du bốn trai, bốn gái.
Đả hổ thân huynh đệ, thượng trận phụ tử binh. (Nghĩa là hai anh em cùng đánh hổ, hai bố con cùng ra trận).
Hai con trai của Đậu Chiêu đều đã lớn, nàng không ngại để thiếp thất khai chi tán diệp cho Ngụy gia.
Những đứa trẻ đó có tiền đồ, tương lai cũng có thể giúp Uy ca nhi và Nhuy ca nhi.
Hồ di nương này chính là thiếp đầu tiên sinh con trai.
Khi đó, nàng ta ỷ vào mình trẻ đẹp mà vênh váo một thời.
Đậu Chiêu chẳng lên tiếng nhưng lại giúp Ngụy Đình Du nạp thêm hai người thiếp tướng mạo xuất chúng, tinh thông cầm kỳ.
Đây chính là khẩu vị của Ngụy Đình Du.
Ngày ngày đêm đêm cùng với hai tân di nương thì sao còn nhớ rõ Hồ di nương là ai?
Bấy giờ, Hồ di nương mới giật mình hiểu ra, chỉ cần Đậu Chiêu muốn thì Hầu gia sủng ái ai sẽ sủng ái người đó, muốn lạnh nhạt với ai thì sẽ lạnh nhạt người đó!
Nàng ta gạt bỏ sự kiêu ngạo, ngoan ngoãn nịnh bợ Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu lại nạp thêm một người thiếp am hiểu cầm kỳ thi họa cho Ngụy Đình Du.
Mấy di nương này đã biết sự lợi hại của Đậu Chiêu, từ đó về sau không ai dám vênh váo, đều tỏ vẻ ngoan ngoãn.
Các nàng biết điều đương nhiên Đậu Chiêu sẽ không làm khó các nàng. Trang sức, quần áo bốn mùa của di nương, a hoàn hầu hạ con của các nàng đều được thu xếp thỏa đáng, so với con cái chính thất cũng chẳng kém chút nào. Mấy di nương yên tâm lấy lòng Đậu Chiêu, hầu hạ Ngụy Đình Du, sinh con đẻ cái, nhà cửa cũng được yên bình.
- Di nương nói bậy bạ gì đó?
Thúy Lãnh giận dữ trách Hồ di nương:
- Sao cứ đi tin mấy lời đồn thất thiệt rồi nói những lời không hay? Hầu gia và phu nhân nói chuyện đến hơn nửa đêm, phu nhân vừa mới ngủ lại, chẳng lẽ di nương định đánh thức phu nhân sao?
- Không phải, không phải!
Hồ đại nương vội giải thích:
- Ta... ta chỉ là rất đau lòng... Hận không thể bị bệnh thay phu nhân...
Nàng nói rất tình thiết ý tha.
Đậu Chiêu tin lời nàng nói là thật lòng.
Nếu Đậu Chiêu chết, nhiều nhất một năm, Ngụy Đình Du sẽ tái giá, sẽ có người mới xinh đẹp cùng hắn cầm sắt hòa minh. Uy ca nhi là thế tử phủ Tế Ninh, lại sắp đính hôn, không còn mẹ đẻ nhưng còn nhà vợ giúp đỡ. Về phần Nhuy ca nhi và con gái nàng đã có Uy ca nhi là anh ruột, sẽ không phải chịu thiệt. Chỉ có các di nương, con còn nhỏ, dung nhan dần tài phai, không nơi nương tựa.
- Cho dù là thế, di nương cũng đừng gây rối trước cửa phòng phu nhân.
Khuyên giải Hồ di nương là một giọng nói ôn hòa mà vẫn nghiêm khắc:
- Nếu các vị di nương khác cũng giống người thì chẳng phải là nhà cửa đã rối tung lên rồi sao! Sáng sớm tinh mơ thế này, hẳn di nương còn chưa dùng bữa sáng? Không bằng về phòng ăn sáng đi, đợi lát nữa phu nhân dậy rồi lại đến...
Đó là giọng nói của Chu thị!
Đậu Chiêu sửng sốt.
Chu thị là nhũ mẫu nàng đã tuyển chọn cực kì kĩ lưỡng cho con trai trưởng của mình, phẩm hạnh thuần lương, hiền lành phóng khoáng, còn yêu thương Uy ca nhi hơn cả con ruột. Hơn hết, nàng ta rất có trách nhiệm. Uy ca nhi làm sai, nàng ta sẽ không vì mình chỉ là nhũ mẫu mà mặc kệ, luôn cẩn thận dạy dỗ, đốc thúc hắn sửa sai. Thế cho nên sau khi Đậu Chiêu sinh hạ con trai thứ cũng giao cả cho nàng ta chăm sóc. Nàng được rảnh tay để toàn tâm toàn ý lo chuyện trong Ngụy phủ.
Hậu quả chính là hai con tuy rất kính sợ, nghe lời nàng nhưng lại không có tình cảm mẹ con thân thiết với nàng.
Đậu Chiêu hối hận vô cùng!
Đầu tiên, nàng lấy cớ dưỡng bệnh mà đưa Chu thị đến biệt viện Tây Sơn của phủ Tế Ninh, sau đó tự mình chăm sóc việc ăn mặc của hai đứa con trai, dạy bọn chúng học hành, còn bảo Ngụy Đình Du dạy hai con cưỡi ngựa...
Nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
Chu thị thật thà chất phác, làm việc không có gì để người ta chê trách. Uy ca nhi mười tuổi và Nhuy ca nhi chín tuổi chẳng những ghi nhớ mà còn hiểu chuyện. Nàng làm như vậy không những không khiến hai con gần gũi hơn mà ngược lại chúng càng thêm xa lánh nàng.
Nàng biết hai con trách nàng đưa Chu thị đi.
Nhưng ai có thể hiểu được nỗi đau của một người mẹ khi bị ngăn cách với các con của mình?
Có lẽ là nữ nhân hiểu nữ nhân. Chu thị thoáng cảm nhận được khúc mắc của nàng với mình nên sau khi đến điền trang, nàng ta chưa bao giờ chủ động liên hệ với Uy ca nhi và Nhuy ca nhi, càng không cần nói đến chuyện đột nhiên về phủ mà không báo trước.
Chu thị tới làm gì?
Đậu Chiêu đang miên man suy nghĩ thì nghe thấy tiếng reo từ bên ngoài:
- Nhũ mẫu, sao nhũ mẫu lại về đây? Đường từ điền trang về kinh rất khó đi. Sao nhũ mẫu không báo với con để con phái người đánh xe đến đón?
Giọng nói dễ nghe của một thiếu niên, là Uy ca nhi.
Sau khi nàng bị bệnh, con phải hầu hạ nhưng nàng thương con, sợ lây bệnh cho con nên chỉ để bọn trẻ đến vấn an buổi sớm và buổi chiều, lúc này đến hẳn là vội tới gặp nàng.
Hắn là con trai trưởng của phủ Tế Ninh hầu, từ nhỏ đã được bồi dưỡng thành người thừa kế, lại có tấm gương Ngụy Đình Du, Đậu Chiêu nghiêm khắc với nó hơn hẳn những đứa trẻ con nhà công hầu khác. Càng lớn nó càng trưởng thành, hành sự rất thỏa đáng, được không ít người khen ngợi. Đậu Chiêu cũng vì thế mà thầm tự hào.
Phấn khích như đứa trẻ? Đây là đứa con luôn bình tĩnh, vững vàng của nàng sao?
Đậu Chiêu làm chuyện chính nàng luôn khinh bỉ.
Nàng khoác ác xuống giường, nhìn lén Chu thị và con qua cửa sổ.
Có lẽ là sợ kinh động đến nàng, Chu thị thì thầm:
- ... Nghe nói phu nhân bị bệnh, ta muốn về thăm. Con đừng lo, ta thỉnh an phu nhân rồi sẽ đi.
Sau đó hỏi hắn:
- Thời gian này con khỏe không? Ta nghe nhị thiếu gia nói con và mấy vị công tử của phủ Cảnh Quốc công đi săn, bắt được mấy con gà cảnh?
Uy ca nhi hổ thẹn bất mãn gọi:
- Nhũ mẫu, biểu huynh săn được mấy con thỏ!
Chu thị cười:
- Bắt được mấy con thỏ thì có gì ghê gớm!
Nàng ta phủi vạt áo vốn không hề nhiễm bụi cho Uy ca nhi, cảm thán:
- Thế tử nhà chúng ta trưởng thành rồi cũng sẽ biết cưỡi ngựa, săn thú như hầu gia. Lần này bắt được gà nhưng lần sau chắc chắn là bắt được hươu giống hầu gia.
Nàng ta hơi hất cằm, vẻ mặt lộ rõ sự kiêu ngạo và hãnh diện.
Uy ca nhi sửng sốt, sau đó thì ngượng ngùng nhưng vẫn vui mừng cười nói:
- Nhũ mẫu ở điền trang quen không? Nhũ huynh* thế nào rồi? Có cần con bảo quản sự trong nhà đưa huynh ấy đến cửa hàng trong kinh thành không? Giờ con đã bắt đầu giúp mẫu thân giải quyết công việc. Năm đó khả năng tính toán của huynh ấy giỏi hơn con rất nhiều, thừa sức làm chưởng quỹ ở cửa hàng...
- Nói hươu nói vượn.
(*Nhũ huynh: trong truyện là con của nhũ mẫu, ý chung để chỉ người anh cùng uống chung bầu sữa nhưng không phải cùng một mẹ)
Chu thị mỉm cười khẽ mắng Uy ca nhi nhưng ánh mắt không che dấu được sự vui mừng:
- Mọi chuyện trong phủ đều đã được sắp xếp rồi. Tuy nó là nhũ huynh của con nhưng vẫn là người hầu thôi, nhũ huynh con làm gì đã có phu nhân lo liệu. Con là thế tử của phủ Tế Ninh hầu chứ không phải là con cái thường dân, làm chuyện gì cũng phải nghĩ cho cẩn thận mới đúng. Không thể phá vỡ quy tắc vì tình cảm riêng tư...
- Biết mà! Biết mà!
Uy ca nhi không kiên nhẫn đáp nhưng lại rất thân thiết ôm tay Chu thị:
- Lâu lắm rồi con không được gặp nhũ mẫu, nhũ mẫu không thể bớt mắng con sao? Đúng rồi, lần trước nhị đệ đi thăm nhũ mẫu rồi về kể tay nhũ mẫu bị nẻ. Con xem nào... Hôm trước, con đến Thái Y viện tìm được cho nhũ mẫu một một bình cao chữa nẻ rất tốt, nghe nói Thái tổ hoàng đế đã từng dùng. Con đang định gửi cho nhũ mẫu thì nhũ mẫu lại vào phủ...
Đậu Chiêu nghe không nổi nữa.
Nàng ta chỉ bị nẻ mà con đã vội đến Thái Y viện tìm thuốc cho nàng ta. Ta bệnh sắp chết, con có từng tự tay sắc một bát thuốc cho ta!
Cảm giác đau đớn theo ngực truyền khắp cơ thể.
Đậu Chiêu lảo đảo trở về giường, không biết mình nằm lên giường thế nào, chỉ biết khi lấy lại tinh thần thì lưng đã ướt đẫm mồ hôi.
Nàng gọi Thúy Lãnh:
- Bảo Chu thị và thế tử vào đây
Thúy Lãnh thấy sắc mặt Đậu Chiêu không tốt, bất an nhìn nàng rồi mới đi truyền lời.
Chỉ chốc lát, Uy ca nhi và Chu thị đi vào.
Bọn họ như kiêng dè, một trước một sau bước vào. Một người kính cẩn cúi đầu gọi "mẫu thân", một người cung kính hành lễ gọi "phu nhân".
Lòng Đậu Chiêu lạnh buốt, cũng chẳng buồn quanh co, nói thẳng chuyện kết thân với nhà họ Quách cho con. Dù sao nàng có tránh Chu thị thì hai đứa con vẫn sẽ nói lại chuyện này cho Chu thị.
Uy ca nhi hơi ngây người, còn Chu thị kinh ngạc, sau đó như sắp khóc vì vui mừng.
Con còn chưa hiểu được thâm ý trong đó nhưng Chu thị đã hiểu được.
Đột nhiên, Đậu Chiêu cảm thấy nản lòng thoái chí, nói đơn giản với con:
- Chu thị chăm lo cho con, không có công cũng có khổ. Mẫu thân để Chu thị về hầu hạ con như trước, nhũ huynh con cũng về làm người hầu cho tổng quản.
- Mẫu thân!
Uy ca nhi vừa mừng vừa sợ, không hề suy nghĩ đã quỳ gối trước giường Đậu Chiêu, dập đầu vài cái:
- Con thay nhũ mẫu và nhũ huynh tạ ơn mẫu thân!
Vẻ mặt vô cùng hưng phấn.
Chu thị lo lắng, vội kéo Uy ca nhi:
- Không được, không được đâu, thế tử!
Một nhũ mẫu còn biết là không được, chẳng lẽ đứa con nàng cẩn thận dạy dỗ lại không biết?
Chẳng qua là không kìm lòng nổi thôi!
Chương 4: Trùng sinh
Đậu Chiêu không nói rõ được mình ghen tỵ hay hâm mộ, huyết khí trong người dâng lên, khó chịu như bài giang đảo hải, chỉ sợ nhìn con thêm một chút thì sẽ làm ra chuyện khiến mình phải hối hận. Nàng bảo Thúy Lãnh:
- Đưa lệnh bài cho thế tử gia. Truyền lời của ta, về sau không chỉ là phòng thế tử mà chuyện trong phòng nhị thiếu gia, tiểu thư cũng để Chu thị lo liệu.
- Mẫu thân!
Uy ca nhi ngẩng đầu, nhận ra điều bất thường.
- Phu nhân, không thể!
Giọng Chu thị thê lương, sắc mặt trắng bệch trong phút chốc.
Dù sao cũng là người mình lựa chọn, thật thông minh.
Bọn trẻ có nàng ta bên cạnh sẽ tránh được những âm mưu thâm hiểm.
Đậu Chiêu nhắm mắt, phất phất tay:
- Ta mệt rồi, muốn nghỉ ngơi. Các ngươi lui xuống đi!
- Phu nhân!
Chu thị như sắp khóc, dập đầu với Đậu Chiêu.
Uy ca nhi nhìn Chu thị khó hiểu.
Đậu Chiêu lại phất phất tay, xoay người vào trong.
- Phu nhân yên tâm. Dù nô tỳ có mất mạng cũng sẽ chăm sóc công tử, tiểu thư cẩn thận.
Chu thị lẩm bẩm, lại dập đầu với Đậu Chiêu rồi cùng Uy ca nhi ra ngoài.
Phòng yên tĩnh lại, có cảm giác cô tịch, lạnh lẽo sau khi người đi nhà trống.
Lòng Đậu Chiêu buồn bã.
Nếu Ngụy Đình Du có tài, có trách nhiệm của một nam tử thì một người đàn bà như nàng sao phải lo liệu đủ việc của Ngụy phủ? Sao có thể không quan tâm đến con mình?
Nếu mẹ chồng quan tâm đến hai cháu một chút, không chỉ lo cầu thần bái Phật thì sao hai đứa trẻ có thể coi một người không chung huyết thống như Chu thị là người thân?
Hay là ngay từ đầu nàng đã chọn sai người?
Nếu Chu thị là người lòng tham không đáy, tham phú phụ bần, thô bỉ vô lễ, đanh đá chua ngoa thì hai đứa con sẽ không nhớ thương nàng ta như vậy.
Nhưng sao nàng có thể để người như vậy ở bên con mình, dạy dỗ con mình?
Thậm chí nàng còn không biết nên oán hận ai mới tốt!
Những lúc thế này, Đậu Chiêu lại nghĩ đến mẫu thân đã mất sớm.
Nàng còn nhỏ như vậy sao mẫu thân đã bỏ nàng mà đi?
Nếu mẫu thân còn sống, dạy nàng làm thê tử nên thế nào, làm mẫu thân nên thế nào thì có phải nàng sẽ không phải chịu nhiều khổ cực như vậy, không phải đi con đường khúc khuỷu như vậy và bọn trẻ sẽ không xa lánh nàng?
Đó là một câu trả lời khó không có đáp an.
Đậu Chiêu thấy cả người mệt mỏi rũ rượi.
Nàng lấy chăn che đầu, vùi mình vào trong bóng tối tĩnh lặng.
Trong lúc mơ mơ màng màng, nàng nghe thấy những tiếng khóc thất thanh, muốn nhìn xem chuyện gì nhìn nhưng mí mắt lại nặng trĩu, không thể mở nổi. Lại có tiếng Ngụy Đình Du khóc bên tai nàng:
- Nàng đi rồi ta phải làm sao?
Chỉ chốc lát sau lại là giọng của Quách phu nhân:
- Muội yên tâm, Uy ca nhi là cháu rể của tỷ, tỷ sẽ bảo vệ nó bình an.
Ta chết rồi ư?
Đậu Chiêu cố gắng mở mắt lại phát hiện mình đang ngồi trên sập. Ánh mặt trời chiếu vào tuyết đọng trong vườn, xuyên qua cửa sổ dán giấy Cao Ly khiến cả phòng sáng bừng lên.
Một thiếu phụ xinh đẹp có nốt ruồi son bên khóe miệng đang ngồi đối diện nàng, đang chơi dây với nàng. Còn cả bốn, năm a hoàn khoảng mười lăm tuổi đang ngồi quanh sập thêu thùa.
Các nàng đều mặc áo bông, váy thô, hoặc cài hoa đinh hương trắng hoặc cài trâm bạc, xinh đẹp trong sáng làm cho người ta chỉ nhìn thôi đã thấy vui vẻ.
Đậu Chiêu không biết một ai trong phòng nhưng lại có cảm giác thân thiết đến kỳ lạ.
Nàng nhớ khi còn ở huyện Chân Định, người hầu sẽ ăn mặc thế này vào mùa đông.
Thì ra nàng đang nằm mơ.
Đậu Chiêu cười cười, định xuống sập xem các tiểu a hoàn đang thêu gì nhưng chân còn chưa thò xuống đã bị giữ lại.
Mấy tiểu a hoàn mỉm cười.
Thiếu phụ xinh đẹp vội đỡ nàng xuống, miệng còn nói:
- Tứ tiểu thư định lấy gì? Nhũ mẫu ở đây, để nhũ mẫu lấy giúp tiểu thư!
Thì ra đây là nhũ mẫu của nàng.
Lần trước là nhũ mẫu béo tròn như bánh bao, lần này lại là nhũ mẫu xinh đẹp cài hoa trên tóc, không biết lần sau sẽ thế nào?
Nàng chạy về phía các tiểu a hoàn đang may vá, đột nhiên phát hiện mình nhỏ đi rất nhiều, bàn ghế trước kia rất bình thường mà giờ lại cao lên gấp đôi.
Ồ! Giấc mơ này thật chi tiết!
Mấy tiểu a hoàn đang thêu thùa đều ngẩng đầu lên, mỉm cười thân thiết với nàng.
Người lớn một chút làm giày, người nhỏ hơn làm túi thơm, người nào người nấy đều rất thành thạo, có thể thấy là đã quen với công việc này.
Có một trận gió lạnh thấu xương thổi tới.
Đậu Chiêu ngẩng đầu, thấy rèm cửa bằng vải bị vén lên, mấy a hoàn cùng một thiếu phụ bước vào.
Người trong phòng đứng dậy hành lễ với nàng ấy:
- Thất phu nhân!
Đậu Chiêu ngây người nhìn.
Tuổi chừng mười tám, mười chín. Dáng người không cao, thon thả thướt tha. Mặt dài, mày lá liễu, môi anh đào nhỏ nhắn. Thân mặc áo màu hồng thêu hoa bằng lụa gấm và đi giày màu tối, da nàng ấy trắng như tuyết, so với hoa còn đẹp hơn vài phần.
Đây chính là mẫu thân của nàng!
Mình tuyệt đối không hề giống mẫu thân.
Nàng có vóc dáng cao gầy, đường cong yêu kiều, mặt trứng ngỗng*, mày dài đến tóc mai, môi đỏ căng mọng, ánh mắt sắc bén và cả chiếc cổ dài đầy khí thế, cùng phụ thân nàng cứ như là một khuôn đúc ra. Lúc vừa gả về phủ Tế Ninh hầu, vì để bản thân trông nữ tính hơn nên nàng đã tỉa mày dài thành mày lá liễu, nói chuyện nhẹ nhàng, cũng có được ba phần xinh đẹp giống mẫu thân.
*mặt hình bầu dục, giống trứng ngỗng
Mẫu thân cười khanh khách đi tới.
Nàng nhìn rõ ràng hơn.
Gương mặt trắng nõn của mẫu thân tựa như mỹ ngọc thượng hạng, không chút tì vết, vô cùng xinh đẹp.
Nàng ấy nhéo mũi Đậu Chiêu, trêu ghẹo nói:
- Sao thế Thọ Cô? Không đón mẫu thân à!
Thọ Cô?
Là nhũ danh của nàng sao?
Nàng chưa từng biết mình còn có nhũ danh như vậy.
Nước mắt đột nhiên trào ra.
Nàng vội ôm lấy chân mẫu thân.
- Mẫu thân, mẫu thân!
Khóc như đứa trẻ bất lực.
- Trời đất!
Mẫu thân không hề cảm nhận được bi thương của nàng, cười hỏi nhũ mẫu kia:
- Thọ Cô làm sao vậy? Sao tự dưng lại khóc?
Không hề hoài nghi hay trách cứ nhũ mẫu, hiển nhiên là vô cùng tín nhiệm nhũ mẫu kia.
- Vừa rồi vẫn ổn mà.
Nhũ mẫu cũng rất kinh ngạc, chỉ đành nói:
- Có lẽ là thấy phu nhân tới? Con gái thấy mẫu thân, chẳng có chuyện gì cũng khóc được.
- Vậy à?
Mẫu thân đặt nàng lên sập:
- Con bé này, khóc ướt hết váy ta rồi.
Đậu Chiêu ngây người.
Không phải mẫu thân nên lo lắng tại sao con khóc ư? Sao mẫu thân lại lo cho váy của mình...
Đó, đó thực sự là mẫu thân của nàng sao?
Nàng mở to hai mắt nhìn.
Khuôn mặt nhỏ nhắn còn vương hai hàng nước mắt trong suốt.
Mẫu thân phì cười, lấy khăn lau nước mắt giúp nàng, nói với nhũ mẫu:
- Con bé này ngốc quá!
Sau đó lại dịu dàng bế nàng, hôn lên khuôn mặt nhỏ nhắn của nàng, nói:
- Phụ thân con sắp về rồi, con vui không?
Khóe mắt đầu mày chứa chan niềm vui.
Đậu Chiêu nhảy dựng lên.
Sao nàng có thể quên mất việc quan trọng như vậy!
Năm đó cha mẹ đã xảy ra chuyện gì nàng không biết chi tiết. Nhưng theo Thỏa Nương nói, phụ thân nàng lên kinh thành thi hương và đã gặp kế mẫu. Đáng thương rằng mẫu thân lại chẳng hay biết, thấy phụ thân gửi thư về nói muốn ở lại kinh thành chơi một thời gian thì không hề nghi ngờ, ngày ngày ở nhà kiễng chân mong đợi, còn lo phụ thân không đủ tiền, định sai nô tài của mình là Du Quốc Khánh gửi tiền cho phụ thân. Sau này chẳng hiểu vì sao bị ông nội biết được lại bị ông nội trách mắng nên mới thôi.
Thi hương là khi tháng tám, bên ngoài tuyết đã rơi, lúc này hẳn đã vào đông mà phụ thân còn chưa về, nhưng tổ phụ vẫn còn, phụ thân hẳn không thể Tết không về nhà. Nói cách khác, giờ nàng nói cho mẫu thân vẫn còn kịp.
Nhưng mẫu thân lại ôm chặt Đậu Chiêu, Đậu Chiêu giãy ra vài lần cũng không thể giãy được, vội đến độ kêu lớn:
- Mẫu thân!
- Hôm nay Thọ Cô làm sao vậy?
Mẫu thân không hiểu nổi sự ầm ĩ bất thường của con gái, nghiêm khắc nhìn nhũ mẫu.
Nhũ mẫu trở nên lo lắng:
- Nô tỳ và tứ tiểu thư ngủ đến giờ Thìn mới dậy. Tiểu thư ăn một bát cháo con, một chiếc bánh bao thịt, một chiếc bánh bột mì...
- Không phải ta đã dặn mỗi sáng ngủ dậy phải cho Thọ Cô uống nước ấm đầu tiên sao?
Mẫu thân trầm giọng cắt lời nhũ mẫu:
- Sáng nay ngươi cho Thọ Cô uống nước không?
- Có uống! Có uống!
Nhũ mẫu vội đáp, không còn sự thoải mái ban nãy:
- Nô tỳ làm theo lời phu nhân dặn, đầu tiên quấn chăn rồi mặc thêm quần áo cho tứ tiểu thư, sau đó mới hầu hạ tứ tiểu thư uống nước ấm...
Trời ơi! Giờ nói mấy chuyện đó làm gì?
Năm mười hai tuổi nàng theo bà nội đến sống ở điền trang, mùa hè theo bọn trẻ đi bắt cá, khát thì uống nước sông, mùa đông lên núi bắt chim sẻ, đói bụng sẽ nướng chim sẻ ăn, chẳng phải vẫn sống đến khi trưởng thành đó sao?
Đậu Chiêu lay lay mẫu thân:
- Mẫu thân...
Định nói cho mẫu thân rằng: "Phụ thân sẽ dẫn theo nữ nhân về nhà". Nhưng lời vừa nói ra lại có cảm giác yết hầu bị chặn lại, một câu gắn gọn lại trở thành mơ hồ, khó hiểu:
- Phụ thân... nữ nhân...
Chỉ được hai từ này.
Thấy Đậu Chiêu nói chuyện, mẫu thân quay đầu nhìn nàng cười, kiên nhẫn hỏi:
- Thọ Cô muốn nói gì?
- Mẫu thân!
Đậu Chiêu khó nhọc nói:
- Phụ thân... nữ nhân...
Lần này nói đã rõ ràng hơn nhưng không thể rõ ý.
Nàng gấp đến độ trán đầy mồ hôi.
Mẫu thân mặt mày hớn hở, hoàn toàn bỏ qua hai chữ "nữ nhân", phẩn khởi nói:
- Thì ra Thọ Cô của chúng ta cũng nhớ phụ thân! Tin đã báo về. Hai hôm nữa, phụ thân con về, mua rất nhiều pháo hoa, hoa đăng, hương nến. Là pháo hoa kinh thành đó! Có thể bắn ra màu sắc muôn hồng nghìn tía, đừng nói là huyện Chân Định mà cả phủ Chân Định cũng không bán đâu...
Lúc này còn quan tâm pháo hoa gì chứ!
Đậu Chiêu khẩn trương vô cùng, cố gắng lặp lại:
- Phụ thân... nữ nhân.
Mẫu thân nghiêm túc hỏi:
- Thọ Cô, con muốn nói gì?
Đậu Chiêu như trút được gánh nặng, hít sâu một hơi, nói từng chữ từng chữ một:
- Phụ thân - đưa - nữ - nhân - về...
Giọng nói thơ ngây nhưng lại rất rõ ràng và vang dội.
Như bị người bạt tai, vẻ mặt của mẫu thân trông rất kinh ngạc.
Nhũ mẫu và bọn a hoàn hoảng sợ nhìn nhau.
Trong phòng im ắng.
Rèm cửa đột nhiên bị xốc lên. Một tiểu a hoàn cài trâm vội chạy vào báo:
- Thất phu nhân ơi! Thất gia về rồi. Thất gia từ kinh thành về rồi...
- Thật ư!
Mẫu thân lập tức vui vẻ, vừa nói vừa nhấc váy chạy đi, đi được một quãng, nghĩ nghĩ lại qua lại bế Đậu Chiêu:
- Chúng ta cùng đi đón phụ thân của con nào!
Xem ra mẫu thân đã bắt đầu nghi ngờ.
Đậu Chiêu thở phào, ôm cổ mẫu thân, đáp lớn:
- Vâng!
Chương 5: Về nhà
Xe ngựa của phụ thân dừng trước cổng. Mấy tên gia đinh đang vội vàng chuyển đồ vào trong. Phụ thân mặc áo lụa màu xanh ngọc có hoa văn cỏ xương bồ, khoác áo khoác da, ngọc thụ lâm phong* đứng trước xe ngựa, đang nói chuyện gì đó với người bên cạnh.
(*)Ngọc thụ lâm phong 玉树临风 dịch nghĩa là Cây ngọc đón gió, ý chỉ người con trai có cốt cách tao nhã như cây ngọc, hiên ngang đứng trước gió để lộ phong thái tiêu sái. Xuất phát của thành ngữ này từ bài thơ Bài ca bát tiên uống rượu của Đỗ Phủ.
Nghe tiếng động, hắn quay đầu cười nhẹ, phong thái tuấn lãng tựa như gió mát trong đêm trăng.
Tim Đậu Chiêu thoáng khựng lại.
Nàng biết phụ thân tuấn tú nhưng chưa bao giờ thấy phụ thân thế này.
Trong ấn tượng của nàng, phụ thân luôn hơi nhíu nhíu mày, ngay cả khi cười thì ánh mắt cũng vẫn đượm buồn. Đặc biệt những khi lặng lẽ nhìn nàng, sóng mắt như giếng cổ ngàn năm khiến người ta lạnh run.
Không như bây giờ, trẻ tuổi, anh tuấn, sáng láng như ánh mặt trời, như thiếu niên vô lo vô ưu, nhìn thôi đã đủ ấm lòng.
- Thọ Cô.
Khuôn mặt tươi cười của phụ thân xuất hiện trước mặt nàng:
- Phụ thân về mà không chào sao?
Hắn đưa tay nhéo mũi Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu theo bản năng xoay mặt tránh tay phụ thân.
Phụ thân sửng sốt rồi cười cười, lấy trong xe ra một chiếc chong chóng, thổi gió cho chong chóng quay rồi giơ ra trước mặt nàng:
- Đây là quà phụ thân mang từ kinh thành về cho con đó. Thích không?
Nếu nàng còn là một đứa trẻ thì đã bị chiếc chong chóng này hấp dẫn. Nhưng nàng đã là mẹ của ba đứa trẻ, sao có thể quan tâm đến cái chong chóng này?
Đậu Chiêu vươn người nhìn vào trong xe ngựa dò xét.
Mẫu thân lại đỏ mặt, liếc mắt đưa tình nhìn phụ thân, như mừng như giận:
- Chàng trở về bình an là tốt rồi, còn mua quà cho chúng ta làm gì? Trong nhà thiếu gì đâu.
- Khác nhau mà!
Phụ thân đón lấy Đậu Chiêu:
- Đây là quà ta mua từ kinh thành về cho mọi người.
Mặt mẫu thân càng đỏ hơn, giống như uống rượu, ánh mắt trở nên mơ màng.
Đậu Chiêu vươn mình định vén rèm lên nhưng cánh tay nhỏ xíu, ngắn cũn không với được đến rèm xe.
Phụ thân nhìn ra ý đồ của nàng, vỗ vỗ mông nàng rồi đặt nàng vào xe ngựa:
- Con định tìm gì?
Đậu Chiêu không để ý đến phụ thân, chui đầu vào trong xe.
Trong xe trải chăn đệm dày, có mấy cuốn sách gì đó như "Tứ Thư Bình Giải"... để trên đệm, góc sáng là một bình trà nóng bằng sứ tím.
Ngoài ra không có gì khác.
Đậu Chiêu đứng trong xe, ngơ ngác nhìn quanh.
Chẳng lẽ nàng nhớ lầm ?
Hoặc là... Lời Thỏa Nương nói không phải sự thật!
Phụ thân từ xa mới về, chuyện đầu tiên phải làm đương nhiên là đi vấn an tổ phụ.
Mẫu thân lấy cớ muốn mở tiệc gia đình nên về phòng gọi hầu già.
- Là ai nói những lời vô liêm sỉ với tiểu thư? Tự đứng ra cho ta!
Nàng giận dữ vỗ bàn:
- Nếu để tiểu thư nói ra thì sẽ không chỉ là phạt ra làm ở ngoại viện, phạt tiền mấy tháng nữa đâu! Ta sẽ bẩm với lão thái gia đem bán đi, cả đời đừng mong được sống thoải mái nữa.
Phòng tĩnh lặng như tờ!
Chung trà trên bàn bị mẫu thân đập va vào nhau loảng xoảng:
- Được! Không ai đứng ra. Khinh ta không tìm được đúng không? Tiểu thư mới có ngần này tuổi, nói còn chưa sõi mà các ngươi lại xúi tiểu thư nói hươu nói vượn trước mặt ta. Nếu tiểu thư lớn thêm chút nữa thì có phải là bị các ngươi dạy hư rồi không...
Đậu Chiêu ngồi cùng một tiểu a hoàn ở phòng trong của gian chính, thỉnh thoảng lại thở dài.
Vốn là chủ ý của nàng, ai sẽ đứng ra nhận.
Nhưng Đậu Chiêu không thể biện giải thay cho bọn họ.
Giờ nàng chỉ là đứa trẻ nói còn chưa sõi, theo mẫu thân thấy thì lời bịa đặt "phụ thân dẫn theo nữ nhân về nhà" đương nhiên là do bọn người hầu xúi. Nếu nàng biện giải thay cho bọn họ thì chỉ sợ mẫu thân sẽ càng thêm nghi ngờ có người lòng dạ khó lường, bọn họ sẽ càng khó sống.
Nàng hỏi tiểu a hoàn bên cạnh:
- Tên ngươi... là gì?
Họng vẫn như bị chặn lại, không thể nói rõ ràng.
Tiểu a hoàn thụ sủng nhược kinh, ân cần thưa:
- Bẩm tứ tiểu thư, nô tỳ tên là Hương Thảo.
Nàng nói:
- Ta muốn... Thỏa Nương!
Tiểu a hoàn mở to hai mắt, tò mò nói:
- Thỏa Nương là ai?
Đậu Chiêu choáng váng.
Có người cao giọng bẩm:
- Thất phu nhân, thất gia đã về!
Bên ngoài có tiếng động truyền đến.
Mẫu thân khẩn trương nói:
- Vú Du, vú dẫn tứ tiểu thư vào phòng trước đi. Tối nay tứ tiểu thư sẽ ngủ lại chỗ ta. Những người khác nên làm gì thì đi làm đi.
Giọng nói già nua cung kính vang lên:
- Vâng!
Sau đó lại là những tiếng bước chân.
Chỉ chốc lát, mẫu thân tươi cười đi vào cùng phụ thân.
Thấy Đậu Chiêu ngây người ngồi trên sập, phụ thân xoa đầu nàng:
- Con bé này hôm nay sao vậy?
Mẫu thân không tiện nói chuyện Đậu Chiêu bị người xúi dại, hàm hồ cười cho qua:
- Chắc là chơi nhiều quá nên mệt thôi mà!
Phụ thân cũng không hỏi thêm.
Đám a hoàn bưng nước thơm vào, mẫu thân hầu hạ phụ thân rửa mặt, thay quần áo. Đậu Chiêu cũng được a hoàn bế xuống, rửa mặt chải đầu rồi cùng đến chỗ tổ phụ.
Tổ phụ ở tại tòa nhà phía tây, gian chính có tấm biển viết: "Hạc thọ đồng niên" nên được gọi là Hạc Thọ đường.
Trước cửa Hạc Thọ đường là một chiếc hồ nhỏ có núi đá, phía sau là gốc hoa tử đằng, là nơi đẹp nhất trong nhà.
Trong trí nhớ của Đậu Chiêu, có hai hai lần nàng tới đây. Một lần là năm chín tuổi lúc ông qua đời. Theo di chúc của ông, linh đường đặt tại Hạc Thọ đường, nàng đến chịu tang. Lần nữa là đến để làm lễ trừ phục cho ông. (Khi người chết được 27 tháng thì làm lễ đoạn tất hay lễ trừ phục (mãn tang)
Hai lần đều rất nhốn nháo, thậm chí nàng còn chưa kịp nhìn kỹ Hạc Thọ đường.
Lần này theo mộng trở về, nàng nằm trên vai mẫu thân, im lặng nhìn quanh.
Hồ nước đã kết băng, núi đá đọng tuyết, cây cối điêu linh, tử đằng cũng ủ rũ, tuy rằng một mảnh tiêu điều nhưng bố cục lịch sự tao nhã, vẫn đầy ý vị.
Nàng không khỏi âm thầm gật đầu.
Khó trách khi nhắc đến ông, những học sĩ Hàn Lâm đều không ngớt lời khen ngợi.
Chỉ tiếc ông không kiên nhẫn với quan trường, chưa đến ba mươi tuổi đã từ quan về quê.
Trong lúc miên man suy nghĩ, họ đã đến cửa Hạc Thọ đường.
Một người phụ nữ trung niên xinh đẹp cười đón bọn họ vào.
Đậu Chiêu nhìn chằm chằm bà ta.
Sao nàng có thể mơ thấy Đinh bà cô?
Nằm mơ thì cũng phải mơ thấy tổ mẫu chứ?
Từ nhỏ nàng đã lớn lên theo tổ mẫu.
Đang nghĩ thì Đinh bà cô bước lên kéo tay Đậu Chiêu, nói với mẫu thân:
- Hôm nay Thọ Cô sao vậy? Trông không vui, cũng không chào ai...
Mẫu thân đánh mắt với Đinh bà cô rồi nói nhỏ:
- Lát nữa con kể với người.
Đinh bà cô hiểu ý, bế Đậu Chiêu rồi cùng mẫu thân vào thư phòng của tổ phụ.
Lòng Đậu Chiêu hỗn loạn.
Hơn bốn mươi tuổi, tổ phụ dưới gối không con, đại tổ mẫu nạp thêm hai người thiếp cho tổ phụ. Trong đó một người là Đinh bà cô, một là tổ mẫu họ Thôi. Đinh bà cô và đại tổ mẫu đều không sinh con, tổ mẫu cũng chỉ sinh ra phụ thân. Phụ thân cũng không sinh được nhiều con, sau này kế mẫu vào cửa sinh được em trai Đậu Hiểu. Tổ mẫu có công sinh con nối dõi tông đường nên mới được gọi là Thôi thái thái. Tuy phụ thân vẫn gọi là "di nương" nhưng các cháu lại gọi là "tổ mẫu" còn Đinh bà cô thì vẫn thế.
Sau này đại tổ mẫu qua đời, tổ phụ quyết định không tái giá, để Đinh bà cô quản lý việc nhà, khi mẫu thân gả đến thì giao lại cho mẫu thân, Đinh bà cô chỉ lo việc trong phòng tổ phụ. Lúc tổ phụ về già vẫn ở cùng Đinh bà cô. Còn tổ mẫu lại ở điền trang cách huyện Chân Định năm mươi dặm, hàng năm đến Đoan Ngọ, Trung Thu, Nguyên Đán mới về ở vài ngày.
Đậu Chiêu cảm thấy bất an, như thể có gì đó đã xảy ra mà nàng lại chẳng hề hay biết.
Nàng lẳng lặng quan sát mọi thứ xung quanh mình.
Khi ăn tối, Đậu Chiêu để ý thấy bát đĩa là bộ bát đĩa sứ thanh hoa ngọc đường xuân sắc, đầy đủ từ chén, bát đến thìa.
Lúc tổ phụ hỏi chuyện phụ thân, Đậu Chiêu được bế đến sập trong thư phòng.
Nàng thấy trên bàn của tổ phụ có một đôi chặn giấy khắc hình ngựa bằng gỗ tử đàn.
Đậu Chiêu nghĩ nghĩ, kiễng chân lên, đếm những hạt ngọc lưu ly trên bảo kiếm Long Tuyền.
Nàng đã từng nhìn thấy những thứ này.
Lúc ấy, đó đều là thứ đồ yêu thích của tổ phụ, là vật được chôn theo khi ông qua đời.
Nàng còn nhớ rõ: bộ bát đĩa ngọc đường xuân sắc bằng sứ thanh hoa đó chỉ còn lại bốn chiếc bát, hai chiếc đĩa, một cái chén, năm chiếc thìa, cái chặn giấy chỉ có một và hạt ngọc treo trên kiếm có năm hạt.
Như thời gian chuyển dời, thay đổi mọi thứ.
Nàng nghe tổ phụ nói:
- ... Chương này lấy từ "Luận Ngữ", con dùng "Tấm lòng đại trượng phu rộng lượng, công bằng, trung thành mưu trí" để mở đề, lại dùng...
Tay chân Đậu Chiêu lạnh toát.
Tùy nàng biết chữ nhưng chưa từng đọc qua Tứ Thư Ngũ Kinh. Có thể nào từ trí nhớ trống rỗng mà mơ được ra thế này...
- Mẫu thân! Mẫu thân!
Đậu Chiêu hoảng hốt. Nàng gọi mẫu thân, nước mắt không khống chế được lại rơi xuống.
Tổ phụ đang nói chuyện hào hứng với phụ thân thì sầm mặt xuống.
Mẫu thân hoảng sợ vội chạy vào phòng:
- Phụ thân, để con bế Thọ Cô qua bên cạnh chơi!
Nàng áy náy bế Đậu Chiêu ra thư phòng.
Đinh bà cô cũng chạy ra đón.
Mẫu thân cùng tổ phụ, phụ thân ăn tối. Bởi vì hôm nay nhũ mẫu không đến cùng nên Đinh bà cô bón cơm cho Đậu Chiêu, đợi Đậu Chiêu ăn no thì mọi người đã ăn xong, chỉ còn lại chút đồ ăn thừa. Bà vội vàng dùng bữa qua loa.
- Làm sao thế?
Bà sờ trán Đậu Chiêu:
- Bình thường rất ngoan, chẳng lẽ là gặp phải cái gì?
Đậu Chiêu ôm chặt cổ mẫu thân, cảm nhận sự ấm áp từ mẫu thân, như thể có thế thì mới chứng minh rằng nàng không gặp phải ma quỷ.
- Không thể nào?
Mẫu thân rùng mình, chần chừ hỏi:
- Hay là kẻ đã xúi giục Thọ Cô lại làm gì?
- Không sao đâu.
Đinh bà cô định liệu trước:
- Cho dù chúng làm gì cũng không cần sợ. Chúng ta là nhà lương thiện, đại tiên sẽ phù hộ chúng ta bình an. Lát nữa ta cầu cho Thọ Cô lá bùa, cháu xoa lên người Thọ Cô rồi đốt đi, Thọ Cô sẽ không sao.
Mẫu thân gật gật đầu, nghiến răng nghiến lợi nói:
- Nếu tra được là ai có lòng bất chính, cháu sẽ lột da người đó!
- May cháu nói trước mặt ta chứ nói trước mặt thất gia thì phiền phức lớn rồi.
Đinh bà cô cảm thán. Lúc này có một gia đinh chạy vào bẩm:
- Thưa lão thái gia, thất gia, thất phu nhân, Đinh bà cô, tam gia ở Đông phủ đến ạ!